Ba lần viếng cụ Nguyễn Du

16:16 16/04/2009
PHAN TÂM        (Kỷ niệm 240 năm sinh thi hào Nguyễn Du 1765-2005)Tháng Hai 1994:Từ Vinh qua cầu Bến Thủy, rẽ trái độ mười cây nữa, đến xã Xuân Tiên (Tiên Điền), huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.Khu đất cao ráo ở ngay đầu xã, bên bờ sông Lam, cạnh bến Giang Đình, là khu nhà cũ, khu lưu niệm Nguyễn Du.

Một chiếc khánh đá, ba tấm bia đá, một cột đá khắc bài vị Nguyễn Quỳnh, ông nội Nguyễn Du, ngôi miếu nhỏ có bài vị bằng đá “Thanh Hiên Nguyễn Tiên Sinh”, tức Nguyễn Du, một hàng cây quéo nghe nói ngày xưa dùng làm nơi buộc ngựa, nay gốc đã vừa người ôm, đó là những di vật còn lưu giữ được trong khu lưu niệm.
Hai bên cổng ra vào là hai tấm đá “Hạ mã” (xuống ngựa) chữ nổi còn rất rõ nét. Mấy trăm năm trước, đây hẳn là tòa Kim mã ngọc đường một đại gia quí tộc, vị Tể tướng đương nhiệm, khách vãng lai qua cổng xin mời xuống ngựa.
Nay quan gia không còn, ngựa xe vắng bóng, tấm bia đứng đó, khách thăm cũng xin trân trọng kính chào.
Đi theo bìa làng một đoạn nữa, đến mộ Nguyễn Du, nằm giữa nghĩa trang cuối cánh đồng cùng.

Ngày nhỏ, cha ôm trên võng, nghe thánh thót “Giọt sương treo nặng cành xuân la đà”, lớn lên, hơn 40 năm đọc Truyện Kiều, lòng hằng ao ước về thăm Tiên Điền, nay được đến nơi, ngã mũ trước Thiên Tài, xiết bao xúc cảm bồi hồi.
Cụ Nguyễn nằm đó, hẳn là mái tóc bạc phơ, xung quanh quây quần trăm họ.
Lưu niệm và lăng mộ Nguyễn Du, phong sương được vẻ thiên nhiên, không có cảnh sửa sang hoa chăm cỏ xén, vẻ giản dị, hình như không muốn áp đặt, không muốn chinh phục ai.

Đến với lưu niệm là những tấm lòng tha thiết, muốn đến để tận mắt thấy dòng sông Lam cuồn cuộn, cảm nhận cái khí thiêng của Đất Trời đã hun đúc nên một gia đình Trâm Anh thế phiệt vào bậc nhất Bắc Hà, qua bao thế hệ học hành và tu dưỡng, kết tụ cho dân tộc ta và cho nhân loại một thiên tài, một tâm hồn nhân đạo đẹp như gấm như hoa.
Khách nhìn cái nghiên mực của Nguyễn Du, nhìn những trang chữ nôm đã ố vàng, ngắm bức họa “Kim - Kiều thang mây ròn bước”, rồi im lặng mà đón lấy cái phút giây giao cảm.
                        ...Dường như trên nóc bên thềm,
                        Tiếng Kiều đồng vọng, bóng xiêm mơ màng...
Tố Như ơi, người còn sống mãi!

Tháng Ba 2002:
Tám năm, trở lại Nghi Xuân.
Được biết di tích Nguyễn Du được nhà nước đầu tư tôn tạo, đúc tượng, xây lăng, bảng vàng bia đá.
Báo đăng công trình đã hoàn thành. Đến nơi, ngước trông toà rộng dẫy dài, định vào tham quan, mà cửa đóng then cài, bày biện chưa xong, chưa mở cửa.
Thế là xăm xăm ra cánh đồng Cùng.

Mộ Nguyễn Du năm xưa Gra-ni-tô, nay ốp đá đen, trầm mặc trong sương khói.
Bức tường cũ không còn, thay bằng rào sắt thành một khuôn viên nhỏ giữa nghĩa trang nhân dân.
Thắp nén hương thơm. Bồi hồi đứng lặng giờ lâu.
Bấy giờ mới quay vào Nhà Bia.
Tấm đá quả là lớn, như bia Tiến sĩ ở Văn Miếu Thăng Long.
Mặt trước bốn hàng chữ:
                        “Danh nhân văn hoá thế giới
                        Đại thi hào
                        Nguyễn Du
                        1765 - 1820”.

Thế giới mang để lên đầu, không có phần dân tộc.
Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học định nghĩa: Thi hào là nhà thơ lớn. Chẳng cần thêm chữ “đại”.
Nước ta xưa nay chỉ mới tôn xưng Nguyễn Du là thi hào, thi hào dân tộc. Chỉ có giương cao ngọn cờ dân tộc, đậm đà bản sắc dân tộc thì văn hoá mới đi ra được thế giới, mới thành ra của thế giới.
Mặt trước đã vậy, mặt sau lại trống trơn.
Thông lệ văn hiến của ta, khi lập bia, ngoài phần đề danh, còn khắc bài văn bia (bi kí) soạn thảo kĩ càng, ý tứ sâu xa, lưu truyền hậu thế.
Bác Hồ thăm Côn Sơn, chăm chú đọc văn bia, như trò chuyện cùng người trong cuộc.

Bia Nguyễn Du có đình mái che, nói chi trăm năm trong cõi người ta, mà còn bền lâu mãi mãi, thật là quí giá, hiềm vì không văn không kí, hoá nên bia chẳng ra bia, mộ chí không ra mộ chí, mà trông tựa như một tấm các bằng đá (a stone card) chỉ thiếu có số điện thoại và phần dịch ra tiếng Anh.
Anh “các đá” như một chàng khổng lồ mang trên mình lượng thông tin tí hon soạn thảo vội vàng, lại đứng ngay trên Mảnh - Đất - Văn cạnh lăng mộ được che phủ bằng hơn 3000 câu tuyệt hảo, giống như anh trọc phú nọ đứng bên cạnh Anh- Stanh trong truyện Tiếu lâm Anh.

Tháng hai 2003:
Sau Thượng Nguyên Quí Mùi, tôi lại vào huyện Nghi Xuân.
Nguyễn Du và truyện Kiều là nguồn cảm hứng luôn luôn vẫy gọi.
Đến nơi, di tích Nguyễn Du vẫn thâm nghiêm kín cổng cao tường, chưa mở cửa. Biết làm sao được. Liền bảo cháu xuống xe, dắt bộ qua cái biển “Hạ Mã”, rồi ra khu mộ.

Mùa thiều quang, cánh đồng Ruộng Tiên, lúa non mơn mởn một màu, xanh và thơm, thật là dễ chịu.
Cảnh cũ người xưa, hoa đào năm ngoái.
Hai bác cháu ngồi bên mộ, trong cảm giác thiêng liêng, man mác được kề cận thi hào.

Cụ Nguyễn Du vốn kín đáo, đến vua Gia Long hỏi, còn chẳng muốn nói. Tìm hiểu Nguyễn Du, phê bình Truyện Kiều, khen và chê, hàng trăm năm nay, các đại gia uyên bác, từ Phan Thạch Sơ, Phạm Quỳnh, Dương Quảng Hàm đến Đào Duy Anh, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu... viết ra, có lẽ đã đủ hết rồi.

Riêng Đặng Thai Mai lại cho rằng, coi Truyện Kiều như là một sinh mệnh, chỉ nên cảm nhận thẩm thấu cái hay cái đẹp, mà không nên phân tích mổ xẻ. Kiểu tiếp cận này có cái hay của nó. Nhiều người thường đọc một đoạn Kiều, ngâm hay là hát cũng được, thả hết tâm hồn vào tác phẩm, liền được cảm giác lâng lâng, rũ hết ưu tư, thấy bình yên thư thái. Đó là nghệ thuật liệu pháp, hiệu nghiệm và dễ dàng hơn là ngồi thiền. Đó là kì diệu của thiên tài Nguyễn Du, của văn chương Truyện Kiều.
Nguyễn Du nằm đây. Xa kia, bên Bến Thủy, trên rú Quyết, có di tích Nguyễn Huệ, con người trác việt cùng thời. Nguyễn Huệ hơn Nguyễn Du 12 tuổi. Khi vua Quang Trung đại phá quân Thanh, thì cụ Tiên Điền mới 24 tuổi, đang là một võ quan đồn trú ở Thái Nguyên. Nguyễn Du muốn cứu nhà Lê, không được, lại âm mưu chống Tây Sơn, không thành, rồi định trốn vào Nam theo Nguyễn Ánh, bị quân Tây Sơn bắt được, may không giết.

Trên sân khấu lịch sử, hai người đứng ở hai cực, dẫu bất tương đồng, rốt cuộc đều thành danh, nhờ hòa vào trong dân tộc. Một người như lửa, gươm vung lên là chảy vàng chảy đá, đánh tan giặc ngoại xâm, thành Anh hùng dân tộc.
Một người như nước, lặng lẽ quên mình mà thấm đến mọi kiếp nhân sinh.
Trong lịch sử dân tộc ta, từng xuất hiện vài ba thanh gươm Nguyễn Huệ.
Mấy ngàn năm lập nước, mới có một ngọn bút Nguyễn Du. 3254 câu Kiều, hơn hai vạn hai ngàn chữ, diễn tả mọi cảnh ngộ cuộc đời, vừa hiện thực vừa lãng mạn, vừa nho gia phong kiến lại vừa như “hiện đại thị trường”, dài hơi mà du dương hoa lệ còn hơn cả Thơ Đường, éo le nhiều tình tiết mà khúc chiết trong sáng như văn học cổ điển Pháp.


Đọc Truyện Kiều, người Việt Nam ai cũng thấy như được cảm thông, như có phần mình trong đó và chợt nhận ra, biết mấy tự hào, rằng Việt văn, quốc văn, tiếng Việt của ta lại giàu đẹp, quí giá đến thế.
Công lao đó của cụ Nguyễn có tầm dân tộc.
Nguyễn Du, anh hùng dân tộc về văn hoá.
Nguyễn Huệ, anh hùng dân tộc về quân sự.
Tượng đài Quang Trung đẹp nhất là chiến công một bảy tám chín (1789) trùng hợp với cách mạng Pháp.

Lăng Nguyễn Du là Truyện Kiều.
Bê tông, đá rồi đều xám lại, lăng và tượng trên mãi mãi xanh tươi.
Người ta thường nói đến những “hạn chế lịch sử” của Nguyễn Du.
Nếu như tư tưởng định mệnh là tiêu cực, thì hành thiện, tu dưỡng (chữ Tâm) lại là tích cực.

P.T
(201/11-05)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • ÐÔNG HÀ

    Tôi là người sinh ra sau chiến tranh, lớn lên bằng những bài học lịch sử. Thế hệ chúng tôi yêu Tổ quốc theo những bài học ông cha để lại qua những trang sách cộng thêm chút tính cách riêng của chính bản thân mỗi người. Mỗi người chọn cho mình một cách thể hiện tình yêu đó khác nhau.

  • CHẾ LAN VIÊN

    Hồi ký về Đoàn Nghệ thuật Xây dựng (Huế 1946)

  • NGUYỄN QUANG HÀ
                              (Bút ký)

    Ông Lê nguyên giám đốc sở Văn hoá Bình Trị Thiên, một lần về Thủy Dương lấy  tài liệu viết tuyên truyền cho vụ lúa mùa, đã cụng đầu với ông bí thư xã.

  • TẠ QUANG BỬU
                    (Hồi ký)

    Tôi đã học ở trường Quốc Học bốn năm từ năm 1922 đến 1926, cách đây đúng 60 năm.
     

  • TRỊNH BỬU HOÀI

    Đất trời đang mặc chiếc áo mới cho trần gian. Con người cũng thay chiếc áo mới cho mình. Chiếc áo khoác trên đôi vai sau một năm oằn gánh công việc. Chiếc áo phủ lên tâm hồn ít nhiều khói bụi thế nhân.

  • NHỤY NGUYÊN

    Một câu trong Kinh Cựu ước: Khởi thủy là lời. Tôi không dám khoác thêm bộ cánh mới, mà chỉ muốn tìm cho nó một mỹ từ gần gũi: Khởi thủy là mùa Xuân.

  • ĐÔNG HƯƠNG

    Trí nhớ tôi tự dưng quay trở về với tuổi thơ, tuổi ba mẹ vừa cho đi học. Ờ! Lâu quá rồi, cái Tết đối với tôi không còn ý nghĩa gì nữa, trí nhớ lơ mơ trở lại khoảng đời thơ ấu, có lẽ đẹp nhất trong đời của mỗi con người của chúng ta.

     

  • TRẦN HỮU LỤC (Tùy bút)

    Tháng Chạp ở quê tôi là tháng của hoa mai. Dường như màu của hoàng mai tươi thắm khắp mọi nẻo đường. Những chậu mai kiểng, vườn mai chùa, vườn mai nhà, đường phố mai, công viên mai, những thung lũng mai núi… đến thì lại nở đẹp một màu vàng mỏng nhẹ trong sương sớm.

  • DƯƠNG PHƯỚC THU (Bút ký lịch sử)

    Nhiều năm men theo dấu chân của nàng Huyền Trân, công chúa nhà Trần mở đất Ô, Lý, hễ có dịp là tôi lại hành hương đất Bắc. Viếng đền thờ các vua nhà Trần ở làng Tức Mặc - nơi ấy nay thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định.

  • HÀ THÚC HOAN

    Những ai đã từng là học sinh trường Quốc Học - Huế đều có Một thời Quốc Học(1). Thời Quốc Học của tác giả bài viết này là ba năm học tập ở các lớp đệ tam (lớp 10), đệ nhị (lớp 11) và đệ nhất (lớp 12), từ năm 1956 đến năm 1959.

  • TRẦN HUY MINH PHƯƠNG (Tùy bút)

    Thoáng một cái, xài hết ba trăm sáu mươi lăm ngày mà hổng biết. Bao dự tính giằng co rồi dang dở, chưa kịp nghĩ thấu, chưa xiết làm xong, phân vân nhiều nốt lặng, yêu người chưa sâu nặng, nợ người chưa trả xong… ngày giũ vội qua đi. Ngẩn ngơ, mùa về!

  • THIẾU HOA Hắn! Một vị khách không mời mà đến. Hắn đến viếng nhà tôi trong một đêm mưa to gió lớn. Cả nhà ai cũng biết sự có mặt của Hắn. Đêm đầu tiên cứ nghĩ Hắn chỉ trốn mưa tạm thời rồi hôm sau sẽ đi. Nhưng đến nay đã qua một mùa xuân, Hắn vẫn còn ung dung tự tại ở trong nhà, lại ở đúng trong phòng của tôi như một thành viên chính thức trong gia đình.

  • PHAN QUANG                Trích hồi ký ... Đến thị xã Sơn La chiều hôm trước, sáng hôm sau trong khi chờ đến giờ sang làm việc với Khu ủy Tây Bắc, đồng chí Nguyễn Chí Thanh - mà các đồng chí gần gũi đều quen gọi bằng tên thân mật: anh Thao - cho mời chủ nhiệm nhà khách của khu tới.

  • VÂN NGUYỄN                 Tùy bút “Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa...” (Trịnh Công Sơn)

  • PHAN THỊ THU QUỲ Ba tôi - liệt sĩ Phan Tấn Huyên, Nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban Hành chánh Kháng chiến Thừa Thiên - thường dặn tôi mấy điều: dù khó khăn đến mấy cũng không được ngừng nghỉ phấn đấu học hành bởi tri thức là sức mạnh; dù như thế nào đi nữa cũng phải giữ cho được bản sắc văn hóa Huế rất đỗi tự hào của mình...

  • TẤN HOÀI Một khung trời mây Một dải gương lung linh cuộn quanh hoàng thành cổ kính. Trầm mặc và ưu tư. Tưởng chừng như thế!...

  • XUÂN HOÀNG Tôi được Hội Nhà văn Việt Nam cử đi thăm hai nước Ru-ma-ni và Bun-ga-ri đúng vào những ngày đầu xuân Mậu Thân, sôi động.

  • HỮU THU & BẢO HÂN                                     Ký   Đến bây giờ nhiều người vẫn chưa quên hình ảnh hãi hùng mà cơn bão mang tên Cecil tàn phá vào cuối tháng 10 của năm 1985 ở miệt phá Tam Giang của tỉnh Thừa Thiên-Huế.

  • PHẠM THỊ CÚC Thầy dạy lớp Nhì Thầy dạy lớp Nhì tên Thanh. Người thầy roi roi, hơi thấp và nhỏ con. Bù lại, thầy rất nhanh nhẹn và vui vẻ, hoạt bát, nụ cười luôn nở trên môi.

  • VĨNH NGUYÊN Biết sở Ngoại thương có đến năm ông vua, tôi tặc lưỡi - chà, thời buổi này tiếng vua quan nghe có vẻ mai mỉa làm sao ấy? Nhưng lên được ngôi vua đâu phải đơn giản? Dẫu vua ác, vua hiền, vua tài ba hay bất lực, vẫn là vua một thời và khối kẻ mong ước được "một ngày tựa mạn thuyền rồng"...