LÊ TIẾN DŨNG
Thời gian nghệ thuật trong truyện cổ tích trước hết phải kể đến là thời gian kể, hay là thời gian trần thuật.
Ảnh: internet
Cách kể dân gian khá quen thuộc của truyện cổ tích thường bắt đầu là "ngày xửa, ngày xưa", "ngày xưa" hay có vùng thì bắt đầu là "đời sơ đời sắc"... Chẳng hạn: "Ngày xưa có một anh chàng ngốc nghếch, đần độn..." (Truyện Làm theo lời vợ dặn); "Xưa có một nhà hiếm hoi, sinh được một đứa con thì lại là một con cóc" (Truyện Lấy vợ cóc)... Với cách kể này, truyện cổ tích được quá khứ hóa, câu chuyện được đẩy lùi vào quá khứ xa xưa, tạo ra khoảng cách khá xa giữa thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật, góp phần tạo nên tính chất cổ xưa của truyện. Do đó khi đọc truyện cổ tích, nếu thấy bắt đầu bằng "ngày xửa, ngày xưa" hay "xưa", "ngày xưa"... thì không nên xem đó như là một sáo ngữ, mà phải thấy đấy là một nét độc đáo của thi pháp truyện kể dân gian, nhằm tạo dựng, ước định tính chất cổ xưa của truyện, và có thế mới gọi là "truyện cổ". Trong một số sách sưu tầm truyện cổ dân gian gần đây ở nhiều truyện người ta đã bỏ lối kể này, thay vào đó là lối kể hiện đại hơn. Về thực chất với lối kể đó đã đi xa đặc trưng thể loại, làm mất đi tính cổ xưa vốn có của truyện.
Cũng phải thấy thêm là truyện cổ tích do các nhà Nho sưu tầm hay viết lại không hẳn đã kể lại theo lối trên. Các nhà nho thường "lịch sử hóa" truyện cổ tích, vì họ không chấp nhận một cái gì đó không rõ ràng. Bởi thế ở họ có một cách kể khác, tạm gọi là cách kể theo lối "sử hóa". Nghĩa là ở đây các tích truyện đều được gắn với một thời gian lịch sử nhất định. Chẳng hạn trong Lĩnh Nam chích quái, Trần Thế Pháp đã kể truyện Bánh chưng như sau: "Sau khi vua Hùng Vương đã phá được giặc Ân, nhân quốc gia vô sự, muốn truyền ngôi cho con, bèn triệu hai mươi vị quan lang và công tử lại mà phán rằng...". Như vậy ở đây sự tích bánh chưng đã được gắn với một thời gian lịch sử xác định là "Sau khi vua Hùng Vương phá được giặc Ân". Ngay cả những truyện không xác định được thời điểm lịch sử cụ thể thì các nhà Nho vẫn định vị cho nó một thời gian xác định. Cũng trong sách trên, truyện Cây cau được chép: "Thời thượng cổ có một vị quan lang cao lớn, nhà vua ban gọi là Cao, nên lấy Cao làm họ...". Ở đây khái niệm thời gian "thời thượng cổ" tuy không thật cụ thể, nhưng vẫn nằm trong giới hạn thời gian xác định, chứ không mông lung mơ hồ như kiểu "ngày xửa, ngày xưa".
Một nét khác trong thời gian nghệ thuật của truyện cổ tích là thời gian cốt truyện được trình bày theo một mạch thẳng. Các sự kiện, các biến cố được kể tuần tự việc này đến việc khác, kế tiếp nhau trong một thời hiện tại kéo dài. Ở truyện cổ tích chưa biết đến phép đảo ngược, phép đồng hiện, phục hiện hay hồi thuật, hồi tưởng như trong truyện hiện đại. Tất cả các sự kiện ở truyện cổ tích được trình bày theo một đường thẳng. Tấm hết đi xúc tép thì đi chăn trâu, hết đi chăn trâu thì đi hội, hết hội hè thì về giỗ bố... Có người gọi đó là thời gian sự kiện. Và có thể nói thời gian sự kiện chiếm bộ phận chủ yếu trong thời gian nghệ thuật của truyện cổ tích. Ở truyện cổ tích chưa có thời gian tâm lý. Nhân vật không có thời gian suy tư, trăn trở về một điều gì cả. Tính chất "bảo gì nghe nấy", "bảo gì làm vậy" là tính chất phổ biến của nhân vật cổ tích. Tấm được bảo hụp cho sâu kẻo đầu lấm cũng nghe, bảo chăn trâu đồng xa cũng nghe, bảo trèo cau cũng nghe... Đến khôn ngoan như mẹ con mụ dì ghẻ bảo tắm nước sôi đẹp ra mà cũng nghe nữa là. Nhân vật cổ tích do đó chủ yếu tồn tại trên phương diện hành động, chứ không phải trên phương diện tâm lý như nhân vật hiện đại. Thực ra trong cổ tích cũng có nói đến mưu mẹo, mưu mô. Nhưng mưu mẹo ở đây chưa phát triển thành mưu mẹo của tính toán, cân nhắc của tâm lý, mà chủ yếu cũng như một loại hành động. Chẳng hạn như Cám muốn lấy giỏ tép của Tấm thì bảo hụp cho sâu, mẹ con dì ghẻ muốn bắt cá bống thì bảo Tấm chăn trâu đồng xa, lão nhà giàu muốn quịt công anh trai cày thì bảo đi tìm cây tre trăm đốt, người anh muốn giàu thì may túi sáu gang... Nhưng suy cho cùng các mưu mẹo đó đều được miêu tả như những hành động mà thôi chứ không có quá trình phát triển tâm lý. Cũng như trường hợp các nhân vật "khóc", rồi Bụt hiện lên. "Khóc" ở đây như là một loại hành động hơn là một biểu hiện tâm lý.
Thời gian tâm lý không được miêu tả nên trong truyện cổ tích nhân vật cũng không biết ước mơ, không biết hồi ức, không được sống với quá khứ đã đành, mà cũng không mơ tưởng đến tương lai. Thời gian trong truyện cổ tích do vậy chủ yếu là một hiện tại kéo dài. Con người không biết đến ốm đau, tuổi già. Đúng như câu thơ Nguyễn Khoa Điềm:
Dẫu phải khi cay đắng dập vùi
Rằng cô Tấm cũng về làm hoàng hậu...
Tính chất không thay đổi đó của thời gian cũng thể hiện ở các kết thúc của truyện cổ tích. Các quan niệm như "Sống hạnh phúc đời đời", "lên làm vua trị vì muôn đời", "sung sướng suốt đời"... về thực chất là một thời hiện tại kéo dài đến vĩnh cửu.
Các thước đo thời gian cũng chưa được áp dụng trong truyện cổ tích. Nhân vật truyện cổ tích không có tuổi. Nào ai biết cô Tấm bao nhiêu tuổi, nào ai biết chàng hoàng tử, hay người đẹp ngủ trong lâu đài bao nhiêu tuổi. Nếu ai đó sưu tầm truyện cổ mà kể rằng nàng công chúa hai mươi tuổi rằng mụ phù thủy tuổi trạc bốn mươi... thì sẽ thấy buồn cười. Người ta chỉ có thể đoán biết họ qua tên gọi mà thôi. Đấy là một mụ già, một ông lão, một cô gái, một chàng trai, một đứa bé... Chứ không ai lại đi kể tuổi của nhân vật cổ tích.
Thước đo thời gian cũng không mấy khi áp dụng để diễn tả độ lâu và khoảng cách giữa các sự kiện. Chẳng hạn từ khi Tấm vào cung cho đến ngày về giỗ bố thời gian bao lâu không ai biết. Tấm sống bao lâu với bà lão hàng nước thì gặp vua cũng không ai hay. Cho nên trong cách kể của truyện cổ tích, chúng ta thấy rất nhiều trạng từ thời gian không xác định được sử dụng như: một hôm, hôm ấy, bữa kia, ngày nọ, ít hôm sau, mấy hôm sau, một lần, lần nọ... Chỉ ở những truyện quãng cách thời gian trở thành một yếu tố của cốt truyện không thể thiếu thì mới được xác định. Chẳng hạn như lời phán truyền: công chúa ngủ trong một trăm năm thì có người đến thức dậy, sau nửa đêm nàng lọ lem phải trở về, anh trai cày làm thuê cho lão nhà giàu ba năm, Từ Thức gặp Tiên và sống nơi tiên giới bảy năm... Các truyện vừa kể thời gian có vai trò như là một yếu tố xác định của cốt truyện, thiếu nó cốt truyện không lý giải được. Còn ở các truyện khác nói chung thời gian ít xác định về mặt định lượng cũng như định tính.
Thời gian nghệ thuật trong truyện cổ tích có những nét độc đáo riêng, nó khác với thời gian tuần hoàn trong văn học trung cổ, thời gian tâm lý trong văn học cận hiện đại đã đành mà cũng khác với thời gian không đầu không cuối trong thần thoại... Nét riêng biệt nó đã làm cho truyện cổ tích có những đặc trưng khác so với các loại thể văn học khác. Tìm hiểu thời gian nghệ thuật trong truyện cổ tích sẽ có ý nghĩa trong việc sưu tầm và nghiên cứu nó, tránh được những cách làm hiện đại hóa truyện cổ tích một cách tùy tiện như trong một số sách sưu tầm truyện cổ dân gian vừa qua.
1988-1990
L.T.D.
(TCSH47/01&2-1992)
PHAN TRỌNG HOÀCó thể khảo sát nghĩa của tục ngữ từ góc độ văn bản hoặc góc độ ứng dụng. Ở nước ta, việc nghiên cứu nghĩa của tục ngữ trong quá trình sử dụng không phải là một vấn đề mới mẻ, nhưng so với xu hướng này thì việc nghiên cứu nghĩa của tục ngữ ở trạng thái ổn định trên văn bản đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Thật khó khẳng định rằng trong hai cách xem xét trên thì cách nào là quan trọng hơn, vì nó không chỉ phụ thuộc vào đặc trưng thể loại của đối tượng được nghiên cứu mà nhiều khi còn tuỳ thuộc vào mục đích, yêu cầu của từng loại đề tài và nói chung là tuỳ thuộc vào nhu cầu của hoạt động thực tiễn. Điều đáng lưu tâm là ở chỗ, khi mình đã lựa chọn hướng tiếp cận này thì đừng vì thế mà phủ nhận hướng tiếp cận kia.
TRẦN ANH PHƯƠNGĐi chơi gặp vịt cũng lùagặp duyên cũng kết gặp chùa cũng tu (Ca dao)
VIỆT CHUNGTrong 12 con giáp, con dê (Mùi còn gọi là Vị) là con vật đứng vào hàng thứ 8, trước khỉ và sau ngựa. Dê tên chữ là Dương.Dê vốn là con vật miền núi, được thuần hoá nên có thể nuôi trong nhà. Hình ảnh con dê gây được những ấn tượng với người đời một cách khó quên. Đặc biệt của loài dê là dê đực hoặc dê cái đều có râu và có sừng, bản chất hiền lành và tràn đầy sinh lực.
TRIỀU NGUYÊNHiện tượng cùng âm xảy ra khi cùng một tổ hợp âm thanh nhưng có nhiều ý nghĩa khác nhau tương ứng, trong cùng một ngữ cảnh. Câu đối chơi chữ theo cách cùng âm có thể chia làm hai loại: lặp nhiều từ ngữ cùng âm trên cùng một văn bản ngắn; dùng một tổ hợp để biểu thị hai từ ngữ cùng âm; đồng thời, dạng cùng âm có yếu tố tên riêng cũng được xét như một loại đặc biệt.
PHẠM THỊ ANH NGATheo quan niệm thông thường, phép lịch sự bao giờ cũng có tính ưu đãi đối với tha nhân: dành cho kẻ khác một tầm quan trọng và thái độ trân trọng hơn là đối với chính bản thân. Nhưng cũng tuỳ từng nền văn hoá, mà giữa hai bên tương tác có sự cân bằng tương đối về vai vế hay không. C. Kerbrat-Orecchioni phân biệt: (1) Những xã hội ở đó quyền lợi giữa hai bên giao tiếp tương đối ngang nhau; (2) Những xã hội xem đối tượng tương tác (A: allocutaire) có được nhiều quyền ưu tiên hơn bản thân người tương tác (L : locuteur).
TRIỀU NGUYÊN1. Câu tục ngữ "Ẵm con chồng hơn bồng cháu ngoại" được sách Kho tàng tục ngữ người Việt (Nguyễn Xuân Kính (chủ biên), Nguyễn Thuý Loan, Phan Lan Hương, Nguyễn Luân; Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội, 2002) (KT), tr 75, ghi lại, trên cơ sở 12 đầu sách có chép nó.
NGUYỄN ĐỨC TĂNGCũng như ca dao, những câu hò trong dân gian thuộc loại văn chương bình dân nên rất phổ cập trong dân chúng. Tác giả của nó có thể là những nhà thơ dân gian, thường không lưu lại tên tuổi như những nhà thơ của văn học thành văn, nhưng cũng đóng góp đời mình vào sự phát triển của ngôn ngữ thơ ca trong lãnh vực văn chương bình dân.
TÔ VĨNH HÀNhỏ nhất như con chuột và kiêu dũng nhất như con rồng, mười hai con giáp trong lịch can - chi vẫn mãi thôi thúc lẽ nghĩ suy của muôn vạn kiếp đời trong cái nghiệp tận hằng của sự hiểu và cả “sự” làm người.
TRẦN ĐÌNH SỬNgười mù đều rất đôngTranh nhau nói sự thậtVoi vốn chỉ một thânThị phi lại bất đồng…
TRIỀU NGUYÊNI. Khái quátXem xét cách sử dụng hình ảnh của một thể loại văn học là yêu cầu cần có khi tiếp cận thể loại ấy. Tình hình nghiên cứu thể loại câu đố có nhiều hạn chế so với các thể loại khác của văn học dân gian, trong đó, có vấn đề hình ảnh.
TRIỀU NGUYÊN
TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONGCho đến nay, đã có các công trình sưu tầm và biên soạn truyện cổ Tà Ôi khá đầy đặn về văn bản. Qua các công trình nầy chúng ta thấy rằng người Tà Ôi sinh sống trên dãy Trường Sơn, quần cư chủ yếu trên địa bàn hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế đang lưu giữ một kho tàng tri thức phong phú về văn học dân gian mà trong đó thể loại An xoar (chuyện cổ tích) là một thí dụ điển hình.
TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONGNgười Tà Ôi ở Việt Nam thật sự đã có một kho tàng văn học dân gian rất phong phú với các thể loại: Ca dao (Pracăm), câu đố (Pralau), truyện cổ dân gian (Axoar), tục ngữ và dân ca.
TRIỀU NGUYÊN Chùm Truyện ngụ ngôn
HẢI TRUNGVào thời Hán, ở Trung Quốc, có một vị tướng tên là Đậu Thao, do phạm trọng tội nên bị vua Hán đày biệt xứ ra biên ải. Vợ của tướng quân này là Tô Huệ là một phụ nữ bình dân sống bằng nghề dệt lụa. Từ ngày Đậu Thao bị đày ra biên ải, ngày đêm vò võ ngóng tin chồng, nhưng ngày tháng cứ nối nhau qua mãi mà vẫn biệt âm vô tín.
TRIỀU NGUYÊN 1.Trong cấu tạo nhan đề của thơ văn Hán Nôm, ở dạng danh ngữ, có hai hình thức thường gặp: danh từ trung tâm biểu thị thể loại (như: Hịch tướng sĩ văn - Trần Quốc Tuấn, Ngọc tỉnh liên phú - Mạc Đỉnh Chi, Thượng kinh kí sự - Lê Hữu Trác, Hoàng Lê nhất thống chí - Ngô Gia văn phái, Hạ Châu tạp thi - Cao Bá Quát,...).
TRIỀU NGUYÊN(tiếp theo)