Nhân dịp tái bản có sửa chữa Lolita, dịch giả An Lý, người biên tập bản tiếng Việt lần này, có bài viết về tác phẩm mà lịch sử xuất bản của nó sang các thứ tiếng khác dường như chịu một lời nguyền cho những bản dịch lại, hoặc những bản dịch liên tục sửa chữa.
Không phải lần đầu tiên Vladimir Nabokov được dịch ra tiếng Việt, nhưng Lolita xuất bản năm 2012 qua bản dịch của Dương Tường là lần đầu ông xuất hiện ở Việt Nam hậu Công ước Berne, trong một thỏa thuận bản quyền rõ ràng với đại diện và gia đình tác giả, và dịch từ bản gốc tiếng Anh1. Chậm, nhưng xứng đáng, vì đây là cuốn sách được biết đến nhất, và được chính bản thân tác giả yêu thích nhất, trong oeuvre đồ sộ gần 20 cuốn tiểu thuyết của người vẫn được xếp vào hàng bậc thầy phong cách và ngôn ngữ. Nhưng việc chậm ấy cũng có lý do xứng đáng: đây vẫn thường được coi là một trong những cuốn sách khó dịch nhất trong tiếng Anh (có lẽ chỉ sau cặp đôi Ulysses-Finnegans Wake của James Joyce bất khả). Và cũng đúng theo truyền thống, bước chân cô bé Lolita đã khuấy lên một cơn bão nho nhỏ trong làng đọc sách Việt Nam, mà hầu hết các bạn đọc của lần tái bản này hẳn còn nhớ rõ.
Nhưng thời điểm 2012, khi Lolita đã nghiễm nhiên và vững chãi được thừa nhận là một classic không chỉ của văn học hiện đại (Anh/Mỹ), mà của cả thế giới, thì những cơn bão ấy đã rất khác so với thời điểm cuốn sách ra đời, khi mà sự ngần ngại của năm nhà xuất bản lớn của Mỹ đã khiến nó phải lưu vong sang Pháp mới có được hình hài giấy in năm 1955, và bất chấp lời khen ngợi của Graham Greene vẫn bị Anh cấm nhập cảng và mọi cuốn sách gửi về qua đường chính ngạch đều bị hải quan bắt giữ và thiêu hủy. (Cách nào đó, Lolita đã đi theo đúng vết xe của Ulysses, tác phẩm mà Nabokov đã hâm mộ và học tập nhiều đến thế, đã toan tính dịch sang tiếng Nga, và đã cho “John Ray, Jr.” dẫn ngay đầu tác phẩm để thanh minh trước cho cái đề tài khó chiều trong bản thảo của mình.) Ngày nay, thật khá tức cười khi nhớ lại những tính ngữ mà Lolita từng nhận được từ giới phê bình thủ cựu, “sách con heo”, “sách kích dục”, “cuốn sách bẩn thỉu nhất tôi từng đụng phải”. Với thế hệ trẻ lớn lên trong một thế giới đã quá cởi mở, thì giống như các sinh viên của Alfred Appel, Jr., mà ông đã miêu tả trong The Annotated Lolita (Lolita bình chú)2: “họ bận lòng vì cách Humbert Humbert đối đãi với ngôn ngữ và tri thức hơn là ngược đãi Lolita và luật pháp”.
Bởi, lại cũng giống như Joyce đã nói về Ulysses, Nabokov hoàn toàn có thể phát biểu: “Tôi đã đưa vào cuốn sách những ẩn số và câu đố đủ cho các vị giáo sư phải bận rộn hàng thế kỷ.” Đấy là lý do khiến rất nhiều người đọc gốc, tiếp xúc với một bản sách “trơn”, không đi quá được vài trang đầu; đấy lại cũng là lý do khiến rất nhiều người khác trở lại trở đi với cuốn sách, bừng bừng quyết chí, vũ trang bằng các loại từ điển và sách giải nghĩa, hoặc nếu là thế hệ mới hơn, bằng Google và Wikipedia. Quả thật, chỉ nội cốt truyện giả trinh thám nằm ở cốt lõi cuốn sách (một tội ác ở chương đầu tiên, một người chết, một cuộc truy đuổi, một cái tên được tiết lộ cuối cùng), Lolita đã mang lại đủ khoái thú cho người đọc nào có khả năng theo dõi câu chuyện. Nhưng cuốn sách không phải một mê cung đơn giản, với mục tiêu chỉ là tìm đến lối ra. Đấy là một khu vườn mê lộ xanh tươi xán lạn, mà mỗi trong số những cái tên, những liên tưởng, những thông tin, những từ ngữ trang hoàng dày đặc là một ngõ mở, một ngọn đèn hiệu, ngỏ lời mời mọc hãy đi vào để tìm đến những thứ rất thú, rất đẹp, mà cũng có khi rất quái, chờ đợi ở cuối đường; mà mỗi ngõ mở cũng có thể là ngõ cụt, mỗi ngọn đèn hiệu có thể là một ngọn lửa ma trơi khéo léo dắt người đọc vòng vèo qua đầm lầy thư tịch và tri thức đến khi mỏi gối hụt hơi. Và cũng còn nhiều nữa những bức vách cây không tín hiệu, những từ ngữ ngây thơ vô tội mà người đọc tinh ý mấy cũng có khi chỉ “vô tình lủi thủi” đi qua, tới khi Ngẫu Nhiên run rủi cho anh ta nghỉ chân ngồi tựa vào một cánh cửa vô hình: cuốn Annotated cự phách chỉ giải quyết được một phần những câu đố, cảnh cáo một phần những bóng ma trơi, và nửa thế kỷ sau, vẫn không thiếu động lực cho các câu lạc bộ sách hay các forum đọc nhiệt tình trong môn thể thao tiếp sức Tìm Trứng Thỏ Của Nabokov.
Vẫn chưa hết: bản thân người dẫn đường rầu rĩ, kéo lê sau lưng không chỉ anciens parapets của châu Âu xưa cũ mà cả những Freudian sanatoria của Bắc Mỹ xanh tươi, đã trở thành một Ariadne bất khả tín khét tiếng nhất trong trần thuật học hiện đại. Humbert le Unreliable đã đánh mất lòng tin của độc giả tới nỗi có hẳn một trường phái nghiên cứu, sau khi tính toán ngày tháng năm trong cuốn sách nổi tiếng ngặt nghèo, đã kết luận rằng toàn bộ mấy ngày từ khi lên đường đến gặp Dolly Schiller tới lúc rời khỏi Thái Ấp Kinh Hoàng chỉ là một cơn mê sảng trong phòng bệnh! Kể cả những kẻ đã ít nhiều chịu phép thôi miên của hai con mắt rực lên qua mặt nạ, cũng không biết lúc nào có thể đặt lòng tin vào Humbert (hay vào Nabokov). Khi nào anh ta đang nói thật, phơi trần trái tim bọc mớ gai chằng chịt ngõ hầu vơi bớt cơn đau nhờ những ánh mắt cảm thương? Khi nào anh ta đang siết chặt thêm mặt nạ, độn thêm tấm áo hề mà diễn vở Humbert-tình-lang-sám-hối? Một số người biết, hoặc tưởng rằng họ biết. Một số người nghĩ mình đã nhìn xuyên lớp mặt nạ, đã tóm được đầu chỉ đỏ, đã chộp được cái chìa khóa chập chờn với nụ cười mồi chài mà Nabokov đong đưa trước mặt chúng ta. Nhưng nếu đinh ninh đã bắt vở được tên trickster ở ngoài bức tường thứ tư, cổ mẫu cho một chuỗi bợm-trần-thuật lấy việc lỡm độc giả làm vui những Smurov-Martin-Hermann-V-“Nabokov” (chỉ kể những tiền thân của Hum), thì có phải đấy mới chính là lúc ta rơi vào tấm lưới muôn màu của Nhệnbokov ưa đùa bỡn?
Ấy chính là câu đố song tầng, là ván cờ lớn mà mỗi ô lại là một bài toán nhỏ của Lolita; ấy là nguyên do những người đọc nào đã nếm cái plaisir du texte (khoái cảm văn bản), nói theo cách của Roland Barthes, thì không thể cưỡng lại sức hút của tác phẩm để quay lại hoài kiếm tìm diễm phúc, nói theo cách của Humbert. Tất nhiên, trái ngọt với người này có thể là quả đắng với người kia: người ta ghê răng, nhờm gớm, quay đi, không bao giờ trở lại.
Và có khi trái ngọt cũng là bẫy sập ở địa đàng. Người hiểu rõ nhất điều này, có lẽ không ai bằng các ur-độc giả của Lolita trong các thứ tiếng nước ngoài: những người dịch. Các tác phẩm vào độ chín của Nabokov vẫn thường được nói là không viết cho người đọc, mà cho “người đọc lại” (rereader); lịch sử xuất bản Lolita sang các thứ tiếng khác dường như cũng chịu một lời nguyền cho những bản dịch lại, hoặc những bản dịch liên tục sửa chữa. Những thứ tiếng gần gũi với tiếng Anh nhất, có bề dày văn học và triết học, ngôn ngữ lâu đời nhất cũng không thoát khỏi tên Trapp này: những Lolita song trùng, đa trùng nói tiếng Pháp (1959-2001-2005), tiếng Đức (1959-1989-2004-2007), tiếng Ý (1959-1993). Ngay cả Nabokov cũng có dịp hối tiếc ván cờ ngôn ngữ ông đã kỳ khu bày ra khi, mười năm sau bản gốc, ông tìm cách dịch Lolita sang tiếng mẹ đẻ trong sáu tháng. “Lịch sử bản dịch này là lịch sử những phiền muộn,” người nắm chùm chìa khóa khu vườn bí mật đã thốt lên trong lời bạt bản in tiếng Nga năm 1965. Bản dịch ấy cũng không phải không để lại tranh cãi; cá biệt, có nhà phê bình còn cho Nabokov dịch không hay bằng bản samizdat (xuất bản lén) dịch từ thời Nabokov còn là cái tên bị cấm ở Nga!
Quay lại câu chuyện ở Việt Nam. Bản dịch tiếng Việt của nhà thơ, dịch giả Dương Tường, khi ra mắt, đã nhận được nhiều chú ý và phản hồi của bạn đọc, bên cạnh sự đón nhận dành cho bản thân quyển sách. Có khen, có chê, có những ý kiến chiết trung và cũng có những cực đoan tuyệt đối thuộc cả “mây xanh” lẫn “bùn nhơ”. Đáng kể hơn cả là những đóng góp cụ thể, những nhận định chi li về câu chữ, mà dù thái độ đi kèm có thế nào, cũng là những tấm gương cầu lồi quý báu giúp người làm chuyên môn điều chỉnh tốt hơn đường đi qua những khuất khúc họ Na. Đối với dịch giả Dương Tường mà nói, hẳn đây cũng là một cuốn sách đáng nhớ trong một sự nghiệp dịch thuật dày dặn, không hiếm những quyển rất thành công và/hoặc rất đồ sộ như Cuốn theo chiều gió, Đồi gió hú, Cái trống thiếc (và gần đây nhất, cũng đang tiếp diễn, là góp sức vào trái núi của văn học Pháp Đi tìm thời gian đã mất).
Còn đối với Nhã Nam, việc cho ra mắt bản dịch Lolita năm 2012 với tất cả thành công và chưa chín của nó cũng đánh dấu một bước trưởng thành quan trọng, giúp chúng tôi nhận thức rõ hơn vị trí hiện tại và điều chỉnh tốt hơn những kỳ vọng và tiêu chuẩn của mình trong việc tiếp cận một mảng sách rất đặc thù, là văn học kinh điển thế giới, trong tương lai. Những điều chỉnh ấy và những tích lũy có được (cả về kinh nghiệm, tư liệu, kiến thức) hy vọng đã được thể hiện trong lần tái bản có sửa chữa này. Nếu Nabokov tiếp tục “sống” được ở Việt Nam, nếu độc giả tiếp tục đón nhận hào hứng như đã được chứng kiến thời gian vừa qua, chúng tôi hy vọng sẽ còn những lần in lại tiếp theo để có dịp hoàn thiện hơn nữa.
Tất nhiên, bản dịch không bao giờ là bản chính (“bằng” là một câu chuyện khác), nhất là với một tác phẩm mà ngôn ngữ tiếng Anh “đã quyện chặt vào thớ cảm xúc sâu kín của cuốn sách” (mượn lời “John Ray, Jr.”). Những thách thức của công việc chuyển ngữ, người đọc có thể thấy phần nào qua những chú thích dày đặc trong sách (tuy đã thu gọn phần nào trong lần tái bản này). Chọn cách nào dịch những vần “C” mang nặng hàm ý trong cuốn bách khoa thiếu nữ? Phương án nào hay nhất cho một Humbert- và Quilty-tiếng-Việt trong đoạn đối thoại mondegreen đáng sợ chương 28 Phần Một: “Where the devil did you get her? / The weather is getting better”; “You lie - she’s not / July was hot”? Người đọc nào hứng thú ắt sẽ muốn tự mình thử sức với những câu đố này, và thực chất đoạn đối thoại ấy đã trở thành đề tài cho vài cuộc tranh luận sôi nổi giữa các facebooker Việt, không kém gì câu đối “Da trắng vỗ bì bạch” đã làm điên đầu nhiều ông Trạng tập sự qua mấy thế kỷ nay. Ván cờ của Nabokov mở rộng cho tất cả, và những người chơi, với một tinh thần thượng võ, có thể cùng nhau thưởng thức một plaisirchung.
Nhưng với người đọc đơn ngữ, hoặc với người đọc lần đầu, chúng tôi tin tưởng bản dịch Lolita hiện tại không chỉ là một tấm sơ đồ thô thiển, một bãi tập dượt trước khi người đó muốn tự mình dấn thân khám phá mê cung Humbertland. Đây là một khu vườn xanh tươi riêng, với những đài phun nước và những kỳ hoa dị thảo riêng của nó. Tất nhiên, sẽ có những người từ chối tất cả những gì ngoài bản gốc, có những người chỉ ưa tiếp xúc với Nabokov trong tiếng mẹ nuôi của ông; và cũng có những người, chán chê câu đố nội văn bản, tò mò tìm đến câu đố meta, câu đố của văn-bản-ngoài-đời, của câu-chuyện-dịch-thuật. Với họ, người biên tập cho lần tái bản này muốn nói: bon voyage. Câu chuyện ấy cũng có những ngã rẽ và đèn hiệu, những khoái lạc giấu kín, không đảm bảo không có những muỗi mắt hay quái vật đâu đây. Nhưng chỉ với mức độ và thời gian liên quan hạn chế của mình, tôi có thể khẳng định: người du hành ấy sẽ không chỉ thấy những gì lost in translation, mà cả born in translation, thấy được sự khoáng đạt, chủ động và tự tin của một cây văn xuôi rất đẹp trong tiếng Việt hiện đại, cũng như thấy được khả năng phong phú của tiếng Việt, không thua bất kỳ ngôn ngữ nào - khi bản dịch thực sự là tái tạo.
Theo An Lý - Tia Sáng
------------------------
* Tiêu đề do Tia Sáng đặt.
1Bản dịch Tiếng cười trong bóng tối của Nguyễn Thị Kim Hiền, NXB Văn học, 2000 là dịch từ bản tiếng Nga Kamera Obscura, sau này tác giả có chỉnh sửa và viết lại khá nhiều trong bản tiếng Anh. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của Nabokov, Mashenka, cũng từng được Từ Trí (Thanh Tâm Tuyền) dịch dưới nhan đề Tình một thuở, NXB Đồng Nai, 1989, qua bản dịch tiếng Anh Mary của Michael Glenny có sự cộng tác của tác giả.
2Đầy đủ là The Annotated Lolita: Revised and Updated, Vintage, 1991. Cập nhật và sửa chữa sau bản in đầu năm 1970, phần nào được sự góp ý và bình luận của chính Nabokov, đây đã trở thành nguồn tham khảo uy tín bước đầu cho những người muốn đọc vỡ hoặc đi sâu nghiên cứu Lolita.
Xin đổi kiếp này được viết bởi một "nhà văn" còn ngồi trên ghế trường trung học, ở tuổi 14 còn bao mơ mộng, mấy ai vướng bận chuyện nhân tình thế thái.
Tôi là người chưa làm thầy ai suốt cuộc đời gần bát tuần của mình, vậy mà mấy năm qua gần đến ngày 20-11 tôi đều được nhận quà!
Tiếng Việt (và chữ Việt) là ngôn ngữ chính thức của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nếu thực sự coi “bảo tàng là thiết chế văn hóa” phản ánh “lịch sử như một dòng chảy trong truyền thống văn hóa” thì hệ thống bảo tàng nước ta cần được sắp xếp lại để hạn chế sự trùng lặp về nội dung và cả hình thức trưng bày, nhất là giữa các bảo tàng địa phương vì đều được xây dựng theo chung một “kịch bản” nặng về chiến tranh mà còn nhẹ về văn hóa – xã hội.
Sự sùng bái tôn ti trật tự trong nhà là một thứ áp bức đè nén “tự nhiên” mà người ta không ý thức ra nữa, thậm chí còn được tôn vinh, nó khuyên dụ người ta phủ nhận cách thức nhìn nhận mỗi cá nhân như một nhân cách độc lập và tự do, với những phẩm chất gì, năng lực gì, đức hạnh gì, nó chỉ giục người ta nhăm nhe soi mói vào “địa vị-thân phận” của mỗi người, cái được xem như “cốt yếu” mà thôi.
Chuyện Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (TTBTDTCĐH) đã cho mang cây sứ “trăm năm tuổi” ở điện Kiến Trung về trồng vào vườn nhà của một “sếp”đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Mới đây, Hồ Đắc Thanh Chương - trường THPT chuyên Quốc học Huế đã xuất sắc trở thành quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 16. Khi nói về dự định của mình, Thanh Chương cho biết, với phần thưởng 35.000 USD, em sẽ đi du học, sau đó trở về quê hương.
Bài viết này không có tính chất học thuật chuyên sâu, để tưởng nhớ giáo sư Cao Xuân Hạo - người thầy mà tôi không có cơ hội được học.
NGUYỄN TRI
Cử tri cả nước đang chuẩn bị cho ngày hội lớn, ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng thế giới của văn học Pháp - “Hoàng tử bé” - đã được viết nên từ trải nghiệm có thật của nhà văn khi ông bị rơi máy bay trên sa mạc Sahara khi đang trên đường bay tới Việt Nam. Tác giả đã bị mất nước, bị ảo giác và suýt mất mạng…
Năm 2015, doanh thu ngành văn hóa phẩm của nước ta đạt 2.000 tỉ đồng, tổng lượng bia các loại được tiêu thụ ước tính đạt hơn 3 tỉ lít, tương đương 66.000 tỉ đồng, trung bình mỗi người Việt bỏ ra 2,5 giờ/một ngày để lướt facebook.
“Nhập gia tùy tục” nên việc nghe bạn bè quốc tế khen về người Việt Nam thân thiện, cuộc sống ở Việt Nam thú vị có lẽ đã “nhàm”. Sự thật, họ đã bị nghĩ về văn hóa Việt Nam như thế nào?
Một số nhà khoa học giải thích vì sao lại quyết định trao những tư liệu, hiện vật quý giá của đời mình cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam (TTDS) chứ không phải nơi nào khác.
Ths Trần Trung Hiếu: "Việc môn Sử bị xé nhỏ và gán ghép theo kiểu “ba trong một” trong Dự thảo đó chưa từng xảy ra. Nếu điều đó xảy ra, đây là một trong những sai lầm lớn nhất của Bộ GD&ĐT từ ngày Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập đến nay!".
Nếu một hôm đẹp trời, có ai đó giao cho ta cầm trịch một giải thưởng văn chương ở xứ này, cho ta toàn quyền tự quyết trong việc phát giải, thì phản ứng đầu tiên của ta sẽ là gì? Từ chối? Hay hăng hái nhận lấy trọng trách và sau đó đi mua một bộ giáp sắt cùng nón bảo hiểm, mặc vào mọi lúc mọi nơi để chuẩn bị hứng đá dư luận?
Trong căn phòng nhỏ chật kín tài liệu ở một con phố nhỏ tại Hà Nội, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam PGS, TS Phạm Văn Tình đã dành thời gian trò chuyện sôi nổi với chúng tôi về hiện tượng “lệch chuẩn” trong sử dụng tiếng Việt của giới trẻ hiện nay. Đây là vấn đề ông rất tâm huyết khi nghiên cứu ngôn ngữ học ứng dụng. Dưới đây là nội dung cuộc trò chuyện.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có ý kiến chỉ đạo về giải pháp đối với hoạt động của các nhà xuất bản.
Ngày 9/9, tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết vừa nhóm họp với các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện đề án "Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng”. Mỗi năm tỉnh sẽ chi tiền để hỗ trợ từ 3-5 nhà vườn đặc trưng.
Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã thể hiện cao nhất niềm tin của nhân dân theo Đảng, trở thành bài học sâu sắc trong giai đoạn hiện nay.