Chạp đã tan rồi

09:31 17/03/2017

NGUYÊN HƯƠNG

Có những ngày tháng đi qua đã để lại nỗi trống vắng hoang tàn cho con người và tạo vật. Và đôi khi ta thấy tiếc nhớ những ngày tháng ấy như tiếc một món vật cổ điển đã mất đi, dẫu biết rằng theo nhịp tuần hoàn mỗi năm, ngày tháng ấy còn quay trở lại.

Ảnh: internet

Như một kẻ tiếc thương quá khứ, ý nghĩ cá nhân luôn đẩy tôi đến một nỗi buồn mông lung khi giờ khắc cuối cùng của tháng Chạp vừa kết thúc. Chạp, trong suy nghĩ của tôi, là tháng đẹp nhất trong năm. Về đường đi của thời gian, đó là tháng cuối cùng của năm, báo hiệu Tết cổ truyền đang đến rất gần và cũng lùi xa... rất vội. Về dáng điệu, tháng Chạp không hiển lộ sự đẫy đà xuân sắc mà khẳng khiu một vẻ mặt buồn bã lo lâu, thâm sâu và riêng chịu. Cây lá úa tàn nhưng không ủy mị, và nhất là khi chìm trong nắng hanh gió bấc, rét tháng Chạp thường gợi cho ta một nỗi rung động về nhan sắc của mùa đông. Ngoài hiên cửa, nắng hanh vàng ruộm qua kẽ lá khế già sà xuống, mang đến cảm giác khô rát da người, nhưng khi đêm xuống, sương muối và gió bấc tràn về, nằm trong tấm chăn bông chần vẫn cảm nhận mồn một khí lạnh xuyên thấu thịt da. Tiết trời ấy, thiên nhiên chỉ ban tặng cho duy nhất mỗi tháng Chạp. Và theo tôi, khi đương Chạp cũng chính là lúc mùa đông đẹp nhất.

Nhớ những năm xưa, khi bà ngoại tôi còn sống, cứ đến Chạp lại nấu nước bồ kết gội đầu. Bồ kết được hái từ một gốc cây già sụ cuối vườn, để trong một chiếc sàng to, phơi dưới nắng đến khô giòn rụm, trái nào trái ấy cong cong khum khum như mảnh trăng non đầu tháng. Bà sẽ nướng bồ kết trên bếp củi, những con sâu nhỏ đục lỗ trong trái vì hơi lửa nóng quá phải tìm đường bò ra bạt trấu để thoát thân. Bồ kết nướng xong được bỏ vào siêu đun cho nước sôi lên. Xong, bà bắc ghế ra bờ giếng gội đầu. Tôi được bà nhờ múc nước giếng pha với nước nấu bồ kết cho đủ độ ấm. Vừa pha bà vừa chỉ dẫn cách vò bồ kết sao cho không bị vụn. Bà bảo, xưa ông bà thương nhau cũng vì trái bồ kết này.

Tôi khoanh tay ngồi xổm nhìn bà gội đầu. Dưới bóng nắng xiên khoai buổi chiều, bà ngoại tôi như người hiện về từ cổ tích. Dáng người nhỏ bé, tấm lưng còng gập được che phủ bởi màu áo nâu xồng rất cũ nhưng sạch sẽ và thẳng thớm vô cùng. Mái tóc trắng phau chảy tràn xuống chậu nước sóng sánh ánh vàng trông như một dải lụa màu cánh gián. Miệng bõm bẽm nhai trầu, lúc lúc lại hỏi chuyện vì lo đứa cháu ngồi cạnh buồn. Nhưng mà bà đâu biết rằng, tôi của khi ấy đã muốn xung quanh thật im lặng, nếu có chỉ là tiếng nước tiếng tóc va chạm vào nhau, để tôi được nhắm mắt hít trọn mùi hương bồ kết bốc lên, lan tỏa và quấn quyện khắp không gian. Đó là một mùi hương mộc mạc vô ngần, được tạo nên từ đồng đất và sương khói củi lửa của thời gian. Sau này khi được đi đến nhiều nơi, nếm trải nhiều vùng đất và phong vị, tôi vẫn không thể tìm thấy mùi hương nào thơm tho và nguyên thủy giống như mùi bồ kết mùa đông của bà tôi ngày ấy.

Khi bà gội xong phần mình, sẽ đến phần tôi được bà gội cho. Tôi thích nhất khi được bà vừa gãi đầu vừa tỉ tê kể chuyện. Bà thường hỏi bà gãi thế con có đau không? Có thích không? Cái vành tai nhìn ghét quá... Tôi sung sướng với đặc ân ấy của bà nên bà nói chi cũng gật hết, vì trong bầy cháu nhỏ, tôi là đứa duy nhất được bà gội đầu cho. Một cảm giác thần tiên diệu kỳ chảy trong trái tim niên thiếu của tôi khi được bàn tay già cỗi ấy chạm vào da vào tóc, và cho đến tận bây giờ, tôi vẫn đinh ninh đó là sự va chạm thân thể gây nên cảm giác mềm mại và run rẩy nhất cho bản thân mình.

Sau khi gội sạch đầu cho tôi, bà dẫn tôi lên hiên ngồi chải tóc. Làn gió bấc sau vườn thổi vụt qua sân, đâm thủng tấm áo cánh mỏng xuyên khí lạnh vào da thịt khiến tôi sởn gai ốc. Cùng lúc bà tôi “A” lên một tiếng khi chải được một con chấy kềnh trên đầu tôi. Tôi cầm lấy, thả nó xuống bờ hè và nhìn nó bò đi dưới cái nắng hanh tháng Chạp. Nó đẫy đà, căng bóng và ra vẻ là một chú chấy cường tráng. Tôi cứ nhìn mãi về đường đi của nó, cho đến khi tán lá khế rũ xuống hiên nhà để biết rằng, chiều đã xuống thật đậm rồi.

Chiều mùa đông là một trong những khoảnh khắc cô đơn nhất trần thế. Và những buổi chiều tháng Chạp cũng đã để lại nỗi nhung nhớ mơ hồ trong trí nhớ của tụi trẻ nhỏ nhà quê như chúng tôi. Sau giờ tan lớp buổi sáng, về nhà cất cặp sách và ăn tạm bát cơm, tôi và đám bạn rong trâu đi chăn đồng xa. Cánh đồng của đám trẻ chăn trâu chúng tôi ngày ấy tên là Nương Ngọa, cách nhà gần 5 cây số, bạt ngàn niềng niễng và cỏ gừng. Nơi ấy có cả núi và sông bao quanh, thấp thoáng có vài mái nhà tọa dưới chân núi mà những khi khát chúng tôi thường vào đó xin nước uống. Chạp sang cũng là khi lúa đã gặt hết, cả cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ. Gió từ sông thổi vào lồng lộng, tạo thành những cơn sóng rạ trên mặt ruộng khô. Tôi hay ngồi vắt vẻo trên lưng trâu, nơi có thể nhìn rất rõ lũ rận trâu đang bò lổm ngổm. Và trong những lúc vắt vẻo như thế, khi tôi còn đang mải nhìn về cánh đồng ngô phía bên kia sông Vàng thì bị cơn gió tạt tới làm bay mất chiếc nón mê. Tụi bạn nhào tới chạy theo cơn gió để bắt chiếc nón, nhưng càng đuổi theo gió càng đẩy ra xa cho đến khi chúng tôi mệt nhoài và nằm luôn xuống bờ ruộng. Tiếng cười khúc khích vang vọng cả cánh đồng, từ những đứa trẻ có đôi môi khô nứt nẻ đến gần như chảy máu và áo quần chi chít nhựa cây.

Trâu được thả trên đồng bãi ấy, tha hồ gặm cỏ và bơi đẵm mà không lo phạm đến lúa của nhà nào. Chúng tôi phó mặc đàn trâu cho cánh đồng, và hoàn toàn yên tâm với sự chiều chuộng của cỏ non sau gặt sẽ vừa bụng đàn trâu. Để như thế, tụi mục đồng chúng tôi được thả sức làm cái việc rất thú, đó là bắt cá rô đồng.

Rô đồng mùa Chạp rất béo, sau một thời gian trú đông và ăn nhiều thóc lúa. Thằng P. là đứa rất nhạy với việc nhìn ra chỗ rô đồng ẩn nấp. Thường thì những thửa ruộng gần rìa mương, nước xăm xắp, bùn dầy, rong rêu mọc xen kẽ sẽ có nhiều rô. Chúng tôi vun đất be bờ rồi lấy nón tát nước cho cạn. Sau đó cả bọn bì bõm mò móc, không khó để bắt được đám rô mình dày với cánh vây đầy gai sắc. Tôi vẫn nhớ cảm giác sung sướng của mình ngày ấy khi bắt được con rô đồng đầu tiên, nó rất bé nhưng đầy đặn và tròn một bụng trứng. Người quê tôi gọi đó là rô ron.

Có rô rồi, chỉ cần vơ củi đốt lửa lên là có ngay món cá nướng thơm lừng. Cá sẽ được xiên vào que, hơ trên đống củi nhãn cho đến khi cháy đen rơi hết lớp vẩy bên ngoài. Cầm con cá trên tay, trong khi còn đang xuýt xoa vì nóng thì chúng đã được bẻ ra làm đôi. Màu thịt cá trắng như bông, mùi thịt cá thơm mùi thơm đồng đất quê mùa khiến đứa nào đứa ấy thèm chảy nước miếng. Chúng tôi ăn uống xì xoạp, cười đùa lăn lộn, mặt mũi mồm mép đen sì vì củi than, trông cả bọn không khác gì một đám khỉ con thời còn chưa tiến hóa. Cả cánh đồng mênh mông một màn khói rạ bên trời, nghi ngút, bảng lảng và con người tuồng như mất dấu. Tiếng nghé ọ kêu tìm mẹ, nghe thương thiệt là thương... Ui chao cái con nghé con dễ ghét ấy, tụi tao còn đang chưa tàn tiệc cơ mà!

Trời tháng Chạp tối sớm. Chúng tôi buộc phải tàn cuộc để lùa trâu về nhà. Tôi tìm thấy một lạch nước, trên bề mặt đầy bụi và lá cây khô, nhưng chỉ cần khẽ khàng hớt hết váng bụi ấy sẽ nhìn thấy một màu nước sạch tinh, trong khiết. Tôi vục tay táp nước vào mặt. Nước lạch mùa đông lạnh ngắt, thấm đến từng lỗ chân lông và khiến tôi tỉnh ngủ. Khi ấy, núi đã ở lại phía sau, sông ở lại phía sau, khói trời nghi ngút cũng ở lại phía sau. Chỉ có những mình trâu đen sẫm, đẫy đà vì no bụng ở trước mặt. Trên quãng đường gần 5 cây số lùa trâu từ đồng về nhà, chúng tôi đã cùng nhau hát vang những bài ca tập thể như Lên đàng, Nối vòng tay lớn, Năm anh em trên một chiếc xe tăng... để xua đi cái lạnh đang tràn đẫm vào mình. Trời tối mịt. Một dàn hợp xướng mục đồng kéo dài suốt từ Nương Ngọa về đến làng, với những bóng nón ngắn tũn ngũn trên mình trâu to đùng. Về đến lò vôi, thoáng thấy vài ba bóng điện ló lên, làng đã ở trước mặt, mấy hộ gia đình sốt ruột mãi không thấy con rong trâu về nên đã ra đầu làng ngóng đợi. Mẹ tôi cũng là một người trong số ấy, bà mang áo khoác ra cho tôi, bồng tôi từ lưng trâu xuống, bà vừa mặc áo cho tôi vừa làu bàu “Chúng mày định ngủ ở dưới đấy hay sao mà giờ này mới chịu về?!”

Hội chúng tôi chăn trâu suốt cả năm nhưng vào mùa Chạp là thích nhất. Vì cánh đồng sau gặt khiến chúng tôi không phải canh trâu ăn lúa. Vì mùa Chạp nhiều thức ăn đồng quê có thể tự kiếm và chén ngay tại chỗ. Và nhất là, sau này khi lớn lên, tôi mới nhận ra rằng, tất cả chúng tôi - những đứa trẻ nhà quê nghèo khó ngày ấy, đều rất thích mặc nhiều lớp áo len đi đồng xa, để cởi bớt ra chia sẻ cho đứa thiếu áo mặc cùng...

Nhưng có lẽ, Chạp đã là những nốt vui trong sáng nhất trong quãng đời niên thiếu của thế hệ chúng tôi thời đó qua những ngày giáp Tết. Khoảng cữ từ lễ cúng ông Công ông Táo trở đi, làng tôi rậm rịch khí Tết. Nhà tôi có một mảnh nương bên đầm kênh, phía trước là sông Ngô và phía sau là núi Đức. Tôi thả trâu trên bờ đê gần nương nhà mình, tha thẩn tìm cỏ gà tự chơi. Dưới nương, mẹ tôi đang cắt lá dong về gói bánh chưng. Tôi đứng trên bờ đê, mẹ tôi ở dưới nương, hai người nói chuyện tưởng như vẳng lên tận vách núi. Hoa cải đắng nở vàng cả một triền nương, ngay dưới chân núi. Chị cả tôi khi ấy đã thành thiếu nữ, mẹ hay hái hoa cải về cho chị cắm trong phòng.

Hai bên quang gánh của mẹ tôi khi ấy, một bên là lá dong, một bên là hoa cải vàng. Mẹ tôi đội nón mê chít khăn bông, đi trên triền đê đầy gió một chiều cuối Chạp. Tôi vẫn luôn tin, hình ảnh ấy chứa đựng hơi thở hiền dịu nhất của đồng quê.

Thong dong dắt trâu theo mẹ về nhà, nghe tiếng người lớn hỏi han chuyện bánh chưng đụng lợn, tôi biết Tết đến nơi rồi. Những ngày giáp Tết, ruộng nương đã được cày xới xong xuôi, chỉ chờ ăn Tết xong, ra xuân đổ ải là vào mùa cấy. Những con lợn to nhất, béo nhất sẽ được dành để mổ ăn Tết. Có những rạng sáng đã nghe tiếng lợn kêu eng éc từ cuối xóm vọng về, biết rằng có nhà vừa mổ. Xong phút ấy, khi còn đang nằm trong chăn ấm, mấy chị em chúng tôi được mẹ đánh thức dậy để xem cha gói bánh chưng. Mắt môi còn chưa rạng, hai chân líu ríu xỏ dép quàng xiên, cốt để được thấy chiếc bánh đầu tiên cha đã gói xong. Đó là chiếc bánh nhà tôi để dành thờ tổ tiên trong 3 ngày Tết.

Cuối Chạp, khoảng 3 ngày trước Tết, tụi trẻ con chúng tôi rủ nhau đi quanh làng. Hết kháo nhau Tết này được mua áo mới lại dẫn nhau đến nhà nào tụ tập đông người. Đi đến đâu cũng thấy mùi bánh chưng luộc thơm nức bay lên. Tôi hay ngồi trước nồi bánh chưng nhà bà ngoại, nghe tiếng nước sôi ùng ục và tiếng bập bùng của củi thông. Má môi nứt nẻ hồng rực mà tay còn lấn cấn mãi không muốn buông vì mùi bánh chưng luộc. Nó ôm chứa cả một nếp sống và tâm hồn của làng quê ngày Tết. Và những khi ấy, nếu đứng từ trên đỉnh núi Nghè nhìn xuống, làng tôi đượm màu huyền thoại vì khói luộc bánh bốc lên lan tỏa khắp làng trông như những dải mây tiếp từ mặt đất.

Khi tôi viết những dòng này, hoa đào đang nở trong sân. Giêng tới Chạp tan. Mùa xuân vừa nhú sau tay áo người nông dân đi thăm mạ sáng mùng một Tết. Nhưng không hiểu sao, tôi luôn thấy Tết thực sự phơi phóng hồn mình đậm nhất phải là những ngày cuối Chạp chứ không phải Tết của sang mùng tháng Giêng. Tâm trạng háo hức, hồi hộp, thu vén của con người để lo một cái Tết lúc cuối Chạp hẳn là hay hơn khi ăn Tết. Vả lại, Chạp đã vĩnh viễn lưu giữ ở đấy những ký ức âm tính nhất của tôi về bà ngoại, về mẹ, về chị, về một tuổi thơ đồng ruộng nghèo khó mà đầm ấm.

Chạp đã ở lại phía sau, khi đã thở những hơi thở đặc quánh phong vị phương Đông nông nghiệp. Nhưng dẫu đã tan, Chạp vẫn đủ sức tỏa ra những vệt mùi quý mộc và ám ảnh nhất của một năm âm lịch. Bởi lẽ khi ở trong Chạp, người ta ngửi thấy mùi vị của Chính Mình, sau cả một năm chiêm nghiệm những đúng - sai, cho - nhận, được - mất...

N.H
(TCSH337/03-2017)





 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • JEAN-CLAUDE GUILLEBAUDLà một nhà báo - nhà văn Pháp thuộc “thế hệ Việt Nam”, thế hệ những người Pháp mà dấu ấn của cuộc chiến Đông Dương đã và sẽ in đậm trong suốt cuộc đời. Ông có mặt ở Việt Nam vào nhiều mốc lịch sử trước 1975, và từ đó ý định trở lại đất nước Việt Nam vẫn luôn thôi thúc ông. Cuốn “Cồn Tiên” được viết sau chuyến đi Việt Nam từ Nam chí Bắc của ông năm 1992. Bản Công-xéc-tô vĩnh biệt này, có thể nói, nó là nỗi ám ảnh của người pháp về Điện Biên Phủ ở Việt Nam. Hiện Guillebaud đang công tác tại Nhà Xuất bản Le Seuil (Paris).

  • PHẠM THỊ ANH NGA15-12-2002Hình như trong đám đông tôi vẫn luôn là một bóng mờ. Một bóng dáng nhạt mờ, lẩn trong vô vàn những bóng dáng nhạt mờ khác, mà giữa trăm nghìn người, ai cũng có thể “nhìn” mà không “thấy”, hoặc có vô tình “thấy” cũng chẳng bận lòng, chẳng lưu giữ chút ấn tượng sâu xa nào trong tâm trí.

  • PHẠM THỊ CÚC                       KýTôi sinh ra ở một làng quê, không những không nhỏ bé, hẻo lánh mà còn được nhiều người biết đến qua câu ca dao "Ai về cầu ngói Thanh Toàn/ Cho em về với một đoàn cho vui".

  • HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG                                        Bút kýNhiều lần thức giấc trong mùi hương rạo rực của ban đêm, tôi chợt phát hiện ra rằng Huế là một thành phố được dành cho cỏ. Tôi không hề có ý xúc phạm, chỉ muốn lưu ý thêm về vai trò của cỏ trong quy hoạch đô thị. Thật vậy, không nơi nào trên thế giới mà những công trình kiến trúc của con người lại mọc lên giữa cỏ hoang như ở Huế. Đà Lạt cũng được xây dựng trên những ngọn đồi; nhưng ở đấy, hình tượng của cây anh đào và cây thông đã khiến người ta quên mất sự có mặt của cỏ dại.

  • THÁI VŨ        Ghi chépNhững năm đầu kháng chiến chống Pháp, từ Quảng Nam- Đà Nẵng vào Bình Thuận lên Tây Nguyên được chia ra làm 3 Quân khu thuộc Uỷ ban Kháng chiến miền Nam Việt Nam, cụ Cố vấn Phạm Văn Đồng là đại diện của Trung ương Đảng và Chính phủ. Qua năm 1947, 3 Quân khu (QK 5, 6 và Tây Nguyên) hợp nhất thành Liên khu (LK) 5.

  • PHƯƠNG HÀ                     (truyện ký)Cho anh em trong phân đội trở về các vị trí giấu quân xong thì trời cũng vừa sáng. Đang giăng võng để ngủ lấy sức sau một đêm trinh sát, tôi chợt nhớ phải đến thăm Hoà vì Hoà sắp đến ngày sinh nở. Chúng tôi đang ở ngay làng của mình nhưng làng không còn nhà, dân bị giặc lùa đi hết, muốn tìm nhau thì phải tìm đến những căn hầm.

  • LÊ TRỌNG SÂMTrong cuộc đời của mỗi chúng ta, khi Bác Hồ còn sinh thời, được gặp Bác một lần đã quý. Trong cuộc sống của tôi, do có nhiều hoàn cảnh, nhiều duyên may lại được gặp Bác đến ba lần thì càng quý biết bao nhiêu. Tự đáy lòng, tôi thầm cảm ơn Đảng, cảm ơn Bác đã cho tôi ba lần vinh dự như vậy. Và những kỷ niệm đó vẫn còn tươi nguyên.

  • PHẠM THỊ CÚC                         Ký…Tôi chưa thấy ai hay ở xứ nào làm các tác phẩm mỹ thuật từ cây với dây... Nếu gọi là tranh thì là một loại tranh ngoài trời, lấy tạo hoá, thiên nhiên làm cốt, không giới hạn, dãi nắng, dầm mưa, đu đưa theo chiều gió, màu sắc cũng thay đổi từng giờ, từng phút, tuỳ theo ánh sáng mặt trời hay mặt trăng. Cho nên, tác phẩm rất linh động…

  • LÊ VĨNH THÁI                Ghi chép Sau chặng đường dài gần 20 km vượt qua các con dốc cao ngoằn ngoèo, hiểm trở, tôi đã đến “hành lang” công trình hồ Tả Trạch, nằm giữa vùng rừng núi bạt ngàn thuộc xã Dương Hoà, huyện Hương Thuỷ. Công trình hồ Tả Trạch được khởi công xây dựng ngày 26/11/2005, là công trình trọng điểm của Thừa Thiên Huế và của cả nước, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ, với tổng mức đầu tư khổng lồ 2659 tỷ đồng. Đây là một trong những công trình lớn của vùng Đông Nam Á.

  • TRƯƠNG ĐÌNH MINH                                 Ký Đợt này trở lại Trường Sơn, tìm hiểu thêm các tấm bê tông xi măng vắt qua đỉnh Trường Sơn, lượn quanh các đèo U Bò, Cù Đăng, A Dớt - A Tép mưa mù phủ trắng... Có đỉnh như đỉnh Sa Mù cao trên 1400m mà đợt tháng 3/2003 vừa rồi chúng tôi đã có mặt. Song do mưa liên miên, xe vận chuyển vật liệu, vật tư đi lại co kéo quá nhiều, đường lầy lội. Các đơn vị thi công chưa hoàn thiện phần nền...

  • DƯƠNG PHƯỚC THU                              Bút kýNhiều năm rồi tôi vẫn nghe, đồng chí đồng đội, nhân dân Dương Hoà và những người từng ở hoặc đã qua lại nơi đây trước chiến tranh, khẳng định rằng: Sau khi hy sinh, thi hài liệt sĩ Ngô Hà được đơn vị tổ chức an táng tại sườn tây núi Kệ, nơi có khe suối Ngân Hàng chảy qua thuộc vùng chiến khu Dương Hoà. Trước ngày giải phóng miền Nam, mỗi lần ngang qua chỗ ông nằm mọi người lại tự ý đắp thêm một viên đá nhỏ, để cho ngôi mộ ấy sớm trở thành hòn núi như mới mọc lên từ đất, ghi dấu chỗ ông yên nghỉ ... Chờ ngày chiến thắng.

  • ĐỖ KIM CUÔNGNăm cuối cùng của bậc học phổ thông, tôi được học 2 tiết văn giới thiệu về "Dòng văn học lãng mạn Việt Nam 1930 - 1945". Cũng không có tác phẩm thơ hoặc văn xuôi được tuyển chọn để phân tích, bình giảng như bây giờ. Ngày ấy - những năm chống Mỹ cứu nước, thơ văn lãng mạn được xem là điều cấm kỵ.

  • TRƯỜNG ANChúng ta đang sống giữa những ngày rực lửa truyền thống hào hùng của Tháng Năm trong lịch sử cách mạng Việt và thế giới. Trước hết, hãy nhắc đến một sự kiện lớn của giai cấp công nhân quốc tế. Ngày 1.5.1886, do yêu cầu không được đáp ứng một cách đầy đủ, công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago với biểu ngữ “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!”.

  • PHẠM THỊ ANH NGA       Gởi hương hồn bạn cũTôi qua đến Pháp ngày hôm trước thì hôm sau ba tôi mất. Cái tin khủng khiếp đó đối với tôi vẫn không đột ngột chút nào, bởi từ những ngày hè về thăm nhà, tôi đã biết trước ba tôi sẽ sớm ra đi.

  • TÔ VĨNH HÀEm hẹn gặp tôi ở quán cà phê Trung Nguyên. Đó là địa điểm em tự chọn. Cái tên ấy cho tôi biết rõ là giữa hai chúng tôi không có gì nhiều hơn một cuộc trao đổi bình thường. Tuy nhiên, sự mách bảo từ nơi nào đó của linh cảm và cả ước muốn, cứ làm cho tôi tin rằng đó là điểm khởi đầu. Đêm cuối xuân, Huế gần như ít buồn hơn bởi cái se lạnh của đất trời. Huế bao giờ cũng giống như một cô gái đang yêu, đẹp đến bồn chồn. Nếu được phép có một lời khuyên thì chắc hẳn tôi đã nói với tất cả những người sẽ được gần nhau rằng, họ hãy cố chờ đến một đêm như thế này để đến bên nhau. Bầu trời mà Thượng đế đã tạo ra sẽ cho mỗi con người biết cách đến gần hơn với những lứa đôi.

  • CAO SƠNChuyện xưa: Vua Hùng kén tìm phò mã cho công chúa Ngọc Hoa, đồ lễ vật phải có gà chín cựa ngựa chín hồng mao? Thôi thúc Lạc dân xưa kia, đánh thức tiềm năng người dân phải tìm hiểu, lặn lội từ đời này sang đời kia chưa thấy. May sao với thú đi để biết, anh Trần Đăng Lâu, cựu chiến binh, hiện Giám đốc vườn quốc gia Xuân Sơn tỉnh Phú Thọ cho hay: Vườn quốc gia nguyên sinh anh Lâu đang quản lý, mới phát hiện giống gà lạ ấy. Con vật đặc biệt chưa có ai biết tới, chưa được phổ biến rộng rãi, thương trường chưa có cuộc trao bán...

  • NGUYỄN HỮU THÔNG                             Bút ký"Buổi mai ăn một bụng cơm cho noChạy ra bến đòMua chín cái tráchBắc quách lên lò

  • TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG                                                Bút kýTrong hồi ức của một số cán bộ lão thành cách mạng ở A Lưới kể lại rằng: “Hồi đó có một số người ở đồng bằng tản cư lên sống cùng đồng bào; qua họ, đồng bào nghe đến tên Cụ Hồ, nhưng đồng bào chỉ biết đầy đủ về Bác cũng như thấu hiểu được những điều Bác dạy qua các cán bộ người Kinh lên hoạt động ở đây vào khoảng những năm 1945-1946. Cán bộ bảo: Cụ Hồ muốn nhân dân mình học lấy cái chữ để biết bình đẳng. Muốn bình đẳng còn phải đánh Pháp. Nếu đoàn kết đánh Pháp thì ai ai cũng đánh Pháp và khi đó đồng bào ta nhất định thắng lợi” (1)

  • PHAN TÂM        (Kỷ niệm 240 năm sinh thi hào Nguyễn Du 1765-2005)Tháng Hai 1994:Từ Vinh qua cầu Bến Thủy, rẽ trái độ mười cây nữa, đến xã Xuân Tiên (Tiên Điền), huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.Khu đất cao ráo ở ngay đầu xã, bên bờ sông Lam, cạnh bến Giang Đình, là khu nhà cũ, khu lưu niệm Nguyễn Du.

  • LTS: Phát hành tới hàng trăm ngàn bản, Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm là cuốn sách duy nhất (có thể nói như vậy) gây được xúc động cho các thế hệ độc giả trong và sau chiến tranh, cho cả hai phía xâm lược và chống xâm lược nhờ tính chân thực của nó.Sông Hương trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số trang trong cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm và hai bài viết liên quan đến cuốn sách