Chữ “Nhàn”

10:51 26/02/2010
NGUYỄN QUỐC ANHÔng nội tôi là một nhà nho. Người xưa có học thì ai cũng hiền lành, thường vui thú điền viên chăm sóc con cháu. Ông nội tôi cũng vậy.

Ông nội của ông nội tôi, là can của tôi ấy mà, có ngót 300 mẫu ruộng. Vậy mà đến đời ông nội tôi chỉ còn lại dăm chục mẫu. Số là, mỗi đời các cụ can, cụ cố, mỗi người có tới bảy người con! Ngày nay, có sự nam nữ bình quyền trên danh nghĩa luật pháp, nhưng các ông bố bà mẹ lại chẳng có gì để chia đều cho con cái. Vậy mà cụ can, cụ cố tôi đã làm chuyện nam nữ bình quyền từ xưa lắm, 300 mẫu ruộng của cụ can, cụ cố đem chia cho 14 người, đều nhau cả. Thành ra đến đời ông nội tôi trở thành thường thường bậc trung vậy.

Bà nội tôi mất trước cách mạng, năm 1944. Ông nội tôi lại chia ruộng làm bảy suất cho bảy người con. Thương vợ, ông chôn vợ trong vườn, hàng ngày chăm nom mồ mả cho vợ và bốc thuốc Bắc để sinh sống. Nhờ vậy mà hồi cải cách ruộng đất, ông không bị người làm thuê trong nhà đấu tố gì; một vài kẻ cơ hội trong xã nhí nhố một dạo, rồi mọi sự cũng qua đi. Ông bảo, nhờ mấy con chữ mà ông thoát chết. Tiếp đó là những ngày hợp tác hóa rồi chiến tranh, có đói kém thật, nhưng được ba bà con dâu chăm nom, ông vẫn được sống trong sự nhàn nhã cho đến lúc qua đời.

Con cháu của ông thật đông. Phần lớn là thành đạt, đi xa. Tôi được sống với ông nội nhiều hơn các anh chị và các em. Và hơn các anh chị em, tôi có học được dăm ba chữ Hán, chỉ đủ đọc bàn cờ tướng và một số bài về lý số.

Tôi vào bộ đội, làm khẩu đội trưởng pháo cao xạ hẳn hoi, lúc ấy mới 20 tuổi. Nhưng lại ham viết lách nên chuyển ngành sớm. Mới 23 tuổi, tôi trở thành chánh văn phòng một cơ quan cấp tỉnh, lại làm bí thư thanh niên nữa. xem ra, tôi cũng thuộc loại được “trọng dụng” sớm.

Nhưng rồi, lạy vía ông nội, tôi ham nhàn như ông, nên cơ hội leo lên trên thiên hạ để ăn trên ngồi trước cũng tự qua đi. Được sống nhàn nhã, tôi thân trần chân đất đã nuôi dạy được bốn đứa con học đến đại học. Bạn bè thấy đứa nào ra trường là “đón” về làm ở cơ quan họ cả. Thế là sướng. Giàu bạn bè! Thế là đủ! Nhàn thân, ấy là lý tưởng kẻ sĩ vậy!

Và, có lẽ vì thế, tôi hơn các anh chị và các em ở chỗ là tôi thường mơ gặp ông nội. Thông thường ông dắt tôi lang thang dọc bờ đê, bến nước. Gậy cầm tay, ông cháu trò chuyện vui thú như thuở lên mười. Duy có một lần, mới đây thôi, tôi kể cho ông một chuyện tôi vừa trải qua, bất ngờ thấy ông gõ mạnh gậy vào gốc ổi trước sân nói lớn:

- Không được rồi! Nhân bất học, bất tri lý!

Rồi ông biến mất. Tôi ngơ ngác mơ mơ tỉnh tỉnh, chẳng hiểu ông mắng tôi hay mắng ai. Lúc đầu tôi xấu hổ quá. Sau vỡ nhẽ, là ông mắng cô thủ quỹ cơ quan tôi trong câu chuyện tôi kể cho ông nghe. Khi sự việc lộn lèo phải thành trái, ơn thành oán, bạn thành thù, thành kẻ phản phúc rồi; thảng hoặc, ông vẫn hiện về an ủi tôi: “Con muốn được nhàn thân trước hết phải nhàn tâm. Không nhàn tâm được thì không bao giờ nhàn được”.

Quả thật, khi trần đời rối tinh tôi sống với cõi âm, cũng thanh thản được đôi phần. Tôi nhàn thân, thì đã rõ. Tôi trở lại nhàn tâm, quả là phúc nhà cho tôi. Nhưng, cái nhàn mà ông nội tôi nhấn mạnh, tôi nghĩ, chắc còn phải là gì… gì… nữa; có lẽ nó còn sâu xa hơn chính nó, mênh mông hơn chính nó… nữa!

Năm đó tôi đi mổ dạ dày và lấy sỏi thận về. Vết mổ dài 25 cm, phiếu mổ viết “K dạ dày”! Ôi thôi! Đã “K” rồi, còn chi nữa mà mong! Thì thôi, cũng là một sự “nhàn”! Cho chính mình!

Biết sắp đi hầu hạ ông nội, tôi vừa thấy sướng, vừa thấy lo. Tôi đã qua 7 giờ gây mê hôm ấy, tự thấy cái chết thực là nhẹ nhàng, dễ chịu! Ngày trước, ông nội tôi đang ngủ, gọi ba đứa con dâu lại, bảo: “Thầy đi đây”. Và đi luôn… Tôi chỉ còn một nỗi lo, ấy là lo cho đứa con gái đầu đang học, chưa có việc làm. Năm 1987, đói kém khó khăn, gia đình tôi buộc cho cháu đi xuất khẩu lao động. Nay các em đã qua đại học, còn chị thì chậm chân, e rồi “nước đục” cũng không có mà uống. Thương con, tôi quyết sống thêm vài năm nữa để lo cho cháu. Bè bạn đến thăm, tôi nói lên ý chí quyết sống của tôi. Tôi chạy chữa đủ cách. Và tôi đã gặp may, thoát khỏi cái chết mười mươi…

Anh Hoài con bác tôi giới thiệu cho tôi gặp ông Cập, một người có thể “chạy” được việc cho cháu. Lạy trời, hồi chưa mổ, sức còn dư, tôi liên hệ cho cháu thứ hai đi dạy học ở ngay thành phố, đến đâu cũng được tay bắt mặt mừng. Phòng tổ chức Sở giáo dục còn cho tôi giấy trắng để viết đơn đăng ký “giữ chỗ” trước! Và khi tốt nghiệp, cháu đã trả công cho ngành bằng những giờ dạy học hết sức mình. Ai cũng bảo tôi ở hiền gặp lành.

Giờ đây, theo địa chỉ anh Hoài chỉ dẫn, tôi đến gặp ông Cập. Ông bảo, ông đã về hưu sợ không làm được gì, nhưng ông sẽ cố “chạy giúp”. Nhẩm một lúc, ông bảo: “Cũng phải quanh mười triệu”. Tôi nhận lời. Ba ngày sau, ông bảo: “Ổn rồi. Chuẩn bị cho cháu đi làm”.

Chủ nhật, chồng cháu ở tỉnh phía trong về mừng rỡ bảo ông chú đã liên hệ cho cháu được việc làm ở trường Cao đẳng Sư phạm. Phúc trùng lai! Vợ chồng tôi bàn cho cháu theo chồng, tuy xa nhà một chút, nhưng quan trọng hơn cả là vợ chồng cháu được gần nhau, quá tốt!

Sáng thứ hai, trước giờ giao ban, tôi kể cho anh chị em trong văn phòng nghe. Anh chị em ai cũng mừng cho tôi, cùng một lúc được hai suất; vậy là còn thừa một suất chỗ ông Cập ngay tại đây. Cô Thủ nói vọi từ cuối phòng: “Cho con Hồ nhà em thay vào. Học kế toán ra trường hai năm rồi, chạy khắp nơi chưa có việc, ở nhà nuôi lợn với bố, nhem nhuốc, tội quá!”

Tối hôm ấy, cả nhà cô đến gặp tôi, nói khổ dài dài. Tôi rất ngại chuyện tiền nong, không phải vì sợ liên lụy, mà thương vợ chồng cô Thủ kiếm đâu ra khoảng tiền lớn như vậy để lo cho con. Vả lại, còn chuyện “thay chỗ” nữa, biết người ta có chịu không? Vợ tôi vốn là chị em họ với cô Thủ, cũng bàn riết vào. Tôi nhận lời đi hỏi lại ông Cập. “Cháu à, thêm cho anh em một triệu!” - ông Cập nói.

Tôi về nói lại. Cô ta đưa cho tôi 5 triệu gói sẵn rồi nói: “Đây là số đưa trước cho ông Cập, nhờ bác lo nốt cho cháu. Ơn nghĩa bác, vợ chồng em sẽ trả sau”. Tôi vui lòng đến giao tiền cho ông Cập.

Ba ngày sau, ông Cập đến cơ quan tôi và giao quyết định tiếp nhận cháu Hồ. Cô Thủ trao nốt cho tôi một gói 6 triệu và nhờ tôi nạp. Tôi bảo cô phải đi cùng tôi, phải cám ơn người ta thật lịch sự chứ, rồi sau này biết đâu còn nhờ cậy nữa… Cô ngập ngừng, mở sổ bảo tôi ký nhận. Xưa nay ký nhận tiền, tôi chẳng đọc con số làm gì, nhưng lần này, trên trang giấy trắng, trời xui tôi nhìn vào, có ghi sáu triệu thật. Rồi hai người đến thẳng nhà ông Cập. Cô Thủ về rồi, ông Cập giao cho tôi năm trăm ngàn tiền công. Tôi trả lại cho ông, nói: “Tôi lo cho cháu lấy tiền làm gì của bác!”

Ra Tết thì nghe tin cơ sở của Hồ đang công tác sẽ được bàn giao về huyện. Cô Thủ lo lắng. Tôi nói: “Vào được nhà họ rồi, lo gì, tôi sẽ nói với các anh trên huyện cho”. Đang điều trị ung thư, tôi nhờ bạn đèo xe lên gặp ông Giám đốc trung tâm của cháu Hồ. Giám đốc trung tâm gọi cháu Hồ lên, bàn tạm sang bên giáo dục, bên ấy đã sơ bộ nhận lời rồi. Ông hứa sẽ xếp cho cháu một trường gần thành phố, về nhà cho tiện.

Tôi trở về cơ quan báo tin vui cho mẹ cháu Hồ. Và dại mồm nói thêm: “Hôm nào ta sang đòi ông Cập trả tiền công cho ta, mua cho cháu Hồ cái “sa-li”!

Hóa ra tôi là kẻ vẽ đường cho chuột chạy. Biết được tôi có khả năng đòi lại tiền ông Cập, cô Thủ bèn kéo chồng lên huyện tổ chức liên hoan. Trở về, cô ta nói: “Mọi việc trên đó chu đáo rồi. Anh đòi tiền ông Cập cho em”. Ở cơ quan, cô ta tung tin rằng, việc liên hệ sang ngành giáo dục là do vợ chồng cô ta tự làm, cũng tốn hết chừng ấy triệu (ý nói ngang số tiền đã đưa cho ông Cập). Với chị em bè bạn cùng cơ quan cô ta nói, lúc thì năm triệu, lúc thì sáu triệu…

Bức quá, tôi sang đánh bài ngả với ông Cập, yêu cầu ông bớt tiền công phần việc tôi lo trả cho cô ta, danh dự tôi cần được bảo vệ. “Hắn cũng nghèo, ta trả cho hắn, rảnh nợ, ta làm việc khác”.

Chuyện bé xé ra to, cả thành phố nghi ngờ tôi cũng có, nhưng nhằm vào ông Cập đã sang nhà tôi bàn bạc về số tiền ông phải trả lại. Thôi đành kéo nhau đi lạy bà H, phải lần lại đầu mối! Vợ chồng ông Cập dở giọng mặc cả, làm vợ tôi nổi nóng quát ầm ầm. chồng cô Thủ thừa cơ vu cho tôi nhận tiền ăn đút lót và dọa đón đánh. Tôi dội nước lã vào mặt hắn: “Xin mời anh ra tòa!”. Hắn biết rõ ra tòa thì tôi sẽ vô can, mà con hắn sẽ phải về nuôi lợn. Hắn im re. Vợ hắn sau đó đã xin lỗi tôi và hứa cấm chồng đến cơ quan gây sự. Nhưng cô ta sau đó đã đâm đơn kiện công đoàn ngành, cốt làm xấu tôi trong đồng nghiệp… Chi bộ họp, đã làm rõ cho tôi là người chưa hề một lần vụ lợi. Thời gian cũng giúp cô Thủ tỉnh lại. Tự cô ấy đã thanh minh cho tôi.

Lạy vía ông nội tôi, ông thiêng quá. Ông đã hiện về can ngăn tôi từ đầu. Rồi ông còn hiện về vài lần nữa, bảo tôi coi chừng cái đám đàn bà xì xị, mặt ngắn, ác hiểm lắm, phản phúc lắm đấy… Đúng vậy chăng?

Tám đứa con trai, con gái, dâu, rể tôi đều túm tụm lại bàn mưu trả thù cho bố. Tôi hỏi, bằng cách nào? Chúng bảo: Phải tạo cho mình một thế đứng. Phải làm cho hắn con gái không chồng, con trai không vợ. – Vô hậu! Ác quá, không nên! Tôi can ngăn. Nhưng dù sao thì vẫn mừng khi chúng biết tự tìm cho mình một thế đứng trong xã hội. Thế là tôi vẫn có lợi vẫn nhàn tâm. Còn hại người, tôi tin là giận quá thì chúng nói vậy, chứ cháu con cả họ nhà tôi không ai biết chơi ác bao giờ.

Em gái tôi, ở xa về thăm, sau khi nghe chuyện, im lặng một lúc rồi nói: “Làm việc tốt để phúc cho con cái anh ạ. Như anh, chồng không chức vợ không vụ, vẫn nuôi dạy được bầy con cái trưởng thành. Ốm đau thập tử nhất sinh vậy, qua đi được, trời trả phúc cho anh rồi đấy!

… Té ra ông nội tôi chẳng hề là vĩ nhân, nhưng tư tưởng ông đã vượt qua nhiều thời đại, bắt gặp được với nhiều thế hệ con cháu thật!

Kính lạy ông!

Hè 98
N.Q.A
(121/03-99)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Có thể cô gái ấy đã trồi lên từ thủy cung do thủy triều xuống quá nhanh. Một nửa thân hình của cô từ dưới eo trở lên, hoàn toàn khỏa thân nhô ra khỏi mặt nước.

  • Mặt trời như còn ngái ngủ. Cùng với cánh cò trắng từ đâu bay về sáng nay, tôi bần thần chờ đợi một điều gì đó. Nó mong manh và đằm thắm theo về với cơn gió lạnh. Như mặt trời vẫn thập thò, như đường về mệt mỏi, như hàng cây đìu hiu. Vừa gần gũi tưởng có thể ôm giữ được mà cũng vừa cách xa vời vợi.

  • Hôm qua nghe đài, có một cái tên giống hệt người thân của mình đã mất tích trong chiến tranh. Rồi một tên khác, kế tiếp một tên khác với hòm thư toàn những chữ số. Hai anh em tôi nhìn nhau. Đã biết bao lần anh em tôi nhìn nhau như vậy. Từ khi con bé thiên thần kia còn chưa biết khóc vì buồn.

  • ITiệc có vẻ sắp tàn. Nàng đứng lặng lẽ gần cửa ra vào đưa mắt bao quát căn phòng rộng. Đèn chùm sáng trắng. Nhạc êm dịu trong phòng hôn lễ đã giúp nàng tự tin hơn khi bước chân vào có một mình với bộ đồ xoàng xĩnh đang mặc.

  • Bây giờ thì Hồng sắp được gặp chị. Người chị mà suốt những năm tháng đi xa, ở đâu Hồng vẫn luôn nghĩ tới. Cứ mỗi lần như thế, một tình cảm thân thương choán ngập tâm hồn Hồng.

  • - Mẹ nếm thử xem. Con cho thêm một tý đường nữa nhé.Tôi ngừng tay bên rồ rau sống xanh um cầm lấy thìa nước chấm nhấm nháp lắng nghe vị vừa chua vừa ngọt vừa bùi bùi tan ra trên đầu lưỡi: - Một thìa nhỏ nữa thôi con. Ngon rồi đấy.

  • Bác Hai đang ngồi trước mặt tôi, lặng im như pho tượng. Đôi mắt bác đăm đăm không chớp, nhìn về một cõi xa xăm mà tôi đoán chừng là ở nơi ấy chắc chắn có những kỷ niệm vui buồn về người em trai của bác, chính là cha tôi.

  • Cuối năm, Đài truyền hình liên tục thông báo gió mùa đông bắc tràn về, miền Tây Bắc nhiệt độ 00C, khu vực Hà Nội 70C...

  • Tôi tạm xa Hà Nội một tuần. Cũng chẳng biết là phải xa hay được xa nữa. Bố mẹ phái: - Cho con Hạ đi ăn giỗ!

  • Tặng anh Hữu Ngọc, anh Đoàn, Lành - Ngọc Anh. Tưởng nhớ chị TâmHảo không có giấy mời. Có thể những người bạn cũ của anh ở Huế cũng đã nghỉ hưu cả rồi, hoặc giả họ bận trăm công ngàn việc nên cũng chẳng nhớ anh ở đâu mà tìm... Song điều ấy không quan trọng.

  • Chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, nhận tấm thẻ thương binh, tôi trở về quê nhà. Để bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình, tôi dã dành tất cả số tiền chính sách nhận được mở một quầy sách báo. Khách hàng của tôi khá đông.

  • Ông Biểu đột ngột nằm xuống. Tưởng như mọi cái đâu vào đấy. Như linh cảm trước, cuối năm con hổ, ông Biểu đã sắm cỗ áo quan dạ hương thơm nức. Xe cộ cần bao nhiêu chẳng có. Mọi thứ nếu muốn, chỉ sau một tiếng “alô” là tha hồ.

  • - Mẹ nếm thử xem. Con cho thêm một tý đường nữa nhé.Tôi ngừng tay bên rổ rau sống xanh um cầm lấy thìa nước chấm nhấm nháp lắng nghe vị vừa chua vừa ngọt vừa bùi bùi tan ra trên đầu lưỡi: - Một thìa nhỏ nữa thôi con. Ngon rồi đấy.

  • Nó tỉnh dậy. Sương lành lạnh, thời tiết thật khắc nghiệt, ban ngày trời nắng như thiêu như đốt. Khẽ co ngón tay, một cảm giác đau buốt suốt từ đỉnh ngón chạy vào tim, xương sống như có luồng điện chạy qua. lạnh toát.

  • Chuyện kể rằng ở xóm Đồng có một gia đình hiếm con lắm, chữa mãi đến năm chồng 45 tuổi, vợ 40 tuổi mới có mang.

  • Khúc sông lặng lẽ như thói quen của nó vẫn lặng lẽ vào mùa thu nước kiệt. Bây giờ, dòng chảy chỉ còn là một dải nông lờ, xuống đến tận mép nước mới nghe được tiếng chảy róc rách như tiếng nói thầm.

  • “Ai cũng biết rằng tạo hóa sinh ra đất, nước, cây cỏ, chim muông, thú vật... và con người. Động vật có trước con người có sau. Như vạy họ là tiền bói của con người. Đã không thờ kính tiền bối, lại làm điều ác với họ, con người phải gánh chịu lấy hậu quả. Âu đó cũng là lẽ trời...!”

  • Chủ nhật, tôi đến thăm một người bạn quen nhưng không thân lắm ở bên kia Cầu Kho, phía Tây Bắc thành phố. Đã dăm bảy năm nay tôi không gặp anh, mặc dù đã biết anh chuyển về dạy ở Đại học Nông Lâm khá lâu.

  • Truyện ngụ ngôn của TRIỀU NGUYÊN

  • Truyện ngắn “Sóng ngoài khơi” đã tránh được gần như tất cả những trò “dỏm” của nhiều người cầm bút hôm nay: Viết về tình dục với cung cách ồn ào như thể đây là món tân kỳ về tư tưởng và nghệ thuật nhưng thật ra chỉ cho thấy thói a dua thời trang và sự thiếu hiểu biết về văn chương đương đại. Với một bút pháp tinh tế, thông minh, và kiềm chế, “Sóng ngoài khơi” đã thể hiện được bản lãnh văn chương của một tác giả trẻ khi đụng tới đề tài nằm ngoài kinh nghiệm bản thân như Khánh Phương. PHAN NHIÊN HẠO