Văn tưởng niệm các Tiên Hiền giáo thụ Đông Kinh Nghĩa Thục (1907 - 2007)

15:08 16/09/2008
VŨ NGỌC KHÁNHLTS: Ngày 17-11-2007, tại Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội, Trung tâm Minh Triết Việt đã tổ chức Lễ tưởng niệm các nhà giáo Đông Kinh Nghĩa Thục. Giới trí thức học thuật của Hà Nội, nhiều thanh niên, sinh viên và hậu duệ của một số nhà Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT) đã đến dự.

GS Nguyễn Thế Anh (nguyên Viện trưởng Đại học Huế, nhân về dự hội nghị Nhà giáo Việt ) cũng đến dự lễ. Trên bàn thờ là phương danh các tiên hiền giáo thụ ĐKNT trong ba Ban giáo dục Tu thư và Cổ động của ĐKNT năm xưa.
Trong không khí thành kính và cảm động, G.S Vũ Ngọc Khánh đã xuống đọc bài Văn tưởng niệm do G.S phụng thảo. Sông Hương xin giới thiệu với quí độc giả.


Dân hăm lăm triệu, cõi nhân sinh biển Quế non Hoành,
Nước bốn ngàn năm, tuồng thiên diễn mưa Âu gió Á.
Nhớ các linh xưa:
Chí kinh luân, xuất xử am tường,
Tài học thức, thi thư sáng tỏ.
Thẹn cùng bè bạn nền văn minh phát triển khắp năm châu,
Căm nỗi nước nhà, thói hủ lậu dã man trong một xó.
Dân là thân trâu,
Vua là tượng gỗ.
 Ách khủng bố sớm trưa dồn dập, cảnh xóm làng cửa nát nhà tan,
Nạn trường hình năm tháng dày vò, thân chiến sĩ thịt rơi máu đổ.
Trời vô tâm oan nghiệt biết bao tầm
Dân bất hạnh tội tình là thế đó.
Ấy vậy mà: Nước đã đau thương,
                           Người còn ngu ngộ.
Phường mặt trắng đắm vòng hủ bại, câm hơi lặng tiếng,
chẳng biết thẹn thùng,
Tụi lằng xanh bu miếng đỉnh chung, bán nước buôn dân, kể gì xấu hổ.
Nào những kẻ thiên kinh vạn quyển, vẫn mù mờ nước tối người ngu,
Nào những ai trị quốc tề gia, khò mò mẫm đường hay lối dở.
Cách vật trí tri là câu đầu lưỡi, có biết chi ứng dụng thực hành.
Âm dương lý khí là chữ quen mồm, nào hiểu được tinh thần sách vở.
Chuyện thông thương, chuyện kinh tế đã rất hoang mang,
Chuyện cơ điện, chuyện hoá sinh lại càng lớ ngớ.
Cậy tài mọt sách, vênh váo cùng bài phú nhàn ngâm,
Khoe thói rung đùi, rông dài mãi câu văn bát cổ.
Nên người thức giả chúng ta:
Nhục nhã vô cùng,
Xót xa tột độ.
Ngọn bút tung nổi trận lôi đình
Tấc lưỡi uốn, dậy hồi trống mõ.
Phan Chu Trinh cùng quân quyền tuyên chiến một lời,
Lương Văn Can vì quốc sỉ, trối trăng sáu chữ.
Văn Đông Kinh khua động giấc mơ,
Thơ Huấn Quyền giục người tỉnh ngủ.
Nhật, Trung, Nga, Pháp, kinh nghiệm phô bày,
Tỷ, Cách, Khang, Lương, tân thư rộng mở.
Giọt tâm huyết chứa chan,
Lời can tràng gắn bó.
Khai dân trí, chấn dân khí, chiến lược công khai,
Tiến dân chủ, hậu dân sinh, phương châm sáng tỏ.
Lời hay, ý mới cho xã hội tiếp thu,
Tống cựu, cách tân cho quốc dân giác ngộ.
Tìm mẫu người hoạt động, có Ý Đại Lợi kiến quốc tam Kiệt nhân,
Noi gương bạn đổi đời, có Nhật Bản duy tân  khảng khái sử.
Lê Siêu Tùng dịch Hải ngoại huyết thư
Ngô Vi Lâm chuyển bài văn cáo hủ.
Một thiên Quốc dân độc bản, hiểu sâu tư cách cho xứng công dân.
Một tập Nam quốc địa dư, biết rõ quê hương, cũng là nghĩa vụ.
Cạnh Phạm Tư Trực có Nguyễn Hữu Cầu,
Gần Lương Trúc Đàm có Đào Nguyên Phổ.
Bài trần thuật cùng làm cùng nghĩ, thầy gợi lời, trò nối ý,
dân chủ giao lưu,
Sách giáo khoa tự soạn, tự in, dân góp vốn, bạn giúp tiền,
đường hoàng công bố.
Buổi diễn thuyết người đông như hội, hiếm thấy trên đời,
Kỳ bình văn khách tới như mưa, xưa nay chưa có,
Sôi sục tinh thần cải tạo, dẹp hư văn, cắt búi tó, ảnh hưởng lan tràn,
Nâng cao khí thế đấu tranh, binh phản chiến, dân chống sưu,
chiến công rầm rộ.
Thử mở hàng xưởng thợ hội buôn,
Thử thí nghiệm đóng tàu khai mỏ.
Thật rõ ràng:
Tuệ não tận tình tân học đắc,
 Đông kinh nghĩa thục là sáng kiến  tuyệt vời,
Phương châm tu tự nhiệt thành lai,
Đông kinh nghĩa thục là nhà trường tiến bộ.
Nào hay:
Kẻ địch kinh hoàng,
Giở trò tráo trở.
Đóng cửa trường, xiềng thầy giáo,
đảo Côn Lôn rừng rực lửa oan cừu,
Cấm sách vở, dọa học trò, thành Hà Nội nhôn nhao trò khủng bố.
Tương lai mờ mịt, và trời còn để giận trăm năm,
Sự nghiệp dở dang, thiếu đất đành căm hờn một thuở.
Giam thân hình, bay giam sao trí óc,
tình sâu ý hiếm càng bát ngát không gian,
Khoá tay chân, nào khoá được tự do,
 chén rượu câu thơ vẫn dạt dào vũ trụ.
Vững chí hy sinh.
Bền gan tiến thủ.
Cọp sổ lồng, cùng học trò về Yên Thế Thái Nguyên,
Chim tung cánh, theo bè bạn cuộc Tây du Đông độ.
Chói lọi bấy tấm gương ái quốc, xả sinh thủ nghĩa:
Văn minh đây, cách mạng cũng là đây.
Mới mẻ thay, sách lược tồn vong, tân hựu nhật tân:
Độc lập đó, tự do ngay ở đó.
Chúng tôi nay:
Gương sáng tiền nhân,
Tinh thành ngưỡng mộ.
Pha máu nóng thề cùng trời đất, sông Nhị núi Nùng còn mãi mãi,
 lũ cháu con xin tiếp bước tương lai.
Tụ hồn xưa Hoá Quốc Cường Dân, nòi Hồng giống Lạc
sáng muôn năm, các Tiên Hiền vẫn sống cùng đất nước.
Thượng hưởng.

(nguồn: TCSH số 227 - 01 - 2008)

 

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • LƯƠNG AN

    Như chúng ta biết, từ lâu rồi mối tình bạn giữa Miên Thẩm và Cao Bá Quát đã được xem như một quan hệ ít có, từ tri ngộ văn chương mà vượt lên sự cách biệt của hai tầng lớp xã hội, sự rẽ đôi của hai khuynh hướng tư tưởng và hai đường đời.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

    (Đọc tập thơ Mật ngôn của Lê Huỳnh Lâm, Nxb Văn học, 2012)

  • PHẠM PHÚ PHONG

    Nhất Lâm tuổi Bính Tý (1936), năm nay đã 76 tuổi, xếp vào hàng “xưa nay hiếm”, nhưng mãi đến nay anh mới đến được Suối tiên tắm (Nxb Văn học, 2012).

  • TRẦN VĂN KHÊ

    Tôi quen biết Thái Kim Lan cũng đã gần 40 năm nay, một thời gian dài thấm đẫm nhiều kỷ niệm ở đủ mọi phương diện: công việc, thưởng thức nghệ thuật và cả… chuyện đời.

  • VŨ NGỌC PHAN
              Trích hồi ký

    ... Tôi viết Nhà Văn Hiện Đại từ tháng 12-1938 đến cuối tháng giêng 1940 thì xong lượt đầu, tất cả 1650 trang trên giấy học trò.

  • HỒ THẾ HÀ

    “Người đẹp vẫn thường hay chết yểu
    Thi nhân đầu bạc sớm hơn ai!”

                             J.Leiba

  • HỒNG NHU

    (Đọc Vùng sâu - tiểu thuyết của Tô Nhuận Vỹ - Nxb Hội Nhà văn 1-2012)

  • NGÔ MINH

    Sau gần một năm chuẩn bị, sưu tầm tài liệu, lo “chạy” kinh phí, đến giữa tháng 6-2012, Hải Kỳ tuyển tập(*) đã ra mắt độc giả. Tuyển tập dày 596 trang do nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo vẽ bìa rất bắt mắt.

  • ĐẶNG TIẾN

    Kỷ niệm 3 năm ngày mất nhà thơ Tế Hanh (16.7.2009 - 16.7.2012)

  • PHẠM TUẤN KHÁNH - VŨ THANH

    Trong văn học Việt Nam thế kỷ XIX có một nhà thơ được "thần siêu" coi là "bạn băng tuyết" và được văn nhân Trung Quốc đương thời gọi là "thi hào" - Đó là Đặng Huy Trứ. Sự nghiệp chính trị và văn học của ông vào giai đoạn đó khá nổi tiếng và được đề cao nhưng đến nay vẫn ít người biết đến.

  • NGUYỄN ĐÌNH NIÊN

    (Trích từ “Kinh nghiệm về thân phận làm người trong thơ Hàn Mạc Tử”, Nxb. Southeast Asian Culture and Education (SEACAEF) 2009).

  • LÊ HUỲNH LÂM

    Mỗi người bước vào cõi thơ ắt hẳn sẽ để lại dấu ấn bằng mỗi phương cách khác nhau. Có người đi vào thơ ca qua những cuộc chiến, có người dùng chính đôi bàn chân mình, hay đôi tay mình, cũng có người bước vào thơ bằng chiếc xe đạp hay xe gắn máy,… nhưng tất cả đều đến với thi ca bằng trái tim.

  • Giải thưởng Nhà nước ra đời từ năm 1996. Đến nay Huế đã có 8 người nhận được giải thưởng danh giá này. Ngoài các nhà văn Thanh Hải, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ; Tổng Biên tập đầu tiên của Sông Hương - nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng đã nhận Giải thưởng Nhà nước.

  • PHAN NGỌC THU

    Từ sau năm 1975, văn học nước ta nói chung, văn xuôi nói riêng đã có nhiều chuyển biến trong cách tiếp cận với đời sống và ngày càng có xu hướng quan tâm hơn đến những vấn đề thuộc về chiều sâu của giá trị con người.

  • LÊ HUỲNH LÂM 
    (Đọc tập thơ “Những con chim của bóng tối” của Phạm Tấn Hầu - Nxb Văn học 6/2011) 

    Tôi một mình, lũ pharixêu múa rối
    Sống đến tận cùng, đâu phải chuyện chơi.

                            Bôrix Patecnax

  • MAI VĂN HOAN

    Trần Nhân Tông sinh năm 1258, lên ngôi năm 1279. Vừa mới lên ngôi, chàng trai 21 tuổi đã phải đối mặt với âm mưu thôn tính nước ta lần thứ hai của giặc Nguyên Mông.

  • ĐOÀN TRỌNG HUY  

    Trong nhiều tư cách, lãnh tụ Hồ Chí Minh còn được vinh danh là một triết gia. Hơn thế nữa, là “triết gia vĩ đại” như đánh giá của một học giả nước ngoài qua Hội thảo Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay vào tháng 5/2010.

  • TRÀNG DƯƠNG

    (Ðọc Phù Hoa, truyện thơ Văn Cát Tiên - Nxb Văn Học, 2011)

  • NGUYÊN SA(*)

    Từ những ngày còn theo học triết lý tại đại học Sorbonne tôi đã mơ hồ nghĩ mỗi dân tộc bao giờ cũng có một nền triết học riêng. Bởi vì, triết học, trên mọi bình diện nào đó, rút lại, chính là ý thức được hệ thống hóa và thuần túy hóa, là một tổng hợp nhân sinh quan và vũ trụ quan.

  • Có lẽ nếu không có bài thơ "Đây thôn Vỹ Giạ" thì vùng đất xinh xắn kia cũng không nhiều tao nhân mặc khách ghé thăm đến vậy. Nhắc đến bài thơ này người ta sẽ nhớ ngay đến một mối tình điển hình cho sự nuối tiếc bâng khuâng và dường như nó là phông nền của cái đẹp. Bây giờ người thiếu nữ áo trắng xưa vẫn được sương khói của thôn Vỹ giăng phủ khiến bài thơ bản mệnh của Hàn thi sĩ vẫn miên man trong tâm thức của nhiều thế hệ yêu thơ.