TRẦN TRUNG SÁNG
Khoảng mùa đông 1970 - 1971, khi đang còn đang học lớp 10, trong một chuyến phiêu lưu lãng mạn và rồ dại nhất của tuổi thiếu niên, tôi có lần lạc bước đến một xóm nhỏ gần bên cầu Gia Hội, và đã gặp ông: họa sĩ Lê Vinh, người họa sĩ vẽ tranh xi-nê lừng danh nhất xứ Huế thời bấy giờ. Lúc này, ông chừng độ tuổi 30, người dong dỏng, tóc vuốt ngược, sơmi màu, quần jean, giày cổ cao, dáng dấp phong trần, như bước ra từ màn bạc!
Họa sỹ Duy Hinh qua nét vẽ của họa sỹ Lê Vinh
Người dẫn tôi đến giới thiệu tôi với Lê Vinh, vốn là một môn đệ cật ruột cũng đang sinh sống kề cận nhà ông, nói:
- Thằng ni ở trong Quảng ra, hắn muốn xin học vẽ. Hắn mê nghề vẽ quá!
Ông đảo mắt nhìn xoáy vào người tôi từ đầu tới chân, nhếch mép cười:
- Rứa hở?
Một lát, vất mẩu thuốc vừa tàn trên tay xuống đất, ông hỏi:
- Hắn ra đây bao lâu rồi? Ở mô?
- Dạ, hắn mới ra ngày qua. Đang ở với tui.
“Ừm…”, ông ngoảnh mặt và nói:
- Cứ ở đó đi. Vài bữa nữa rồi tính.
Họa sĩ Lê Vinh rút gói thuốc, châm lửa điếu mới, rồi lặng lẽ bước đi về phía đầu xóm.
![]() |
Họa sỹ Lê Vinh (người thứ 4, để râu, từ trái qua) |
Thời điểm này ở Huế, họa sĩ Lê Vinh được xem như là “ông hoàng vẽ tranh xi-nê-ma”. Các rạp chiếu phim Hưng Đạo, Khải Hoàng, Châu Tinh, Tân Tân, Hoàn Mỹ… đều tín nhiệm giao việc cho ông. Khi tôi đến Huế, người ta vẫn còn xôn xao nhiều giai thoại về công việc vẽ xi-nê của ông. Chẳng hạn, chuyện tấm phông hai chàng cao bồi khổng lồ trong phim “Hận thù trong dòng máu” do ông dựng tại rạp Hưng Đạo vào năm 1968, hoặc chuyện ông được các rạp phim lớn ở Sài Gòn mời làm việc, nhưng nhanh chóng bị giới vẽ tranh xi-nê nơi đây dàn xếp đưa ông về lại cố đô, vì tài năng ông quá lấn lướt. Họa sĩ Đinh Cường sau này trong một bài viết về Trịnh Công Sơn đã nhắc lại: “Tôi còn nhớ rõ, ở chân cầu thang lên lầu, bên vách, Sơn treo bức hình James Dean thật lớn, hình như Lê Vinh vẽ. Lúc đó, Lê Vinh là họa sĩ vẽ phông xi-nê rất giỏi, không ai vẽ đẹp và nhanh bằng - cả Sài Gòn và Huế”.
Người giới thiệu tôi với họa sĩ Lê Vinh là Lê Văn Mỹ. Mỹ lớn hơn tôi vài tuổi, ở thời điểm này đã là một trong những học trò xuất sắc được tin cậy của Lê Vinh (bên cạnh Hồ Công Thành). Thực ra, trước khi gặp Mỹ, tôi đã được sự gởi gắm của đứa bạn thân học cùng lớp dân gốc Huế - người bà con họ hàng của Mỹ, với ý nghĩa: “Thằng ni con nhà đàng hoàng, đi phiêu lưu giang hồ chỉ vì chí hướng tìm giấc mơ nghệ thuật”. Mỹ con nhà giàu, gia đình làm chủ một quán cơm gần rạp Châu Tinh, được giao quản lý hẳn ngôi nhà rộng rãi, sang trọng gần nhà Lê Vinh, nên việc đón nhận cưu mang tôi không khó khăn. Ở với Mỹ, thỉnh thoảng tôi được anh dẫn qua rạp Châu Tinh xem những người thợ phụ của Lê Vinh làm việc. Mỹ nói: “Về lâu dài, cụ mi cũng phải tập pha màu, căng toile, rửa pano, leo trèo dàn giáo… như những người ni. Nhiều khi còn phải về nhà ông Vinh dọn dẹp, chùi rửa chén bát nữa đó! Coi thử chịu nổi không? Nếu không, thì trở về lại nhà, hồi khác ra đây thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật”. Tuy nhiên, hàng ngày, tôi thấy Mỹ ít qua rạp phim, mà thường ở nhà giao du cùng nhiều nhóm bạn bè. Trong đó, ngoài những nhóm thanh niên hippy tóc tai dài lòng thòng, còn có những thanh niên đạo mạo, đầu đội mũ bê rê, ghé đến ôm theo những chồng sách triết học, khi thì nhờ Mỹ vẽ chân dung triết gia Krishnamurti, khi thì chân dung nữ ca sĩ Sylvy Vartan, hoặc cô đào minh tinh Brigitte Bardot… Có lần Mỹ giao cho tôi một tấm giấy roki, kẻ ca rô phóng to chân dung Krishnamurti lên đó, thì đột nhiên họa sĩ Lê Vinh bước vào đứng sau lưng tôi nhìn chăm chú. Giây lát, ông nói: “Thằng ni ngó bộ có năng khiếu đó…”. Đoạn hứng chí, ông kéo ghế ngồi xuống giảng giải, chỉ dẫn cho tôi vài cách vẽ nhanh tranh chân dung, theo thứ tự từng chi tiết trước sau: khuôn mặt, mắt, mũi, miệng… Đó cũng là lần đầu tiên và cuối cùng tôi được trực tiếp học hỏi họa sĩ Lê Vinh trong nghề vẽ. Bởi, chẳng bao lâu sau, cuộc phiêu lưu “đi tìm nghệ thuật” của tôi bị bại lộ tông tích và ba mẹ tôi từ Đà Nẵng trực tiếp ra Huế, đến xóm nhỏ ở Gia Hội đón tôi trở về gia đình, tiếp tục trở lại con đường học vấn. Để đáp ứng nguyện vọng và đam mê của tôi, mùa hè năm sau tôi được gia đình cho trở lại Huế thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật, nhưng việc cũng bất thành (lúc này thi vào đó CĐMT Huế chỉ cần chứng chỉ lớp 10, nhưng phải có học một năm dự bị). Từ đó, hầu như tôi không còn dịp trở lại Huế và gặp ông Lê Vinh.
Thế rồi, vào một ngày cận Tết khoảng năm 1990, trong khi đến tụ tập vui chơi tại gia đình họa sĩ Duy Hinh, thân phụ của những người bạn thân tôi là họa sĩ Duy Ninh, nhạc sĩ Duy Khoái (tác giả bài hát Đêm hội phố Hoài), tôi bất ngờ hội kiến họa sĩ Lê Vinh tại đây. Nguyên thời trai trẻ ông Hinh khởi nghiệp nghề họa thành danh tại Huế, từng là bạn thân với ông Vinh. Trong lần gặp đó, có chút men rượu hưng phấn, tôi nhắc lại kỷ niệm xưa, chuyện tôi xin ông thọ giáo nghề vẽ xi-nê, ông có vẻ xúc động vui thích, dù điều đó không đọng lại chút gì trong ký ức của ông. Ông cho biết, giờ đây đã lớn tuổi, ông chỉ muốn nghỉ ngơi vui chơi, nhường chỗ cho lớp người mới. Về phần Lê Văn Mỹ, anh ta kế thừa công việc của ông rất thành công và khá giả, kể cả giai đoạn không còn làm quảng cáo xi-nê, mà làm qua các mảng quảng cáo khác… (Mỹ đã mất vào năm 2013). Ngoài lần đó, tôi còn gặp ông thêm vài lần nữa cũng tại nhà họa sĩ Duy Hinh. Lúc nào trông ông cũng phong độ, nói cười vui vẻ, có lần ông còn ngồi ký họa trực tiếp chân dung họa sĩ Duy Hinh.
Mới đây, tình cờ qua phỏng vấn, trò chuyện với họa sĩ Lê Hữu Trí - một gương mặt trẻ, năng động ở Huế, tôi bất ngờ biết được, anh là con trai của họa sĩ Lê Vinh, tôi lập tức thăm hỏi về ông. Anh cho hay: “Ông đã mất vào năm 1996. Thời trai trẻ, ông sống đời nghệ sĩ, rất tự do, không toan tính mưu cầu để lại cái gì lâu dài cho mai sau. Ba tôi có 7 người con. Người chị đầu hát rất hay, vẽ đẹp (nay có gia đình sinh sống ở miền Nam). Anh trai kế (đang sinh sống tại hải ngoại) cũng rất có tài năng mỹ thuật. Tuy nhiên, anh em chúng tôi tự phát triển, chứ ba không định hướng, dìu dắt, nên các anh chị không ai theo nghề của ông. Riêng tôi là đứa con thứ 5 (sinh năm 1972), hồi mới lớn có thời gian theo ba vẽ xi-nê, làm tượng nhà thờ và vẽ quảng cáo. Sau này, tôi thi vào trường mỹ thuật, ba chỉ dặn tôi một điều: “Con tự thắp đuốc mà đi... đừng nghĩ nhiều”. Và tôi cũng học ở đây 2 năm rồi bỏ, vì không muốn mình bị ràng buộc, để tìm đến với cõi tịnh yên, một mình mặc khải với bản lai hội họa”.
Ngày nay, theo xu hướng phát triển công nghệ thông tin, phim ảnh đến với người hâm mộ bằng những con đường khác nhau. Việc quảng bá phim ảnh, nếu có cũng thực hiện theo cách mới, chứ không vẽ tay trên pano như xưa. Tuy nhiên, mỗi chúng ta, khi nghĩ về văn hóa Cố đô Huế, hẳn hình ảnh những tấm pano xi-nê cực lớn, với sắc màu rực rỡ, sinh động, nhộn nhịp một thời vẫn chẳng thể xóa nhòa trong ký ức, bởi lớp bụi thời gian.
T.T.S
(SHSDB41/06-2021)
THANH THẢO
Thì cũng là chuyện lang thang cơ nhỡ thôi, nhưng đây là lang thang vào một tạp chí văn học, và cơ nhỡ “gửi” một ít bài thơ của mình.
NGUYỄN HỮU TẤN
Bút ký dự thi
Mỗi khi nhớ tới câu hát “thường những buổi trưa buồn hỏi mình khe khẽ… con đường nào, con đường nào dẫn đến những ngày xưa” thì trong lòng lại nghe nhớ huyễn hồ tàn xanh mát rượi mấy con đường ở Huế.
NGUYỄN ĐÌNH BẢY
(Nguyên Giám đốc Sở Công an TT Huế kể)
NGUYỄN QUANG HÀ ghi
Hồi ký
Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Công an nhân dân
NGUYỄN QUANG HÀ
NGUYỄN QUANG HÀ
Ghi chép
Tôi nhớ làm lòng, như một quyển sách hay gối trên đầu giường, về kỷ niệm trở về mảnh đất xưa đã từng nuôi chúng tôi thời chiến tranh.
TRẦN BĂNG KHUÊ
Bút ký dự thi
TÔ NHUẬN VỸ
Cứ sắp đến Tết và vào những ngày Tết người ta hay bàn soạn và bàn luận về các món ăn, về sự ăn uống ngày Tết. Không có ăn thì chẳng còn là ăn Tết mà.
VÕ MẠNH LẬP
1. Trong huyết mạch giao thông quốc lộ có hai cái đèo chắn ngang dải đất miền Trung như những bức tường để phân định địa giới của Bình Trị Thiên, đó là Đèo Ngang nằm vắt qua dãy núi Hoành Sơn và đèo Hải Vân cắt ngang dãy núi Bạch Mã nằm ở phía Nam từng được mệnh danh Thiên hạ đệ nhất hùng quan.
TRANG THÙY
Bút ký dự thi
Mạ tôi kể rằng, mạ theo học nghề hương từ lúc mới 10 tuổi ở chùa Tường Vân. Do thương mạ chăm chỉ chịu khó mà không biết chữ nên mạ vừa được dạy nghề làm hương vừa được Hòa thượng Thích Chơn Trí dạy cho biết chữ.
LINH THIỆN
Thấm thoắt mà đã bốn mươi năm, kể từ ngày ba chở tôi đi thi đại học trên chiếc xe đạp cọc cạch. Hồi ấy, rất ít người có xe máy.
NGUYỄN QUANG HÀ
HÀ KHÁNH LINH
Một ngày vào hạ tuần tháng 5.1983 có một sự kiện làm cho giới văn nghệ sĩ, báo chí, và những người quan tâm đến đời sống văn hóa văn nghệ lấy làm hoan hỉ phấn chấn, đó là sự ra đời của Tạp Chí Sông Hương số 1 phát hành trên phạm vi cả nước.
ANH THƠ
Hồi ký (trích)
"Tiếng chim tu hú" là tập II của "Từ bến sông Thương” - hồi ký dài của Nữ sĩ. Tác phẩm này sẽ ra mắt bạn đọc một ngày sắp tới. Đoạn dưới dây là các chương 3 và 4 của phần "Đường lên xứ Lạng”.
VÕ MẠNH LẬP
Quê hương của cựu chiến binh Huỳnh Hồng ở Thừa Thiên Huế, nhưng sau ngày nghỉ hưu, anh lập gia đình và định cư ở Đà Nẵng.
TẾ HANH
Trước Cách mạng tháng 8-1945 tôi chỉ gặp Thanh Tịnh có một lần mặc dầu tôi sống đến 8 năm ở Huế và Thanh Tịnh là một nhà văn nổi tiếng sinh trưởng ở Huế.
HÀ KHÁNH LINH
Những ngày nửa đầu tháng 12/2021 dư luận rộ lên sự cố Quốc Ca Việt Nam bị tắt tối 6/12/2021 khi chuẩn bị khai trận bóng đá tuyển Việt Nam với tuyển Lào vòng bảng AFF Cup 2020 - vì vấn đề… bản quyền (!)…
L.T.S.: Một nét đặc trưng của đời sống văn hóa đô thị nói chung là sự hiện diện những tổ chức văn hóa nghệ thuật tự nguyện: nhóm, hội, thi xã, tao đàn v.v...
NGUYỄN ĐẮC THÀNH
Tết ở quê, người làng luôn tự túc mọi thứ. Giản đơn, bình dị, không khoa trương, nhưng luôn đem lại một không khí rất khác, ấm cúng, sum vầy.
NGUYỄN ĐÌNH HỒNG
Tiếng súng của Nam Bộ - Sài Gòn đi đầu chống thực dân Pháp làm nức lòng cả nước, sôi sục căm thù bọn xâm lược.