Bỗng nhiên tôi cụt hứng

10:42 19/07/2010
CHÍ CÔNGNghe xã ấy chuẩn bị gặt chiêm, làm được nghĩa vụ lương thực, thuế nông nghiệp và hè thu 1983 sớm hơn các nơi khác, tôi cùng hai cán bộ cơ quan đi về đấy rút kinh nghiệm để có kế hoạch tuyên truyền sát thực tế.

Ảnh: Internet

Chuyến đi có tôi, Hòa và Minh, một già hai trẻ. Kẹp xắc vào "poóc ba ga" ngồi trên "ngựa sắt" xăm lốp tốt, phanh rất ăn, chúng tôi thong dong trên đường. Buổi sáng mùa hè ở Huế đẹp và mát. Nhưng cỏ cây và gió mơn man càng làm con người khoan khoái hơn.

Đến nơi, chúng tôi được biết xã đang họp hội đồng nhân dân, các đồng chí trong cấp ủy Đảng và ban quản trị đều bận dự họp. Chúng tôi thường quen với tình huống này nên không để lỡ cơ hội, liền gặp các anh văn phòng, kế toán, cán bộ kế hoạch; sau đó còn được đi thăm đồng, hỏi han một số xã viên, nghe chuyện làm phân, việc khoanh bảy vùng chống úng để đem giống lúa mới vào, rồi chuyện đời sống, lương thực, thuế nông nghiệp, tận mắt quan sát lúa cao sản, ruộng thanh niên, kênh mương thủy lợi, nhiều cái gây cho chúng tôi ấn tượng thích thú về con người, cuộc sống đang lên ở nơi này…

Chúng tôi trở lại trụ sở hợp tác xã đã gần trưa. Anh C. cán bộ văn phòng cho biết Đảng ủy và ban quản trị bận, chưa gặp được. Tin ấy không làm ai băn khoăn bởi chúng tôi đã nhất trí với nhau chỉ cần đến chỗ họp vào giờ nghỉ trưa, vừa trình diện, vừa tranh thủ các anh ấy một số ý kiến. Ý định vậy, nên anh em tôi lại kéo nhau đi xem tiếp nhà kho, sân phơi phía sau rồi mới vào nhà. Người nói chuyện cuối buổi này với chúng tôi là anh P. cán bộ kế hoạch của hợp tác xã vừa đi thăm đồng về. Lúc đầu anh có vẻ ngại ngần, anh nói: "Em là người ngoài Đảng giúp việc về kế hoạch, không có quyền hạn được báo cáo". Nhưng khi nghe chúng tôi nói rõ ràng chúng tôi không hỏi gì về các vấn đề Đảng, hay những chủ trương nhận định của cấp ủy và ban quản trị mà chỉ muốn nghe anh nói về những điều anh biết trong việc chuẩn bị vụ hè thu thì anh kể thực vui, thực chân chất. Điều mà chúng tôi đang cần biết, qua anh đã biết được khá sinh động.

Đúng trưa, sau khi đã tìm nơi ăn cơm, ba anh em trở lại đường quốc lộ, đến tận nơi xã họp. Chúng tôi đã cố tránh giờ ăn, bởi gặp ăn vốn phiền cho cả khách và chủ. Nhưng đến đây đã hơn 12 giờ mà qua trước cổng vẫn còn thấy nhiều nhóm bưng mâm bát đi vào đi ra ở các gian phòng, nên anh em đành rủ nhau đạp xe vượt lên quá cổng một đoạn, rồi dừng lại nghỉ và đợi dưới mấy gốc dương bên đường. Khi đã thấy nhiều người lục tục ra cửa, tôi dặn Hòa, Minh ngồi đợi và đi vào. Đến gần căn nhà sát đường phía phải, thấy bên trong có xa lồng, bộ bàn sáu ghế, quạt bàn và bốn năm người đang ngồi uống nước, trò chuyện tôi đi ngay vào đó.

- Xin chào các đồng chí, tôi vừa chào vừa cất chiếc mũ.

- Đồng chí cần gì? Hỏi ai ạ? Một người hỏi.

- Tôi ở cơ quan tuyền truyền của tỉnh, muốn xin được gặp đồng chí bí thư hoặc các đồng chí trong ban quản trị hợp tác một chút.

Một bác tóc đã bạc, ngồi ở ghế xa lông chỉ về phía bàn gần đó:

- Ông ấy đấy, mời anh vào.

Tôi vừa gật đầu vừa cười vui vẻ chào mọi người và đi đến trước cái ghế đối diện đồng chí bí thư.

Đồng chí ấy trạc trên năm mươi tuổi, tóc hoa râm, cắt ngắn, mặc áo sơ mi cộc để lộ đôi bắt tay tròn to như bắp chuối mật. Hai khuy áo phía trên mở đổ lộ bộ ngực khá vạm vỡ, màu da thắm như màu gà. Một chiếc quạt bàn chạy rất êm cứ làm áo anh bay lất phất. Anh ngồi điềm nhiên, không cười, không chào lại và cũng không mời tôi ngồi. Vừa xỉa răng vừa hất hàm sang phía tôi, anh hỏi:

- Gì thế anh? Giọng thong thả, chữ sau hơi cao một chút.

Tôi trả lời mềm mỏng:

- Báo cáo anh, tôi tranh thủ đến thăm và gặp anh buổi trưa thế này cũng phiền anh, nhưng vì có điều cần…

- Tôi đã cho người báo cáo các anh là chúng tôi bận họp, chưa làm việc được, giờ là buổi trưa, tôi nghỉ.

Vẫn giữ mức mềm mỏng của mình, tôi khẩn khoản:

- Chỉ muốn xin anh mười lăm phút thôi, anh cho cái hướng làm việc hoặc anh cho đồng chí nào nắm được vấn đề tuyên truyền vừa qua cho chúng tôi được trao đổi khoảng vài chục phút, hoặc trước giờ họp hoặc buổi tối cũng được.

Giọng đồng chí bí thư càng to hơn.

- Giờ đang họp đây, không có thể để làm việc với các anh được, mà báo cáo gì thì tôi cũng thông qua đảng ủy, ít ra khi báo cáo cũng có hai người, mai thì chúng tôi bận khách Trung ương, ngày kia đoàn Đà Nẵng, các anh có làm thì ngày thứ tư.

- Anh thông cảm, ngày đó tôi lại phải về họp cơ quan mà kế hoạch tuyên truyền lương thực, thuế, hè thu cũng gấp. Nguyên tắc làm việc như anh nói là chặt chẽ, song anh em chúng tôi thì chỉ xin các anh một số ý kiến về các việc trên, nhanh thôi. Sáng nay chúng tôi cũng có tìm hiểu, nghe một số anh em cán bộ bà quần chúng được nhiều điều cụ thể.

- Ai báo cáo cho các anh?

- Số anh em ở chỗ làm việc và anh P. cán bộ và quần chúng được nhiều điều cụ thể.

- Hứ! Giọng anh trở nên gay gắt - Tôi đề nghị các anh xóa hết các điều ấy. Chúng tôi không công nhận những gì các anh lấy đó để tuyên truyền đâu đấy.

Một thắc mắc thoáng đến rất nhanh trong tôi. Không hiểu vì sao đồng chí bí thư lại không tin cán bộ dưới hợp tác xã, sợ họ báo cáo sai chăng?

Cách nói của anh khá căng nên số ngồi xung quanh cứ ngước nhìn rồi từ từ rút lui hết. Riêng tôi vẫn tự trấn tĩnh đáp:

- Không có gì không hay đâu, toàn chuyện tốt lành cả, anh đừng lo. Nhưng để cho chu đáo mà các anh lại bận thì chiều nay chúng tôi xin đi thăm đội 1 và đội 2, tôi xin gặp các anh có được không?

- Chưa làm với xã thì chưa đi đội được.

Nén một nỗi bực tức đang muốn bung ra, tôi nhìn thẳng mặt anh, cố ghìm giọng nói ở mức bình thường:

- Đi về thăm đội sản xuất mà, mà… không được hở anh?

- Tôi không có thì giờ nói với anh nữa, tôi về.

Thế là anh đứng lên đeo xắc vào vai, đội mũ, không tắt quạt, không nhìn tôi, vừa xỉa răng vừa đủng đỉnh ra cửa không hề ngoái lại.

Tôi xoay cái quạt điện về phía mình cho nó mát một chút rồi đè tay lên công tắc. Một tiếng "tách", vòng quạt chậm lại từ từ, tôi đi ra.

- Thế nào chú? Hòa và Minh đều hỏi.

- Không đạt yêu cầu.

Tôi kể lại sơ sơ cho Hòa và Minh nghe.

Minh nói: "Giá sáng nay chú lấy xe con đi, xe dừng trước cổng rít một cái thì chắc họ không đón chú như thế!" Hòa cười tỏ vẻ đồng tình. Tôi nghĩ thầm: "Cũng có thể như vậy - Nếu mình dùng xe cơ quan đi sáng nay có khi công việc sẽ thuận lợi hơn, bởi thói thường vẫn còn cách xử thế của con người với nhau theo kiểu ấy".

Tôi ngồi im lặng. Những ý nghĩ tốt đẹp dấy lên trong tôi mới cách đây mười lăm phút về kế hoạch tuyên truyền sinh động kịp thời, bỗng nhiên như bị dội một gáo nước lạnh: Tôi còn cảm thấy lo cho anh P. và một số anh em ở hợp tác xã không khéo chiều nay sẽ bị đồng chí bí thư phê bình vì đã trao đổi công việc với chúng tôi!

Trên đường về, ba chúng tôi không còn giữ được tâm trạng vui vẻ như lúc ra đi. Hai đồng chí bạn trẻ của tôi nôn nóng đưa ra những nhận xét. Riêng tôi cứ băn khoăn không rõ vì sao ở một xã đang lên, được nhiều tiếng khen, mà đồng chí bí thư Đảng ủy xã lại đối xử với cán bộ như vậy? Có phải đây là một nét biểu hiện quy luật tư tưởng mà Đảng thường nhắc nhở là trong phong trào đang lên, nếu không biết ngăn ngừa có thể phát sinh những mầm xấu như chủ quan, tự mãn, quan liêu, coi thường quần chúng vv… Thực tiễn cũng đã có điển hình tiên tiến nổi danh một thời rồi tụt xuống chỉ vì ở đấy không kịp thời nhìn ra những điều đó. Tôi hiểu trong công lao rất lớn của cán bộ, đảng viên và nhân dân đã tạo nên sự tiến bộ nhiều mặt của xã này, không thể không nói đến vai trò của đồng chí bí thư. Đồng chí ấy hẳn là người có công, nhưng hôm nay, đã có sự biểu hiện không bình thường trong một trường hợp cụ thể. Dù còn vì căn nguyên gì khác nữa thì một đồng chí lãnh đạo tiêu biểu của một xã cũng không bao giờ buông thả mình theo kiểu ấy.

Đó là điều đã làm tôi bỗng nhiên cụt hứng trưa hôm ấy.

C.C.
(2/8-83)




Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • NGUYỄN QUANG HÀ                        Truyện kýHoà thượng Thích Đôn Hậu gọi đại đức Thích Trí Diệm lên phòng riêng:- Ta đang mắc công chuyện không thể xa Huế được trong thời gian này, nên ta cử thầy vào chùa Hải Đức, Nha Trang tham gia cuộc thuyết pháp quan trọng tại đó. Thầy đi được chớ?Đại đức Thích Trí Diệm cúi đầu thưa:- Dạ, được ạ.

  • VĨNH NGUYÊN                Truyện kýSau “vụ” gặp em, tôi băn khoăn lắm lắm. Là bởi trước đó - trước quả rốc-két mà chiếc F4H phóng xuống và em bị thương dưới đùi, em đang chờ tháo dây thuyền ở hốc đá, còn tôi thì giữ lấy ống ti-dô cho nước vào hai cái thùng phuy trên thuyền cho em. Hai chiếc thùng phuy 400 lít nước sắp tràn đầy. Như vậy là quá đủ thời gian cho chúng ta có thể hiểu biết về nhau, tên tuổi, quê hương bản quán.

  • ĐẶNG VĂN SỞ          Ghi chépKhông hiểu sao tôi lại đi tìm anh - anh Nguyễn Đức Thuận - người anh chú bác ruột cùng chung sống dưới một mái nhà với tôi. Tôi chỉ nhớ là hồi đó chồng của cô tôi nằm mơ thấy anh, và bác vào tận Nha Trang để đi tìm anh Mậu, người đồng đội và là người chứng kiến lúc chôn cất anh.

  • NGUYỄN QUANG HÀMột buổi sáng vợ chồng anh Thảo, chị Ái đang đèo nhau, phóng xe Honda trên đường Nguyễn Trãi, một con đường lớn của thành phố Huế, bỗng có một người lao thẳng vào xe anh Thảo. Nhờ tay lái thiện nghệ, nên anh Thảo đã phanh xe kịp. Hai vợ chồng dựng xe, ra đỡ nạn nhân dậy.

  • HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNGBút kýAnh đã xứng đáng với danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân" của nhà nước ta phong tặng. Riêng Hội Nghệ sĩ điện ảnh Nhật Bản đã tặng cho anh giải thưởng vẻ vang dành cho người nghệ sĩ thuật lại sự tích dân tộc mình bằng điện ảnh...

  • ĐÀO XUÂN QUÝĐã lâu lắm, có đến hơn hai năm, kể từ khi bị tai nạn ở chân tôi chưa đi vào các hiệu sách, kể cả các hiệu sách ở Nha Trang. Đi tới các hiệu sách thì xa quá, đi bộ thì không đi nổi, mệt và nóng lắm, mà đi xe thuê thì cũng khó, vì họ không phải chỉ đưa mình tới nơi mà còn phải đợi hàng giờ khi mình phải tìm chọn sách nơi này nơi nọ, quầy này quầy khác v.v...

  • NGUYỄN THANH CHÍHai mươi tám tuổi, nó không biết chữ và không quen đi dép, mặc áo quần dài; lầm lũi, ít nói nhưng rất khoẻ mạnh... Với nó rừng là nhà, các lối mòn trong rừng thì thuộc như lòng bàn tay... Đó là Trương Ngọc Hoàng, sinh năm 1977.

  • NGUYỄN TRỌNG BÍNHMọi chuyện xẩy ra suốt 55 ngày đêm ở đơn vị trong cuộc tổng tiến công nổi dậy xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tôi đều nhớ như in. Thế mà, lạ lùng thay, suốt thời gian đó, hàng ngày mình ăn thế nào, lại không nhớ nổi. Chỉ nhớ mang máng có lúc ăn cơm nắm, ăn lương khô. Về giấc ngủ, có thể là tranh thủ nửa ngủ nửa thức giữa 2 trận đánh hoặc lúc ngồi trên xe trong đội hình hành tiến. Cố hình dung, tôi nhớ được bữa cơm chiều ở dinh Độc Lập, hôm 30-4-1975.

  • NGÔ MINHỞ CỬA NGÕ XUÂN LỘCSư Đoàn 7 thuộc Quân Đoàn 4 của chúng tôi hành quân từ Bảo Lộc về ém quân trong một rừng chuối mênh mông, chuẩn bị tấn công cứ điểm Xuân Lộc, cửa ngõ Đông Bắc Sài Gòn, đúng đêm 1-4-1975.

  • HUỲNH KIM PHONG(Chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng miền , thống nhất đất nước 30.4.1975 - 30.4.2005)

  • LÊ HOÀNG HẢICon người từ khi cảm nhận thế giới xung quanh là lúc cảm được sự xa vắng, ly biệt... Nhớ hồi thơ dại, đứng trên bến sông trước nhà nhìn sang Cồn Hến thấy sông rộng lắm cứ nghĩ khó mà bơi sang sông được. Mỗi lần đi bộ từ nhà lên cầu Gia Hội dù chỉ vài trăm mét nhưng lại cảm thấy rất xa. Càng lớn khôn cảm nhận về khoảng cách được rút ngắn. Nhưng lạ thay khoa học ngày càng khám phá không gian, vũ trụ thì chạm đến cõi vô cùng.

  • HỒ NGỌC PHÚTôi về lại Huế sau trận lụt tuy muộn nhưng khá lớn vào gần cuối tháng 12 năm 2004. Ngồi ở quán cà phê Sơn bên bờ chân cầu Trường Tiền, nhìn sông Hương vào lúc sáng sớm sao thấy khang khác, trong có vẻ như sáng hơn ngày thường.

  • HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNGĐã lâu tôi không hề nhắc đến hoa, và tôi cảm thấy tôi đã có lỗi đối với những người bạn tâm tình ấy dọc suốt một quãng đời chìm đắm trong khói lửa. Thật ra, những cánh hoa nhỏ bé và mong manh ấy đã viền con đường tuổi trẻ đầy kham khổ của tôi. Chiến chinh qua rồi có nhiều cái tôi đã quên, nhưng những cánh hoa dại dọc đường không hiểu sao tôi vẫn nhớ như in, như thể chúng đã được ấn vào trí nhớ của tôi thành những vết sẹo.

  • NGUYỄN THẾ QUANG(Chuyện tình chưa kể của nhà thơ Hoàng Cầm)

  • VÕ NGỌC LANTôi sinh ra và lớn lên tại vùng Kim Long, một làng nhỏ thuộc vùng cận sơn, không xa Huế là bao. Bởi thuở nhỏ chỉ loanh quanh trong nhà, trong làng ít khi được “đi phố” nên đối với tôi, Huế là một cái gì thật xa cách, thật lạ lùng. Đến nỗi tôi có ý nghĩ buồn cười: “Huế là của người ta, của ai đó, chứ không phải là Huế của tôi”, ngôi chợ mái trường, một khoảng sông xanh ngắt và tiếng chuông chùa Linh Mụ... mấy thứ ấy mới là của tôi.

  • NGUYỄN XUÂN HOÀNGNhân một lần ghé ngang Paris , võ sư người Huế Nguyễn Văn Dũng đã đi thăm sông Seine. Đứng lặng lẽ bên dòng sông thơ mộng bậc nhất nước Pháp, bỗng lòng ông nhớ sông Hương quá trời. Về lại Việt , ngồi bên bờ sông Hương, ông vẫn hãy còn thấy nhớ cồn cào cái dòng chảy thầm thì trong sương mù như một nhát cắt ngọt ngào giữa trái tim đa cảm.

  • HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNGTôi rẽ vào nhà Thiệp để đưa bé Miên Thảo đi học. Cô bé hét vang nhà để bắt tìm cho ra chiếc dép đi trời mưa lạc nơi đâu không biết. Miên Thảo mặc chiếc quần Jean xanh và khoác áo len đỏ, choàng một chiếc phu la cổ màu đen trông thật đỏm dáng.

  • NGUYỄN QUANG HÀSông Bồ là con sông không dài, nhưng đẹp ở về phía Bắc Huế. Phía tả ngạn, hữu ngạn vùng thượng lưu sông là hai huyện Phong Điền và Hương Trà, vùng hạ lưu sông chảy qua Quảng Điền rồi đổ vào phá Tam Giang. Làng xóm hai bên bờ sông khá trù mật.

  • MINH CHUYÊN (Tiếp Sông Hương số 12-2008)

  • MINH CHUYÊN (Tiếp theo và hết)