Thời khắc đồng vọng

08:04 26/04/2013

THỤY KHỞI

Lần hồi qua những trang thơ Lê Vĩnh Thái mới thấy chất liệu thơ từ Ký ức xanh (2004), Ngày không nhớ (2010) cho đến nay Trôi cùng đám cỏ rẽ(*) (2012) hẳn là sự hối hả của dòng chảy ký ức miệt mài băng qua những ghềnh thác thời gian, mà ở độ tuổi của anh có thể bị ăn mòn.

Nỗi thống thiết đầy bất lực trước thời gian vô tình đẩy anh vào khoảng trống - trắng của cuộc đời, và... thơ đã lấp đầy như một thứ dưỡng chất đầy hoạt tính cho những trang hoài niệm.

Ví như người thơ đã thảng thốt trước âm vọng xa xăm của tuổi thơ, bên những cánh chim mà nhớ rằng: “bầy chim bồ chao cuối biền nhao nhác nhặt tuổi thơ qua”. Tuổi thơ của bồ chao hồn nhiên “nhao nhác”, lại gắn với hình ảnh của một chòi xóm bên sông “cuối biền” rất đặc trưng tên gọi của Huế. Một tuổi thơ được “nhặt”, có lẽ tuổi thơ ấy vô tình bị bỏ quên trong ký ức đến nỗi tác giả phải “nhao nhác” tranh cái phần thời gian mỏng mảnh, rất đỗi trong veo ấy của đời người.

Và chính tác giả cũng nói lên cái sự lâm li ấy của tuổi thơ: “ngày mười lăm mẹ cầm roi phất vào tuổi nghịch”. Để đến một thời khắc của cuộc đời, người thơ lại thốt lên cái nỗi nhớ bất lực trước thời gian:

nhớ vung từng mảng ngày tôi xa mình
trong cơn xoáy của tuổi ba lăm

                                    (Xuân)

Tưởng như thời gian ở đây được phân tách thành “từng mảnh ngày”, mỗi mảng là một cái tôi (ở từng thời khắc tuổi) bởi nhà thơ đã thấy cái sự hữu lí của tuổi hiện hữu như Heraclis nói: “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Người thơ lúc trước chẳng phải là lúc này, đặc biệt là khi đứng trước “cơn xoáy của tuổi ba lăm” đầy ám ảnh.

Nối tiếp ý thơ trên, nếu không biết tựa đề bài này là Xuân, hẳn chúng ta đã quên đi cái thi vị mà thi sĩ đã phát lộ bằng cảm giác:

từ hôm đó tuổi mèo chậm lại
trên cành mai già khụm lộc liêu xiêu


Ở đây, thời gian tâm lí đã thống trị, kìm hãm sự bất kham của con ngựa thời gian “tuổi mèo chậm lại. Chúng ta đồng cảm với nhà thơ ở giây phút hiện tiền của tuổi “sắp chạm giáp 4”, và khắc khoải trước ảnh xuân “trên cành mai già khụm lộc liêu xiêu. Có vẻ như người thơ đang tự dỗi mình, oán mình trước tuổi lấy mai già để ví von, để nhận “khụm lộc xuân liêu xiêu” bên thềm “tam thập nhi lập” hãy còn chưa viên mãn.

Hai năm sau, người thơ lại đi vào hành trình của một con lộ mới. Ở đó, ta thấy bước chân thời gian đồng hành:

trên đường ba bảy tuổi tôi
qua nhiều ngõ phố đường ba bảy chiều

                                    (Qua đường ba bảy)

Trên đường ba bảy, qua nhiều ngõ phố, qua nhiều giai đoạn cuộc đời và dù ở bên này dốc nhưng người thơ đã thấy mình đi trên con đường luống tuổi “đường ba bảy chiều” mang đầy tâm trạng. Đứng trước tuổi, nỗi buồn đeo bám và chính tác giả cũng nhận thức được để lựa chọn một sự thật rất lãng du:

đêm nay
tôi đi qua tuổi mình cùng đám cỏ trôi rẽ nhánh trên sông


Không những bàng hoàng, nuối tiếc trước thời gian chạy đua cùng tuổi mình, người thơ còn bị ám ảnh bởi những biểu tượng đè nén của thời gian. Đó là phút giây thập tử của người cha thân yêu:

con nghe chiếc đồng hồ
trong lồng ngực Ba tích tắc... tích tắc

                                    (Cho con về lại một ngày)

Đồng hồ, vật đo thời gian thông dụng nhất, đo cả sự sống, đo cả những dự cảm nhói lòng:

chiếc đồng hồ rụng kim
vòng quay chưa định
người đi tới
người lùi sau
dấu chấm lửng
trắng...

            (một ngày vừa qua)

Dấu chấm lửng” ngẩn ngơ tiếc nuối, trắng không gian, trắng trí tưởng, trắng cả sự hiện hữu của “vòng quay chưa định”. Một kết thúc - nỗi buồn thương đau đớn vô hạn của người thơ - người con trước cảnh tang:

đoàn người ẩm bế Ba qua đoạn đường dài hơn hơi thở
biền biệt cõi người

                        (Ngơ ngác chiều tháng chín tàn thu)

Câu thơ “đoạn đường dài hơn hơi thở” mang triết lý, rằng sự sống ấy dài lâu qua mỗi hơi thở, hơi thở tiếp theo có thể không đến sau khi hơi thở này kết thúc. Khi ấy con người đã đi vào cõi chết, một sự thật phải thừa nhận. Bởi nhà thơ đã ý thức được cuộc sống thực sự là không chắc chắn trong từng khoảnh khắc.

Không dừng ở đó, trong một bài thơ khác, “hoảng loạn tìm đàn”, tác giả tiếp tục cho chúng ta lời giải tạm về một định nghĩa, lí ra là thê lương đau khổ:

lần bẩn cuối cùng
lần sạch tận giấc ngủ chết
bầy chuột trở về cõi sạch từ kiếp chưa khai
ngày hóa thân làm chứng
cho sự tuyệt vọng một lời điên đang bần bật

                                    (Hoảng loạn tìm đàn)

Cái chết được ví như “lần bẩn cuối cùng/ lần sạch tận giấc ngủ chết” để bước ra - tái sinh “cõi sạch từ kiếp chưa khai”. Phải chăng người thơ đã hoảng loạn, hoảng loạn trước thời gian, kẻ thù vô hình, luôn hiện diện mọi lúc mọi nơi, nhắc nhở ta bằng nhịp tích tắc... tích tắc như một thắc thỏm định mệnh. Sự hiện diện của luân hồi mà người thơ xác tín qua những từ cõi - kiếp - hóa thân đã cho thấy người thơ tin tưởng vũ trụ này, sự sống này, nhân thế này, văn minh này… chẳng có gì được sinh ra mà không bị suy vong. Có thịnh tất suy, sinh - tru - dị - diệt là chân lí bất biến. Và tất cả lại được tái sinh theo vòng quay vi diệu của pháp luân thường chuyển.

Thời gian có thể giúp con người hoàn thành được những hoài bão và chôn vùi hoài bão. Vì thế, thời gian là người bạn đồng hành và cũng là kẻ thù của con người. Người ta mong muốn vượt qua nó, cố quên nó trong khi chính nó đang mỗi ngày gặm nhấm sự tươi trẻ, minh mẫn của thân xác và trí tuệ.

Để biểu đạt thời gian, trong một bài thơ khác, ở một biên độ mà Lê Vĩnh Thái đã vượt thoát chính mình, vượt thoát cả tập thơ để nhường chỗ cho một sự định vị mới:

sông đã chảy từ một chiều hun hút
người chờ nhau hun hút chiều sông
trong một ngày đắng cay hun hút
mưa vỡ qua đời thấp thỏm đứng khóc sông

                                    (Về một con sông)

Thời gian được người thơ tri cảm ở một trạng thái sâu, mơ hồ “chiều hun hút”. Và nó đánh đồng cùng trạng thái của sông “hun hút”, của xúc cảm “đắng cay hun hút”. Thủ pháp lặp từ được vận dụng triệt để mà linh hoạt, biến chuyển phù hợp với từng dụng thể. Câu kết đi về trạng huống cuối cùng của thời gian “mưa vỡ qua đời” để rồi “thấp thỏm đứng khóc sông. Một hình ảnh thơ đẹp, ươm mộng ngay trên chính những giọt mưa bong vỡ cuộc người mà than khóc trên dòng sông “không ai tắm hai lần”. Có thể nói, đây là khổ thơ hay nhất trong bài thơ (hay cả tập thơ) mà người thơ hoài thai dựng nên trong dung môi vô tận của thời gian.

Sông trở thành người bạn, thành đối tượng ví von để khỏa lấp đi nỗi khắc khoải trước những thời khắc xoay vòng:

sông trôi phẳng như tờ giấy vụt rơi trên nụ hôn buổi chiều
                                                            (Sầu khúc)

Hình ảnh sông được ví “như tờ giấy vụt rơi trên nụ hôn buổi chiều”, vẫn chiều, vẫn rơi dù là sông nhưng đã được cán phẳng cái ranh giới bộn bề e sợ trước thời gian.

Cũng ở bên sông, thời gian ghé đến như một chu kì thường niên:

con bói cá giấu mùa trong cánh mỏng
bìm bịp ập à
nước dâng

            (Ngôi nhà đầy tiếng còi tàu bên sông)

Ở một thi cảnh khác, thời gian đồng hành cùng nỗi đơn độc được giãi bày và người thơ chìm trong viễn mộng:

đã mấy mùa ta ôm chiều rớt bóng
như thằng điên
ăn vụng thoáng em qua

                        (Chợt nhớ)

Mùa - chiều - thoáng đã làm gầy trí tưởng của kẻ “ôm chiều rớt bóng” mà điên rằng chỉ còn là nỗi ngây ngô chân thật “ăn vụng thoáng em qua”. Đồng cảm với tâm trạng đó của người thơ, hẳn chúng ta trong đời ít nhất một lần điên trong khoảnh khắc phóng tình ấy.

Cuộc chạy đua với thời gian, con người chỉ là vận động viên nghiệp dư, một kẻ tôi đòi không hơn không kém. Thời gian có đủ quyền năng để tạo nên tất cả và làm biến mất tất cả. Hiểu như thế mới biết chúng ta - con người chẳng là gì cả trong dòng chảy vô tận của thời gian. Lê Vĩnh Thái trong những thời khắc của cuộc đời “qua đường ba bảy” đã khóc cười trong sáng:

trên giao cảm những con mắt trong veo thẳm sâu khóc cười thành vết

Dừng lại đây thôi, này hỡi những đoạn đường, “mắt trong veo” đó trên những mối giao cảm với thời gian chỉ để lại những vết sẹo buồn vui lồi lõm “thẳm sâu khóc cười thành vết. Lê Vĩnh Thái đi trên bước chân bị thời gian ăn mòn, qua những tuổi tàn phai ký ức và thơ trồi lên như một lời thị chứng. Đứng trước cuộc đời, dùng thơ đúc ký ức, hoài niệm cũng là một cách, nhưng quan trọng vẫn là đúc như thế nào. Những câu thơ, khổ thơ được chắt lọc ra từ “Trôi cùng đám cỏ rẽ” phần nào cho thấy được những lung linh trong tập thơ thứ ba này của Lê Vĩnh Thái. Người viết chỉ tiếc một điều là giá như những câu thơ ấy nằm trong một thi cảnh khác, hội thêm các yếu tố nội cảm sâu dày, lập ngôn, lập ý và lựa chọn một thi pháp đủ đầy để đẩy thuyền thơ chở đi xa hơn có thể.

Ít nhiều trong các bài thơ của mình, nhà thơ bị mê mị đi bởi những luồng chảy của cảm xúc, bị cảm xúc lấn át và làm mờ trí tưởng, khiến cho sự phân chất chưa thật rạch ròi.

Sự khắc khoải triền miên của một con người bên trường thời gian hun hút là nỗi ám ảnh lớn nhất của Lê Vĩnh Thái trong tập thơ này. Đó là những xao động về sự lướt qua vô ý của thời gian kéo theo sự trở về của những mảnh hồi ức nối ghép, đồng vọng cùng thanh âm của những thời khắc hoang hoải kiếp người.

T.K   
(SH290/04-13)

---------------------
(*) Trôi cùng đám cỏ rẽ - tập thơ - Lê Vĩnh Thái, Nxb. Văn học, 2012.
 






 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • ĐỖ NGỌC YÊN…Thơ Hoàng Trần Cương là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa những chất liệu, hình ảnh và ngôn ngữ của đời sống, với sự đào sâu những suy tư, khát vọng sống của con người và một vùng quê mà anh đã nặng nghĩa sinh thành...

  • THỦY THANHCơn đại hồng thủy đầu tháng 11 năm 1999 được coi như "bản tổng kết thủy tặc" đầy bi tráng của thiên nhiên trong thế kỷ 20 đối với mảnh đất Thừa Thiên Huế. Nó đã gây ra nỗi kinh hoàng, đau thương, mất mát to lớn và cũng để lại không ít những hệ lụy nặng nề cho con người ở nơi đây. Và cũng chính nó - cơn lũ chưa từng có này - đã đi vào lịch sử.

  • BẾ KIẾN QUỐCNăm ấy, vào quãng mùa hè 1982, khi đang trực Ban văn xuôi của báo Văn Nghệ, tôi nhận được một bản thảo truyện ngắn kèm theo lời nhắn: “ Cái truyện này rất quan trọng đối với tôi. Rất mong được tòa soạn đọc kỹ và cho ý kiến. Mấy hôm nữa tôi sẽ quay lại”.

  • THÁI DOÃN HIỂUNgô Văn Phú là thi sĩ của đồng quê. Anh có thể viết nhiều đề tài như xây dựng, chiến tranh, lịch sử, tình yêu..., nhưng như lá rụng về cội, ngược về nguồn, Ngô Văn Phú trở lại nơi làng quê yêu dấu với một tình yêu bẩm sinh, yêu đến tận cùng gốc rễ như Nêruđa đã viết.

  • MAI VĂN HOANTrong số bạn bè cùng lứa thì Ngô Minh bước vào làng thơ muộn màng hơn cả. Nếu Lâm Thị Mỹ Dạ được chú ý ngay khi còn ngồi trên nghế nhà trường, Hải Kỳ có thơ in trên báo Văn nghệ những năm 69,70 thì Ngô Minh vẫn chưa hề có ai hay biết.

  • HOÀNG VŨ THUẬTCó những bài thơ đọc lên và bắt gặp ngay cái đẹp trong từng câu chữ. Lại có những bài thơ đọc đi đọc lại thấy hay mà không dễ gì tìm thấy ngay được. Nó như vẻ đẹp của người con gái có duyên thằm. Cái đẹp thầm kín, ẩn náu.

  • HOÀNG VŨ THUẬTTrong một bài thơ viết trên giường bệnh, trước khi mất vài hôm Thanh Hải tâm sự:     Ta làm con chim hót     Ta làm một cành hoa                                   Ta nhập trong hòa ca                                   Một nốt trầm xao xuyến                                          (Mùa xuân nho nhỏ)

  • Tiểu thuyết "Vạn Xuân" (Dix mille Printemps) của nữ văn sĩ Pháp Yveline Féray viết về cuộc đời Nguyễn Trãi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn dày trên 1200 trang, do Nguyễn Khắc Dương và một số cộng tác viên dịch, do Nhà xuất bản Văn học in năm 1997 đã được độc giả Việt Nam đón nhận nồng nhiệt.

  • PHAN VĂN CÁCTuy Lí Vương Nguyễn Miên Trinh (1820- 1897) là con thứ 11 vua Minh Mệnh triều Nguyễn, tự là Khôn Chương, lại có tự là Quý Trọng, hiệu là Tĩnh Phố (tên ngôi vườn ông ở) lại có hiệu là Vi Dã. Tuy Lí Vương là tước phong cuối cùng của ông (trước đó từng có tước Tuy Quốc công năm 19 tuổi).

  • HOÀNG CẦM(Lời Bạt cho tập thơ ĐÓA TẦM XUÂN của Trịnh Thanh Sơn - Nhà Xuất bản Văn học 1999)

  • NGUYỄN KHẮC PHÊTác phẩm đầu tay của tôi - tập ký sự “Vì sự sống con đường” (NXB Thanh Niên, Hà Nội, 1968) viết về những đồng đội của tôi trong cuộc chiến đấu anh hùng bảo vệ tuyến đường 12A lên đèo Mụ Dạ, một đoạn đường trọng yếu trong hệ thống đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1965-1966, được xuất bản năm 1968, nhưng bài viết đầu tiên của tôi được in trên báo chí khi tôi vừa tròn 20 tuổi và đang học tại Hà Nội.

  • Thanh Hải tên thật là Phạm Bá Ngoãn. Anh sinh ngày 4 tháng 11 năm 1930, quê ở xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhà thơ mất ngày 15 tháng 12 năm 1980, tại thành phố Huế.

  • LÊ VĂN DƯƠNG1. Quý II năm 2005, Nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh phát hành, nói đúng ra là tái bản lần thứ nhất cuốn Tản mạn nhớ và quên của Nguyên Ngọc. Cuốn sách dày 560 trang, tập hợp 15 bài viết của tác giả ở những thời điểm khác nhau nhưng đa phần là vào những năm 90 của thế kỷ XX và một vài năm mở đầu thế kỷ XXI.

  • PHAN CHÍNSau khi làm tròn vai một nhà chính trị, không giống như nhiều người khác, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm rời Thủ đô Hà Nội về Huế sinh sống.

  • NGUYỄN THỊ KIM THANH(Nhân đọc Tập thơ Ngày đầu tiên của Trần Hữu Lục - NXB Hội Nhà Văn, 01-2010)

  • HOÀNG NHƯ MAI - NGUYỄN VĂN HẤN Cùng với những tập quán cổ truyền ngày Tết dân tộc, từ cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay, nhân dân ta đã có thêm một tập quán quý báu nữa: đọc thơ chúc Tết của Bác Hồ.

  • NGÔ MINHTôi đọc và để ý đến thơ Đông Hà khi chị còn là sinh viên khoa văn Trường Đại học Sư phạm Huế. Thế hệ này có rất nhiều nữ sinh làm thơ gây được sự chú ý của bạn đọc ở Huế và miền Trung như Lê Thị Mỹ Ý, Nguyễn Thanh Thảo, Huỳnh Diễm Diễm.v.v... Trong đó có ấn tượng đối với tôi hơn cả là thơ Đông Hà.

  • NGUYỄN ANH TUẤNKhông gian trữ tình không là một địa danh cụ thể. Mặc dù có một “thôn Vĩ” luôn hiện hữu hết sức thơ mộng trên toàn đồ trực diện thẩm mỹ của bài thơ, với những màu sắc, hình ảnh, đường nét:…

  • KHÁNH PHƯƠNGNhân cách văn hóa của nhà văn có thể được biểu hiện bằng những hành động, thái độ trong đời sống, nhưng quan trọng hơn, nó chi phối nhân cách sáng tạo của nhà văn.

  • HỒNG DIỆUTrương Mỹ Dung đời Đường (Trung Quốc) có một bài thơ tình yêu không đề, được nhiều nhà thơ Việt Nam chú ý.