THIÊN TÂM
Những mảnh tro giấy nhẹ xốp bị gió thổi bay phất phơ giữa không gian lạnh lẽo cuối đông.
Minh họa: Đặng Mậu Tựu
Ngọn lửa bén quá, ngoạm luôn vào đầu móng tay, phả cái mùi khét lẹt chất protein từ cơ thể người sống, ăn vào tận phần da, phồng rộp cả đầu ngón tay làm dây thần kinh cảm giác bị kích thích mạnh, đánh thức tôi khỏi dòng suy nghĩ miên man. Chẳng còn gì nữa, sao tôi vẫn cảm thấy mình đang cầm tờ giấy dày đặc chữ có dòng kết luận tình trạng sức khỏe hiện tại. Ung thư. Ung thư không dáng hình đè nặng tâm trí. Vết phỏng nhiệt ở tay không khiến tôi đau đớn. Não bộ tiếp tục hoạt động, nó tự nghĩ đủ thứ tiêu cực nhất.
Tiếng chuông báo cháy khua vang như con thú hoang bị dồn vào đường cùng, oằn mình gào rú man dại. Không may cho tôi, chiều hôm đó tôi trở thành tâm điểm chú ý của mạng xã hội. Họ chửi vì tôi là nguyên nhân gây ra sự náo loạn dãy nhà A., bệnh viện thành phố. Ai bảo mải mê với nỗi bất hạnh cá nhân, tôi ngơ đi dòng chữ cấm lửa đóng chình ình trên tường. Tôi bị bắt tạm giam để điều tra. Ngồi trong phòng tạm giam, giữa bốn bức tường xi măng lạnh lẽo, người tôi run lên bần bật, mồ hôi ứa ra như vừa đi mưa về sắp cảm. Tôi bắt đầu không kiềm chế được những xúc cảm của mình. Những hành vi của tôi khiến cho đồng chí ngồi đối diện phải hoang mang. Anh ta kết luận tôi bị tâm thần. Một gã bác sĩ Khoa Thần kinh được cử đến để đánh giá hiện trạng sức khỏe của tôi.
- Tôi sắp chết rồi, khỏi khám.
Tôi giãy giụa, cố đẩy gã ra. Gã vẫn cố áp sát tôi để khám và đánh giá tình trạng sức khỏe tâm thần của tôi. Tôi bị khám ngực, khám mắt, khám môi…
- Thấy mình sắp chết sao? - Gãnhếch môi cười.
Tôi đang nói thật cho khỏi mất thì giờ của đôi bên, nhưng gã trông tự mãn chưa kìa. Có lẽ, gã đang xem đó là biểu hiện bệnh lý của tôi.
- Tim anh ta đập nhanh quá. Miệng thì khô, mồ hôi vẫn tiếp tục túa ra khắp cơ thể… - Gã tiếp tục huênh hoang thứ được coi là chuyên môn nghiệp vụ ngành y của mình với cán bộ phòng tạm giam.
Tôi bật cười, tiếng cười thách thức. Gã bác sĩ gật gù kết luận:
- Bệnh nhân bị ám sợ khoảng trống và rối loạn hoảng loạn. Hưng phấn tột độ thế này là do gặp một cú sốc hoặc chấn thương nào đấy nữa.
Tôi nín cười. Vế cuối, gã nói đúng. Tôi khóc. Tôi muốn tâm sự. Tôi chưa kịp giãi bày thì Long đến bảo lãnh đưa tôi ra ngoài. Long là bác sĩ, y đến nhận tôi là bệnh nhân của y.
- Ông ổn chứ?
Hắn hỏi ngay khi lôi được tôi ra ngoài. Tôi không trả lời y. Tôi giận lẫy vì y đã giành đi phần tâm sự tôi chưa kịp kể. Tôi im lặng ngó qua cửa xe hơi của y, ngoài đường đông vui thế. Thấy mình thật lạc lõng và đáng thương. Chuyện chiều qua vẫn còn ám ảnh tâm trí tôi. Con thú hoang lại hiện hữu và nó muốn nuốt chửng tôi. Tôi mơ màng nhớ lại cảnh dòng người như lũ tràn chạy loạn vì đám cháy giả hiệu. Tôi tự hỏi, tật bệnh đầy người, sao họ vẫn ham sống thế nhỉ. Chứ tôi, sắp chết rồi còn sợ chết cái gì nữa.
Lúc sau, tôi hỏi y:
- Tại sao lại muốn giúp tôi?
Y khẽ nhếch môi rồi cua xe ra ngoại ô thành phố, nơi có căn nhà tạm tôi thuê. Y thả tôi ngoài cổng rồi đánh xe đi. Tôi trở về với mênh mông đời tôi, tách biệt với xã hội nhộn nhịp ngoài kia. Ngả cái lưng ra giường, tôi đánh một giấc dài như thể chạy trốn thực tại, đương nhiên, phải cần đến lưng lửng chai rượu nút lá chuối và miếng mì tôm sống.
*
Mạng xã hội thật đáng sợ dù rằng, mọi thứ mà tôi có đều nhờ vào nó. Từ thu nhập của tôi, các mối quan hệ xã hội và sau rốt là tình yêu. Đã một tuần rồi, mạng xã hội vẫn “nóng” về chuyện của tôi, kẻ tí thì đốt cả bệnh viện, mặc cho có vài bài báo tử tế không chạy theo lợi nhuận lên tiếng bênh vực tôi. Hình ảnh cá nhân của tôi với cái đầu trọc lốc, má phệ, làn da tai tái được các thánh chế ảnh mang ra châm biếm. Tếu nhất, tôi bắt đầu có những lượt người theo dõi trên trang cá nhân. Kẻ có lập trường quyết giữ thái độ cực đoan rủa tôi: Chết đi. Chẳng lẽ tôi nói tôi cũng sắp chết, bình tĩnh chờ tôi chết đi. Nhưng tôi tiết chế. Sắp chết rồi, sân si với thằng chẳng quen biết làm gì. Giả dụ tôi có đôi co với nó vài lời thật, nó ngang hơn hỏi tôi bằng chứng của việc tôi sắp chết, tôi chẳng biết làm thế nào. Tờ giấy kết luận bệnh án của bệnh viện tôi đốt bỏ rồi còn đâu. Tôi sẽ chọn cái chết thuận theo tiến trình tự hoại tự nhiên của thân thể, tức là không hóa trị. Tế bào ung thư phân bào, sinh sôi. Nhiều đêm tôi lả đi vì đau, rơi vào mộng mị. Tôi thấy tôi chìm sâu vào trong lòng đất, cảm nhận rõ quá trình phân hủy của xác. Những con dòi cần mẫn ngoạm phá ngấu nghiến cái thây trương phềnh béo bở đến khi bộ xương người trơ ra, nó sẽ chết theo như một nghi lễ tuẫn táng tiễn đưa đời người sang thế giới bên kia.
Vô số lần tôi nghĩ về cái chết. Phía sau sự chết, điều gì tiếp diễn? Chính vì không rõ, nó khiến tôi run rẩy. Một kẻ cận tử đáng thương. Không bi quan làm sao khi tôi sắp chết. Di sản con cái không. Nấm mồ chôn tôi sẽ bị mòn dần qua niên kỷ. Tôi hòa vào đất, tan ra đất, đọng lại thành tầng hóa thạch vô giá trị. Công trình, hoặc nhà ở, hoặc bãi hoang phế lèn chặt lên tôi. Tôi tính phó mặc cho số phận, thì chết. Tôi định thế nếu không nhận được tin nhắn tỏ tình từ em. Em nói yêu tôi. Rất lâu rồi, lâu đến mức tôi gần như quên thứ tình yêu nam nữ mang hương vị gì. Tôi xấu trai, gầy nhẳng và nghèo. Tôi không có thứ gì hấp dẫn xấc. Nhưng em yêu tôi.
Em nói:
- Tại sao không tin những điều tốt đẹp trong cuộc sống? Đừng nghi ngờ em. Em thích anh, em nói yêu.
Tôi không cãi lại. Thì yêu em. Yêu phải sống gần nhau. Em đồng ý. Em dọn đến sống chung với tôi. Sức ép gạo tiền nhân đôi. Em còn đang hợp đồng thử việc. Tôi cần có trách nhiệm chăm lo cho em vì thế tôi không thể ốm yếu. Nghĩ được như vậy, nhanh chóng tôi không muốn chết nữa.
Tôi lao vào kiếm tiền nhằm chi hai khoản chính: Một là chữa bệnh cho tôi, hai là, em và tôi đủ ăn, đủ mặc, đủ tiêu dùng. Nhờ giời tôi được cái thông minh nếu không muốn nói tôi phát hiện ra mình có tài năng thiên phú ở khoản bịa chuyện. Tôi không nhớ mình đã thuyết phục Lam kiểu gì, chị ta đồng ý để tôi và chị cùng phát triển câu chuyện tôi kể thành đề cương phim truyền hình dài đến năm mươi tập! Qua khâu kiểm duyệt đề cương, tôi bắt tay vào viết chi tiết từng tập phim. Viết đến đâu sản xuất đến đó. Nói tóm lại, từ lúc chỉ là chồng giấy dày 2250 trang A4 đến khi lên phim, quá trình diễn ra chỉ trong một năm rưỡi. Nhờ thế tôi phong lưu đủ tiền xạ trị. Hành trình chống đỡ với nghịch cảnh éo le, cảm ơn em đã đồng hành cùng tôi trong thời khắc khốn khó cuộc đời. Khối u teo lại, sức khỏe khá hơn sau đợt trị liệu, tôi được xuất viện. Nghĩ rằng sẽ cho em một đám cưới, hoặc tự hào có thể nuôi em vì công việc của tôi đều như vắt tranh.
Em vẫn ở cạnh tôi nếu không có thằng đó. Hắn trơ trẽn, táo tợn và lắm tiền. Hắn thách thức một thằng chưa giàu và yếu thế như tôi. Nỗi tự ái của một thằng đàn ông đẩy em vào vòng tay hắn. Chúng tôi cãi cọ. Hắn chầu chực săn đón. Em nhẹ dạ động lòng. Tôi nổi cơn tam bành. Em lầm lũi thu gom những thứ tôi ném ra từ căn nhà chung tôi và em sống. Gã nhặt nhạnh đồ đạc giúp em, tống cả vào ghế sau chiếc bốn bánh hiệu Mercedes bóng nhoáng. Chiếc xe mất dạng nhanh như nó chợt đến. Khốn kiếp!
Đêm thật dài, tôi nằm một mình nghe bản tình ca của dế văng vẳng mãi về sáng. Em rời xa tôi, căn phòng trống trơn, mùi đàn bà loãng đi theo từng tích tắc. Râu má, râu cằm, râu mép chỉa ra lởm chởm không buồn cạo. Nó vô hại vì thiếu thịt da cọ vào. Em theo một thằng khá hơn tôi. Tôi hận em, chìm đắm trong rượu. Thuốc lá đã cai, nay hút lại. Đời tiếp tục buồn.
Sau vài đợi điều trị, bác sĩ còn phấn khởi hơn bệnh nhân. Niềm tự hào của người thầy thuốc kéo lại danh tiếng y. Từ đây y có thể tự tin với ca khác, khó hơn. Mặt của tôi một lần nữa lại tràn lan trên khắp mạng xã hội kèm hashtag biên kịch phim X, để quảng cáo cho phòng khám tư của doctor Long. Ừ thì biên kịch có anh em kết nghĩa với bác sĩ, còn gì bằng. Y thích làm thân với tôi, giới thiệu đông tây thành thử tôi và y có rất nhiều bạn chung, nhất là bạn để nhậu. Có lần y hỏi tôi, kẻ nhiều chữ nghĩa.
- Theo ông, tôi nên mở bệnh viện tư, hay theo đường quan lộ?
Tôi không muốn y thao túng cả cái bệnh viện công. Y cần cạnh tranh với cuộc đời, bệnh viện cũng bớt thêm một kẻ mê quyền chức chứ không phải vì chữ tận tâm. Tôi lựa từ ngữ rồi nói với y:
- Tay làm hàm nhai tay quai miệng trễ. Cứ tư mà mở. Tự do tự tại.
Y gật gù tin cẩn. Mãi về sau y hiểu, nhưng y không giận. Nhất là khi thằng thay chức phó khoa của y bắt đầu đếm lịch thay đếm tiền trong tù vì tội buôn máy phẫu thuật đểu. Mấy con tốt mặc áo blouse bị liên lụy, vào tù cả. Y như một ông vua con, lắm tiền, được trọng vọng, nấn ná nhờ tôi bắc cầu quen mấy em diễn viên xinh xinh muốn làm cuộc tiểu phẫu thay đổi dung nhan thay đổi cuộc đời. Tôi không hẹp hòi, y chẳng hại đến ai, thậm chí còn làm phúc. Tiểu phẫu không ảnh hưởng đến mạng người. Y, kẻ thích phù phiếm, tửu sắc chẳng chừa món nào, hợp với vai trò mới: Bác sĩ Thẩm mỹ viện Viện M.
*
Không chết vì bệnh, đời sống của tôi buồn chán và tẻ nhạt làm sao. Ngẫm thấy, có cái gì đó dốc lực lao mình vào có ý nghĩa hơn sống đời thuồn thuột chán ngắt như hiện tại.
Đã lâu tôi không về quê. Thằng Hưng lên phố học đại học, nó là đứa em họ xa. Tôi không đón, nó tự biết đường mò đến. Nhà nó nghèo như tôi từng rất nghèo. Tôi không quá hẹp hòi với nó khi tôi có phòng đủ rộng, thức ăn đủ dùng, đủ san sẻ thêm với nó. Bù lại nó sẽ nấu cơm, chè thuốc hầu tôi. Cuộc sống thiếu hơi đàn bà dần dà đi vào trạng thái tạm thời ổn định. Đấy là tôi tính thế, thực tế khác hoàn toàn. Cảm giác ngờ vực, lo sợ luôn bủa vây quanh tôi.
Hưng dọn nhà, giặt giũ quần áo, nấu cơm cho tôi ăn. Nó lầm lì, cần mẫn. Đêm ngủ không sâu giấc, người tôi lạnh cứng. Tôi lại gặp ảo giác. Con thú hoang vồ tới, giương móng vuốt xé tung cơ thể tôi. Nỗi sợ hãi khiến tôi phải gọi Hưng vào nằm cạnh. Con thú hoang như được thuần, lịm đi…
Những tưởng cuộc sống của hai gã đơn côi yên ổn thì xóm trọ có biến. Chuyện liên quan đến thằng Hưng nên chủ nhà gọi cho tôi, ép tôi phải về ngay. Tức tốc phóng xe 50km/giờ từ công ty Media về, tôi chết lặng và xấu hổ. Thằng Hưng bị đám phụ nữ trong xóm đánh te tua khi xách rác ra đầu ngõ đổ. Rác nó đổ là túi quần áo, đồ đàn bà. Đám đàn bà con gái ác, chúng đánh thằng Hưng không còn nhân dạng.
- Thằng bệnh hoạn! Hóa ra lâu nay tao mất quần mất áo do mày.
Ả đàn bà túm tóc em tôi, cong cớn chửi rủa. Thằng Hưng lì ra chịu đòn, đôi mắt của nó thì nhìn tôi chằm chằm như oán trách. Tôi hèn nhát, câm lặng.
*
Không khí sống ngột ngạt, tù túng, hai chúng tôi như hai cái bóng lượn lờ qua nhau. Hưng phần cơm tôi, rồi đi học. Tôi sống cuộc đời của tôi, lọ mọ bên con chữ. Cà phê không đủ mạnh, cơ thể bức bối, tôi đứng dậy, mở cửa tủ vuốt ve vài bộ quần áo của em người yêu còn sót lại. Hoa hồng ngoài ban công bắt đầu nở rộ. Thơm đáo để. Tôi vẫn phấp phỏng hy vọng em nghĩ thoáng mà quay về bên tôi…
Thằng Hưng đẩy cửa đi vào. Mặt nó hằm hằm.
- Anh vẫn chưa bỏ được tật ăn cắp đồ của đàn bà ư? Em không thể đứng ra chịu trận thay cho anh mãi…
Tôi bàng hoàng. Quần áo là do tôi ăn cắp ư? Em... em ơi! Không thể nào!
*
Ngày vừa dài vừa vô vị. Tôi thường thức dậy lúc trời quá trưa như nếp sống của giới văn nhân. Thằng Hưng vẫn ở nhờ nhà, vẫn nấu cơm cho tôi ăn trước lúc nó đi học. Tôi đày mình trên chiếc giường rộng dài không buồn ngồi dậy nếu chuông điện thoại thôi réo liên hồi. Những cuộc gọi nhỡ đều đến từ doctor Long khiến tôi khá ngạc nhiên. Lâu rồi tôi không bù khú gì với y. Tôi tính mặc kệ, y lại gọi đến. Tiện tay, tôi gạt ngang nút nghe. Giọng nói gấp gáp lạ thường của y làm tôi chú ý.
- Ông đang ở đâu?
- Làm gì?
Tôi cộc lốc trả lời, cốt để y cụt hứng mà rút lui không mời mọc tôi tham gia cuộc vui nào đó.
- Đến bệnh viện gấp đi.
- Tôi mới kiểm tra sức khỏe định kỳ hôm kia. Mọi thứ đều ổn. Tế bào ung thư không có dấu hiệu khởi phát.
- Hương đang ở đây.
Tôi lặng đi rất lâu. Kim đồng hồ tích tắc quay. Tôi ngồi sụp xuống cái ghế bành bọc họa tiết chăn con công. Tại sao chứ. Em bỏ tôi đi theo thằng đó. Thời gian cũng đã được tính bằng năm nối năm. Tôi không còn gặp lại em, hay hay tin gì về em. Không phải tôi không tò mò, mà do em kín kẽ với hạnh phúc gieo được bằng dung nhan diễm lệ.
Doctor Long dẫn tôi tới phòng hồi sức sau cấp cứu. Em nằm giữa tấm nệm trắng, chăn trắng như một thiên thần, có điều thiên thần đầu không đội vương miện hoặc vòng hoa rực sắc mà là những vòng băng gạc vài chỗ loang loáng hồng. Liếc qua hồ sơ bệnh án kẹp dưới đuôi thành giường, tôi đọc được dòng chữ ở phần chẩn đoán bệnh: đa chấn thương. Tôi kéo ghế ngồi lại bên em. Cũng không chắc mình đang chờ đợi điều gì.
Hương tỉnh giấc lúc sẩm tối. Em khó nhọc giơ tay lên như muốn với lấy tôi. Tôi hờ hững để mặc đến khi em thấm mỏi và tự buông thõng bàn tay gầy lấp ló những vết bầm. Giọng em khàn đục, có lẽ do khóc nhiều đến lạc tiếng. Em tự nhiên kể cho tôi nghe về cuộc hôn nhân của mình.
- Hắn nghi ngờ đứa con em sinh ra không phải con hắn. Mối nghi ngờ lớn dần theo năm tháng vì đứa bé không giống ai. Nỗi dày vò ngày một lớn, không biết trút vào đâu, hắn đánh em và từ đó đánh rất nhiều.
Tôi ậm ừ. Em kể nữa, miên man. Hương đã mỏi mệt hoặc do tác dụng của thuốc giảm đau, rồi thiếp đi. Tôi lại trơ ra như người thừa trước một tuyệt tác của tạo hóa và tự hỏi nếu Eva không ăn trái táo thì liệu Adam có biết đến niềm hoan lạc là gì mà khi em ở bên tôi và khi em đã xa đời tôi một quãng, nhiều đêm tôi vẫn lạc vào những giấc mơ xuân. Ở đó, em bé nhỏ nũng nịu với nụ cười chúm chím răng duyên, má đào, ngực tròn rốn phẳng để tôi vần mình vào tấm thân ngọc ngà. Ký ức trở lại, bấc giác, sống mũi tôi cay.
- Hương! Hương ơi!
Em đã ngủ sâu giấc, tôi yên lòng đứng dậy. Có lẽ do ngồi quá lâu, hai chân tê dại khiến tôi ngã nhào về phía trước, sát vào em, bối rối với hơi thở của em. Tôi lao nhanh ra khỏi buồng bệnh nhân. Chưa nghĩ được gì nhiều, tôi chỉ biết mình phải về nhà để lấy tiền và những đồ dùng cần thiết. Khuôn mặt thằng cha đi chiếc Mercedes hiện lên và tôi muốn đấm ngay vào mặt hắn.
*
Tôi chưa biết phải lấy đồ dùng gì trước hết để nhét vào cái ba lô nhỏ, và tôi vẫn chưa nhớ tiền mình cất chỗ nào. Hưng vừa đi đâu về, động cửa. Vài ngày trước tôi từng đề cập đến chuyện chuyển nhà, cũng đến lúc phải tách nhau ra mà sống. Nhưng dường như cả tôi cũng lừng khừng vì Hưng rất biết cách chăm chút cho tôi. Giờ, Hưng đột ngột lao vào tôi, thổn thức.
Tôi hãi hùng đẩy thằng bé tội nghiệp ra.
Ánh mắt thằng bé tuyệt vọng. Đôi mắt tôi lảng tránh. Tim tôi rỉ máu.
Tôi đã yêu chính bản thân mình, vùng vẫy trong sự chết bủa vây, ngập ngụa với mối tình chóng đến chóng đi. Bệnh tật làm tôi quên trắng mọi dữ liệu đời thường về cuộc sống cũng như sự giao hòa giữa tôi với đời sống, các mối quan hệ xã hội. Hương… yêu ơi! Em chưa từng tồn tại trong căn phòng của tôi ư? Bao nhiêu là ảo ảnh hạnh phúc về Hương và về chính tôi, chúng vẫn thật mơ hồ…
T.T
(TCSH50SDB/09-2023)
NGUYỄN TRƯỜNG Nơi hầm tối là nơi sáng nhất (Thơ Dương Hương Ly)
TRẦN THUỲ MAINăm nay mùa đông lạnh hơn hẳn mọi năm. Gió cao nguyên cứ tràn qua, tràn qua từng đợt, những bông quỳ chấp chới vàng như sóng. Quỳnh bảo tôi: Gió ở đây một đi không trở lại, khác ở Huế. Gió từ sông Hương thổi lên là gió rất đa mang, thổi tà áo bay dùng dằng, như trong câu hát ngày xưa "Gió bay từ muôn phía...".
HẢI THITôi lớn lên ở một ngôi nhà nhỏ ven sông. Con sông nhỏ chảy qua một vùng quê hẻo lánh. Nhà tôi và nhà Khan đối diện nhau trên dòng trôi quê mùa ấy, chỉ có điều nhà tôi thì quay mặt ra sông, còn nhà Khan thì quay lưng ra sông, chính vì thế mà thuở nhỏ, mỗi lần tắm sông cười đùa ầm ỉ, tôi hay bị ba tôi rầy la nhiều hơn, vì ba tôi chỉ cần ngồi trên nhà đưa mắt là thấy ngay tôi đang trèo lên những bè lục bình để làm công chúa, còn ba Khan thì chỉ trông thấy Khan ném bùn đất vào cô công chúa kỳ khôi mỗi khi ông có việc phải ra đằng sau bếp.
NGUYỄN VIỆT HÀThư viện, nơi mà tôi sẽ tả kỹ, là một nơi tôi đã nhớ và bị nhớ rất lâu. Không phải ở đó tôi đã lần đầu yêu và lần đầu hôn. Tôi nhớ nó vì có một truyện kỳ dị, cái truyện đó rồi sẽ đẩy tôi suýt nữa trở thành một thứ bải hoải rẻ rách.
XUÂN ĐÀITôi làm đơn xin thôi việc, dù biết làm như vậy là phá vỡ hợp đồng đã ký kết với công ty. Tôi phải bồi hoàn. Là nhân viên kiểm toán, tôi không thể tiếp tục làm theo sự chỉ đạo của sếp, cộng tác với doanh nghiệp, đồng lõa với doanh nghiệp, sáng tác ra những con số ma để đối phó với thanh tra. Có tờ báo đã giễu cợt việc làm này là quân trộm cắp cộng tác với quân siêu trộm cắp, có lẽ nhà nước nên lập thêm công ty kiểm toán của kiểm toán.
NGUYỄN CẨM HƯƠNGBước ra khỏi lớp học ngoại ngữ anh bỗng thấy đầu óc quay cuồng như muốn ngã. Dắt được chiếc xe đạp địa hình ra khỏi trung tâm, anh cố gắng đạp một cách khó nhọc trên đường phố.
NGUYỄN ĐỨC SĨ TIẾNNgười ta thường nói xem mặt đặt tên, nhưng điều này lại không đúng với thượng tá Kha. Nhìn bề ngoài, ai cũng nghĩ ông là người khô khan, thật ra ông lại là người rất đa cảm.
NGUYỄN THẾ TƯỜNGChấp me?Che muống! / Chấp me? Cuống sắc! / Chấp me? Sắc cạnh? / Chấp me? Hạnh bầu! / Chấp me? Hầu nhảy/Ăn cơm ai? Ăn cơm cha!Uống nước ai? Uống nước mạ!Hú ...Con mau về kẻo quạ tha đi!
HUỲNH THẠCH THẢO- Lành, về bảo bố mày ăn nhậu vừa vừa thôi, đừng như mấy ông mới ngấp nghé vào cấp xã đã phởn, bia ôm gái giếc có ngày...Tôi vừa vào đến cổng đã nghe tiếng mẹ sang sảng với con Lành, đứa con cậu út ở quê. Chưa hết, bà còn thêm hồi nữa nhưng nhỏ hơn, có lẽ nghe tiếng cửa mở bên ngoài.
NGUYỄN TRƯỜNGChiều xuống. Lúc mặt trời sắp lặn sau dãy núi phía tây cũng là lúc người ta thấy ông già xóm Chùa thường mon men tới thả câu ở cái bến sông này.
MÃN ĐƯỜNG HỒNGMùa Xuân lững thững về. Anh cũng lững thững đi ra phố chợ. Hai bàn tay trơ trọi của anh đút sâu vào hai túi quần rỗng trống buồn tênh. Anh mỉm cười thong dong bước đi, hòa vào dòng người nhôn nhao tất tả.
HỒNG NHUNói chính xác là chị dâu. Chính xác hơn, chị dâu thứ của vợ tôi. Thông thường những trường hợp như thế này, trong nhà em út chẳng ai gọi đầy đủ là chị dâu cả, mà chỉ là chị thôi. Ấy là chị Kim.
TRẦN DUY PHIÊN1. Chuông điện thoại reo phải lúc tôi đang tiếp ông tổ trưởng dân phố. Biết tôi ở nhà một mình, ông nói gọn mấy câu rồi từ biệt. Ba chân bốn cẳng chạy như nước rút, tôi mới với được tới máy.
LÊ ĐỨC QUANGMột buổi sáng sớm mùa xuân, bầu trời trong xanh thăm thẳm. Anh nắng vàng vừa rải đều khắp nơi. Gió thổi nhẹ, mơn man vào da thịt con người ta, thật mát mẻ dễ chịu làm sao. Dọc đường phố, cuối năm rồi, dòng người trở nên đông đúc và nhộn nhịp, kẻ thì lo mua sắm áo quần mới, người thì lo bánh mứt, kẻ thì mua những chậu hoa, cây cảnh, trang trí nhà cửa của mình sao cho thật đẹp. Mọi người ai cũng hối hả, vui mừng đón năm mới. Riêng lão xích lô, vẫn công việc bình thường như mọi ngày: sáng ăn qua quýt ổ bánh mì xong rồi đạp xích lô đến ngã ba gần sân ga, chờ những chuyến tàu về, mặt cố gắng hớn hở, tươi cười, đón mời khách.
NGUYỄN VĂN NINHTôi được cơ quan tố tụng chỉ định làm luật sư cho một bị can.Tôi xin kể ra đây, hơi dài dòng một chút, không phải bị cáo mà là cha tôi. Trong cuộc đời làm luật sư, cha tôi luôn thích nhất câu: Thưa quí tòa! Thân chủ tôi hoàn toàn vô tội! Cha tôi muốn tôi sau này mỗi khi đứng trước toà đều nói câu như vậy.
QUẾ HƯƠNG 1. Chị đi qua, tẻ nhạt và cũ kỹ như cái áo đề mốt thơm mùi long não lấy từ hòm gỗ ủ hương kỷ niệm. Khu cư dân tôi ở thì mới toanh, chưa tròn mười. Cơ ngơi phó giám đốc xí nghiệp gỗ sực nức mùi rừng.
PHAN VĂN LỢILTS: Cuộc làm người, khó thay! Dân tộc nào cũng sáng tạo cho mình một ĐỊA NGỤC để răn dạy con người không nguôi hướng đến cái CHÂN - THIỆN - MỸ.Nhuốm màu sắc của Liêu trai chí dị và Việt điện u linh..., câu chuyện là một phần của cuộc đời đầy ám ảnh. Vừa cuốn hút thương cảm với cái nhìn nghiêm khắc lột trần bản chất đời sống, vừa hoang mang đặt ra câu hỏi về ý nghĩa sống đích thực của con người.
(tiếp theo và hết)Chuyến du ngoạn địa ngục đã để lại trong tâm trí ông Thai một ấn tượng hãi hùng. Thật khủng khiếp nếu phải chịu cực hình rồi bị đày xuống đó muôn kiếp. Phải tìm cách tự cứu mình chứ chả lẽ chịu bó tay?
HOÀNG NHẬT TUYÊNI. Chuyện được bắt đầu bằng một quả trứng, thoạt nghe cứ tưởng chuyện cổ tích nhưng nghe rồi mới rõ, ấy là chuyện thời nay, và đúng thế, nếu tường thuật theo lối cổ điển, theo tình tự thời gian thì chuyện không thể bắt đầu bằng chỗ nào khác thích hợp hơn là từ một quả trứng- một quả trứng gà.
MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNHHọ là đôi bạn thân kể từ thời còn học ở đại học Sorbonne, sau đó, cùng chọn chuyên ngành khảo cổ học. Jabindu, người Népal; Robinson, người Mỹ. Thời trẻ, cả hai đều say mê công việc khô khan và vất vả của mình. Dấu chân của đôi bạn đã dẫm khắp những di tích lịch sử ở hai bờ sông Nile, sông Hằng, Trung Á, Con Đường Tơ Lụa và cả Nam Mỹ...