Thơ đổi mới, một khởi đầu mới

16:10 28/08/2009
INRASARA1. Đó là thế hệ thơ có một định phận kì lạ. Người ta vội đặt cho nó cái tên: thế hệ gạch nối, thế hệ đệm. Và bao nhiêu hạn từ phái sinh nhợt nhạt khác.Đất nước mở cửa, đổi mới, khi văn nghệ được cởi trói, nhà thơ thế hệ mới làm gì để khởi sự cuộc viết? Cụ thể hơn, họ viết thế nào?

Nhà thơ Inrasara - Ảnh: thethaovanhoa.vn

Đổi mới, không thể viết như cũ, họ biết thế. Nhưng bắt đầu từ đâu? Họ chưa cơ hội nhận được thông tin đa chiều hay tiếp nhận nền thơ ca thế giới với bao nhiêu trào lưu như thứ cửa hàng bách hóa tổng hợp để tha hồ chọn lựa, như thế hệ thơ hậu đổi mới. Mở cửa, họ đối mặt với khoảng trắng mênh mông của sáng tạo, của ý thức và trách nhiệm của một nghệ sĩ tự do. Họ cần làm mới, nhận thức rằng mình phải khác. Phải gánh lấy trách nhiệm định phận thi sĩ của thế hệ, của thời đại.
Nhưng mới, khác thế nào?

2. “Giai đoạn này,
ở các tỉnh phía Bắc, các nhà thơ trong nhóm Nhân văn - Giai phẩm lần lượt xuất hiện trở lại, gây được không khí cởi mở trên thi đàn, qua đó tạo ảnh hưởng không nhỏ đến các sáng tác trẻ. Dương Tường - Lê Đạt ra mắt trong tập 36 bài tình (1989), Hoàng Hưng in Người đi tìm mặt (1993) sau Ngựa biển (1988) 5 năm, Bến lạ của Đặng Đình Hưng được xuất bản năm 1991, Lê Đạt sau Bóng chữ (1994) là Ngó lời (1997), Trần Dần xuất hiện qua Cổng tỉnh (1994),...

TP Hồ Chí Minh, tuyển tập thơ và tiểu luận Gieo & Mở (1995-1996) ra hai tập rồi ngưng. Sau đó, Thơ Tự do gồm mười tác giả khuynh hưng cách tân in chung (1999) tiếp bước, rồi Tuyển tập Văn chương, ra mắt số đầu tiên vào năm 1999. Tất cả như đang dọ dẫm tìm cách bứt phá, cả trong lối viết lẫn cách xuất hiện” (Xem thêm: Inrasara, “Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại, Tienve.org Inrasara.com, 2-2009).
Thế hệ thơ chống Mỹ, với những thành tựu trong giai đoạn đất nước chiến tranh, và cả mươi năm sau đó qua các sáng tác sử thi và âm hưởng sử thi phát triển mạnh mẽ, coi như đã kết toán phần việc một thời đại. Ít ra là với thơ ca, dù vài người của thế hệ đó vẫn còn viết, còn vắt mình đóng góp.

Ngoại trừ một vài người. Nguyễn Duy là một.
Mở cửa, Nguyễn Duy cho ra đời hàng loạt sáng tác đầy phản tỉnh. Trước anh, Chế Lan Viên với những “Ai? Tôi!”, những “Bánh vẽ”,... dằn vặt nhìn lại mình và thế hệ mình. Cái nhìn dằn vặt, chua xót, và nhiều ân hận của kẻ sắp vĩnh viễn rời cuộc chơi. Cuộc chơi ông hết cơ hội cữu vãn. Nguyễn Duy thì khác, anh đang ở tuổi đứng bóng mặt trời của sáng tạo. Nhìn - như con người nhập cuộc. Đây là nhà thơ ý thức phản tỉnh self consciousness sớm, sâu và lâu dài nhất, chắc chắc thế. Tự thức từ Đánh thức tiềm lực (1987):
ta ca hát quá nhiều về tiềm lực
tiềm lực còn ngủ yên...
cho đến Nhìn từ xa... Tổ quốc (NXB Trẻ TP Hồ Chí Minh, 1989):
Có một thời ta mê hát đồng ca
chân thành và say đắm
ta là ta mà ta cứ mê ta
...Vâng - một thời không thể nào phủ nhận
tất cả trôi xuôi - cấm lội ngược giòng

Cho đến tận năm 1992, khi anh cho in bài thơ dài Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ trên Tạp chí Cửa Việt. Rồi tuyên bố nghỉ làm thơ! Bởi không còn có thể làm thơ, trong khí hậu thơ đầy giả tạo. “Ai” và dấu “?” liên tục được đặt ra suốt Nhìn từ xa... Tổ quốc. Về vô số câu hỏi đặt ra với lương tri thi sĩ trước các vấn đề xã hội. Quá khứ, hiện tại và tương lai. Và lạ là, “Không ai” trả lời. Không muốn trả lời, không thể trả lời và không dám trả lời. Trả lời sao được, khi ta đang nhất tề hành động thật thà giả và kỉ cương giả, linh thiêng và từ bi giả, cần cù và thông minh giả, bao dung và nhân tình giả,… Đặt bao “vấn đề” xã hội, nhà thơ buộc phải đặt vấn đề về chính công việc của mình: viết thơ.
ta chúi mũi hà hơi lên trang bản thảo
hô hấp nhân tạo những con chữ khó thở
...ta khao khát tiếng hát giun dế
không biên tập không kiểm duyệt
Nguyễn Duy qua ý thức phản tỉnh xã hội và suy tư về thơ, cũng đã
[vô tình] dự cuộc làm mới thơ Việt đương đại. Ta thấy Nguyễn Duy không ngán ngại ngôn từ thông tục, đời thường:
thần tượng giả xèo xèo phi hành mỡ
ợ lên thum thủm cả tim gan
Là một cách tiếp hơi cho thế hệ đổi mới và cả hậu đổi mới.

3. Nhưng như thế vẫn là chưa đủ. Thế hệ thơ đổi mới vẫn cứ là một thế hệ thơ hẫng! Họ bơi vô căn trong nỗ lực tìm đường, đối mặt với nỗi cô đơn cùng tận trước trang giấy trắng. Chấp nhận và chịu đựng. Một sức ép đè nặng lên họ; một nỗ lực và chịu đựng ghê gớm, gần như bất khả vượt. Trên bước đường, ngoảnh lại, có không ít nhà thơ tài năng bỏ cuộc. Có kẻ về hưu non, số còn lại chạy náu thân chốn báo chí hoặc cứ viết tới, như thể “thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng”.

Nhưng giữa khí quyển văn chương đó, số ít đã đứng vững. Tiếp tục chiến đấu và sáng tạo. Trong cô độc, bất trắc. Cô độc, họ bị cắt đứt với khí quyển văn chương của một tập thể ít nhiều nhất quán trong ý hướng sáng tạo; cô độc, họ ít quen biết nhau để có thể lập nhóm, mở trường phái; cô độc, họ không được “đàn anh” chỉ bảo hay đưa tay dẫn dắt, như không ít nhà thơ thế hệ trước đó; cô độc, họ càng không nhận được những tài trợ tư nhân như vài khuôn mặt thế hệ sau này. Cùng lắm có vài ưu ái mơ hồ nào đó. Bất trắc, bởi thiếu “định hướng”, họ bước đi đầy rủi ro, sa sẩy. Đại biểu của nỗi rủi ro và sa sẩy đó là Mai Văn Phấn, có lẽ.

Các bài thơ “truyền thống”, những Giọt nắng (1992), Gọi xanh (1995),… với bao giải thưởng, liên tục từ năm 1991 đến 1995, dễ đẩy anh té ngồi lên chiếu văn đầy trang trọng. Nhưng không! Nhìn lùi lại, Mai Văn Phấn vỡ ra rằng có thiếu khuyết nào đó trong thơ anh. Chúng vẫn chưa nói được tiếng nói của hôm nay. Anh quyết rời bỏ chúng, lên đường tìm giọng điệu khác của anh, của chính thế hệ anh.
Đó là thái độ dũng cảm của kẻ sáng tạo, - một thế hệ sáng tạo. Dũng cảm, bao nhiêu tác phẩm thơ được cho ra đời, sau tháng ngày hoài thai và nung nấu. Với bao nhiêu tên tuổi: Dư Thị Hoàn, Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Mai Văn Phấn, Trần Anh Thái, Trần Tiến Dũng, Đặng Huy Giang, Trần Quang Quý, Nguyễn Bình Phương.

4. Họ đều khá trẻ. Người nhiều tuổi nhất là Dư Thị Hoàn (1947), ít tuổi nhất: Nguyễn Bình Phương (1965), còn lại đa phần sinh vào khoảng 1955-1960. Họ xuất hiện trên thi đàn ngay thời đầu đổi mới. Tác phẩm đầu tay gây ấn tượng của họ ra mắt độc giả trong thời đoạn này.
Khởi đầu bằng Lối nhỏ của Dư Thị Hoàn in năm 1988, một năm sau Củi lửa của Dương Kiều Minh ra đời, tiếp theo là Sự mất ngủ của lửa của Nguyễn Quang Thiều (1992), rồi Trần Anh Thái cho in Độc thoại trắng hai năm sau đó (1994). Xuất hiện muộn nhất là Trần Tiến Dũng với Khối động (1997). Tất cả đều tạo dấu ấn, đều gây sự chú ý đáng kể, như vài hòn sỏi mới, khác lạ được ném vang vào hồ nước lăn tăn sóng.

Như thể vài dọ dẫm dè dặt bước ra khỏi cánh đồng thơ ca phong nhiêu nhưng phẳng lặng. Rồi đột ngột, khi thế kỉ XX sắp kết thúc và thiên niên kỉ mới bắt đầu, thế hệ đổi mới cho ra mắt hàng loạt tác phẩm quan trọng nhất của mình, cấp tập, tự tin và dũng mãnh.
Đó là thế hệ thơ thôi còn ám ảnh bởi quá khứ cuộc chiến thống nhất đất nước vừa qua. Quá khứ ấy trở lại, nếu có, là để được soi rọi qua một lăng kính khác, được nhìn theo các chiều hướng khác.
Trần Anh Thái, người trong cuộc, có cái nhìn vừa cận cảnh vừa toàn diện. Từ Đổ bóng xuống mặt trời (1999) sang Trên đường (2004) và mới nhất: Ngày đang mở sáng (2007).
Màn đêm lặng phắc bãi chiến trường
...Xác quân thù xác bạn gục vào nhau
                                                (Trần Anh Thái. Ngày đang mở sáng, 2007)

Khác, không phải là sự đánh đồng địch/ ta, kẻ thù/ đồng đội mà là điều gì cao vời hơn, thăm thẳm hơn: sự ưu tư về định mệnh dân tộc, khác đi - suy tư về nguồn cội. Về Quê hương, về cái Nhà - như là nơi cư trú của Tính thể con người trên mặt đất. Cảm nhận cuộc chiến theo chiều hướng đó, Trần Anh Thái từ chối kể chuyện theo trật tự thời gian, rù rì thứ lớp với chủ âm là các biến cố lịch sử trọng đại mà là những gì tưởng như vặt vãnh không đáng ghi vào sử sách được sàng lọc qua kí ức phong nhiêu, đời thường và rất con người về cuộc chiến. Chúng có mặt đầy tượng trưng, đánh động tâm thức người đọc, cho dù đấy là kẻ đã hay chưa từng dự phần vào nó, chịu đựng nó. Đây là trường ca đầy chất suy tưởng mang tính phản tỉnh của tác giả, khác nhiều so với không khí sử thi Việt, giai đoạn qua.

Đó là một cách đặt lại câu hỏi về quá khứ để khép lại quá khứ. Quá khứ như “người chị về núp bóng nâu sồng/ Rung lên những quả chuông hoàng hôn” (Mai Văn Phấn). Quả chuông hoàng hôn khép lại mãi mãi một giai đoạn lịch sử, mời gọi thế hệ hậu chiến - thế hệ đổi mới, đúng hơn - hướng đến chân trời mới, chinh phục các mục tiêu khác. Chiến tranh kết thúc, tâm thức tập thể của thời chiến tranh kết thúc đã đành; ngay ý thức tập thể của thời bao cấp, của hợp tác hóa nông nghiệp với bao sai lầm cũng phải được cởi bỏ sau lưng.
Chân tay ta vừa rút ra khỏi huyễn hoặc giấc mơ, ngón còn tê cứng một đời cuốc cày liềm hái, một đời bàn tay phải lệ thuộc vào tay trái. Cả hai bàn tay lệ thuộc vào nỗi ú ớ toát mồ hôi của cái chết lâm sàng, chỉ biết cứng đơ mặc cho cơn bóng đè trùm lợp. Giờ những bàn tay đã tự do thức dậy, biết cộng lực cho nhau khi bình minh đang đến tái sinh...
                         (Mai Văn Phấn, Người cùng thời, 1999)

5. Khép lại cách cửa quá khứ, công việc đầu tiên của họ là tái khám phá hiện thực, một hiện thực bị đánh mất trong chiến tranh hay trầm tích nơi những vùng đất lâu nay im ngủ. Chiến tranh, giá trị và ý nghĩa của đất được đo bằng sự được/ mất, sự hi sinh và lượng đổ đi của máu; sản xuất, đất là tấc đất tấc vàng, là đổ mồ môi sôi nước mắt. Khi bao trận vào sinh ra tử cho đất đã qua, mấy cày sâu cuốc bẫm tất bật đã lắng lại, đứa con của Đất nhìn và hiểu đất bằng/ qua tâm thức khác. Nhà thơ như là kẻ trầm tư đánh thức nó dậy. Sông Đáy trong khí mạch đất Hà Tây văn vật vang vọng suốt sáng tác của Nguyễn Quang Thiều là một. Anh khai quật và tìm thấy những báu vật bị bỏ quên hay còn ẩn giấu, ở các tầng sâu thẳm, sâu thẳm hơn nữa. Anh nhìn thấy những gì người khác không nhìn thấy hoặc, nhìn thấy khác người khác. “Những người đàn bà gánh nước sông”, những “con chó canh giữ nỗi buồn”,...

Khởi xướng từ xứ sở bóng tối đang lan tỏa, những tiếng không phải tiếng
Rồi những tiếng ngập ngừng, rồi thanh thoát, và dâng khắp, vang vang
Hiện lên những gương mặt bị chia sẻ và lắp ghép
Tóc tìm tóc, tai tìm tai, mắt tìm mắt, và máu tìm lại máu
Những ống họng bị cắt đứt lần tìm và tự hồi sức
Và chảy trong thức tỉnh lần mò, và chảy trong mê man lộng lẫy
                        (Nguyễn Quang Thiều, Nhịp điệu châu thổ mới, 1997)

Hiện thực xa có thể là những mảnh vụn của một nền văn minh đang ngủ vùi giấc ngàn thu như văn minh Champa, được Inrasara phục dựng và làm sống dậy. Sống dậy và hòa nhập dòng chảy chung của dân tộc, của nhân loại. Hiện thực cũng có thể là hiện thực gần của cuộc sống thành phố sôi động bề bộn hay bế tắc trước và sau mở cửa lộ diện trong các sáng tác của Trần Tiến Dũng. Một hiện thực nẩy sinh từ va chạm của các thế hệ, các quan niệm sống khác nhau, của các nền văn hóa khác nhau. Sự va chạm sinh ra hệ lụy có khi rất vi tế và cá biệt nhưng mang sức bung phá dữ dội, sẵn sàng làm sụp đổ một ý thức hệ. Lắm lúc nó mang tính khái quát lớn, có tác động rộng lớn trong cộng đồng. Nơi đó, sự tha hóa của con người là một. Nếu “Người đi tìm mặt” của Hoàng Hưng đẫm chất hiện sinh, thì đến Trần Quang Quý, “mặt” người đã khác, rất khác. Chúng biến chất và biến thiên đa dạng, trơn trợt khó nắm bắt. Chúng làm nhạt nhòe cá tính và nhạt nhẽo, vô vị hóa cuộc đời.

Những cái mặt di cư trong nhau
đến nỗi quên lối về
mặt thật!

Phải sắm nhiều vai kịch trong mỗi đời mặt
góc diễn tấu vỉa hè hay trang trọng sân khấu thời cuộc
một ánh chớp
một liu tiu cỏ biếc
mỗi mắt người một ngọn đèn soi

Những đau đáu buồn, khuôn mặt nặn nhào, khuôn mặt nhẵn quen
những cái mặt ẩn dụ xu nịnh
và thương thay những mặt mượn men
cả những mặt đã lạc màu chính khách

Tôi gặp đó đây nhan nhản vô cảm
có khuôn mặt một đời biểu diễn
có khuôn mặt đau nỗi đau không mặt
bóng thời gian làm xiếc phận người
                                    (Trần Quang Quý, Siêu thị mặt, 2006)

Một cuộc sống trong đó con người biểu diễn hay làm xiếc phận người với “vô cảm tiếng cười vô cảm ánh nhìn nhau” (Trần Anh Thái). Đó có thể là hệ quả của hậu chiến, con người lâu nay quen đồng bộ, đồng bộ ở cách nghĩ, cách viết và phần nào đó cách sống, nay khi đột ngột bị đẩy vào tình thế buộc nhìn lại mặt mình: ta thấy mình không giống ai. Đúng hơn - giống tất cả mọi người mà không nét nào là của mình. Muốn tìm lại mặt mình, cũng không biết tìm ở đâu. Chúng ta chưa chuẩn bị gì cả! “Cuộc sống của tôi là sống giữa tầng tầng thế giới mặt” (Trần Quang Quý).

(còn nữa)
I.R.S.R
(245/07-09)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • INRASARATham luận tại Hội thảo “Nhà văn với sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước”, Hội Nhà văn Việt Nam, Đồng Nai, 8-1-2009.

  • HOÀNG NGỌC HIẾNWallace Stevens ví hành trình của những nghệ sĩ Tiên phong (hoặc Tiền vệ) của chủ nghĩa hiện đại những thập kỷ đầu thế kỷ XX như những cuộc phiêu lưu của những nhà thám hiểm núi lửa, họ đã đến núi lửa, “đã gửi về tấm bưu ảnh cuối cùng” và lúc này không có ước vọng gì hơn là trở về nhà.

  • TRẦN HOÀI ANH1. Nhà thơ - Người đọc: Niềm khắc khoải tri âmKhi nói về mối quan hệ giữa nhà thơ và độc giả, Edward Hirsch đã viết: “Nhiều nhà thơ đã nắm lấy ý Kinh Thánh Tân Ước “Khởi thuỷ là lời”, nhưng tôi thích ý kiến của Martin Buber trong “Tôi và bạn” hơn rằng: “Khởi thuỷ là những mối quan hệ” (1).

  • VIỆT HÙNGCông tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật đang là mối quan tâm lo lắng của giới chuyên môn, cũng như của đại đa số công chúng, những người yêu văn học nghệ thuật. Tình trạng phê bình chưa theo kịp sáng tạo, chưa gây được kích thích cho sáng tạo vẫn còn là phổ biến; thậm chí nhiều khi hoặc làm nhụt ý chí của người sáng tạo, hoặc đề cao thái quá những tác phẩm nghệ thuật rất ư bình thường, gây sự hiểu nhầm cho công chúng.

  • HẢI TRUNGVũ Duy Thanh (1811 - 1863) quê ở xã Kim Bồng, huyện An Khánh, tỉnh Ninh Bình là bảng nhãn đỗ đầu trong khoa thi Chế khoa Bác học Hoành tài năm Tự Đức thứ tư (1851). Người đương thời thường gọi ông là Bảng Bồng, hay là Trạng Bồng.

  • NGUYỄN SƠNTrên tuần báo Người Hà Nội số 35, ra ngày 01-9-2001, bạn viết Lê Quý Kỳ tỏ ý khiêm nhường khi lạm bàn một vấn đề lý luận cực khó Thử bàn về cái tôi trong văn học. Anh mới chỉ "thử bàn" thôi chứ chưa bàn thật, thảo nào!... Sau khi suy đi tính lại, anh chỉnh lý tí tẹo tiêu đề bài báo thành Bàn về "cái tôi"trong văn học và thêm phần "lạc khoản": Vinh 12-2001, rồi chuyển in trên Tạp chí Văn (Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh), số 4 (Bộ mới, tháng 3-4)-2002. Trong bài trao đổi này chúng tôi trích dẫn căn cứ theo nguyên văn bài báo đã in lần đầu (và về cơ bản không khác với khi đưa in lại).

  • TRƯƠNG ĐĂNG DUNGCùng với sự phát triển của một thế kỉ văn học dân tộc, lí luận văn học ở Việt Nam cũng đã có những thành tựu, khẳng định sự trưởng thành của tư duy lí luận văn học hiện đại.

  • NGUYỄN NGỌC THIỆNTrong vài ba thập niên đầu thế kỷ XX, trung xu thế tìm đường hiện đại hóa văn xuôi chữ quốc ngữ, các thể tài tiểu thuyết, phóng sự được một số nhà văn dụng bút thể nghiệm.

  • L.T.S: Trong ba ngày từ 03 đến 05 tháng 5 năm 2005, tại thành phố Huế đã diễn ra hoạt động khoa học quốc tế có ý nghĩa: Hội thảo khoa học Tác phẩm của F. Jullien với độc giả Việt Nam do Đại học Huế và Đại học Chales- de-Gaulle, Lille 3 tổ chức, cùng sự phối hợp của Đại sứ quán Pháp ở Việt Nam và Agence Universitaire  francophone (AUF). Hội thảo có 30 tham luận của nhiều giáo sư, học giả, nhà nghiên cứu Việt Nam, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc.

  • NGUYÊN NGỌC1- Trong các tác phẩm của F. Jullien đã được giới thiệu ở Việt , tới nay đã được đến mười quyển, tôi chỉ dịch có một cuốn “Một bậc minh triết thì vô ý” (Un sage est sans idée). Tôi dịch cuốn này là theo gợi ý của anh Hoàng Ngọc Hiến. Khi in, cũng theo đề nghị của anh Hiến và của nhà xuất bản, cuốn sách đã được đổi tên ở ngoài bìa là “Minh triết phương Đông và triết học phương Tây”, các anh bảo như vậy “sẽ dễ bán hơn” (!).

  • ĐÀO HÙNGTrước khi dịch cuốn Bàn về chữ Thời (Du temps-éléments d′une philosophie du vivre),  tôi đã có dịp gặp François Jullien, được nghe ông trình bày những vấn đề nghiên cứu triết học Trung Hoa của ông và trao đổi về việc ứng dụng của triết học trong công việc thực tế. Nhưng lúc bấy giờ thời gian không cho phép tìm hiểu kỹ hơn, nên có nhiều điều chưa cảm thụ được hết.

  • NGUYỄN VĂN DÂNTheo định nghĩa chung, xã hội học là khoa học nghiên cứu về các sự việc mang tính chất xã hội. Mặc dù cội nguồn của nó phải kể từ thời Aristote của Hy Lạp, nhưng với tư cách là một ngành khoa học, thì xã hội học vẫn là một bộ môn khoa học khá mới mẻ. Ngay cả tên gọi của nó cũng phải đến năm 1836 mới được nhà triết học người Pháp Auguste Comte đặt ra.

  • MAI VĂN HOANƯớc lệ được xem là một đặc điểm thi pháp của văn học Trung đại. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du sử dụng khá nhiều bút pháp ước lệ. Có điều nhà thơ sử dụng một cách hết sức linh hoạt, sáng tạo nên tránh được sự sáo mòn, nhàm chán. Không những thế bút pháp ước lệ của Nguyễn Du còn góp phần diễn tả một cách tinh tế, sâu sắc tâm trạng nhân vật. Điều đó thể hiện rất rõ qua cảnh Thuý Kiều đưa tiễn Thúc Sinh về tự thú với Hoạn Thư.

  • HÀ VĂN LƯỠNG  Thơ haiku Nhật bản là một sản phẩm tinh thần quý giá của đời sống văn hoá đất nước Phù Tang. Nó là một thể thơ đặc biệt trong thơ cổ truyền của Nhật bản. Phần lớn các nhà thơ haiku đều là các thiền sư. Chính những nhà thơ thiền sư này đã đưa thiền vào thơ. Vì thế, họ nhìn đời với con mắt nhà sư nhưng bằng tâm hồn của người nghệ sĩ.

  • TRẦN THANH HÀVăn học bao giờ cũng gắn bó với thời đại và con người. Đặc biệt trong tiến trình đổi mới hôm nay, xu thế hoà nhập với văn hoá phương Tây đã ảnh hưởng không nhỏ đến văn học Việt . Bởi nó đang tác động tới "ý thức chủ thể" của nhà văn.

  • HOÀNG TẤT THẮNG                1. Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải chỉ là một vị lãnh tụ, một người thầy kiệt xuất của phong trào cách mạng Việt mà còn là một nhà thơ, nhà văn xuất sắc trong nền văn học Việt hiện đại. Bác Hồ chưa bao giờ có ý định trở thành nhà thơ, nhà văn, song các tác phẩm thơ văn ngôn ngữ của Người đã trở thành một mẫu mực, một phong cách đặc biệt cho các thế hệ người Việt tiếp tục nghiên cứu và học tập.

  • NGUYỄN DƯƠNG CÔNĐề tài và chủ đề là hai trạng thái cơ bản nhất, bao dung hết thảy làm nên cấu trúc tổng thể tác phẩm tiểu thuyết. Hai trạng thái đó trong liên kết tương tác gây dẫn nên tất cả những yếu tố ý nghĩa nội hàm tiểu thuyết. Chúng còn đồng thời gây dẫn nên những yếu tố ý nghĩa liên quan nảy sinh trong tư duy tiếp nhận ngoài ý nghĩa nội hàm tiểu thuyết. Nhưng dẫu có như thế, chỉ có thể hình dung cho đúng đắn được đề tài, chủ đề theo định hướng duy nhất thấy chúng trong cấu trúc nội bộ tổng thể tác phẩm tiểu thuyết.

  • NGUYỄN HỒNG DŨNGQuá trình “hiện đại hoá” văn học Việt Nam giai đoạn 1932 - 1945 diễn ra dưới sự tác động trực tiếp của văn học phương Tây. Gần một thế kỷ nay, khi nghiên cứu những tác động từ bên ngoài vào Việt Nam giai đoạn này các nhà ngữ văn chỉ chủ yếu nhấn mạnh đến ảnh hưởng của văn học Pháp. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến ảnh hưởng của nhà thơ Mỹ Edgar Poe đối với Hàn Mặc Tử, một đỉnh cao của phong trào “thơ mới”.

  • PHẠM PHÚ PHONG            Tiểu thuyết, đó là một trong những sáng tạo kỳ diệu của con người, đó là một đồ dùng, một vũ khí của con người để tìm hiểu, chinh phục dần thế giới và để tìm hiểu nhau và sống với nhau.                                                                                       Nguyễn Đình Thi

  • PHONG LÊ(Trích - Nhìn từ các mục tiêu của công việc “viết”)