Văn học có trách nhiệm về tất cả những gì xảy ra với con người

09:06 12/03/2013

LTS: Valentin Raxputin là nhà văn lớn Xô Viết năm 1987 vừa tròn 50 tuổi. Các tác phẩm của ông như "Tiền cho Maria", "Hạn chót", "Sống và nhớ lấy", "Vĩnh biệt làng Matiôra", "Cháy nhà"... nổi bật lên niềm băn khoăn lo lắng cho số phận con người.

Nhà văn Valentin Rasputin - Ảnh: taday.ru

Valentin Raxputin là một trong những nhà văn Xô Viết được bạn đọc nước ngoài biết đến nhiều nhất. Ngoài ra Raxputin còn viết nhiều bài báo sắc sảo kêu gọi bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ các công trình văn hóa lịch sử, và hủy bỏ không thương tiếc những dự án kinh tế phiêu lưu, những công trình vô dụng...
Nữ phóng viên vô tuyến truyền hình Liên Xô Tatiana Demscova nhiều lần gặp Valentin Raxputin. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu với bạn đọc Sông Hương về bài viết của Tatiana Demscôva về Valentin Raxputin, trên tạp chí Panovama Soviétiqne (APN).



***

"Lòng yêu quê hương xứ sở là một thứ tình cảm vừa kỳ lạ vừa khó tả... Nó mang lại cho ta bao niềm hân hoan rạng rỡ, bao nỗi nhớ thương êm ái! Nó đến với ta khi thì trong những giờ phút chia tay khi thì trong những khoảnh khắc êm đềm của hồi ức và tưởng vọng. Con người không ai có thể sống và đứng vững được mà không có lòng yêu quê hương xứ sở, không tham dự vào những công trình và số phận của tổ tiên, không đem tâm huyết gánh lấy trách nhiệm mà địa vị của nó trong khối cộng đồng rộng lớn của nhân loại và quyền làm người của nó đem lại", Valentin Raxputin đã nói như vậy về quê hương của mình: xứ Xibia. Ông đã sống qua thời kỳ thơ ấu ở một ngôi làng nhỏ trong vùng, rồi cũng trên mảnh đất ấy, tại thành phố Iếccút, ông theo học đại học và trở thành nhà báo.

Ống kính truyền hình chúng tôi hoạt động dọc bờ sông Angara, cách hồ Baican không xa. Phong cảnh mới đẹp và nên thơ biết bao! Trên bờ, những hàng thông đứng thẳng; mặt nước hồ hòa lẫn với trời xanh và xung quanh hoàn toàn tĩnh mịch. Nhà văn đã chọn nơi làm việc của mình tại đây, trong một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ, giữa cảnh thiên nhiên đẹp mê hồn.

Chúng tôi biết là Raxputin không ưa ra mắt công chúng, không ưa kể lại đời mình, họa hoằn lắm ông mới xuất hiện trên màn ảnh nhỏ. Có lẽ đó là vì ông không thích giải bày nội tâm ra bên ngoài. Ông vốn nghiêm khắc và dè dặt, nét mặt ông hiền lành nhưng đôi lúc trở thành cứng cỏi, đăm đăm và đầy góc cạnh. Đôi mắt ông làm ta chú ý ngay lập tức: đó là đôi mắt chứa đựng điều gì u uẩn và lo âu, dường như phía đằng sau là cả một nỗi băn khoăn kín đáo, một sự tập trung suy nghĩ cao độ, một hoạt động nội tâm căng thẳng.

"Văn học có trách nhiệm về tất cả những gì xảy ra với con người", một hôm nhà văn tâm sự như vậy. Khi ta nhìn Raxputin và chuyện trò với ông, ta không thể không nghĩ rằng những lời của ông quan hệ mật thiết với cá nhân ông.

... Xa xa, người ta thấy hình thù một xóm làng nhấp nhô dọc bờ sông. Trong cảnh ngập nước lưng chừng, làng này giống như làng Matiôra được Raxputin mô tả trong truyện "Vinh biệt làng Matiôra".

Tôi hỏi nhà văn:

- Làng Matiôra là một làng có thật hay chỉ là một hình tượng văn học?

- Đó là một hình tượng văn học, dầu nó được xây dựng trên một hình mẫu chân thực: làng UxtơIlim. Sự việc đã diễn ra trước mắt tôi. Thật là một cảnh tượng bi thảm về nhiều mặt: chị hãy hình dung những ngôi làng toàn nhà xây kiên cố cháy rực vào lúc chạng vạng dọc bờ sông Ilim. Tôi nhớ mãi hình ảnh đó. Tôi đã cố gắng hết sức kể lại tấn bi kịch ấy trong truyện "Vĩnh biệt làng Matiôra".

... Sương mù bao phủ sông Angara mỗi lúc một dày đặc và một cơn mưa bụi bắt đầu lất phất ; bóng ngôi làng bỏ hoang lại hiện ra phía xa như một giấc mơ.

- Đồng chí có tin là một ngày nào đó làng Matiôra lại nhô lên khỏi mặt nước không?

Raxputin suy nghĩ một lúc rồi nói:

- Tôi tin là làng Matiôra sẽ được hồi sinh. Nó không nhô lên khỏi mặt hồ nhưng có lẽ sẽ hồi sinh, dưới một dạng khác hay dưới một tính cách khác. Tôi tin chắc rằng một làng Matiôra dưới dạng trí tuệ và tinh thần sẽ xuất hiện trở lại…

- Tôi coi truyện "Cháy nhà" mới đây của đồng chí như là bước phát triển của đề tài luân lý đã nêu trong truyện "Vĩnh biệt làng Matiôra"... Tác phẩm ấy có sắc thái và linh hồn của một bài báo. Liệu cái đó đánh dấu một bước ngoặt trong hoạt động văn học của đồng chí hay chỉ giản đơn là dấu hiệu của thời đại ta đang sống?.

- "Cháy nhà" là từ ngữ qui ước để chỉ hoàn cảnh của những ai phải ra đi cư ngụ nơi khác, một khi mối dây liên hệ đối với nơi chôn nhau cắt rốn bị gián đoạn và những trật tự mới trong cuộc sống được hình thành... Trong truyện đó tôi đã cố chứng minh tất cả những điều trên tác động đến đời sống, tập quán, thái độ đối với mảnh đất sinh sống của họ như thế nào. Tôi cố chứng minh rằng trong bất kỳ thời đại nào, không ai được phá hủy truyền thống lịch sử, truyền thống quá khứ của mảnh đất mà mình đang sinh sống. Điều đó sẽ ảnh hưởng tai hại cho cuộc sống hiện tại của chúng ta và tất yếu sẽ ảnh hưởng đến cả tương lai nữa.

Tôi nghĩ rằng việc gợi cảm cho bạn đọc là rất quan trọng. Muốn vậy tôi luôn luôn tìm tòi một hình thức thích hợp. Để viết ra truyện "Cháy nhà", tôi quyết định dùng thuật báo chí. Có thể là truyện có phần nào quá tải với nhiều chi tiết cụ thể, các tình huống thì được xử lý quá thẳng thừng so với một tác phẩm văn học. Nhưng tôi đã cố tình làm như vậy, bởi lẽ những vấn đề nêu ra đang có tính thời sự lớn lao trong thời đại ngày nay...

Phân tích truyện "Cháy nhà", tôi nêu lại một ý kiến rất phổ biến đối với nhân vật chính của tác phẩm: một mặt nào đó là một con người bình dị, làm nghề lái xe cho một trung tâm khai thác lâm nghiệp; nhưng mặt khác anh ta lại suy nghĩ như một nhà triết học sắc sảo. Raxputin nói:

- Quả thực đây không phải là lần đầu tôi nghe nói như vậy. Nhưng tại sao nhất thiết ta phải coi một người bình dị là một con người nguyên thủy? Những con người bình dị có vẻ nguyên thủy này được ta biết rất ít. Vả lại, chẳng phải tác giả có quyền biểu đạt ưu tư của mình, suy nghĩ trăn trở của mình qua miệng nhân vật hay sao? Nếu không thì văn học có ích lợi gì? Bởi lẽ chân lý văn học không nhất thiết phải là một chân lý của cuộc sống như ta quan niệm... Chân lý văn học bao hàm những khái niệm rộng hơn nhiều...

- Đông đảo bạn đọc cho rằng "Cháy nhà" là một cái tên có tính biểu tượng. Có đúng như vậy không?

- Chúng ta tìm kiếm biểu tượng nơi nào mà chúng không có mặt. Tên của truyện được đặt ra từ chủ đề của nó: một đám cháy xảy ra... Sau đám cháy, không những phải xếp đặt lại những gì quanh ta ở đây, trên mặt đất, mà còn sắp xếp trật tự ngay trong bản thân chúng ta. Và không thể làm được như vậy nếu ta vứt bỏ những giá trị đạo đức. Chúng ta cần tái lập các phạm trù đạo đức vĩnh cửu, chúng ta phải làm cho chúng hồi sinh. Không những ta phải khôi phục mà trước hết phải phát huy các phạm trù đó theo phương hướng đúng. Công việc này nhất thiết phải có sự hỗ trợ của nhà văn...

Câu chuyện của chúng tôi chuyển từ "Cháy nhà" đến các vấn đề khái quát hơn. Raxputin hy vọng những gì ở văn học và làm thế nào mà văn học giúp con người trở nên phong phú hơn về mặt tinh thần?

- Tôi nghĩ rằng văn học có thể làm được nhiều việc. Hơn nữa, cần hỗ trợ cho nó đôi tí... Văn học rất được việc, không chỉ cho tuyên truyền giáo dục, mà cả cho kinh tế và nhiều lĩnh vực khác, bởi vì mọi thứ đó đều tương quan với nhau. Chẳng hạn ta xem cuộc sống của con người bên bờ hồ Baican. Nguyên mỗi một việc con người sống ở đó đã giả định tính trong sạch của tâm hồn. Thiên nhiên có ảnh hưởng đến ta ở mức độ lớn hơn ta nghĩ rất nhiều và một khi thiên nhiên bị tàn phá, chẳng hạn như việc xây dựng một xưởng sản xuất Xenluylô mà tác hại nhiều hơn lợi ích, thì con người, giá trị tinh thần con người chịu hậu quả ngay lập tức. Ý kiến của tôi là như vậy. Hiện nay, điều rất quan trọng là văn học chỉ đạo con người sống theo lẽ phải, văn học kêu gọi con người nắm lấy vị trí làm dân theo khái niệm "công dân". Trong lúc này, khái niệm đó còn khá mơ hồ, bởi vì người ta cứ xem như công dân cả người đấu tranh cho tương lai của hồ Baican, lẫn người tham gia vào việc làm ô nhiễm nó, người ủng hộ ý kiến xây dựng dọc theo hồ các nhà máy, nói là vì lợi ích của đất nước. Vậy đâu là chân lý? Chính văn học cần giúp cho con người phát hiện ra chân lý... Tôi lấy làm sung sướng càng ngày càng nhận được nhiều thư nói lên những vấn đề mà toàn xã hội hiện nay đang quan tâm. Tương lai con người ra sao? Làm thế nào để hoàn thiện bản thân? Tìm ở đâu những phẩm chất cần thiết để sống tốt hơn?...

Gần đây Valentin Raxputin cho ra mắt cuốn sách nhan đề "Ngày nào cũng yêu". Tại sao ông đã biến hóa câu tục ngữ "Ngày nào cũng học thêm đôi điều?"

- Có một thời kỳ câu tục ngữ trên mang tính thời sự rõ rệt đối với nước ta. Ngày nay, cần phải tính đến chuyện khác. Chúng ta ai cũng được học hành và thậm chí hiểu biết quá nhiều. Cái ta đang thiếu là tình yêu. Chúng ta nắm được nhiều kiến thức, phát hiện và giải đáp được những hiện tượng huyền bí nhất, nhưng chúng ta chưa đủ khả năng hiểu được mình, và còn rất xa cách cái lý tưởng tinh thần tạo nên tinh túy con người. Trong sách của tôi, tôi muốn nói lên điều này: hãy yêu tất cả những gì xung quanh, hãy yêu con người, hãy tha thứ cho con người, hãy gắng hiểu cái gì xảy ra trong tâm hồn con người...

- Tôi muốn biết nhà văn sử dụng những giờ rỗi như thế nào?

Ông nói:

- Tôi thích đi dạo một mình trong núi hay trong rừng Taiga. Sự cô đơn không bao giờ có tác động gì đến tôi cả? Vào những lúc đó, tôi không thiết gì đến đài thu thanh, máy thu hình, thậm chí đến cả sách vở...

- Ngay cả người để chuyện trò?

- Cũng không cần. Tôi cho rằng con người cần biết sống đơn độc, trò chuyện với bản thân mình; bởi vì sự trò chuyện cốt yếu, trung thực và bổ ích nhất là trò chuyện với bản thân mình.

... Ngay khi tôi viết những dòng này, trong trí tôi hiện ra khung cảnh như sau: trời mưa, chúng tôi đứng bên vệ đường xa lộ chờ mãi mà ôtôbuýt không thấy đến. Nhiều xe tắcxi chạy qua nhưng không chiếc nào dừng lại. Raxputin đứng cạnh chúng tôi, trong hành khách đợi xe, lúc này, ông có vẻ như đang hòa vào mọi người đồng thời lại đơn độc với suy nghĩ của mình. Bỗng nhiên đồng chí đạo diễn và tôi tự cảm thấy mình là những kẻ có tội: "Tại sao không ai chào hỏi Raxputin, tại sao họ không biết mặt ông, chẳng phải cả thế giới đều đọc sách ông đó sao?" Tôi hỏi:

- Đồng chí có tự coi mình là một nhà văn lớn không?

Ông mỉm cười đáp:

- Không. Tôi nghĩ mình là một nhà văn trung thực, thế thôi. Được vậy là khá lắm rồi, vì làm một nhà văn trung thực đâu phải là dễ.

T.Q dịch
(SH25/6-87)

Xem thêm:
>>Valentin Raxputin và tác phẩm "Đám cháy"





 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Đoản văn này được George Orwell viết năm 1936 kể về khoảng thời gian ông làm việc như một nhân viên bán sách bán thời gian tại tiệm sách cũ Booklover’s Corner tọa lạc ngay góc phố Pond Street và South End Green, thành phố London, nước Anh. Hiện nay tiệm sách cũ Booklover’s Corner không còn nữa, thay vào đó là một nhà hàng pizza, tuy nhiên ở đó còn gắn một tấm biển ghi rằng “George Orwell, nhà văn (1903 - 1950) từng sống và làm việc trong một tiệm sách ngay vị trí này”.

  • Tác giả Oriana Fallaci lột tả cảm xúc của người phụ nữ từ lúc mang thai, dằn vặt nội tâm giữa việc giữ hay từ bỏ đứa con trong bụng, đến khi đau đớn mất con.

  • Sau gần một thế kỷ bị chìm trong quên lãng, "Temperature" - tác phẩm của nhà văn F. Scott Fitzgerald - đã được xuất bản trên một tạp chí.

  • Chúng tôi giới thiệu với bạn đọc một tư liệu văn học khá đặc biệt mới được công bố lần đầu trên tuần báo Ngọn lửa nhỏ (số 49 tháng 12-1988) Liên Xô, có liên quan số phận cuộc đời của nhà thơ Nga mà hiện nay tên tuổi ông đã trở nên nổi tiếng thế giới - Iôxíp Brôđxki (giải thưởng Nô ben).

  • Một khu triển lãm thuộc địa nhằm ca tụng quá trình chinh phạt của thực dân Pháp, trong đó có nhiều di tích đến từ Việt Nam, hiện đang hoang phế điêu tàn.

  • Năm 1854, Nhật Bản chính thức “mở cửa” sau khoảng 250 năm thực thi chính sách Sakoku (Tỏa quốc) dưới thời Edo (1600-1868) và không lâu sau, gấp gáp bước vào công cuộc Duy tân thời Minh Trị (1868-1912) với hàng loạt đổi thay mạnh mẽ.

  • NGUYỄN DƯ

    Tôi vốn không thích đi đến những nơi xa lạ. Ngại những cái phiền toái.

  • WILLIAM B NOSEWORTHY 

    "Những cuốn Lịch Sử Thơ Mỹ” chỉ có bốn ấn bản chính đáng kể, được viết theo chủ đề trên.

  • SERGEI BELOV
          Tiểu truyện

    Trên góc đường Malaya-Meschanskaya và Stolyrany có một chung cư trông thật khiêm tốn, đó là nơi nhà văn Dostoievsky với đứa cháu của người vợ đã mất cùng bà nhũ mẫu trung thành đang ở.

  • Ở các nước phương Tây trước đây, tóc thường được lấy từ di hài người vừa nhắm mắt xuôi tay và giữ làm vật lưu niệm trong gia đình. Các món tóc từng ở trên đầu hai nhà soạn nhạc bậc thầy Wolfgang Amadeus Mozart và Ludwig van Beethoven đã được đem ra bán đấu giá trong cùng một phiên tại nhà Sotheby London vào ngày 28/5 mới đây, sau một đợt triển lãm cho công chúng thưởng ngoạn.

  • Mặc dù năm nay khép lại với kết quả gây đầy tranh cãi, LHP Cannes vẫn là nơi đáng mơ ước cho mọi nhà làm phim trẻ, mong tìm được bệ phóng tốt cho giấc mơ điện ảnh của mình.

  • (Đọc “Cuộc cách mạng một-cọng-rơm”)*

    Từ một chuyên viên trong văn phòng của một viện nghiên cứu, chàng trai tuổi đôi mươi Masanobu Fukuoka bỏ ngang xương để trở thành một nhà nông nuôi dưỡng tín điều duy nhất: làm nông theo hình thái tự nhiên.

  • Vlađimia Maiakôvski (1893 - 1930) là nhà thơ đầu tiên ở thế kỷ XX đã cống hiến tài năng lớn lao của mình cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cái vốn thơ dấn thân, say mê và dữ dội của ông, ông đưa nó ra đường phố, hướng về phía quần chúng và biến nó thành "chỉ huy sức mạnh con người".

  • LTS: Dana Gioia là một nhà thơ, nhà phê bình, và thầy giáo hiện ở Mỹ. Ông sinh năm 1950 tại Los Angeles. Ông học đại học Standford và tốt nghiệp M.A về Văn chương Đối chiếu từ Đại học Harvard trước khi làm việc trong ngành kinh doanh. Sau 15 năm làm quản trị thương mại ở New York, ông bỏ chức phó chủ tịch công ty để toàn tâm viết sách và dạy học.

  • Hẳn là đã có rất nhiều người nghe nói đến cuộc tranh luận uyên bác kéo dài hơn 200 năm đề cập đến những bài Xô-nêt của Shakespeare và những cố gắng chưa có kết quả nhằm nhận ra những nhân vật chính trong các tác phẩm, đó là "Người đàn bà sầu thảm" và "Cậu bé dễ yêu".

  • TRẦN PHƯƠNG LINH

    Gunter Grass, tiểu thuyết gia nổi tiếng người Đức, từng đoạt giải Nobel văn học năm 1999, vừa qua đời ngày 13/4/2015 tại bệnh viện ở thành phố Lubeck-Đức, hưởng thọ 87 tuổi.

  • Triết hiện sinh chia tay với triết học "trừu tượng". Nó quan tâm đến tính chủ thể cụ thể của con người, chứ không phải khái niệm trừu tượng về "chủ thể". Đó là lý do nhiều triết gia hiện sinh (như Sartre, Camus...) chọn hình thức văn nghệ (tiểu thuyết, kịch...) để đến gần hơn với đời sống thực, nói lên những băn khoăn, thao thức, đau khổ và lựa chọn trong "thân phận" làm người.

  • (Vài suy nghĩ nhân đọc thư của các bạn Việt Nam nghe đài Matxcơva)

    IRINA ZISMAN MÔSCƠVINA (Nhà báo Liên Xô)

  • Series hòa nhạc tương tác dành cho trẻ nhỏ dưới tám tuổi Bach Before Bedtime đang nỗ lực xóa bỏ khoảng cách cố hữu giữa nghệ sĩ và khán giả, làm cho môi trường âm nhạc cổ điển trở nên thân mật nhất trong khả năng có thể.