Từ ba chuyển đổi làm nên gương mặt của cái thời chúng ta đang sống...

15:44 29/01/2010
PHONG LÊ      (Tiếp theo Sông Hương số 250 tháng 12-2009 và hết) Sau chuyển đổi từ sự chia tách, phân cách đến hội nhập, cộng sinh, là một chuyển đổi khác, cũng không kém tầm vóc: đó là từ cộng đồng sang cá nhân; với một quan niệm mới: cá nhân mạnh thì cộng đồng mới mạnh; cá nhân được khẳng định thì sự khẳng định vai trò cộng đồng mới được bảo đảm.

GS Phong Lê - Ảnh: ductho.edu.vn

Xin không đi quá sâu vào lịch sử để xem xét mối quan hệ cá nhân- cộng đồng trong xã hội phong kiến lấy Nho giáo làm nền tảng, đưa tới sự bóp nghẹt cá nhân, hủy diệt cá tính trong mọi vòng kim cô: tam cương ngũ thường, tam tòng tứ đức - đã in sâu vào máu mọi thế hệ Kẻ Sỹ, đến cả những bậc ương ngạnh nhất như Nguyễn Du cũng phải để cho Từ Hải chết đứng; Cao Bá Quát phải đi làm giặc; còn Nguyễn Công Trứ, người nổi tiếng là ngông nghênh, đa tình mà vẫn cứ phải thúc thủ trước một cái rào chắn: “Hay tám vạn tư mặc kệ, không quân thần phụ tử đếch ra người”. Và nếu Kẻ Sỹ đã là thế, thì thứ dân lại càng bị trói buộc bởi trăm bề, vừa của phép vua, vừa của lệ làng. Từ ý thức đến tâm lý, tập quán, thói quen nếu người dân là con giun cái dế thì thế giới quan lại cũng là một trật tự các thang bậc của thế quyền, dưới quyền tối thượng của đức Vua, dẫu là hôn quân hoặc minh chủ. Sự ra đời của giai cấp tư sản và cuộc cách mạng tư sản trên phạm vi toàn thế giới đã lật đổ mọi uy lực của thế quyền và thần quyền, mà đem lại một giải phóng lớn cho xã hội - là giải phóng cá nhân, cho họ biết cái hạnh phúc được tự do, trước hết là tự do thân thể, và những thứ gọi bằng hạnh phúc mà con người sinh ra ở đời đều có quyền được hưởng, tất nhiên là trong những giới hạn mà lịch sử, và lịch sử đấu tranh giai cấp cho phép. Nhân đây cần dừng lại một ít về vai trò của giai cấp tư sản trong lịch sử. Một thời dài, với quan niệm đấu tranh giai cấp là động lực thúc đẩy thế giới phát triển, chúng ta đã đẩy về phía đối lập - thù địch tất cả những gì thuộc về hoặc gắn với giai cấp thống trị và hệ ý thức thống trị, trong đó giai cấp tư sản và hệ ý thức tư sản cùng với các thành phần có liên quan với chế độ tư hữu, gồm cả các tầng lớp trí thức tiểu tư sản là đối tượng phải đấu tranh để cải tạo. Khẩu hiệu công nông hóa trí thức một thời dài phải được quán triệt, chính vì mục tiêu này. Thế nhưng nếu “Tư tưởng thống trị của thời đại là tư tưởng của giai cấp thống trị”, thì mọi sản phẩm văn hóa và tinh thần của thời đại lại là đóng góp của nhân dân, và các tầng lớp trí thức của nhân dân, hoặc đứng về phía nhân dân. Tất cả những tên tuổi lớn trong số các danh nhân văn hóa và lịch sử của dân tộc và nhân loại đều thuộc tầng lớp trí thức, và do vậy mà thuộc về nhân dân. Còn giai cấp tư sản là giai cấp đã làm nên các cuộc cách mạng tư sản, đưa nhân loại vào một thời đại mới - thời đại của phát triển tư bản chủ nghĩa, thời đại mà những người khai sáng của nó, đều thuộc tầng lớp trí thức; và chính họ, những người khai sáng này - “những người đã đặt cơ sở cho nền thống trị hiện đại của giai cấp tư sản” - theo Ăngghen “có thể được xem bất cứ là những người như thế nào, nhưng quyết không phải là những người có tính hạn chế tư sản...”(1). Có nghĩa là, họ vẫn có đủ tư cách là phát ngôn, là đại diện cho lợi ích chung của nhân loại. Như vậy là thành tựu của khoa học, nghệ thuật, sản phẩm của các tầng lớp trí thức, vào bất cứ thời nào, cũng không phải là sở hữu của một giai tầng thống trị nào mà là thành tựu chung của văn minh nhân loại. Mỗi giai cấp đang lên đều được thừa hưởng các thành tựu đó, và cần biết cách sử dụng và phát huy vai trò của tri thức để gia tăng của cải vật chất và cải thiện đời sống tinh thần của xã hội.

Trở lại với vấn đề chúng ta đang bàn. Chủ nghĩa thực dân áp đặt sự thống trị lên thế giới người da màu, ở cả ba lục địa, biến các xã hội tiền tư bản thành xã hội thuộc địa; nhưng ngay trong xã hội thuộc địa là xã hội được kiến lập theo mô hình phương Tây, như cách nói của Mác: biến các xã hội mà nó xâm chiếm, bóc lột phải khuôn theo hình ảnh của mình, thì dẫu với tất cả các tội lỗi nó gây ra, vẫn cứ có những khoảng sống và khoảng sáng văn minh nhiều lần hơn xã hội phong kiến chuyên chế; không những hết những “ngục văn tự”, mà cũng chưa thấy người viết nào phải vào tù vì một áng văn chương - trừ văn học cách mạng bí mật, gắn với hoạt động cũng phải bí mật của các nhà Nho - chí sĩ, hoặc chiến sĩ cộng sản. Đó là điều giúp ta hiểu vì sao, ngay trong xã hội thuộc địa, vào nửa đầu thế kỷ XX, sinh hoạt văn hóa- tinh thần và nền văn chương- học thuật Việt Nam đã đạt được những thành tựu có thể nói là kỳ diệu - để có chữ Quốc ngữ, phong trào báo chí - xuất bản, Thơ mới, văn học hiện thực và những công trình biên khảo, phê bình, nghị luận sáng giá.

Tất cả bức tranh ngoạn mục nói trên có nguyên nhân gốc rễ là ở sự tiếp xúc với văn minh phương Tây, trong đó lõi cốt là sự giải phóng cá nhân, với những phân tích rất hay như của Hoài Thanh trong bài Tựa, đặt ở đầu Thi nhân Việt Nam. Một nửa thế kỷ cho sự hình thành cái cá nhân và nhu cầu giải phóng cá nhân; và khi cái cá nhân được tôn trọng, được giải phóng ra khỏi mọi ràng buộc, dẫu là trong khuôn khổ xã hội thuộc địa, thì đời sống tinh thần và văn chương học thuật sẽ có một khởi sắc đáng kể - đó là sự hình thành các phong cách nghệ thuật trong văn thơ như Hoài Thanh đã từng xác quyết: “Tôi quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại nào phong phú như thời đại này...” (thời kỳ 1930-1945). Tất nhiên nhà phê bình đã rất chặt chẽ, trong một rào đón để cho thấy đấy là so thời với thời, chứ không so cá nhân với cá nhân. Bởi so cá nhân thì có tên tuổi nào của thời hiện đại dám sánh ngang với Nguyễn Du, Nguyễn Trãi - là những thiên tài dân tộc, kết tinh của nhiều trăm năm văn hóa, văn hiến Việt Nam. Đó cũng là hiện tượng giúp ta hiểu, sự phát triển của khoa học, công nghệ là sự phủ định và tiếp tục; còn ở các lĩnh vực văn học, nghệ thuật lại là sự sáng tạo để không lặp lại, và do thế, không phải ai đến sau là nhất định phải hơn người trước; đã là Lep Tonxtôi thì phải vượt Sếchxpia; đã là Nguyễn Du thì phải hơn Nguyễn Trãi v.v...

Dĩ nhiên khi đất nước còn bị nô lệ, khi nhân dân còn trong tăm tối, nghèo khổ thì việc đòi quyền cá nhân cho một lớp người mới sinh ra trong đời sống đô thị - những cô Mai không chịu làm lẽ; những cô Nhung đòi quyền tái giá; những kiểu và cách yêu khác nhau trong Xuân Diệu, Nguyễn Bính; quyền được buồn, được cô đơn trong Huy Cận, Chế Lan Viên... xem ra là có vẻ lạc lõng. Nhưng dẫu là lạc lõng, nó vẫn là một hiện hữu, tồn tại, báo hiệu sự ra đời một chủ thể mới, dẫu còn èo uột, một hình thái xã hội mới, một phương thức sản xuất mới dẫu chỉ là manh nha, nhưng vẫn nhiều lần cao hơn, văn minh hơn chế độ phong kiến trung cổ. Sự hình thành cái cá nhân và nhu cầu giải phóng cá nhân này vừa mới cất lên được tiếng nói của nó trong văn chương lãng mạn từ 1925 đến 1945, thì sau 1945 - do yêu cầu cách mạng và do hoàn cảnh chiến tranh kéo dài, và tiếp đó, do một định hướng phát triển xã hội không thuận theo quy luật nên bị phê phán và vùi dập trong hơn 40 năm. Một áp lực ghê gớm của thời cuộc - của các thiết chế và ý thức hệ chính thống khiến cho bất cứ cá nhân nào, dẫu có ngông nghênh, kiêu bạc, tài năng, cốt cách hơn người đến đâu cũng đều thúc thủ, chịu nép một bề, trong những phê bình, sám hối. Cố nhiên trong buổi đầu tiếp xúc với cách mạng, từ trong bóng tối của xã hội cũ bước ra, cái cá nhân vừa mới hình thành đã bị choáng ngợp trước sức mạnh và vẻ đẹp của cộng đồng, mà theo cách nói quen thuộc của một thời, đó là Đoàn thể: “Đoàn thể đã tái tạo chúng tôi, và trong bầu không khí mới của giang sơn, chúng tôi, những nạn nhân của thời đại chữ “tôi”, hay muốn gọi là tội nhân cũng được, chúng tôi thấy rằng đời sống riêng của cá nhân không có nghĩa gì trong đời sống bao la của Đoàn thể” (Hoài Thanh)(2). “Đoàn thể, đó là một cái gì rất thiêng liêng... Nước nhà đang cần đến những bàn tay, những hy sinh” (Nam Cao)(3). Nhưng rồi, cùng với thời gian, theo sự xiết chặt của hệ tư tưởng chính thống, trong bối cảnh một cuộc chiến khốc liệt giải phóng dân tộc và trong kiên trì con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, cái cá nhân dần dần bị dồn ép và mất hết đất đai cho sự tồn tại, rồi trở thành đối tượng của sự chuyên chính của Đoàn thể qua rất nhiều vụ, việc lớn nhỏ, trong đời sống chính trị cũng như trong văn chương, học thuật... Gần đây, trong tùy bút Đi tìm cái tôi đã mất (được đưa lên mạng, nên có rất nhiều người đọc), nhà văn vừa quá cố Nguyễn Khải đã qua bản thân mình mà diễn giải khá sâu về hiện tượng này. Đó là bài viết gợi được nhiều ý, nhiều chuyện cần bàn, trong nhiều chiều, và có thể là trái ngược nhau; khoanh vùng trong phạm vi văn chương, tôi chỉ muốn lưu ý một điều: Việc đánh mất ấy, - nếu thật sự có đánh mất, là có nhiều lý do, trong đó có lý do ở chính các nhà văn, trong những băn khoăn thành tâm về những gì gọi bằng “lột xác”, “lột vỏ”, “nhận đường”, kể cả những sám hối... Nhưng giá nhà văn có vì các lý do khách quan, hoặc chủ quan nào đó mà tự đánh mất hoặc bị tước mất cái cá nhân một cách buồn thảm như Nguyễn Khải kể, thì những gì đã được họ tạo ra vào thời ấy, cũng không phải tất cả đều là của giả hoặc đáng bỏ đi - Ngay cả đối với Nguyễn Khải. Và đây là câu chuyện còn cần phải nghĩ ngẫm và bàn luận nhiều... Thời Đổi mới và hội nhập là thời khởi động trở lại vai trò cá nhân, sự tôn trọng cá nhân; và với chuyển động này, cái cá nhân dần dần được hồi sức và bù đắp sinh khí, để trở thành động lực mới cho sự phát triển, trên tất cả các phương diện của đời sống vật chất và tinh thần. Lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ vai trò các doanh nhân được tôn vinh, kể từ khởi động đầu tiên là sự tôn trọng quyền tư hữu (sau một thời gian dài bị xóa sổ, để thay cho công hữu). Tiếp đó là sự khuyến khích việc làm giàu cho bất cứ ai muốn và có khả năng làm giàu - tất nhiên một cách chính đáng; và hẳn cũng không thiếu một tỷ lệ làm giàu bất chính đã phải (hoặc còn chưa bị) ra tòa; là cách nghĩ dân có giàu thì nước mới mạnh, chứ không phải là sự tự mãn với một cái lý lịch nghèo hèn “ba đời khốn nạn” (như cách nói của Nguyên Hồng), với hướng giải quyết quen thuộc trong lịch sử các cuộc khởi nghĩa nông dân là chia của nhà giàu cho người nghèo, cho đến Cải cách ruộng đất là chia “quả thực”; hoặc chia đều cái nghèo, cái đói cho mọi người theo chủ nghĩa bình quân; để rồi, muốn hoặc không muốn, đẩy cả dân tộc xuống một trình độ sống hạ đẳng, có chung gương mặt của người “mất sổ gạo”. Và khi đã hết tâm lý kỳ thị sự giàu có, khi đã biết gắn cái nghèo với sự hèn, khi quyền tư hữu được pháp luật tôn trọng - về phương diện vật chất, thì trong đời sống tinh thần, cái riêng của mỗi cá thể mới có quyền tồn tại, và cần được tìm đến như một vị trí, một tư thế trong cộng đồng, từ đó đem lại sự sống động và phong phú các phong cách riêng trong sáng tạo văn chương- nghệ thuật.

Đây là thực trạng thứ hai, trong cách nghĩ của tôi, nó là cơ sở cho những phát triển mới của đời sống văn hóa, tinh thần, làm thay đổi đời sống xã hội và gương mặt con người. Tất nhiên, nó vẫn cứ là một phát triển còn gây tranh cãi; và cũng có rất nhiều khía cạnh gây âu lo, vì giữa sự phát triển cá nhân và cá nhân chủ nghĩa vẫn có một ranh giới không dễ xác định. Đi tìm cái riêng, cái đơn nhất, cái khác nhau, là lẽ tồn tại trong các sáng tạo tinh thần; nhưng đó là việc khó, vô cùng khó. Bởi nó là sản phẩm của những tài năng, của thiên tài. Mà tài năng thường là hiếm - nói như Lênin. Tài năng còn là phẩm chất gắn với nhân cách, đạo đức, đạo lý... Tức là một thuộc tính nằm trong chủ nghĩa nhân văn, gắn với chất người, với lòng yêu thương, trân trọng con người, trước hết là những người thấp cổ bé họng, dường như thời nào cũng có, làm nên bộ phận chúng sinh đông đảo nhất. Là cách sống “mình vì mọi người” mà bất cứ sự phát triển xã hội nào cũng đều phải dùng làm thước đo cho trình độ văn minh và nhân bản. Là sự khiêm nhường, biết khép mình, tránh mọi bon chen, nhường chỗ rộng cho thiên hạ, mà những gương mặt trí thức chân chính (tôi nhấn mạnh sự chân chính) nơi đâu cũng đều có - để phân biệt với thế giới những ai muốn là trí thức nhưng lại chưa đủ sự trang bị nên phải tìm cách đánh bóng tên tuổi bằng tiền, và bằng nhiều cách thức, kể cả những vụ “đốt đền”. Hoặc là có tri thức mà tự làm hỏng mình đi vì những kiêu căng, khinh bạc vô lối, rẻ rúng di sản của ông cha, rẻ rúng ngay cả những người ruột thịt hoặc là các bậc thầy của mình. Lớp người quen tranh lấy phần được bằng cách hạ nhục, bước qua đầu, dẫm lên chân người khác, không lúc nào là không có, và dường như bây giờ càng không hiếm.

Cố nhiên nói đến văn chương, nghệ thuật là nói đến sự sáng tạo, để luôn có cái mới, để không lặp lại người khác và lặp lại chính mình. Do vậy đây là câu chuyện tế nhị và khó bàn khi đi vào cụ thể những tìm tòi rất muôn vẻ, với rất nhiều kiểu dạng trong đời sống văn chương- nghệ thuật gần đây, có mặt ở khắp các lĩnh vực thơ, văn, nhạc, họa, kiến trúc, điện ảnh... Bởi mọi đánh giá cần dựa vào nhiều tiêu chí, trong đó có tiêu chí phổ quát chung cho nhân quần, cũng lại có tiêu chí thuộc về tri thức chuyên sâu, khi sự chuyên nghiệp hóa đương là mục tiêu đặt ra cho tất cả mọi ngành nghề trong xã hội. Cái được công chúng phổ cập yêu thích có khi lại đứng ra ngoài sự quan tâm của các đẳng cấp chuyên gia. Nhiều giải Nobel văn chương không phải tất cả được mọi người đọc. Sự yêu thích của lớp người này gặp phải sự hờ hững, chê bai của một lớp người khác. Những khác nhau, hoặc đối lập nhau trong thưởng thức, khen chê đó là chuyện bình thường. Nhưng dẫu vậy, vẫn phải có một mẫu số chung cho mọi tìm kiếm và đánh giá - hàng nghìn năm qua đã thế, và bây giờ cũng thế, đó là khát vọng Chân-Thiện-Mỹ chung cho nhân loại; và là sự khơi rộng chứ không phải là đi ngược hoặc đi chệch ra ngoài truyền thống văn hóa, văn hiến, văn minh dân tộc.

Nhìn rộng ra toàn cảnh sinh hoạt xã hội, khi cái cá nhân được quyền tồn tại theo cách riêng của nó, thì giữa các cá nhân với nhau, và giữa cá nhân với cộng đồng khó tránh những đụng độ, va chạm; những xích mích, bất đồng tình, mà sự điều hòa, không thể chỉ dựa vào hiến pháp, luật pháp. Từ sự khẳng định cá nhân đến việc chạy đuổi theo lợi ích cá nhân, khó tránh va chạm và gây tổn thương cho người khác. Khi pháp luật chưa hoàn thiện, và khi bộ máy quản lý xã hội còn không ít những kẻ bất tài và vô tâm, do những cách tuyển lựa không theo những quy chuẩn thích hợp thì sẽ có hàng trăm ngàn kẽ hở cho con người chạy đuổi theo lợi ích cá nhân, làm băng hoại xã hội. Một mặt khác, cái cá nhân, khi đã là lẽ sống để tôn thờ thì sẽ đẻ ra thói ích kỷ và vô cảm trong ứng xử của con người đối với cộng đồng. Để không lụy vào thân, người ta sẵn sàng thờ ơ với cái ác; và hệ quả là tội ác lan tràn, từ các phi vụ làm ăn của các ông chủ lớn-bé kéo theo hàng chuỗi các quan tham lại nhũng đến những vụ đâm xe, người bị nạn ngã quay bên đường, nằm chỏng chơ giữa nườm nượp người qua lại; một con nghiện có thể đâm chết người ruột thịt để có tiền chích hút; mẹ con đưa nhau ra tòa, vì một mảnh vườn hương hỏa. Nhìn vào chuyện thường ngày, cũng dễ dàng nhận ra sự lỏng lẻo trong tất cả các mối quan hệ: tình đồng chí trở thành chuyện hài hước; quan hệ thầy trò như là người mua - kẻ bán; tình bạn bè, đồng nghiệp, anh em khó có được hình hài “chí cốt” của nó, như tổ tiên cha ông truyền lại.

Cuộc sống, trong mỗi hiện tượng, mỗi sự vật bao giờ cũng gồm hai mặt. Biết vậy, nhưng để có một hình dung cụ thể về nó, cần phải trải qua nó. Những thay đổi trạng thái sống đưa tới sự thay đổi tiêu chí sống; phần linh hoạt cho ta khả năng thích ứng để không quá thấp thua thiên hạ; còn phần ổn định, cố định cho ta giữ được là mình. Lại trở lại mối quan hệ mức sống và lối sống, mà ta có thể học được ở cha ông, và ở nhiều nơi trên thế giới.

3

Chuyển đổi thứ ba, trong nhận thức của tôi - đó là sự nới rộng các mối giao lưu, từ hẹp sang rộng, từ chủ trương bế quan tỏa cảng, khép kín đối với mọi nền văn minh khác mình, buộc phải mở cửa cho văn minh phương Tây xâm nhập vào nửa sau thế kỷ XIX; và từ “phe” (trong một thế giới chia đôi) mà hòa vào một thế giới đang tan băng, để đến với những mục tiêu mà cả nhân loại cùng theo đuổi, và thoát ra khỏi thế cô lập cục bộ với nhân loại, trong nửa cuối thế kỷ XX. Từ một nước nông nghiệp lạc hậu hàng nghìn năm, sau khi giành được độc lập ta đã tiến hành công cuộc xây dựng đất nước trong hoàn cảnh chiến tranh. Là nước thuộc thế giới thứ ba, lại lâm vào hai cuộc chiến khốc liệt quá dài, trong một thế giới chia đôi, ra khỏi chiến tranh với rất nhiều thương tích, lại hướng theo một mô hình xã hội sai lầm, không thuận với quy luật, nên bước đi của dân tộc bị chậm rất nhiều, so với khu vực. Còn so với các nước tiên tiến thuộc văn minh tư bản, thì sự thấp thua là nhiều trăm năm. Trong hai cuộc Toàn cầu hóa - lần thứ nhất bắt đầu từ năm 1492 (năm Christopher Colombus phát hiện ra châu Mỹ); và lần thứ hai từ năm 1800 (sau Cách mạng tư sản Pháp 1789), ta còn là một nước lạc hậu đứng ra ngoài guồng văn minh nhân loại, thì đến cuộc Toàn cầu hóa lần thứ ba, gắn với Kỷ nguyên Thông tin và Cách mạng số, bắt đầu từ năm 2000 (sau sự kiện Bức tường Berlin đổ 1989), ta đã có một cơ hội để bước vào cùng một phòng chờ với nhiều dân tộc khác trên thế giới. Đó là một may mắn của lịch sử. Để không được chậm trễ và bỏ lỡ cơ hội, ta phải biết cách làm bạn với cả thế giới, và phải biết cách đi tắt, đón đầu. Đó là điều khó tránh. Nhưng đi tắt, đón đầu là phải bỏ qua nhiều khâu, nhiều giai đoạn quan trọng, là phải đốt cháy giai đoạn, và khó tránh vi phạm những bước tiến theo quy luật tự nhiên của lịch sử. Kinh nghiệm của những bứt phá, những đại nhảy vọt, những cuộc cách mạng với những cái tên rất kêu, và một hệ thống lý thuyết nằm trong các đường lối, cương lĩnh, nghị quyết đậm đặc ý chí luận đã gây ra bao đứt gẫy với truyền thống, và mất gốc rễ lịch sử. Do vậy nếu ở các lĩnh vực sản xuất vật chất, khoa học, công nghệ cần phải nhanh gấp đến với các mục tiêu tiên tiến, thì ở lĩnh vực văn hóa, tinh thần lại cần biết cách điều chỉnh, cân bằng để tạo một môi sinh thuận theo tâm lý, thói quen, văn hóa ứng xử, không đột ngột cắt đứt với truyền thống cha ông. Ở đây, bài học về khả năng rút ngắn con đường đi và khả năng nhảy vọt của kinh tế, kỹ thuật ở Nhật Bản quả là đầy sức thuyết phục. Bài học của một nước từ giữa thế kỷ XIX trở về trước vẫn có cùng khởi điểm với ta, còn thuộc phạm trù phương Đông lạc hậu. Cho đến nay, theo gương Nhật Bản, một số nước được xem là con rồng của Đông Á và Đông Nam Á cũng đã tiến cùng Nhật vào quỹ đạo xã hội hiện đại. Bài học Nhật Bản là bài học khẩn trương canh tân đất nước với ý thức tôn trọng, giữ gìn bản sắc và chỗ đứng của riêng mình. Bài học không cắt đứt đột ngột với quá khứ mà biết giữ gìn và tiếp nối quá khứ, trong sự nhận thức vai trò của Khổng giáo và việc sử dụng tầng lớp quý tộc Samurai - nguồn cung cấp đội ngũ cán bộ chủ chốt cho công cuộc canh tân. Bài học về sự huy động sức mạnh tổng hợp của đạo lý truyền thống và khoa học, của văn hóa và công nghệ, được đúc kết trong phương châm “Kỹ thuật phương Tây, đạo lý Nhật Bản”. Nếu công nghệ đưa trình độ sản xuất lên cao thì văn hóa giữ cho mỗi dân tộc vẫn là mình. Những cái giá phải trả nếu chỉ chọn duy nhất con đường Tây Âu hóa, như trong thế kỷ qua, tức là con đường chỉ đơn thuần dựa vào vốn, vào kỹ thuật và công nghệ của nước ngoài mà coi nhẹ hoặc bất chấp văn hóa bản địa, bất chấp nền móng dân tộc như đã diễn ra ở một số khu vực của thế giới thứ ba, sẽ dẫn ngay đến sự suy thoái kinh tế, cùng biết bao hậu quả xã hội.

Khảo sát nền văn hóa dân tộc trong nhiều nghìn năm cho ta thấy việc tiếp nhận ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa mà vẫn giữ được gốc Việt, không bị đồng hóa trong cả nghìn năm Bắc thuộc, không chịu khuất phục trong cả nghìn năm tự chủ. Vẫn dùng chữ Hán, khi chưa có chữ riêng; và ngay cả khi đã có chữ Nôm, vẫn dùng chữ Hán để sáng tạo nên một nền văn chương- học thuật với giòng chủ lưu là giòng yêu nước, qua các tác phẩm đứng ở đỉnh cao kho tàng văn minh dân tộc... Ngót một thế kỷ chịu sự xâm lăng và thống trị của thực dân Pháp, nền văn hóa Việt Nam vẫn không bị đồng hóa; và với chữ Quốc ngữ, đến từ gốc la tinh, được sử dụng, để phổ cập di sản dân gian và Hán-Nôm truyền thống và để tiếp nhận các thành tựu của phương Tây ta đã nhanh chóng tạo được một nền văn chương- học thuật hiện đại, trong gắng gỏi đuổi kịp với trình độ chung của nhân loại. Như vậy là trong khi phấn đấu thoát ra khỏi sự phong bế (ở nhiều cấp độ), ta vẫn tạo được một cái gì vừa là của riêng mình, để không rời xa truyền thống; vừa vẫn có được cái mới - phù hợp với sự tiến triển chung, mà không bị loại ra khỏi các cuộc đua trên đại lộ của văn minh toàn cầu.


Tôi sẽ xin không đi sâu vào mục 3 này, bởi có những điều đã được nói đến trong mục 1. Để kết luận: 3 thực trạng, 3 chuyển đổi nằm trong nghĩ ngẫm của tôi về cái thời chúng ta đang sống hôm nay, đó là: từ sự phân cách, chia đôi, chuyển sang hội nhập, cộng sinh - có nghĩa là nhân rộng hơn các tiềm năng, cũng đồng thời phải biết cách ngăn ngừa, hoặc chung sống với các hiểm họa; từ cộng đồng (hoặc “đoàn thể”, theo cách nghĩ của Hoài Thanh, Nam Cao, đã dẫn trên) chuyển sang cá nhân - cá nhân trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển; nhưng cá nhân cũng sẵn sàng nổi loạn, cho các ước vọng thoát ra khỏi các chuẩn mực của cộng đồng; và từ phong bế (ở các cấp độ khác nhau) đến sự mở rộng giao lưu và hội nhập, buộc trong đi tắt, đón đầu mà không đứt gãy với lịch sử. Đó là xu thế, là hành trình không thể tránh, với các triển vọng, và các giới hạn của nó; cả hai phương diện phải được nhận thức thấu đáo, mới tạo được sự thăng bằng, sự bình ổn trong phát triển.

P.L

(251/01-2010)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • TRẦN CAO SƠNTriều Nguyễn tồn tại gần 150 năm, kể từ khi Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế với niên hiệu Gia Long - năm1802, tạo dựng một đế chế tập quyền trên toàn bộ lãnh thổ mà trước đó chưa hề có. Trải qua một thế kỷ rưỡi tồn tại, vinh hoa và tủi nhục, Triều đại Nguyễn là một thực thể cấu thành trong lịch sử Đại Việt. Những cái do triều đình Nhà Nguyễn mang lại cũng rất có ý nghĩa, đó là chấm dứt cuộc nội chiến, tranh giành quyền lực, xương trắng máu đào liên miên mấy thế kỷ, kiến tạo bộ máy quản lý hành chính trung ương tập quyền thống nhất mà Quang Trung - Nguyễn Huệ đã dày công vun đắp gây dựng trước đó. Dân tộc đã phải trải qua những năm tháng bi hùng với nhiều điều nuối tiếc, đáng bàn đáng nói ngay ở chính hôm nay. Song lịch sử là lịch sử, đó là một hiện thực khách quan.

  • TRẦN HUYỀN SÂMNếu nghệ thuật là một sự ngạc nhiên thì chính tiểu thuyết Thập giá giữa rừng sâu là sự minh định rõ nhất cho điều này. Tôi bàng hoàng nhận ra rằng, luận thuyết: con người cao quý và có tình hơn động vật đã không hoàn toàn đúng như lâu nay chúng ta vẫn tin tưởng một cách hồn nhiên. Con người có nguy cơ sa xuống hàng thú vật, thậm chí không bằng thú vật, nếu không ý thức được giá trị đích thực của Con Người với cái tên viết hoa của nó. Phải chăng, đây chính là lời nói tối hậu với con người, về con người của tác phẩm này?

  • HOÀNG NGỌC HIẾN           ...Từ những nguồn khác nhau: đạo đức học, mỹ học, triết học xã hội-chính trị, triết học xã hội-văn hoá... cảm hứng triết luận trong nghiên cứu, phê bình văn học là nỗ lực vượt lên trên những thành kiến và định kiến hẹp hòi trong sinh hoạt cũng như trong học thuật. Những thành kiến, định kiến này có khi lại được xem như những điều hiển nhiên. Mà đã là “hiển nhiên” thì khỏi phải bàn. Đây cũng là một thói quen khá phổ biến trong nhân loại. Cảm hứng triết luận trong nghiên cứu, phê bình có khi bắt nguồn từ suy nghĩ về chính những điều “hiển nhiên” như vậy...

  • THÁI DOÃN HIỂUVào đời, Lưu Quang Vũ bắt đầu làm thơ, viết truyện, rồi dừng lại nơi kịch. Ở thể loại nào, tài năng của Vũ cũng in dấu ấn đậm đà làm cho bạn đọc cả nước đi từ ngạc nhiên đến sửng sốt. Thơ Lưu Quang Vũ một thời được lớp trẻ say sưa chép và thuộc. Kịch Lưu Quang Vũ một thời gần như thống trị sân khấu cả nước.

  • TRẦN THANH ĐẠMTrong lịch sử nước ta cũng như nhiều nước khác, thời cổ - trung đại cũng như thời cận - hiện đại, mỗi khi một quốc gia, dân tộc bị xâm lược và chinh phục bởi các thế lực bên ngoài thì trong nước bao giờ cũng phát sinh hai lực lượng: một lực lượng tìm cách kháng cự lại nạn ngoại xâm và một lực lượng khác đứng ra hợp tác với kẻ ngoại xâm.

  • ĐỖ LAI THUÝLTS: Trong số tháng 5-2003, Sông Hương đã dành một số trang để anh em văn nghệ sĩ Huế "tưởng niệm" nhà văn Nguyễn Đình Thi vừa qua đời. Song, đấy chỉ mới là việc nghĩa.Là một cây đại thụ của nền văn nghệ cách mạng Việt Nam, Nguyễn Đình Thi toả bóng trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Bằng chứng qua các bài viết về ông sau đây, Sông Hương xin trân trọng dành thêm trang để giới thiệu sâu hơn, có hệ thống hơn về Nguyễn Đình Thi cùng bạn đọc.

  • ĐẶNG TIẾN…Nguyễn Đình Thi quê quán Hà Nội, nhưng sinh tại Luang Prabang, Lào, ngày 20/12/1924. Từ 1931 theo gia đình về nước, học tại Hải Phòng, Hà Nội. Năm 1941 tham gia Thanh Niên cưú quốc, 1943 tham gia Văn hóa cứu quốc, bị Pháp bắt nhiều lần. Năm 1945, tham dự Quốc Dân Đại hội Tân Trào, vào Ủy ban Giải phóng Dân tộc. Năm 1946, là đại biểu Quốc hội trẻ nhất, làm Ủy viên Thường trực Quốc hội, khóa I…

  • HỒ THẾ HÀ          Hai mươi lăm năm thơ Huế (1975 - 2000) là một chặng đường không dài, nhưng nó diễn ra trong một bối cảnh lịch sử - thi ca đầy phức tạp. Cuộc sống hàng ngày đặt ra cho thể loại những yêu cầu mới, mà thơ ca phải làm tròn sứ mệnh cao cả với tư cách là một hoạt động nhận thức nhạy bén nhất. Những khó khăn là chuyện đương nhiên, nhưng cũng phải thấy rằng bí quyết sinh tồn của chính thể loại cũng không chịu bó tay. Hơn nữa, đã đặt ra yêu cầu thì chính cuộc sống cũng đã chuẩn bị những tiền đề để thực hiện. Nếu không, mối quan hệ này bị phá vỡ.

  • JAMES REEVESGần như điều mà tôi hoặc bất kỳ nhà văn nào khác có thể nói về một bài thơ đều giống nhau khi nêu ra ấn tượng về điều gì đấy được in trên giấy. Tôi muốn nhấn mạnh rằng đây không phải là toàn bộ sự thật. Việc in trên giấy thực ra là một bài thơ gián tiếp. Sẽ dễ dàng thấy điều này nếu chúng ta đang nói về hội hoạ hoặc điêu khắc.

  • NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP...Nguyễn Huy Thiệp không phải là người duy nhất đổi mới phương thức trần thuật. Trước ông đã có Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng... tích cực mở đường. Nhưng phải đến Nguyễn Huy Thiệp thì sự khai phóng về tư tưởng nghệ thuật mới được thể hiện một cách đậm nét. Tất cả được Nguyễn Huy Thiệp kiến tạo qua một trò chơi đầy tính bất ngờ. Giống như người nghệ sĩ ba lê tài năng, Nguyễn Huy Thiệp trình diễn một thế giới đa sắc trên đầu những đầu mũi ngón chân. Những ngón chân ấy bám trụ vào hiện thực một cách tinh diệu, xoay chuyển một cách nhịp nhàng với những vòng quay, những vũ điệu ngôn từ...

  • PHAN NGỌC THUTrong nền văn học Việt Nam thế kỷ XX, Xuân Diệu (1916-1985) là một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất, đồng thời cũng là nhà phê bình văn học kiệt xuất. Từ những bài tranh luận văn học sôi nổi thời Thơ Mới (1932-1945) đến Tiếng thơ (1951), Những bước đường tư tưởng của tôi (1958); từ Phê bình giới thiệu thơ (1960) đến Trò chuyện với các bạn làm thơ trẻ (1961), Dao có mài mới sắc (1963), Lượng thông tin và những kỹ sư tâm hồn ấy (1978), Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, tập I (1981), tập II (1982) và Công việc làm thơ (1984)... "chỉ tính riêng các tác phẩm lý luận phê bình, đã có thể gọi Xuân Diệu là một đại gia"(1)

  • BÙI QUANG TUYẾNThơ mới là một hiện tượng nổi bật của văn học Việt Nam nói chung và thơ ca nói riêng trong thế kỷ XX. Nó vừa ra đời đã nhanh chóng khẳng định vị trí xứng đáng trong nền văn học dân tộc với các "hoàng tử thơ": Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử v..v...

  • HÀ KHÁNH CHINgày 20 - 3 - 2003, siêu cường lớn nhất mọi thời đại là đế quốc Hoa Kỳ đã mở đầu cuộc chiến tranh kỳ quái nhất trong lịch sử bằng cách tấn công Iraq sau khi đã bắt quốc gia này phải tự phá huỷ vũ khí tự vệ của chính họ. Đó là bài học chưa hề thấy về chút hy vọng cuối cùng mà lương tri nhân loại có thể đòi hỏi. Để có thể hiểu rõ hơn những gì đang xảy ra hôm nay - có lẽ cũng rất cần ôn lại một trong những vấn đề lớn nhất mà loài người có thể nghĩ tới: cuộc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc cách đây gần 30 năm.

  • HOÀNG ĐĂNG KHOA Văn học Việt từ sau 1975, nhất là từ thời kỳ đổi mới, là một quá trình văn học rất phong phú, đa dạng và không ít phức tạp, lại còn đang tiếp diễn. Cuốn sách Văn học Việt Nam sau 1975 - Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy ra đời đáp ứng nhu cầu mang tính thời sự: nhu cầu nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về tiến trình văn học ba mươi năm qua, chuẩn bị cho sự ra đời của những công trình văn học sử và những chuyên khảo về giai đoạn văn học này.

  • NGUYỄN QUANG HÀTrong đời có những bài thơ người ta quên, mà chỉ nhớ một câu nằm lòng. Bởi đó là những câu thơ thực sự, những câu thơ thi sĩ. Từ xưa đến nay, đã có rất nhiều định nghĩa về thơ: Thơ là tiếng hát của trái tim; Thơ là hạt muối kết tinh của tình cảm; Thơ là phút giây rung động của tâm hồn... Nói chung, những định nghĩa ấy cho ta hiểu rằng ở đâu có được sự rung động của trái tim thì ở đó có thơ.

  • ĐỖ LAI THUÝPhê bình văn học Việt Nam, sau sự khởi nguồn của Thiếu Sơn với Phê bình và Cảo luận (1933) chia thành hai ngả. Một xuất phát từ Phê bình để trở thành lối phê bình chủ quan ấn tượng với Hoài Thanh và Thi nhân Việt Nam (1942). Lối kia bắt nguồn từ Cảo luận tạo nên phê bình khách quan khoa học với Vũ Ngọc Phan của Nhà văn hiện đại (1942), Trần Thanh Mai của Hàn Mặc Tử (1941), Trương Tửu của Nguyễn Du và Truyện Kiều (1942), Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ (1945). Sự phân chia này, dĩ nhiên, không phải là hành chính, mà là khoa học, tức sự phân giới dựa trên những yếu tố chủ đạo, nên không phải là không thể vượt biên. Bởi, mọi biên giới đều mơ hồ hơn ta tưởng, nhất là ở khoa học văn chương.

  • LTS: Marcel Reich-Ranicki, sinh năm 1920, người ở Đức được mệnh danh là "Giáo hoàng văn học", là nhà phê bình văn học đương đại quan trọng nhất của CHLB Đức. "Một lời biện hộ cho thơ" là bài thuyết trình đọc vào ngày 30.11.1980 nhân dịp ra mắt Tập 5 của "Tuyển thơ Frankfurt" trong khuôn khổ chuyên mục thơ của nhật báo "Frankfurter Allgemeine Zeitung" (FAZ) mà tác giả là chủ biên phần văn học từ 1973 đến 1988.Sông Hương xin trân trọng giới thiệu bài "Một lời biện hộ cho thơ" của ông sau đây do dịch giả Trương Hồng Quang thực hiện.

  • TRẦN HUYỀN SÂMGeorge Sand (1804-1876) là một gương mặt độc đáo trên văn đàn Pháp thế kỷ XIX. Cùng thời với những cây bút nổi tiếng như: A.Lamartine, V.Hugo, A.Vigny, A.Musset... nữ sĩ vẫn tạo cho mình một tầm vóc riêng không chìm khuất. George Sand bước vào thế giới nghệ thuật bằng một thái độ tự tin và một khát vọng sáng tạo mãnh liệt. Với hơn hai mươi cuốn tiểu thuyết đồ sộ, G.Sand đã trở thành một tên tuổi lừng danh ngay từ đương thời. Dĩ nhiên, bà lừng danh còn bởi nhiều mối tình bất tử, trong đó có nhà thơ Pháp nổi tiếng A.Musset và nhạc sĩ thiên tài Chopin người Ba Lan.

  • PHẠM QUANG TRUNGCó lần, dăm ba người có thiên hướng lý luận chúng tôi gặp nhau, một câu hỏi có thể nói là quan thiết được nêu ra: trong quan niệm văn chương, e ngại nhất là thiên hướng nào? Rất mừng là ý kiến khá thống nhất, tuy phải trải qua tranh biện, không đến nỗi quyết liệt, cũng không phải hoàn toàn xuôi chiều hẳn. Có lẽ thế mới hay!

  • NGUYỄN HỮU HỒNG MINH1- "Thơ trẻ- Những giá trị mới" là một "mưu mô" của nhà phê bình trẻ Nguyễn Thanh Sơn và nhóm "Văn nghệ mới" (bao gồm Nguyễn Hữu Hồng Minh, Văn Cầm Hải, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Vĩnh Tiến, Dạ Thảo Phương... và một số người khác) dự tính tập hợp, tuyển chọn 1 tuyển thơ của 10 (hay nhiều hơn) tác giả trẻ từ 30 tuổi trở xuống, xuất hiện trong vòng 3 năm cuối cùng của thế kỉ để trình làng giới thiệu chân dung thế hệ mình.