Chữ “Nhàn”

10:51 26/02/2010
NGUYỄN QUỐC ANHÔng nội tôi là một nhà nho. Người xưa có học thì ai cũng hiền lành, thường vui thú điền viên chăm sóc con cháu. Ông nội tôi cũng vậy.

Ông nội của ông nội tôi, là can của tôi ấy mà, có ngót 300 mẫu ruộng. Vậy mà đến đời ông nội tôi chỉ còn lại dăm chục mẫu. Số là, mỗi đời các cụ can, cụ cố, mỗi người có tới bảy người con! Ngày nay, có sự nam nữ bình quyền trên danh nghĩa luật pháp, nhưng các ông bố bà mẹ lại chẳng có gì để chia đều cho con cái. Vậy mà cụ can, cụ cố tôi đã làm chuyện nam nữ bình quyền từ xưa lắm, 300 mẫu ruộng của cụ can, cụ cố đem chia cho 14 người, đều nhau cả. Thành ra đến đời ông nội tôi trở thành thường thường bậc trung vậy.

Bà nội tôi mất trước cách mạng, năm 1944. Ông nội tôi lại chia ruộng làm bảy suất cho bảy người con. Thương vợ, ông chôn vợ trong vườn, hàng ngày chăm nom mồ mả cho vợ và bốc thuốc Bắc để sinh sống. Nhờ vậy mà hồi cải cách ruộng đất, ông không bị người làm thuê trong nhà đấu tố gì; một vài kẻ cơ hội trong xã nhí nhố một dạo, rồi mọi sự cũng qua đi. Ông bảo, nhờ mấy con chữ mà ông thoát chết. Tiếp đó là những ngày hợp tác hóa rồi chiến tranh, có đói kém thật, nhưng được ba bà con dâu chăm nom, ông vẫn được sống trong sự nhàn nhã cho đến lúc qua đời.

Con cháu của ông thật đông. Phần lớn là thành đạt, đi xa. Tôi được sống với ông nội nhiều hơn các anh chị và các em. Và hơn các anh chị em, tôi có học được dăm ba chữ Hán, chỉ đủ đọc bàn cờ tướng và một số bài về lý số.

Tôi vào bộ đội, làm khẩu đội trưởng pháo cao xạ hẳn hoi, lúc ấy mới 20 tuổi. Nhưng lại ham viết lách nên chuyển ngành sớm. Mới 23 tuổi, tôi trở thành chánh văn phòng một cơ quan cấp tỉnh, lại làm bí thư thanh niên nữa. xem ra, tôi cũng thuộc loại được “trọng dụng” sớm.

Nhưng rồi, lạy vía ông nội, tôi ham nhàn như ông, nên cơ hội leo lên trên thiên hạ để ăn trên ngồi trước cũng tự qua đi. Được sống nhàn nhã, tôi thân trần chân đất đã nuôi dạy được bốn đứa con học đến đại học. Bạn bè thấy đứa nào ra trường là “đón” về làm ở cơ quan họ cả. Thế là sướng. Giàu bạn bè! Thế là đủ! Nhàn thân, ấy là lý tưởng kẻ sĩ vậy!

Và, có lẽ vì thế, tôi hơn các anh chị và các em ở chỗ là tôi thường mơ gặp ông nội. Thông thường ông dắt tôi lang thang dọc bờ đê, bến nước. Gậy cầm tay, ông cháu trò chuyện vui thú như thuở lên mười. Duy có một lần, mới đây thôi, tôi kể cho ông một chuyện tôi vừa trải qua, bất ngờ thấy ông gõ mạnh gậy vào gốc ổi trước sân nói lớn:

- Không được rồi! Nhân bất học, bất tri lý!

Rồi ông biến mất. Tôi ngơ ngác mơ mơ tỉnh tỉnh, chẳng hiểu ông mắng tôi hay mắng ai. Lúc đầu tôi xấu hổ quá. Sau vỡ nhẽ, là ông mắng cô thủ quỹ cơ quan tôi trong câu chuyện tôi kể cho ông nghe. Khi sự việc lộn lèo phải thành trái, ơn thành oán, bạn thành thù, thành kẻ phản phúc rồi; thảng hoặc, ông vẫn hiện về an ủi tôi: “Con muốn được nhàn thân trước hết phải nhàn tâm. Không nhàn tâm được thì không bao giờ nhàn được”.

Quả thật, khi trần đời rối tinh tôi sống với cõi âm, cũng thanh thản được đôi phần. Tôi nhàn thân, thì đã rõ. Tôi trở lại nhàn tâm, quả là phúc nhà cho tôi. Nhưng, cái nhàn mà ông nội tôi nhấn mạnh, tôi nghĩ, chắc còn phải là gì… gì… nữa; có lẽ nó còn sâu xa hơn chính nó, mênh mông hơn chính nó… nữa!

Năm đó tôi đi mổ dạ dày và lấy sỏi thận về. Vết mổ dài 25 cm, phiếu mổ viết “K dạ dày”! Ôi thôi! Đã “K” rồi, còn chi nữa mà mong! Thì thôi, cũng là một sự “nhàn”! Cho chính mình!

Biết sắp đi hầu hạ ông nội, tôi vừa thấy sướng, vừa thấy lo. Tôi đã qua 7 giờ gây mê hôm ấy, tự thấy cái chết thực là nhẹ nhàng, dễ chịu! Ngày trước, ông nội tôi đang ngủ, gọi ba đứa con dâu lại, bảo: “Thầy đi đây”. Và đi luôn… Tôi chỉ còn một nỗi lo, ấy là lo cho đứa con gái đầu đang học, chưa có việc làm. Năm 1987, đói kém khó khăn, gia đình tôi buộc cho cháu đi xuất khẩu lao động. Nay các em đã qua đại học, còn chị thì chậm chân, e rồi “nước đục” cũng không có mà uống. Thương con, tôi quyết sống thêm vài năm nữa để lo cho cháu. Bè bạn đến thăm, tôi nói lên ý chí quyết sống của tôi. Tôi chạy chữa đủ cách. Và tôi đã gặp may, thoát khỏi cái chết mười mươi…

Anh Hoài con bác tôi giới thiệu cho tôi gặp ông Cập, một người có thể “chạy” được việc cho cháu. Lạy trời, hồi chưa mổ, sức còn dư, tôi liên hệ cho cháu thứ hai đi dạy học ở ngay thành phố, đến đâu cũng được tay bắt mặt mừng. Phòng tổ chức Sở giáo dục còn cho tôi giấy trắng để viết đơn đăng ký “giữ chỗ” trước! Và khi tốt nghiệp, cháu đã trả công cho ngành bằng những giờ dạy học hết sức mình. Ai cũng bảo tôi ở hiền gặp lành.

Giờ đây, theo địa chỉ anh Hoài chỉ dẫn, tôi đến gặp ông Cập. Ông bảo, ông đã về hưu sợ không làm được gì, nhưng ông sẽ cố “chạy giúp”. Nhẩm một lúc, ông bảo: “Cũng phải quanh mười triệu”. Tôi nhận lời. Ba ngày sau, ông bảo: “Ổn rồi. Chuẩn bị cho cháu đi làm”.

Chủ nhật, chồng cháu ở tỉnh phía trong về mừng rỡ bảo ông chú đã liên hệ cho cháu được việc làm ở trường Cao đẳng Sư phạm. Phúc trùng lai! Vợ chồng tôi bàn cho cháu theo chồng, tuy xa nhà một chút, nhưng quan trọng hơn cả là vợ chồng cháu được gần nhau, quá tốt!

Sáng thứ hai, trước giờ giao ban, tôi kể cho anh chị em trong văn phòng nghe. Anh chị em ai cũng mừng cho tôi, cùng một lúc được hai suất; vậy là còn thừa một suất chỗ ông Cập ngay tại đây. Cô Thủ nói vọi từ cuối phòng: “Cho con Hồ nhà em thay vào. Học kế toán ra trường hai năm rồi, chạy khắp nơi chưa có việc, ở nhà nuôi lợn với bố, nhem nhuốc, tội quá!”

Tối hôm ấy, cả nhà cô đến gặp tôi, nói khổ dài dài. Tôi rất ngại chuyện tiền nong, không phải vì sợ liên lụy, mà thương vợ chồng cô Thủ kiếm đâu ra khoảng tiền lớn như vậy để lo cho con. Vả lại, còn chuyện “thay chỗ” nữa, biết người ta có chịu không? Vợ tôi vốn là chị em họ với cô Thủ, cũng bàn riết vào. Tôi nhận lời đi hỏi lại ông Cập. “Cháu à, thêm cho anh em một triệu!” - ông Cập nói.

Tôi về nói lại. Cô ta đưa cho tôi 5 triệu gói sẵn rồi nói: “Đây là số đưa trước cho ông Cập, nhờ bác lo nốt cho cháu. Ơn nghĩa bác, vợ chồng em sẽ trả sau”. Tôi vui lòng đến giao tiền cho ông Cập.

Ba ngày sau, ông Cập đến cơ quan tôi và giao quyết định tiếp nhận cháu Hồ. Cô Thủ trao nốt cho tôi một gói 6 triệu và nhờ tôi nạp. Tôi bảo cô phải đi cùng tôi, phải cám ơn người ta thật lịch sự chứ, rồi sau này biết đâu còn nhờ cậy nữa… Cô ngập ngừng, mở sổ bảo tôi ký nhận. Xưa nay ký nhận tiền, tôi chẳng đọc con số làm gì, nhưng lần này, trên trang giấy trắng, trời xui tôi nhìn vào, có ghi sáu triệu thật. Rồi hai người đến thẳng nhà ông Cập. Cô Thủ về rồi, ông Cập giao cho tôi năm trăm ngàn tiền công. Tôi trả lại cho ông, nói: “Tôi lo cho cháu lấy tiền làm gì của bác!”

Ra Tết thì nghe tin cơ sở của Hồ đang công tác sẽ được bàn giao về huyện. Cô Thủ lo lắng. Tôi nói: “Vào được nhà họ rồi, lo gì, tôi sẽ nói với các anh trên huyện cho”. Đang điều trị ung thư, tôi nhờ bạn đèo xe lên gặp ông Giám đốc trung tâm của cháu Hồ. Giám đốc trung tâm gọi cháu Hồ lên, bàn tạm sang bên giáo dục, bên ấy đã sơ bộ nhận lời rồi. Ông hứa sẽ xếp cho cháu một trường gần thành phố, về nhà cho tiện.

Tôi trở về cơ quan báo tin vui cho mẹ cháu Hồ. Và dại mồm nói thêm: “Hôm nào ta sang đòi ông Cập trả tiền công cho ta, mua cho cháu Hồ cái “sa-li”!

Hóa ra tôi là kẻ vẽ đường cho chuột chạy. Biết được tôi có khả năng đòi lại tiền ông Cập, cô Thủ bèn kéo chồng lên huyện tổ chức liên hoan. Trở về, cô ta nói: “Mọi việc trên đó chu đáo rồi. Anh đòi tiền ông Cập cho em”. Ở cơ quan, cô ta tung tin rằng, việc liên hệ sang ngành giáo dục là do vợ chồng cô ta tự làm, cũng tốn hết chừng ấy triệu (ý nói ngang số tiền đã đưa cho ông Cập). Với chị em bè bạn cùng cơ quan cô ta nói, lúc thì năm triệu, lúc thì sáu triệu…

Bức quá, tôi sang đánh bài ngả với ông Cập, yêu cầu ông bớt tiền công phần việc tôi lo trả cho cô ta, danh dự tôi cần được bảo vệ. “Hắn cũng nghèo, ta trả cho hắn, rảnh nợ, ta làm việc khác”.

Chuyện bé xé ra to, cả thành phố nghi ngờ tôi cũng có, nhưng nhằm vào ông Cập đã sang nhà tôi bàn bạc về số tiền ông phải trả lại. Thôi đành kéo nhau đi lạy bà H, phải lần lại đầu mối! Vợ chồng ông Cập dở giọng mặc cả, làm vợ tôi nổi nóng quát ầm ầm. chồng cô Thủ thừa cơ vu cho tôi nhận tiền ăn đút lót và dọa đón đánh. Tôi dội nước lã vào mặt hắn: “Xin mời anh ra tòa!”. Hắn biết rõ ra tòa thì tôi sẽ vô can, mà con hắn sẽ phải về nuôi lợn. Hắn im re. Vợ hắn sau đó đã xin lỗi tôi và hứa cấm chồng đến cơ quan gây sự. Nhưng cô ta sau đó đã đâm đơn kiện công đoàn ngành, cốt làm xấu tôi trong đồng nghiệp… Chi bộ họp, đã làm rõ cho tôi là người chưa hề một lần vụ lợi. Thời gian cũng giúp cô Thủ tỉnh lại. Tự cô ấy đã thanh minh cho tôi.

Lạy vía ông nội tôi, ông thiêng quá. Ông đã hiện về can ngăn tôi từ đầu. Rồi ông còn hiện về vài lần nữa, bảo tôi coi chừng cái đám đàn bà xì xị, mặt ngắn, ác hiểm lắm, phản phúc lắm đấy… Đúng vậy chăng?

Tám đứa con trai, con gái, dâu, rể tôi đều túm tụm lại bàn mưu trả thù cho bố. Tôi hỏi, bằng cách nào? Chúng bảo: Phải tạo cho mình một thế đứng. Phải làm cho hắn con gái không chồng, con trai không vợ. – Vô hậu! Ác quá, không nên! Tôi can ngăn. Nhưng dù sao thì vẫn mừng khi chúng biết tự tìm cho mình một thế đứng trong xã hội. Thế là tôi vẫn có lợi vẫn nhàn tâm. Còn hại người, tôi tin là giận quá thì chúng nói vậy, chứ cháu con cả họ nhà tôi không ai biết chơi ác bao giờ.

Em gái tôi, ở xa về thăm, sau khi nghe chuyện, im lặng một lúc rồi nói: “Làm việc tốt để phúc cho con cái anh ạ. Như anh, chồng không chức vợ không vụ, vẫn nuôi dạy được bầy con cái trưởng thành. Ốm đau thập tử nhất sinh vậy, qua đi được, trời trả phúc cho anh rồi đấy!

… Té ra ông nội tôi chẳng hề là vĩ nhân, nhưng tư tưởng ông đã vượt qua nhiều thời đại, bắt gặp được với nhiều thế hệ con cháu thật!

Kính lạy ông!

Hè 98
N.Q.A
(121/03-99)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • ĐỨC BAN

    1.
    Năm ấy ông Giám đốc Sở quyết định cử tôi lên rừng Vụ Quang tìm kiếm di vật liên quan đến bản chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi.

  • NGUYỄN LỘC THÁI HÒA

    Người thợ sửa xe đạp chậm rãi để tờ báo đang đọc qua một bên, ngước nhìn khi tôi dừng xe bước xuống.

  • HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

    Hôm ấy là một hôm trời đặc biệt mù sương, khói sương như những tảng bông tan loãng và ẩm ướt, rây rây bụi trong không gian.

  • NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH  

    Trời vừa nhập nhoạng tối thì nhiều dãy bóng đèn phía ruộng cúc đã đồng loạt sáng bừng lên. Trông chúng tươi vui như những đốm pháo hoa bung nở trăm ngàn tia lửa màu rực rỡ trong sương chiều.

  • MẪU ĐƠN   

    1.
    Điệp vàng kìa anh. Tôi đã nói điều này mỗi khi đi qua con đường ấy. Đó là điệp sao. Tôi cứ tưởng chỉ với mùa hè thôi.

  • ĐỖ TIẾN THỤY    

    Nàng là Y Than, mang cái đẹp ban sơ của bông hoa hoang dại. Bông hoa ấy đến hồi hé cánh tỏa hương thì bướm rừng dập dìu vây bủa.

  • NGUYỄN LUÂN    

    Trời mưa như thác đổ, từng dòng nước đỏ ngầu tràn từ trên vàn núi dội ào ào xuống đường lớn. Thén xắn quần lên quá gối, cứ nhằm lối cũ trong trí nhớ mà sục chân bước đi.

  • NHỤY NGUYÊN       

    Giá anh bay qua được bên đó…”. Miên đọc dòng tin của anh rồi tắt máy. Miên cứ ngồi như vậy nhìn mặt trời xuống dần và quầng mây rực lên ở nóc ngôi chùa.

  • CÁT LÂM      

    Tôi mười ba năm 196X. Tôi sinh ra đã không gần thành phố rất may có chuyến tàu muộn vắt ngang. Chuyến tàu muộn không bao giờ đỗ lại. Xe máy về làng phải vượt dốc khó khăn. 

  • TRƯƠNG QUỐC TOÀN  

    Nhiều khi Hoàng Trang ghét giọng hát của chính mình. Không phải vì quá tệ, giọng ca trong trẻo của cô cất lên luôn chạm vào trái tim khán giả, chuẩn xác nhịp phách.

  • TRẦN QUANG KHANH  

    Bóng núi đổ dài xuống bãi cát cũng là lúc mấy ngư phủ trong làng chài kéo nhau ra thuyền, chuẩn bị cho cuộc hành trình của một đêm sâu mưu sinh trên biển. Bóng nắng hẫng dần lên các chỏm cao của ghềnh đá. Hắn uể oải bước ra sát mép sóng, tìm sự khuây khỏa với đám bụi nước, dư phần của những con sóng vồ vập vỗ vào ghềnh.

  • BẢO THƯƠNG

    Mày ra giữ cho bố một đầu. Lão Thất đang cúi xuống ghìm sợi dây thừng qua gạc xe, ngó lên bảo Kiền. Kiền vùng vằng ậm ờ rồi cũng đứng dậy.

  • VŨ THANH LỊCH    

    Trời nhá nhem, cô Trinh ngồi nhập tịnh, thấy ngực nhói như gai châm, ngoái nhìn qua khe cửa, nhận ra chị Cần.

  • HOÀNG THÁI SƠN

    Một buổi trưa hè oi ả, tôi đi đến đầu làng Cao Bình, nhác thấy bóng một cây đa tán lá sum suê, mát rượi, bèn chạy quàng vào để tránh nắng.

  • NGUYỄN THỊ DUYÊN SANH   

    1.
    Khu vườn rộng bốn mùa rợp bóng lá khiến ngôi nhà cổ như lọt thỏm sâu hơn vào giữa. Những ngày mưa càng âm u và buồn bã hơn.

  • PHẠM GIAI QUỲNH  

    Nhân viên soát vé mời mi lên tàu với nụ cười đông cứng, một nụ cười được lập trình qua công việc lặp đi lặp lại hàng ngày, tuồng như bất động và đanh rắn.

  • NGÔ ĐÌNH HẢI   

    Hắn làm bảo vệ đêm. Sáu giờ chiều tới bệnh viện nhận ca trực. Bệnh viện thuộc hạng sang nhất thành phố. Bệnh nhân ở đây toàn là những kẻ có tiền.

  • PHẠM THỊ ANH NGA  

    Sao em vẫn chưa tin là chúng mình đã thực sự yêu nhau?

  • ĐÀO QUỐC MINH    

    Gốc mai trắng đã hơn trăm tuổi. Đó là nhất chi mai, còn gọi bạch mai, hàn mai, nhị độ mai.

  • NGUYỄN ĐẠI DUẪN   

    Đã cuối tháng Chạp mà nắng còn như đổ lửa. Nắng mùa khô ở Lào thật khó chịu, lúc thì nóng nực, lúc thì lất phất mấy ngọn gió khô khốc.