Thi pháp truyện cực ngắn

15:03 26/08/2014

HOÀNG LONG

Trên thế giới, thể loại truyện cực ngắn có nhiều tên gọi. Ngoài tên thông dụng nhất là “truyện cực ngắn” hay “truyện rất ngắn” thì còn có các tên truyện chớp, truyện ngắn ngắn…

“Trang Chu mộng vi hồ điệp” - Ảnh: internet

"sudden fiction" (truyện bất ngờ), "postcard fiction" (truyện bưu thiếp), "minute fiction" (truyện mini), "furious fiction" (truyện hỏa tốc), "fast fiction" (truyện nhanh), "quick fiction" (truyện vội), "skinny fiction" (truyện mỏng) và "micro-fiction" (vi truyện) hay một tên gọi đặc biệt là "truyện dài bằng hơi khói" (với ý nghĩa là thời gian để đọc nó chỉ bằng thời gian hút xong một điếu thuốc lá).

Người Trung Quốc gọi truyện cực ngắn là “vi hình tiểu thuyết”, người Nhật gọi là “Sho-to sho-to” tức phiên âm của chữ “short short story”. Sau này còn có tên “siêu đoản thiên tiểu thuyết” (chotanpen shosetsu) rất thịnh hành cho điện thoại di động. Có hàng trăm trang web chuyên về truyện cực ngắn với những giải thưởng riêng. Riêng Kawabata Yasunari thì gọi riêng thể loại truyện cực ngắn của mình sáng tác là “truyện ngắn trong lòng bàn tay” (Tenohira no shosetsu). Trong cuộc đời mình ông viết chừng 146 truyện trong lòng bàn tay và cho đó mới là tinh hoa của văn nghiệp mình. Vào những năm cuối đời Kawabata đã gắng cô đúc lại kiệt tác “Xứ tuyết” của mình thành một truyện ngắn trong lòng bàn tay”.

Tuy là một thể loại tương đối mới nhưng truyện cực ngắn đã có một lịch sử lâu đời. Ta có thể xem những câu thoại đầu, những mẩu chuyện trong Kinh Phật, ngụ ngôn Aesop… là những truyện cực ngắn tuyệt hay. Chẳng hạn như một câu trong kinh Pháp Cú “Voi không đi dạo chơi trên lối mòn thỏ chạy” cũng có thể xem là một truyện cực ngắn. Tuy không định danh là truyện cực ngắn nhưng những mẩu chuyện trong “Trang Tử - Nam Hoa Kinh” có thể coi là kiệt tác.  Chẳng hạn như truyện “Trang Chu mộng vi hồ điệp” sau đây:

“Có lần Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa bướm vui vẻ bay lượn, mà không biết mình là Chu nữa, rồi bỗng tỉnh dậy, ngạc nhiên thấy mình là Chu. Không biết phải mình là Chu nằm mộng thấy hóa bướm hay là bướm mộng thấy hóa Chu” (Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê).

Rất nhiều nhà văn xuất sắc đều từng thử qua thể loại truyện cực ngắn. Ta có thể điểm qua những cái tên lừng danh như Franz Kafka, Jorge Luis Borges, Raymond Carver, John Updike… Trong số đó nổi tiếng nhất có lẽ là Augusto Monterroso (1921 - 2003) lừng danh như một “thiên tài của truyện cực ngắn” và được xem như một trong những nhà văn lớn nhất và kỳ đặc nhất trong văn chương Mỹ La-tinh thế kỷ 20. Ông có một tác phẩm được xem là ngắn nhất và nổi tiếng nhất thế giới trong loại truyện cực ngắn. Đó là truyện “Con khủng long”, chỉ có một câu ngắn 8 chữ tiếng Tây-ban-nha.

“Thức dậy, con khủng long vẫn còn đó”.

Vậy mà cái truyện cực ngắn này lại là đề tài cho nhiều luận án Tiến sĩ văn chương.

Tuy phát triển rực rỡ như vậy nhưng cho đến bây giờ ở Việt Nam vẫn còn nhiều hiểu lầm tai hại về truyện cực ngắn. Ngộ nhận thứ nhất là cứ nén dung lượng ngôn từ đến cực hạn là truyện cực ngắn. Chính vì vậy những tập truyện cực ngắn Trung Quốc, Việt Nam đều gần như là những đoản văn hay truyện ngắn rút gọn mà thành. Theo chúng tôi, truyện cực ngắn dĩ nhiên phải ngắn, nhưng không phải cứ ngắn là truyện cực ngắn. Một truyện cực ngắn vào khoảng 500 đến 700 chữ nhưng nó phải diễn tả được tư tưởng của tác giả, là một phần của bức tranh toàn thể. Nếu không chúng ta chỉ có những đoạn văn ngắn chứ không phải là truyện cực ngắn, có thể xem là những mẩu vụn cảm nghĩ chứ không phải là tư tưởng. Nếu tác gia có cách nhìn tư tưởng của riêng mình thì chỉ cần đọc vài ba truyện người ta có thể nhận ngay ra được là truyện của ai. Trong sáng tác truyện cực ngắn hiện nay, rất ít người có được điều này. Cho nên nếu để những truyện cực ngắn cạnh nhau chúng ta rất khó biết được tác giả, vì truyện nào cũng chỉ là những ý nghĩ vụn vặt, những cảm nghĩ rời rạc mà thôi. Muốn có đặc trưng riêng, tác giả phải có một tư tưởng và một cách diễn đạt của riêng mình để làm cho những truyện cực ngắn tạo nên một thế giới riêng, các truyện đứng cạnh nhau cùng soi sáng thế giới ấy.

Ngộ nhận thứ hai về truyện cực ngắn là xem “truyện cực ngắn là một thể loại bình dân”. Đây là ý kiến của Dương Hiếu Mẫn, Tổng biên tập tạp chí "Bách Hoa Viên" kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Truyện cực ngắn chọn lọc, được đánh giá là một người có công lớn trong sự nghiệp vun trồng thể loại truyện cực ngắn Trung Quốc. Theo chúng tôi đây là một quan niệm hết sức phiến diện và sai lầm vì không có thể loại bình dân hay quý tộc. Rơi vào tay cao thủ thì một lá cỏ mong manh không những có thể triển khai được một tầm sát thương rộng lớn mà còn thể hiện được một đường bay thanh thoát, phiêu diêu. Ngôn ngữ nói chung và thể loại nói riêng tự bản thân nó chẳng có ý nghĩa gì cả. Ta nói cái gì và nói như thế nào mới chính là điều cốt tủy. Nếu như có sức nén của một tư tưởng thì một cuốn tiểu thuyết, một dòng thơ ngắn hay vài ba dòng chữ cũng gây nên một hiệu ứng thẩm mỹ như nhau. Hơn nữa, bất cứ thể loại văn học nào cũng có giới hạn. Bản thân con người cũng có giới hạn. Vấn để là xử lý “cái giới hạn” như thế nào, biết nương vào cái giới hạn để nói lên cái vô hạn. Điều đó phụ thuộc vào nội lực của người viết.

Như vậy, đặc trưng của truyện cực ngắn là gì? Theo chúng tôi một truyện cực ngắn phải cần bốn đặc điểm sau:

Thứ nhất mỗi truyện là một hình ảnh thể hiện tư tưởng và phát xuất từ bên trong, từ suối nguồn tâm linh sâu kín, từ nội tâm mãnh liệt của tác giả. Nhà văn phải có một nhân sinh quan của riêng mình, và tìm kiếm hình ảnh để diễn tả cái tư tưởng, nhân sinh quan đó. Chẳng hạn qua những truyện “Cây cầu” hay “Trước cửa pháp luật” ta thấy truyện cực ngắn của Kafka luôn nhớp nháp, nhầy nhụa một thứ đờm dãi, máu huyết của riêng ông với thứ không khí chập chờn đặc trưng của cơn ác mộng. Truyện hình thành từ sâu thẳm bản ngã Kafka và hình ảnh cây cầu chỉ là một cái cớ để thể hiện ý tưởng đó. Cái tư tưởng cuộc sống bình yên riêng tư của mình đột nhiên bị một yếu tố bên ngoài như luật pháp, một kẻ phá đám xen vào hủy hoại luôn hiện diện trong các tác phẩm của ông, làm thành một thế giới Kafka riêng biệt. Nhưng truyện cực ngắn là mảnh vỡ lấp lánh của thế giới ấy. Các hình ảnh như người bảo vệ trước cửa pháp luật, kẻ đi qua cầu, con kên kên, cảnh sát trong truyện cực ngắn đều là có thể xem là sự phản chiếu của một tư tưởng chung mà thôi.

Theo chúng tôi đây là đặc điểm quan trọng nhất vì con đường sáng tạo là hành trình phát kiến tâm linh. Viết là một sự chữa trị và một chuyển hóa tâm thức. Văn chương, triết học cũng là thứ gia vị để giúp mình sống hay hơn, nhân bản hơn giữa cuộc đời này. Bất cứ văn chương triết lý nào không giúp con người và cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn đều là thứ văn chương triết lý để chơi làm kiểng. Phải mở rộng và chuyển hóa tâm thức. Phải biết chấp nhận hiện thực và sống vui trong thế giới huyễn mộng này. “Chúng ta có thể trở nên nhân bản hơn bằng cách trở nên hoàn vũ hơn” (Okakura Tenshin).

Đặc trưng thứ hai của truyện cực ngắn là hình ảnh truyện hấp dẫn đủ để diễn tả tư tưởng. Hình ảnh con khủng long trong truyện của Augusto Monterroso hay con voi trong câu kinh Pháp cú “Voi không đi dạo chơi trên lối mòn thỏ chạy” ám ảnh người đọc, gợi lên nhiều suy tư. Do đó đây có thể xem là những truyện cực ngắn thành công. Hình ảnh truyện càng độc đáo thì càng để lại ấn tượng sâu sắc với người đọc. Hầu như ai cũng bị ám ảnh bởi hình ảnh con kên kên mổ vào người trong truyện Kafka.

Nhà văn phải có một nhân sinh quan, một tư tưởng riêng mình về cuộc sống. Sau khi đã có một hệ tư tưởng riêng cho mình, người viết bắt đầu tìm kiếm hình ảnh. Hình ảnh đến từ bên ngoài nhưng là biểu tượng để nói về cái bên trong, cái nội tâm sâu kín, phát xuất từ một suối nguồn tâm linh mãnh liệt. Bởi văn chương diễn đạt tư tưởng bằng hình ảnh nên có thể nói kiếm tìm hình ảnh là công cuộc quan trọng nhất của sáng tạo sau việc phát kiến tâm linh.

Đặc trưng thứ ba là tính gợi mở. Tính gợi mở này có được do sự nén ngôn từ nên để lại rất nhiều khoảng trống, khoảng trắng. Sau mỗi truyện phải là một “hậu cảnh thăm thẳm” (từ của nhà văn Mai Sơn). Như một bài haiku Nhật Bản “ông lão ấy, cố quên đi chuyện tình, mưa mùa thu lất phất” nói về mối tình của ông già với người con dâu gợi cho chúng ta bao nhiêu ý niệm. Vì nén đến cực hạn nên mới mở rộng ra vô cùng. Trong tranh thủy mặc chúng ta cũng nhận thấy điều này qua triết lý “khoảng trắng là một phần của bức tranh”.

Đặc trưng cuối cùng theo chúng tôi là mỗi truyện cực ngắn là một thực thể sinh động, màu mỡ thịt da ngôn từ và hình ảnh chứ không phải chỉ là những câu văn cụt ngủn ghép lại với nhau. Tức là tuy dùng ngôn từ cực hạn nhưng truyện phải có da thịt, sức sống chứ không phải chỉ có xương cốt mà thôi. Trong ý nghĩa đó, những truyện chỉ có một từ rất khó có thể gọi là truyện cực ngắn.

Như vậy, sau khi tìm hiểu bốn đặc trưng trên, chúng ta thấy cái thế giới thống nhất của truyện cực ngắn đến từ sự nhất quán của nhân sinh quan và tư tưởng quan của tác giả. Có nghĩa là mỗi truyện cực ngắn chỉ là một mảnh trong trò chơi xếp hình, một góc của bức tượng hay một cây trong toàn thể khu rừng. Giữa các truyện cực ngắn có mối liên kết nội tại. Theo đó thì bớt đi một hai truyện độc giả cũng hình dung được thế giới riêng của nhà văn, thêm vào một hai truyện càng làm cho thế giới đó lung linh màu sắc. Những truyện chỉ là những hình ảnh khác nhau của cùng một bản thể.

Khi đọc truyện cực ngắn tức là ta bước vào một thế giới. Thế giới ấy sẽ có nhiều điểm tương đồng với ta nhưng cũng có phần khác biệt. Cái thế giới riêng tư ấy ta chỉ có thể bước vào và cảm nhận chứ không thể sửa sang hay bắt chước. Nó là độc sáng. Vì vậy những truyện cực ngắn kinh điển không ai có thể bắt chước được. Chúng hiện diện rất gần, ta có thể bước vào dạo chơi nhưng nếu muốn sửa sang, chúng ta hãy sáng tạo một thế giới khác, riêng của mình. Vì con người có thể có những tương đồng do cộng nghiệp nhưng do biệt nghiệp mà mỗi cá nhân lại khác nhau, riêng tư, độc nhất.

Đối với nhà văn sau khi tạo dựng thế giới truyện của riêng mình, y có thể ngồi xuống và quan sát. Có những chỗ thô nhám, cần phải sửa đổi, có những hình ảnh chưa rõ cần phải bổ sung. Đôi khi cần thêm các bảng dấu chỉ dẫn đường cho độc giả khỏi lạc lối bằng cách nhấn mạnh một vài hình ảnh quan trọng. Thế giới ấy sẽ tương thông với vô vàn các thế giới khác đã được những văn tài xuất chúng tạo ra. Độc giả có thể đi xuyên qua những thế giới ấy và tìm kiếm tâm hồn mình. Và khi ta đã đốt cháy hết mình cho sáng tạo, dựng lên một thế giới riêng tư tốt đẹp hết mức có thể được thì ta đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Và rồi ta rút lui khỏi thế giới, đội nón rơm, kiếm một ngọn núi nào ẩn dật, sống vui vẻ quên đời. Thế giới ta đã tạo ra đó tự đứng vững chãi một mình qua tháng năm qua biến thiên thời đại. Vì lẽ chính trị là nhất thời nhưng văn chương và sự nghiệp giáo dục con người là vĩnh cửu.

H.L
(SH306/08-14)








 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • TRẦN ĐÌNH SỬTrong cuốn sách dịch, đúng hơn là trích dịch Những vấn đề thi pháp Đoxtoiepxki của M.M Bakhtin, chúng tôi đã giới thiệu những lời đánh giá quan trọng của các học giả thế kỷ XX đối với Bakhtin: "Bakhtin, nhà lý luận văn học lớn nhất của thế kỷ XX" (TS. Todorov). "Bakhtin, người giữ cho các khoa học nhân văn đối tượng riêng của chúng" (X.X. Avêzinxép), "Bakhtin, người đem lại một quan niệm hoàn toàn mới về ngôn từ tiểu thuyết" (A. Tritrêrin)...

  • PHONG LÊViệc xác định một đề tài nghiên cứu cho bất cứ ai bước vào con đường khoa học, theo tôi là động tác quan trọng đầu tiên, có ý nghĩa quyết định, như là một ô cửa, một đột phá khẩu trổ ra cái bầu trời, hoặc quang đãng hoặc vần vụ mưa gió, rồi anh ta sẽ được bay lượn ở trong đó.

  • ĐỖ LAI THUÝNgàn mây tràng giang buồn muôn đời                                 Nguyễn Xuân Sanh

  • VŨ QUẦN PHƯƠNGTên thật cũng là bút danh, sinh ngày 18-9-1949 tại quê gốc huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình.

  • TRẦN THỊ THANHTừ Hán Việt là một số lớp từ khá quan trọng trong ngôn ngữ tiếng Việt của người Việt Nam. Với con số 60-70% từ Hán Việt có trong tiếng Việt, nó đã và đang đặt ra một nhiệm vụ cấp thiết làm thế nào để cho mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là tầng lớp thanh, thiếu niên viết và nói đúng tiếng Việt trong đó có từ Hán Việt.

  • HỒ TIỂU NGỌCLTS: Nhân dịp kỷ niệm 53 năm Quốc khánh nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, Sông Hương xin trân trọng giới thiệu bài thơ sau đây của tác giả Đoàn Duy Thành. Bài thơ thể hiện tình hữu nghị cao quý của nhân dân hai nước Việt - Trung.

  • HỒNG NHU            (Tham luận tại Hội nghị Văn học Miền Trung lần thứ II tháng 9-2002) LTS: Hội nghị văn học miền Trung lần thứ hai vừa diễn ra tại thị xã Sầm Sơn, Thanh Hoá trong 2 ngày 19 và 20 tháng 9 năm 2002. Gần 80 nhà văn của 18 tỉnh thành từ Bình Thuận đến Thanh Hoá đã về dự. Ngoài ra còn có đại diện các hội đồng chuyên môn, các ban công tác, các cơ quan báo chí xuất bản của Hội Nhà văn Việt cũng có mặt trong cuộc hội ngộ này.

  • THÁI BÁ LỢIMột nhà văn lớp đàn anh của tôi tâm sự: Chỉ có miền Trung mới có văn xuôi thôi, vì ở đây từ đất đai, khí hậu con người luôn luôn được thử thách, được cọ xát, được tôi rèn, với hoàn cảnh khắc nghiệt như vậy mới bật ra tư tưởng, mà văn xuôi là tư tưởng.

  • NGUYỄN TRỌNG TẠO1. Không nhà thơ nào muốn lặp lại những gì thơ ca đã có, kể cả lặp lại chính mình. Đi tìm cái lạ cái mới, chính là bản chất của sáng tạo.

  • NGUYỄN QUANG HÀHình như trong máu của người Việt đều có một chút máu thi nhân. Cho nên thấy ai cũng mê thơ cả. Chả thế mà tít mãi vùng hẻo lánh, các bà mẹ ru con bằng Kiều, bằng ca dao. Lời ru giống như một sự ngẫu hứng, cứ thế tự trào ra từ tâm hồn mình.

  • TRẦN THANH ĐẠMNgày13 tháng 06 năm 2002 vừa qua là dịp kỷ niệm lần thứ 75 ngày mất của một trong những nhà yêu nước và cách mạng tiền bối, một nhà giáo dục lớn của nước ta đầu thế kỷ XX: chí sĩ Lương Văn Can (1854-1927).

  • LÊ HỒNG SÂM Cách đây mươi năm, trong một cuộc phỏng vấn thân mật, chị Lộc Phương Thuỷ có hỏi tôi về những kỷ niệm đáng nhớ, liên quan đến văn học, nhất là văn học Pháp. Tôi đã kể cho chị Thuỷ mẩu chuyện nhỏ mà hôm nay tôi xin thuật lại, dưới tiêu đề phù hợp với một trong hai nội dung của hội thảo Fantine, Cosette và chiếc đòn gánh Việt .

  • HỒNG NHULTS: Những cuộc trao đổi mang tính nghề nghiệp về thơ ở tầm "vĩ mô" dường như đang co lại ở tầm "vi mô". Các ý kiến khác nhau, thậm chí ngược nhau trong tranh luận học thuật là chuyện bình thường. Song, sẽ không bình thường khi công cuộc đổi mới của Đảng đã bước vào nền kinh tế tri thức mà vẫn còn những "tư duy thơ" theo cơ chế suy diễn với những mục đích gì đó, ngoài thơ.Nhằm rộng đường dư luận, Sông Hương xin được trao đổi lại một trường hợp cụ thể sau đây.

  • MAI VĂN HOANỞ Huế tôi đã có nghe bạn bè nói sơ qua về cuộc hội thảo tập thơ "Đám mây lơ lửng" của Hoàng Vũ Thuật, tác phẩm đoạt giải A giải thưởng VH-NT Lưu Trọng Lư lần thứ hai (1996 - 2000) do Hội Văn nghệ Quảng Bình tổ chức.

  • ĐÀO DUY HIỆP“Đi tìm thời gian đã mất” của Marcel Proust (1871-1922) là một tiểu thuyết đồ sộ gồm bảy tập với trên dưới ba nghìn trang ngày nay đã được độc giả toàn thế giới say sưa đón đọc và được nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu đánh giá rất cao.

  • THÁI THU LANThông thường, mỗi văn nhân nghệ sĩ đều có nỗi đau đời, nỗi đau nhân thế. Nỗi đau này băt nguồn từ tấm lòng nhân ái và ý thức trách nhiệm của người nghệ sĩ trước cuộc sống và số phận con người qua những biến động của xã hội.

  • HOÀNG QUẢNG UYÊNTôi yêu mến và quý trọng những câu thơ như là "không thơ" của chị:Câu thơ nước chảy bèo trôi/ Vẫn nghiêng về phía phận đời khổ đau. (Hương cỏ)

  • FRANÇOIS JULLIEN                                        LTS: Hạ tuần tháng tư năm 2001, nhà triết học F.Jullien đến thăm Hà Nội nhân dịp lần đầu tiên công trình của ông được giới thiệu ở Việt Nam trong văn bản tiếng Việt (Xác lập cơ sở cho đạo đức- N.x.b Đà Nẵng, 2000). Cuối năm nay sẽ được xuất bản bản dịch công trình Bàn về tính hiệu quả ( F.Jullien. Traité de l’efficacité.Grasset, 1997). Sau đây là bản dịch chương III của tác phẩm này (do khuôn khổ của tạp chí, có lược đi một số đoạn). Nhan đề do chúng tôi đặt. Trong bài, số thiên đơn thuần (chẳng hạn th.81) là số thiên trong sách Đạo Đức Kinh còn gọi là sách Lão tử.

  • NGÔ MINH Tôi quen biết với anh Tường hơn 25 năm nay ở Huế như một người bạn vong niên thân thiết. Trong máy tính của tôi còn lưu trữ bài Anh Tường ơi viết từ năm 1998, gần 3000 chữ chưa công bố. Đó là bài viết mà nhà văn Nguyễn Quang Hà, Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương lúc đó, bảo tôi viết, sau chuyến chúng tôi đi thăm anh Tường bị trọng bệnh đang nằm hôn mê ở Bệnh viện Đà Nẵng về.

  • HỒ THẾ HÀHoàng Phủ Ngọc Tường dấn thân vào nghiệp bút nghiên bằng thơ cùng những năm tháng "hát cho đồng bào tôi nghe" sục sôi nhiệt huyết đấu tranh chống thù và ước mơ hòa bình trên quê mẹ Việt yêu dấu.