Thư gửi tổng thống Mỹ Richard M. Nixon - Những dòng chữ cuối cùng của chủ tịch Hồ Chí Minh

09:52 19/05/2009
TÔ VĨNH HÀNhững trang viết sau cùng của một con người luôn luôn là điều thiêng liêng và không bao giờ hết bí ẩn. Vì sao lại dùng từ ấy chứ không phải là chữ kia; đề cập đến cái này chứ không phải là cái khác..? Rất nhiều câu hỏi sẽ đến với người đọc khi trước mắt ta là những ý tưởng hiện hữu sau cùng của một đời người - đặc biệt ở con người vĩ đại như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh là cái tên mà mỗi người Việt lúc đọc hay nói, không chỉ diễn đạt một quan niệm gần như vô hạn của nhận thức, mà hơn nhiều thế nữa - là âm sắc tuyệt vời của sự kết tụ những tinh hoa quý giá nhất của trái tim mình.

Bức thư của Hồ Chủ tịch gửi cho tổng thống Mỹ đề ngày 25 tháng 8 năm 1969 - tám ngày trước khi Người vĩnh biệt non sông đất nước ta(1). Ai cũng hiểu rằng bức thư được viết lúc sức khoẻ của Người rất yếu(2). Vì vậy, lựa chọn vấn đề nào để giải quyết không phải là điều dễ dàng. Đó rõ ràng phải là vấn đề quan trọng và cấp bách nhất. Có thể nói tới sự dẫn dắt từ vô thức - một điều rất khó tranh cãi - đối với người sắp lìa bỏ cõi trần. Trong những giờ phút sau cùng, nhận thức và tâm linh thường tạo ra những phán quyết xuất thần mà cả nội hàm lẫn ngoại hàm của ngôn từ, đều có không ít những điều để lại sự trăn trở lâu dài.

Phần mở đầu, Hồ Chủ tịch đã lên án cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ: "vô cùng công phẫn trước những tổn thất và tàn phá do quân Mỹ gây ra cho nhân dân và đất nước chúng tôi..." Tuy nhiên, với một tấm lòng nhân văn đáng khâm phục, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói rõ rằng Người "rất xúc động thấy ngày càng có nhiều thanh niên Mỹ chết vô ích ở Việt Nam..." Một cách nhìn đầy đủ từ cả hai phía là quan điểm không dễ có được trong hoàn cảnh đầy đau thương của dân tộc. Nó không chỉ là việc bỏ lùi lại phía sau toàn bộ sự thiển cận, mà còn là cách Hồ Chí Minh mở đường cho phần lương tri có thể của người đứng đầu nhà nước Mỹ. Hơn ai hết, Hồ Chí Minh biết rõ Nixon là người có thể hiểu đúng nhất thế cùng đường của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Vấn đề còn lại là làm cho ông ta nhận thấy ngay từ sự bi thảm của thất bại, niềm thông cảm của người chiến thắng đối với kẻ ngược lại là con đường ngắn nhất để tìm được một giải pháp đúng, cho dù chẳng ai hoàn toàn hài lòng với giải pháp đó.

Phần thứ hai của bức thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định quyết tâm "chiến đấu đến cùng, không sợ hy sinh gian khổ..." của toàn thể dân tộc Việt Nam; nhưng Người cũng diễn đạt rất rõ rằng Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam hoàn toàn đủ tỉnh táo cũng như sự hiểu biết cần thiết để đưa ra "cơ sở hợp tình hợp lý" trong việc giải quyết "vấn đề Việt Nam". Điểm độc đáo phi thường của bức thư là chủ tịch Hồ Chí Minh đã cố tình lặp đi lặp lại đến ba lần cụm từ "vấn đề Việt Nam". Một cuộc chiến tranh đã kéo dài 15 năm được rút gọn bằng hai từ thật giản dị. Hồ Chủ tịch đã chỉ ra cho tổng thống Mỹ thấy chân lý đang hiện rõ ở nơi mà ông ta cố tình không nhìn thấy. Sự ngoan cố của nhà cầm quyền Mỹ; sự không hiểu hết tư tưởng Hồ Chí Minh của rất nhiều người - đó là một phần của nguyên nhân giải thích vì sao phải đến bốn năm sau khi Người qua đời, Hiệp định Paris mới được ký kết (!)

Nói như thế để thấy rằng sự tinh tế của tư duy, sự mẫn tiệp của trí tuệ, sự nhạy cảm của một thiên tài và tầm nhìn xa sâu sắc của một lãnh tụ vĩ đại có ý nghĩa như thế nào đối với việc có thể thay đổi số phận một dân tộc.  

 Phần cuối của bức thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiêm khắc đòi hỏi tổng thống Mỹ phải "rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam", coi đó là phương án duy nhất đúng đắn của "lòng mong muốn hành động cho một nền hoà bình công bằng" của tổng thống Mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh rằng Người nhìn thấy:
"Đó là con đường để Mỹ rút khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự".

Trong bức thư, câu trên được viết thành một dòng riêng. Cần lưu ý rằng đây là lần đầu tiên Hồ Chủ tịch chính thức dùng từ "trong danh dự" để mở lối thoát cho siêu cường lớn nhất thế giới có thể cứu vãn được phần nào sự xói mòn nghiêm trọng uy tín của họ trên trường quốc tế. Đó là cách làm tỉnh táo từ truyền thống rộng lượng của dân tộc Việt Nam kết hợp với sự uyển chuyển đầy linh hoạt nguyên tắc đối ngoại của Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng hiểu rất rõ con đường để nhân dân ta đi tới đích thắng lợi vẫn còn dài. Vì vậy, ở câu kết của bức thư, Người viết "Với thiện chí của phía ngài và phía chúng tôi, chúng ta có thể đi tới những cố gắng chung để tìm một giải pháp đúng đắn cho vấn đề Việt Nam." Chỉ với số lượng rất ít từ ngữ, người đọc có thể hình dung thật đầy đủ rất nhiều những khó khăn sẽ đến từ bản chất ngoan cố của chính quyền Mỹ.

Gần một phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết những dòng chữ cuối cùng của cuộc đời. Ngắn gọn và sâu sắc, giản dị nhưng đầy sức nặng không chỉ là văn phong mà còn là sự kết tinh nhuần nhuyễn giữa một tri thức uyên bác và sự linh cảm diệu kỳ. Tất cả những gì Hồ Chí Minh đã "thấy" trước khi Người mất đều đã xảy ra, thậm chí chính xác đến từng chi tiết.

 Làm sao Hồ Chí Minh có thể gần như chắc chắn rằng R. Nixon sẽ phải là người quyết định ký Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam? Trong rất nhiều công việc bộn bề của một chủ tịch nước; trong giây phút cận kề giữa sự sống và cái chết, tại sao Người lại coi việc viết thư cho tổng thống Mỹ là điều quan trọng nhất? Có mối quan hệ nào giữa lời mở đầu của Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 - 9 - 1945; khai sinh một Nhà nước với sự kiện này không? Hơn nữa, đó là bức thư được viết vào "một ngày đầu thu, nghe chân ngựa về..." rất gần?.

Tôi viết những dòng này khi cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Iraq đang diễn ra vô cùng quyết liệt (05-4-2003). Có rất nhiều sự khác nhau giữa hai cuộc chiến tranh Iraq bây giờ và Việt Nam trước kia; nhưng khác biệt lớn nhất, theo tôi nghĩ đó là Hồ Chí Minh.

Những ngẫm suy về Chủ tịch Hồ Chí Minh là những điều, như tôi đã nói đầu bài viết này, chỉ có thể đúng phần nào khi ta bắt đầu từ một trái tim. Luận giải xung quanh một nhân vật hay một sự kiện phi thường, lỗi lạc - tri thức chỉ đủ để mô tả, hay nhiều lắm, nhìn thấy vừa đúng(!) tầm vóc con người của nhân vật đó. Sự vĩ đại của nhân cách, sự nghiệp; con người và tư tưởng của Hồ Chí Minh là một trong số ít những điều mà dân tộc Việt, loài người - sẽ hiểu được sau rất, rất nhiều năm nữa.           

Nhân loại đang nói bằng nhiều cách về một thế giới mà sự hợp tác, phát triển hình như ngày càng rực rỡ những ánh hào quang của không ít pháo hoa? Tuy nhiên, đôi khi loài người cũng phải ngồi lại để nghĩ rằng, chừng nào mà chủ nghĩa đế quốc còn tồn tại; chừng nào mà những tham vọng quyền lực, những đe doạ của chủ nghĩa dân tộc quá khích, sự khủng bố còn tiếp tục; thì chừng đó, hình ảnh bất tử của Chủ tịch Hồ Chí Minh - đỉnh cao của tất cả những gì tinh hoa nhất của dân tộc Việt, dòng máu Việt, sẽ mãi vẫn là tấm gương sáng ngời của trí tuệ và lòng kiêu hãnh tuyệt vời; về tinh thần dũng cảm, quyết tâm hy sinh cho nền độc lập, tự do của TỔ QUỐC mình.

Huế, 05 tháng 4 năm 2003.
T.V.H
(171/05-03)

-----------------------------
(1)Những trích dẫn trong bài này là ở trang 488 - 489 của tập 12, Hồ Chí Minh toàn tập. NXB Chính trị Quốc gia; H. 1996.
(2) Tất nhiên không loại trừ khả năng bức thư này được viết sớm hơn.
(3) Những chỗ nhấn mạnh hoặc in nghiêng trong bài này là của tác giả.

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • LÊ HUY QUANGVào ngày 19/5/2010 này, cả nước ta sẽ tưng bừng Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân Văn hóa thế giới, nhà thơ Hồ Chí Minh, một người Việt Nam đẹp nhất.

  • XUÂN CANG(Trích Chân dung nhà văn soi chiếu bằng Kinh Dịch)Nhà văn Nguyễn Sinh Tuân sinh ngày 10 - 7 - 1910 tức năm Canh Tuất (Nhà văn Việt Nam hiện đại. Nxb Hội Nhà văn - Hà Nội - 1997).

  • HOÀNG CẦM(cảm nhận qua tập thơ “Đồng dao cho người lớn” của Nguyễn Trọng Tạo)Hình như đã lâu lắm, hoặc như chưa bao giờ tôi bắt gặp trên đời này một người mà chỉ qua một buổi sơ ngộ tôi đã thấy quý và yêu... như anh ta.

  • NGUYỄN HỮU HỒNG MINHI.“Ta rồi chết giữa mùa màng”(*).

  • TRỊNH MINH HIẾU(Đọc Tiền định của nhà văn Đoàn Lê NXB Hội Nhà văn 2009)Tác phẩm “Tiền định” của nhà văn Đoàn Lê vừa được Công ty cổ phần sách Bách Việt đưa vào chung khảo Giải thưởng Bách Việt lần thứ nhất.

  • THANH TÙNGLarry Rottmann sinh ngày 20-12-1942 ở tiểu bang Missourri. Ông thường nói: tôi sinh khác năm nhưng cùng ngày với ngày thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Larry Rottmann hay để ý tìm kiến những điều mà cuộc đời ông gắn bó, liên quan đến Việt Nam.

  • MINH KHÔI…Hải Bằng là nhà thơ cách mạng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ngày mới vào Việt Minh anh được phiên vào Trung đoàn 101 nổi tiếng vùng Trị Thiên, hành quân qua khắp các chiến khu Dương Hòa, Hòa Mỹ, Ba Lòng, Cam Lộ, Do Linh... Rồi anh sang chiến đấu tại mặt trận Lào, về Thanh Hóa… Trong lai cảo thơ của anh để lại còn có những trường ca chưa in như “Đoàn quân 325”, “Bài thơ rừng hoa Chăm pa”, “Lòng em theo tiếng khèn”…

  • NGÔ THỜI ĐÔNSống một đời không dài lắm và đón nhận quá nhiều nỗi phiền ưu vì đất nước, dân tộc, thời cuộc, gia tộc và bản thân song với lòng yêu đời, thương người sâu sắc, Miên Thẩm đã để lại một sự nghiệp trứ tác đồ sộ, không thua kém các đại gia trong văn chương trung đại của dân tộc.

  • NGUYỄN NHÃ TIÊNNgồi chung một chuyến xe trong một lần cổ ngoạn Mỹ Sơn, nhà thơ Hồng Nhu trao cho tôi tập thơ "RÊU ĐÁ", tập thơ thứ tư của anh do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản năm 1998.

  • ĐỖ NGỌC YÊN(Nhân đọc TRONG CĂN NHÀ SÀN BÉ NHỎ)(*)

  • ĐỖ ĐỨC HIỂU Trong hành trình "Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp", tôi thấy một giọt vàng rơi vào lòng mình, giọt vàng ròng ngời sáng. Đó là truyện ngắn của anh. Anh tái tạo truyện ngắn ở Việt Nam vào những năm cuối thế kỷ XX này và nâng nó lên một tầm cao mới: thơ ca và triết lý, nó truyền thống và hiện đại, phương Đông và toàn nhân loại.

  • THÁI DOÃN HIỂUĐể nối hai bờ suy tưởng tâm linh và vũ trụ, nhà toán học Lê Quốc Hán (*) đã bắc một chiếc cầu thơ.

  • HÀ VĂN THÙY(Nhân đọc Văn học - phê bình, nhận diện của Trần Mạnh Hảo)

  • LÊ VIẾT THỌ(Đọc "Ngọn núi ảo ảnh" - bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường - NXB Thanh niên tháng 1-2000)

  • ĐỖ NGỌC YÊN Phế đô là một trong những cuốn tiểu thuyết đương đại của Trung Quốc,  do Tạp chí Tháng Mười xuất bản từ năm 1993. Ngay sau đó nó đã có số bản in đạt vào loại kỷ lục, trên 1. 000. 000 bản tiếng Trung Quốc.

  • VƯƠNG HỒNG HOAN

    "Trăng Thương Bạc" là tập thơ của 47 hội viên của câu lạc bộ Hương Ngự do Nhà xuất bản Thuận Hóa in kỷ niệm lần thứ 25 ngày giải phóng Huế.

  • NGUYỄN ĐĂNG MẠNHNguyễn Khải ở trong Nam, ít khi tôi được gặp. Tôi rất thích nói chuyện với anh. Đúng ra là tôi thích nghe anh nói.

  • PHẠM XUÂN HÙNG(Về cuốn Đọc văn - Tiểu luận - Phê bình của Phạm Phú Phong, NXB Thuận Hóa, 2008)

  • HÀ VĂN LƯỠNGChingiz Aitmatốp thuộc trong số các nhà văn lớn được độc giả nhiều nước trên thế giới biết đến. Tác phẩm của ông thể hiện những vấn đề đạo đức nhân sinh, nhân loại. Ngoài việc sử dụng các đặc điểm thời gian, không gian nghệ thuật, cấu trúc, giọng điệu tác phẩm... nhà văn còn đưa huyền thoại, truyền thuyết vào tác phẩm như là một thi pháp biểu hiện mang tính đặc trưng của ông.

  • TÔ NHUẬN VỸ(Nhân đọc một số bài tranh luận về cuốn THƠ ĐẾN TỪ ĐÂU)