TRẦN VIẾT ĐIỀN
Triều Sơn, một tên làng đã vào dạ người Huế bao đời nay, qua câu hò ru em vời vợi. Nhiều người Huế nghĩ rằng làng Triều Sơn chuyên buôn bán, với cụm từ “Triều Sơn bán nón” có trong bài hò ru em phổ biến.
Đình làng Triều Sơn
Khi về làng Triều Sơn tìm hiểu, mới thấy ngôi làng cổ này là một làng nông, rất trọng sĩ, nghĩa là một làng trọng việc học không kém những làng Đồng Di, An Hòa… Làng cổ này đã từng chia 4 giáp, Triều Sơn Đông, Triều Sơn Nam, Triều Sơn Trung, Triều Sơn Tây. Bốn giáp đã phát triển mọi mặt, số lượng cư dân đông đúc, đã xây dựng đình giáp hoành tráng,… nhưng vẫn không quên “nguồn cội”, vẫn chung sức tôn tạo đình làng Triều Sơn năm 2014 và hằng năm dân của bốn giáp Đông, Nam, Trung, Tây đều tề tựu ở đình chung, tọa lạc ở Triều Sơn Đông để tế lễ vào ngày 1/7 âm lịch.
Tiền khai canh là họ Hoàng
Cuối tháng 6 âm lịch, anh Văn Quang Minh, người làng Triều Sơn, từng tham gia thiết kế và thi công ngôi đình làng Triều Sơn năm 2014, giúp chúng tôi khảo sát điền dã ở Triều Sơn. Chúng tôi thu thập bước đầu một số thông tin sau: xã Triều Sơn, thuộc huyện Tư Vinh có tên trong danh mục làng xã thuộc sách Ô Châu cận lục do Dương Văn An viết năm 1553. Triều Sơn được thành lập vào khoảng đời vua Lê Nhân Tông. Qua gia phả của các dòng họ, biết Triều Sơn được thành lập trên cơ sở 11 họ tộc khai canh lập làng. Gia phả nhiều dòng họ ghi chép rằng tổ tiên nguyên là người xã Bạch Câu, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa thuộc đất Hoan Châu xưa, đến triều Lê Nhân Tông năm Thái Hòa thứ 3 [1446] di cư đến vùng Hóa Châu và thành lập nên xã Triều Sơn. Ở Triều Sơn Đông, sau khi phân chia 4 giáp, vào triều Lê Hiển Tông năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775), trong 11 họ được phân về các giáp thì tại Triều Sơn Đông có 6 họ Tiền Khai canh, Hậu Khai khẩn. Trước đây con cháu các họ của làng Triều Sơn không rõ về vị trí cao thấp của họ mình vào thời tiền khai canh của làng nên dẫn đến tranh chấp. Ròng rã 8 năm 3 tháng, các họ đã nhiều lần làm đơn khiếu nại với quan trên. Bộ Lễ triều Nguyễn chiếu theo hương phổ và những giấy tờ khác mà làng và các giáp còn phụng giữ, đã duyệt y thứ tự của các dòng họ tiền khai canh là Hoàng, Đỗ, Lê, Hồ, Trần, Mạc, Phùng (vô tự). Họ Hoàng là họ tiền khai canh, từng sống ở Triều Sơn Đông, và 4 người con trai họ Hoàng được làng chia ra thờ ở 4 giáp.
![]() |
Dấu tích Văn Thánh Triều Sơn và bia ghi dấu di tích |
Triều Sơn từng có “Trường đại học” của Đàng Trong
Khi được một số bác ở Triều Sơn giúp đỡ trong việc nghiên cứu các giáp, chúng tôi đến Triều Sơn Trung thăm di tích Văn Thánh Triều Sơn, được dựng từ thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Di tích đã trở thành phế tích. Nhà Dụy Lễ, Học cung,… chỉ còn nền móng, trên đó dân sở tại đã biến thành những cồn mồ. Di tích chỉ còn bệ thờ, hai tấm bia đá và phía trước còn dấu vết của hồ bán nguyệt. Các bác cao tuổi của làng cho biết: “Ngày xưa mỗi lần tế Đinh ở Văn Thánh, dân làng Triều Sơn đều dùng kiệu rước bài vị của Bà, từ miếu Bà ra dự lễ”.
Một làng có hai Thành Hoàng nữ
Chúng tôi nhờ các bác giúp khảo sát miếu Bà. Điều ngạc nhiên là ở Triều Sơn Trung có hai miếu Bà kiến trúc giống nhau, cả hai bài vị trong miếu đều ghi “Bổn thổ Thành Hoàng”. Đây là điểm độc đáo của làng Triều Sơn. Hai bà Thành Hoàng Triều Sơn là ai?
Chúng tôi rà soát tư liệu về làng gốc Bạch Câu Nga Sơn Thanh Hóa của Triều Sơn. Thánh tích Nguyệt Nga Hoàng phi tôn thần do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn và Quản giám bách thần tri điện hùng lĩnh thiếu khanh Nguyễn Hiền phụng tả, năm Vĩnh Hựu thứ 3 [1737]. Hiện “Thánh tích Nguyệt Nga Hoàng phi” do dòng họ Hỏa ở làng Quang Đức lưu giữ. Nguyệt Nga hoàng phi tên thật là Hỏa Thị Ninh Thuận, hiệu Nguyệt Nga nương. Bà là con gái của ông Hỏa Đức Lương gốc ở đảo Đông Hải và bà Hoàng Thị Duyên, vùng Bạch Câu. Bà Duyên mơ thấy một tiên ông cho bà hai quả đào tiên. Bà ăn hết hai quả đào thì ông lão biến mất. Từ đấy bà Duyên thụ thai, năm sau, ngày lành tháng 9 năm năm Kỷ Dậu (1429) bà sinh đôi hai cô con gái. Cô chị là Hỏa Thị Ninh Khương, hiệu là Nguyệt Diệu nương và cô em là Hỏa Thị Ninh Thuận, hiệu là Nguyệt Nga nương. Hai nàng tư chất thông minh, nhan sắc và dung mạo hơn người. Ông Hỏa Đức Lương xuất thân nghề sông nước nhưng cũng rất giỏi võ nghệ nên ông đem nghề võ truyền dạy cho cô con gái. Hai nàng đều làu thông võ nghệ gia truyền, lại được học văn chương kinh sử, nên hai nàng họ Hỏa nổi tiếng tài sắc trong vùng. Thời vua Lê Nhân Tông (1443 - 1459) có giặc Chiêm Thành vào cướp phá. Quân vua đi đánh giặc. Khi qua châu thị Nga Sơn, hai chị em họ Hỏa cùng nhiều người Nga Sơn tòng quân, trở thành hai nữ tướng tài ba và xinh đẹp. Hai bà hiến kế lập quán bên đường cho giặc thấy mà không đề phòng gì, rồi thừa cơ đánh úp. Quả nhiên giặc trúng kế. Sau đó họ hiến kế giả dạng quân lính Chiêm Thành để nhập thành làm kế nội công… Quân vua bắt sống được vua Chiêm Thành đem về triều. Khi nhà vua gặp hai nữ tướng họ Hỏa, biết chiến công của họ, nhà vua rất “ngưỡng mộ” truyền “nhập cung”, về sau hai bà thành hoàng phi. Năm Đinh Sửu niên hiệu Diên Ninh thứ tư, Nguyệt Nga Hoàng phi lại về thăm quê. Ngày 13 - 3, từ trong bến phường trông ra cửa sông Nga Giang, đã thấy rõ cờ hiệu của thuyền Hoàng phi. Bỗng trời đất tối sầm, nổi giông tố, sóng biển cao, nhấn chìm thuyền Hoàng phi… Ngựa trạm chạy tin khẩn, nhà vua nghe tâu đau đớn, lệnh tiếp tục truy tìm và lập đàn cầu đảo. Ba ngày sau thi thể Nguyệt Nga Hoàng phi nổi lên ngay cửa Nga Giang, thần sắc vẫn tươi như khi còn sống. Người ta vớt thi thể Hoàng phi lên đưa về Minh Đang quàn tang, thiết đàn tế ba ngày, rồi an táng tại xứ Qua Ty (nay thuộc làng Trung Nghĩa, xã Nga Trung), phần mộ tọa Tốn hướng Càn (đông nam - tây bắc). Tượng Hoàng phi Nguyệt Nga được nghệ nhân tạc bằng gỗ trầm hương, sơn son thếp vàng. Nhà vua sắc phong: Đương cảnh thành hoàng Trinh hòa thục mỹ nhụ minh dục hành thuần nhất công chúa. Lại gia phong: Hỏa Quý Thị Nương hiệu Từ Thuận cung phi đệ tứ Chiêu linh phu nhân thượng đẳng tôn thần. Nguyệt Nga Hoàng phi được sắc phong Thành Hoàng làng ngày15 - 3 Đinh Sửu (1457) Diên Ninh năm thứ tư (Nguồn: Thứ 7 ngày 12/01/20139/17/14 baothanhhoa).
Thánh tích phù hợp chính sử
Tra cứu Đại Việt sử ký toàn thư được biết thời vua Lê Nhân Tông có những cuộc chiến tranh Chiêm - Việt: “Giáp Tý, [Thái Hòa] năm thứ 2 [1444]… Mùa hạ, tháng 5, chúa Chiêm Thành là Bí Cai vào cướp thành châu Hóa, cướp bắt nhân dân. Sai Nhập nội kiểm hiệu thái bảo Lê Bôi và Tổng quản Lê Khả đem 10 vạn quân đi đánh” (sđd, tập II, tr. 355). “Ất Sửu, [Thái Hòa] năm thứ 3… Mùa hạ, tháng 4, Chiêm Thành vào cướp thành An Dung của châu Hóa. Tháng 5, gặp nước lũ nên thua to… Tháng 6… ngày 25, sai bọn Nhập nội kiểm hiệu tư đồ bình chương sự Lê Thận, Nhập nội đô đốc Lê Xí đi đánh Chiêm Thành… Tháng 12, sai Bình chương sự Lê Khả đi đánh Chiêm Thành” (sđd, tập II, tr. 355). Hai năm lại có 3 cuộc Nam chinh, với tướng giỏi và quân thường trực. Nhưng năm Bính Dần triều đình Lê Nhân Tông, có tuyển binh ồ ạt và mở chiến dịch lớn: “Bính Dần, [Thái hòa] năm thứ 4 [1446]… Mùa Xuân, tháng giêng, đúng kỳ hội quân lớn, chọn người khỏe mạnh đi đánh Chiêm Thành. Sai dân phu vận chuyển lương thực tới chứa ở huyện Hà Hoa.
Ngày 22, sai bọn Nhập nội đô đốc bình chương Lê Thụ, Lê Khả, Nhập nội thiếu phó tham dự triều chính Lê Khắc Phục đem hơn 60 vạn quân đi đánh Chiêm Thành. Vua thấy chúa Chiêm Thành là Bí Cai nhiều lần dốc quân cả nước vào cướp, cho nên sai đi đánh.
Tháng 2… các quân của bọn Lê Thụ đến các xứ Ly Giang, Đa Lang, Cổ Lũy mở thông đường thủy, dựng đắp thành lũy để đánh nhau với giặc, phá tan giặc, thừa thắng đánh thẳng đến cửa biển Thi Nại.
Mùa hạ tháng 4 ngày 25, các quân của bọn Lê Thụ tiến công thành Chà Bàn phá tan quân giặc, bắt được chúa nó là Bí Cai và các phi tần, bộ thuộc, ngựa voi vũ khí, cùng các hàng tướng rồi đem quân về.
Tháng 6, đem chúa Chiêm Thành Bí Cai làm lễ dâng tù cáo thắng trận ở Thái Miếu. Đại xá thiên hạ…” (sđd, tập II, tr. 356)
Qua dẫn liệu trên, các nội dung trong Thánh tích Nguyệt Nga Hoàng phi tôn thần do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn về cơ bản là khả tín. Chỉ hai chi tiết là vua Lê Nhân Tông thân chinh và “phải lòng” hai chị em họ Hỏa là không đúng. Thật vậy, chiến dịch năm 1446 nhà vua mới 6 tuổi, sử không ghi chép sự kiện nhà vua thân chinh và tất nhiên không có việc nhà vua qua Nga Sơn và ưa hai chị em họ Hỏa. Chỉ có khả năng khi về Thăng Long, triều đình thấy hai chị em nữ tướng xinh đẹp và có tài, có chiến công và vua trẻ rất mến mộ, nên triều đình cho nhập cung theo kiểu tảo hôn. Việc tảo hôn trong triều Lê Nhân Tông từng xảy ra, sử chép: “Mậu Thìn [Thái Hòa] năm thứ 6 [1448]… Tháng 11, đem chị của vua là Vệ Quốc trưởng công chúa gả xuống cho Lê Quát, con trai Thái úy Lê Thụ. Lúc ấy công chúa mới có 10 tuổi, câm không nói được. Xuống chiếu cho Tư khấu Trịnh Khắc Phục làm chủ việc hôn lễ.” (sđd, tập II, tr. 366).
Tại sao làng Triều Sơn có thành hoàng là hai thần nữ và tiền khai canh đứng đầu là họ Hoàng?
Trong đoàn quân Nam chinh, ngoài hai bà nữ tướng họ Hỏa, còn có ông tướng họ Hoàng, cậu của hai bà, cùng bốn người con trai họ Hoàng làm bộ tướng. Có khả năng hai bà được giao đồng chỉ huy một đội quân mà tướng sĩ đa phần là người đồng hương Bạch Câu của hai bà. Thường đoàn quân Nam chinh, vào dừng chân ở Hóa Châu, bổ sung lương thảo, nên có khả năng đội quân do hai nữ tướng trẻ họ Hỏa, bộ tướng gồm năm cha con họ Hoàng đã đóng quân ở vùng đồi bờ bắc sông Bạch Yến, tây sông Hương [Linh Giang]. Về sau, khi khải hoàn, ông cậu họ Hoàng và bốn người con trai có khả năng ở lại để khai hoang lập ấp, kiểu “ngụ binh ư nông”, lập thành làng Triều Sơn. Ở 4 giáp ở làng Triều Sơn, dân sở tại đều thừa nhận tiền khai canh đứng đầu là ngài Hoàng quí công cùng với 4 người con trai là Hoàng nhất lang, Hoàng nhị lang, Hoàng tam lang, Hoàng tứ lang. Khi yên giặc, các vị tướng cùng quân lính đồng hương lại về quê gốc Bạch Câu Nga Sơn, vận động thân bằng quyến thuộc vào khai hoang lập ấp. Khi làng gốc Bạch Câu đã có thành hoàng là nhân thần Nguyệt Nga Hoàng phi, dân làng Triều Sơn mới thành lập, đã tôn Hai Hoàng phi họ Hỏa làm hai vị thành hoàng nữ. Làng đã trọng thị hai nữ thành hoàng bằng cách xây dựng hai miếu giống nhau.
![]() |
Miếu Thành Hoàng I - Miếu Thành Hoàng II |
Thay lời kết
Làng cổ Triều Sơn với lịch sử thành lập khá độc đáo vào thời vua Lê Nhân Tông. Đặc biệt, việc thờ thành hoàng cũng lạ và hiếm, với việc phụng thờ hai nhân thần nữ, lại là hai chị em sinh đôi, vừa là hai nữ tướng có tài và cũng là hai hoàng phi của vua trẻ. Nên chăng, làng Triều Sơn đề đạt nguyện vọng lên các cấp chính quyền, các cơ quan hữu trách, lập hồ sơ công nhận năm đình, hai miếu bà Thành Hoàng của làng là những di tích lịch sử cấp quốc gia. Các công ty du lịch có thể “khai thác” tiềm năng du lịch ở Triều Sơn, tổ chức du khách hòa vào các đợt tế lễ ở đình làng Triều Sơn và bốn đình giáp, rước bài vị các nhân thần trong các cuộc tế lễ… Tạo ra những hình thức quảng diễn, tập họp thanh niên của làng tái hiện lại hai hoạt động học hành thi cử ở Văn miếu Triều Sơn và những màn thí võ có hai thiếu nữ tài sắc họ Hỏa. Nên chăng các vị phụ trách làng Triều Sơn tổ chức một cuộc về thăm làng Bạch Câu, Nga Sơn Thanh Hóa, tìm các vị chức sắc của làng cổ Bạch Câu để nhờ các vị giúp chiêm bái những di tích lịch sử, tìm hậu duệ họ Hỏa ở làng Quang Đức để giúp chụp ảnh, photocopy màu những tư liệu về sắc phong, thánh tích được ban và được soạn qua các triều Lê, Tây Sơn, Nguyễn,… để đưa về Triều Sơn, tôn trí ở đình làng hoặc ở hai miếu Thành Hoàng của làng.
T.V.Đ
(SHSDB20/04-2016)
Được sự cho phép của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, từ ngày 7/10/2016, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Viện Khảo cổ học mở hố thám sát thăm dò dấu vết lăng mộ vua Quang Trung tại gò Dương Xuân (Trường An, TP Huế) với diện tích 22 m2.
TRẦN VIẾT ĐIỀN
Di tích lịch sử Đình Dương Xuân Hạ nằm ở khu vực thuộc làng cổ Dương Hóa, với bề dày lịch sử trên dưới 500 năm.
HOÀNG NGỌC CƯƠNG
LGT: Trong quá trình tìm hiểu về sự nghiệp trước tác của Thái sư - Tuy Thịnh Quận công Trương Đăng Quế (1793 - 1865)(1), chúng tôi đã phát hiện ra bài tựa Ninh Tĩnh thi tập tự [寧靜詩集序: Bài tựa Tập thơ Ninh Tĩnh]; được in trong sách Trương Quảng Khê công văn tập [張廣溪公文集: Tap văn của ông Trương Quảng Khê], từ tờ 29a - 30a, tập sách hiện đang được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, dưới ký hiệu R.315.
TÔN THẤT BÌNH
Kim Long (còn được gọi là Kim Luông) vốn là đất các chúa Nguyễn chọn nơi lập phủ từ năm 1636 đến 1687. Năm 1687 chúa Nguyễn Phúc Trăn mới dời phủ về Phú Xuân, cách Kim Long chỉ 3 cây số, dọc theo bờ Sông Hương.
CAO THỊ THƠM QUANG
Kinh thành Huế là tòa thành ở Cố đô Huế, nơi đóng đô của vương triều Nguyễn trong suốt 140 năm từ 1805 đến 1945. Hiện nay Kinh thành Huế là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào ngày 29 tháng 3 năm 1993.
TRẦN VĂN DŨNG
Vừa qua, sau khi tấm hình chụp về Ngọ Môn không có 8 bộ mái lợp ngói thanh lưu ly ở lầu Ngũ Phụng xuất hiện trên các trạng mạng xã hội đã lôi cuốn một lượng lớn độc giả quan tâm tìm hiểu, đã có nhiều ý kiến bình luận đưa ra khác nhau.
TRẦN VĂN DŨNG
Nhà vườn truyền thống là di sản đặc trưng tạo nên bản sắc văn hóa Huế, ảnh hưởng lớn đến việc hình thành tính cách, tâm hồn của con người xứ Huế.
THANH HOA - LÊ HUỆ
Chợ Đông Ba có vị trí đắc địa khi nằm ở trung tâm thành phố Huế, dọc bờ sông Hương, bên đường Trần Hưng Đạo, cách cầu Trường Tiền khoảng 100m về phía Bắc. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân xứ Huế mà còn là nơi để du khách tìm hiểu văn hóa vùng đất Cố đô.
VÕ QUANG YẾN
Tạp chí Sông Hương đã có nhiều lần đề cập đến vấn đề sông Hương và cầu Trường Tiền, nhất là về năm xây cầu: Phan Thuận An, Phụ trương đặc biệt số 2; Quách Tấn, số 23; Hồ Tấn Phan, Nguyễn Thị Như Trang, số 29.
“Màu vàng lồng lộng chảy tràn lá xanh” là bộ sưu tập 11 chiếc áo dài xưa, bảo vật của gia đình Tiến sĩ Thái Kim Lan, gồm long bào Vua Khải Định, áo dài gấm the, áo mệnh phụ, áo lụa vàng, áo dài Hoàng thái hậu, áo mệnh phụ công nương, áo gấm xanh rêu, áo xiêm, áo dài lụa vân xanh... Được sự hỗ trợ của Viện Goethe tại Hà Nội lần này bộ sưu tập được đưa từ CHLB Đức về trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Huế, từ 18/5 đến 12/6/2016. Nghệ sĩ sắp đặt Veronika Witte, cũng từ CHLB Đức, trực tiếp thực hiện trong một không gian vô cùng lý tưởng. Tại phòng trưng bày chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn nhanh chủ nhân bộ sưu tập.
PHẠM HỮU THU
Những ai đã từng qua lại con đường Ngô Quyền, hẳn sẽ mừng vui khi thấy nơi này vừa xuất hiện một công trình mà nhiều người quen gọi là Bệnh viện quốc tế Trung ương Huế. Đây là mô hình xã hội hóa được thành lập theo Quyết định của Bộ trưởng Y tế và Bệnh viện Trung ương Huế là đơn vị đầu tiên của cả nước (trong số 18 bệnh viện) được Chính phủ cấp tín dụng ưu đãi nhằm hiện thực hóa chủ trương này.
LÊ QUANG THÁI
Một thời trong quá khứ xa gần, người phương Tây đã từng gọi và như đặt tên cho Đô thành Phú Xuân Huế là “thành phố quan lại”.
Một số thông tin chung
Một trong những bài viết nêu vấn đề Hội Quảng Tri - Huế có thể bị xóa bỏ đã được báo Tuổi Trẻ nêu lên trong bài “Huế xóa bỏ dấu tích nơi cụ Phan Bội Châu từng diễn thuyết?” ngày 26/11/2015. Trong đó có cho biết:
Một số thông tin chung
Một trong những bài viết nêu vấn đề Hội Quảng Tri - Huế có thể bị xóa bỏ đã được báo Tuổi Trẻ nêu lên trong bài “Huế xóa bỏ dấu tích nơi cụ Phan Bội Châu từng diễn thuyết?” ngày 26/11/2015.
DƯƠNG PHƯỚC THU
Hội quán Quảng Tri hiểu một cách nôm na ý nghĩa về cái tên của hội quán này là nơi giao lưu, sinh hoạt văn hóa, giáo dục, khoa học, nghệ thuật... nhằm mở rộng sự hiểu biết.
LTS: Trong thời gian qua, báo chí trong nước đã phản ảnh về việc Hội Quảng Tri - nơi diễn ra các hoạt động khai trí ở Huế đầu thế kỷ 20 - được đề xuất phá dỡ, xây mới để làm …trụ sở UBND phường.
Đề xuất này khiến người dân Huế và những người yêu Huế nói chung, nhân sĩ trí thức, văn nghệ sĩ Huế nói riêng lo lắng, nhiều ý kiến đề nghị cần cẩn trọng.
ĐỖ XUÂN CẨM
TƯỞNG HAI LÀ MỘT, NHƯNG MỘT MÀ HAI
Nhắc tới cây Bồ đề, hầu như đa phần người dân xứ Huế có cảm giác rất thân thuộc.
TRẦN VIẾT ĐIỀN
Từ năm 1917, tạp chí B.A.V.H đăng bài “Cầu ngói Thanh Thủy” của R.Orban. Trong bài nghiên cứu này ngoài phần khảo tả cầu ngói, tác giả đã công bố bản dịch đạo sắc do vua Lê Hiển Tông ban khen bà Trần Thị Đạo, người có công đóng góp tiền của xây dựng cầu ngói Thanh Thủy.
NGUYỄN XUÂN HOA
Năm 1776, trong sáu tháng làm quan ở Huế, có điều kiện ghi chép những điều mắt thấy tai nghe, đọc kỹ văn thơ ở vùng đất Thuận Hóa để viết tập bút ký Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn đã đưa ra một nhận định mang tính tổng kết: Đây là vùng đất “văn mạch một phương, dằng dặc không dứt, thực đáng khen lắm!”.
Ở thời điểm năm 1987, GS Trần Quốc Vượng là người đầu tiên nêu quan điểm cần đổi mới tư duy lịch sử, nhận thức đúng sự thật lịch sử và thảo luận tự do, dân chủ, rộng rãi, trong đó có vấn đề xem xét lại nhà Nguyễn và thời Nguyễn.