Cà phê sáng với Đặng Nhật Minh và Tô Nhuận Vỹ ở Paris

09:59 28/06/2013

HIỆU CONSTANT

Reng reng… chuông điện thoại reo vang. “A lô, tôi nghe đây!” “Bọn anh vừa đến Paris rồi, hiện đang đi ăn sáng, khi mô mà kiếm quán ăn sáng ở Paris khó hỉ! Đi hoài mới thấy!”, là giọng của nhà văn Tô Nhuận Vỹ.

Khi còn ở Hà Nội tháng trước đó, đã được biết các anh sẽ sang Paris làm việc trong mấy tuần, tôi đương nhiên rất vui và hứa sẽ thu xếp thời gian để chia sẻ cùng các anh một buổi cà phê sáng ở Paris.

Khi nghe nhà văn Tô Nhuận Vỹ “phàn nàn” như vậy, tôi tủm tỉm khi hình dung ra các món ăn sáng của người Cố đô và Hà thành. Quả là nếu đi kiếm một quán ăn sáng là cơm hến, bún bò, bánh cuốn hay thậm chí là phở ở Paris thì… khó thật! Không phải là mò kim đáy bể… nhưng khó ! Chỉ là do thói quen và tập tục của từng vùng thôi.

Sau khi thấy công việc của các anh đã gần như hoàn thành, tôi nhắn sáng hôm sau sẽ đến dùng cà phê sáng với các anh và nếu có thể sẽ đưa các anh đi chơi Paris. Vẫn biết các anh đã từng qua lại Paris nhiều lần, nhưng có một “con ma xó” như tôi đây làm “hướng dẫn viên du lịch” thì các anh chắc sẽ được biết những ngóc ngách mà có khi kể cả dân Paris thứ thiệt vẫn còn chưa biết!

Tôi thực ra chỉ mới nghe tên các anh. Xem những bộ phim của Đặng Nhật Minh, đọc những tác phẩm của Tô Nhuận Vỹ, tức là “đứng từ xa mà nói với các anh”, nếu không muốn nói là “chỉ nhìn các anh từ xa” thôi, nên thực tình tôi chưa hiểu rõ tính cách của những người đàn ông Việt Nam nổi tiếng trong đời thực thì như thế nào. Trên đường đến chỗ các anh, tôi không khỏi hồi hộp… Hơn nữa người Huế nổi tiếng thâm trầm và là “trai đa trá” mà! Sau này tôi được nghe anh Đặng Nhật Minh giải thích câu này, đó chỉ đơn giản là đàn ông Huế biết che giấu cảm xúc và nhất là lúc nào cũng… chân thành (điều này liệu có phải nhờ các bạn kiểm chứng không nhỉ ?!)… Tóm lại là nhiều khi họ “nói dzậy chứ hổng phải dzậy!” như tôi vẫn thường nói vui thế! Khó thật đấy! Một người đã khó, huống chi đây là hai… Nhưng mà thôi, tôi tự nhủ là không nên nghĩ nhiều nữa, các anh ấy thì cũng là người kia mà, lại có tiếng là những người đàn ông lịch lãm…!

Gặp các anh rồi mới thấy mình cứ “hồi hộp” một cách vô ích. Các anh thật gần gụi và vui tính. Đạo diễn Đặng Nhật Minh còn “diện” hẳn một đôi giày thể thao “đa sắc” long lanh với những đường vàng óng dưới chân mà anh “khoe” là vừa mua “để đi bộ ở Paris cho nhanh”. Quả vậy, những ai thích chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Paris thì nên đi bộ ! Còn Tô Nhuận Vỹ thì “diện” chiếc mũ lưỡi trai mà anh “khoe” rằng nó có tuổi đời đã gần đôi mươi…!

Đạo diễn Đặng Nhật Minh rất ấn tượng khi thấy tôi đến thăm các anh trên một con xe máy “khá khủng”! Vâng, ở Paris, tôi dùng mô tô, bởi nó cực kỳ tiện lợi so với xe hơi!

Trời Paris mùa này đỏng đảnh hệt như một thiếu nữ khi biết rằng mình đẹp ! Và thế nên không ngần ngại mà “làm khổ” các gã đàn ông si tình! Tức là nó cứ sáng mưa, trưa nắng, chiều mát, tối lành lạnh…

Chọn một quán cà phê nằm cạnh một con đường lớn náo nhiệt có người, xe chạy đông đúc trước mặt, nhưng khi vào trong thì tiếng ồn ào như bị chặn lại ngay từ ngưỡng cửa. Đạo diễn Đặng Nhật Minh thì “chạy loăng quăng” với cái máy ảnh trên tay. Anh nói muốn ghi được những hình ảnh gắn chặt với đời thường nhất, Tô Nhuận Vỹ trầm ngâm, còn tôi thì cứ nói như khướu vậy ! Gặp bạn bè Việt ở Paris, tôi khi nào cũng vui ! Bà chủ quán cà phê vui tính đề nghị được bấm máy ảnh cho ba người chúng tôi…

Đặng Nhật Minh luôn khen những quán cà phê Paris, cũng ồn ào nhưng thật thanh bình, với những cảnh trí thật hay. Tô Nhuận Vỹ nói lần này mới cảm thấy Paris đẹp thực sự! (Ô, Paris bao giờ chả đẹp!) Không biết anh khen thật hay khen nịnh đây! Vả lại không biết là do được ngồi uống cà phê cùng một “hương đồng gió nội” của Hà Tây quê lụa viễn xứ tại thành phố Ba Lê hoa lệ, hay do những lời giới thiệu của tôi về Paris… Quả thật là tôi đã rất yêu Paris! Chả gì thì tôi đã gắn bó với nó từ gần hai chục năm nay rồi!

Sau mấy ngày tranh thủ đi thăm con gái hiện đang sinh sống tại thành phố Budapest, Hungrie, Đặng Nhật Minh lại hết lời khen ngợi nơi đó! Khen món súp cá bên ấy ngon tuyệt, lại còn nói có thể đề nghị UNESCO vinh danh món ấy là Di sản của nhân loại.

Mới xa Huế vài tuần mà Tô Nhuận Vỹ đã rất nhớ Huế! Ngồi uống chưa hết ly cà phê nhỏ xíu mà không biết bao lần anh nhắc đến nơi ấy, đến đám bạn “cà phê sáng” của anh… Lại một chút “bồng bột” của người chỉ xa quê ít bữa rồi lại trở về chăng? Bởi anh hình như không để ý rằng khi anh nhắc nhiều về Huế của anh thì không khỏi khiến tôi chạnh lòng! Xa quê nhiều năm rồi, dẫu năm nào tôi cũng cố gắng về thăm, nhưng nỗi nhớ dành cho miền đất yêu thương ấy chưa bao giờ thôi day dứt trong tôi! Quê tôi không có dòng sông Hương thơ mộng chảy qua, nhưng có dòng sông Hồng uốn lượn, luôn bồi đắp phù sa cho đôi bờ bến bãi, tôi không có đám bạn “cà phê sáng”, nhưng lại có lũ bạn thuở ấu thơ đầu đời mà tôi đôi lúc nhớ chúng đến quay quắt. Quê tôi không có cồn Hến, bến Văn Lâu nhưng lại có những cánh đồng chạy dài tít tắp đến tận đường chân trời với những cánh cò trắng rập rờn trên biển lúa. Chẳng có các thành quách, lăng tẩm hoàng gia nhưng lại là một nơi có không ít những danh dân và không thiếu các đền đài chùa chiền… Nơi đó tôi có… vâng, nhiều lắm…

Thấy các anh thân thiện, cởi mở và dễ mến, tôi mạnh bạo nêu những suy nghĩ về văn chương và quan niệm viết văn của mình, các anh chân thành chia sẻ. Tôi vui lắm.

Tôi vốn là một đứa cũng rất mê phim ảnh, nên bàn luận khá nhiều với hai anh. Khi bàn về chuyện này, Đặng Nhật Minh thổ lộ, vẻ tư lự: “Bây giờ ở Việt Nam mà làm phim không có chân ngắn chân dài, không có đánh đấm thì… chỉ có lỗ vốn thôi!” Tôi tức thì không hiểu, nhưng sau đó thì hiểu liền nếu cứ chiểu theo những bộ phim Việt mới đây và những bộ phim do chính anh làm đạo diễn… Điều anh Minh trăn trở khiến tôi nhớ lại chuyện là cách đây ít lâu, có một lần nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có câu thơ mà chúng tôi cứ… tròn mắt nhìn nhau, rồi lại phá lên cười vì cái sự ví von dí dỏm của anh :

“Ngồi buồn vạch khóa… xem chim
Còn hơn đi rạp xem phim nước mình!”

Cười thì cười đấy, nhưng giờ nghe lời tâm tình của anh Minh, tôi suy tư!

Khi tôi hỏi nhà văn Tô Nhuận Vỹ rằng tại sao anh lại “im hơi lặng tiếng” lâu như vậy, sao lại để Vùng Sâu ngủ vùi lâu như thế rồi mới công bố, anh trầm ngâm... Còn Đặng Nhật Minh thì chia sẻ rằng anh thấy vui khi gần đây những bộ phim cũ của mình được đài Truyền hình phát lại nhiều lần và được nhiều người xem cảm tình. Tuy vậy anh vẫn thấy tiếc khi xem lại chúng! Bởi anh thấy còn một số cảnh quay chưa thể hiện được đúng với suy nghĩ và mong muốn của anh, không hẳn do chủ quan mà do nhiều yếu tố khách quan nữa… Tôi hiểu và đồng cảm với các anh. Với người nghệ sỹ, mỗi tác phẩm là một đoạn đời của họ, là những gì họ nâng niu trân trọng, bởi đó là sản phẩm của những giây phút lao động khổ ải nhọc nhằn, những nghĩ suy trằn trọc, đôi khi phải vắt kiệt sức mình… Tôi mong bạn đọc và khán giả thấu hiểu cho họ…

Khi tôi nói với Đặng Nhật Minh rằng bộ phim Bao giờ cho đến tháng mười của anh được quay tại quê tôi… Anh ngạc nhiên. Vậy là chúng tôi lại có đề tài để mà nói!

Những câu chuyện cứ tiếp nối và thời gian cứ trôi, đã đến lúc phải chia tay các anh, tôi dù sao cũng ngậm ngùi. Ở những nơi xa quê hương như thế này, thường phải “có duyên” thì mới hội ngộ được, và khi chia tay rồi thì bao giờ mới tái ngộ đây!

Nhìn các anh lẩn vào dòng người hối hả trên đường, lòng tôi ngổn ngang bao ý nghĩ. Hai con người mà tôi hằng ngưỡng mộ thì đây, họ cũng bình thường giản dị như bất kỳ người nào ta gặp trong ngày. Tôi lại học được tính cách đó nơi các anh. Giản dị chân chất và thành thực với chính mình! Tôi mong sẽ có ngày gặp lại, bởi tôi tin: “Hữu duyên thiên lí năng tương ngộ…”.

Paris, 18/05/2013
H.C  
(SDB9/6-13)







 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Đoản văn này được George Orwell viết năm 1936 kể về khoảng thời gian ông làm việc như một nhân viên bán sách bán thời gian tại tiệm sách cũ Booklover’s Corner tọa lạc ngay góc phố Pond Street và South End Green, thành phố London, nước Anh. Hiện nay tiệm sách cũ Booklover’s Corner không còn nữa, thay vào đó là một nhà hàng pizza, tuy nhiên ở đó còn gắn một tấm biển ghi rằng “George Orwell, nhà văn (1903 - 1950) từng sống và làm việc trong một tiệm sách ngay vị trí này”.

  • Tác giả Oriana Fallaci lột tả cảm xúc của người phụ nữ từ lúc mang thai, dằn vặt nội tâm giữa việc giữ hay từ bỏ đứa con trong bụng, đến khi đau đớn mất con.

  • Sau gần một thế kỷ bị chìm trong quên lãng, "Temperature" - tác phẩm của nhà văn F. Scott Fitzgerald - đã được xuất bản trên một tạp chí.

  • Chúng tôi giới thiệu với bạn đọc một tư liệu văn học khá đặc biệt mới được công bố lần đầu trên tuần báo Ngọn lửa nhỏ (số 49 tháng 12-1988) Liên Xô, có liên quan số phận cuộc đời của nhà thơ Nga mà hiện nay tên tuổi ông đã trở nên nổi tiếng thế giới - Iôxíp Brôđxki (giải thưởng Nô ben).

  • Một khu triển lãm thuộc địa nhằm ca tụng quá trình chinh phạt của thực dân Pháp, trong đó có nhiều di tích đến từ Việt Nam, hiện đang hoang phế điêu tàn.

  • Năm 1854, Nhật Bản chính thức “mở cửa” sau khoảng 250 năm thực thi chính sách Sakoku (Tỏa quốc) dưới thời Edo (1600-1868) và không lâu sau, gấp gáp bước vào công cuộc Duy tân thời Minh Trị (1868-1912) với hàng loạt đổi thay mạnh mẽ.

  • NGUYỄN DƯ

    Tôi vốn không thích đi đến những nơi xa lạ. Ngại những cái phiền toái.

  • WILLIAM B NOSEWORTHY 

    "Những cuốn Lịch Sử Thơ Mỹ” chỉ có bốn ấn bản chính đáng kể, được viết theo chủ đề trên.

  • SERGEI BELOV
          Tiểu truyện

    Trên góc đường Malaya-Meschanskaya và Stolyrany có một chung cư trông thật khiêm tốn, đó là nơi nhà văn Dostoievsky với đứa cháu của người vợ đã mất cùng bà nhũ mẫu trung thành đang ở.

  • Ở các nước phương Tây trước đây, tóc thường được lấy từ di hài người vừa nhắm mắt xuôi tay và giữ làm vật lưu niệm trong gia đình. Các món tóc từng ở trên đầu hai nhà soạn nhạc bậc thầy Wolfgang Amadeus Mozart và Ludwig van Beethoven đã được đem ra bán đấu giá trong cùng một phiên tại nhà Sotheby London vào ngày 28/5 mới đây, sau một đợt triển lãm cho công chúng thưởng ngoạn.

  • Mặc dù năm nay khép lại với kết quả gây đầy tranh cãi, LHP Cannes vẫn là nơi đáng mơ ước cho mọi nhà làm phim trẻ, mong tìm được bệ phóng tốt cho giấc mơ điện ảnh của mình.

  • (Đọc “Cuộc cách mạng một-cọng-rơm”)*

    Từ một chuyên viên trong văn phòng của một viện nghiên cứu, chàng trai tuổi đôi mươi Masanobu Fukuoka bỏ ngang xương để trở thành một nhà nông nuôi dưỡng tín điều duy nhất: làm nông theo hình thái tự nhiên.

  • Vlađimia Maiakôvski (1893 - 1930) là nhà thơ đầu tiên ở thế kỷ XX đã cống hiến tài năng lớn lao của mình cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cái vốn thơ dấn thân, say mê và dữ dội của ông, ông đưa nó ra đường phố, hướng về phía quần chúng và biến nó thành "chỉ huy sức mạnh con người".

  • LTS: Dana Gioia là một nhà thơ, nhà phê bình, và thầy giáo hiện ở Mỹ. Ông sinh năm 1950 tại Los Angeles. Ông học đại học Standford và tốt nghiệp M.A về Văn chương Đối chiếu từ Đại học Harvard trước khi làm việc trong ngành kinh doanh. Sau 15 năm làm quản trị thương mại ở New York, ông bỏ chức phó chủ tịch công ty để toàn tâm viết sách và dạy học.

  • Hẳn là đã có rất nhiều người nghe nói đến cuộc tranh luận uyên bác kéo dài hơn 200 năm đề cập đến những bài Xô-nêt của Shakespeare và những cố gắng chưa có kết quả nhằm nhận ra những nhân vật chính trong các tác phẩm, đó là "Người đàn bà sầu thảm" và "Cậu bé dễ yêu".

  • TRẦN PHƯƠNG LINH

    Gunter Grass, tiểu thuyết gia nổi tiếng người Đức, từng đoạt giải Nobel văn học năm 1999, vừa qua đời ngày 13/4/2015 tại bệnh viện ở thành phố Lubeck-Đức, hưởng thọ 87 tuổi.

  • Triết hiện sinh chia tay với triết học "trừu tượng". Nó quan tâm đến tính chủ thể cụ thể của con người, chứ không phải khái niệm trừu tượng về "chủ thể". Đó là lý do nhiều triết gia hiện sinh (như Sartre, Camus...) chọn hình thức văn nghệ (tiểu thuyết, kịch...) để đến gần hơn với đời sống thực, nói lên những băn khoăn, thao thức, đau khổ và lựa chọn trong "thân phận" làm người.

  • (Vài suy nghĩ nhân đọc thư của các bạn Việt Nam nghe đài Matxcơva)

    IRINA ZISMAN MÔSCƠVINA (Nhà báo Liên Xô)

  • Series hòa nhạc tương tác dành cho trẻ nhỏ dưới tám tuổi Bach Before Bedtime đang nỗ lực xóa bỏ khoảng cách cố hữu giữa nghệ sĩ và khán giả, làm cho môi trường âm nhạc cổ điển trở nên thân mật nhất trong khả năng có thể.