Tình đất

16:10 22/04/2013

LÊ PHƯƠNG LIÊN 

…Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về…

                   (Đất nước - Nguyễn Đình Thi)

Ngày mồng 5 Tết Quý Tỵ năm nay, tôi vào Hoàng thành Thăng Long, mỗi bước chân đi mà cảm thấy run run như đứa trẻ lẫm chẫm tập bước. Đất dưới chân mình lặng lẽ lắm, rắn chắc lắm, vững như đá cứng đã dãi dầu mưa gió ngàn năm, thế mà vẫn mềm mại êm ái đón nhận bước chân đứa con trở về…

Bước qua cổng Đoan Môn, tôi nhìn sâu vào vết hào di tích. Dưới nền đất đời Nguyễn là dấu vết thềm điện đời Lê, nhìn sâu xuống nữa là những viên gạch nền điện đời Trần, sâu xuống nữa là dấu vết cột trụ cung điện thời Lý… Và sâu xuống nữa là đất nước thăm thẳm tình thâm.

Tôi đứng lặng thinh mà lắng nghe tiếng gió xuân mới mẻ đang thổi trên những cây muỗm cổ thụ ngàn tuổi, tôi nghe thấy tiếng rì rầm có thật như tiếng chuông chùa ngân vọng đi vọng lại, nhưng tiếng buổi nào từ điện Diên Hồng vọng lên. Tôi nhận ra tiếng đất không phải bằng tai mà có lẽ bằng nhịp đập của trái tim mình, hơi rộn lên, hơi lạc đi một chút bất thường... Tiếng đất ấy có lẽ không đến với trí tinh khôn của kẻ vừa bước trên mặt đất vừa tính toán thời giá mà có lẽ lại chợt đến với người có tình đang xúc cảm với đất, vừa bước vừa thương…

Thường tiếng tình của đất ấy đã đến với tôi vào những buổi sáng ngày 30 Tết khi tôi về quê cha, quỳ lạy trước nơi yên nghỉ của cha mẹ, ông bà… mời mẹ mời cha, mời ông bà tổ tiên về ăn Tết. Nhìn những giọt mưa xuân lặng lẽ rơi, trong mờ mờ những làn hương bay về hư ảo, tôi lại nghe thấy tiếng đất giao tình rung động và thương mến trở về với tôi, không chỉ trên những ngón tay đang chắp lại mà có lẽ đang thấm trên cả ngũ quan vừa đang trầm xuống gần hơn với đất ẩm lại vừa đang thăng lên đón gió giao mùa.

Rồi, vào dịp Nguyên Tiêu tết Quý Tỵ này, tôi bay vào Huế.

Tôi được theo các anh chị Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế đi viếng mộ thi nhân, từ cụ Phan Bội Châu “ông già Bến Ngự” đến Tùng Thiện Vương Miên Thẩm… rồi các chí sĩ, các nhà thơ cách mạng Trần Cao Vân, Thái Phiên, Nguyễn Chí Diểu, Hải Triều, Thanh Hải… Đến trước từng ngôi mộ nhìn làn khói nhang bay tôi lại lắng mình nhận ra tiếng đất, tiếng tình của đất, hình như lại cả tiếng tình của nước sông Hương nhè nhẹ vỗ về đất Cố đô, như tiếng ru của người mẹ ôm con trong lòng đất sâu thăm thẳm…

Bỗng rồi, tôi nhận ra tiếng anh chị em văn nghệ sĩ thương nhau mà nói gửi vào mây gió. Người thì cầm chén rượu rót lên tấm bia đá người bạn thơ đã đi vào cõi vĩnh hằng. Người thì nói: “Tau rửa mặt cho mi đó, đẹp trai chưa! Uống đi cho đã…” Người trên trần thế nhớ người đã khuất là vậy, tình người xứ Huế khiến tôi thấy nao nao trong lòng.

Nhưng đến đất Cố đô đâu có phải chỉ thấy những gì đã khuất, đã xưa cũ, bụi phủ, rêu phong… Tôi được ngắm nhìn bông mai mới nhất bừng nở trên cành của cây mai đã hơn trăm tuổi. Xuân là thế, xuân đến để mình bỗng thấy mình mới hẳn lên, nhỏ lại như đứa trẻ lòng chợt ấm áp khi nghe bà mẹ già làng Kim Long nói: “Tết ni thì vẫn có bánh tét, mứt gừng như rứa…”

Gừng năm nay thì vẫn cay như gừng năm ngoái, năm kia… và trăm năm trước, bởi nó vẫn mang tình của đất ấy “gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”. Và, mứt năm nay vẫn được làm theo lối trăm năm cũ, bởi thế mà vẫn ngon, ngon như bánh chưng gói và nấu theo Lang Liêu từ nghìn năm trước… Tôi đi chầm chậm trên đất làng Kim Long xứ Huế để cúi xuống chạm đất trước cây hoa Hải Đường, những bông hoa rất đẹp đã rơi xuống đất, chạm với tình đất hoa như ửng hồng hơn hay sao đó. Tôi dừng chân lại mà muốn hỏi hoa rằng: “Hoa đến từ đâu?” Từ thời công chúa Huyền Trân vào đất này để cho hai châu Ô, Lý về với Đại Việt làm nên xứ Thuận Hóa bây giờ chăng? Cây hoa như hơi nghiêng cành lặng lẽ. Đó là một cây non mọc trên đất cũ, cây như đang muốn kể cùng ai, chuyện chưa xa, chuyện rất gần…

Bỗng nghe hoa kể chuyện mà lại nghĩ đến nghề biên tập, một nguyên tắc mà ai cũng biết là muốn thay đổi một chữ trong câu văn, câu thơ của tác giả, người biên tập cần phải trao đổi thảo luận để tác giả đồng ý mới được chữa. Đó là những câu văn mới sinh sau đẻ muộn, còn những câu cổ điển tầm cỡ như “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” thì câu chữ đã bất di bất dịch không còn ai dám động vào được nữa. Đó là văn hóa phi vật thể đã vậy, còn văn hóa vật thể những gì cha ông đã xây dựng nên từ xưa trên mảnh đất hàng trăm năm, hàng ngàn năm đâu có phải cứ tự nhiên xóa bỏ, tự nhiên thêm bớt mà chẳng cần biết đến việc hỏi ĐẤT một câu? ĐẤT nơi lưu giữ lại dấu vết của những đời người là cha ông ta là tổ tiên ta… Nếu ta nhìn sâu xuống một tấc đất ta đã chạm đến cả một thời đại đã qua… cảm giác ngày xuân nhìn sâu xuống Hoàng thành Thăng Long lại trào lên trong tôi , dù lúc này đây tôi đang ở Huế, cái cảm giác đứng trên đất vừa bước vừa thương lại lay động lòng tôi, tình đất lại dội lên day dứt trong tôi.

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.

            (Chế Lan Viên)

Vâng, thủa ấu thơ ta sống với mảnh vườn, với ngôi nhà cổ với những ngọn rau, ngọn cỏ với cây hoa cây trái... để rồi đến lúc đi xa đất quê hương đã thành tâm hồn ta thành một “cố viên tình” mãi mãi trong tim.

Ngày xuân ấy, đứng trước cây mai trăm tuổi, cây hải đường non tơ trước những ngọn cỏ mọc hoang dại nơi mảnh vườn ấy, tôi biết là mình đang ở “cố viên tình” của một người... Tôi lại cảm nhận tình đất đang dội lên trong nhịp đập của trái tim mình và để rồi lại nhận ra rõ ràng hơn không phải ai ai cũng có thể nhận ra tình đất. Người vô tình không ít mà lại rất nhiều... chính vì thế mà những việc tẩy xóa, thêm bớt xây cất bừa bãi trên đất nước mình vẫn xảy ra mà đất không được hỏi, mà nước không được hỏi... Mà không biết rằng “đêm đêm rì rầm trong tiếng đất", người xưa vẫn về hỏi lại hôm nay...

Gió theo lối gió, mây đường mây.
.........

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà.

            (Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mạc Tử)

Có lẽ các nhà thơ đã dự cảm giúp cho mọi người thấu hiểu cái mong manh của tình người, mong manh như số phận của cỏ cây, mong manh như số phận của một mái nhà, dù mái nhà ấy có bằng xi măng cốt thép...

Và, có lẽ làn khói nhang của văn nhân thắp hương mộ thi nhân trong ngày Nguyên Tiêu năm nay lại cảm thấu với tình đất, với tình nước, với tình trời, giao hòa với cõi vô thủy vô chung, gửi “cố viên tình” từ thời Lý Bạch, Đỗ Phủ... về trăm năm sau, nghìn năm sau...

Huế, Nguyên Tiêu Quý Tỵ, 2013
L.P.L  
(SH290/04-13)






 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • BÙI KIM CHI

    “Giữ chút gì rất Huế đi em
    Nét duyên là trời đất giao hòa
    Dẫu xa một thời anh gặp lại
    Vẫn được nhìn em say lá hoa.

    (...)

  • CHU SƠN

    1.
    Này, xa là những cảm nhận chủ quan hàm chứa một góc nhìn giới hạn, tương đối và hoàn toàn xa lạ với những khẩu hiệu thời thượng là vĩnh cửu, muôn năm.

  • TRẦN VĂN DŨNG

    Cùng với rất nhiều nghề thủ công truyền thống trên đất nước Việt Nam, nghề Kim hoàn được biết đến với sự sáng lập của hai vị tổ sư Cao Đình Độ và Cao Đình Hương ngay trên vùng đất Cố đô. Tài năng của các ông đã biến nghề kim hoàn trở thành một nghề thủ công độc đáo, mang đậm sắc thái Việt và được truyền bá khắp ba miền đất nước trong hơn hai thế kỉ qua.

  • LÊ VĂN LÂN

    Hằng năm cứ vào dịp 9/1 (ngày sinh viên học sinh), ngày 26/3 (ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và giải phóng Huế), những người hoạt động trong phong trào (người ta thường gọi là “dân phong trào”) lại họp mặt tưởng nhớ những người hi sinh, ôn lại truyền thống, chia sẻ những trăn trở trước thời cuộc và tự dặn mình phải sống xứng đáng với những người đã khuất, những đùm bọc thương yêu mà nhân dân đã dành cho mình.

  • ĐÀO HÙNG
    (Nhân kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam)

    Hồi còn bé, đôi lần tôi được cha tôi là ông Đào Duy Anh, đưa đi chơi và có ghé thăm cụ Huỳnh Thúc Kháng. Rồi cũng có lần tôi thấy cụ Huỳnh đến gặp cha tôi ở ngôi nhà trên đường Hương Mỹ (nay là Chu Văn An), thành phố Huế.

  • LÊ MẬU PHÚ 
               Tùy bút 

    Sông Hương bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chạy dài hơn 60 cây số, qua nhiều rừng núi với thảm thực vật nhiệt đới đa dạng và nhận nhiều nguồn nước từ những con thác, rồi sau đó hợp lưu tại ngã ba Bằng Lãng thành một dòng sông, gọi là sông Hương. Từ đó, sông xuôi về biển thêm 30 cây số nữa.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

    “Ơi khách đường xa, khách đường xa
    Dừng chân ghé lại Đông Ba chợ mình”

  • TRẦN NGUYÊN SỸ
                      Ghi chép

    Chúng ta thử hình dung Huế như một ngôi nhà cổ, mà con ngõ đón thập khách phía Nam là đoạn quốc lộ từ Thủy Dương xuống Phú Bài thì khỏi cần trả lời câu hỏi: Với Huế, Hương Thủy có quan trọng không?

  • HỮU THU - BẢO HÂN

    Không ít người ở Huế thế hệ sinh năm 1950 đã từng được ngắm cái điệu đà của rong rêu, sự bỡn đùa của từng đàn cá tung tăng theo chiều con nước sông Hương.

  • PHAN THUẬN AN

    Thái giám hay hoạn quan là những người đàn ông không có sinh thực khí, chuyên ở hầu hạ trong hậu cung của vua.
     

  • HỮU THU & BẢO HÂN

    Đường 12 được giới hạn từ ngã ba Tuần lên Bốt Đỏ. Chỉ kéo dài hơn 50 cây số nhưng đây là quãng đường không dễ vượt qua, bởi trước năm 1990, muốn lên A Lưới, từ Huế xe phải chuyển hướng ra Đông Hà, ngược đường 9, đến cầu Đakrong rẽ trái rồi men theo đường Hồ Chí Minh để vào. Thuở đó, đường xa, xe xấu nên cán bộ được phân công lên huyện vùng cao này ai cũng ái ngại và bỏ cuộc.

  • BÙI KIM CHI Tiên tổ phương danh lưu quốc sử Tử tôn tích đức kế gia phong

  • PHAN HƯƠNG THỦY Hệ thống lăng tẩm và Cung điện ở Huế luôn luôn là một đối tượng chính của các nhà nghiên cứu Mỹ thuật, và các nhà nghiên cứu lịch sử Huế đã để lại cho chúng ta những cái mà thời trước không còn.

  • Một số anh chị em ở Huế biết tôi có ghi chép được ít nhiều về Nguyễn Tuân, bảo tôi viết lại và gửi cho Tạp chí Sông Hương. Riêng tôi, muốn tạo một dịp để anh Nguyễn nói trực tiếp với bạn đọc Sông Hương, nên xin được hỏi anh Nguyễn chung quanh chuyện Huế, được anh Nguyễn nhận lời, tôi xin trung thành ghi lại toàn bộ cuộc trò chuyện đó.

  • LÊ VŨ TRƯỜNG GIANGHiếm nơi nào trên đất Huế có phong thủy hữu tình, trời, đất, nước, người cùng quyện hòa thanh thái trong một không gian xanh ngát xanh như đất thôn Vỹ. Đất này được dòng Hương Giang và phụ lưu Như Ý ôm trọn vào lòng như hai cánh tay của một người mẹ vỗ về.

  • TRẦN THÙY MAI Tôi sinh ra và lớn lên ở Huế. Với tất cả mọi người, ai cũng thế, sau quê hương lớn là Tổ quốc Việt Nam, đều yêu và đều thích nói về quê hương nho nhỏ của mình, nơi đón tiếp mình từ lòng mẹ và cho mình những ấn tượng đầu tiên về thế giới. Hơn nữa, đó lại là một vùng đất hay được nhắc nhở và ngợi khen.

  • ĐỖ NAM Hàng trăm năm nay ai cũng biết đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có 02 cửa thông ra biển: Thuận An và Tư Hiền.

  • BÙI MINH ĐỨC (Tiếp theo Sông Hương số 267, tháng 5 - 2011)

  • HỒ ĐĂNG THANH NGỌC(Kỷ niệm 95 năm ngày mất Thái Phiên - Trần Cao Vân: 17.5.1916 - 17.5.2011)                Bút ký

  • Bà Francoise Corrèze - đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, là một chiến sĩ chống phát xít, một người bạn của Việt Nam từ nhiều năm nay. Sau những chuyến đi thăm nước ta trong chiến tranh cũng như từ ngày đất nước thống nhất, bà đã viết nhiều tác phẩm về Việt Nam. Lần đầu tiên đến Huế đầu năm 1985, bà đã ghi lại những cảm nghĩ của mình. Chúng tôi xin giới thiệu một số đoạn sẽ được in trong cuốn sách viết về thanh niên Việt Nam bằng tiếng Pháp.