Bà cụ Tuần

14:47 02/06/2009
QUÝ THỂCó ai đến nhà chơi, bà cụ Tuần chỉ mép tấm phản gỗ mời ngồi, bà nói:- Giang sơn của "bầy choa" (chúng tôi) chỉ có chừng ni. Không ghế bàn, xa lông, sập gụ tủ chè chi cả, chịu khó ngồi đỡ, ông bà mô áo quần trắng trẻo sạch sẽ sợ dơ, thì ngồi lên đây. Bà cụ xoè cái quạt giấy cũ đã rách, lộ ra mấy cái nan tre lót cho khách ngồi. Nhưng không ai nỡ ngồi lên cái quạt giấy của cụ.

Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Tội nghiệp... Tui sống ở chỗ ni, và có chết cũng chết chỗ ni, không đi mô hết. Tui ăn uống, ngủ, nghỉ ngơi, chỉ quanh quẩn lê lết trên tấm phản này. Nhà ở cạn mà như người ta sống trên ghe. Nói xin bỏ quá tiểu đại cũng luôn ở đây. Trong cái bô, để ở dưới phản, nhờ con cháu đi đổ. Trời thương bọn già gần đất xa trời như tui, ba bốn ngày mới có một lần, mình già rồi, ăn uống ít, cả ngày chỉ nằm ngồi một chỗ, không vận động chi cả, nên lâu lâu mới đi một lần, bón uất, kinh niên, mấy viên như phân dê, không hôi hám. Nói bỏ quá cho...

Dân chúng quanh vùng, ai cũng quen miệng gọi bà là "cụ Tuần". Nghe tên thì rất sang. Dân làng thấy kêu như rứa cũng bắt chước nhau kêu. Người hiểu biết chút ít đến phẩm hàm quan lại ngày xưa nghe tên bà tưởng bà là quả phụ ông quan Tuần vũ (Tỉnh trưởng) đã thất lộc lâu rồi. Hay ít nữa bà cũng là vợ goá anh Hương Tuần nào đó (Hương Tuần là viên chức rất nhỏ trong làng, tuần tra canh gác coi ngó việc trị an, như công an xã bây giờ). Không phải, tên con gái của bà là Tôn Nữ Thị Tuần. Cái tên này cũng sai với lối đặt tên trong Tôn Nhơn phủ. Đã "Tôn Nữ" thì không có thêm chữ "Thị" như hàng bá tánh (là trăm họ thường dân để phân biệt với người hoàng tộc). Trong cấp bậc hoàng phái, về nữ, xuống đến hàng "Tôn Nữ" là chót, thấp nhất, không thể thấp hơn, giống như binh nhì trong lính, không còn xuống nữa. Tuy là Hoàng phái cấp thấp nhất, cái dòng máu hoàng tộc chảy tới đời bà cụ tám mươi hai tuổi này đã quá xa, quá phai nhạt, quá loãng, nhưng cái chất "Mệ" trong con người bà cụ vẫn còn đậm đặc. "Mệ" là từ chỉ một mẫu người rất đặc biệt, rất khó mô tả tính chất "Mệ", chỉ có thể nói ấy là một nhóm người trong hoàng tộc nhà Nguyễn, tính khí giống nhau và rất thất thường. Cuộc sống của bà cụ này quanh quẩn chỉ ở trên bộ ván ngựa, ba tấm ván dày cả tấc tây, ghép lại, mặt tấm phản rộng thước rưỡi, có mộng ráp lại. Bà cụ nằm, ngồi, ăn ngủ, tiếp khách cùng mọi hoạt động linh tinh khác cũng chỉ xảy ra ở nơi này. Ít khi bà chịu leo xuống xỏ đôi bàn chân nhỏ như bàn chân trẻ con (một dấu hiệu sinh học rất rõ của người hoàng phái) vào đôi guốc gỗ, cũng ít khi quanh quẩn trong nhà hay ra vườn, và lại còn ít hơn nữa khi bà có công chuyện phải ra khỏi nhà. Cả đời bà hình như chưa hề bước chân ra khỏi luỹ tre làng.

Nghe cụ nói chuyện tiểu tiện, đại tiện một cách tự nhiên, bình thường. Khách quen, khách lạ ông to bà lớn gì cũng mặc kệ, chẳng sợ mất lòng. Khách không dám chấp vì hầu hết khách khứa đến thăm cụ thường là họ hàng bà con gần xa, bậc dưới. Ai đến bà cũng mời ngồi song không ai ngồi cả, phần tấm phản đầy bụi bặm, có cả lọ nồi và chẳng mấy khi được lau chùi. Tới bữa ăn chị Lài, con dâu, bê cái mâm tiện bằng gỗ mít dùng lâu quá đã hết màu vàng, đựng om cơm lên. Thức ăn cụ đã có sẵn trong mấy cái trách, cái trả, treo trên chiếc gióng mây cỏn con. Ngày xưa người nhà quê bình thường không sắm nổi mâm đồng, loại mâm đúc bằng đồng thau có ba chân, cao chừng nửa gang tay, hoặc nhà khá giả có của đi nữa cũng không dám đem đồ đồng ra dùng, sợ ăn trộm và còn sợ thiên hạ quở. Ngày xưa đồ đồng, bộ tam sự, ngũ sự chân đèn lư hương đều cất trong rương xe, khoá lại, nằm lên trên thế mà không yên với bọn ăn trộm tài danh chuyên đào tường khoét vách. Ăn trộm ngày trước khác bây giờ, trộm thời đó có nghề, có trường lớp bài bản hẳn hoi. Có người dạy, người học, thành ra có câu "một đêm đi ăn trộm bằng ba năm làm giàu". Nhưng nếu chẳng may bị bắt được thì khổ chủ tự giải quyết, kiểu toà án nhân dân, chẳng mất công xét xử luật lệ lôi thôi, chỉ việc cắt gân nơi gót, chỗ nhượng chân là hết đi hết chạy, vô hiệu hoá, hết trộm cắp được. Ngày thường trong nhà dùng đồ đất. Đồ đồng chỉ được đem ra dùng vào ngày tết nhất, cúng giỗ đãi đằng khách khứa sang trọng. Bữa ăn hàng ngày, có khi bưng trong rổ rá, vì thường chẳng có nhiều món. Bà cụ đã già ăn uống không còn gọn đổ tháo rất nhiều nên khách khứa lúc nào cũng nghe chỗ ở của cụ thoang thoảng mùi mắm nước, mắm nêm, mắm ruốc, mắm dưa, mùi hành tỏi. Và lủng lẳng trên đầu khách là hai ba chiếc gióng treo mấy cái trách đất đựng cá kho với xơ mít, cọng dưa môn, dưa hồng, dưa cải, thêm nải chuối tiêu chín rục, mùa hè mấy con bồ hóng bay quanh. Món ăn ít thay đổi, một món ăn trong nhiều ngày, kho nhiều lửa, nên thường rất mặn. Mỗi lần khách đến hay đi cụ luôn luôn dặn, nhớ cẩn thận không đụng đầu mấy cái trách chứa đồ ăn riêng treo toong teng của cụ. Có lần lão Sáu Vạn thợ mộc, vô ý đứng lên, đội nguyên trách cá kho đổ bể trên đầu, tóc tai quần áo bê bết mắm muối, kêu trời không thấu, chạy ngay về nhà ra giếng xối nước ào ào. Tối lại chui vô mùng bị mụ vợ xô ra kêu còn hôi mắm muối quá. Thật ra con cháu không đứa nào muốn gần bà. Bọn trẻ con thì ham chơi sợ bà sai bảo. Con cháu lớn cũng chỉ đứng một lúc tìm cớ rút lui cho nhanh, ở lâu thế nào cũng nghe bà ca thán về cô Lài, một đứa con dâu hư hỏng nhất trên đời, chuyện nhà cửa dột nát, nhất là dột chỗ mô không dột, nhè chỗ bàn thờ mà dột, con cháu thờ phụng ôn mệ như rứa làm răng mà ngóc đầu lên cho nổi? Đó là bài ca vô tận của bà cụ Tuần.

Chị Lài, nhà cha mẹ nghèo về làm dâu trong cảnh không môn đăng hộ đối, khổ lắm. Tuy là dâu út, nhưng lại được ở từ đường, đừng tưởng ấy là một ân huệ. Chị bị mấy ông anh chồng, mấy người chị dâu xúm vô lừa phỉnh: "Em ở hầu mệ, ngày sau mệ về với Phật vợ chồng em được hưởng cái nhà từ đường với bốn sào ruộng hương hoả..." Không phải chị Lài bị lừa và ham mấy thứ của nhà ấy đâu, chị đi lấy chồng cha mẹ đẻ dặn: sống gởi nạc thác gởi xương nhà chồng, không cho quay về, nên phải ở lại nhà chồng chịu đựng cảnh làm dâu, hầu hạ mẹ chồng. Còn con trai con gái, con dâu con rể biết tính mẹ khó không ai dám gần, đủ lông đủ cánh thì liệu mà xa chạy cao bay.

Lúc mới về làm dâu, cụ kêu chị Lài dặn:
- Mi nghe cho kỹ đây. Tau ăn như đàn bà đẻ, ăn mặn, ăn khô, không ăn canh như bọn mi, món canh ăn cuối cùng húp một miếng như bọn Tây ăn xúp... Người ta lâu lâu mới nằm nơi (đẻ) một lần còn tau ngày nào cũng ăn như đàn bà nằm ổ.

Bà cụ này có cái tính ăn uống kì dị lắm, và có cái ý rất chướng, rất "mệ". Bà không ăn cay được, kho cá bỏ tí ớt bột là bị chửi ngay. Không ăn ớt nhưng trên mâm luôn luôn phải có trái ớt cho bà ngó thấy. Có người hỏi để làm chi, bà nói, "Tau ăn bằng con mắt", bánh bèo bánh tỏi thì ớt xanh, các món khác ớt đỏ, cá kho phải có chén ớt bột, món tanh phải có mấy hạt tiêu sọ để một bên. Thế nhưng đem lên làm sao bưng xuống vậy ớt trái, ớt bột, tiêu sọ còn nguyên. Thế nhưng bưng mâm lên, liếc qua thấy thiếu một món bà cụ liền mát mẻ: "Mi ra chợ tơ tưởng thằng mô mà không mua tiêu, mua ớt?" Thế là chị Lài phải vén hàng rào chui qua hàng xóm xin ớt. Hàng xóm thấy chị ai cũng thương, giữ lại hỏi chuyện, chị nói: "Cho em về không mệ đang "tế" (chửi) ở nhà vì thiếu trái ớt trên mâm". Hàng xóm biết chuyện nói: "Con cái nhà ai hiền lành tử tế lại rơi vào làm dâu bà già cay nghiệt này? Giàu có sang trọng nhưng khổ nhục quá. Tôi mà cha mẹ con Lài tôi kêu con tôi về, làm gì thì làm, kiện đâu thì theo. Mẹ chồng gì mà hở ra một tí là nổi tam bành lục tặc, mở miệng ra thì đòi đào mồ cuốc mả con nhà người ta?" Lão Sen làm thầy cúng cũng nói: "Mụ già quá quắt này chết khổ chết sở cho mà coi, chết không nhắm mắt mô, trời hành thình lên thọp xuống nhiều lần mới đi được..." Thế nhưng bà cụ Tuần lại hay lên giọng nhân đức:
- Mi kiếm khắp cái xứ ni không có bà mẹ chồng thứ hai mô như tau. Chưa ai dễ với con cháu bằng tau. Mi có phước lắm mới về làm dâu cái nhà ni...

Nói là thế song làm dâu bà cụ này chẳng dễ tí nào. Riêng mái tóc của chị Lài cũng đã xảy ra lắm chuyện điêu đứng, cười ra nước mắt. Tóc chị rậm và dài lắm, chị nuôi tóc từ thời con gái đến khi về nhà chồng mái tóc dài quá mông. Lúc mới về làm dâu, thấy mái tóc con dâu bà cụ nói:
- Nhà ni có đủ thứ chủi (chổi) rồi, chủi đót, xuốc trong nhà, chủi rành xuốc sân, chủi chà xuốc nơi mô dơ dáy, không cần chủi. Mi còn đem chủi về nhà ni mần chi nữa? (Ý nói mái tóc dài như cái chổi).

Bị bà mẹ chồng nói cạnh nói khoé. Chị Lài ra chợ nhờ thợ cắt ngắn.

Khi chị về nhà bà cụ Tuần thấy mái tóc ngang vai liền cao giọng:
- Mi lớn tuổi, chồng con rồi, còn yêu thương thằng mô nữa mà để tóc thề ngang vai?

Lần này chị nhờ thợ cắt lên cao hơn nữa, nay gọi là cái mốt tóc tém, tưởng yên, không dè bà cụ thấy mái tóc con dâu, liền thét lên:
- Trời ơi nhà tau có nợ nần chi mô mà con dâu tau ra chợ bị chủ nợ xởn tóc?...

Ngày xưa đi làm dâu chẳng dễ. Bối tóc cũng chẳng phải chuyện tự do muốn bối sao thì bối. Bối tóc để thòng quá gáy một chút, bước đi lọn tóc đong đưa, kiểu bối tóc này dành cho hạng phụ nữ phong lưu, không phải dân lao động. Dân lao động như mấy chị nông dân bối tóc thòng kiểu này, thêm chiếc áo cánh trăng trắng một chút, ra đồng bị chê trách liền, nói rất ác: "Học cái thói đĩ thoả ở mô mà đi cấy làm cỏ lúa ăn mặc tóc tai ngó như me tây: Bối tóc lên cao, kéo cái bối to như chiếc bánh ú, ló ra chùm tóc ngắn trên đỉnh đầu, thắt lại cho thật chặt, đó là cái mốt "Bối tóc ngược" kiểu tóc đánh ghen.

Xuốc dà (quét nhà) với bà cụ không đơn giản tí nào. Đối với bà cụ không phải quét sạch là được. Khó hơn nhiều. Trước tiên là bài học vỡ lòng về cách chọn và mua "chủi". Bà sai chị Lài ra chợ Đông Ba mua cái chổi đót, trước khi đi bà dạy nhiều lần về cách lựa được cây chổi tốt. Phải chọn chổi dày, màu đót còn hơi xanh, cán chổi quấn sợi dây mây cho chặt, quấn dây thép không mua. Nắn bóp không thấy cán chổi óp, nêm cây tre cũng không mua. Nắm đầu mấy cây đót kéo ra thử xem họ cột có chắc hay dối? Lựa đi lựa lại nhiều lần, qua nhiều hàng bị người bán mắng mỏ rất khổ cho cái thân chị Lài, suốt buổi như thế mới chọn được cái chổi. Đem về chị ta rất hồi hộp không biết bà mẹ chồng có chịu hay bắt đem đi trả lại thì chết với mấy con mụ bán chổi. Chị Lài làm theo lời bà mẹ chồng mấy người bán chổi rất bực mình. Có người nói kháy: "Mua chổi về quét đôi ba tháng rồi vứt, để làm của gia bảo, để thờ hay răng mà kĩ rứa?"

Chị Lài đem chổi về, bà bảo đưa coi, sờ nắn bóp thử. Nói: "Thời tau..." Bà tính nói thời của bà người ta làm chổi tốt hơn. Bà trao lại, chị Lài dựng cây chổi vào góc nhà, bà thét: "Mi dựng chủi kiểu nớ ba bảy hai mươi mốt ngày đầu chủi cong lại quét tước chi được. Tiền mô mà mua? Mi tưởng nhà ni in tiền được răng? Chủi phải lấy dây cột treo lên để đầu chủi không cong. Còn làm biếng thì dựng ngược cái cán chủi xuống dưới"

Mỗi lần chị Lài quét nhà, bà già ngồi chò hõ trên ván nhìn cô dâu quét nhà, không ưng tí nào. Bà nói:
- Mi xuốc dà kiểu nớ làm răng mà sạch? Thấy cái tay mi cầm chủi còn ngượng quá, ngó dúng (giống) thầy thông thầy phán cầm ba-ton, không gọn gàng chi cả, ngó không sướng con mắt. Mi đem cái chủi lại đây tau chỉ cho mà cầm. Rồi bà bảo chị đến gần chỉ cách cầm cán chổi ra sao. Thấy bà mẹ chồng dạy cô dâu cầm chổi xem ra còn phức tạp gấp mấy lần giáo sư nhạc dạy học trò nắm cây đàn violon. Mà thật, đối với bà quét nhà khó lắm, không học không quét được. Bà căn dặn: "Mùa ni buổi sáng gió từ núi Ngự xuống, mi mở cửa sau quét nhà từ sau ra trước, dồn rác vô cái hố trồng chuối. Buổi chiều mùa ni gió nồm, thổi từ biển lên, mi mở cửa trước quét từ trước ra sau dồn lại mấy cái gốc bầu bí làm phân, tưới nước cho có trái mà ăn. Xuốc dẹ tay, moi móc trong mấy hóc kẹt. Mùa ni khô, trước khi xuốc sân phải tưới nước cho không bụi... Bà cụ già, người nhỏ lại như một đứa trẻ mười hai tuổi ngồi chồm hổm trên tấm ván nhìn cô con dâu làm việc, cặp mắt không chút bằng lòng, mặc dù chị Lài một mực theo đúng lời căn dặn rắc rối của mẹ chồng.

Bà cụ dạy con dâu ra chợ mua cái om (nồi đất nhỏ) về nấu cơm, nấu bằng om đất lợi củi mà ngon cơm, để lâu không thiu, nấu nồi đồng để lâu teng đồng ra ăn vô độc lắm. Bà còn dặn: "Om mới mua về phải hái đọt khoai lang chà xát trong ngoài một lớp sau đó mới dùng được bền hơn. Màu đất nung đỏ hoá thành màu xanh lá cây. Còn mua gạo cho tau ăn phải lựa gạo cũ, gạo mùa trước, ăn mới mau tiêu, mau đói" Bà nói: "Gạo lúa mới tuy ngon, thơm nhưng độc lắm, lâu tiêu. Người đau mới dậy ăn gạo lúa mới vào trở bệnh lại ngay, ôn mệ ta dạy chí lí lắm". Chị Lài là con dâu út, chồng chị đi làm xa, không mấy khi về nhà, chồng chị là con út, được cưng nhiều nhưng lại không được cha mẹ cho đi học tới nơi tới chốn, chỉ làm anh lính quèn gác cầu ở xứ người, mỗi năm có mấy ngày phép về với vợ. Anh lính này rất sợ mẹ, không dám đi đứng, ngồi gần vợ, kể cả việc không dám xuống bếp khi vợ ngồi thổi cơm trong cái om đất vì sợ mẹ mắng là mê vợ hơn mẹ. Mấy bà chị dâu khác ở xa, hàng năm ngày giỗ ngày chạp về nhà đem chút quà chút tiền về biếu, họ như là khách, bà không nặng lời không sai bảo. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà một tay chị Lài làm cả, còn bị bắt bẻ la lối đủ điều, có khi còn bị đánh. Bà đánh con dâu giống như thầy giáo đánh học trò, bắt nằm lên giường, quất bằng roi mây, đánh không cho khóc. Vừa nhịp nhịp con roi mây vừa nói, giọng rất dịu dàng: "Mạ quất mấy roi cho con nhớ, chớ nói suông con quên..."

Một hôm bà cụ sai con dâu qua nhà lão Sáu Vạn mời lão. Lão bận việc đóng bàn ghế cho khách, chiều mới tới. Thấy mặt lão, bà cụ Tuần mát mẻ:
- Chớ lão là ông tham ông phán ở toà Khâm toà sứ gì mà lo việc quan, mời cả buổi mới thấy vác mặt tới? Lão là Sáu Vạn chớ mười vạn nữa choa cũng nói...

Rồi bà cười:
- Giỡn chơi với lão, đừng giận. Già rồi gần đất xa trời như tui hay tủi thân, cứ nghĩ mọi người khinh khi mình...

Lão Sáu Vạn khúm núm:
- Mệ dạy rứa chớ tui bậc con cháu mô dám, chỉ vì hồi sớm mai lo đóng bộ bàn ghế nhà Tư Tạo cho kịp rước dâu ngày mai. Nên hầu mệ trễ...

- Thôi rồi, nói chơi, đừng bỏ bụng. Tui mời lão đến đây nhờ xẻ mấy tấm ván...

Lão Sáu Vạn ngạc nhiên, thốt:
- Bẩm mệ, ván mô?

Bà cụ cười, nụ cười không răng hồn nhiên giống như một đứa bé, vỗ vỗ lên mặt phản nói:
- Bộ ván ni, cái giang sơn cỏn con của tui đây nề.

- Thưa mệ xẻ ra làm cái chi? Rồi mệ ngơi chỗ mô?

- Làm chi thì kệ tui. Nghỉ ngơi chỗ mô cũng kệ tui.

- Xẻ răng?

- Cứ mỗi tấm xẻ đôi ra bào hai mặt cho đều, bào thiệt phẳng thiệt láng cho tui.

- Ván ni có ba cái mộng, xẻ đôi mất mộng hết còn chi?

- Ừ, cứ xẻ ra đi không cần mộng, khép lại cũng được, nó có chưn mô mà chạy? Mộng mị chi cho bọn rệp có nơi làm tổ cắn mình?

Lão Sáu Vạn ngập ngừng một lúc mới dám hỏi: "Chớ mệ đòi xẻ bộ phản ngựa này ra mần chi?"

Bà cụ tỏ vẻ bí mật, gắt:
- Mần chi kệ cha tui.

Lão Vạn tìm lời hỏi khéo:
- Hay?... Mệ muốn may cái áo?...

- Áo chi? Già rồi áo quần chưng diện với ai?

Lấy hết can đảm lão thốt ra:
- May cái "áo quan"!

Lão tưởng nghe xong bà già "tế" cho một trận về cái tội trông cho bà mau chết. Nhưng không, bà cười. Bà cười như trẻ con:
- Tui chưa chết mô, may áo quan mần chi? Thôi ta tính chuyện tiền công lão cưa xẻ gỗ đi. Lão ưng khoán hay ưng làm công nhật?

- Bẩm mệ, chi cũng được.

- Công nhựt nghe? Tính răng?

- Mệ cho bao nhiêu cũng được. Giúp mệ lấy cái đức, tính toán hơn thiệt so đo mần chi.

Nói thế chớ không đơn giản. Mấy ngày đầu hai thầy trò lão ăn mạnh quá, mỗi bữa một người ăn hết cả bơ gạo. Lại còn thêm cái tật thợ mộc "sáng giũa cưa trưa mài đục" Làm hai ba ngày chưa xong việc xẻ ba tấm ván. Bà cụ nóng ruột hối, lão nói: "Cái giống căm xe này để lâu năm cứng như đá, cưa đục mô chịu nổi. Mệ thấy thầy trò tui cứ mài đục với giũa cưa hoài đó không?

Bà cụ:
- Ừ thôi cứ thủng thẳng làm nhưng bắt đầu từ ngày mai thì khoán, không ăn lương công nhựt nữa, cơm nhà lão ăn, làm xong tui trả hai đồng rưỡi. Ưng không?

- Thưa mệ mần cái chi?

- Cưa xong bào láng hai mặt, làm đôi ngựa gỗ, gác lên thành một bộ phản ngựa nữa, công cán có nhiều nhặn, nặng nhọc chi mô?

Lão Sáu Vạn giờ đây mới vỡ lẽ cái ý của bà già đáo để này. Bà ta thấy tấm phản của mình dày quá, muốn xẻ đôi ra làm thêm một tấm nữa. Một mà được hai, lại thêm nhẹ nhàng dễ di chuyển. Nhưng làm cho ai nằm. Bà chỉ nằm một tấm thôi, mùa rét cũng như mùa nóng nực, cô Lài con dâu, tối khuya làm hết công việc lấy cây chổi đót quét chỗ hiên, trải chiếc chiếu manh ra nằm, có thấy cô nằm phản nằm giường chi mô? Trong nhà còn ai mô? Hay làm xong bán? Bà già này có của, bà cần chi tiền? Lão phân vân mãi cho đến một hôm công việc xong, hai bộ ván ngựa thành hình. Bà cụ Tuần hỏi:
- Trong hai bộ lão ưng bộ mô?

Lão Vạn ngắm nghía một lúc, lưỡng lự mãi, xong chỉ bộ kê dưới tán cây mít nói:
- Thưa mệ tuy hai bộ ngó qua thì dúng (giống) nhau nhưng tui thích bộ ni hơn. Nó "ngon" hơn.

Bà cụ:
- Lão thấy ngon thì làm cho nó ngon thêm, bào lại cho kỹ lưỡng, ra phố mua chai véc ni màu cánh gián thứ tốt nhất về đánh bóng, bộ kia cứ để gỗ trần cũng được.

Thời gian thầy trò lão Sáu Vạn làm mộc, bà già thường sai chị Lài dìu ra xem, bà ngồi một bên nhìn xem, chỉ vẽ đủ thứ. Lão Vạn bực mình gắt: "Thôi mệ vô nhà nghỉ đi để thầy trò tui mần theo ý mệ. Thấy mệ cứ ngồi đây ngắm nghía, chỉ chỏ khó mần lắm. Nói thế nhưng bà cụ không chịu đi đâu. Bà ngồi chỉ, đến nỗi chỉ dẫn cả cách bào cưa đục cho thợ mộc làm. Bà còn nói chị Lài đem cái kiềng ba chân ra đặt nơi gốc mít, quét dăm bào nhóm lửa nấu nước cho thợ, nấu cơm cho bà. Bà nói: Đời tau đi làm dâu còn khổ gấp vạn lần mi. Thời trước ở nhà vườn như mình đây không ai tốn tiền mua than củi. Nấu nướng đã có lá tre khô, lá mít khô, nhánh khô, thu vén lại nấu, đỡ tốn tiền củi mà còn sạch vườn. Ở nhà quê người ta đun nấu bằng rơm. Nấu được bữa cơm khói cay chảy bao nhiêu nước mắt. Nấu phải ngồi canh ông Táo suốt buổi, không sung sướng như bọn mi bây giờ nấu củi mô.

Đến ngày hoàn thành bà cụ bảo thầy trò:
- Khiêng vô nhà. Bộ xấu để chỗ cũ cho tui nằm. Bộ tốt đánh véc ni đặt ở chỗ nhà ngang, gần cửa sổ.

Chị Lài không hiểu bộ ván ngựa mới đẹp đẽ ấy bà già dành cho ai, chắc là cho vợ chồng anh con cả với thằng cháu nội đích tôn của bà. Song chị không dám hỏi.

Buổi chiều khi chị Lài ngồi ngoài vườn quét dăm bào nấu cơm, nghe tiếng thét: "Con Lài mô? Lên đây!" tiếng kêu đầy vẻ quyền hành từ nhà trên vọng xuống. Chị không biết việc gì, lo sợ bỏ nồi cơm nấu dở chạy lên. Vòng tay thưa:
- Bẩm mạ kêu con chi?

- Túi (tối) ni mi không nằm đất nữa nghe không?

- Dạ con nằm đất đã quen... Mạ biểu (bảo) con nằm mô?

- Nằm nơi bộ ván ngựa mới làm đặt nơi nhà ngang. Tau làm cho mi.

Chị Lài không biết mình có nghe lầm không. Hỏi lại:
- Rứa mà con tưởng mạ đóng cho anh chị hai với thằng Toàn cháu nội đích tôn họ nhà mình...

Bà già cười:
- Rứa lâu ni mi tưởng tau không thương mi răng?

- Thưa mạ, con không dám nghĩ rứa. Con biết mạ hay la rầy con là mạ thương con. Thương cho roi cho vọt mà...

Bà già:
- Tau làm cho mi bộ phản mới, tau biết mi có công với tau hơn bọn kia. Bà nói, giọng hết sức êm đềm: "Mạ thương con. Mạ làm cho con nằm đó..." Không đúng như lão Sen thầy cúng nói năm nào: "Bà già độc ác chết không nhắm mắt" Mùa đông năm ấy bà cụ Tuần ra đi, bà ngủ một giấc dài không thức dậy nữa. Bà ra đi êm đềm không chút quyến luyến trần tục. Bộ ván ngựa bà nằm giờ đây mới được thầy trò lão Sáu Vạn tháo làm ba mảnh bưng ra vườn, xẻ thành sáu tấm ván mỏng. Lần này thầy trò lão xúm "may" cái áo quan cho bà. Có điều lạ, người như bà hình như biết trước mọi việc to lớn trong đời, trước đó một ngày, bà đã chuẩn bị tất cả cho chuyến viễn du lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong cuộc đời tám mươi năm lê lết trên tấm ván ngựa. Bà kêu chị Lài đến một bên nói: "Con mời thầy giáo Thị tới cho mạ nhờ chút" Khi ông giáo tới bà cụ nói: "Ông giáo lấy giấy viết dùm tui tờ di chúc. Tui để hết tài sản một đời tằng tiện dành dụm lại cho con Nguyễn Thị Lài". Nửa khuya bà trở dậy, ho mấy tiếng, chị Lài chạy vô, vuốt ngực bà, bẩm: "Mạ uống nước sâm không con rót? - “Tau không ho hen chi cả, tau ra dấu cho mi vô nói việc kín” bà cụ kề tai chị nói nhỏ: "Dưới gốc cây mít ướt có cái hủ đựng tiền Đông Dương, bỏ trong cái chai đậy nút khằn kĩ lắm không mối mọt chi mô. Chồng con về nói nó đào lên, mạ cho vợ chồng con mua ruộng đất làm nhà. Nhớ sanh cho mạ đứa cháu".

Q.T
(174/08-03)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • THÁI BÁ TÂNTháng trước, ở phường B. thị trấn Đức Giang, huyện Gia Lâm, nơi tôi về nghỉ hưu mấy năm nay, đã xẩy ra một vụ trọng án có nhiều tình tiết rất kỳ lạ, có thể nói bí ẩn không sao giải thích nổi, đến mức cuối cùng người ta quay sang cho rằng nhất định phải có yếu tố thần linh ma quỷ trong vụ này.

  • PHẠM THỊ ANH NGA                  Truyện ngắn...trái tim có những lý lẽ mà lý trí không thể nào biết được...

  • PHAN VĂN LỢIBuổi giao lưu và trao giải thưởng cho các tác giả đoạt giải trong cuộc thi viết truyện ngắn do Hội Nhà văn tổ chức đã tiến hành được gần nửa giờ. Gã nhấp nhỏm trên chiếc ghế kê phía sau cánh gà sân khấu, bồn chồn không yên. Chừng thông cảm với tâm trạng của gã, cô gái phục vụ mặc áo dài đỏ bưng tới cho gã ly nước, nhẹ nhàng nói: "Chú cứ yên tâm ngồi nghỉ cho khoẻ. Giải A bao giờ cũng trao cuối cùng, chú ạ!"

  • KHẢI NGUYÊN Pa-ri, mùa hạ năm 198...Vườn Bách thảo giữa thành phố kề sông Xen phía tả ngạn. Ông đến đây như một kẻ lánh đời, sợ nơi đông người. Thật ra, phần lớn đường phố Pa-ri trong giờ làm việc không ồn, không thừa thãi người đi nhong như ở Việt Nam. Em ông ở quê ra Hà Nội chơi đứng ngắm dòng người và xe nườm nượp qua lại cứ tự hỏi: những con người này đi đâu, về đâu mà tuôn mãi như là chẳng ai về nhà cả, như là cái "nghiệp" trời đày phải đi.

  • ĐỖ KIM CUÔNGNhiều năm trôi qua tôi đã trở thành người đàn ông đứng tuổi. Có một mái ấm gia đình, vợ con hạnh phúc. Nhưng mỗi lần nghĩ về nàng, một người đàn bà chỉ kịp quen trên chuyến đò từ Huế ra Phong Điền, chia tay nàng để nhiều năm sau, tôi mới được gặp lại nàng trong một hoàn cảnh khác, tôi vẫn giữ nguyên một cảm giác hết sức lạ lùng. Một ý nghĩa luôn ám ảnh tôi khá kỳ quặc rằng: Tôi đã bị nàng hiểu lầm, là một chàng lính giải phóng “hám gái, dại khờ”... Bởi vì sau vụ việc ấy, chính tôi cũng rủa thầm mình là ngu ngốc.

  • NGUYỄN VIỆT HÀVọng đi vào núi. Tại sao phải đi vào núi thì Vọng mong manh biết, còn sẽ đi vào núi như thế nào thì anh không biết. Nắng của chiều ngần ngừ trên một đường mòn và đường mòn heo hút cỏ dại đến đây thì chia hai.

  • HÀ KHÁNH LINHGiáo sư tiến sĩ Hoàng Lập Xuân thường nói với các sinh viên của mình thuở còn ấu thơ bà tin những chuyện cổ tích là có thật, từ đó bà đã sống và hành động theo tinh thần cổ tích. Khi đã thành danh, bà thường ngẫm nghĩ đối chiếu mình với các nhân vật trong cổ tích. Nhiều người lấy làm ngạc nhiên khi thấy chuyện cổ tích đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách của một con người như giáo sư tiến sĩ Hoàng Lập Xuân. Càng ngạc nhiên hơn, khi biết rằng những chuyện cổ tích bà được nghe kể khi còn nhỏ không phải do ông bà nội ngoại, không phải do cha mẹ...

  • HƯỚNG DƯƠNGTết đã gần đến rồi. Những ngày này mọi người chỉ nghĩ đến một việc là chơi gì trong ngày Tết? Trước đây, cuộc sống thiếu thốn thì Tết là dịp để ăn uống cho no say đầy đủ - Vậy mới gọi là ăn Tết. Còn giờ, mọi sự dinh dưỡng thừa mứa, đàn ông bụng phệ nhan nhản, đàn bà đi hút mỡ thường kỳ, bệnh béo phì của trẻ em gia tăng. Ăn uống là kẻ thù của con người. Vậy nên, Tết không còn là ăn Tết nữa mà là vui Tết, chơi tết.

  • PHẠM ĐÌNH TRỌNGChưa bao giờ Ngay có ý nghĩ rời Hà Nội đến sống ở vùng đất khác thế mà anh đã đột ngột đưa cái gia đình bé nhỏ không còn nguyên vẹn của anh đi vào thành phố phía Nam cách Hà Nội ngót hai ngàn cây số. Anh đi như chạy trốn để rồi càng ngày anh càng nhớ quay quắt nơi anh đã để lại cả một thời tuổi trẻ đẹp đẽ.

  • THU NGUYỆTTrắng và trắng. Muột thơm và tinh khiết. Mặt đất dường như đỏ và mịn hơn khi được trải mình ra đón nhận sự nương tựa dịu dàng của những cánh hoa sứ ấy. Tôi khẽ khàng nhặt một bông sứ nhỏ, không đưa lên mũi ngửi như thói thường mà trang trọng áp vào tai. Trong làn hương tràn ngập, tôi nghe vẳng tiếng chuông ngân đẫm mát. Ai đó ơi, hãy một lần thử xem, nhặt một bông sứ nhỏ sân chùa, nhè nhẹ áp vào tai, sẽ nghe thấy những âm thanh và làn hương kỳ diệu! Cái cảm giác lạ lùng mà tôi đoán chắc rằng ai đó sẽ bất ngờ thấy mình khác hẳn đi.

  • PHẠM THỊ ANH NGAVới tôi mạ không có công ơn mang nặng đẻ đau, nhưng mạ đã thực sự ban cho tôi sự sống: sau khi lần lượt sinh bốn người con gái đầu lòng, lần thứ năm chín tháng cưu mang và "vượt cạn mồ côi một mình" mạ đã sinh ra anh, người sau này sẽ là "một nửa" của đời tôi.

  • PHẠM THỊ XUÂNTừ ngày Hoạt được đề bạt lên phó giám đốc, Mùi bắt đầu tiến hành một cuộc cách mạng trong gia đình. Nhìn vào đâu, vào cái gì, Mùi cũng chưa thấy nó xứng đáng với địa vị mới của chồng. Ngôi nhà ba gian vừa xây cách đây không lâu, bây giờ nó đã trở nên lạc hậu trong mắt Mùi. Mùi nghĩ, giá như hồi ấy mà làm theo kiểu nhà hộp thì bây giờ có phải đã lên thêm được một tầng như một số người quanh đây không.

  • HƯƠNG LANTuấn nhìn đồng hồ, rồi lại đi lui, đi tới không biết là lần thứ bao nhiêu trong buổi sáng này trên hành lang của Tòa án nhân dân Thành phố. Vẫn còn 5 phút nữa mới đến giờ, nhưng Tuấn có cảm giác giận Hương, có lẽ cô ta không đến, cô ta muốn gây khó dễ cho mình... Tuấn thầm nghĩ và lòng anh hiện lên một chút đay nghiến với người phụ nữ đang còn là vợ anh trong vài tiếng đồng hồ nữa.

  • BÙI MINH QUỐCNgày hôm ấy là một ngày không có gì đặc biệt trong cuộc sống cực nhọc, buồn tẻ của giáo sư Lê Khương- một ông già ngót sáu mươi tuổi mà vẫn sống độc thân. Nhưng rồi có một sự đặc biệt đến với ông vào lúc gần nửa đêm. Sau khi rà sửa lại lần thứ ba mấy chục trang cuối tập bản thảo một công trình mới nhất của mình, giáo sư đặt lưng xuống giường ngủ thiếp đi. Và, như thường lệ, ông bắt đầu thấy chiêm bao.

  • DƯƠNG THÀNH VŨBuổi sớm maiSông thức dậyMột mìnhTrôi mải miết    (René Char)

  • ĐOÀN BÍCH HỒNGBà lão ngồi bất động nơi cây cầu giơ một khúc gỗ khẳng khiu đỡ lấy sàn nhà. Trong lúc liếc nhìn bóng mình lao chao trong cái màu xanh rêu đùng đục của dòng sông đang gắng gỏi vài mét nước cuối cùng trước khi nhập vào lòng biển, bà cố ghi nhận cái thời khắc quan trọng mà bà cảm thấy nó đang đến gần.

  • NHƯ BÌNH1. Đực và cái. Một đứa con trai đứng bên một đứa con gái là giống đực đặt bên giống cái. Còn nhỏ chúng là những đứa trẻ, không ngại ngùng bởi vấn đề giới tính. Trưởng thành, hai giống bên nhau tạo sức hút và nảy sinh cái gọi là tình yêu. Các cụ ta xưa rất hiểu quy luật giới tính này. Chả thế mà cứ nhốt hai giống vào một phòng là thành vợ chồng.Bố mẹ tôi cũng là một cặp như thế.

  • NGUYỄN VĂN ĐỆThuần ra bến thuyền vào lúc thuỷ triều đang lên. Lúc này là nửa đêm. Trăng hạ tuần trong như con cá mòi tháng bảy nhảy hất lên từ mặt biển treo mình giữa nền trời xanh ngát. Gió tây se lạnh, gió thổi từ đất liền ra giộng rừng phi lao reo lên cùng với tiếng vi vu, vi vút, gió thổi vào ngọn sóng làm hắt lên những tia sáng.

  • NGUYỄN THANH MỪNGĐã bát tuần, ông vẫn chưa nghĩ đến cái già. Đó là ông nói vậy, bô lô ba la trước bàn dân thiên hạ, trong đó tất nhiên không thiếu cả bạn bè, nhất là những người đáng tuổi con cháu nhưng được ông tôn vinh là thần tượng của quốc gia, thậm chí quốc tế nữa.

  • NHẤT LÂM          Truyện ngụ ngôn hiện đạiTrong đàn chó săn của ông Mỗ thì Fóc vào loại anh cả đỏ. Ngoài chân cao, mũi thính, mình dài, chạy như tên bắn... nói chung những gì cần cho một con chó săn đích thực thì Fóc có cả.