Ba với một là một

09:34 04/06/2019

AMBROSE BIERCE   

Năm 1861, chàng trai Barr Lassiter sống cùng cha mẹ và người chị ở gần Carthage, Tennesse.

Nhà văn Ambrose Bierce - Ảnh: internet

Hoàn cảnh gia đình có phần khiêm tốn, sống nhờ vào việc canh tác một mảnh đất nhỏ và chẳng phì nhiêu gì. Không có người nô lệ nào, họ không được xếp vào loại “những người khá giả nhất” trong làng xóm, nhưng họ vẫn là những người lương thiện, có giáo dục, lịch sự và đáng tôn trọng như những gia đình khác nếu không kể tới quyền lực sở hữu người nô lệ.

Ông Lassiter vốn nghiêm khắc đến mức thường xem sự tận tụy không tính toán như là bổn phận, và che giấu tính khí ân cần và thân thiết. Ông cứng cỏi như những người tử vì đạo, nhưng bên trong cái vỏ bọc đó ẩn giấu một kim loại quý hơn, có thể nóng chảy ở nhiệt độ thấp hơn, tuy nhiên không hề tô điểm hay làm mềm đi cái vẻ bên ngoài cứng rắn. Do tính di truyền, và cũng do môi trường sống, phần nào tính tình nghiêm khắc của ông cũng ảnh hưởng đến những thành viên khác trong gia đình. Nhà Lassiter, tuy không phải là chẳng có chút tình cảm gia đình nào, thực sự chỉ là thành trì của nghĩa vụ, và nghĩa vụ, - ôi, nghĩa vụ lạnh lùng như cái chết.

Khi cuộc nội chiến xảy ra, trong gia đình này, cũng như bao gia đình khác trong tiểu bang, bùng nổ những tình cảm đối nghịch. Người con trung thành với quân Liên bang, những người khác cương quyết chống lại. Sự chia rẽ bất hạnh này tạo ra một sự đau xót không chịu nổi trong gia đình, và khi đứa con, đứa em lầm lỗi rời nhà đi theo mục đích đã chọn là tham gia đội quân Liên bang, không một ai chìa tay ra bắt, không ai nói một lời từ giã, không một câu chúc lành nào dành cho anh trước khi anh ra đi đến một thế giới mà chưa biết số phận nào đang chờ đợi.

Hướng về Nashville, nơi quân của tướng Buell chiếm đóng, anh xin gia nhập ngay vào đơn vị đầu tiên gặp được, trung đoàn kỵ binh Kentucky, và tuần tự vượt qua những nấc thang trong binh nghiệp, từ binh nhì đến chiến sĩ kỵ binh từng trải. Một kỵ binh giỏi thực thụ là đàng khác, tuy là khi kể về mình anh không hề nhắc đến, mà chỉ do các đồng đội còn sống sót của anh nói lại thôi. Bởi Barr Lassiter đã đáp lại “Có mặt” khi viên trung sĩ tên gọi Thần Chết điểm danh.

Hai năm sau ngày nhập ngũ, trung đoàn của anh quay trở về nơi anh từ đó ra đi. Cả vùng quanh đó đều bị chiến tranh tàn phá nặng nề, do bị liên tục (và đồng thời) chiếm đóng bởi các lực lượng tham chiến, và một cuộc giao tranh đẫm máu đã xảy ra ngay cạnh nhà gia đình Lassiter. Những chuyện này chàng kỵ binh không hề hay biết.

Minh họa: Nhím


Về đóng quân gần nhà, anh mong ước được gặp lại cha mẹ và chị, hy vọng rằng đối với họ, cũng như với chính anh, sự thù hận bất thường thuở trước nay do thời gian và xa cách đã nguôi ngoai đi. Được phép nghỉ, anh vội lên đường vào buổi chiều cuối hạ, và khi vầng trăng tròn vừa ló dạng, anh đã đặt chân lên lối đi rải sỏi dẫn đến căn nhà nơi anh sinh ra.

Lính tráng thời chiến thường già đi rất nhanh, và với tuổi trẻ thì hai năm là một quãng thời gian khá dài. Barr Lassiter tưởng như mình đã già, và nghĩ là về nhà sẽ thấy khung cảnh đổ nát, hoang tàn. Thế nhưng, có vẻ như chẳng có gì thay đổi. Nhìn lại mỗi đồ vật thân thiết quen thuộc, anh thấy lòng xúc động vô cùng. Tim anh đập liên hồi, anh gần như nghẹt thở vì cảm xúc, cổ họng thấy đau rát. Anh vô tình rảo bước, hầu như là đang chạy, cái bóng dài của anh phải gắng hết sức mới giữ được vị trí bên cạnh anh.

Ngôi nhà không bật đèn, cửa để mở. Khi anh tiến gần tới, dừng bước để định thần, cha anh bước ra, đầu để trần đứng dưới ánh trăng. “Cha ơi!”, anh kêu to, lao tới trước, tay dang ra. “Cha ơi!”

Ông già nghiêm khắc nhìn thẳng mặt anh, đứng yên một lát rồi rút lui vào bên trong không nói không rằng. Thất vọng chán chường, nhục nhã, bị tổn thương không chịu nổi và suy sụp hẳn, người lính buông mình xuống chiếc ghế thô, tay run run ôm lấy đầu. Nhưng, không thể chịu như thế được, người lính thiện chiến không thể chấp nhận sự cự tuyệt như một thất bại. Anh đứng dậy đi vào nhà, đi thẳng tới gian “phòng khách”.

Gian phòng chỉ sáng lờ mờ nhờ cánh cửa sổ hướng đông không có màn che. Trên chiếc ghế đẩu thấp cạnh lò sưởi, là đồ gỗ duy nhất trong phòng, mẹ anh đang ngồi, chăm chú nhìn vào bếp lò đầy than đen và tro nguội. Anh lên tiếng nói với bà, nhẹ nhàng, ân cần và ngại ngùng, nhưng bà không trả lời, cũng không nhúc nhích, không có chút gì tỏ vẻ ngạc nhiên. Thực ra, có lẽ đã đủ thời gian để chồng bà báo tin đứa con tội lỗi trở về. Anh tới gần hơn và sắp nắm lấy cánh tay bà thì chị anh đi vào từ phòng bên cạnh, nhìn thẳng vào mặt anh, đi ngang qua anh không có vẻ đã nhận biết, rồi rời phòng bằng cánh cửa khuất sau lưng anh. Anh quay đầu lại để nhìn rõ người chị, khi chị đã đi khuất anh lại hướng nhìn về mẹ. Nhưng bà cũng bỏ đi khỏi nơi này.

Barr Lassiter sải chân đến cánh cửa mà anh đã bước qua để đi vào. Ánh trăng lung linh trên bãi cỏ như mặt biển gợn sóng. Hàng cây và những chiếc bóng đen của chúng lay động như có gió thổi. Con đường lát sỏi nhòe đi những đường viền trông có vẻ gập ghềnh và không an toàn để bước lên. Người lính trẻ nhận ra những ảo giác đó đều do nước mắt. Anh cảm nhận chúng trên má, và thấy chúng đang lóng lánh trên ngực áo. Anh rời khỏi căn nhà và quay trở về doanh trại.

Ngày hôm sau, không có chủ ý rõ rệt gì, không có cảm giác chính xác nào, anh lại tìm về ngôi nhà cũ lần nữa. Đi được nửa đường, anh gặp bạn cũ Bushrod Albro, bạn nồng nhiệt chào hỏi anh.

“Tôi về thăm nhà cũ đây,” anh nói. Bạn nhìn anh thật nhanh, nhưng không nói gì.

“Tôi biết là gia đình tôi không thay đổi gì, nhưng...”, anh nói tiếp.

“Có thay đổi đấy,” Albro ngắt lời, “mọi thứ đều thay đổi. Mình sẽ đi với bạn được không?” Vừa đi ta vừa nói chuyện.

Nhưng Albro chẳng nói gì.

Thay vì ngôi nhà, họ chỉ nhìn thấy những nền gạch cháy đen, bao quanh một khu vực những đống tro đã đông cứng với những vết lõm do nước mưa tạo thành.

Lassiter vô cùng kinh ngạc.

“Mình không biết nói với bạn thế nào đây”, Albro nói. “Trong trận đánh cách đây một năm, nhà bạn đã bị một quả bom của quân Liên bang thiêu rụi.”

“Vậy cả nhà mình - họ đâu cả rồi?”

“Trên thiên đàng, hy vọng vậy. Tất cả đều chết do quả bom đó.”

Việt Phương dịch từ nguyên bản tiếng Anh
(Nguồn: https://americanliterature.com)
 
(TCSH362/04-2019)





 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • HANS CHRISTIAN ANDERSON   

    Hans Christian Andersen sinh tại Odense, Đan Mạch, thuộc gia đình bình dân, cha là thợ đóng giày, mẹ là thợ giặt. Tuy gia cảnh tầm thường, cha ông lại say mê văn học, ông có cả một tủ sách văn học quý giá. Từ sau khi cha qua đời (năm Andersen 11 tuổi), cậu bé đã được thỏa thích đọc những quyển sách cha để lại.


  • George Saunders - Franz Kafka

  • Brazil, nhà văn danh tiếng Jorge Amado nói, không phải là một quốc gia mà là một lục địa. Trong phần đóng góp mới nhất của loạt nhà văn trẻ xuất sắc được tạp chí Granta giới thiệu, họ kể những câu chuyện rộng lớn và hấp dẫn của xã hội Brazil hiện đại và ai là tương lai của nó; trong những nhà văn chưa từng được dịch và giới thiệu này góp mặt có Ricardo Lísias đã xuất bản hai tiểu thuyết rất hấp dẫn người đọc.
    Xin chuyển dịch sang Việt ngữ từ bản dịch sang Anh ngữ của Daniel Hahn: “My chess teacher”.
                                  Dương Đức dịch và giới thiệu

  • Daly sinh trưởng tại thành phố Winchester, bang Indiana, Hoa Kỳ. Ông có bằng Cử nhân Văn chương của đại học Ohio Wesleyan University và bằng Bác sĩ Y khoa của đại học Indiana University. Trong 35 năm, ông là bác sĩ phẫu thuật tại Columbus, Indiana. Ông từng là một bác sĩ phẫu thuật cấp tiểu đoàn trong chiến tranh Việt Nam.

  • AMOS OZ

    Sáng sớm, khi mặt trời chưa mọc, tiếng gù của đôi chim bồ câu trong bụi cây bắt đầu trôi qua ô cửa sổ để mở.


  • ALBERTO MORAVIA

  • KATHERINE MANSFIELD (Anh)     

    Thời tiết thật tuyệt vời. Người ta sẽ không có một bữa tiệc ngoài trời hoàn hảo hơn nếu họ không tổ chức tiệc vào ngày hôm nay.

  • Shun Medoruma (sinh năm 1960) là một trong những nhà văn đương đại quan trọng nhất của Okinawa, Nhật Bản. Ông được giải Akutagawa Prize năm 1997 với truyện ngắn “Giọt nước” (Suiteki).

  • Có lẽ tác giả tâm đắc lắm với truyện này nên mới chọn để đặt tên cho cả tuyển tập. “The Persimmon Tree, and Other Stories (1943)” gồm 15 truyện ngắn, góp phần mang lại chỗ đứng vững vàng trong văn đàn nước Úc cho nhà văn nữ Marjorie Barnard (1897-1987), người có thể sáng tác nhiều thể loại khác nhau, kể cả phê bình và lịch sử.

  • MARK TWAIN  

    M. Twain (1835 - 1910) là nhà văn lớn của Mỹ, từng phải lăn lóc nhiều nghề lao động chân tay trước khi trở thành nhà văn, do đó văn của ông rất được giới lao động ưa chuộng.

  • L. TOLSTOY

    Các anh em từng nghe nói rằng: mắt đền mắt, răng đền răng; còn ta nói với các anh em rằng: đừng chống lại kẻ ác. (Phúc Âm theo Matthiew V, 38, 39).

  • VẠN CHI (Trung Quốc)

    Tôi nhớ hình như ở đây có một bến ô tô buýt. Phải, phải rồi, ngay chỗ giờ đây cô gái kia đang đứng, dưới ngọn đèn đường ảm đạm ấy. Tôi thong thả bước tới, hỏi thăm.

  • Peter Bichsel sinh tại Lucerne (Thụy Sĩ) ngày 24 tháng 3 năm 1935, là con của một người thợ thủ công. Ông là nhà giáo dạy tại một trường tiểu học cho tới năm 1968.

  • Chitra Banerjee Divakaruni sinh năm 1957 tại Calcutta, Ấn Độ. Bà học đại học tại Đại học Calcutta. Năm 1976, bà đến Mỹ học thạc sĩ và tiến sĩ, sau đó dạy văn chương tại các đại học ở đó. Bà làm thơ, viết tiểu thuyết và truyện ngắn, được trao nhiều giải thưởng văn học. Ngoài ra bà còn sáng lập tổ chức Maitri chuyên trợ giúp phụ nữ Nam Á bị xúc phạm.

  • SAKI   

    1. Saki là bút hiệu của nhà văn Hector Hugh Munro (1870 - 1916), sinh tại Miến Điện (nay là nước Myanmar) khi nước này còn là thuộc địa của Anh.

  • Kevin Klinskidorn trưởng thành ở Puget Sound - một vùng ven biển tây bắc bang Washington và hiện sống ở bờ đông tại Philadelphia. Anh đã được giải thưởng Nina Mae Kellogg của đại học Portland State về tác phẩm hư cấu và hiện đang viết tiểu thuyết đầu tay.

    Truyện ngắn dưới đây của anh vào chung khảo cuộc thi Seán Ó Faoláin do The Munster Literature Center tổ chức năm 2015.

  • NAGUIB MAHFOUZ  

    Naguib Mahfouz là nhà văn lớn của văn học Arab. Ông sinh năm 1911 tại Cairo (Aicập) và mất năm 2006 cũng tại thành phố này. Mahfouz đã viết tới 34 cuốn tiểu thuyết và hơn 350 truyện ngắn. Cuốn tiểu thuyết lớn nhất của ông là Bộ ba tiểu thuyết (The trilogy) (1956 - 1957).
    Mahfouz được trao giải Nobel văn chương năm 1988.

  • Pete Hamill sinh ngày 24 tháng 6 năm 1935, tại Brooklyn, New York, Hoa Kỳ. Ông là nhà văn, nhà báo. Ông đi nhiều và viết về nhiều đề tài. Ông từng phụ trách chuyên mục và biên tập cho báo New York Post và The New York Daily News.

  • Truyện này được dịch theo bản tiếng Pháp nên chọn nhan đề như trên (Je ne voulais que téléphoner, trong cuốn Douze Contes vagabonds, Nxb. Grasset, 1995) dù nó có vẻ chưa sát với nguyên bản tiếng Tây Ban Nha của tác giả (Sole Vina a Hablar por Teléfono) - Tôi chỉ đến để gọi điện thoại thôi.

  • Eugene Marcel Prevost, nhà văn và là kịch tác gia người Pháp, sinh ngày 1/5/1862 tại Paris, mất ngày 8/4/1941 tại Vianne, thuộc khu hành chính Lot- et-Garonne. Năm 1909, ông được mời vào Hàn lâm viện Pháp.