LÊ QUỐC HÁN
Huy Cận (31/5/1919 - 19/2/2005) là một trong những nhà thơ xuất sắc trong phong trào Thơ Mới (1939 - 1945). Nhiều nhà phê bình xếp ông cùng với Xuân Diệu, Nguyễn Bính và Hàn Mặc Tử vào hàng “tứ bất tử” trong thi ca Việt Nam của thời kỳ này.
Nhà thơ Huy Cận (trái) và nhà thơ Xuân Diệu - Nguồn: Internet
Huy Cận sinh ra và lớn lên dưới chân núi Mồng Gà bên bờ sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh), một vùng địa linh nhân kiệt và hữu tình. Tuổi thanh xuân (từ lúc học trung học - “đệ tứ niên” - đến khi thi đậu Tú tài), Huy Cận đều sống ở Cố đô Huế với sông Hương, núi Ngự thơ mộng. Phải chăng sự hòa quyện giữa hai vùng đất linh thiêng nghiêng về nữ tính này đã góp phần làm nên một hồn thơ Huy Cận sang trọng, đẹp kiêu sa nhưng buồn da diết, kết tinh bởi thi phẩm toàn bích Lửa thiêng? Không gian, tình người, phong cảnh trong Lửa thiêng chủ yếu dựa trên không gian, tình người, phong cảnh Cố đô Huế hòa quyện với những ký ức - ẩn ức tuổi thơ ở cố hương, mà kiệt tác Ngậm ngùi là một thí dụ điển hình.
Tôi yêu thơ Huy Cận khi chưa đọc thơ chàng. Tình yêu ấy được truyền từ huyết mạch của cha tôi, một người rất đam mê thơ ca, nhất là thơ ca lãng mạn Pháp và Việt. Quê hai người rất gần nhau, chỉ cách mấy sải chim bay. Cha tôi sinh ra ở làng Xa Lang, một làng cuối hạ lưu sông Ngàn Phố, còn thi sĩ Huy Cận sinh ra ở làng Ân Phú, một làng gần hạ lưu sông Ngàn Sâu. Cả hai con sông này hợp lưu ở bến Tam Soa thành con sông La (chảy trên đất Đức Thọ) rồi hòa vào sông Lam mà đổ ra biển Đông. Hai người cùng sinh vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ hai mươi: Cha tôi sinh vào năm 1910 (đầu thập kỷ) còn nhà thơ Huy Cận sinh năm 1919 (cuối thập kỷ). Khi nhà thơ Huy Cận nổi lên trên thi đàn Việt Nam, cũng là lúc cha tôi đang ở tuổi thanh niên giàu nhiệt huyết nhất. Là một người chịu nhiều ảnh hưởng Tây học, từng tốt nghiệp trường Collège Vinh, không mê thơ Huy Cận mới là chuyện lạ. Nhưng cũng như nhiều thanh niên trí thức sống trong cảnh nô lệ mất nước thời ấy, ảnh hướng lớn nhất của thơ Huy Cận là nỗi buồn mang mang thiên cổ: “Một chiếc linh hồn cổ/ Mang mang thiên cổ sầu”. Bài thơ cha tôi hay đọc nhất là bài thơ “Mai sau”: “Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm/ Gió trăng ơi còn nhớ người chăng/ Hơn một lần chàng đã gửi cho trăng/ Nỗi hiu quạnh của lòng buồn vô cớ/ Thuở chàng sống lòng chàng hay nhớ…”. Đọc đến đây, cha tôi hạ giọng: “Còn sống mà coi như mình đã chết, hỏi từ cổ chí kim có ai sầu hơn?” Buồn đến như Trần Tử Ngang cũng chỉ thấy mình bơ vơ cô độc giữa thế gian thôi: “Ai người trước đã qua? Ai người sau chưa đẻ? Nghĩ trời đất vô cùng/ Một mình tuôn giọt lệ” (Tiền bất kiến cố nhân/ Hậu bất kiến lai giả/ Niệm thiên hạ chi du du/ Độc thương nhiên nhi lệ hạ). Mỗi lần có đám tang đi qua ngõ, cha tôi lại trầm ngâm mấy ngày, rồi ngâm đi ngâm lại bài “Nhạc sầu”: “Ai chết đó nhạc sầu chi lắm thế/ Chiều mồ côi đời rét mướt ngoài đường/ Phố đìu hiu màu đá cũ lên sương/ Sương hay chính bụi phai tàn lả tả.” Người ru đến đây tôi thường ngủ thiếp đi và mơ thấy những cảnh trong “Nhạc sầu”: Một chút nắng mong manh, một đôi môi tái nhợt héo khô, một vài ba đầu cúi với dăm bảy lòng thương xót đến bên mồ… Trong tai nghe vẳng vẳng những lời than: “Ai chết đó? Trục xoay và bánh đẩy/ Xe tang đi về tận thế giới nào? /…/ Ai chết đó? Nhạc buồn chi lắm thế! /.../ Sầu chi lắm trời ơi! Chiều tận thế!” Tôi mơ thấy trời sụp xuống trên đầu, đất sạt lở dưới chân. Giật mình tỉnh dậy thấy cha tôi vẫn đắm chìm trong nỗi buồn vô hạn, mắt nhìn xa xăm như một người mộng du.
Là con út của gia đình, năm bảy tuổi tôi còn được cha mẹ ru. Ngoài ca dao, Truyện Kiều và Lỡ bước sang ngang của Nguyễn Bính, người còn ru bằng những bài thơ lục bát của chàng Huy. Những bài thơ lục bát ấy rất hay, rất đẹp nhưng cũng rất buồn. Nào “Buồn đêm mưa” (Đêm mưa làm nhớ không gian/ Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la/ Tai nương nước giọt mái nhà/ Nghe trời lành lạnh nghe ta buồn buồn); nào “Đẹp xưa” (Trơ vơ buồn lọt quán chiều/ Mái nghiêng nghiêng gửi buồn theo hút người); và nhất là “Ngậm ngùi” (Nắng chia nửa bãi, chiều rồi/ Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu /…/ Tay anh em hãy tựa đầu/ Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi…). Câu nào không có chữ buồn cũng có chữ rầu, chữ sầu. Hình như nỗi buồn đã thấm trong tim trong máu thi sĩ, không phải kiếp này mà còn từ kiếp nảo kiếp nào. Sau này, đọc Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân, tôi càng thấy cái tinh tế khi hai ông nhận xét “Huy Cận triền miên trong cảnh xưa, trò chuyện cùng người xưa, luôn đi về trên con đường thời gian vô tận. Có lúc hình như thi nhân không phân biệt mộng và thực, ngày trước với ngày nay. Cảnh trước mắt người mơ màng như đã thấy ở một kiếp nào, tình mới nhóm người tưởng chừng hẹn đâu từ vạn kỷ.” Nỗi buồn chàng Huy phần nhiều là nỗi buồn tự có, không phải do va đập của cuộc sống. Ta ít khi thấy trong thơ chàng nỗi buồn do tình yêu tan vỡ, do mộng ước không thành, những nỗi buồn nghèo đói hay chiến tranh đưa lại. Về cơ bản, đó là nỗi buồn sinh ra từ trí tưởng tưởng của một trái tim đa sầu hơn là đa cảm.
Là một người gần như tha hương, đi khắp Bắc vào Nam và cuối cùng về định cư ở Kỳ Anh, cha tôi cũng hay nhớ quê hương với con sông Ngàn Phố thơ mộng nhưng không kém phần dữ dội trong những ngày mưa lũ. Những năm năm sáu mươi thế kỷ trước, Kỳ Anh nổi tiếng là “chảo lửa túi mưa”: chưa đâu bão đã bão, chưa đâu lũ lụt đã lũ lụt. Mỗi lần nhìn nước sông Trí dâng lên ngập cả chợ Cầu rồi tràn đến con đường làng chạy trước nhà, cha tôi lại đi đi lại lại trong gian nhà chật hẹp, rồi qua cửa số nhìn con sông Trí đang lồng lên như một con ngựa bất kham và nhẩm đọc kiệt tác “Tràng giang” của chàng Huy. Người trầm ngâm như đang đi ngược về quá khứ tuổi thơ, nhớ tới “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp/ Con thuyền xuôi mái nước song song”. Trước mắt người hình như hiện lên mồn một những cảnh hưu hắt trong hoàng hôn chiều tà bóng xế: “Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu /…/ Nắng xuống, trời lên sâu chót vót/ Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”; hay tiêu điều xơ xác sau cơn lũ: “Bèo dạt về đâu hàng nối hàng/ Mênh mông không một chuyến đò ngang/…/ Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng /…/ Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa”. Trông cha bơ vơ chẳng khác gì “củi một cành khô lạc mấy dòng”. Người cất tiếng ngâm khe khẽ: “Lòng quê dợn dợn vời con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”; rồi gật gù: chàng Huy còn buồn hơn cả chàng Thôi Hiệu xưa: “Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai” (Nhật mộ hương quan hà xứ thị/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu). Thôi Hiệu còn nhờ khói sóng trên sông gợi để gợi buồn nhớ quê hương, còn chàng Huy chúng ta “không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” thì đúng là siêu buồn.
Khi lớn lên, được học một số bài thơ của Huy Cận như “Đoàn thuyền đánh cá”, tôi có cảm tưởng đây là một “chàng Huy Cận khác”, luôn vui tươi rạo rực trước cuộc đời: “Câu hát căng buồm cùng gió khơi/…/ Hát rằng: Cá bạc biển Đông lặng /…/ Ta hát bài ca gọi gió vào /…/ Câu hát căng buồm cùng gió khơi”. Khổ thơ nào cũng có hát ca, như cuộc đời mỗi ngày một câu hát, mỗi bài ca. Bởi “trời mỗi ngày mỗi sáng” chăng? Đặc biệt, trong thơ thiếu nhi, niềm vui hồn nhiên thơ ngây trong trẻo trước cuộc đời mới sang trang càng hiện rõ nét: “Nghé hôm nay đi thi/ Cũng dậy từ gà gáy/ Người dắt trâu mẹ đi/ Nghé vừa đi vừa nhảy// Thi nghé gầy nghé béo/ Con nào hơn con nào/ Nghé nghe chừng khó chịu/ Chạy vù lên đồi cao…”. Có một lần, bất ngờ gặp lại nỗi buồn của chàng Huy thuở trước trong bài thơ “Các vị La Hán chùa Tây Phương”, qua nét chạm trổ các bức tượng nói lên nỗi đau nhân thế của các bậc tiền nhân (hay chính nỗi đau của nhà thơ); tôi tìm đọc rất nhiều tập thơ ông được xuất bản trong thời gian ấy mong tìm lại gương mặt thơ của chàng Huy xưa nhưng vô vọng. May sao, sau thời kỳ đổi mới, Thi nhân Việt Nam được tái bản và tôi được đọc lại các bài thơ của ông mà xưa cha tôi hay đọc. Tôi còn có điều kiện đọc lại tập thơ đầu tay Lửa thiêng của ông cùng những tác phẩm khác như Kinh cầu tự, Vũ trụ ca… và vui mừng vì được gặp lại chàng Huy xưa. Bởi tuổi thanh xuân có nhiều trắc trở, lại thấm đượm tình yêu thơ do cha truyền lại, nên chạm tuổi tứ tuần tôi bắt đầu làm thơ để chia sẻ nỗi lòng mình với mọi người. Và cái nỗi buồn mang mang trong thơ chàng Huy thấm trong máu xưa lại chảy trong từng trang viết của tôi. Có nhà phê bình nhận xét rằng thơ tôi buồn nhưng không bi lụy, nhưng dù sao vẫn là nỗi buồn nhân thế, nỗi buồn bơ vơ của kiếp phù sinh: “Cỏ xanh đang đợi trước mồ/ Thương tôi tôi vẫn mơ hồ kiếp tôi.” Phải tự nhận rằng thơ lục bát của tôi ảnh hưởng Huy Cận hơn Nguyễn Bính, mà “Bài thơ thời gian” là một ví dụ: “Thời gian như chuyến tốc hành/ mang theo lá đỏ và anh trở về/ Tóc xanh vừa lỗi lời thề/ thoắt, thành mây trắng cuối hè bay ngang/ Ngu ngơ chạm phải ao làng/ Sen chưa kịp hái đã tàn trên tay/ Trái đất ơi! Ngược vòng quay/ cho ta nhặt lại cái ngày đầu tiên”.
Trong cuộc đời, tôi may mắn được gặp nhà thơ Huy Cận hai lần. Lần đầu vào Ngày thơ Việt Nam lần thứ nhất tổ chức tại Trường Đại học Vinh. Trông ông rất tráng kiện, nói chuyện cũng hay mà đọc thơ cũng hấp dẫn (tuy không hấp dẫn bằng thơ ông). Lần ấy tôi chỉ thấy ông từ xa, mặc dù tôi cũng được mời lên đọc thơ. Lần thứ hai lúc tôi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam (tháng 12 năm 2002). Lễ kết nạp được kết hợp với Lễ kỷ niệm 45 thành lập Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi tìm cách lại gần ông quan sát và khá ngạc nhiên: Một nhà thơ nổi tiếng như ông sao nhìn giản dị đến nao lòng. Không giống một trí thức hiện đại mà giống các bác nông dân lực điền ở quê tôi. Hình như dù đi đâu, trải qua những cương vị gì, cái chất Nghệ chất phác thật thà trong ông vẫn nguyên vẹn. Tôi chợt nhớ bài thơ về “Gửi người Xứ Nghệ” của ông: “Ai ơi cà Xứ Nghệ/ Càng mặn lại càng giòn/ Nước chè xanh Xứ Nghệ/ Càng chát lại càng ngon/ Khoai lang vàng Xứ Nghệ/ càng nhai lại càng bùi…”.
L.Q.H
(SHSDB37/06-2020)
Thông reo hồn chí sĩ
LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG - TRẦN VĂN DŨNG
HOÀNG PHỦ NGỌC PHAN
Ở nghĩa trang Gò Dưa, quận Thủ Đức Thành phố Hồ Chí Minh có ngôi mộ của ông Đinh Văn Dõng, bia mộ đề nguyên quán: Nam Trung - Thừa Thiên-Huế. Ông Đinh văn Dõng là thân phụ của họa sĩ Đinh Cường. Té ra Đinh Cường là người Sài Gòn, gốc Huế.
Làng phong Quy Hòa (TP.Quy Nhơn, Bình Định) nằm lẩn khuất sau một con đèo quanh co ở phía nam thành phố. Nơi này, nhà thơ Hàn Mặc Tử đã sống những ngày cuối đời, chống chọi với bệnh tật.
LGT: 10 năm trước, mùa đông, như một linh cảm diệu kỳ về sự giải thoát nỗi trầm luân, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng (lúc ấy là Trưởng Ban biên tập Tạp chí Sông Hương đã viết nên “câu chuyện thiên đường” đầy ám ảnh: “Mùa đông/ Mưa mịt mùng ướt chiếc áo quan/ Co ro trong chiếc áo quan lạnh giá/ Tôi muốn đội mồ lên ngồi quanh quẩn bên em…”. Anh đã ngủ quên vĩnh viễn sau một đêm đặc dày bóng tối rất đỗi bình thường.
Lịch sử xã hội VN trong khoảng thời gian 1954 - 1975 đã ghi dấu sự hình thành cộng đồng học sinh miền Nam tại miền Bắc với những vai trò và đóng góp nhất định cho đất nước trước và sau năm 1975. Tuy nhiên, có rất ít công trình nghiên cứu về thế hệ học sinh đặc biệt này.
Một lần vào kho đạo cụ của Hãng phim truyện VN, tôi kéo thử chiếc xe kéo tay (thường gọi là xe tay) được phục chế nguyên bản để làm phim. Chỉ một đoạn tôi đã toát mồ hôi vì nó quá nặng, và chợt ngẫm đến thân phận những người phu xe.
Nếu viết về phòng trà Tự Do mà chỉ nói đến Khánh Ly và Lệ Thu thì đúng nhưng chưa đủ, bởi ở đây còn những giọng ca trẻ có khán giả riêng của mình.
“Lò” Việt Nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức đã đào tạo nhiều nữ ca sĩ cho phòng trà Sài Gòn lúc ấy. Đặc biệt, như để tạo dấu ấn, tên của các nữ ca sĩ ấy đều bắt đầu bằng chữ Phương (chỉ trừ nữ ca sĩ Hoàng Oanh).
Tình bạn giữa Nam Cao và Tô Hoài đã gắn bó từ thuở mới bước chân vào làng văn và còn gắn bó lâu dài mãi về sau này.
“Những giờ phút huy hoàng của lịch sử dân tộc đã làm nên giá trị các tác phẩm báo chí và văn chương của tôi,” nhà báo-nhà văn Trần Mai Hạnh đã đúc kết như vậy trong buổi chuyện trò thân tình với phóng viên VietnamPlus ngay trước thềm kỷ niệm 71 năm Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2016).
KỶ NIỆM 71 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8 VÀ QUỐC KHÁNH 2/9
LÂM QUANG MINH
(Về Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế trong cách mạng tháng 8/1945 ở Thừa Thiên Huế)
Backe backe Kuchen
Der Bäcker hat gerufen
Wer will backen guten Kuchen…
(đồng dao trẻ con của Đức, có thể mở nghe trong youtube, với tựa đề "Backe, backe Kuchen")
PHI TÂN
Trong một lần đi tác nghiệp ở xã Điền Môn, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế), qua câu chuyện hàn huyên với anh Phạm Do - Chủ tịch UBND xã Điền Môn mới biết anh là cựu lính Hải quân từng ở quần đảo Trường Sa.
LÊ VĂN KINH
Không có gì phải đợi năm hết tết đến mới nói chuyện uống trà, mà riêng tôi từ hàng chục năm qua thì trà là thức uống mỗi sáng.
NHẤT LÂM
Năm 1936, chàng thanh niên Nguyễn Hoàng cùng với người bạn thân đồng hương huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị chiếm thủ khoa và á khoa tú tài Tây tại Quốc Học Huế.
HOÀNG ANH
Ngày 1 tháng 9 năm 1939 Phát xít Đức tấn công Ba Lan, chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ. Tiếp theo đó chính phủ bình dân Pháp bị đổ, chính phủ phản động lên cầm quyền.
NGUYỄN THỊ THANH XUÂN
(Tìm hiểu một số trước tác của Ni sư Thích Nữ Trí Hải)
NGUYỄN ĐẮC XUÂN
Thời học sinh tôi rất phục “Quái kiệt” Trần Văn Trạch và thuộc những bài ông hát giúp vui trong các cuộc quảng cáo Xổ số kiết thiết quốc gia.
KỶ NIỆM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM 21/6
Ngày 18 tháng 9 năm 2015, được sự nhất trí của lãnh đạo tỉnh, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm thành lập. Đây là một hoạt động có ý nghĩa lịch sử và cũng vô cùng giàu chất nhân văn, nhằm ôn lại những trang sử vẻ vang của một vùng đất giàu văn hóa - về một trung tâm văn hóa - văn học nghệ thuật tiêu biểu của nước nhà.