Chiếc nghiên mực của vua Tự Đức

08:27 12/03/2010
NGÔ VĂN PHÚSứ thần Trung Hoa mến tiếng vua Tự Đức, liền đem dâng một báu vật. Quan nội giám giở ra xem thì chỉ là một chiếc nghiên mực. Liền cất đi, không dâng lên.

Chân dung vua Tự Đức - Ảnh: Internet

Một lần, y mài mực cho vua viết, vua chỉ chiếc nghiên ngọc bảo:

- Chiếc nghiên này tuy đẹp, nhưng ta đọc trong sách, thì nghiên phải được làm bằng đá, đá ráp, mới mài mực được. Nghiên bằng ngọc chỉ để chơi thôi!

Rồi, bởi thông tuệ, ngài ngự chợt nhớ ra:

- Bữa nọ, sứ thần Trung Hoa, có tặng chiếc nghiên mực, khanh để đâu rồi!

Nội giám tâu:

- Thần cho là thứ nghiên mực không được quý như các báu vật khác, nên đã cất vào ngự khố rồi ạ.

- Lấy ra đây cho ta xem nào!

Nội giám vâng mệnh đi ngay. Vua giở ra xem. Khi sờ tay vào thớ đá, vua đã lấy làm lạ. Chiếc nghiên mực quả không phải làm bằng đá thường. Đó là chiếc nghiên hơi quá cỡ, bề dài dễ đến gần tám tấc (1), bề rộng năm tấc, dầy non một tấc. Đá vừa trơn vừa bén. Bờ nghiên chạm trổ rất tinh vi. Vua hỏi nội giám:

- Khanh có biết xuất xứ chiếc nghiên này từ đâu không?

Nội giám ứ cổ không nói được. Vua nhắc:

- Về sau, nếu những báu vật được thu nhận, ngươi phải hỏi người dâng xem nó từ đâu tới và lai lịch ra sao, hiểu không?

Rồi vua lại cười độ lượng bảo:

- Chắc là ngươi lại cho là thứ đồ xoàng. Nghiên mực bằng đá thì có gì là quý đâu chứ! Thế ngươi có biết tích ngọc Biện Hòa ngày xưa không? Ngọc ẩn trong đá mới là thứ ngọc quý đấy!

Nội giám sợ hãi, tóc gáy dựng lên, mồ hôi vã ra trên trán, tự vả vào mặt mình mà nói:

- Thần biết tội rồi ạ, thần là đứa ngu ngốc, tầm thường ạ!

Hôm sau vua cho mời Tùng Thiện Vương Miên Thẩm tới và hỏi xem có biết về gốc tích chiếc nghiên mực này không?

Tùng Thiện Vương nâng chiếc nghiên mực lên tay, nhìn toàn thể, lật lên lật xuống, nhìn chân nghiên bờ nghiên rồi đáy nghiên, mắt chớp chớp, gương mặt lúc rạng rỡ, lúc đăm chiêu suy nghĩ. Thận trọng vốn là nết của Vương. Vua cứ để mặc cho ông Miên Thẩm quan sát.

Tùng Thiện Vương để mắt rất lâu trong lòng nghiên mực. Lòng nghiên khóet sâu rất khéo, ở rốn nghiên hơi trũng mà mắt thường nhìn không thấu nổi. Cạnh cái rốn nghiên ấy, khắc hình bát tiên xem tranh rất sinh động. Đẹp nhất là hai ông Lý Tĩnh và Lý Thiết Quài. Lý Tĩnh thì mảnh mai, tiên phong đạo cốt, còn Lý Thiết Quài thì mặt tròn to, râu quai nón rậm rì, lông mày lưỡi mác xếch ngược, mũi to, mắt sáng... Miên Thẩm bất giác mỉm cười khiến vua cũng vui theo. Tám vị tiên đứng chéo nhau vừa khéo trong lòng nghiên, mắt dán vào một bức tranh cổ. Vua đã xem trước và nói:

- Không phải là thợ tài hoa, không thể có những sáng tạo tinh vi, hài hòa đến thế được. Ta cho đây quả là một báu vật. Chỉ tiếc khi người dâng tặng, ta chưa phải là bậc tri âm, tri kỷ của họ...

Tùng Thiện Vương vội tâu:

- Quý nhau mới tặng vật lạ. Mà vật lạ mỗi chốc ai đã nhận ra ngay. Bệ hạ quả có con mắt xanh mới thấy hết chiếc nghiên đá này, người dâng tặng báu vật dẫu không có mặt, nhưng tin vào lòng thành và vật tặng thế nào cũng có người biết đến, như thế cũng đủ mãn nguyện rồi!

Vua Tự Đức gật gật đầu, hỏi:

- Khanh biết xuất xứ chiếc nghiên đá này chứ!

- Tâu bệ hạ, thần đọc sách Trung Hoa cổ sử, có nhắc đến một miền đất gọi là Đoan Khê. Khe Đoan phong cảnh rất đẹp, ở sâu trong núi. Đá ở đây có thể đẽo được thành những cổ vật rất quý đem bán cho các nhà quyền quý. Họ làm chậu cảnh, hoặc làm phượng múa rồng chầu, lân mừng chân chúa, cá hóa long, rất nhã rất đẹp, nhưng nổi tiếng nhất là nghiên mực. Nghiên mực Đoan Khê rất được ưa chuộng.

Tự Đức ban trà. Tùng Thiện Vương nâng tay đón, nhấp một ngụm, nói tiếp:

- Chung quanh nghiên mực đều khắc hoa văn chân muỗi, hoa văn này làm tôn lên bức bát tiên xem tranh trên cái đổm giữa nghiên như chiếc cù lao này. Còn đây mới là điều độc đáo nhất của chiếc nghiên này!

- Cái gì vậy? Tự Đức hỏi?

- Bệ hạ nhìn kỹ vào lòng nghiên đây. Thoạt nhìn cái nghiên này như là thợ chưa làm cho lòng nghiên trũng đều. Bởi trong lòng nghiên có tám cái u nhỏ, vây xung quanh chiếc cù lao mang bức vẽ tám tiên xem tranh. Tám cái u này cùng với chiếc cù lao ở giữa, tạo thành cửu đảo. Tại sao lại tám, vì để ứng với bát tiên vậy. Còn chỗ kỳ diệu ở tám cái u nhỏ là ở chỗ này.

Tự Đức bị lôi kéo vào lời dẫn giải rất đặc sắc của Tùng Thiện Vương, liền giục:

- Khanh nói tiếp đi.

- Tâu, tám cái u ấy đều được gọi là cù dục nhãn, nghĩa là mắt chim họa mi, cũng có người cho cù dục là chim cun cút, vì mắt cun cút hơi lồi. Nhưng chữ nghĩa mà làm gì, miễn là nó đẹp là được rồi.

Tự Đức nói:

- Ta xem nghiên thấy lạ, tự tay mài mực thử, thấy mực chóng quánh lắm.

Tùng Thiện Vương cười:

- Thông thường muốn thử mực nho lúc nào đã được để thôi mài, nho sinh thường thổi lên mặt mực xem đã đạt chưa. Bây giờ thần xin bệ hạ hãy thổi xem.

Vua Tự Đức nâng nghiên lên thổi thử rồi đặt nghiên xuống. Vua hết sức ngạc nhiên. Trước ánh sáng trời của Hiên Ngự Mặc hơi thở trên nghiên mực đã biến thành một làn nước mỏng, ánh lên màu ngũ sắc, nước chảy lên, chảy xuống trên mặt nghiên rồi vụt biến mất.

Vua Tự Đức ngạc nhiên thật sự. Tùng Thiện Vương lại nói:

- Phiền bệ hạ quệt thử đầu ngón tay lên nghiên xem.

Vua Tự Đức quệt nhẹ vài cái thì thấy đầu ngón tay ướt đẫm những mực, đen nhánh, thơm đẹp như ai đã mài sẵn...

Tùng Thiện Vương lại giảng thêm:

- Cù dục nhãn chính là nơi túi nước chứa mực khi được mài. Những túi nước ấy cũng là nơi thử xem mực mài đã đạt chưa. Nếu thổi thấy ánh lên màu ngũ sắc là được.

Nội giám đứng hầu, dỏng tai lên mà nghe, rất phục. Chợt Tùng Thiện Vương quay lại bảo:

- Sao không lấy nước để Hoàng thượng rửa tay, còn đứng ngây ra đấy!

Từ ngày được chiếc nghiên quý, vua Tự Đức không rời nó. Chỉ những đại thần trong nội mật viện mới được vua cho xem.

Vua đặt riêng trong văn phòng tứ bảo, chỉ chuyên dùng khi làm văn chương, thơ phú. Vua bảo nội giám:

- Nghiên thường dùng các việc đời thường, nghiên nghệ thuật phải dùng vào những việc sáng tạo. Như thế mới xứng với báu vật.

Tùng Thiện Vương thơ văn đã lừng danh cả nước. Các sứ thần Trung Hoa biết tiếng đều đến thăm chào thăm, ngâm vịnh, rất kính trọng.

Tự Đức cũng rất thích thơ, phú, nhưng bởi triều đình lắm việc, vua không được rảnh rang, dành riêng cho thơ ca. Vua có đọc Hồng Đức quốc âm thi tập của Hội Tao Đàn, một bận gọi Tùng Thiện Vương vào chầu hầu mà bảo:

- Thơ thời Hồng Đức lời lẽ thanh tao, cao khiết, nhưng chưa gần đời như Đỗ Phủ, chưa vẩy bút viết hết cho lòng mình như Lý Bạch. Nếu ta làm thơ, có lẽ sẽ khác!

Tùng Thiện Vương thưa:

- Ngài Ngự dạy rất phải!

Tùng Thiện Vương thường được gọi thân mật là ông Hoàng Mười, con vua Minh Mạng, vào hàng vai chú của vua. So với những người ở Tôn Nhân Phủ, Tùng Thiện Vương là một bậc văn nhân, thức giả vào bậc nhất, do đó vua càng tin trọng. Vua thường hay gọi ông vào đàm đạo văn chương. Vua hỏi:

- Trong bài tựa “ Đằng Vương Các” của Vương Bột, có hai câu rất hay là: “ Lạc hà dữ cô vu tề phi, thu lộ thủy cộng trường thiên nhất sắc” (2) thật tuyệt diệu, nhưng ta nhớ là đọc được ở đâu, ai cũng đã viết tứ này, Vương có nhớ không?

- Tâu, hai câu đề tựa Đằng Vương Các quả là hay tuyệt, nhưng trước kia văn của Thẩm Ước đã từng có câu: “ Lạc hoa dữ chi cái đồng phi, dương liễu cộng xuân kỳ nhất sắc” (3), tờ Thiên Chiếu của vua nhà Chu cũng từng có câu: “ Chức cống dữ văn vũ câu thông, hiến chương cộng quang hoa tịnh cắng” (4), nhưng so với câu thơ của Vương Bột thì không thể nào hay bằng.

Tự Đức hỏi tiếp:

- Thi ca là nghề vi diệu có thể truyền nghề được không?

- Tâu, thơ là riêng của từng người. Sầm Tham là Sầm Tham, Cao Thích là Cao Thích. Nhưng cái hay của người nọ, người kia có thể học được.

- Nghề thơ khó lắm sao?

- Tâu không khó, nhưng ít người có đủ tư cách, cảnh ngộ để hành nghề, luyện nghề!

- Như ta liệu có đủ tư cách không?

- Xin bệ hạ tha tội nói thẳng, Ngài Ngự lo trị nước, trách nhiệm nặng nề, tâm không được nhàn, không hư tình, xưa nay các đấng chí tôn làm thơ chỉ là tiêu khiển nhất thời... Còn như Đỗ Phủ và Lý Bạch đều bỏ quan mới thành thi hào, thi bá được!

Tự Đức trầm lặng nói:

- Ta muốn làm thi nhân hơn là làm vua. Song biết làm sao. Thôi ông giúp ta vậy. Ông có bài thơ nào mới làm đọc cho ta nghe thử!

Tùng Thiện Vương nói:

- Thần xin đọc bài thơ về cái guồng nước:

THỦY XA HÀNH (5)

Đỏ rực vầng ô, tiếng nước xối
Ngăn sông, xe guồng, tát nước vội
Một lời hát buồn, chín họa theo
Thay nhau đạp xe, lòng rười rượi
Năm nay rồng bướng chẳng phun mưa
Nhà nông than khổ mấy cho vừa
Thân đẫm mồ hôi, lệ nhòa mặt
Mong đem nước vào ruộng khô rốc
Mười ngày cực nhọc chửa nên công
Đất nẻ, bờ vỡ, nước mất không
Trưa trật cả nhà meo bụng rỗng
Đòi tô, hạch thuế vẫn om sòm.

Nghe xong vua khen:

- Có cảnh này thật ư? Quả là năm nay hạn nặng thật. Ta đã ban chiếu để các nơi lúa hỏng được miễn giảm thuế. Nhưng quan lại sở tại là vấn nạn của dân chúng, biết làm thế nào? Thôi hãy bàn về chuyện thơ ca đã. Ta thỉnh thoảng cũng làm thơ, mà ông thì có đâu chịu ở trong hoàng thành. Từ nay, ta làm, khi được dăm bảy bài gom lại nhờ ông phủ chính cho.

Từ bữa ấy, lúc mau, lúc lâu, dinh phủ của Tùng Thiện Vương thường được thị vệ mang tráp ngoài có đề Ngự chế thi. Tùng Thiện Vương vâng đọc thơ của nhà vua, rồi tự tay viết mật sớ dâng lên, tâu xin đổi chữ nào, và nói rõ, tại sao nên đổi. Vua khi được trao lại tráp, xem lại ngay, rồi sai Bằng phi mài mực ở chiếc nghiên quý của sứ thần Trung Hoa dâng tặng, vua tự chép vào sách.

Việc ấy kéo dài cho đến tận lúc Tùng Thiện Vương mất.


Vua Tự Đức bảo Bằng Phi:

- Chiếc nghiên mực này từ ngày ông Miên Thẩm mất nó cũng như kẻ mất hồn.

- Bệ hạ cũng thôi làm thơ ư?

- Ta cũng có làm, nhưng ít có ai là người thẩm thơ giỏi như ông Miên Thẩm. Ông ấy quả là bậc thầy trong đám thi sĩ. Mà thơ của ông ấy có kém gì thơ Đường đâu. Phi thử nghe bài Xuân khuê oán này nhé: “Tứ lâu hựu kiến hạnh hoa phi. Nộn lục kinh hoàng, liễu tiệm phì, Mạc thị niên lai, xuân thảo át, Mã đề hành xứ bất tư qui” (6). Thơ của ông tao nhã kín đáo lắm. Quả là như sinh thời ông nói, đã làm vua, thì ít có ai trở thành thi sĩ như đúng danh của nó được. Ông ấy sở dĩ thành thi sĩ vì không ham danh chuộng lợi.

Vua lại buồn.

Bằng Phi nói:

- Thiếp thích bài “ Tàn tốt” (Người lính sống sót) của ông hơn: “ Loạn thi, tùng ý bạt thân hoàn. Nhất lĩnh đơn y, chiếu huyết ban. Ỷ trượng độc cô sơn tửu điếm. Tự ngôn sinh nhập Ai Vân quan” (7). Ông Miên Thẩm viết về người lính vừa đánh giặc Tây Dương ở cửa Hàn về. Tứ thơ đầy cảm khái, cảnh bi mà tứ tráng. Bài này so với thơ của Đỗ Phủ, đâu có thua!

Vua thở dài:

- Ta mất ông Miên Thẩm, như mất một người bạn lớn về văn chương.

Nhưng bất hạnh cho nhà vua, ít lâu sau Bằng Phi cũng mất. Một đêm, trăng cuối năm lạnh, gió se se. vua ngự một mình trong cung, buồn không sao ngăn nổi. Nhìn đâu cũng thấy dáng Nguyễn Nhược Thị. Vua liền lấy nghiên mực quý, tự mài mực rồi viết một hơi:

KHÓC BẰNG PHI

Ớ Thị Bằng ơi, đã mất rồi,
Ớ tình, ớ nghĩa, ớ duyên ơi!
Mưa hè nắng chái oanh ăn nói,
Sớm ngõ trưa sân liễu đứng ngồi
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại để dành hơi,
Mối tình muốn dứt càng thêm bận
Mãi mãi theo hoài cứ chẳng thôi.

Tự Đức viết xong, gục đầu bên nghiên mực, mím môi lặng khóc một mình

Hôm sau vua gọi nội giám đến bảo:

- Khanh đem cất chiếc nghiên này vào ngự khố cho ta!

- Tâu Hoàng thượng...

- Ta đã bảo cất đi mà! Sao chậm thế. Vua cau mặt... Nội giám vội cẩn trọng tay nâng lấy nghiên, mang đi

Vua buồn vời vợi nói theo:

- Người ta mến, ta yêu đã bỏ ta mà đi cả rồi. Kỷ vật thì cứ luôn ở bên mình, chịu làm sao nổi!

1999
N.V.P
(132/02-2000)


----------------------------------------------------
(1) đơn vị đo lường đương thời, một tấc bằng 0, 04 mét
(2) Ráng trời, chim lẻ cùng bay. Nước mùa thu, cùng trời mênh mông một màu.
(3) hoa rụng cùng nấm cỏ chi bay, dương liễu cùng cờ xuân một sắc.
(4) lễ cống nạp cùng văn võ thông suốt, hiến chương cùng vẻ đẹp văn chương lưu lại muôn đời.
(5) Nguyên văn chữ Hán, bản dịch của Ngô Văn Phú
(6) Bốn lầu hoa hạnh đã bay bay. Xanh thắm xua vàng, liễu đậm cây. Đâu phải năm nay xuân biếc cỏ. Quên về, vó ngựa ruổi chân mây!
(7) Lê chân vượt núi, chiếc thân tàn. Máu đỏ còn loang áo mỏng manh. Chống gậy bước vào quán núi lảnh. Hẹn còn trở lại Ai Vân quan.





 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN TRƯỜNG                           Nơi hầm tối là nơi sáng nhất          (Thơ Dương Hương Ly)

  • TRẦN THUỲ MAINăm nay mùa đông lạnh hơn hẳn mọi năm. Gió cao nguyên cứ tràn qua, tràn qua từng đợt, những bông quỳ chấp chới vàng như sóng. Quỳnh bảo tôi: Gió ở đây một đi không trở lại, khác ở Huế. Gió từ sông Hương thổi lên là gió rất đa mang, thổi tà áo bay dùng dằng, như trong câu hát ngày xưa "Gió bay từ muôn phía...".

  • HẢI THITôi lớn lên ở một ngôi nhà nhỏ ven sông. Con sông nhỏ chảy qua một vùng quê hẻo lánh. Nhà tôi và nhà Khan đối diện nhau trên dòng trôi quê mùa ấy, chỉ có điều nhà tôi thì quay mặt ra sông, còn nhà Khan thì quay lưng ra sông, chính vì thế mà thuở nhỏ, mỗi lần tắm sông cười đùa ầm ỉ, tôi hay bị ba tôi rầy la nhiều hơn, vì ba tôi chỉ cần ngồi trên nhà đưa mắt là thấy ngay tôi đang trèo lên những bè lục bình để làm công chúa, còn ba Khan thì chỉ trông thấy Khan ném bùn đất vào cô công chúa kỳ khôi mỗi khi ông có việc phải ra đằng sau bếp.

  • NGUYỄN VIỆT HÀThư viện, nơi mà tôi sẽ tả kỹ, là một nơi tôi đã nhớ và bị nhớ rất lâu. Không phải ở đó tôi đã lần đầu yêu và lần đầu hôn. Tôi nhớ nó vì có một truyện kỳ dị, cái truyện đó rồi sẽ đẩy tôi suýt nữa trở thành một thứ bải hoải rẻ rách.

  • XUÂN ĐÀITôi làm đơn xin thôi việc, dù biết làm như vậy là phá vỡ hợp đồng đã ký kết với công ty. Tôi phải bồi hoàn. Là nhân viên kiểm toán, tôi không thể tiếp tục làm theo sự chỉ đạo của sếp, cộng tác với doanh nghiệp, đồng lõa với doanh nghiệp, sáng tác ra những con số ma để đối phó với thanh tra. Có tờ báo đã giễu cợt việc làm này là quân trộm cắp cộng tác với quân siêu trộm cắp, có lẽ nhà nước nên lập thêm công ty kiểm toán của kiểm toán.

  • NGUYỄN CẨM HƯƠNGBước ra khỏi lớp học ngoại ngữ anh bỗng thấy đầu óc quay cuồng như muốn ngã. Dắt được chiếc xe đạp địa hình ra khỏi trung tâm, anh cố gắng đạp một cách khó nhọc trên đường phố.

  • NGUYỄN ĐỨC SĨ TIẾNNgười ta thường nói xem mặt đặt tên, nhưng điều này lại không đúng với thượng tá Kha. Nhìn bề ngoài, ai cũng nghĩ ông là người khô khan, thật ra ông lại là người rất đa cảm.

  • NGUYỄN THẾ TƯỜNGChấp me?Che muống! / Chấp me? Cuống sắc! / Chấp me? Sắc cạnh? / Chấp me? Hạnh bầu! / Chấp me? Hầu nhảy/Ăn cơm ai? Ăn cơm cha!Uống nước ai? Uống nước mạ!Hú ...Con mau về kẻo quạ tha đi!

  • HUỲNH THẠCH THẢO- Lành, về bảo bố mày ăn nhậu vừa vừa thôi, đừng như mấy ông mới ngấp nghé vào cấp xã đã phởn, bia ôm gái giếc có ngày...Tôi vừa vào đến cổng đã nghe tiếng mẹ sang sảng với con Lành, đứa con cậu út ở quê. Chưa hết, bà còn thêm hồi nữa nhưng nhỏ hơn, có lẽ nghe tiếng cửa mở bên ngoài.

  • NGUYỄN TRƯỜNGChiều xuống. Lúc mặt trời sắp lặn sau dãy núi phía tây cũng là lúc người ta thấy ông già xóm Chùa thường mon men tới thả câu ở cái bến sông này.

  • MÃN ĐƯỜNG HỒNGMùa Xuân lững thững về. Anh cũng lững thững đi ra phố chợ. Hai bàn tay trơ trọi của anh đút sâu vào hai túi quần rỗng trống buồn tênh. Anh mỉm cười thong dong bước đi, hòa vào dòng người nhôn nhao tất tả.

  • HỒNG NHUNói chính xác là chị dâu. Chính xác hơn, chị dâu thứ của vợ tôi. Thông thường những trường hợp như thế này, trong nhà em út chẳng ai gọi đầy đủ là chị dâu cả, mà chỉ là chị thôi. Ấy là chị Kim.

  • TRẦN DUY PHIÊN1. Chuông điện thoại reo phải lúc tôi đang tiếp ông tổ trưởng dân phố. Biết tôi ở nhà một mình, ông nói gọn mấy câu rồi từ biệt. Ba chân bốn cẳng chạy như nước rút, tôi mới với được tới máy.

  • LÊ ĐỨC QUANGMột buổi sáng sớm mùa xuân, bầu trời trong xanh thăm thẳm. Anh nắng vàng vừa rải đều khắp nơi. Gió thổi nhẹ, mơn man vào da thịt con người ta, thật mát mẻ dễ chịu làm sao. Dọc đường phố, cuối năm rồi, dòng người trở nên đông đúc và nhộn nhịp, kẻ thì lo mua sắm áo quần mới, người thì lo bánh mứt, kẻ thì mua những chậu hoa, cây cảnh, trang trí nhà cửa của mình sao cho thật đẹp. Mọi người ai cũng hối hả, vui mừng đón năm mới. Riêng lão xích lô, vẫn công việc bình thường như mọi ngày: sáng ăn qua quýt ổ bánh mì xong rồi đạp xích lô đến ngã ba gần sân ga, chờ những chuyến tàu về, mặt cố gắng hớn hở, tươi cười, đón mời khách.

  • NGUYỄN VĂN NINHTôi được cơ quan tố tụng chỉ định làm luật sư cho một bị can.Tôi xin kể ra đây, hơi dài dòng một chút, không phải bị cáo mà là cha tôi. Trong cuộc đời làm luật sư, cha tôi luôn thích nhất câu: Thưa quí tòa! Thân chủ tôi hoàn toàn vô tội! Cha tôi muốn tôi sau này mỗi khi đứng trước toà đều nói câu như vậy.

  • QUẾ HƯƠNG                                                                                                                                1. Chị đi qua, tẻ nhạt và cũ kỹ như cái áo đề mốt thơm mùi long não lấy từ hòm gỗ ủ hương kỷ niệm. Khu cư dân tôi ở thì mới toanh, chưa tròn mười. Cơ ngơi phó giám đốc xí nghiệp gỗ sực nức mùi rừng.

  • PHAN VĂN LỢILTS: Cuộc làm người, khó thay! Dân tộc nào cũng sáng tạo cho mình một ĐỊA NGỤC để răn dạy con người không nguôi hướng đến cái CHÂN - THIỆN - MỸ.Nhuốm màu sắc của Liêu trai chí dị và Việt điện u linh..., câu chuyện là một phần của cuộc đời đầy ám ảnh. Vừa cuốn hút thương cảm với cái nhìn nghiêm khắc lột trần bản chất đời sống, vừa hoang mang đặt ra câu hỏi về ý nghĩa sống đích thực của con người.

  • (tiếp theo và hết)Chuyến du ngoạn địa ngục đã để lại trong tâm trí ông Thai một ấn tượng hãi hùng. Thật khủng khiếp nếu phải chịu cực hình rồi bị đày xuống đó muôn kiếp. Phải tìm cách tự cứu mình chứ chả lẽ chịu bó tay?

  • HOÀNG NHẬT TUYÊNI. Chuyện được bắt đầu bằng một quả trứng, thoạt nghe cứ tưởng chuyện cổ tích nhưng nghe rồi mới rõ, ấy là chuyện thời nay, và đúng thế, nếu tường thuật theo lối cổ điển, theo tình tự thời gian thì chuyện không thể bắt đầu bằng chỗ nào khác thích hợp hơn là từ một quả trứng- một quả trứng gà.

  • MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNHHọ là đôi bạn thân kể từ thời còn học ở đại học Sorbonne, sau đó, cùng chọn chuyên ngành khảo cổ học. Jabindu, người Népal; Robinson, người Mỹ. Thời trẻ, cả hai đều say mê công việc khô khan và vất vả của mình. Dấu chân của đôi bạn đã dẫm khắp những di tích lịch sử ở hai bờ sông Nile, sông Hằng, Trung Á, Con Đường Tơ Lụa và cả Nam Mỹ...