NGUYỄN THẾ TƯỜNG
Sáng nay, ông Tổng biên tập gọi tôi tới bảo đi ngay dự lễ khánh thành một chiếc cầu. Tôi loáng quáng xách máy chạy ra xe, không kịp cả dặn vợ cắt cơm trưa.
Ông Tổng biên tập không đáp, coi như câu trả lời sẽ là thừa. Chưa xong mà làm lễ khánh thành à!
Chiều nay tôi ngồi ở đây, trong hội trường huyện, ngay gần ngã ba sông, giữa hàng trăm quan khách nghe bài diễn văn hơi dài của ông Chủ tịch huyện. Bên ngoài, nắng trải mặt sông, ngời lên loang loáng. Tôi ngồi ngó mông lung ra nơi ngã ba sông. Con sông Kiến Giang từ Trường Sơn, trên đường tìm về biển đến đây, gặp vùng đất rắn, dừng lại quẫy đạp, vùng vẫy, rồi như bất lực, lặng lẽ chia làm hai ngả. Từ bao đời nay hai nhánh sông như hai cánh tay mềm mại chuốt cho dải đất nơi ngã ba này thành nhọn hoắt. Dân gian đặt cho nó cái tên: Mũi Viết. Chính Mũi Viết này là tâm điểm của ba vùng dân ca, đêm đêm trai gái ra đứng nơi ngã ba sông mà hò đối đáp. Cũng vì vậy mà hành trình con đò ngang có khác: nó phải cặp qua ba bến trong mỗi lượt đi. Từ vùng tả qua Mũi Viết, ghé lại tiếp qua vùng Thượng rồi quay về. Bao đời nay vẫn thế.
Từ sau ngày đất nước thống nhất, người ta bắt đầu nghĩ tới chuyện xây cầu qua sông. Chính ngã ba sông trở thành tiêu điểm của bao cuộc tranh luận nảy lửa giữa hai phái: Một số cho rằng phải xây một chiếc cầu hình chữ Y, đuôi cầu cắm vào Mũi Viết, hai mũi gắn với hai vùng Thượng và tả Kiến Giang. Những người còn lại bảo vệ ý kiến xây lần lượt hai chiếc cầu ngay gần ngã ba nối sang Mũi Viết. Sức đến đâu làm đến đó. Mãi, rồi cuộc tranh luận cũng phải chấm dứt…
“… Chúng tôi đánh giá cao những cố gắng của đội cầu thi công, đã không quản… đã khắc phục… đã…”
Đánh giá cao! Tất nhiên rồi. Không có cái cầu thì hai bờ sông cứ như hai thế giới riêng. Một bước là xuống đò. Có việc qua huyện: xuống đò, xong việc trở về, lại đò… Những bà thúng mủng đi chợ, những cô cậu học sinh trung học xắn quần đến bẹn vác xe đạp chen nhau xuống đò. Có người con gái lấy chồng bên kia sông, nấu được bát canh cá bảo con xách về cho ông ngoại, đò chòng chành, đổ sạch xuống sông. Phiền quá! Ai chẳng muốn được đi qua sông trên mặt cầu: cứng cáp bằng phẳng hơn cả đường làng.
Lúc này, ở hai đầu chiếc cầu mới xây xong, người dân hai vùng đã đứng chật ních, chen chúc nhau trước hai dải băng đỏ chắn ngang. Hai thiếu nữ mặc áo dài bưng sẵn hai cái khay phủ vải trắng, đựng kéo cắt băng chắc là sắc lắm. Một dãy ô tô lớn nhỏ xếp hàng chờ sẵn. Trong khi đó bài diễn văn của ông Chủ tịch huyện vẫn chưa hết:
…“Cách đây năm năm, chúng ta đã xây dựng thành công cầu Xuân Phong nối vùng tả với huyện lỵ… đánh dấu…”
Lại những tiếng vỗ tay râm ran. Anh bạn quay phim ở đài truyền hình Huế giơ máy quay xè xè thu cái hình ảnh vỗ tay của quan khách; rồi đặt máy xuống bàn, tựa cửa nhìn ra cầu. Bây giờ thì cả dưới mặt sông cũng đã đông. Những bè nứa, bè gỗ không biết xuôi xuống từ bao giờ, tấp lại. Những chiếc đò dọc ghé vô đang loay hoay tìm chỗ đậu. Trên một vài chiếc thuyền chài, những ngư dân lưng đen cháy, đứng khuỳnh khuỳnh rất vững trên đôi chân vòng kiềng, xung quanh là cả tiểu đội con cái với mụ vợ tóc rối bù, những đứa trẻ trần truồng thò lò mũi xanh, đều ngước lên mặt cầu, nơi có hai dải băng đỏ đang rung rung lấp loáng trong nắng.
***
Khi buổi liên hoan khánh thành cầu kết thúc thì trời đã về chiều, nắng nhạt dần. Những khách đến dự, những người hiếu kỳ đến xem cầu đã kéo nhau về hết. Tôi tha thẩn ra đầu cầu đứng ngắm ngã ba sông. Thực ra, cái không khí ngày hội ở vùng thị trấn đồng quê này vẫn chưa hết. Người ta ào ào kéo qua cầu. Xe đạp đi hàng ba, thanh niên bá vai nhau đi nghênh ngang. Hai ông già râu dài đến ngực lâu nay không biết ẩn dật ở đâu tự dưng xuất hiện với cái quạt mo muôn thuở. Vài cô gái quê, gánh củi dương về, dừng lại trở vai ngay giữa cầu. Để ý, thấy có người lên cầu không vì việc gì cả. Họ đi rất chậm, hai tay sờ sờ lên lan can. Qua hết cầu, người ấy lộn lại, đứng vẩn vơ một lát rồi về nhà. Một anh thợ cày lấm láp vác cả bộ cày bừa trên vai, dắt trâu về qua. Con trâu đứng sững lại, vẻ thủ thế, giương đôi mắt lồi với cái mũi ướt lên. Mất một lúc, anh thợ cày giật mình quất một roi thật đau lên mông con vật. Thế là cả chủ lẫn tớ men sông khệnh khạng về nhà. Một bàn tay đặt nhẹ lên vai, tôi quay lại: Bùi Dũng - ông bạn quay phim. Dũng nói:
- Xuống đi đò ngang chơi ông!
- Đò ngang? Đi đâu?
- Qua chợ Tréo!
- Ông nói gì lạ thế không thấy cái gì lù lù kia à! Tôi chỉ ra mặt cầu.
- Có, tôi thấy, nhưng ông lại không thấy gì kia nữa.
Tôi nhìn theo tay Dũng. Cách cầu chừng năm mươi mét, nhánh sông nghẽn lại, eo thắt như cái cổ cò. Hai bờ, ngay sát mép nước có những cây cừa cường tráng, lá xanh um tùm. Từ thân cây, từng chùm rễ phụ dài, rậm quét xuống mặt nước. Trong ánh nắng chiều đang thấp dần phía sau làng, dưới khoảng tối mờ ảo của bóng cừa, một chiếc đò lặng lẽ bám bờ vào bến. Trên lái, một người đứng, hai tay cầm chèo như chỉ chờ có người xuống đò là quay lái. Dũng nói sau lưng tôi:
- Chỗ đó lúc nãy là bến đò ngang.
Tôi cãi:
- Nhưng chiếc đò này chắc gì là đò ngang.
- Đò ngang đấy, người phụ nữ đứng kia là lái đò kỳ cựu ở vùng này. Tớ biết mà!
- Nhưng còn ai thèm đi đò nữa mà chị ta chờ, không lẽ chị ta chờ ông?
- Có thể lắm - nói rồi Dũng cương quyết kéo tay tôi - Xuống đi, xuống với tôi, đừng cãi, rồi sẽ biết.
Hai chúng tôi đi về phía bến. Đúng là đò ngang thật. Trên lòng thuyền còn kê ván lót. Mạn thuyền có đóng nhiều đoạn dày để cho khách ngồi. Đằng lái có chiếc chiếu cho lái thuyền ngả lưng và cái túi đựng tiền chắc là toàn những đồng hào lẻ. Dũng chào chị lái đò, một tay túm búi rễ cừa, kéo tôi ngồi xuống mạn và chị lái đò lạnh lùng quay lái. Thế là, chuyến đò ngang muộn màng, ế ẩm chở hai ông khách kỳ quặc là Dũng và tôi, tiến ra giữa dòng sông. Một tia nắng còn sót lại chiếu chênh chếch vào mạn thuyền. Cả tôi và Dũng không đứa nào nghĩ tới việc cầm chèo đằng mũi chèo giúp như khách thường làm mỗi khi đò đầy, sóng cả. Chiếc đò lừng khừng tiến ra giữa sông. Tôi chợt nhận thấy nó loay hoay như không muốn vào bến. Bất giác tôi nhìn chị lái đò. Suốt đời tôi không bao giờ quên chân dung người phụ nữ đó. Chị là hiện thân của một vẻ đẹp thuần khiết đồng quê. Đôi môi đầy chất phác, gò má đầy đặn phúc hậu. Đôi mày kéo lên rồi hạ xuống phía đuôi mắt thành một chữ V ngược, sâu lắng. Chiếc áo láng đen bó sát thân hình đầy đặn, chắc lẳn như một khúc bánh tét, nổi lên bộ ngực khỏe mạnh. Tay áo xắn cao để lộ đôi cánh tay rắn rỏi của người quen chèo thuyền. Chị đứng cao trên lái thuyền, thân hình tạc vào bầu trời hoàng hôn những đường cong mạnh mẽ, cân đối. Đôi mắt chị không hướng vào bờ mà ngước nhìn đi đâu đâu lên phía cầu đang mỗi lúc càng đông người. Mái chèo cứ hờ hững, loạng choạng gạt nước. Chiếc đò đi nghiêng nghiêng như một gã đàn ông say rượu. Cuối cùng rồi thuyền cũng cập bến, suýt nữa va phải cái am nhỏ đứng dầm chân dưới nước, trong am nghi ngút khói hương. Tôi móc bóp lấy ra năm hào bước qua lòng thuyền đưa cho chị. Người lái đò tay vẫn cầm chèo lặng lẽ lắc đầu, trong đôi mắt chị có một điều gì đó không thể nào diễn tả nổi. Dũng kéo tay tôi lảo đảo bước lên bờ nhanh miệng chào:
- Thôi, cảm ơn chị nghe!
Người phụ nữ vẫn đứng rất vững trên lái thuyền. Tôi nghe một tiếng “dạ” nho nhỏ vọng tới.
Lên tới đường, ngoái lại tôi vẫn thấy chiếc đò nằm đó và người phụ nữ đường nét như tranh vẽ, lặng lẽ đứng cầm chèo.
Trai gái vẫn từng tốp, từng đôi đạp xe qua cầu, không một ai để ý đến người và đò cô đơn dưới dòng sông.
Dũng nháy mắt:
- Lạ lắm hả?
- Ừ, lạ thật! Tôi thú nhận.
Dũng trầm ngâm ra chiều suy tư:
- Hiện tượng này, các nhà tâm lý học gọi là “quán tính tâm lý”.
- Quán tính tâm lý?
Dũng rườm rà:
- Trước hết, tôi kể cho ông nghe một câu chuyện cổ tích lưu truyền ở vùng này. Ông là dân thành phố nên không hiểu lắm tâm lý của người vùng sông nước. Lúc nãy qua sông, ông có chú ý đến những cây cừa ở bến đò không? Cái cây có bộ rễ phụ xõa xuống nước như tóc đàn bà ấy, với cái am thờ ở bến sông nữa, cả một thiên truyện cổ tích đấy, nó như thế này:
… Ngày xưa, ở ngã ba sông này có mụ Trẹo không chồng, không con, sống cô độc với con đò ngang. Ngày ấy, người trên cạn còn thưa thớt, bờ sông cây cối um tùm mà dưới nước ma-rà nhiều lắm. Ngày ngày mụ Trẹo chèo đò đưa người qua sông đi chợ, đi bẻ bắp, cúng giỗ, đám đình. Qua đò, ai trả cái gì mụ cũng lấy. Cuộc đời mụ tưởng chừng như sẽ gắn bó với con đò cho đến khi chết. Nào ngờ, một đêm, trời đột ngột nổi cơn dông, mưa lớn ở thượng nguồn. Con nước đổ về cuốn phăng chiếc đò của mụ ra biển. Sáng ra mất thuyền, mụ lăn lộn kêu khóc, xắn quần, vén áo đi tìm suốt ba tháng mười ngày, không thấy. Về nhà mụ xõa tóc thắp hương vừa đi ăn mày vừa lễ bái ở bến đò suốt ba tháng mười ngày nữa. Rồi một đêm không trăng sao mụ nhảy xuống sống với ma-rà. Lại ba tháng mười ngày nữa ma-rà đẩy xác mụ lên bờ biến thành cây cừa ngày ngày đứng xõa tóc xuống nước…
- Thôi, thôi, đừng kể nữa, nghe dễ sợ quá.
- Chuyện cũng đến đó thôi. Sau này người ta lập miếu thờ mụ, thiêng lắm ai đi đêm hôm khuya khoắt muốn quá giang cứ khấn mụ là có đò ngay à. Sau này nữa, ai muốn sắm đò ngang phải cúng mụ, xây am thờ và trồng cừa ở bến đò, như cái bến tụi mình qua đó. Tớ kể chuyện này để chứng minh cho cậu rõ ràng: Người dân vùng chiêm trũng này gắn bó với con thuyền lắm. Đẻ ra đã nhìn thấy con thuyền. Đi nhổ mạ, thuyền, đi cấy, đi gặt, đám đình, giỗ, chạp, hội hè bằng thuyền hết. Khi chết cũng được đưa xuống thuyền ngược lên chôn trên núi.
Tôi nhận xét:
- Mình thấy thương thương cái chị lúc nãy thế nào ấy, cậu ạ!
- Cậu bảo không thương mà tớ rủ cậu đi đò ngang cả khi cái cầu đã nằm chình ình ra đó à. Bà ấy không nhớ, chứ tớ không thể quên bà ấy được. Hồi còn ở nhà đi học trường huyện ngày nào chả qua đò. Có khi vội quá làm đò chòng chành bà ấy nạt phải biết. Nhưng thường ngày bà ta cũng dễ thương lắm. Có hôm đi học về muộn, đói vàng mắt, bà ấy còn dúi cho trái bắp, củ khoai mập ú, ngon lành. Chiều nay, khi cắt băng khánh thành thông cầu tớ đã nhìn thấy bà ta đậu thuyền dưới chân cầu. Rồi khi chúng mình “nâng cốc” trong hội trường huyện, nhìn ra vẫn thấy bà cầm chèo ngồi trên lái thuyền. Tớ mới biết bà không dễ gì rời con thuyền được. Nên tớ mới rủ cậu xuống đi chuyến đò cuối cùng này.
***
Lên bờ, Dũng coi như đã hoàn thành nhiệm vụ. Anh ta vui vẻ huýt sáo rảo bước sang bên kia cầu, nơi tối nay sẽ có buổi xi-nê chiêu đãi nhân lễ khánh thành cầu. Tôi đứng thơ thẩn một lát rồi đến ngồi trên bãi cỏ trên bờ sông. Gần đó cũng có những cây cừa già đứng xõa tóc xuống nước. Trời đang tối dần. Mặt sông sẫm lại, xanh đen như màu mực. Trên cầu, đèn điện bật sáng chiếu loang loáng xuống mặt sông. Tiếng loa phóng thanh bên kia cầu vang lên. Dòng người ùn lên cầu càng đông. Có tốp bươn ngay qua bãi chiếu. Nhiều người dừng lại, tựa lan can nhìn xuống mặt nước, hít thở mùi vôi vữa chưa kịp khô, hứng làn gió lang thang thổi dọc triền sông, tận hưởng cái cảm giác khoái trá được đứng ngay trên dòng sông vừa bị chinh phục. Tôi ngồi nhìn dòng người vui lây cái niềm vui chính đáng của người dân đồng quê, và tự thấy hổ thẹn cho mình. Ở Huế, mỗi ngày bốn lần đạp xe đi về qua hai chiếc cầu bắc qua sông Hương, chưa bao giờ tôi có được chút tự hào sung sướng như thế. Phải chăng vì tôi chưa bao giờ có dịp vác xe đạp chen xuống đò ướt đến bẹn, trong tiếng la mắng, nguyền rủa của mấy bà đi chợ lắm lời. Phải chăng vì tôi chưa bao giờ phải đứng ở bến sông trong đêm khuya, giữa mưa gió tầm tã rét mướt gân cổ lên mà gào một cách tuyệt vọng: Ơ đò… rồi lại lầm rầm khấn mụ Trẹo cho đò quá giang để mau về nhà, thay quần áo ướt sũng, hơ đôi tay cóng lên bếp lửa ấm. Cạnh hai chiếc cầu ở thành phố tôi tuyệt nhiên không có dấu vết gì của bến đò xưa, và tôi cũng vô tình không bao giờ tự hỏi: Một trăm năm trước, ai đã chèo đò ngang qua sông Hương?
Bỗng, từ bờ sông vẳng đến chỗ tôi ngồi cái âm thanh gì giống như tiếng khóc, tiếng nức nở. Tôi lắng tai nghe. Đúng là có ai đang khóc trong đám cây dừa lúc này đã tối đen như mực. Tiếng nức nở cố nén lại nên bật ra những tiếng rất đanh. Tôi rùng mình suýt bỏ chạy. Mụ Trẹo, mụ tổ của nghề chèo đò ngang ở ngã ba sông này từ trong câu chuyện cổ tích buồn thảm kia phút chốc hiện lên trước mặt tôi, với làn da nhăn nheo, tóc xõa đỏ quạch như rễ cừa, cầm cái bơi chèo nhìn tôi đăm đăm. Tôi bước hai bước về phía có ánh sáng điện nhưng rồi lại rón rén vòng ra sau khóm cừa quan sát. Không phải nhìn lâu, trước mắt tôi, một con thuyền neo dưới bóng cừa loang lổ ánh điện, chòng chành nhè nhẹ. Đúng là con thuyền lúc chiều. Tôi kinh hoàng nhận ra người phụ nữ lái đò. Chị đứng đó, cô đơn, tối tăm, tóc xõa rối bù, mắt ngước lên phía cầu, nhòa lệ. Trên cầu dòng người vẫn hối hả kéo qua. Không một ai ngờ rằng có người lái đò nhìn cầu, nhớ thuyền đứng khóc, phải! Giờ này, buổi xi-nê này, lẽ ra cả dòng người kia phải bước xuống đò của chị la hét - đùa - giỡn - chen chúc huyên náo. Không dừng được, tôi đi tìm Dũng và kể cho cậu ta nghe chuyện vừa xảy ra.
***
Đêm đã khuya. Trong phòng khách ủy ban huyện, hai chúng tôi không ngủ. Dũng vừa trăn trở vừa kể cho tôi nghe câu chuyện về cuộc đời người lái đò ngang:
- Ông nội tớ kể rằng: Cách đây khoảng nửa thế kỷ. Cách đây nghĩa là cách cái thời thơ ấu thò lò mũi xanh của tớ ấy - Dũng giải thích - Có một ông quan nhỏ trong triều đình Huế theo Văn Thân đánh Pháp, không thành, dạt về vùng này mở lớp dạy học. Sau rồi cũng bị Pháp cấm vì tuyên truyền chánh trị gì đó. Nản quá, ông ta mua một con thuyền, tới ngã ba sông này làm nghề chèo đò ngang. Ngày ngày ông chèo đò - vắng khách thì lên cái lều ven sông ngâm vịnh. Sau, ông lấy một cô gái mồ côi làm vợ, đẻ được đứa con trai. Một đêm vợ ông chèo đò ngã xuống sông chết. Về sau ông buồn mà chết theo. Người con trai lớn lên tiếp tục cầm chèo. Lại một thời gian sau nữa, anh lấy vợ đẻ được đứa con gái. Khi tớ lớn lên thì đã thấy hai cha con chèo đò ngang rồi. Suốt ngày hai cha con cứ lui cui với con đò. Chị ta phải kê một viên gạch to mới với tới cái chèo đằng mũi. Động tác chèo thuyền vùng sông nước này đã cho chị được cái vóc người lý tưởng vậy đó. Khỏe mạnh mà duyên dáng lạ lùng. Lên cấp hai tớ đi học sơ tán mất hai năm, quay về thì trên chiếc đò ngang chỉ còn mình chị. Ông bố bị máy bay Mỹ bắn chết. Từ đó chị làm cái mui che, ở luôn dưới thuyền. Nhiều đêm đông rét mướt, nằm trong chăn ấm, nghe tiếng gió rít qua khe cửa, tớ hay tự hỏi: Không biết chị ấy xoay xở trên thuyền ra sao!
- Tội quá, sao chị ta vẫn chịu đựng được nhỉ?
- Ấy có lúc còn tội hơn ấy chứ. Cái hồi làm xong cầu Xuân Phong bắc qua vùng tả, chị ấy buồn lắm. Vì đò chỉ còn hai bến. Chị khóc mấy hôm rồi đưa đò chuyển cả cái am nhỏ xuống cái bến lúc chiều tụi mình đi ấy.
Tôi nằm nghiêng nhìn sang giường Dũng, thấy ánh mắt anh chàng long lanh. Đêm đã khuya lắm. Thị trấn ngủ yên trong cảnh thanh bình. Trăng hạ tuần cô đơn gác trên ngọn tre, tâm trí tôi vẫn băn khoăn nghĩ về chị lái đò đã chở chúng tôi qua sông chuyến chiều nay.
Tôi hỏi Dũng:
- Không còn khách đi đò nữa chị ta làm sao mà sống được nhỉ?
Đến lượt Dũng nghiêng sang phía tôi nheo nheo mắt.
- Chị ấy chưa biết nhưng mình đã nghe nói xã đã xếp việc cho chị ấy làm trong hợp tác xã chiếu cói xuất khẩu rồi. Còn con đò, xã định đổi cho chị ấy một căn nhà, mai tớ sẽ chỉ cho cậu thấy, khang trang lắm.
- Vậy mà hồi tối chị ta xõa tóc ôm chèo đứng khóc ở bến sông. Thật tội.
Dũng bật cười thành tiếng:
- Đời thế đấy cậu ạ! Cứ để cho chị ấy nhớ thương một thời sông nước đã thấm sâu vào từng thớ thịt. Dứt bỏ đi cái cũ thật chẳng dễ dàng gì đâu. Cậu đã nghe chuyện những cô gái ở vạn đò Gia Hội chưa? Đi lấy chồng đã năm sáu mặt con rồi mà thỉnh thoảng vẫn về lại đò của mẹ để ngủ một đêm trên sóng nước chòng chành cho đỡ nhớ!
Nói đến đây anh im hẳn. Tôi tưởng anh đã ngủ. Bỗng anh lại cất tiếng như vẫn biết tôi chờ đợi:
- Cái cầu đem lại niềm vui cho tất cả mọi người. Nhưng nếu một người còn chưa vui thì điều ấy có đáng quan tâm không?
Tôi không trả lời và anh cũng không giải đáp.
Gà đã gáy sang canh. Tôi cố gắng ngủ. Vậy mà sao giấc ngủ cứ chập chờn, không sâu.
PHAN VĂN LỢIBuổi giao lưu và trao giải thưởng cho các tác giả đoạt giải trong cuộc thi viết truyện ngắn do Hội Nhà văn tổ chức đã tiến hành được gần nửa giờ. Gã nhấp nhỏm trên chiếc ghế kê phía sau cánh gà sân khấu, bồn chồn không yên. Chừng thông cảm với tâm trạng của gã, cô gái phục vụ mặc áo dài đỏ bưng tới cho gã ly nước, nhẹ nhàng nói: "Chú cứ yên tâm ngồi nghỉ cho khoẻ. Giải A bao giờ cũng trao cuối cùng, chú ạ!"
KHẢI NGUYÊN Pa-ri, mùa hạ năm 198...Vườn Bách thảo giữa thành phố kề sông Xen phía tả ngạn. Ông đến đây như một kẻ lánh đời, sợ nơi đông người. Thật ra, phần lớn đường phố Pa-ri trong giờ làm việc không ồn, không thừa thãi người đi nhong như ở Việt Nam. Em ông ở quê ra Hà Nội chơi đứng ngắm dòng người và xe nườm nượp qua lại cứ tự hỏi: những con người này đi đâu, về đâu mà tuôn mãi như là chẳng ai về nhà cả, như là cái "nghiệp" trời đày phải đi.
ĐỖ KIM CUÔNGNhiều năm trôi qua tôi đã trở thành người đàn ông đứng tuổi. Có một mái ấm gia đình, vợ con hạnh phúc. Nhưng mỗi lần nghĩ về nàng, một người đàn bà chỉ kịp quen trên chuyến đò từ Huế ra Phong Điền, chia tay nàng để nhiều năm sau, tôi mới được gặp lại nàng trong một hoàn cảnh khác, tôi vẫn giữ nguyên một cảm giác hết sức lạ lùng. Một ý nghĩa luôn ám ảnh tôi khá kỳ quặc rằng: Tôi đã bị nàng hiểu lầm, là một chàng lính giải phóng “hám gái, dại khờ”... Bởi vì sau vụ việc ấy, chính tôi cũng rủa thầm mình là ngu ngốc.
NGUYỄN VIỆT HÀVọng đi vào núi. Tại sao phải đi vào núi thì Vọng mong manh biết, còn sẽ đi vào núi như thế nào thì anh không biết. Nắng của chiều ngần ngừ trên một đường mòn và đường mòn heo hút cỏ dại đến đây thì chia hai.
HÀ KHÁNH LINHGiáo sư tiến sĩ Hoàng Lập Xuân thường nói với các sinh viên của mình thuở còn ấu thơ bà tin những chuyện cổ tích là có thật, từ đó bà đã sống và hành động theo tinh thần cổ tích. Khi đã thành danh, bà thường ngẫm nghĩ đối chiếu mình với các nhân vật trong cổ tích. Nhiều người lấy làm ngạc nhiên khi thấy chuyện cổ tích đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của một con người như giáo sư tiến sĩ Hoàng Lập Xuân. Càng ngạc nhiên hơn, khi biết rằng những chuyện cổ tích bà được nghe kể khi còn nhỏ không phải do ông bà nội ngoại, không phải do cha mẹ...
HƯỚNG DƯƠNGTết đã gần đến rồi. Những ngày này mọi người chỉ nghĩ đến một việc là chơi gì trong ngày Tết? Trước đây, cuộc sống thiếu thốn thì Tết là dịp để ăn uống cho no say đầy đủ - Vậy mới gọi là ăn Tết. Còn giờ, mọi sự dinh dưỡng thừa mứa, đàn ông bụng phệ nhan nhản, đàn bà đi hút mỡ thường kỳ, bệnh béo phì của trẻ em gia tăng. Ăn uống là kẻ thù của con người. Vậy nên, Tết không còn là ăn Tết nữa mà là vui Tết, chơi tết.
PHẠM ĐÌNH TRỌNGChưa bao giờ Ngay có ý nghĩ rời Hà Nội đến sống ở vùng đất khác thế mà anh đã đột ngột đưa cái gia đình bé nhỏ không còn nguyên vẹn của anh đi vào thành phố phía Nam cách Hà Nội ngót hai ngàn cây số. Anh đi như chạy trốn để rồi càng ngày anh càng nhớ quay quắt nơi anh đã để lại cả một thời tuổi trẻ đẹp đẽ.
THU NGUYỆTTrắng và trắng. Muột thơm và tinh khiết. Mặt đất dường như đỏ và mịn hơn khi được trải mình ra đón nhận sự nương tựa dịu dàng của những cánh hoa sứ ấy. Tôi khẽ khàng nhặt một bông sứ nhỏ, không đưa lên mũi ngửi như thói thường mà trang trọng áp vào tai. Trong làn hương tràn ngập, tôi nghe vẳng tiếng chuông ngân đẫm mát. Ai đó ơi, hãy một lần thử xem, nhặt một bông sứ nhỏ sân chùa, nhè nhẹ áp vào tai, sẽ nghe thấy những âm thanh và làn hương kỳ diệu! Cái cảm giác lạ lùng mà tôi đoán chắc rằng ai đó sẽ bất ngờ thấy mình khác hẳn đi.
PHẠM THỊ ANH NGAVới tôi mạ không có công ơn mang nặng đẻ đau, nhưng mạ đã thực sự ban cho tôi sự sống: sau khi lần lượt sinh bốn người con gái đầu lòng, lần thứ năm chín tháng cưu mang và "vượt cạn mồ côi một mình" mạ đã sinh ra anh, người sau này sẽ là "một nửa" của đời tôi.
PHẠM THỊ XUÂNTừ ngày Hoạt được đề bạt lên phó giám đốc, Mùi bắt đầu tiến hành một cuộc cách mạng trong gia đình. Nhìn vào đâu, vào cái gì, Mùi cũng chưa thấy nó xứng đáng với địa vị mới của chồng. Ngôi nhà ba gian vừa xây cách đây không lâu, bây giờ nó đã trở nên lạc hậu trong mắt Mùi. Mùi nghĩ, giá như hồi ấy mà làm theo kiểu nhà hộp thì bây giờ có phải đã lên thêm được một tầng như một số người quanh đây không.
HƯƠNG LANTuấn nhìn đồng hồ, rồi lại đi lui, đi tới không biết là lần thứ bao nhiêu trong buổi sáng này trên hành lang của Tòa án nhân dân Thành phố. Vẫn còn 5 phút nữa mới đến giờ, nhưng Tuấn có cảm giác giận Hương, có lẽ cô ta không đến, cô ta muốn gây khó dễ cho mình... Tuấn thầm nghĩ và lòng anh hiện lên một chút đay nghiến với người phụ nữ đang còn là vợ anh trong vài tiếng đồng hồ nữa.
BÙI MINH QUỐCNgày hôm ấy là một ngày không có gì đặc biệt trong cuộc sống cực nhọc, buồn tẻ của giáo sư Lê Khương- một ông già ngót sáu mươi tuổi mà vẫn sống độc thân. Nhưng rồi có một sự đặc biệt đến với ông vào lúc gần nửa đêm. Sau khi rà sửa lại lần thứ ba mấy chục trang cuối tập bản thảo một công trình mới nhất của mình, giáo sư đặt lưng xuống giường ngủ thiếp đi. Và, như thường lệ, ông bắt đầu thấy chiêm bao.
ĐOÀN BÍCH HỒNGBà lão ngồi bất động nơi cây cầu giơ một khúc gỗ khẳng khiu đỡ lấy sàn nhà. Trong lúc liếc nhìn bóng mình lao chao trong cái màu xanh rêu đùng đục của dòng sông đang gắng gỏi vài mét nước cuối cùng trước khi nhập vào lòng biển, bà cố ghi nhận cái thời khắc quan trọng mà bà cảm thấy nó đang đến gần.
NHƯ BÌNH1. Đực và cái. Một đứa con trai đứng bên một đứa con gái là giống đực đặt bên giống cái. Còn nhỏ chúng là những đứa trẻ, không ngại ngùng bởi vấn đề giới tính. Trưởng thành, hai giống bên nhau tạo sức hút và nảy sinh cái gọi là tình yêu. Các cụ ta xưa rất hiểu quy luật giới tính này. Chả thế mà cứ nhốt hai giống vào một phòng là thành vợ chồng.Bố mẹ tôi cũng là một cặp như thế.
NGUYỄN VĂN ĐỆThuần ra bến thuyền vào lúc thuỷ triều đang lên. Lúc này là nửa đêm. Trăng hạ tuần trong như con cá mòi tháng bảy nhảy hất lên từ mặt biển treo mình giữa nền trời xanh ngát. Gió tây se lạnh, gió thổi từ đất liền ra giộng rừng phi lao reo lên cùng với tiếng vi vu, vi vút, gió thổi vào ngọn sóng làm hắt lên những tia sáng.
NGUYỄN THANH MỪNGĐã bát tuần, ông vẫn chưa nghĩ đến cái già. Đó là ông nói vậy, bô lô ba la trước bàn dân thiên hạ, trong đó tất nhiên không thiếu cả bạn bè, nhất là những người đáng tuổi con cháu nhưng được ông tôn vinh là thần tượng của quốc gia, thậm chí quốc tế nữa.
NHẤT LÂM Truyện ngụ ngôn hiện đạiTrong đàn chó săn của ông Mỗ thì Fóc vào loại anh cả đỏ. Ngoài chân cao, mũi thính, mình dài, chạy như tên bắn... nói chung những gì cần cho một con chó săn đích thực thì Fóc có cả.
TRẦN THUỲ MAINăm nay mùa đông lạnh hơn hẳn mọi năm. Gió cao nguyên cứ tràn qua, tràn qua từng đợt, những bông quỳ chấp chới vàng như sóng. Quỳnh bảo tôi: Gió ở đây một đi không trở lại, khác ở Huế. Gió từ sông Hương thổi lên là gió rất đa mang, thổi tà áo bay dùng dằng, như trong câu hát ngày xưa "Gió bay từ muôn phía...".