300 năm Phú Xuân

09:04 29/05/2014

Bài phát biểu của nhà văn Tô Nhuận Vỹ, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương trong Hội thảo nhân kỷ niệm 300 năm Phú Xuân do Thành ủy và UBND thành phố Huế tổ chức cuối 1987.

Kinh thành Huế năm 1875 - Nguồn: wikipedia

TÔ NHUẬN VỸ

Trong cuộc hội thảo kỷ niệm đầy ý nghĩa và có nhiều bản tham luận công phu này, chúng tôi chỉ xin phép được phát biểu 3 suy nghĩ nhỏ và ngắn.

Thứ nhất: Dù thời gian hoạt động còn rất ngắn ngủi và sự hạn chế ngặt nghèo của số trang tạp chí, qua 28 số, ngoài 51 bài thơ, 46 hồi ký bút ký truyện ngắn và gần 20 tác phẩm nghệ thuật sáng tác về Huế, Sông Hương đã đăng 86 bài nghiên cứu trao đổi, giới thiệu về truyền thống rực rỡ của nền văn hóa đầy sắc thái của Phú Xuân - Huế chúng ta. Chúng tôi mong muốn truyền tới người đọc - người đọc thưởng thức và người đọc có trách nhiệm - một chứng minh: Từ ngày khai sinh, Phú Xuân - Huế chưa bao giờ không là một trung tâm. Trung tâm của một cõi, trung tâm của một miền trung tâm của một nước, trung tâm của một vùng và bây giờ là trung tâm của một tỉnh! Trong quá khứ, về nhiều mặt các cánh sáng của ngôi sao trung tâm này đều đã tỏa ánh sáng rực rỡ. Không thể có một đất nước anh hùng nếu không có những người anh hùng - không thể có một nền văn hóa mà nhất là nền văn hóa phong phú nếu không có những trung tâm văn hóa và nhất là những trung tâm văn hóa có sắc thái. Không thể có! Nguyễn Tuân, trong những ngày cuối cùng của cuộc sống và cuộc đời sáng tác đầy tư cách và đầy lượng của mình, đã viết một bài Sông Hương với một luận đề nghi vấn phủ định đầy tự hào của một trái tim yêu nước nhiệt thành và tỉnh táo: Sự nghiệp phát triển văn hóa của Việt Nam nếu không có Huế thì sẽ ra sao?

Với tất cả lòng trung thực của phong cách đổi mới cho tôi nói, một điều canh cánh: Từ ngày khai sinh tới nay, chưa có lúc nào mà thực tế vị thế của Huế - trong tương quan một vùng, một miền, một nước - nó lại có một vị trí khiêm nhượng đến lu mờ như hiện nay. Còn không ít người chưa hiểu biết truyền thống sâu thẳm của Huế trong quá trình phát triển Tổ quốc chúng ta. Hoặc có hiểu mà chưa biết. Hoặc biết mà chưa hiểu hoặc hiểu biết mà không có khả năng hành động. Hoặc hành động nhưng không hiểu biết. Nghe ra thì phản logic nhưng đó là một thực tế. Tất cả dù vô tình hay cố ý -đang thực tế góp tay cùng thời gian và gió mưa, đẩy lùi Phú Xuân

Huế vào một nơi chốn kính cẩn nhưng xa xôi, vẫn được nhắc tới như một điển tích cần thiết, nhưng vẫn chỉ là một điển tích, mọi hành động và dự án xứng đáng gần như là một cái gì xa xỉ. Dù biện minh thế nào cuối cùng cũng không thể chối cãi là, đó là một sự xua đẩy truyền thống, do sự sơ suất và kém cỏi của hiểu biết. Cả sự "khiêm tốn nhỏ nhẹ" khi nói tới truyền thống ấy tới mức thì thầm, đều xa lạ không những với khoa học mà còn xa lạ với phạm trù yêu nước và dũng khí. Truyền thống phải được nói to phải được phát huy, phải có vị trí tương xứng và, cuối cùng, phải hành động, mới giữ được nó.

Thứ hai: Để tiến đến có một chiến lược bảo giữ, phát huy truyền thống văn hóa Phú Xuân-Huế lên một bước cao mà hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn trở ngại, trước hết chúng tôi đề nghị thành phố Huế chủ động bảo trợ một số công trình nghiên cứu quan trọng về lịch sử, văn hóa, văn học nghệ thuật của Phú Xuân-Huế. Sự bảo trợ này thể hiện trên hai phương diện:

+ Phải có quỹ bảo trợ. Bằng mọi cách để có quỹ này, với số tài chính đáng kể. Quỹ hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố, có Hội đồng bảo trợ và Ban điều hành có đủ trình độ và khả năng.

- Bảo trợ, khuyến khích những phương pháp nghiên cứu, những cách nhìn mới mẻ, mạnh dạn, khuyến khích đặt vấn đề và tranh luận các vấn đề đã đang đặt ra khi nghiên cứu những sự kiện, vấn đề, di sản của quá khứ trên vùng đất này. Bởi vì, suốt gần bốn thế kỷ qua, mảnh đất này liên tiếp là mảnh đất chính yếu hoặc thuộc hàng chính yếu của những cuộc tranh chấp, đối đầu lớn và phức tạp của Việt Nam: Giai đoạn mở nước đi về phía Nam, giai đoạn Trịnh Nguyễn, giai đoạn oanh liệt nhưng ngắn ngủi của Quang Trung và tiếp đó, từ đây chứng kiến và gánh chịu ách đô hộ thê lương hàng trăm năm của thực dân Pháp, sự tái cắt chia và cuộc chiến đấu quyết liệt, sống còn thời chống Mỹ... bốn thế kỷ chứa đựng, chứng kiến những chiến công oanh liệt nhất nhưng cũng đầy những sự kiện vấn đề phức tạp nhất trong suốt quá trình tồn tại 4000 năm của Tổ quốc Việt Nam trên các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, xã hội. Chúng ta đã có những thành tựu đáng kể trong nghiên cứu quá khứ của Phú Xuân-Huế. Nhưng hàng loạt vấn đề lớn chưa được đặt ra hoặc chỉ mới bắt đầu, hoặc đã có kết luận nhưng chủ yếu vẫn là kết quả của cách nhìn nhận một chiều, thậm chí một chiều cách đây 20 - 30 năm, trên cơ sở tài liệu nghèo nàn và thậm chí với những nhận thức khoa học hạn chế tới mức khó chấp nhận được.

Không ít đề tài có tính vấn đề, cần sự phân tích tế nhuyễn linh hoạt mới có thể thấu đáo như: Bối cảnh lịch sử và hành động chống Pháp của một số nhà vua yêu nước; thành tựu và hạn chế chính sách kinh tế xã hội của các vua Nguyễn; cuộc đấu tranh giữa phái chủ chiến và chủ hòa và sự phức tạp của một số nhân vật lịch sử như Nguyễn Văn Tường, Phan Thanh Giản, thậm chí cả Tự Đức... Nghệ thuật Nguyễn - thể hiện trên tạo hình và kiến trúc - là sao chép, bảo thủ hay năng động, sáng tạo; những yếu tố ưu tú của văn hóa Đại Việt và văn hóa Chàm trong quá trình hình thành sắc thái Văn hóa Phú Xuân; thái độ của tầng lớp nho sĩ trí thức Huế trước và sau biến động Thất thủ Kinh đô... Chúng tôi nói, phải bảo trợ và khuyến khích những cách nhìn mới, mạnh mẽ khi nghiên cứu về quá khứ, bởi vì cách nhìn cũ kỹ, một chiều khô cứng và rốt cuộc là giản đơn, không thể đủ ánh sáng chiếu rọi vào những nơi chốn khúc khuỷu sâu xa của lịch sử, và chúng ta đã có không ít công trình như thế. Thời gian mười hai năm qua, mức độ đậm đặc của cách nhìn này có loãng ra cùng với sự cởi mở nhận thức của đất nước. Tuy nhiên, vẫn đang tồn tại ở đây, một cách nhìn khô cứng, thiếu linh hoạt: đã là anh hùng dân tộc thì chỉ có ưu điểm, chỉ tập trung khai thác và viết về thành tựu và ngược lại. Một số nhà nghiên cứu có hiểu biết tinh tế và linh hoạt nhưng hình như vẫn còn né tránh những vấn đề phức tạp. Những bài như của Giáo sư Trần Quốc Vượng trên Sông Hương số 26 lần đầu phát biểu - dù còn ở mức phác thảo - về yếu tố tích cực thuộc phía Nguyễn khi li khai (thời Trịnh Nguyễn) còn hiếm trong thái độ nghiên cứu của chúng ta (tôi muốn nói tới cách nhìn, chưa bàn tới sự đúng sai của vấn đề). Cổ vũ được một cách nhìn mới mẻ để từ đó có một số công trình có giá trị về giai đoạn lịch sử ấy, không những để lại cho lâu dài, mà thực sự sẽ có tác dụng trực tiếp không nhỏ trong sự phân tích, đúng đắn thấu đáo xã hội, con người, thành tựu văn hóa của thành phố suốt ba chục năm dưới ách thống trị của các chủ đề thực dân cũ tiếp đến chủ nghĩa thực dân mới.

Thứ ba: Chúng ta nghiên cứu, thảo luận, phát biểu về quá khứ cũng là để cho Huế hôm nay, để cho Huế ngày mai. Cũng với mong muốn ấy sau một thời gian nghiên cứu tìm hiểu tình hình cách đây hai ngày, tạp chí Sông Hương đã có một cuộc tọa đàm hết sức bổ ích với tập thể Thường vụ Thành ủy Huế và vấn đề đưa ra đã được kết luận thống nhất mạnh mẽ: Phát huy dân chủ là vấn đề hàng đầu của thành phố Huế hiện nay.

Hôm nay có mặt ở đây đông đảo những vị hiểu biết sâu sắc về Huế, những vị có tấm lòng đầy tâm huyết với Huế và những vị có trách nhiệm lẫn quyền hạn lớn đối với sự phát triển của Huế, cho nên, cho phép chúng tôi lợi dụng cơ hội này để phát biểu bước đầu một suy nghĩ khác rất có thể là không hoàn toàn thích hợp với chủ đề cuộc hội thảo kỷ niệm này. Mong quý vị thông cảm, hỷ xả cho.

Đó là vị trí văn hóa - du lịch trong chiến lược phát triển Huế nói chung và trong chiến lược phát triển kinh tế nói riêng của thành phố Huế.

Trước đây, nơi này nơi kia, trong chúng tôi đã từng có những ý kiến được phát biểu, những bài viết được đăng tải về vấn đề này, chỉ ở mức như biểu lộ chính kiến. Thường những ý kiến ấy được tiếp nhận hờ hững hoặc tốt hơn một chút là một cái vỗ vai với vẻ thông cảm cho "một tâm huyết nặng phần ảo tưởng". Chúng tôi hoàn toàn không dị ứng với những thái độ như vậy, bởi vì đó cũng là một thực tế cần phải nhìn nhận như mọi thực tế khác.

Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu các luận chứng, các kế hoạch liên quan của thành phố và tỉnh, sau khi tìm hiểu kinh nghiệm thành công và thất bại của công tác du lịch ở một số trung tâm trong nước và của tổng cục du lịch Việt Nam như công việc đã qua của du lịch Huế và Bình Trị Thiên, sau khi tham khảo ý kiến của một số trí thức và nhà chuyên môn trong nước và Việt Kiều cùng một số đồng chí lãnh đạo Trung ương... cho dù đã cố gạt đi sự xúc động nhạy cảm của nghệ sĩ thường được coi là thuộc phạm trù thăng hoa hơn là thuộc phạm trù chính xác, ấn tượng đọng lại trong suy nghĩ, đọng lại trong lòng chúng tôi vấn đề là một lo lắng lớn, một băn khoăn lớn. Với tinh thần đổi mới, cho phép chúng tôi được nói thật: Kế hoạch phát triển Huế, chí ít là cho đến năm 2010, chưa chứng minh được, và chưa thể hiện được sự hiểu biết đúng đắn sức mạnh của văn hóa du lịch Huế, kể cả trên khía cạnh lợi ích kinh tế.

Chúng tôi sẽ phát biểu quan điểm và sự chứng minh này, với quý vị, với tỉnh với Trung ương, trong một số báo trọn vẹn và trong một cuộc hội thảo có sự tham gia đầy tâm huyết của nhiều cộng tác viên trong tỉnh, trong nước và ngoài nước sắp tới. Ở diễn đàn chuyên đề kỷ niệm hôm nay, chúng tôi chỉ xin có một đề nghị: Các đồng chí lãnh đạo thành phố, bằng tất cả trách nhiệm với thành phố thân yêu, với tất cả sự nhạy cảm và tự tin mạnh mẽ hiện nay, hãy rà xét lại toàn bộ hướng phát triển chiến lược này.

T.N.V
(SH30/04-88)







 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • ĐỖ XUÂN CẨM 

    Thành phố Huế khác hẳn một số thành phố trên dải đất miền Trung, không chỉ ở các lăng tẩm, đền đài, chùa chiền, thành quách… mà còn khác biệt ở màu xanh thiên nhiên hòa quyện vào các công trình một cách tinh tế.

  • KỶ NIỆM 130 CHÍNH BIẾN THẤT THỦ KINH ĐÔ (23/5 ẤT DẬU 1885 - 23/5 ẤT MÙI 2015)

    LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

    Huế, trong lịch sử từng là vùng đất đóng vai trò một trung tâm chính trị - văn hóa, từng gánh chịu nhiều vết thương của nạn binh đao. Chính biến Thất thủ Kinh đô 23/5, vết thương lịch sử ấy ăn sâu vào tâm thức bao thế hệ người dân Cố đô.

  • KIMO 

    Café trên xứ Huế bây giờ không thua gì café quán cốc ở Pháp, những quán café mọc lên đầy hai bên lề đường và khi vươn vai thức dậy nhìn xuống đường là mùi thơm của café cũng đủ làm cho con người tỉnh táo.

  • LTS: Diễn ra từ 10/6 đến 22/6/2015, cuộc triển lãm “Thừa Thiên Huế: 90 năm báo chí yêu nước và cách mạng” do Hội Nhà báo tổ chức tại Huế, trưng bày các tư liệu báo chí hết sức quý giá do nhà báo, nhà nghiên cứu Dương Phước Thu sưu tập, đã thu hút đông đảo công chúng Huế. Nhiều tờ báo xuất bản cách đây hơn thế kỷ giờ đây công chúng được nhìn thấy để từ đó, hình dung về một thời kỳ Huế đã từng là trung tâm báo chí của cả nước. Nhân sự kiện hết sức đặc biệt này, Sông Hương đã có cuộc phỏng vấn ngắn với nhà nghiên cứu Dương Phước Thu.

  • MAI KHẮC ỨNG  

    Một lần lên chùa Thiên Mụ gặp đoàn khách có người dẫn, tôi nhập lại để nghe thuyết minh. Nền cũ đình Hương Nguyện trước tháp Phước Duyên được chọn làm diễn đài.

  • LÊ QUANG THÁI

    Việt Nam giữ một vị thế trọng yếu ở ngã tư giao lưu với các nước của bán đảo Ấn Hoa và miền Viễn Đông châu Á.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
                            Tùy bút

    Mối cảm giao với Túy Vân khởi sự từ sự tạo sinh của đất trời trong lớp lớp mây trắng chảy tràn, tuyết tô cho ngọn núi mệnh danh thắng cảnh thiền kinh Cố đô.

  • PHẠM THÁI ANH THƯ

    Trong giai đoạn 2004 - 2013, nền kinh tế tỉnh Thừa Thiên Huế (TTH) đạt mức tăng trưởng khá cao so với mức bình quân của cả nước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý theo hướng du lịch, dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Đồng hành với mức tăng trưởng đó, nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đã đến đầu tư tại Thừa Thiên Huế.

  • TRẦN VIẾT ĐIỀN

    Một số nhà nghiên cứu đã chú tâm tìm kiếm nơi an táng đại thi hào Nguyễn Du ở Huế, sau khi ông qua đời vào ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn (16/9/1820).

  • TRẦN KIÊM ĐOÀN 

    Sông Hương vừa là cột mốc làm chứng vừa là biểu tượng cho dáng đẹp sương khói, “áo lụa thinh không” của lịch sử thăng trầm về hình bóng Huế.

  • ĐỖ XUÂN CẨM

    1. Đôi điều tản mạn về Liễu
    Người Á Đông thường coi trọng luật phong thủy, ngũ hành âm dương, họ luôn chú trọng đến thiên nhiên, cảnh vật và xem đó là một phần của cuộc sống tinh thần.

  • TRƯỜNG PHƯỚC  

    Đất nước hòa bình, thống nhất, thực hiện công cuộc đổi mới phát triển đã 40 năm. Những thành tựu là có thể nhìn thấy được. Tuy nhiên, muốn phát triển, công cuộc đổi mới cần được thúc đẩy một cách mạnh mẽ có hiệu quả hơn nữa.

  • LƯU THỦY
     
    KỶ NIỆM 40 NĂM GIẢI PHÓNG THỪA THIÊN HUẾ (26/3/1975 - 2015)

  • LÊ VĂN LÂN

    Một mùa xuân mới lại về trên quê hương “Huế luôn luôn mới” để lại trong tâm hồn người dân Huế luôn trăn trở với bao khát vọng vươn lên, trả lời câu hỏi phải tiếp tục làm gì để Huế là một thành phố sáng tạo, một đô thị đáng sống. Gạt ra ngoài những danh hiệu, kể cả việc Huế chưa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, vấn đề đặt ra đâu là cái lõi cái bất biến của Huế và chúng ta phải làm gì để cái lõi đó tỏa sáng.

  • THANH TÙNG

    Ở Việt Nam, Huế là thành phố có tỉ lệ tượng lớn nhất trên diện tích tự nhiên và dân số. Không chỉ nhiều về số lượng mà còn đạt đỉnh cao về chất lượng nghệ thuật, phong phú về đề tài, loại hình, phong cách thể hiện.

  • ĐỖ MINH ĐIỀN

    Chùa Hoàng giác là một trong những ngôi cổ tự nổi tiếng nhất xứ Đàng Trong, được đích thân chúa Nguyễn Phúc Chu cho tái thiết, ban sắc tứ vào năm 1721. Tuy nhiên, vì trải qua binh lửa chiến tranh chùa đã bị thiêu rụi hoàn toàn. Dựa trên nguồn sử liệu và kết quả điều tra thực tế, chúng tôi cố gắng để phác thảo phần nào nguồn gốc ra đời cũng như tầm quan trọng của ngôi chùa này trong đời sống văn hóa cư dân Huế xưa với một nếp sống mang đậm dấu ấn Phật giáo.

  • TRẦN VĂN DŨNG

    Cách đây đúng 500 năm (1514 - 2014), tại ngôi làng ven sông Kiến Giang “nơi cây vườn và dòng nước cùng với các thôn xóm xung quanh hợp thành một vùng biếc thẳm giữa màu xanh mênh mông của cánh đồng hai huyện”(1) thuộc xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, cậu bé Dương Văn An, sau này đỗ Tiến sĩ và làm quan đến chức Thượng thư được sinh ra đời.

  • DƯƠNG ĐÌNH CHÂU – TRẦN HOÀNG CẨM LAI

    Danh lam thắng cảnh, nơi cảnh đẹp có chùa nổi tiếng, khái niệm này càng rõ hơn ở Huế.

  • PHẠM HẠNH THƯ

    Du lịch Huế xưa
    Du lịch Huế có một lịch sử thơ ca dân gian gắn liền với những bước phát triển của mình.