Bao giờ mới thật sự có công trình mang tên “nhà văn Việt Nam hiện đại”

14:56 16/10/2008
NGUYỄN KHẮC PHÊ(Nhân đọc “Nhà văn Việt Nam hiện đại” - Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản, 5-2007)Trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957-2007), Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN) đã xuất bản công trình quan trọng “Nhà văn Việt Nam hiện đại” (NVVNHĐ), dày 1200 trang khổ lớn, tập hợp chân dung trên một ngàn nhà văn các thế hệ, từ các cụ Ngô Tất Tố, Phan Khôi… cho đến lớp nhà văn vừa được kết nạp cuối năm 2006 như Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Vĩnh Tiến, Phan Huyền Thư…

Trong “Lời giới thiệu”, Chủ tịch HNVVN Hữu Thỉnh đã nói rõ nguyên nhân dẫn đến một số thiếu sót của cuốn sách, chủ yếu là tư liệu về một số nhà văn không đầy đủ ( có khi do “tác giả đã lãng quên nhiều chi tiết” hoặc “chính tác giả chỉ muốn nói về  mình đến mức ấy…”); đồng thời ông “ao ước” công trình này, “có thể là một gợi ý cho một cái nhìn tổng quan hoặc góp phần làm nẩy sinh những công trình nghiên cứu văn học khác nữa…”
Trên tinh thần này, xin bỏ qua các thiếu sót về biên tập hoặc do chính các nhà văn không chu đáo trong việc cung cấp tư liệu…, để tập trung vào một số mặt có ý nghĩa hơn:

1. So với công trình cùng tên, cũng do HNVVN ấn hành 10 năm trước (năm 1997), thì lần xuất bản này đầy đủ hơn về số lượng nhà văn (1155/ 786) và nhiều chân dung nhà văn (gồm ảnh, tiểu sử, quá trình công tác, sáng tác, những tác phẩm chính, các tặng thưởng và quan niệm về nghề văn) cũng được tu chỉnh hoặc chọn lọc hơn. Như vậy, nếu “khoanh vùng” trong phạm vi các nhà văn là hội viên HNVVN, thì công trình xuất bản lần này rất có ích cho các nhà nghiên cứu và những ai quan tâm đến văn học nước nhà. Tuy vậy, ở một số tác giả có quá trình “phức tạp” (như Hữu Loan, Phùng Quán, Trần Dần, Lê Đạt…) bạn đọc không thể thoả mãn với cách lược ghi, đại thể như với Phùng Quán, “quá trình học tập, công tác, sáng tác” chỉ vẻn vẹn một dòng: “Tham gia quân đội trong thời kỳ chống Pháp, sau chuyển sang làm công tác văn hoá”. Đã đành, đây là một sự chọn lựa khó khăn của Ban biên tập, nhưng vụ “Nhân văn” đã qua nửa thế kỷ (thời gian cho phép “giải mật” nhiều loại hồ sơ…), một số tác giả lại vừa được tặng “Giải thưởng Nhà nước”, thiết nghĩ Ban chấp hành HNVVN không nên tránh né một sự thật mà thiên hạ đều đã biết.

2. Trên 350 nhà văn được bổ sung trong lần in này, đương nhiên hầu hết là những nhà văn được kết nạp trong 10 năm qua. Vấn đề chính là ở những “biệt lệ” - một số ít nhà văn được bổ sung, tuy không phải là “hội viên”. Trong phần “Các nhà văn mất trước khi thành lập Hội”, bổ sung thêm nhà văn Vũ BằngLan Khai. (Thực ra, xếp Vũ Bằng vào phần này là một sự khiên cưỡng, vì ông mất năm 1984 mà HNVVN thành lập năm 1957!). Phần tiếp theo “Các nhà văn chưa hội viên hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ”, bổ sung thêm nhà thơ Ngô Kha. Trước hết, cần ghi nhận thiện ý của Ban biên tập đã bước đầu có sự nhìn nhận, đánh giá lại cống hiến của các nhà văn không (hoặc chưa) phải là hội viên HNVVN. Thực ra, danh hiệu “hội viên” chưa phải là căn cứ duy nhất để đánh giá, xếp loại nhà văn. Dễ thấy hơn cả là trường hợp nhà văn khá nổi tiếng Nguyễn Mạnh Tuấn đã không có mặt trong cuốn sách này, chỉ đơn giản là vì anh đã xin ra khỏi HNVVN, mà theo tôi được biết thì vì anh “không thích”, chứ không  phải vì bất mãn hay “bất đồng chính kiến”. (Một số ít nhà văn từng có tên trong lần xuất bản trước, nay “vắng mặt” thì lại vì những lý do ngoài văn chương).

Như vậy, vấn đề đặt ra là: Những nhà văn không (hoặc chưa) phải là hội viên HVNVN, được bổ sung dựa theo tiêu chí nào? Cuốn sách ghi tên “tác giả” là “Ban chấp hành HVNVN”, như thế “tiêu chí” do “mục đích, tôn chỉ…” của “tác giả” định ra. Có thể dễ dàng thấy rõ một tiêu chí quan trọng là các nhà văn phải tham gia cách mạng và kháng chiến. Nếu quả vậy, đã đưa Vũ Bằng (mất 1984) vào sách, vì sao không đưa Hồ Chí Minh, Sóng Hồng vào? Chúng ta đều biết, hai tác giả này (và một số đồng chí khác nữa như Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Xuân Thuỷ) đã được đưa vào nhiều bộ từ điển văn học xuất bản trước đây. Ngay trong cuốn “Từ điển tác giả văn học Việt thế kỷ XX" do Trần Mạnh Thường biên soạn (NXB Hội Nhà văn 2003), cũng đã dành nhiều trang cho các tác giả vừa nêu. Bạn đọc cũng không hiểu vì sao lại chưa thấy Hồ Vi (tác giả “Lời quê” đã in trong “Tuyển tập thơ kháng chiến”) và Quỳnh Dao (tức Đinh Nho Diệm, tác giả tập “Tơ trăng”, trong đó có 2 câu nhiều người thuộc, từng được trích dẫn trong “Thi nhân Việt Nam”: “…Một hàng Tôn Nữ cười trong nón / Sông mở lòng ra đón bóng yêu…” Hai nhà thơ này đều mất trong kháng chiến chống Pháp. Theo Phùng Quán (Xem bài “Nhà tiên tri tầm cỡ đại đội” trong “Ba phút sự thật” - NXB Văn nghệ, 2005), thì Hồ Vi mất do vấp phải mìn trên đường đi ở Quảng Trị còn Quỳnh Dao, sau khi Tạp chí Đông Tây bị Sở Liêm phóng Pháp đình bản, đã đem vợ con về quê hoạt động trong phong trào phản đế cứu quốc ở miền Trung cho đến cách mạng tháng Tám. (Theo “Văn phẩm Quỳnh Dao” của Anh Chi, NXB Thanh Niên 1999). Nếu tôi không lầm thì hai ông không được công nhận liệt sĩ (vì không phải hy sinh khi đánh giặc), nhưng việc tham gia cách mạng và kháng chiến của hai ông là rất rõ ràng. Chẳng lẽ, “tiêu chí” để công nhận ai được đưa vào sách NVVNHĐ lại áp dụng tiêu chuẩn cấp bằng “Tổ quốc ghi công”?... Và cuốn sách còn để sót những ai nữa?...

3. Điều quan trọng hơn là cuốn sách đã mang một cái tên không xứng hợp. Vì rõ ràng là khiếm khuyết, khi cuốn sách mang tên “NVVNHĐ” mà lại không có Vũ Trọng Phụng, Khái Hưng, Phạm Duy Tốn, Hồ Biểu Chánh,… và rất nhiều nhà văn khác đã từng được khẳng định vị trí trong các bộ từ điển về văn học xuất bản trong những năm gần đây. Đó là chưa nói đến các nhà văn sống và viết ở miền Nam trước 1975, trong đó có một số tên tuổi gần đây đã được báo chí và Nhà xuất bản trong nước giới thiệu như Nguyễn Mộng Giác, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu…
Như vậy, một là chọn cách làm “an toàn”, tránh điều ra tiếng vào, chỉ đóng khung trong phạm vi “Hội viên HNVVN”; còn nếu đã là một công trình nghiên cứu về “NVVNHĐ” và “với lòng mong mỏi được trở thành một tài liệu tham khảo cho tất cả những ai quan tâm tìm hiểu nền văn học Việt Nam hiện đại” (“Lời giới thiệu” của Chủ tịch Hội Hữu Thỉnh”) thì không thể tránh né những vấn đề phức tạp do lịch sử để lại, phải thấy rõ khuynh hướng “mở rộng” như trên là tất yếu, đồng thời là một đòi hỏi chính đáng và cấp thiết của nhiều người, nhất là khi đất nước đã thống nhất hơn ba chục năm, đang mạnh mẽ hoà nhập vào thế giới, Đảng và Nhà nước thì luôn khẳng định lập trường hoà giải hòa hợp dân tộc.

Đã đành, trong điều kiện Việt hiện nay, việc đánh giá tác giả, tác phẩm văn học khó tránh được sự chi phối của ý thức hệ, nhưng chúng ta đều biết, văn học còn có những giá trị trường tồn, vượt qua ý thức hệ. (Đó là chưa nói đến bản thân “ý thức hệ”, theo đúng tinh thần cách mạng của C. Mác là không ngừng thay đổi và phát triển. Nếu ai không tin hoặc “sợ” nói đến điều này, xin cứ mở văn kiện Đại hội X so với đường lối của Đảng trước đây sẽ rõ). “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, hay “Chí Phèo” của Nam Cao là những bằng chứng hiển nhiên rằng: Trong một chế độ phản tiến bộ, vẫn có nhà văn viết nên những tác phẩm có giá trị lâu bền. Đã đến lúc, cần phải đặt thẳng vấn đề: Chẳng lẽ suốt 20 năm (1955-1975), những sáng tác văn học ở miền đều là thứ “vứt đi”, không đáng đếm xỉa gì đến? Dù biết đây là vấn đề “nhạy cảm” và phải cân nhắc thận trọng, nhưng nhất thiết không thể né tránh vì chúng ta từng có những bài học đau đớn, do nhận thức ấu trĩ, đã có thời muốn “vứt đi” những di sản văn hoá tiền nhân để lại, muốn “vứt đi” cả những tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng!

Thực ra, vấn đề lớn hơn, hệ trọng hơn là chuyện của các nhà văn và tầm mức một cuốn sách. Chúng ta đều biết, do những hoàn cảnh lịch sử cụ thể, bọn “ngoại bang” đã bao phen muốn vĩnh viễn chia cắt đất nước ta, hoặc ít ra cũng làm cho Việt ta yếu hèn đi. Nay, với những hy sinh lớn lao của nhân dân ta mà không một phép tính nào đo đếm được, đất nước đã thu về một mối, đã thống nhất trên ba chục năm; không lẽ chúng ta vẫn cứ muốn tự “chia cắt”, tự “gạt bỏ” người này nhóm kia với một lý do chưa hẳn đã xác đáng, để tự làm nhỏ đất nước mình lại?
Vì vậy, có thể nói công trình nghiên cứu “NVVNHĐ” vẫn đang là một “món nợ” của các nhà nghiên cứu văn học, của hai cơ quan hàng năm được Nhà nước tài trợ thực hiện các đề tài nghiên cứu là HNVVN và Viện văn học Việt Nam… đối với bạn đọc yêu văn chương.
N.K.P

(nguồn: TCSH số 221 - 07 - 2007)

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN THỊ THANH LƯU

    Đã từ rất lâu rồi, tôi hài lòng với việc đọc thơ trong màu xám của một nỗi tuyệt vọng - nỗi tuyệt vọng không bao giờ phân tách nổi trắng đen giữa đám sương mù xám đặc dường như chỉ có dấu hiệu đậm dần lên trong những lớp lang chữ nghĩa, trong cách ngắt nhịp, buông vần.

  • MAI VĂN HOAN

    Lẽ ra tôi không viết bài này. Thiết nghĩ văn chương thiên biến, vạn hóa, mỗi người hiểu một cách là chuyện bình thường. Tốt nhất là nên tôn trọng cách nghĩ, cách cảm thụ của người khác.

  • TRIỀU NGUYÊN

    1. Đặt vấn đề
    Nói lái được sử dụng rộng rãi trong giao tiếp thông thường, và trong văn chương (một lối giao tiếp đặc biệt). Để tiện nắm bắt vấn đề, cũng cần trình bày ở đây hai nội dung, là các hình thức nói lái ở tiếng Việt, và việc sử dụng chúng trong văn chương.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ  

    (Đọc tiểu thuyết “Huế ngày ấy” của Lê Khánh Căn, Nxb. Quân đội nhân dân, 2006).

  • HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

    (Đọc “Song Tử” của Như Quỳnh de Prelle)

  • VŨ TRỌNG QUANG

    Trần Thiên Thị viết tắt TTT hay đọc là 3 Tê, tôi liên tưởng đến những T thơ ca:

  • GIÁNG VÂN

    Tôi gọi chị là “ Người truyền lửa”.

  • LGT: Trong khi giở lại tài liệu cũ, tình cờ chuỗi thơ xuân năm Ất Dậu 2005 của Thầy Trần Văn Khê xướng họa với chị Tôn Nữ Hỷ Khương và anh Đỗ Hồng Ngọc rơi vào mắt.

  • Là một nhà văn có sự nghiệp cầm bút truân chuyên và rực rỡ, sau cuốn tiểu thuyết “Chuyện ngõ nghèo”, có thể coi như cuốn tự truyện của nhà văn, Nguyễn Xuân Khánh chủ trương gác bút. Bởi ông biết mỗi người đều có giới hạn của mình, đến lúc thấy “mòn”, thấy “cùn” thì cũng là lúc nên nghỉ ngơi.

  • Nhà văn Ngô Minh nhớ ông và bạn văn cứ gặp nhau là đọc thơ và nói chuyện đói khổ, còn nhà thơ Anh Ngọc kể việc bị bao cấp về tư tưởng khiến nhiều người khát khao bày tỏ nỗi lòng riêng.

  • Tháng 4.1938, Toàn quyền Đông Dương đã “đặt hàng” học giả Nguyễn Văn Huyên thực hiện công trình Văn minh Việt Nam để dùng làm sách giáo khoa cho bộ môn văn hóa VN trong các trường trung học. Một năm sau, công trình hoàn thành nhưng lại không được người Pháp cho phép xuất bản.

  • NGUYỄN VĂN MẠNH
     
    Kỷ niệm 140 năm ngày sinh Cụ Huỳnh Thúc Kháng

  • MAI VĂN HOAN

    Vào một ngày cuối tháng 5/2016 nhà thơ Vĩnh Nguyên mang tặng tôi tác phẩm Truyện kể của người đánh cắp tượng Phật Thích Ca Mâu Ni vừa mới “xuất xưởng”.

  • Trong đời sống học thuật, nhất là khoa học xã hội, có rất nhiều thân danh dành cho số đông, công chúng (quen xem tivi, nghe đài đọc báo) nhưng cũng có những tiếng nói chỉ được biết đến ở phạm vi rất hẹp, thường là của giới chuyên môn sâu. Học giả Đoàn Văn Chúc là một trường hợp như vậy.

  • Dồn dập trong ba tháng Tám, Chín, Mười vừa qua, tám trong loạt mười cuốn sách của nhà nghiên cứu về Lịch sử Việt Nam thời Tây Sơn Nguyễn Duy Chính liên tiếp ra đời (hai cuốn kia đã ra không lâu trước đó). Cuộc ra sách ồ ạt này cộng thêm việc tác giả về thăm quê hương đã thu hút sự chú ý của bạn đọc và các nhà nghiên cứu ở Việt Nam.

  • NHƯ MÂY

    Chiều 14/8/2016 không gian thơ nhạc bỗng trải rộng vô cùng ở Huế. Hàng trăm độc giả mến mộ thơ Du Tử Lê và bạn bè văn nghệ sĩ từ các tỉnh Kiên Giang, Đắk Lắk, Quảng Nam, Quảng Trị, Đà Nẵng, Hà Nội đã về bên sông Hương cùng hội ngộ với nhà thơ Du Tử Lê.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ
          Trích Tự truyện “Số phận không định trước”

    Từ ngày “chuyển ngành” thành anh “cán bộ văn nghệ” (1974), một công việc tôi thường được tham gia là “đi thực tế”.

  • NGÔ MINH

    Nhà văn Nhất Lâm (tên thật là Đoàn Việt Lâm) hơn tôi một giáp sống, nhưng anh với tôi là hai người bạn vong niên tri kỷ.

  • NGUYÊN HƯƠNG

    Ở Huế, cho đến hôm nay, vẫn có thể tìm thấy những con người rất lạ. Cái lạ ở đây không phải là sự dị biệt, trái khoáy oái oăm mà là sự lạ về tư duy, tâm hồn, tư tưởng. Thiên nhiên và lịch sử đã vô cùng khoản đãi để Huế trở thành một vùng đất sản sinh ra nhiều cá nhân có tầm ảnh hưởng lan tỏa. Và trong số những tên tuổi của Huế ấy, không thể không nhắc đến cái tên Thái Kim Lan.