Văn Công Hùng với hoa tường vi trong mưa

15:21 04/02/2009
NGUYỄN THANH MỪNG                Miền duyên hải Nam Trung bộ gần gũi với Tây Nguyên lắm lắm, Bình Định gần gũi với Gia Lai lắm lắm, ít nhất ở phương diện địa lý và nhân văn. Ừ mà không gần gũi sao được khi có thể chiều nghe gió biển Quy Nhơn, đêm đã thấm trên tóc những giọt mưa Pleiku. Giữa tiếng gió mưa từ nguồn tới bể ấy nhất thiết bao nhiêu nỗi lòng ẩn chứa trong tiếng thơ diệu vợi có thể chia sẻ, bù đắp được cho nhau điều gì đó.

"Đêm qua chớp bể mưa nguồn - Hỏi người tri kỷ..." thì ra là thế, những sợi tơ trời dân gian ấy vẫn giăng mắc như niềm an ủi trong cái guồng quay nhiều lúc chóng mặt của thế giới náo nhiệt. Hơn hai thập kỷ rồi, từ độ người lên núi kẻ về xuôi, tôi vẫn dõi về phía mây trắng trời tây, nghe Văn Công Hùng phân thân trong cây lá suối rừng, tiếp âm nguồn mạch văn hoá vạm vỡ của chiêng cồng, của sử thi, của những mái nhà dài, của những ghè rượu tràn mùa... Dõi về với những hồi hộp, lo lắng, mừng vui, qua Bến Đợi, qua Hát Rong, qua Ngựa trắng bay về. Và hôm nay, qua Hoa Tường vi trong mưa, tập thơ đầy đặn và bề thế những chặng đường của đi và về, của nghĩ và cảm, của mê đắm và tỉnh thức, của tiễn đưa và sum họp, của ký ức và dự cảm, của khoảnh khắc và muôn trùng, của bất chợt và vĩnh viễn... Văn Công Hùng thuộc trong số những người hiếm hoi bước ra từ khung cửa giảng đường nơi sông Hương núi Ngự để làm cuộc hành trình vạn dặm mà luôn bền bỉ thuỷ chung với thơ. Bấm đốt ngón tay, một phần tư thế kỷ đi qua, thơ vẫn là nguồn lực cổ vũ anh đi và là cái đích anh đến, dù trải qua nước mắt hay nụ cười, dù làm một lữ khách bên quán vắng hay tề tựu trong Khuê Văn sang trọng thềm gấm rèm châu.

Tôi đọc Hoa tường vi trong mưa của Văn Công Hùng trong suốt những ngày ồn ào hoặc tĩnh lặng, khoảng trống của những chuyến đi tất bật do các Hội nghị Văn học Nghệ thuật trung ương tổ chức trong mùa hè vừa qua. Mới Châu Đốc đó đã Sài Gòn. Mới Thanh Hoá đó đã Nha Trang. Mới Phú Yên đó đã Kon Tum. Và tôi biết, trên tay của nhiều văn nhân thi sĩ khác, kẻ bắc người nam, đã có Hoa tường vi trong mưa. Sự ra đời của Hoa tường vi trong mưa vốn đầy nhiệt huyết ân tình và sự tiếp nhận nó từ bằng hữu, từ những bạn đọc yêu mến thơ Văn Công Hùng cũng tương tự như vậy. Rộn rã như mùa. Tràn ngập như mùa. Và cũng bất ngờ như mùa:
Có ai không? Ờ thì mầm xuân bật đất. Những hạt tinh khôi ngơ ngác giữa vòm xanh enlip. Bột nắng bàng hoàng ươm xoã tóc thơm.
Ô hay mà ngẩn ngơ thi hứng. Cao Nguyên đón mùa xuân bằng vạm vỡ ngực trần. Cúc quỳ vàng như nắng, mà nắng thì rờm rợp giữa hoàng hôn. Có hẹn ai đâu mà chiều nay cửa gõ, thảng thốt mùa xuân dìu dịu bước lên thềm.
                                                                                    ( Mùa )
Cái mầm dã quỳ vàng rực như nắng Tây nguyên đã chói chang hồn thơ Văn Công Hùng. Nhiều lúc sự gắn bó với đất đai nơi này như là một duyên phận:
                                    Gió dã quỳ hoang dại tuổi thơ tôi
                                    thổi thăm thẳm xa xưa miền cổ tích
                                    miên man cao nguyên xanh màu u tịch
                                    sắc vàng nào lưu luyến cỏ bazan
                                                                        ( Gió Dã quỳ )
Tạng thơ Văn Công Hùng là tạng thơ nồng nàn, đắm say, ngồn ngộn những gió nắng hào hoa và dầu dãi của những phương trời chất ngất tình yêu. Dù là đi về phía ký ức hay vọng tới phía tương lai, dù lang thang với nỗi buồn hay nhộn nhàng với niềm vui, dù đang nhìn vào nội tâm hay hướng ra ngoại cảnh... giọng thơ anh cũng đầy âm thanh và mầu sắc. Tôi đọc đi đọc lại bài thơ Hoa tường vi trong mưa, bài thơ làm tựa đề cho cả tập 62 bài, nghe rất nhiều âm thanh vừa buốt xói vừa rộn rã, vừa ào ạt vừa tinh nhạy. Bao nhiêu ngôn từ gợi cảm được Văn Công Hùng ném vào những khổ thơ để lột tả những ý tưởng đang sôi réo, trào dâng: run rẩy, nhấp nhoáng, đi, hát, khóc vùi, thổi lạnh, vỡ trắng, vụn nát, thăm thẳm, đẫm gió... Cơn mưa nhiều cung bậc của hoài niệm và dự tưởng, ấy là cơn mưa đầu mùa của Cao Nguyên quyết liệt, thanh trong, thao thiết, quay quắt:
                                    Chỉ còn cao nguyên phố núi và em
                                    đành gửi lại một chân trời đẫm gió
                                    đành gửi lại bông tường vi vẫn nở
                                    dẫu cơn mưa vẫn ủ lối đường về...
                                                                ( Hoa tường vi trong mưa )
Âm thanh và màu sắc ấy, biểu hiện ngay cả ở tiếng thở dài:
                                    Ta xuôi sông Hậu
                                    gặp tiếng thở dài dung dăng phù sa đỏ...

                                    Không vung bút đề thơ vạt áo
                                    ta nghiêng vò rót rượu cùng sông
                                    uống sung sướng trong nỗi buồn khắc khoải
                                    uống đê mê trong đau đáu nỗi niềm...
                                                                        ( Sông Hậu )
Âm thanh và màu sắc ấy biểu hiện cả ở những nơi tĩnh vắng:
                                    Rồi sẽ về một buổi nắng không sương
                                    mây vung vãi sức mình trên biển vắng
                                    rồi sẽ tới một chân trời tĩnh lặng
                                    gió Sầm Sơn còn nghi ngút trong lòng...
                                                                             ( Sầm Sơn )
Với tâm trạng như thế, Văn Công Hùng diễn đạt về một miền hoài niệm như xới tung cảm giác:
Buổi chiều ấy như đã từng không có thật. Mưa. Mưa bàng hoàng thăm thẳm phía mờ rêu. Bỗng phượng nắng tưng bừng miền phố cổ, mặt trời rơi lặng lẽ nẻo em về. Tôi cúi nhặt mảnh gương trời vung vãi, đất tha hương mặn chát khói tơ hồng, câu hát vút lên từ kẽ phố. Sương giăng.
                                    ( Vọng Huế 2 )
Tôi đi qua những miền thơ của Văn Công Hùng, từ Pleiku đến đất Mũi, từ Huế đến An Giang, từ Tuy Hoà đến Sầm Sơn, từ Đà Lạt đến Kon Tum, từ núi đến biển, từ đồng bằng đến thảo nguyên, từ mùa thu sang mùa xuân, từ tuổi thơ đến tóc bạc, từ ấn tượng phố đến ký ức làng... phía nào cũng có những đặc trưng, thẳm sâu, da diết, cồn cào, lay động. Và tôi thật xúc động với những khoảng lặng của anh:
                                    Chiều nay giật mình đứng lặng
                                    lá vàng rơi nát không gian
                                                          ( Nhìn lá cao su rụng, nghĩ )
Hoặc cái tâm thế của nỗi cuồng si:
                                    van em đừng bước vội
                                    dốc hết rồi còn đâu...
                                                                    ( Chiều mùa đi )
Những lúc như vậy, anh đã chạm vào hai bờ hư thực:
                                    Có con dốc chiều lơ đãng
                                    tiễn người về tận chiêm bao...
                                                             ( Mùa xuân dã quỳ và gió )
                                    Chiếc lá vèo bay đoạn trường dâu bể
                                    ta ngỡ ngàng nghe dế dắt mùa đi
                                                             ( Không đề với hoa và lá và...)
                                    Cơn gió mơ về miền rét
                                    thăm thẳm chiều trong mỗi bước thiên di...
                                                             ( Giấc mơ mùa đông )
Anh có những câu thơ thật cảm động về vợ:
                                    Có những lúc trốn xô bồ ta về tựa vào em
                                    như con tàu viễn dương thả neo bám vào đất mẹ...
                                    ...
                                    em nâng đỡ mỗi khi ta mệt mỏi
                                    mỗi khi ta chuẩn bị ăn đòn...
                                                                        ( Vợ )

Anh có những câu thơ thật cảm động về bạn:
                                    Không bèo bọt chưa đá vàng
                                    ngẫm đời như lũ dã tràng biển khơi
                                    lênh đênh một chiếc thuyền trôi
                                    mà sông thì rộng mà trời thì cao...
                                                         ( Cây phượng vĩ một mình )
Và cho chính mình:
                                    Krông Pa đêm như sương
                                    người tan nhoè cõi nhớ thương riêng mình
                                    ta đong một chén bình minh
                                    một ly nghiêng ngửa, một bình hoàng hôn...
                                                              ( Đêm Krông Pa )

Liên tiếp trong vòng mười năm, anh cho ra đời 4 tập thơ và trường ca. Sắp tới, cả bút ký phóng sự phong tục. Là người quản lý Hội Văn học Nghệ thuật địa phương, là hội viên của ba hội chuyên ngành trung ương: Hội Nhà Văn Việt Nam, Hội Nhà Báo Việt Nam, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, phải nói là Văn Công Hùng hết sức bận rộn. Nhưng ở lĩnh vực nào, anh cũng đạt những thành tựu đáng kể. Anh đoạt giải thưởng UBTQ liên hiệp các hội VHNT Việt Nam năm 2002, đạt giải thưởng Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam các năm 2001 và 2002, tặng thưởng cuộc thi thơ Tạp chí Sông Hương 2002 - 2003. Anh xuất hiện đều khắp các báo với vai trò đóng góp vào việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc ở Tây Nguyên. Và đậm đặc nhất, sôi động nhất và cũng trầm tĩnh nhất là thời gian Văn Công Hùng dành cho thơ. Thơ, như trên đã đề cập, là sự nâng đỡ và sẻ chia, là cái đích của cuộc đời, dù phải đi qua bao nhiêu ghềnh thác. Người Hát rong vẫn có Bến đợi, trong nắng, trong mưa, trong sương vẫn ngân lên những giai điệu ăm ắp tin yêu và hy vọng. Anh sinh ra ở miền Bắc, được đào tạo chính quy ở cố đô Huế quê hương và trưởng thành ở Tây Nguyên, những tố chất của các vùng đất đã để lại trong anh bao nhiêu dấu ấn khó phai mờ. Và anh đã biết chắt lọc, nâng niu những nguồn mạch văn hoá để nuôi dưỡng hồn thơ của mình. Tiếng thơ Văn Công Hùng, do vậy, hy vọng sẽ có sức lan toả...
 Quy Nhơn, chiều 12/ 9/ 2003.
            N.T.M

(nguồn: TCSH số 191 - 01 - 2005)

 

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • TRẦN ĐÌNH SỬTôi có duyên làm quen với Trần Hoàng Phố đã hai chục năm rồi, kể từ ngày vào dạy chuyên đề thi pháp học ở khoa Văn Đại học Sư phạm Huế đầu những năm 80. Hồi ấy anh đã là giảng viên nhưng theo dõi chuyên đề của tổi rất đều, tôi biết anh rất quan tâm cái mới. Sau đó tôi lại tham gia Hội đồng chấm luận án tiến sĩ của anh, được biết thêm anh là một người đọc rộng, uyên bác.

  • TRẦN THUỲ MAI(Đọc tập thơ "Quê quán tôi xưa" của Trần Hoàng Phố, NXB Thuận Hoá - Huế 2002)

  • NGUYỄN KHẮC PHÊNhà văn Nguyễn Quang Hà, trong lời bạt cuốn tiểu thuyết mượn câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Cao Bá Quát (“Trường giang như kiếm lập thiên thanh”) làm nhan đề, đã xem đây là “những kỷ niệm đầy yêu thương suốt dọc đường chiến tranh” của mình.

  • VỌNG THẢO(Về tập sách "Vì người mà tôi làm như vậy" của Hà Khánh Linh – NXB Hội Nhà văn – 2002)

  • NGUYỄN THỊ GIANG CHIF.Kafka là một trong những nhà văn lớn nhất của thế kỷ XX, một hiện tượng văn học rất phức tạp, có ảnh hưởng rộng lớn đối với tiến trình phát triển của văn học thế giới, đặc biệt là ở phương Tây.

  • YÊN CHÂU(Đọc “Gặp lại tuổi hai mươi”(*) của Kiều Anh Hương)Ngay bài thơ in đầu tập “Vùng trời thánh thiện” có hai câu đã làm tôi giật mình, làm tôi choáng ngợp:                “Những lo toan năm tháng đời thường                Như tấm áo chật choàng lên khát vọng”

  • VỌNG THẢO... " Đôi trai gái đến nhót từ trong thau ra mỗi người một con cá ngậm ngang mồm, trút bỏ áo quần, trần truồng dắt tay nhau xuống nước. Hai con cá ấy là lễ vật dâng Thần Đầm. Chúng sẽ chứng kiến cái giờ phút linh thiêng hòa nhập làm một của đôi vợ chồng mới cưới, ngay trong lòng nước... Cuộc giao phối xong, đôi trai gái mới được há miệng. Hai chú cá liền bơi đi...".

  • VŨ NGỌC KHÁNH.(Đọc sách Phan Bội Châu- Toàn tập do Chương Thâu sưu tầm, biên soạn. Nhà xuất bản Thuận Hoá và Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây- 2000)

  • VỌNG THẢO(Đọc “Quỷ trong trăng’ của Trần Thuỳ Mai)Đối với người cầm bút, trong những ý niệm thuần khiết nhất của trí tưởng tượng, mỗi người đều có những nhận thức và ám ảnh khác nhau. Riêng Trần Thuỳ Mai, ý niệm thuần khiết trong trí tưởng tượng của chị là một bến bờ xa vắng, nơi ẩn chứa những hạn cuộc huyễn hoặc và khát khao tận cùng trước giả, thật cuộc đời. Đó cũng là điều chị đã gửi gắm trong tập truyện mới: “Quỷ trong trăng” (NXB Trẻ - 2001), tác phẩm văn xuôi được giải tặng thưởng hàng năm của Liên hiệp Hội VHNT Thừa Thiên Huế.

  • NGUYỄN THỊ LÊ DUNGBao đời nay, thơ vẫn là một hằng số bí ẩn bảo lưu chất trẻ thơ trong tâm hồn con người. Nó gắn với đời sống tâm linh mà tâm linh thì không hề có tuổi, do vậy, nên dù ở chu kì sinh học nào, người ta cũng sống với thế giới thi ca bằng trái tim không đổi màu.

  • TẠ VĂN SỸĐọc tập thơ CÁT MẶN của LÊ KHÁNH MAI, NXB Hội nhà văn - Hà Nội 2001

  • LÊ THỊ MỸ ÝĐọc tập truyện ngắn "NGƯỜI ƠI" - Lê Thị Hoài - NXB Thuận Hoá 2001

  • HỒNG DIỆUVâng. Thơ của nhà thơ Nguyễn Bính (1918-1966) viết ở Huế, trong đó có thơ viết về Huế và thơ viết về những nơi khác.

  • HÀ VĂN LƯỠNGBài viết này như là một nén nhang tưởng niệm nhà văn Aitmatov vừa qua đời ngày 11-6-2008)

  • UYÊN CHÂU(Nhân đọc “Mùa lá chín” của Hồ Đắc Thiếu Anh)Những ai từng tha phương cầu thực chắc chắn sẽ thông cảm với nỗi nhớ quê hương của Hồ Đắc Thiếu Anh. Hình như nỗi nhớ ấy lúc nào cũng canh cánh bên lòng, không dứt ra được. Dẫu là một làn gió mỏng lướt qua cũng đủ rung lên sợi tơ lòng: Nghe hương gió thổi ngoài thềm / Trái tim rớm lệ trở mình nhói đau (Đêm nghiêng).

  • LGT:Rainer Maria Rilke (1875 – 1926) người Áo, sinh tại Praha, đã theo học tại Praha, Muenchen và Berlin triết học, nghệ thuật và văn chương, nhưng không hoàn tất. Từ 1897 ông phiêu lưu qua nhiều nước Âu châu: Nga, Worpswede (Ðức) (1900), Paris (1903) và những nước khác trong và sau thời thế chiến thư nhất (Thụy sĩ, Ý…). Ông mất tại dưỡng viện Val-Mont vì bệnh hoại huyết.

  • Giới thiệu tập thơ đầu tiên của anh Khúc ru tình nhà thơ Ngô Minh viết: “Toàn từng làm thơ đăng báo từ trước năm 1975. Hơn 20 năm sau Toàn mới in tập thơ đầu tay là cẩn trọng và trân trọng thơ lắm lắm”.

  • 1. Trước khi có cuộc “Đối thoại với Cánh đồng bất tận” trên báo Tuổi trẻ tháng 4. 2006, Nguyễn Ngọc Tư đã được bạn đọc biết đến với tập truyện ngắn Ngọn đèn không tắt, giải Nhất trong cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi XX (lần 2) năm 2000, được tặng thưởng dành cho tác giả trẻ của Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2000, giải B của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001…

  • Nhân ngày 9/5 chiến thắng phát xít Đức.

  • ...Đưa người ta không đưa qua sôngSao có tiếng sóng ở trong lòng?...