Bản Sê-rê-nát của Su-be

09:47 17/01/2011
PHẠM PHÚ PHONGTôi ngồi bất động, tựa như nuốt phải một cây gậy, người cứng đờ, im lặng, cho đến khi bản nhạc chấm dứt. Nguyễn Hương cũng im lặng ngồi đối diện góc tường, châm thuốc hút. Mới mấy năm không gặp, bây giờ trông anh đã khác hẳn. Đầu tóc hớt cao, lưỡng quyền nhô ra. Thời gian đã kịp cày xới, để lại trên trán anh những đường rãnh nhỏ.

Nhà soạn nhạc F. Schubert - Ảnh: Internet

- Anh được mấy cháu rồi? Tôi hỏi, khi Nguyễn Hương chuyển sang cho tôi cốc cà phê anh vừa đánh tan đường.

- Một cháu! Anh mỉm cười hóm hỉnh.

- Chắc là cháu trai? Thấy anh gật đầu, tôi hỏi tiếp: Cháu mấy tuổi rồi anh?

- Cháu năm nay đã ba mươi hai tuổi và đang ngồi trước mặt cô đây!

Chúng tôi bật cười thành tiếng. Tôi nghĩ: anh chàng nầy chứng nào tật nấy, vẫn thích đùa như hồi còn đi học… Tiếng nói tiếp sau cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi - Tôi ở Cam-pu-chia về. Vẫn là lính. Ở đơn vị tôi có quen một người. Người đó biết Đinh Hương. Lần này về làm công tác chính sách cho đơn vị, tôi có ý định sẽ tìm Đinh Hương, may quá chiều nay lại gặp. Đinh Hương còn nhớ người tên là Phạm Thành không?

Như có một luồng điện cao thế chuyền khắp người tôi. Khúc nhạc của Su-be lại nổi lên…

***

Tôi sinh ra ở bệnh viện C Hà Nội. Nhưng không vì thế mà tôi nhận thấy mình là người Hà Nội. Bố mẹ tôi người Đà Nẵng, tập kết ra Bắc. Tuổi thơ của tôi gắn liền với khung trời Hà Nội, những năm tháng sơ tán, cùng với những mùi vị mặn nồng của thành phố biển quê hương mà bố mẹ tôi thường kể. Tôi hình dung con sông Hàn cũng giống như sông Hồng theo trí tưởng tượng của tôi thời đó.

Sau năm 1975, tôi theo gia đình vào Nam. Nhưng không về Đà Nẵng như tôi mơ ước, mà về một thành phố khác ở miền Trung, nơi ba tôi nhận công tác. “Con đã xong lớp mười, ở đây con học đại học cho gần cũng tiện” - Ba tôi bảo vậy. Thế là tôi có thêm một quê mới, một thành phố nổi tiếng thơ mộng, dịu dàng.

Lúc này tôi đã mười tám tuổi, vào học đại học Sư phạm. Là đoàn viên nòng cốt, tôi tham gia công tác ở Hội Liên hiệp sinh viên. Phạm Thành đã đến với tôi trong những ngày học tập, công tác, lao động sôi nổi ấy. Anh cũng người quê ở Đà Nẵng, bố là bộ đội - là bạn thân của bố tôi trong cuộc kháng chiến trước - đã hy sinh. Anh lớn lên với mẹ trong nhà tù Mỹ Diệm, trốn ra đi học, rồi tham gia hoạt động cách mạng, là một trong những nòng cốt của phong trào sinh viên học sinh. Anh kể cho tôi nghe những năm tháng hãi hùng trong nhà lao Kho đạn, khi mẹ anh bị địch đánh chết đi sống lại. Anh vén tóc chỉ vết sẹo xanh mà kẻ thù để lại ở anh. Anh kể về những ngày tháng lang thang kiếm sống bằng đủ các nghề như bán kem, bán báo, đánh giầy… Rồi những ngày hoạt động sôi nổi, nguy hiểm nhưng đầy hấp dẫn. Tôi say sưa với những câu chuyện tưởng chừng không có thật đó. Tôi yêu những chiến công và yêu anh từ đó. Ở người con trai nầy tôi thật sự tìm thấy nơi gửi gắm tâm hồn. Anh hơn tôi nhiều mặt, cả tuổi đời lẫn sức học (anh học năm thứ ba trường Luật và hơn tôi đến bảy tuổi). Ngay cả về lý tưởng cách mạng của anh cũng trong sáng hơn tôi. Anh không chỉ am hiểu về văn học, hội họa mà còn hát hay, đàn giỏi. Trong các bản nhạc, anh thích nhất bản Sê-rê-nát của Su-be. Tôi không am hiểu âm nhạc lắm, nhưng một cảm nhận vô hình nào đó thu hút, khiến chiều nào tôi cũng theo anh đến một góc nhỏ, dưới giàn hoa giấy ở quán cà phê Thanh niên, nghe bản nhạc ấy.

Có một lần anh kể với tôi về cuộc đời của người nhạc sĩ nghèo người Áo này: Xuất thân là một giáo viên nghèo, nhưng say mê âm nhạc được bạn bè giúp tiền học nhạc. Chẳng bao lâu, tiếng tăm của Su-be bay đến thành Vienne. Một bá tước giàu có mời về biểu diễn. Khi tiếng đàn của Su-be chiếm lĩnh tâm hồn mọi người, đang ở đoạn sâu lắng nhất, thì từ hội trường vang lên tiếng cười trong trẻo của một cô gái. Đó là con gái cưng của bá tước. Với lứa tuổi mười sáu cô ít chú ý đến âm thanh mà chăm chú quan sát người biểu diễn. Bỗng cô phát hiện trên cổ áo của Su-be có con số 5 - con số mà hiệu cầm đồ đính vào, Su-be thuê lại mà không biết. Khi tiếng cười bật ra, Su-be quay lại nhìn cô tức giận, đứng dậy xổ toẹt bản nhạc và bỏ ra về.


Hối hận trước hành động này, cô yêu cầu cha mời Su-be đến nhà dạy nhạc. Thời gian gần gũi, những giọt thạch nhũ nhỏ đều để một tình yêu hình thành giữa hai người. Mối tình này không được bá tước đồng ý. Ông đã ép con lấy một người môn đăng hộ đối, một quí tộc ở triều đình. Sau một thời gian chống lại quyết định của cha không được, cô buộc lòng phải đồng ý; chỉ xin một điều là được mời Su-be đến đàn trong lễ cưới. Khi buổi hòa nhạc trong lễ cưới mở màn, tâm hồn mọi người đang lắng trong bề sâu của âm thanh dưới mười đầu ngón tay của Su-be, thì bỗng bật lên tiếng nấc nghẹn ngào của cô dâu. Một lần nữa Su-be lại bỏ bản nhạc và ra đi. Lần đi này là vì đau khổ. Trên đường về quê, trong một buổi chiều sập tối, ông sáng tác bản Sê-rê-nát này. Những cung bậc buồn như cuộc đời của một nhạc sĩ nghèo dưới chế độ cũ. Gam của Su-be bao giờ cũng là dấu bằng, người đang vui nghe thấm thía ý nghĩa cuộc đời, kẻ buồn nghe như được sự an ủi lớn lao…

Tôi nghe như uống từng lời anh kể. Su-be biểu hiện nỗi buồn của Thành. Tôi yêu anh và yêu cả nỗi buồn đó, yêu cả tính tình trầm lặng, sự nhút nhát đến vụng về của anh. Tôi gắn bó với anh, coi anh là tất cả, và tưởng như không có gì có thể chia cắt chúng tôi, nếu không có sự xuất hiện của Lâm.

Lâm là con một người bạn của mẹ tôi, hiện nay đứng đầu một cơ quan cao cấp ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp đại học ở Hung-ga-ri, Lâm về quê thăm bà nội và họ hàng. Anh thường lui tới thăm viếng bố mẹ tôi, vì là chỗ thân tình. Chỉ trong một thời gian ngắn, tôi nhận thức được rằng Lâm đang say mê tôi. Con gái, thường khi đã có đối tượng chắc chắn, nhưng được thêm một người chú ý, vẫn là niềm kiêu hãnh. Với tư cách là “thổ dân”, vài lần tôi đưa Lâm đi thăm chơi một số nơi. Tôi lại có dịp bày ra lại những hiểu biết tối thiểu, đôi khi không chính xác, về các di tích văn hoá, mà trước đây đã có lần Thành giảng giải cho tôi nghe. Lâm tranh thủ về thường xuyên hơn. Lại những chuyến đi ngoại ô, những buổi leo núi những chiều tắm biển. Dạo nầy, tôi biết rằng bố mẹ tôi rất mến Lâm, muốn tạo điều kiện cho chúng tôi gần gũi nhau. Còn với Thành, “… nó là thanh niên miền Nam, thế nào mà chẳng nhiễm ít nhiều thói hư tật xấu, tính tình lại trầm lặng, khó hiểu, nhà lại nghèo…” Tôi xin nói mà không tự xấu hổ với chính lòng mình rằng, tôi vẫn yêu Thành và bỏ ra ngoài tai những lời nói ấy. Nhưng, tôi yêu chứ không phải say như trước. Anh là người từng trải, có nhân cách, nhưng đôi khi làm tôi bực mình về cái nhân cách quá mẫu mực cao thượng và trong sáng đó. Anh thiếu sự khôn ngoan lanh lợi, anh sống cho bạn, hy sinh cho tôi nhiều quá. Tôi thỏa mãn với niềm hạnh phúc anh dành cho, nhưng vẫn khát khao được tự mình lo toan, cống hiến cho người khác.

Thời gian cứ trôi. Tôi vẫn yêu Thành nhưng dần dà tôi mến cả Lâm. Đối với mỗi người thời gian có ý nghĩa đặc biệt thầm kín. Đôi khi nó phù du và hoàn toàn không quy phục cảm giác, ngược lại, đôi khi nó trở nên cụ thể đến mức có thể sờ mó bằng tay được. Có khi một năm qua đi không để lại trong tâm hồn một dấu vết gì hết, và chẳng có gì để hồi tưởng về nó. Nhưng có khi mỗi ngày mỗi giờ đều đáng ghi nhớ, bởi niềm vui đã đến và ở lại mãi trong lòng; hay bởi nỗi buồn thầm lặng về hạnh phúc đã lướt qua. Lâm không biết gì về mối tình giữa tôi và Thành, nên vẫn tiếp tục đến với tôi bằng tất cả những gì tốt đẹp của một tình yêu chân thành.

Riêng Thành, ban đầu khi biết quan hệ giữa Lâm với gia đình tôi, anh coi là bình thường, thậm chí còn khuyên tôi nên đưa Lâm đi chơi trong những ngày Lâm về thăm. Anh vô tình, anh tin vào tình yêu của tôi nên không hề ích kỷ, giữ gìn. Dạo đó, trường Luật giải tán, sinh viên được chuyển vào Sài Gòn học tiếp, Thành chuyển hẳn về công tác ở Thành đoàn. Công tác của anh có bận rộn hơn, anh ít đến nhà, ít đưa tôi đi chơi như trước. Không biết từ bao giờ, tình cảm của tôi nghiêng hẳn về Lâm. Tôi tìm thấy ở Lâm cái nhún vai kèm với hai tay dang rộng và cái ngắt đầu rất tây, dáng đi nhún nhảy và nụ cười tròn môi đong đầy niềm vui. Hình ảnh của Thành dần dần mất ưu thế trong tôi. Cái trán cao thông minh chứa đầy mơ ước bây giờ như vồ ra khó chịu, lại thêm vết sẹo xanh đến khó coi. Dáng đi điềm đạm trở nên chậm chạp khù khờ. Đôi mắt mơ màng như dại đi trong yếu đuối. Sự chân thành đôi khi trở nên ngớ ngẩn… Dường như Thành cũng nhận ra điều đó, qua cách quan hệ hơi khác của tôi.

Một hôm, tôi gặp Thành từ cổng nhà tôi đi ra, anh nhìn tôi với đôi mắt rực lửa. Tôi bàng hoàng tưởng như chùm hoa phượng trước ngõ bừng đỏ đến xót xa.

- Anh Thành!

Mặc tôi gọi. Anh bỏ đi thẳng. Đó là lần gặp cuối cùng.

Tôi tức giận bỏ vào nhà. Thì ra bố mẹ tôi đang nói chuyện về anh ấy, với những lời chê bai, khinh thị!

- Anh Thành vừa đến nhà ta hở bố?

- Không thấy. Ừ, mà bố mẹ cũng đang nói chuyện về nó đấy, kể ra thằng đó cũng tốt, chỉ có cái hơi khù khờ và nghèo…

Tôi không nghe hết câu nói cuối cùng của bố. Tôi vụt ra đường đi dọc theo bờ sông dưới hàng cây long não. Vài chiếc lá rơi lơ lửng trước mặt tôi. Không tìm thấy anh. Những ngày sau đó, tôi không còn muốn thư từ gì cho Lâm và mấy lần đến tìm Thành đều không gặp. Dù sao những gì đã hình thành trong lòng tôi cũng còn sâu nặng, đằm thắm như hương thơm của chùm ngọc lan những đêm anh đưa tôi về qua đường Nguyễn Huệ. Có hôm tôi cố nài nỉ một cô bạn gái vào quán cà phê Thanh niên, ngồi dưới chùm hoa đỏ thắm, tỳ cằm vào thành cửa sổ, nhìn ra con đường nhỏ mong bóng dáng anh, nhớ anh trong những âm giai huyền diệu của Su-be, tâm hồn tôi đau đớn. Đến cơ quan để hỏi thăm bạn bè anh, nhưng mọi người tránh gặp mặt tôi, tránh nói về anh.

Hai năm sau. Khi quan hệ giữa tôi và Lâm đã trở nên nồng thắm, hai bên gia đình đã đồng ý, chờ tôi tốt nghiệp ra trường sẽ tổ chức lễ cưới; tôi lại nhận được thư Thành - lá thư duy nhất cho mối tình giữa chúng tôi - nhưng không phải là thư tình. Anh kể về cuộc sống của những người Thanh niên xung phong đang xây dựng vùng kinh tế mới Đắc Lắc. Anh nói toàn chuyện vui, không dính dáng gì đến tình yêu. Những thành tích cống hiến trong lao động, những cánh rừng thu hẹp, những rẫy lúa hoa màu, lan rộng ra những công thức: “Tình yêu cộng với cà phê bằng một trăm héc-ta”… Anh xác định quan hệ giữa chúng tôi vẫn giữ tình bạn. Đọc thư, tôi biết bây giờ anh thanh thản lắm. Một chút thương xót chen lẫn hờn giận xâm chiếm tâm hồn tôi. Tôi không trả lời thư, và từ đó chúng tôi không liên lạc gì với nhau.

Tôi đã học xong đại học. Lâm đã chuyển công tác về thành phố này, với tư cách là đại diện thường trực một cơ quan Trung ương tại miền Trung. Chúng tôi đã cưới nhau và có cháu đầu lòng. Cháu bé Hương Quỳnh nhà tôi kháu lắm. Tôi bằng lòng với hạnh phúc của mình. Lâm không chỉ là một người tình hấp dẫn mà còn là một người chồng lý tưởng, biết chăm sóc vợ con, gánh vác mọi việc của một người đàn ông trong gia đình. Chúng tôi được phân một căn hộ khá xinh sắn, trước nhà có cây trứng cá bốn mùa sai quả, cửa sổ nhà soi bóng dưới hồ sen ngát hương. Ngoài thời gian ở cơ quan, về nhà chúng tôi quấn quít bên Hương Quỳnh, nghĩ về con, sống cho con.

Nhưng chiều nay, tôi gặp lại Nguyễn Hương, người bạn học có tên cùng âm với tên tôi; rồi đến quán cà phê này, giàn hoa này, khúc nhạc này, tôi gặp lại nỗi đau của chính lòng mình.

***

Người ta nói rằng, làm ăn cũng có thời vận. Dù hàng quán anh có tốt, có ngon đến mấy nhưng không gặp thời thì cũng không làm sao đông khách được. Riêng với quán cà phê nhỏ này, không biết thời vận ra sao mà luôn luôn đông khách. Từ sáng sớm đến tận khuya lúc nào cũng đang tình trạng thiếu chỗ. Ở đây còn có cả các cô gái rủ nhau đến giải khát, tâm sự. Tuy đông, nhưng không ồn ào, xung quanh tôi râm ran những câu chuyện về nhiều đề tài sôi động. Nhưng dường như tôi không quan tâm đến ai, không nghe chuyện gì cả. Tôi chết điếng người đi khi nghe Nguyễn Hương báo tin:

- Anh ấy đã hy sinh trên đất bạn. Anh ấy đã chiến đấu và ngã xuống cũng tự nhiên bình thường như bao người lính. Chỉ tội cho mẹ anh, người vợ, người mẹ của ba liệt sĩ ấy chưa có cháu để ẵm bồng.

Thì ra, sáu năm qua anh đã vào bộ đội! Còn tôi, dường như tôi trượt đi trên bề mặt của cuộc sống, không hề chạm đến lòng sâu của nó. Hóa ra tôi được cuộc đời ưu đãi quá nhiều, mà thành ra kẻ phản bội. Tôi sống trên những cống hiến của người khác, tôi dựa vào công trạng của bố mẹ, dựa vào sự hy sinh của anh ấy, cuộc đời và hạnh phúc của chúng tôi suôn sẻ quá. Nhưng thôi nhớ lại mà làm gì?! Cuộc sống không phải là một bộ phim trong đó mọi tình tiết diễn ra theo từng lớp kịch bản viết sẵn. Cuộc sống phức tạp hơn nhiều…

Cơn mưa chiều kéo đến. Tỳ tay vào cằm, chiếc thìa nhỏ trong tay tôi dí vào vũng nước trên bàn, vạch thành nhiều đường rẽ ngang dọc. Tôi tê dại với nỗi mất mát đau đớn. Câu chuyện đi đến một thắt nút mà chính tôi cũng không ngờ, muốn gì thì gì, tôi cũng đã có thời yêu Thành tha thiết, chuyện đó không thể trôi đi không để lại dấu vết gì. Nhưng chính anh cũng là người có lỗi Thành ạ! Tại sao anh đi mà không hề cho tôi một mẫu tin tức nào? Tôi cố át tiếng nói của lương tâm, để nghĩ rằng trong chuyện nầy tôi không hề có lỗi. Những chuỗi ngày sắp đến của đời mình, tôi biết mình cũng sẽ sống rất hạnh phúc bên Lâm, bên cháu bé Hương Quỳnh. Nhưng tôi còn biết rằng trong dịu êm của hạnh phúc, tôi không thể nào thanh thản được, tôi có cả nỗi buồn của giai điệu Su-be, chờn vờn và vang vọng mãi bên tôi.

P.P.P
(11/1&2-85)





Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • GIAO CHỈ    Bão tố thường nổi dậy từ biển khơi hùng vĩ và kể cả. Những hút gió sấn sổ táp xuống mặt đất bao la quăng dội, tàn sát điên cuồng cho hả những cơn giận dồn góp lâu dài.

  • NGUYỄN ĐẶNG MỪNG Những người thắt đáy lưng ongVừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con                                                     (Tục ngữ)

  • TRẦN THÙY MAIỞ tuổi bốn mươi da mặt nàng vẫn trắng hồng, chưa thoáng một nếp nhăn. Ai nhìn kỹ lắm mới thấy những vết hằn bắt đầu hiện ra quanh cổ, thường được che rất khéo bởi những chuỗi hạt trang nhã. Mà đâu ai nhìn kỹ làm gì. Đứng trước một người đàn bà, dại gì không dán mắt vào vẻ đẹp mà lại đi săm soi tìm khuyết điểm.

  • NHẤT LÂMKinh thành Huế năm Bính Thìn, thiên hạ xôn xao vì một vụ án đại hình gây bất bình trong cả nước, và để lại cho hậu thế một nỗi tiếc thương khôn nguôi cho hai nhà chí sĩ.

  • XUÂN ĐÀILàng Tân Mỹ Đông nằm dưới chân núi Tịnh Hồng, trước năm 1975 là vùng của quốc gia, nói cho ngay ban ngày quốc gia điều khiển về hành chính, ban đêm “việt cộng” kiểm soát mọi mặt. Trong làng nhiều người đi lính hai phía, phía nào cũng có sĩ quan cấp tá, cấp úy và binh nhất, binh nhì…

  • TRẦN DUY PHIÊN1. Xuống tới biền, Lê và tôi thấy chú Phip và hai con bò đứng bên giàn cày. Chẳng chào hỏi, chúng tôi bắt tay vào việc. Tôi tiếp tục đắp bờ mương ngăn đất trồng rau với cái tum đổ nước vào sông Dakbla, còn Lê lo chỉ việc cho chú ấy.

  • QUỲNH VÂN"Lục bình vừa trôi vừa trổ bôngLục bình không kịp dừng để tím..."

  • TRÚC PHƯƠNGÔng già ngồi trên chiếc ghế bố làm bằng manh bao phía dưới bóng cây đa lão – trụ sở của Hội những người bán máu kia, sinh năm 1919, tròn 82 tuổi.

  • NGUYỄN THỊ THÁI Ngoài vườn có tiếng đánh sạt. Lại một chiếc tàu cau rơi. Con Vàng buồn bã đứng dậy, thất thểu đi ra. Hình như tiếng rơi khiến nó đau lòng.

  • HÀ KHÁNH LINH "Con gái PhổỞ lỗ trèo cau"

  • TÔ VĨNH HÀChỉ còn ít phút nữa, cái công việc căng thẳng, vừa đơn điệu vừa nặng nề của chúng tôi sẽ kết thúc: Buổi chấm thi sau cùng của một mùa tuyển sinh đầy sóng gió…

  • TRẦN DUY PHIÊN - Cắp vở qua bên chú Kỳ nhờ chú chỉ cho mà học! - Mẹ tôi nói. Tôi vẫn giả bộ không nghe. Những con tò he bằng đất do tôi nặn lấy chưa khô. Tôi mà bỏ đi có người phá - Nói thế mà không thủng tai ư? - Mẹ đảo mắt tìm một vật gì đó làm roi.

  • HOÀNG THÁI SƠN Dì Ty khép cửa rồi ngồi vào góc giường lôi tiền dưới gối ra đếm. Hai tờ hai mươi ngàn, một mới, một cũ gấp đôi gần đứt rời; hai tờ mười ngàn, một mới, một cũ dính vẩy cá; một tờ năm ngàn quăn góc; hai tờ một ngàn dính mực và âm ẩm. Sáu mươi bảy ngàn cả thảy. Đếm lần nữa: sáu mươi bảy ngàn. Rồi dì mở rương, xếp tiền vào từng ô.

  • NGUYỄN THANH VĂN"Làm sao em biết bia đá không đau…"

  • PHẠM NGỌC TUÝTất cả chỉ vì con nhỏ đó: Nó tên thật là gì, tôi không rõ. Tú gọi nó là nhỏ Mai, nó gầy và xinh. Nói rằng nó xinh, e chưa đủ. Nó ngầu, nó phá, nó là con bé nghịch như quỷ.

  • MẠC DO HÙNGBố nhắn tôi mời Sĩ về làng tu sửa bức tượng Thành Hoàng. Sĩ nghe tôi nói, trầm ngâm: "Cho mình thời gian suy nghĩ, Bỏ nghề lâu quá rồi, không hiểu đôi tay có còn cảm giác!"

  • TRÚC PHƯƠNGDừng lại nghỉ chân, chị Dần tựa lưng vào gốc cây cơm nguội râm bóng bên con đường ngoằn ngoèo dẫn lên dốc Lưng Mây. Mấy cô gái Stiêng quảy gùi đi ngược ra phố trấn chốc chốc gởi lại nụ cười tự nhiên như hoa cỏ cho người phụ nữ miền xuôi đi thăm người nhà trong trại.

  • LÊ GIA NINHMột danh nhân nào đó đã nói rằng: "Người đàn bà có hai lần dễ thương. Một lần trên giường cưới và một lần trên giường chết". Riêng tôi, tôi thấy mỗi tháng người đàn bà có thêm một lần dễ thương nữa. Đó là kỳ nhận lương của chồng.

  • QUỐC THÀNH Năm ấy lên cao nguyên thăm anh bạn, biết tôi lần đầu đến anh dẫn ra trung tâm xã coi cho biết, cũng là lúc dân đi rẫy về. Ngược chiều chúng tôi là một ông già, mắt nhìn xuống miệng cứ lẩm bẩm: "Muộn rồi, Muộn rồi". Tôi nghĩ ông vội đi đâu đó, chắc nóng lòng lắm.

  • ĐÀO DUY HIỆPNgày xưa có một chàng trai rất lịch sự. Anh thường có nhiều khách đến nhà chơi.