LẠI NGUYÊN ÂN
Tạp chí Cộng sản, số 11-1988 có đăng bài “Quan hệ văn nghệ và chính trị không phải là quan hệ giữa hai "bá quyền" trong xã hội” của Lê Xuân Vũ.
Nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân - Ảnh: internet
Tác giả bài báo tập hợp khá nhiều ý kiến của một loạt nhà phê bình để làm cho bạn đọc cảm thấy rằng những người này "kẻ góp củi, người góp gió" đã tạo ra một lý thuyết về quan hệ mâu thuẫn và xung đột giữa hai "bá quyền" chính trị và văn nghệ. Là một trong số người mà ý kiến đã được trích dẫn và phê phán trong bài báo nói trên, tôi thấy cần được trao đổi lại đôi điều.
Trước tiên xin bạn đọc của Tạp chí Cộng sản và nói riêng là bạn Lê Xuân Vũ yên tâm về một điều: không hề có và không thể có lý thuyết "hai bá quyền" như bạn mường tượng. Nếu những bài viết của tôi và những người khác đã khiến bạn rút ra điều ấy thì phần tôi nay xin có lời phủ chính. Không nên tin vào một lý thuyết như vậy. Càng không nên thổi phồng lên rằng có một lý thuyết như vậy để đào sâu sự khác biệt ý kiến trong khi tranh luận trao đổi.
Dẫu sao, không thể nói một lời như thế là xong. Như thường lệ, khi đi vào những lời lẽ vân vi cũng như khi đi vào thực tiễn cụ thể mới dễ nảy ra những sự bất đồng cần được bàn luận kỹ.
Về thuật ngữ, quả là tôi đã một lần dùng cụm từ”hai loại "bá quyền" trong xã hội” (Sông Hương, số 31, tr. 52). Xin bạn đọc lưu ý đến cái dấu "nháy nháy" (ngoặc kép) này: nó trỏ một cách dùng chữ tạm thời, ước lệ. Đến khi gắn các từ ước lệ tạm thời ấy cho phạm vi các tri thức, các giá trị văn hóa, tôi đã không quên mở một ngoặc đơn mà không hiểu sao bạn Lê Xuân Vũ lại bỏ qua. Đoạn ấy như sau: "... Và một bên nữa là "quyền lực" (nếu có thể gọi như vậy, với ít nhiều ước lệ) của tri thức, của các giá trị văn hóa nhân bản" (Sông Hương, số 31, tr. 52). Dòng viết trong ngoặc đơn ấy, ở đây tôi xin nhấn mạnh để lưu ý bạn đọc.
Tôi hiểu rằng, nếu gắn chữ "bá quyền" với một trong những từ ngữ nước ngoài như từ hégémonie trong tiếng Pháp chẳng hạn, lại thêm một yêu cầu là phải dùng theo sắc thái nghiêm túc của từ đó, thì cách dùng chữ của tôi quả là có chỗ tùy hứng, thiếu chính xác. Nhưng nếu xét trong thuần túy tiếng Việt với tính đơn âm của các từ, thì ở các từ ghép "bá quyền" hoặc "quyền lực" chỉ có từ "quyền" là mang nghĩa chủ đạo, chữ "bá", chữ "lực" chỉ là phần ghép, có ý nhấn mạnh thêm cho từ "quyền". Tôi đã lưu ý là cách nói ở đây ít nhiều tùy hứng, thiên về nghĩa rộng, nghĩa bóng của từ ngữ. Tương tự như khi nói về sức sống của thơ Essenin, Pasternak chẳng hạn, người ta đã đặt những đầu đề như "Quyền sống sau khi đã chết". Cách nói đó thật khó được chấp nhận trong khái niệm chặt chẽ của luật pháp, cũng hệt như với trường hợp nhà thơ đặt tên các tác phẩm là Quyền tưởng nhớ vậy.
Để không sa đà vào chuyện chữ nghĩa, tôi xin khẳng định lại rằng trong quan niệm của tôi, văn nghệ không phải là một "bá quyền" (hégémonie). Văn nghệ cũng như các tri thức văn hóa, khoa học, chỉ có thể có uy tín, do chỗ các giá trị mà nó tạo ra thuyết phục được những con người của một cộng đồng xã hội nhất định, tại một thời điểm lịch sử nhất định nào đó.
Trong bài viết và lời phát biểu, tôi chưa hề có chỗ nào dùng cụm từ "bá quyền văn nghệ" như bạn Lê Xuân Vũ đã dùng trong bài viết (tất nhiên là với hàm ý phê phán). Song, tôi vẫn cho rằng, trong đời sống nhân loại, các tri thức, các giá trị văn hóa nhân bản có một tác dụng rất lớn. Nó là một thứ lực lớn lao tác động thúc đẩy sự phát triển tiến bộ của xã hội (hiện nay người ta đã nói đến mặt trái của tiến bộ kỹ thuật, nhưng đây là một vấn đề khác). Tri thức và các giá trị văn hóa nhân bản mới là cái bồi dưỡng chất người ở con người, mới là cái làm mở mang dân trí. Người ta khôn ra, hiểu biết hơn, tất sẽ có nhu cầu thoát khỏi những thể chế chính trị lạc hậu, kìm kẹp, tạo lập một thể chế phù hợp hơn, bởi lẽ thiên hướng vĩnh cửu của nhân loại là vươn từ "vương quốc của tất yếu" sang "vương quốc của tự do" như Mác đã nói. Lý luận là lý luận, nhưng lý luận còn là khát vọng. Chỉ khi cần nhấn mạnh nhu cầu phát triển tiến bộ của xã hội mới cần ý thức thật rõ về tác dụng lớn của tri thức và các giá trị văn hóa nhân bản, bởi lẽ càng lùi xa về trung cổ thì vai trò của quyền lực chính trị càng mạnh (thần quyền thời trung cổ cũng trở thành quyền lực chính trị). Lý luận là khát vọng nhưng lý luận cũng có thể là sự cam chịu. Sẽ là biện hộ cho tâm lý cam chịu nếu quá một chiều nhấn mạnh vai trò toàn năng tuyệt đối của quyền lực chính trị đối với khoa học và văn hóa.
Còn nói về chính trị, thì điều chủ yếu ở đây là sự can dự vào quyền lực, can dự vào điều khiển, quản lý xã hội. Dù gắn từ "chính trị" với các từ "quyền" hay "bá quyền" thì thực chất vẫn là khẳng định tính chất chủ đạo, thống trị của nó so với các hình thái ý thức khác đang cùng tồn tại trong một chỉnh thể xã hội.
Bạn Lê Xuân Vũ hình như đã quá lo rằng tôi và một số cây bút khác có xu hướng muốn đặt văn nghệ ra ngoài chính trị. Xin lưu ý là từ “Chính trị” vốn có nhiều nghĩa. Sách từ điển tiếng Việt mới nhất ghi cho từ mục này đến 5-6 nét nghĩa khác nhau. Nhưng để vắn tắt, để khỏi phải trả lời rằng liệu ở nét nghĩa là những biện pháp, những chính sách cụ thể (ví dụ nhà nước có chấp nhận kinh tế tư nhân hay không, chủ trương cấm hay cho phép “khoán hộ”, v.v…và v.v…) thì liệu có nhất thiết phải đặt mọi sáng tác văn nghệ vào trong đó không, tôi xin khẳng định rằng, tôi chưa hề có ý định đặt văn nghệ ra ngoài chính trị nói chung. Bạn Lê Xuân Vũ có nhấn mạnh rằng dẫu sao cũng phải đặt văn nghệ vào trong chính trị. Nói chung thì đúng như vậy. Nhưng vấn đề là “ở trong” theo cách thế nào? Theo cung cách cũ mà chính bạn Lê Xuân Vũ đã nói đến mặt hạn chế của nó ở đầu bài viết của bạn là “gò ép, trói buộc, can thiệp thô bạo, cấm đoán vô lý, mất dân chủ trong văn nghệ, cản trở tự do sáng tạo và do đó hạn chế tính phong phú đa dạng của nền văn nghệ mới” (Tạp chí cộng sản, 1988, s. 11, tr. 6) hay là theo một cung cách mới mà chắc bạn cũng thấy rằng chúng ta còn chưa tạo xong, tuy Nghị quyết Đại hội VI của Đảng và Nghị quyết 05 của Bộ chính trị đã đặt ra được những tiền đề và nguyên tắc hết sức căn bản?
Quan hệ giữa chính trị và văn nghệ là quan hệ nhiều mặt, nhiều chiều, người nghiên cứu quan hệ này có thể khảo sát nó ở nhiều cấp độ, nhiều bình diện. Ở bài viết của tôi đăng trên Sông Hương cũng như ý kiến tôi tham gia "bàn tròn" tuần báo Văn nghệ đầu năm 1988, tôi chỉ đề cập một trong những mặt của quan hệ đó, tức là quan hệ giữa quyền lực chính trị và giới sáng tạo văn nghệ. Khi hai sự vật đã khác nhau, khi giữa chúng chỉ có thể có quan hệ chứ không thể đồng nhất vào nhau, thì trong số những tính chất của mối quan hệ đó, thế nào cũng có tính xung đột, mâu thuẫn. Xung đột, mâu thuẫn ít nhất là vì chúng không thể đồng nhất vào nhau. Đấy là nói theo tinh thần biện chứng. Còn trong thực tế xã hội-lịch sử, không phải là cứ im lặng không nói gì đến những mặt mâu thuẫn, xung đột là sẽ thanh toán được xung đột, mâu thuẫn khách quan. Vấn đề là nhìn ra tính xung đột, mâu thuẫn biểu hiện cụ thể như thế nào và khả năng khắc phục chúng ra sao trong thời gian lịch sử cụ thể.
Bạn Lê Xuân Vũ đã lưu ý trích dẫn và phản bác ý kiến của tôi và một vài người khác về "quan hệ chứa đựng khả năng nảy sinh mâu thuẫn giữa người cầm quyền và giới trí thức sáng tạo nghệ thuật, khoa học", nhưng lại không chịu xác minh những việc mà chúng tôi nêu lên là có hay không? Sự bất đồng đã từng nảy sinh từng lúc nhất định giữa một số văn nghệ sĩ với người lãnh đạo đương thời ở một số nước xã hội chủ nghĩa có phải là sự thật hay không? Việc không ít nghệ sĩ và nhà khoa học có tài ở Liên Xô đã từng bị đàn áp, trù dập oan uổng, đến thời cải tổ hiện nay mới được khôi phục, có phải là sự thật hay không? Việc một số văn nghệ sĩ được ưu ái quá đáng, trở thành các "quan văn nghệ" hưởng mọi lợi lộc, trong khi có những người đáng lẽ chỉ bị treo bút ba năm đã bị kéo thành ba chục năm – có phải là sự thật hay không? Ngay ở ta, việc "biến văn nghệ sĩ thành cán bộ nhà nước", ăn lương để sáng tác có phải là sự thật hay không (sự thật này thậm chí còn là một dụng ý tốt, chỉ hậu quả của nó mới trở thành vấn đề khiến ta phải xét ngược lại cái cơ chế của nó)? Việc văn nghệ sĩ ở ta kêu ca là bị "trói buộc", "gò bó" có phải là sự thật hay không? Nếu quả là đã có những sự thật này thì sự khái quát về "quan hệ chứa đựng khả năng nảy sinh mâu thuẫn" mà chúng tôi nêu lên hẳn không phải là một sự khái quát hoàn toàn vu vơ.
Để đối lại nhận xét của một ai đó rằng thời gian trước đây “lãnh đạo khinh bỉ văn nghệ sĩ”, một bạn đọc của Tạp chí cộng sản là Nguyễn Thanh Hà đã nêu một sự thật khác: lãnh đạo cấp cao ưu ái văn nghệ sĩ, thường xuyên mời đến ăn cơm, thường xuyên tiếp xúc với những nhà văn, những nghệ sĩ tiêu biểu, thậm chí bạn đọc Nguyễn Thanh Hà còn khái quát rằng phương thức lãnh đạo văn nghệ là … tiếp xúc riêng! Không rõ bạn Lê Xuân Vũ chấp nhận sự thật nào trong hai loại sự thật ấy (nếu đã xảy ra những sự việc chứng tỏ có cả “khinh” lẫn “trọng” thì tại sao đó lại không phải là sự thật?). Vấn đề của tư duy lý luận là từ những sự thật trái ngược ấy mà khái quát được thành một mô hình cụ thể, nhất quán, không có ngoại lệ.
Quan hệ chính trị và văn nghệ (hoặc nói hẹp hơn, quan hệ giữa chính trị cầm quyền với văn nghệ sĩ) cần được xem xét chẳng những một cách tĩnh tại trong dạng đồng đại mà còn cần được xem xét một cách năng động theo chiều lịch đại. Và qua đó sẽ thấy cách xử lý cái quan hệ "chứa đựng khả năng nảy sinh mâu thuẫn" này. Cấm đoán, đàn áp, trù dập, trói buộc, – đó là một cách giải quyết, như chúng tôi đã lấy ví dụ trong quá khứ ở nhiều nơi. Và chỉ với việc chúng tôi nêu những ví dụ đó thôi, thiết nghĩ bạn Lê Xuân Vũ đã có thể yên tâm rằng chúng tôi không hề thấy văn nghệ như một thứ quyền lực gì lớn đến nỗi nó có thể "ở ngoài" chính trị được. Cũng chính vì thấy chính trị là rộng, bao trùm, toàn năng nên càng phải thấy cơ may đổi mới của văn nghệ phần lớn phụ thuộc vào sự đổi mới từ phía chính trị. Nói như nhà viết kịch Arthur Miller (khi đến Liên Xô dự hội thảo Izyk Kun và được đồng chí M. S. Gorbachev tiếp kiến): số phận buộc người nghệ sĩ phải tìm tòi mạo hiểm, và điều đó cần được sự khoan dung của người cầm quyền. Để tạo điều kiện cho văn nghệ phát triển tốt, tất nhiên cần một khí hậu chính trị tốt. Xin trích dẫn lại ý kiến sau đây của đồng chí M. S. Gorbachev (cũng tại cuộc tiếp kiến vừa nêu) mà chúng tôi dịch in trên báo Văn nghệ, số 51 & 52 (1987): "Chính trị có thể đưa ra lời giải đáp cần thiết cho các vấn đề nếu nó dựa trên sự phân tích khoa học và không bị cản trở bởi thói tránh né sang phía này hay phía kia, bởi thói duy ý chí và sự ngẫu hứng. Chính trị cần được nuôi dưỡng bằng tất cả những gì chứa đựng trí tuệ giàu có của mỗi dân tộc và của toàn bộ nền văn minh nhân loại. Thứ chính trị không được thai nghén bởi những suy ngẫm về số phận con người – là thứ chính trị tồi, thứ chính trị phi đạo đức, và không đáng được coi trọng. Bởi vậy, tôi đồng tình với ý tưởng về sự cần thiết của một mối liên hệ tự nhiên thoải mái, có thể nói là việc giao lưu, tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi ý kiến qua lại một cách thường xuyên vốn là nhu cầu của cả các nhà chính trị lẫn các đại diện của văn hóa đương đại. Tôi nghĩ rằng kết quả của việc đó sẽ làm cho cả bên này lẫn bên kia đều được giàu có thêm lên".
Dẫu nhận rõ độ rộng bao trùm và sức mạnh chi phối cực lớn của chính trị đối với mọi lĩnh vực đời sống xã hội, chúng tôi cũng không muốn xem tính chất quyết định luận của chính trị như một thứ định mệnh đối với văn nghệ sĩ. Nếu tính quyết định luận đó đã là định mệnh thì ở văn nghệ Liên Xô đến thời cải tổ đã không còn gì để khôi phục và ở ta trước thời đổi mới đã không còn văn nghệ sĩ nào cảm thấy có gì trói buộc, gò bó. Nhưng trên thực tế thì ngược hẳn. Vấn đề không phải chỉ là thấy "tính độc lập tương đối" hoặc "tính hình tượng đặc thù" của văn nghệ (Việc quá nhấn mạnh đặc thù hình tượng, xem nhẹ sự sáng suốt của tư tưởng tác phẩm, có lẽ cũng phản ánh sự tự vệ thụ động của tư duy lý luận trong thời kỳ bị o ép, áp đặt). Vấn đề là ý thức trách nhiệm của bản thân người nghệ sĩ. Nếu anh đã bằng lòng chấp nhận "đơn đặt hàng" của nhà chính trị đương quyền, không cần biết ý nghĩa xã hội ra sao của tác phẩm minh họa ấy nữa, thì thực ra chẳng còn gì để bàn với anh cả. Nhưng hành vi sáng tạo còn đồng thời là hành vi giao tiếp xã hội, nên buộc phải nhấn mạnh trách nhiệm của nghệ sĩ trước xã hội, trách nhiệm trước hiện tại và tương lai. Đây là chỗ để có thể nói đến tác động trở lại của văn nghệ và các loại hình văn hóa khác đối với đời sống chính trị xã hội, để nói đến sứ mệnh cao cả "không uốn cong ngòi bút" của thiên chức nghệ sĩ. Nếu nghệ sĩ đã thật sự xác tín trên một vấn đề nào đó thì tại sao anh không đủ can đảm thể hiện nó vào tác phẩm cho đời sau phán xét, cứ cho là anh đã sẵn có tài năng?
Ý thức xã hội, kể cả ý thức chính trị, là những quá trình. Khá nhiều vấn đề thoạt đầu không phải đã là những "vấn đề chính trị", ví dụ vấn đề nguy cơ ô nhiễm môi trường, vấn đề nguy cơ hủy diệt bởi chiến tranh hạt nhân, v.v... Góp vào việc hình thành các vấn đề ấy là nhiều tiếng nói tích lũy qua thời gian, từ nhiều giới, nhiều phía khác nhau, kể cả tiếng nói của văn nghệ, của các văn nghệ sĩ. Đó chẳng phải là sự thật hay sao? Ở nước ta việc đẩy tới những tư tưởng đổi mới lớn lao của Đại hội VI đâu phải là chuyện bỗng dưng? Tham gia vào cuộc tranh luận có quy mô toàn xã hội để nhận ra tính chất lạc hậu, lỗi thời, cản trở của cơ chế hành chính quan liêu bao cấp tất nhiên là có nhiều lực lượng, kể cả văn nghệ. Nhưng trên thực tế sự tham gia của văn nghệ thường là ở mức ngấm ngầm, làm xói mòn dần chứ ít thấy ở mức đột khởi, bung phá. Vì sao vậy? Chẳng lẽ chỉ do "đặc trưng hình tượng"? Liệu có phải cơ chế quan liêu bao cấp không hạn chế văn nghệ, không ngăn cản văn nghệ sĩ lên tiếng báo động về sự tất yếu phải có đổi mới?
Tôi nghĩ, dân chủ hóa cũng là một dạng chính trị hóa đời sống xã hội, bởi nó mở ra cho tất cả các tầng lớp nhân dân tham gia vào việc quyết định các vấn đề nhằm xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa dân sự trong đó việc quản lý xã hội bằng pháp luật phải thay thế hẳn cho cách lãnh đạo theo ý chí riêng, theo những lệnh ngầm, những "cú điện thoại" không để lại bằng cứ. Nói "dân chủ hóa nhưng phải có lãnh đạo" mà không có sự luận chứng kèm theo, e rằng dễ quay trở lại với lề lối lãnh đạo bằng ý kiến riêng, chỉ thị riêng, tức là lấy ý chí riêng thay cho luật pháp. Trong phương hướng đổi mới, có lẽ về mặt dùng từ cũng cần phân hóa những nét nghĩa khác nhau mà lâu nay người ta đem chứa chung trong từ "lãnh đạo". Tôi nghĩ từ "lãnh đạo" nên dùng để trỏ hoạt động của lãnh tụ và ban lãnh đạo cao nhất của Đảng, nguyên thủ quốc gia và các cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất; ngoài ra, hoạt động của các cấp trung gian trong bộ máy thì chỉ nên gói gọn vào từ "quản lý". Như thế cũng thêm cái lợi là tránh được sự hù dọa của những người lạm quyền.
Nhân nói về tính chất quyết định của chính trị đối với văn nghệ, tôi nghĩ cũng cần phải thanh toán một lầm lẫn đôi khi đã trở thành nếp quen: hễ là cán bộ chính trị, dù ở cấp nào, đều "có quyền" chỉ huy văn nghệ sĩ, dù văn nghệ sĩ "cỡ" nào! (Đã có nơi có lúc người ta lạm dụng cái công thức đơn giản hóa và sai lầm này). Đối với chúng ta hiện nay, điều rất quan trọng và thiết thực là thể chế hóa sự lãnh đạo chính trị của Đảng đối với văn nghệ chứ không phải là chỉ cần dừng lại ở cách nói chung chung về "quyền lãnh đạo của chính trị đối với văn nghệ".
Có một từ khác trong bài viết của tôi liên quan đến khá nhiều điều phản bác của bạn Lê Xuân Vũ: từ “quan phương” (officiel). Dùng trong nghĩa rộng, từ này trỏ những gì thuộc tư thế hành chính nhà nước. Giấy tờ, văn kiện của cơ quan hành chính nhà nước (thậm chí của các tổ chức xã hội nữa) đương nhiên là phải viết theo phong cách quan phương, vì nó là tiếng nói chính thức của cơ quan hoặc người lãnh đạo một cộng đồng. Không phải cứ dùng định ngữ “quan phương” là đã bao hàm nghĩa xấu, nghĩa chê bai; đây chỉ là một từ trỏ loại hình. Xét từ góc độ phong cách, sáng tác ngôn từ nghệ thuật (folklore hoặc văn học thành văn) không thể theo phong cách quan phương vì nó phát ngôn từ góc độ cá nhân của một chủ thể cảm thụ thế giới (nhân vật trữ tình, người trần thuật, v.v…). Nhưng xét từ bình diện ý thức, trong lịch sử nghệ thuật cũng đã từng có những bộ phận nghệ thuật phát ngôn cho ý thức quan phương, lại có những bộ phận nghệ thuật phát ngôn cho ý thức nhân dân. Ý thức quan phương và ý thức nhân dân có khi thống nhất, nhưng không đồng nhất. Không phải phong cách quan phương, ý thức quan phương không có ích cho nghệ thuật, nhất là nghệ thuật có xu hướng sử thi. Vấn đề là tương quan giữa thời đại lịch sử và thời đại nghệ thuật (Nói chi tiết về việc này, xin một dịp khác).
Tất nhiên bạn Lê Xuân Vũ có thể không tán thành cách phân định loại hình mà chúng tôi nêu lên, bởi đến lượt mình, có thể bạn sẽ nêu lên một cách phân định khác hẳn. Đấy là quyền của từng người nghiên cứu. Ở đây tôi nêu một vài lý do đã khiến chúng tôi dùng thuật ngữ “quan phương”, hy vọng có thể giành được ít nhiều đồng tình và thông cảm.
Như mọi người đều biết, đối tượng chủ yếu mà công cuộc đổi mới hiện nay cần khắc phục và thanh toán chính là cơ chế hành chính quan liêu bao cấp trong kinh tế và quản lý xã hội. Cơ chế này là do chính chúng ta tạo ra, trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể, trong nước và quốc tế. Kèm theo sự hình thành cơ chế này là một tâm thế lý luận nào? Nhiều sự phân tích đã chỉ ra tâm thế lý luận ấy: tâm thế sùng bái mô hình chủ nghĩa xã hội nhà nước. Việc nóng vội quốc hữu hóa, quốc doanh hóa, việc xóa bỏ kinh tế tư nhân, việc phủ nhận kinh tế hàng hóa và các quy luật giá trị-thị trường, việc say mê dùng quyền ra chỉ thị, mệnh lệnh để điều khiển các hoạt động kinh tế xã hội, niềm tin ngây thơ rằng có thể đặt kế hoạch từ một trung tâm cho toàn bộ các nhu cầu đời sống và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, việc thiếu chú ý đến nhân tố con người, chậm đề xuất các chính sách xã hội, v.v… và v.v…, tất cả những điều này đều xa gần gắn với sự sùng bái việc sử dụng quyền lực hành chính nhà nước, quên rằng một đảng chính trị khi cầm quyền vẫn có thể thực hiện sự lãnh đạo xã hội của mình bằng nhiều phương thức hơn, không phải chỉ có độc nhất một phương thức là quyền lực nhà nước.
Cơ chế hành chính quan liêu bao cấp đó có tác động đến văn nghệ không? Văn nghệ là một trong những thiết chế xã hội, khó có thể nói nó không chịu tác động gì của cơ chế ấy. Vả chăng, nếu khăng khăng bảo rằng văn nghệ không chịu tác động gì của cơ chế ấy, thì cũng có nghĩa là gián tiếp cho rằng văn nghệ không chịu tác động gì của cơ chế xã hội chính trị, − điều mà bạn Lê Xuân Vũ nhắc nhở chúng tôi đừng phạm phải!
Có thể là không ít người thừa nhận là có sự tác động ấy. Nhưng hình dung hậu quả của nó ra sao thì có nhiều cách nói. Đã có những cách nói bằng các tính từ trỏ các mặt nhược điểm, khuyết điểm (bên cạnh các ưu điểm căn bản) như: gò bó, trói buộc...
Còn về sự lãnh đạo của đảng, chúng tôi nghĩ, nó sẽ được đảm bảo trước hết là thông qua hệ thống pháp chế về văn hóa văn nghệ. Nó cũng sẽ được phát huy thông qua hoạt động tư tưởng, hoạt động ngôn luận của đảng trên các kênh thông tin đại chúng (trong thời kỳ mới, những cơ quan ngôn luận của đảng chuyên trách về văn hóa văn nghệ thậm chí phải có nhiều hơn nữa). Cuối cùng, sự lãnh đạo của đảng sẽ được phát huy thông qua hoạt động xã hội và nghề nghiệp của những đảng viên là thành viên các hội sáng tác.
Như vậy, dẫu chúng tôi không hoàn toàn bác bỏ trên lý thuyết cả “khả năng nảy sinh mâu thuẫn và xung đột giữa người cầm quyền và giới trí thức sáng tạo nghệ thuật, khoa học” lẫn “nguy cơ hình thành một loại văn nghệ quan phương”, chúng tôi vẫn lạc quan nhìn thấy có khả năng khắc phục và điều chỉnh, bằng những phương thức cụ thể, thích hợp, trong một thời kỳ lịch sử nhất định.
Trong bài viết của bạn Lê Xuân Vũ còn có nhiều điểm khác cần trao đổi lại, nhưng tạm thời xin đi vào mấy điểm nêu trên. Xin cảm ơn bạn Lê Xuân Vũ về những ý kiến phản bác mà bạn đã trình bày. Mong rằng việc trao đổi sẽ còn được tiếp tục, theo hướng đổi mới tư duy lý luận, nói riêng là trong lĩnh vực lý luận văn nghệ.
Tháng Giêng 1989
(SH36/03&04-89)
HÀ VĂN THỊNH Nhân dịp “Kỷ niệm 50 năm Đại học Huế (ĐHH) Xây dựng và Phát triển”, ĐHH xuất bản Tạp chí Khoa học, số đặc biệt – 36, 4.2007.
NGÔ ĐỨC TIẾNNăm 1959, nhân dịp vào thăm Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, đến gian trưng bày hiện vật và hình ảnh đồng chí Phan Đăng Lưu, đồng chí Lê Duẩn phát biểu: “Đồng chí Phan Đăng Lưu là một trí thức cách mạng tiêu biểu”.
NGUYỄN KHẮC MAITháng 3 –1907, một số sĩ phu có tư tưởng tiến bộ của Việt Nam đã khởi xướng thành lập Đông Kinh Nghĩa Thục tại Hà Nội với mục đích “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” hô hào xây dựng đời sống mới mà giải pháp then chốt là mở trường học, nâng dân trí, học hỏi những bài học hoàn toàn mới mẻ về dân chủ, dân quyền, dân sinh, dân trí, cả về sản xuất kinh doanh, xây dựng lối sống văn minh của cá nhân và cộng đồng.
HỒ THẾ HÀ Thật lâu, mới được đọc tập nghiên cứu - phê bình văn học hay và thú vị. Hay và thú vị vì nó làm thỏa mãn nhận thức của người đọc về những vấn đề văn chương, học thuật. Đó là tập Văn chương - Những cuộc truy tìm(1) của Đỗ Ngọc Yên.
ĐOÀN TRỌNG HUY
Huy Cận có một quãng đời quan trọng ở Huế. Đó là mười năm từ 1929 đến 1939. Thời gian này, cậu thiếu niên 10 tuổi hoàn thành cấp tiểu học, học lên ban thành chung, sau đó hết bậc tú tài vào 19 tuổi. Rồi chàng thanh niên ấy tiếp tục về học bậc đại học ở Hà Nội.
NGUYỄN KHẮC THẠCHTrước hết phải thừa nhận rằng, từ ngày có quỹ hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình Văn học Nghệ thuật cho các Hội địa phương thì các hoạt động nghề nghiệp ở đây có phần có sinh khí hơn. Nhiều tác phẩm, công trình cá nhân cũng như tập thể được công bố một phần nhờ sự kích hoạt từ quỹ này.
THẠCH QUỲTrước hết, tôi xin liệt kê đơn thuần về tuổi tác các nhà văn.
TÙNG ĐIỂNLTS: “Phấn đấu để có nhiều tác phẩm tốt hơn nữa” là chủ đề cuộc tập huấn và hội thảo của các Hội Văn học Nghệ thuật khu vực miền Trung và Tây Nguyên tại thành phố Nha Trang đầu tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên, ngoài nội dung đó, các đại biểu còn thảo luận, đánh giá hiệu quả sử dụng quỹ hỗ trợ sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật trong mấy năm gần đây.Nhiều ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, nhiều tham luận sâu sắc chân thành đã được trình bày tại Hội nghị.Sông Hương xin trích đăng một phần nội dung trên trong giới hạn của chuyên mục này.
PHẠM PHÚ PHONGMột đặc điểm tương đối phổ biến của các tác giả sáng tác ở miền Nam trước đây là hầu hết các nhà văn đều là những nhà văn hoá, tác phẩm của họ không chỉ thể hiện sự am hiểu đến tường tận các lĩnh vực văn hoá, mà trong một đời văn lực lưỡng của mình, họ không chỉ sáng tác văn chương mà còn sưu tầm, dịch thuật, khảo cứu nhiều lĩnh vực văn hoá như lịch sử, địa lý, địa chí, ngôn ngữ, dân tộc học, văn học và văn hoá dân gian, như các tác giả từng toả bóng một thời là Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Chánh Sắt, Đông Hồ, Vương Hồng Sển, Nguyễn Văn Xuân, Sơn Nam... trong đó có Bình Nguyên Lộc.
PHAN KHÔILời dẫn Bài mà tôi giới thiệu dưới đây thuộc một giai đoạn làm báo của Phan Khôi còn ít người biết, − giai đoạn ông làm báo trên đất Thần Kinh, tức thành phố Huế ngày nay, những năm 1935-1937; khi ấy Huế đang là kinh đô của triều Nguyễn, của nước Đại Nam, nhưng chỉ là một trung tâm vào loại nhỏ xét về báo chí truyền thông trong toàn cõi Đông Dương thời ấy.
PHONG LÊÔng là người cùng thế hệ, hoặc là cùng hoạt động với Nam Cao, Nguyên Hồng, Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Như Phong... Cùng với họ, ông có truyện trên Tiểu thuyết thứ Bảy và Trung Bắc chủ nhật trong những năm 1941-1945. Cùng hoạt động trong Hội Văn hóa cứu quốc đầu Cách mạng tháng Tám, và tham gia xây dựng văn nghệ kháng chiến, làm tờ Tạp chí Văn nghệ số 1 - tiền thân của tất cả các cơ quan ngôn luận của Hội Văn nghệ và Hội Nhà văn Việt Nam.
TRẦN VĂN SÁNGCó thể nói, học tập phong cách ngôn ngữ Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết, là học tập cách viết và cách lập luận chặt chẽ qua từng câu chữ, mỗi trang văn chính luận. Những văn bản: “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, “Tuyên truyền”, “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Tuyên ngôn Độc lập” luôn là những áng văn mẫu mực về phong cách ngôn ngữ ngắn gọn, chắc chắn, dễ hiểu, chính xác và giàu cảm xúc.
TRẦN THỊ MAI NHÂNNgười ta kể rằng, ở Ấn Độ, trong cái nhộn nhịp của cuộc sống, con người thường nghe văng vẳng tiếng gọi: “Hãy chở ta sang bờ bên kia”. Đó là tiếng gọi của con người khi “cảm thấy rằng mình còn chưa đến đích” (Tagore).
HOÀNG THỊ BÍCH HỒNGKhái niệm “Lạ hoá” (estrangemet) xuất hiện trong những năm 20 của thế kỷ XX gắn với trường phái hình thức Nga. Theo Shklovski thì nhận thức của con người luôn có xu hướng tự động hoá để giảm bớt năng lượng tư duy, “người ta thường dùng những từ quen thuộc đến sờn mòn”(1).
VÕ THỊ THU HƯỜNGTrời đất bao la mênh mông, ẩn chứa thật nhiều những bí mật mà con người chúng ta không ngừng khám phá mỗi ngày và cũng đã đạt được rất nhiều thành tựu mới mẻ và kỳ lạ.
TZVETAN TODOROV Lời dẫnNền văn chương đang lâm nguy (La littérature en péril)(1), đó là tựa đề cho cuốn sách mới nhất, vừa được xuất bản ở Pháp của nhà lý luận văn học nổi tiếng: Tzvetan Todorov - đại biểu xuất sắc của chủ nghĩa cấu trúc, tác giả của nhiều công trình khoa học tầm cỡ.
LẠI NGUYÊN ÂN 1. Phạm trù chủ nghĩa cá nhân (individualisme) của tư tưởng phương Tây được Phan Khôi (1887-1959) đề cập từ cuối những năm 1920 đầu những năm 1930, khi mà một trong những đề tài thu hút ngòi bút viết báo của ông chính là vấn đề thời sự của đời sống văn hoá tư tưởng đương thời: trạng thái và số phận của những tư tưởng cổ truyền phương Đông trước một xu thế đang diễn ra trên chính phương Đông, được gọi là xu hướng “Âu hoá”.
HỒ THẾ HÀPhân tâm học ra đời đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc nhận thức những vấn đề thầm kín, vi diệu nhất của tâm sinh lý con người. Nó trở thành khoa học phân tích tâm lý chiều sâu của mọi hành vi trong đời sống ý thức và vô thức của mỗi cá thể người.
TRẦN THỊ THANH NHỊ “Tôi bị thôi thúc bởi một thứ khao khát hiểu biết có liên quan đến những quan hệ giữa người với người hơn là với các đối tượng tự nhiên.”(Sigmun Freud)
TZVETAN TODOROV(Cuộc tranh luận văn học giữa George Sand và Gustave Flaubert - qua đánh giá của Tzvetan Todorov)