Chuyện khởi sự làm phim “Dòng sông phẳng lặng”

09:39 06/10/2009
NGUYỄN THANH TÚ"...Phim Dòng Sông Phẳng Lặng (DSPL) không chỉ là tác phẩm nghệ thuật mang tính sử thi ngợi ca chủ nghĩa anh hùng Cách mạng của quân và dân Thừa Thiên Huế (TTH) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mà tập trung hoàn thành bộ phim này nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày TTH và miền Nam hoàn toàn giải phóng, việc làm đó còn là nghĩa cử của người đang sống đối với những liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì hòa bình độc lập dân tộc ở mảnh đất này". Đó là phát biểu của đồng chí Hồ Xuân Mãn - Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh TTH tại cuộc họp bàn công tác sản xuất phim DSPL mà nhà văn Tô Nhuận Vỹ đã kể cho tôi nghe.

Một cảnh trong phim Dòng sông phẳng lặng - Ảnh: vietbao.vn

Nhìn nhà văn rất vui, tôi hiểu ông không chỉ vui bởi tác phẩm văn học của mình được chuyển thể thành phim để một lần nữa có dịp đến với công chúng và được họ đón nhận nồng nhiệt như thời cách đây hơn 30 năm khi tiểu thuyết DSPL ra đời. Mà có lẽ điều tâm đắc hơn, TTH sẽ có bộ phim "tầm vóc" đủ sức tái hiện lại một phần cuộc chiến đấu anh dũng kiên cường của thế hệ cha anh để giành lại cuộc sống hôm nay từ tay kẻ thù xâm lược. Cuộc chiến đấu ấy là bản anh hùng ca có sức thuyết phục các thế hệ tiếp nối càng thêm yêu quê hương và cuộc sống hôm nay! Tôi biết vậy bởi từ cách đây 6 năm, TTH đã dự định làm phim kỷ niệm 25 năm ngày giải phóng. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ là một trong những thành viên tích cực tham dự nhiều cuộc họp bàn và duyệt kịch bản cùng với Sở văn hóa - thông tin, NSND Đặng Nhật Minh nhưng việc không thành. Dạo đó, do yêu cầu phải là phim điện ảnh (phim nhựa), vì vậy đòi hỏi sự đầu tư từ kinh phí, kịch bản kể cả một ê kíp làm phim có chất lượng cao nhưng thời gian quá gấp rút, một phần tìm kiếm kịch bản khó khăn nên dự tính đó đành phải bỏ ngỏ!

Rồi thời gian cứ thế trôi đi, để lại sự tiếc nuối không chỉ cho ông mà còn rất nhiều người yêu nghệ thuật điện ảnh. Nhiều lần ông tâm sự: "Thật tiếc về một cơ hội ngàn vàng đã trôi qua". Nhưng cũng thật bất ngờ, cách đây chừng một năm, dự định làm phim kỷ niệm ngày giải phóng Huế lại được thổi bùng lên từ phía lãnh đạo Tỉnh. Một kế hoạch mới triển khai gấp rút và được sự ủng hộ triệt để từ các cơ quan chức năng và các cấp chính quyền. Lần này "đứng mũi chịu sào" trong việc tổ chức sản xuất phim là Đài Phát thanh - Truyền hình Thừa Thiên Huế. Mặc dù chưa có kinh nghiệm và đội ngũ những người làm phim còn non trẻ nhưng bù lại, ở đây có nhiều tấm lòng nhiệt huyết, yêu bộ môn nghệ thuật này. Có lần tôi nói đùa với Dương Tiến Anh (Giám đốc Đài PT&TH Thừa Thiên Huế): "Anh chạy trời không khỏi nắng, mà lại rất có duyên với phim nhé". Anh cười vui và gương mặt thoáng chút lo âu. Tôi nói vậy bởi Dương Tiến Anh cũng đã một thời với Tô Nhuận Vỹ cùng "... vác tù và hàng tổng" lo toan về chuyện làm phim khi anh đang đương nhiệm Phó giám đốc Sở văn hóa thông tin. Bây giờ công việc ấy lại một lần nữa đến với anh vừa bất ngờ vừa thú vị. Vẫn biết sẽ không ít vất vả, khó khăn nhưng với Dương Tiến Anh "Đó là cơ hội để cống hiến, để thử sức mình trước một công việc mới mẻ nhằm tạo tiền đề cho kế hoạch phát triển Đài truyền hình địa phương". Và vậy là việc tìm kiếm đơn vị hợp tác sản xuất phim bắt đầu đưa anh rong ruổi khắp các con đường vào Nam ra Bắc.

Sau chừng một tháng, tiểu thuyết DSPL được chọn chuyển thể thành kịch bản phim và Hãng phim Giải Phóng trở thành đơn vị hợp tác sản xuất. Trong khi nhà biên kịch Lưu Nghiệp Quỳnh cắm cúi chuyển thể tiểu thuyết DSPL thành 15 tập phim truyền hình cùng tên thì đạo diễn Lê Cung Bắc cũng bắt đầu ra Huế chọn cảnh quay. Với đạo diễn Lê Cung Bắc, người mê phim ở nước ta không mấy ai nghi ngờ về khả năng làm phim của ông? Nhưng việc trở lại Huế lần này ông còn có một tâm sự khác. Huế - dòng sông Hương, Vỹ Dạ, cầu Trường Tiền và những con đường tỏa về các thôn xóm ngoại ô đã gắn liền với tuổi thơ đạo diễn một thời! Có lẽ vậy nên ông muốn gửi lại Huế một điều gì đó sâu hơn, lắng hơn không như những gì vốn hiện hữu dễ nắm bắt? Ông đã cùng với nhà văn Tô Nhuận Vỹ lặn lội về từng làng, quan sát từng mảnh vườn, khúc sông, đầm phá,... để chọn cảnh quay cho DSPL rất nhiều ngày nhưng tất cả cũng chỉ dừng lại ở đó. Công việc "bếp núc" của chuyện làm phim đã không tạo được cơ duyên cho ông "sinh thành đứa con tinh thần" mà ông từng mong muốn. Dù vậy, chuyến ra Huế lần này đã để lại trong ông không ít kỷ niệm đẹp, mà trên hết vẫn là tấm lòng người Huế đang mong muốn có được một bộ phim khắc họa lại cuộc chiến đấu mà chính họ đã từng nếm trải, từng chứng kiến.

Chuyện kể rằng, có lần đạo diễn Lê Cung Bắc cùng nhà văn Tô Nhuận Vỹ về chọn cảnh quay ở làng Viễn Trình - một căn cứ Cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhìn những ngôi nhà mái tranh vách nứa, những con đường đất ngang dọc lối xóm... ông tỏ ra rất tâm đắc cho một số trường đoạn trong kịch bản phim DSPL sắp quay. Nhưng chỉ ít phút sau ông lại trở về nỗi buồn của người chia xẻ: "Nơi này vẫn còn nghèo khó quá". Đúng lúc ấy, trong số người địa phương đang hóng chuyện có giọng quả quyết rằng: "Dù bận lo cho nồi gạo hàng ngày nhưng nếu phim quay về cuộc chiến đấu của làng tôi, chúng tôi sẽ bỏ công đóng vai quần chúng không lấy tiền đâu". Và có người già đã khóc khi nhận ra nhà văn Tô Nhuận Vỹ là người đã từng cùng họ tham gia chiến đấu trong những ngày kháng chiến. Nhưng rồi DSPL đã không chảy đến tận cùng với đạo diễn Lê Cung Bắc, ông trở lại thành phố Hồ Chí Minh lo toan cho phần việc đầy trọng trách của mình ở Hãng phim Việt - Mỹ vừa mới thành lập.

Sau một thời gian gián đoạn và nhiều cuộc họp bàn, cuối cùng Trung tâm sản xuất phim truyền hình (TTSXPTH) - Đài THVN được chọn là đơn vị hợp tác sản xuất phim DSPL thay Hãng phim Giải Phóng. Với lợi thế ban đầu là sự ủng hộ triệt để của Tỉnh ủy, UBND Tỉnh. Một số các văn bản mang tính pháp lý ra đời như: Quyết định của Tỉnh ủy TTH về việc thành lập Ban cố vấn chỉ đạo xây dựng bộ phim DSPL do đồng chí Hồ Xuân Mãn làm Trưởng ban cùng với các ủy viên như đồng chí Nguyễn Văn Giáo - Chỉ huy trưởng BCH Quân sự Tỉnh, đạo diễn Lê Cung Bắc, nhà văn Tô Nhuận Vỹ; Quyết định thành lập Ban chỉ đạo sản xuất phim DSPL của UBND Tỉnh do Ông Ngô Hòa - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh làm Trưởng ban và 3 Phó Ban là các ông: Dương Tiến Anh (Giám đốc Đài PT & TH), ông Phan Công Tuyên (Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy), ông Nguyễn Văn Cao (Chủ tịch UBND Thành phố Huế) cùng với 7 thành viên là Giám đốc một số cơ quan có liên quan quá trình sản xuất phim như: Sở Văn hóa thông tin, Công an, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Đại học Huế, BCH quân sự Tỉnh, LH VHNT Tỉnh.

Có thể nói, lần đầu tiên trong cả nước, một bộ phim truyền hình khi chuẩn bị sản xuất đã đón nhận được sự quan tâm như vậy từ phía chính quyền? Đồng chí Hồ Xuân Mãn tâm huyết: "Tôi sẽ là trục quay chính cho tất cả các thành viên trong suốt quá trình làm phim". Từ tinh thần câu nói ấy, hầu như tất cả mọi người đã vào cuộc với một không khí sôi nổi, khẩn trương và đầy trách nhiệm. Những ngày đầu tháng 9, ê kíp làm phim của TTSXPTH - Đài THVN đã đến Huế. Đạo diễn Đỗ Đức Thành, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ cùng với một số thành viên đã đến nhiều nơi để tham khảo, bàn bạc cùng tổ chức phối hợp từ việc chọn cảnh quay, tuyển diễn viên, phục trang, đạo cụ, phim tư liệu.v.v... Ngoài những thuận lợi từ sự giúp đỡ của các cơ quan, đoàn thể, một số khó khăn "kiểu Huế" cũng bắt đầu xuất hiện cho những người mới đến.

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ kể rằng, có lần Đoàn làm phim đến nhà cố nghệ sỹ Nguyễn Hữu Đính mà nay con trai cụ là Nguyễn Hữu Châu Phan đang ở để liên hệ xin quay một vài phân đoạn. Sau khi nghe đạo diễn trình bày xong, chủ nhà tuyên bố ngay: "Ngôi nhà này từng là cơ sở Cách mạng trong những năm kháng chiến, bây giờ nếu các anh quay cảnh lính Ngụy mà đứng ngồi nghênh ngang ở đây là không thể được. Chỉ có những cảnh của người cách mạng đang làm việc thì các anh quay tùy thích. Đó không phải là ý riêng tôi mà ngày ông cụ tôi còn sống, ông đã dặn như vậy". Một lần khác, đạo diễn Đỗ Đức Thành cùng nhà văn Tô Nhuận Vỹ và các cộng sự của mình đến nhà anh Quý Tiết xem một số phim tài liệu mà anh đang lưu giữ. Sau khi xem xong, đạo diễn tỏ ý hợp đồng mua lại vài cảnh quay có thể giúp ích cho DSPL khi dựng phim. Nhưng thật không ngờ, người bán đã khăng khăng từ chối khi nghe đạo diễn đặt vấn đề và nói rằng: "Nếu Đoàn làm phim mua với tư cách là người của Đài THVN thì đắt mấy tôi cũng không bán. Tôi chỉ bán những thước phim này cho tỉnh TT.Huế, dù chỉ một giá có thể chấp nhận được". Và không ít chuyện như thế đã làm người đạo diễn trẻ "không biết đâu mà lần" trong suốt thời gian chọn cảnh quay, tuyển mộ diễn viên, làm quen với tính cách người Huế... mà anh chưa được tiếp xúc nhiều. Vâng, người Huế là vậy! Dù rất thơm thảo mến khách và sẵn lòng giúp đỡ, nhưng cái chất "mệ" như vẫn còn đâu đó lẫn khuất giữa cuộc sống đời thường mà người mới đến rất khó nhận ra.

Tuy nhiên sau một thời gian không lâu, đạo diễn Đỗ Đức Thành cũng đã chọn xong những "trường quay" chính cho 15 tập phim DSPL của mình. Vườn An Hiên, vườn cố họa sỹ Bửu Chỉ, làng Viễn Trình, Vỹ Dạ, sông Hương.v.v... đã phác thảo một bức tranh toàn cảnh cơ bản giống những gì mà tiểu thuyết DSPL đã mô tả cách đây hơn 30 năm.

Vậy là chỉ còn chờ giờ phút bấm máy để làm nên hình hài của phim DSPL - Những hình ảnh sống động với ngôn ngữ "Người thật việc thật" đã anh dũng kiên cường bám đất bám làng chiến đấu với quân thù sẽ được tái hiện trên màn ảnh nhỏ nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng TTH. Và để làm nên những thước phim vừa truyền cảm vừa có sức thuyết phục đối với một đề tài mang tính sử thi như vậy chắc chắn rằng rất khó khi mà trường quay, đạo cụ còn nhiều hạn chế và thời gian quá hạn hẹp... Nhưng để khắc phục những yếu điểm ấy, phim DSPL mang nhiều lợi thế mà ít phim nào may mắn có được. Đó là sự quan tâm nồng nhiệt của chính quyền địa phương, nguồn kinh phí 3 tỷ đồng cho 15 tập phim (mỗi tập 50 phút), sự nhiệt tình cộng sự của tất cả các cơ quan, đoàn thể và nhiều cá nhân cùng với một ê kíp làm phim được đánh giá là những người có tay nghề vững vàng và tâm huyết. Chắc chắn, phim DSPL sẽ không còn phẳng lặng như tên gọi của nó khi đang còn là những trang tiểu thuyết?

Huế, tháng 10 năm 2004

N.T.T
(189/11-04)






 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • NGUYỄN KHẮC THẠCHTrong buổi tọa đàm giữa các nghệ sĩ Điện ảnh Việt Nam với văn nghệ sĩ trí thức Huế vừa rồi, nhà văn Nguyễn Khắc Phê đã chuẩn bị sẵn một tham luận có tiêu đề rất "gây sự" là Khoảng cách giữa điện ảnh Việt Nam với khán giả nhưng điều đó lại được "giải tỏa" ngay khi anh nhấn mạnh - trừ cuộc liên hoan lần này.

  • VI THUỲ LINHHollywood, kinh đô điện ảnh (ĐA) thế giới, là mơ ước, đích đến của nhiều nước. Việt Nam, được xếp hạng thuộc “thế giới thứ ba” cả về kinh tế và vị thế điện ảnh, vừa có mặt ở đây, một đoàn 13 nhà ĐA, hào hứng và quyết tâm để học. Vậy ở kinh đô ấy, họ đã nhận thấy điều gì?

  • VĨNH NGUYÊN...Ngọc Tranh sinh năm 1932 ở làng Thọ Linh, Quảng Sơn, Quảng Trạch, Quảng Bình. Cha mất sớm, ở với mẹ và bà nội. Tuy là con cưng nhưng sau những buổi đi học về là cắt cỏ, chăn trâu giúp đỡ gia đình, bởi vùng đất chỉ hai mùa khoai - lúa, mất mùa, bà con sống bằng nghề mây tre, lá nón trên rừng...

  • VŨ HÀSuốt mười ngày đêm (từ 3.5 đến 13 tháng 5 năm 2003) trên sân khấu Nhà hát Trưng Vương thành phố Đà Nẵng, hơn 500 nghệ sĩ, diễn viên của 12 đơn vị nghệ thuật từ Thanh Hoá tới Khánh Hoà đến tham gia Liên hoan khu vực đã ra mắt 12 vở diễn phong phú các sắc màu, giọng điệu tươi mới nồng nàn, làm nên gương mặt sân khấu của những năm tháng này...

  • ĐẶNG NHẬT MINH                (Trích hồi ký)...Bộ phim là sự thể hiện của tài năng chân chính và sự giàu có nội tâm... Chúng tôi đã chứng kiến hàng loạt những nhận xét cảm động về bộ phim kể cả từ phía khán giả đại chúng. Bộ phim đã giành được uy tín rất cao trong lòng hàng loạt khán giả, kể cả chuyên gia điện ảnh và truyền hình lẫn các giới chức ngoại giao và những người khác...

  • ĐẶNG NHẬT MINH                    (Trích hồi ký)Sau khi đi thực tập về điện ảnh một thời gian ngắn ở Paris về, tôi bắt đầu viết kịch bản Cô gái trên sông mà tôi đã có ý định từ trước như một món nợ tinh thần đối với xứ Huế, quê hương tôi. Cô gái trong kịch bản chính là cô gái trong bài thơ của nhà thơ Tố Hữu: Tiếng hát sông Hương. Cô gái đó tượng trưng cho nhân dân khổ đau hy vọng vào một ngày mai tươi sáng, hết lòng che chở cho cách mạng. Nhưng khi thành công rồi thì một số người đã quay lưng lại với họ.

  • LTS: Kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam (15/3/1953) khai sinh cho nền điện ảnh dân tộc, SÔNG HƯƠNG xin giới thiệu với bạn đọc ba chương (chương III, IV, X) trong cuốn Hồi ký Điện ảnh của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Qua những dòng hồi ký này bạn đọc sẽ biết được trong hoàn cảnh nào Đặng Nhật Minh đã trở thành đạo diễn điện ảnh, những bước đi đầu tiên của anh trong lĩnh vực này... và như anh đã viết trong lời nói đầu của cuốn hồi ký: ..."nếu gạt bỏ đi những cái chủ quan của người viết (mà chắc là không tránh khỏi) vẫn còn lại cái gì đó hữu ích đối với những ai muốn tìm hiểu đôi chút về một thời làm phim ở nước ta".                                                                SH

  • NGUYỄN TUYẾN TRUNGNhững năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước tôi có dịp ra thăm hậu phương lớn miền Bắc cùng đoàn đại biểu Mặt trận dân tộc giải phóng khu Trị Thiên. Tôi gặp kịch tác gia Hồ Ngọc Ánh trong hội nghị tập huấn về sân khấu tại 51 Trần Hưng Đạo do đạo diễn Đình Quang hướng dẫn.

  • NGÔ MINHTôi đã xem một số bộ phim của anh và đã gặp anh mấy lần ở nhà anh Hoàng Phủ Ngọc Tường. Tôi thấy lúc nào anh cũng nói chuyện từ tốn, rỉ rả kiểu Huế. Trên Tạp chí Sông Hương tôi cũng đã đọc mấy đoạn hồi ký của anh viết về sự lận đận xung quanh những bộ phim. Mới đây nhà văn Trần Thùy Mai lặng lẽ đưa cho tôi cuốn “Hồi ký điện ảnh”(*) của Đặng Nhật Minh, bảo: “Đọc đi, được lắm”. Thế là tôi đọc một mạch... Những trang hồi ký đã giúp tôi hình dung 30 năm làm phim vất vả của một nghệ sĩ tài năng. Hồi ký... do đạo diễn Mai Lộc viết “Lời giới thiệu” và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết lời bạt: “Đặng Nhật Minh- Người kể sự tích dân tộc mình bằng điện ảnh”.

  • LÂM TÔ LỘCCách mạng tháng Tám tạo bước ngoặt lịch sử cho nghệ thuật múa Việt vốn có truyền thống từ lâu đời. Di sản múa các dân tộc ở ba miền Bắc Trung Nam với ba hình thái (múa dân gian, múa tôn giáo, múa cung đình) đã từng bước được phục hồi và phát triển, kể cả dòng nghệ thuật múa mới ở các vùng đô thị lớn. Thời kháng chiến chống Pháp hầu hết những người hoạt động múa trước cách mạng tháng Tám đều tham gia kháng chiến.

  • HỒ NGỌCTrong đời sống, nhiều khi vì quá quen thuộc với một sự kiện, một hiện tượng nào đó, ta thường ít để ý đến nó, hơn thế nữa càng không có yêu cầu nhìn lại để xem nó có những điểm nào không còn thích hợp, cần có sự thay đổi... Sân khấu chúng ta hiện cũng có tình trạng tương tự.

  • NGÔ HÙNG SƠN(Kịch vui)NHÂN VẬT- Giám đốc- Bích Hường: Người tình của Giám đốc- Người đàn bà: Vợ phó giám đốcChuyện xảy ra tại Văn phòng Giám đốc

  • NGUYỄN NGHĨA NGUYÊNChúng tôi xem qua vô tuyến truyền hình nên nhìn đi mà không được nhìn lại, ấy thế mà tiết mục đã để lại ở chúng tôi một ấn tượng sâu sắc.Các nghệ nhân như những nàng tiên hai bàn tay cặp hoa đăng uốn lượn vẽ ra một dải Ngân Hà trong một ánh sáng và tiếng nhạc cung kính, trang nghiệm gợi ra một cảm giác xa xưa của một thời vang bóng.

  • ĐẶNG NHẬT MINHTháng 2 vừa qua, trong sinh hoạt điện ảnh Trung Quốc đã diễn ra một sự kiện đặc biệt thu hút sự chú ý của mọi người: cuộc gặp mặt của sinh viên khoá 82 Trường Đại học Điện ảnh Bắc Kinh.

  • VĂN CẦM HẢI thực hiệnLTS: Nhà phê bình điện ảnh Trung Quốc Lý Thụy Anh đã đánh giá rất cao đạo diễn Đặng Nhật Minh qua bài viết "40 năm phim truyện Việt ". Nhiều giải thưởng lớn trong nước và quốc tế từ thập kỷ 70 đến nay (gần đây nhất là giải Bông sen vàng liên hoan phim truyện Việt lần thứ XIII) cũng đủ minh chứng cho điều đó. "Nó không chỉ đem lại danh tiếng cho ĐAVN mà quan trọng hơn là giúp cho công chúng quốc tế biết đến ĐAVN". Sông hương xin trân trọng giới thiệu trích đoạn cuộc trò chuyện giữa đạo diễn Đặng Nhật Minh và nhà văn Văn Cầm Hải nhân dịp ông về thăm nhà vào những ngày sắp bước sang xuân mới.

  • Nếu ta không làm được như sân khấu kinh kịch Trung Quốc thì cũng học tập chút ít kinh nghiệm của bạn xây dựng cho mình