Tản mạn Balzac

10:45 17/12/2009
ĐỖ ĐỨC HIỂU…Với tôi, Balzac là Tiểu thuyết, và Tiểu thuyết là Balzac, - tiểu thuyết Balzac là "tiểu thuyết tuyệt đối", tức là nó biểu hiện tất cả sức mạnh sáng tạo của ông, tất cả cái "lực" của ý thức và tâm linh, của khoa học và tôn giáo, từ cấu trúc truyện và thời - không gian (chronotope), đến cấu trúc nhân vật, tất cả phối âm, tương ứng với nhau thành một dàn nhạc hoàn chỉnh…

Văn hào Honoré de Balzac - Ảnh: wikimedia.org

Năm nay, 1999, Kỷ niệm 200 năm ngày sinh Balzac. 1799 đã "giáng sinh" ở thành phố Tours (Pháp) một thiên tài tiểu thuyết, người đã hoàn chỉnh nghệ thuật tiểu thuyết của nhân loại, đưa nó lên đến đỉnh điểm, đến mức "tuyệt đối", mức "cuối cùng", như đánh giá của Barthes ("roman absolu", "roman définitif", tức là tiểu thuyết hoàn chỉnh, biểu hiện mọi sức sáng tạo của Balzac. Biết bao nhân vật sống mãi trong lòng người đọc, những Eugénie Grandet, Augustine (Guillaume, Fanny Malvaut, Eve Chardon, quận chúa De Cardignan và Daniel d' Arthez, tương phản với lão Grandet, Gobseck, nữ hầu tước D' Espard v.v... Tôi nhớ đến bức tường phù điêu khắc họa hàng trăm nhân vật trong Tấn trò đời ở Nhà Balzac (còn gọi là Bảo tàng Balzac); chị Lê Hồng Sâm, một chuyên gia Balzac, và tôi, sau khi xuống mấy chục bậc thang, ngồi nghỉ ở một khu vườn thoáng, trồng nhiều cây hoa, cây cảnh, một khuôn viên rực rỡ màu xanh, màu vàng của lá cây.

Chúng tôi ngắm nhìn bức tường lớn phù điêu và như thấy cả một lịch sử nước Pháp thế kỷ XIX, nhốn nháo, xáo động, những bi kịch và những hài kịch, những anh hùng ca và những bài thơ, ngập trong không khí cái kỳ ảo. "Một thế giới kỳ ảo", tôi nghĩ thầm. Có lẽ đúng vậy, tiểu thuyết Balzac vang vọng thơ mộng và cái kỳ ảo, cũng có lẽ vì vậy mà nó sống với chúng ta, với toàn thể nhân loại, từ gần hai thế kỷ nay. Một ngày chủ nhật, cuối mùa hè 1982, hai chúng tôi đến nghĩa trang Père - Lachaise, một khu rừng thưa, bát ngát, những con đường sỏi rộng, ngang dọc, với những lối rẽ nhỏ trồng nhiều cây tỏa ra tứ phía. Gần trưa, mặt trời lộng lẫy, nắng đổ chan hòa trên các vòm cây xanh, long lanh sương đêm còn đọng lại. Chúng tôi tìm đến mộ Balzac trước tiên, rồi tìm mộ Paul E luard, rồi hai nấm mộ khiêm nhường, cũ kỹ, cây leo, nhiều lá đã khô, của Molière và La Fontaine liền kề nhau. Cành lá nghĩa trang rì rào; xa xa, như vẳng lên tiếng nhạc Chopin hòa với nắng vàng.

Tượng bán thân Balzac ở nghĩa trang Père - Lachaise - Ảnh: dactrung.net

Tượng bán thân Balzac bằng đồng đen, đứng thẳng trong hàng rào thấp sơn xanh; có mấy bó hoa tươi, ai mới đặt dưới chân tượng. Tôi ngước nhìn lên; vầng trán và ngực Balzac sáng chói, lấp lánh ánh nắng gần thu. Balzac đứng đó với thời gian, vừa mênh mông vừa khiêm tốn, vừa hiện tại vừa vĩnh cửu, trái tim ấy, khối óc ấy còn đang rạng rỡ, còn đang xúc động, suy tư, còn đang sáng tạo những cảnh đời kỳ ảo của nhân gian, hòa nhập và tương ứng với thế giới vô cùng vô tận đầy bí ẩn. Chúng tôi chiêm ngưỡng Balzac hồi lâu rồi thơ thẩn đi trên những con đường sỏi. Một khoảng đất tròn phơi nắng, chung quanh là những chiếc ghế dài bằng đá. Nhiều khách du lịch đã ngồi đấy, có lẽ là Nhật, Mỹ, hoặc Thụy Điển; họ ăn bánh, uống nước. Chúng tôi chọn một cái ghế dài dưới bóng cây; một cảnh tượng vui mắt ; những chú mèo, nhiều lắm, có đến hơn một chục mèo hoang, béo núc ních, mèo đen truyền, trắng muốt, hoặc tam thể, hoặc mướp, hoặc vàng óng ánh, nhanh nhẹn đớp hoặc nhặt những miếng bánh, miếng giăm-bông khách ném cho chúng. Chúng tôi từ biệt Père - Lachaise, thấp thoáng trong đầu hình bóng Balzac, Chopin, La Fontaine, Molière, E luard... Đến nay, gần hai chục năm đã trôi qua.

Balzac không những là nhà sáng tác tiểu thuyết vĩ đại, ông còn là một nhà lý luận tuyệt vời về tiểu thuyết, - với Lời nói đầu bộ Tấn trò đời; nhà nghiên cứu Pierre Chartier, giáo sư trường Đại học Paris 7, đánh giá nó là "Thi pháp tiểu thuyết" của Balzac. Balzac viết Lời nói đầu năm 1843, sau mười ba năm viết nhiều tiểu thuyết sẽ được ông sắp xếp trong bộ Tấn trò đời, và ông viết tiếp trong tám năm nữa, (trong hơn hai mươi năm, 1829 - 1851) hoàn thành chín mươi cuốn tiểu thuyết trong số trên một trăm ba mươi cuốn dự kiến cho bộ Tấn trò đời.

Tác phẩm vĩ đại này được Balzac quan niệm và viết như "trong một giấc mơ" (Rêve) như trong "một ảo giác" (chimère), như "một gương mặt phụ nữ đang mỉm cười", - giấc mơ "bay bổng trong bầu trời kỳ ảo"; đó là những câu chữ mở Lời nói đầu của Balzac; có thể thấy ngòi bút của Balzac là ngòi bút "kỳ ảo" (fantastique); ngòi bút (stylus) ấy sẽ được gọi là "phong cách" (style).

Với phong cách kỳ ảo, Balzac sáng tạo nghệ thuật tiểu thuyết hoàn chỉnh, "tuyệt đối", "cuối cùng". Nghệ thuật tiểu thuyết của ông rất đa dạng, muôn nghìn sắc thái, nó là kịch (tấn trò, comédie) với những cảnh (cảnh đời tư, cảnh đời Paris v.v...), nó là thơ, là truyện, là đối thoại; nó đi khắp các ngả đường, xông xáo vào các ngõ hẻm, các lâu đài, vùng thôn dã; nó là hành động, là trái tim, là triết lý, với biết bao "ngoại đề" rẽ ngang, rẽ dọc (làn sóng ngầm của lịch sử, của xã hội); chỉ xét một câu văn, cũng thấy nó đâm nhành, mọc mầm, nảy lộc, ra tứ phía, nhiều tiếng nói xô đẩy nhau, xen lấn nhau, - như mỗi tiểu thuyết của ông, như chính bộ Tấn trò đời, tưởng như vô cùng tận. Trí óc, sức khỏe, trái tim, suy tư, cảm xúc, ước mơ, tức là tất cả con người Balzac tràn trề ham mê, say đắm, khoa học, tôn giáo, cái thật lịch sử và xã hội, ảo mộng và ác mộng, liên kết với nhau, hòa hợp, tương ứng với nhau thành một dàn nhạc, kèn trompette, violon, viola, violoncelle, trống, sáo, khoảng trống, thanh la...

Balzac đã khai thác tinh thần truyền thống tiểu thuyết Rabelais, bà De Lafayette, Walter Scott, ông khai thác thế kỷ ông và, với bộ óc phi thường, với sức lực khổng lồ, ông sáng tạo biết bao điều kỳ diệu bay bên trên tất cả thế kỷ: khoa học của Cuvier, Buffon Saint - Hilaire và tôn giáo, lịch sử và trái tim; nhờ có Buffon chẳng hạn, ông thấy các "loài giống" trong xã hội, các "types" (kiểu người) trong lịch sử thế kỷ XIX ở Pháp, những người quý tộc, những thầy kiện, cha cố, tỉnh lẻ, Paris, "người phụ nữ ba mươi tuổi", người độc thân, hàng trăm kiểu người - như trong các "loài thú", sói, cáo, rắn, sư tử, mèo, gà, sâu bọ v.v... và ông thấy những môi trường tạo nên những con người. Song, khác với loài vật, con người có phong tục, có nghệ thuật, văn học, thời trang (con vật thì tĩnh tại); cuộc sống con người là những ngẫu nhiên; ông viết: "Ngẫu nhiên là nhà tiểu thuyết vĩ đại nhất trên thế gian này" (Lời nói đầu). Truyện của ông là sự tập hợp những ngẫu nhiên; vì vậy, truyện của ông kỳ ảo, nhân vật của ông kỳ ảo, thời gian, không gian của ông kỳ ảo, những "sự thật" biến diễn quanh ông. Ông coi trọng các nhà khoa học tự nhiên bao nhiêu, ông tôn quý các "nhà văn thần bí" bấy nhiêu (như Saint - Martin, Swedenborg...). Trong Tấn trò đời, biết bao nhân vật vượt ra ngoài môi trường, truyền thống gia đình của mình, và đến với tình yêu. Lão Grandet càng tiến gần đến cái chết, càng tàn bạo, độc đoán; còn với Eugénie thì ngược lại sắc tăng trưởng ấy, mối tình ảo vọng của cô ngày càng sâu đậm, đằm thắm. Hai cái "đường cong" ngược chiều này của mô hình tiểu thuyết Eugénie Grandet, là một sáng tạo nghệ thuật lớn của Balzac. Và cô gái Augustine diễm lệ trong Mèo chơi bóng, vượt qua "môi trường" nhà buôn cổ lỗ của mình, đến với một họa sĩ thiên tài. Như vậy, trong Tấn trò đời, hoàn cảnh không hoàn toàn quy định nhân vật; những nhân vật đẹp của Balzac có tự do.

Balzac có tham vọng bộ sách của ông là một quyển "lịch sử nước Pháp thế kỷ XIX"; mỗi truyện trong bộ sách sẽ là một trang, hoặc một giai đoạn, một thời kỳ của lịch sử. Quan niệm của ông về "lịch sử" là một đóng góp quan trọng vào nghệ thuật tiểu thuyết lúc bấy giờ. Sau khi phê bình "lịch sử" trước đó, nó chỉ là những thống kê sự kiện, liệt kê nghề nghiệp, cái thiện, cái ác..., Balzac muốn viết một lịch sử sống động, lịch sử những động lực bên trong, lịch sử tư tưởng, phong tục, tập quán. Chắc là Balzac gửi ý tưởng của ông trong nhân vật hầu tước D' Espard (truyện Luật cấm, L' Interdiction), người đã bỏ tất cả gia sản nghèo nàn của mình sau bao biến động chính trị, để viết tác phẩm đồ sộ Lịch sử bằng tranh nước Trung Hoa. "Người thư ký" tài ba của nhà sử học xã hội, để lại cho ngày nay, một pho lịch sử, với những sự kiện và những trái tim, trên mọi bình diện, vĩ mô và vi mô, - chính trị, kinh tế, thời trang, nghệ thuật, văn hóa, những bi kịch và những hài kịch, những ham mê, nguồn gốc của các biến động lịch sử, - mà biết bao sử gia La Mã, Athènes, Ấn Độ, Ba Tư... đã bỏ quên. Bạn bè ông, những người đọc không quen biết, khích lệ ông: "Cầu Chúa cho ông sống lâu"; đoạn mở đầu và đoạn kết thúc Lời nói đầu đầy hương sắc, đầy phấn khích. Tấn trò đời là một giấc mơ.

Và, người đọc biết bao suy nghĩ về một câu có thể gọi là bao trùm cả bản "Tuyên ngôn", hoặc "Thi pháp" về tiểu thuyết này (tức Lời nói đầu): "Tôi viết dưới ánh sáng le lói của hai chân lý vĩnh cửu: tôn giáo và chế độ quân chủ"; tôi hiểu: tinh thần của tôn giáo là tình thương yêu, lòng bao dung; tinh thần của nền quân chủ là tinh thần thượng võ, cao thượng, lòng tri ân, trí thức uyên thâm.


Trên một chuyến xe buýt Hà Nội - Hà Đông, hai thanh niên, một nữ, một nam, tuổi chưa đầy hai mươi, có lẽ là sinh viên, trao đổi khe khẽ với nhau một câu chuyện văn chương. Tôi lắng nghe. Người con trai nói:

- Balzac bảo ông viết dưới ánh sáng của hai chân lý vĩnh cửu, cậu biết rồi đấy, có nghĩa là... là, thế nào nhỉ....à là ông có thiện cảm với giai cấp đã tiêu vong; tớ nhớ rồi... song, trong Tấn trò đời, ông lại châm biếm, mỉa mai chua chát các ông bà quý tộc một cách rất sắc bén..., ấy đại khái như thế, thế là trong Balzac, nhà chính trị và nhà sáng tác đối nghịch nhau... có phải không?

Cô gái ngập ngừng đáp:

- Tớ cũng nhớ... đại khái như vậy... nhưng trong Balzac có mâu thuẫn à? Chả có lẽ.

- Để về đọc lại...

- Đọc tác phẩm, đọc lại tác phẩm... xem thế nào.

Tôi có cảm tình và thầm mến yêu hai thanh niên ham hiểu biết kỹ lưỡng này. Riêng tôi, tôi nhớ Balzac viết trong Lời nói đầu: "Tôi viết dưới ánh sáng le lói của hai chân lý vĩnh cửu...", tiếng Pháp: "J' écris à la lueur de deux Vérités éternelles...", tôi đã suy nghĩ về từ lueur, có nghĩa là ánh sáng le lói, hay mờ nhạt, hay xa mờ, hay yếu ớt; tinh thần của tôn giáo và của nền quân chủ chỉ còn thấp thoáng chiếu sáng; hai thể chế này đã sụp đổ trên nửa thế kỷ, khi Balzac viết Lời nói đầu (từ cách mạng nhân quyền Pháp, 1789). Balzac căm ghét các công nương, công tử, các hầu tước, bá tước, nam hay nữ, các quận chúa, vương tôn sống hiện nay, hư hỏng và phá hoại tất cả, đạo đức, gia phong... họ không phải "chủ nghĩa chính thống". Trong Tấn trò đời, còn le lói hình ảnh xa mờ của hầu tước D' Espard (truyện Luật cấm); còn chút tài sản, hầu tước D' Espard ở một căn hộ nghèo; ông cặm cụi đêm ngày sưu tầm, nghiên cứu, viết và xuất bản một công trình khoa học đồ sộ về lịch sử nước Trung Hoa; ông dành dụm từng đồng tiền để giáo dục hai con trai: ông dạy con cưỡi ngựa, săn bắn, dạy triết học, khoa học tự nhiên, ngôn ngữ học, lịch sử phương Đông, luật pháp, ngoại giao... Ý tưởng của Balzac trong Tấn trò đời và ý tưởng chính trị của ông là nhất quán.


Lần thứ hai, tôi đến "Nhà Balzac"; lại xuống những bậc thang hun hút; lần này, để ngắm nhìn lại bức tường phù điêu các nhân vật trong Tấn trò đời. Bất giác, tôi tìm phù điêu Eugénie Grandet; có phải nàng ngồi kia, trên chiếc ghế dài, chìm trong giấc mơ? Và tôi tìm phù điêu Augustine (Mèo chơi bóng); nàng đâu? Hình như không có. Hai khuôn mặt tuyệt đẹp trong sáng tác của Balzac; hai bản tình ca, hai bi kịch, hai bài thơ, hai chân dung kỳ ảo. Hai người con gái ấy "ngẫu nhiên" bước vào tình yêu, như vào một xứ sở xa lạ, như lạc loài, như say mê, như những người xa lạ, như đắm đuối. Eugénie Grandet là tiểu thuyết một cuộc gặp gỡ, một sự chờ đợi, của cái chết; số phận của người phụ nữ là sự chờ đợi, xa mờ, vô vọng. Eugénie tích lũy những xót thương, những nhớ mong, những ngày bị giam tù, ăn cơm nhạt, uống nước lã, tang mẹ, cô độc, cô đơn, và biến nó thành một mối tình ngày càng sâu đậm cao cả; như một nhà luyện đan thời Trung Cổ, nàng biến cái tầm thường, cái đau khổ hàng ngày, trong đêm tối, thành một kho vàng trong trái tim nàng, tức tình yêu. Chàng công tử parisien, cái hôn, cái ghế dài trong vườn... tất cả những kỷ niệm ấy đã biến thành một thiên đường, một kho vàng và kim cương, nàng ấp ủ nó, nàng vứt bỏ tất cả tài sản khổng lồ của cha để lại, nàng sống với nó, chìm đắm trong kho vàng lung linh ấy. Eugénie là tình yêu, tình yêu thuần túy (hay tuyệt đối) mà nhân loại ước mơ.Augustine cũng vậy, choáng váng bước vào tình yêu; Eugénie sống với kỷ niệm, quá khứ, với những khoảng trống, còn Augustine sống với hiện tại; nàng từ bỏ gia đình nhỏ hẹp, đến ở khu phố sang trọng, dinh thự sang trọng, nàng lạc vào những "thính phòng" quý tộc; khi bị nghệ sĩ thiên tài phụ bạc, nàng trở về nhà cha mẹ, lại ra đi, nàng vùng vẫy khắp nơi để tìm lại tình yêu, cuối cùng bước vào lâu đài một phu nhân "tình địch". Song ở đâu nàng cũng là người xa lạ; nàng lạc trong một mê cung, rồi chết.

Tiểu thuyết thường là sự tiếp diễn những ngẫu nhiên; nó đưa người đọc từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Nhân vật của Kafka cũng vậy. Samsa sáng ngủ dậy, thấy mình đã hóa thành con bọ bẩn thỉu. K, và Joseph K., một chàng ngủ dậy, thấy mình bị kết án, chàng đi tìm tòa án, thì lạc vào một mê cung không lối thoát; cuối cùng, hai bóng người lờ mờ dẫn chàng đến một nơi vắng vẻ, lấy dao đâm vào cổ chàng, "ngoáy ngoáy hai lần". Còn anh chàng đo đạc thì bỗng nhiên mất thiên đường; cái "lâu đài" chàng đi tìm, ở ngay đấy, trước mắt, nhưng chàng đến gần thì nó lùi xa, xa tít; chàng cũng lạc vào một mê lộ mênh mang, mờ mịt, - thế giới hiện đại, bất công và phi lý; anh nhân viên đo đạc, chẳng "đo" được cái thế gian huyền bí này.

Balzac báo hiệu Zola, nhà văn xây dựng các huyền thoại hiện tại, những Vệ nữ - Nana, những Minotaures - Vùng mỏ, với biết bao mê lộ, mê lộ đủ các kiểu: Bảo tàng Louvre là một mê lộ; Quán rượu là một mê lộ; Đến với "Hạnh phúc các Bà" là một mê lộ thời trang, Etienne Lautier tự hủy hoại trong mê lộ Montsou, cái đầu tàu hỏa bốc cháy như bó đuốc, chạy như điên trong một mê lộ tối mịt mù.

Eugénie, Augustine, K.và Joseph K., Gervaise, Etienne, v.v... Không có sợi chỉ Ariane để thoát khỏi những mê cung, mê lộ hiện đại ấy. Và những nhân vật ấy đã chết.

Vậy, Balzac là ai? Với tôi, Balzac là Tiểu thuyết, và Tiểu thuyết là Balzac, - tiểu thuyết Balzac là "tiểu thuyết tuyệt đối", tức là nó biểu hiện tất cả sức mạnh sáng tạo của ông, tất cả cái "lực" của ý thức và tâm linh, của khoa học và tôn giáo, từ cấu trúc truyện và thời - không gian (chronotope), đến cấu trúc nhân vật, tất cả phối âm, tương ứng với nhau thành một dàn nhạc hoàn chỉnh. Ông khám phá những chức năng, những mối liên hệ bên trong của từng chi tiết, từng tác phẩm, của đồ vật, môi trường với nhân vật, với con người và xã hội. Ông không sao chép, không tái hiện, không phản ánh hiện thực; ông khám phá và ông sáng tạo. Thế giới balzacien là thế giới hư ảo, được xây dựng bằng nghệ thuật ngôn từ hư ảo.

Với Balzac, theo tôi hiểu, cuộc sống là những cạm bẫy, mỗi con người là một bí ẩn, là một ẩn số, là một bí mật của vũ trụ. Mỗi tác phẩm của ông là một câu hỏi trước cuộc đời; nhà văn không bao giờ trả lời (chỉ có những écrivants (tạm dịch: những người tập trọng viết văn), theo Barthes và Marthe Robert, mới đưa ra lời khuyên dạy như "những ông thánh con". Người đọc sẽ cùng tham gia sáng tạo với nhà văn.

Tôi vẫn có ý thức rằng tiểu thuyết Balzac là tiểu thuyết cổ điển; nó là sáng tạo vĩ đại mà Balzac cống hiến cho loài người. Đến nay, gần hai thế kỷ đã qua, nghệ thuật tiểu thuyết đã có biết bao biến đổi: nào thế giới bên trong, nào độc thoại triền miền, nào hóa thân, tiềm thức, vô thức, huyền thoại, nào cái "chủ thể" (sujet) thay thế cho cái "cá nhân" (individu), nhân vật và cốt truyện "biến mất", vân vân. Nhiều nhà phê bình văn học lỗi lạc tầm cỡ quốc tế (Bakhtine, Barthes, Aueurbach, Genette, Marthe, Robert v.v...) đã phân tích đầy tài năng những đổi mới của nghệ thuật tiểu thuyết, từ Zola đến nay, Proust, Joyce, Kafka, Camus, Hemingway, Nathalie Sarraute, Duras... Cái chung nhất, mẫu số chung, là cái gì? Có phải là sự xuất hiện cái tôi trăm sắc ngàn hương, cái "đa ngã"? Cái thế giới này cũng nhốn nháo, xáo động, sụp đổ, trỗi dậy,đắm chìm, im lặng, dìu dặt, bụi đời, sâu thẳm, ma quái, đau khổ..., ở những ngõ hẻm, quán cà phê, ngã ba đường, hòn đảo xa..., chẳng khác gì "thế giới nhân gian" của Balzac, có điều nó nằm ở "bên trong" con người hiện đại, - đó là cái tôi, cái tôi xã hội, cái tôi tâm linh, cái tôi độc thoại, cái tôi đối thoại, cái tôi cô đơn, cái tôi lạc loài, cái tôi niệm Phật, cái tôi chủ thể...

Bên trên là cảm nhận của riêng tôi về Balzac và về tiểu thuyết.

Thế còn về "chủ nghĩa hiện thực", mà một số người thường gắn với tên tuổi Balzac. Bà Colette Becker, một chuyên gia về lý luận chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự nhiên, viết nhiều lần: "Không thể định nghĩa chủ nghĩa hiện thực", bởi vì mỗi người hiểu nó một cách, và đánh giá nó một cách (1).

Về chủ nghĩa tự nhiên (trong văn học), một giáo trình viết: "Các nhà tiểu thuyết tự nhiên chủ nghĩa thường chụp ảnh thực tế một cách vụn vặt, lấy cái cá biệt thay thế cho cái điển hình...". Và đây là lời Zola, trong Tiểu thuyết thực nghiệm tác phẩm lý luận của ông: "Lời trách móc ngu xuẩn nhằm vào chúng tôi, những nhà văn tự nhiên chủ nghĩa, rằng chúng tôi chỉ muốn là những nhà chụp ảnh. Chúng tôi đã tuyên bố rằng chúng tôi chấp nhận khí chất (tempérament) là cái biểu hiện có cá tính, nhưng vô ích, người ta vẫn dai dẳng trả lời chúng tôi bằng những lý lẽ ngu ngốc...". Maupassant thì viết trong bài Tựa tiểu thuyết Pierre và Jean của ông: "Nhà hiện thực, nếu là nghệ sĩ, sẽ tìm tòi không phải trình bày bức ảnh chụp vô vị, mà đưa ra cái nhìn đầy đủ hơn, gây xúc động hơn, có sức thuyết phục hơn chính sự thật". Zola còn trả lời đích đáng những ai bảo văn học tự nhiên chủ nghĩa là tục tằn, bẩn thỉu và nó khinh rẻ quần chúng nghèo khổ.

Về chủ nghĩa hiện thực, cũng có những hiểu lầm đáng tiếc (hoặc những quan niệm rất khác nhau) như đối với chủ nghĩa tự nhiên. Zola, Maupassant luôn luôn nói đến cá tính, "khí chất" (hay cái "tạng") của nhà văn, nó quyết định phong cách và giá trị của văn chương. Maupassant viết:"Các nhà hiện thực, chính là các nhà ảo mộng (illusionnistes). Cái thực tại, cái hiện thực là cái gì? "Tôi nhìn sự vật bằng con mắt của tôi, tôi nghe bằng tai của tôi, tôi ngửi bằng mũi của tôi..." Mỗi người, nhất là mỗi nghệ sĩ, mỗi nhà văn, vốn mang trong mình vô vàn hình ảnh về xã hội và con người trong cái vô thức tập thể và vô thức cá nhân, tích tụ từ hàng triệu năm, mỗi người ấy, mỗi nghệ sĩ ấy, sẽ in cái thực tại trước mắt vào cái khuôn sẵn có của mình; nó nổi rõ lên, ngời sáng lên trong tâm linh nhà văn, với ngôn từ của nó; và nhà văn sáng tác theo ngôn từ của riêng mình, của chủ thể mình. Đó là phong cách nhà văn, chỉ nhà văn ấy mới có; cái chủ thể ấy quyết định cái thực tại khách quan, bên ngoài. Tôi nghĩ người phê bình văn học cũng vậy; mỗi người phê bình cảm thụ thực tại của mình (tức văn bản sáng tác, đối tượng của phê bình), theo tâm linh, theo tất cả sức mạnh của con người mình, và sáng tạo siêu văn bản.

Đọc tiểu sử Balzac, tôi suy nghĩ nhiều về giờ giấc sáng tác của ông, - từ đêm khuya đến sáng hôm sau. Lúc đêm ấy, mọi "hiện thực" đã ngủ, xung quanh ông, cả nước Pháp đã nhắm mắt, có thể đang mơ. Trong bóng đêm, trong tĩnh mịch, thế giới Balzac sống dậy trong đầu óc ông, trong tâm linh ông, nhốn nháo, hoạt động, ăn nói - những bi kịch, những hài kịch, tiếng ca, màu sắc..., với những hình bóng Liêu Trai, những người khổng lồ, những gì cực thiện, những gì cực ác, những Vệ nữ hiện đại, những Sphinx (Nhân sư) hiện đại, những nhà chiêm tinh, những nhà luyện đan hiện đại, bóng dáng những người cổ đại, trung cổ hiện đại, hòa lẫn, du nhập vào nhau; đó là thời gian trong tiểu thuyết Balzac. Thế giới của ông tràn ngập ảo ảnh. Jean - Paul Sartre hỏi: Cuộc đời, cái ấy, nó là cái gì? Và ông trả lời: Là con số cộng những ngày, những tháng, những năm: Thứ hai, thứ ba, thứ tư... Tháng tư, tháng năm, tháng sáu... 1924, 1925, 1920... cái ấy, gọi là sống. Như một nhà luyện đan, Balzac biến những "hiện đại" hàng ngày, chán ngắt, vụn vặt, nhàm chán, thành một kho vàng, - kho vàng Tấn trò đời, thơ ca và kỳ ảo.

Đ.Đ.H
(123/05-99)


------------------------------
(1) Xem Colette Becker - Lire le Réalisme et le Naturalisme, Dunod, P.-1992-
(Đọc chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự nhiên)



 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • THÁI DOÃN HIỂUPhàm trần chưa rõ vàng thauChân tâm chẳng biết ở đâu mà tìm.                                VẠN HẠNH Thiền sư

  • HỒ THẾ HÀ  Thi ca là một loại hình nghệ thuật ngôn từ đặc biệt. Nó là điển hình của cảm xúc và tâm trạng được chứa đựng bởi một hình thức - “hình thức mang tính quan niệm” cũng rất đặc biệt. Sự “quái đản” trong sử dụng ngôn từ; sự chuyển nghĩa, tạo sinh nghĩa trong việc sử dụng các biện pháp tu từ; sự trừu tượng hoá, khái quát hoá các trạng thái tình cảm, hiện thực và khát vọng sống của con người; sự hữu hình hoá hoặc vô hình hoá các cảm xúc, đối tượng; sự âm thanh hoá theo quy luật của khoa phát âm thực nghiệm học (phonétique  expérimentale)...đã làm cho thi ca có sức quyến rũ bội phần (multiple) so với các thể loại nghệ thuật ngôn từ khác.

  • LÊ XUÂN LÍTHỏi: Mã Giám Sinh sau khi mua được Kiều, Mã phải đưa Kiều đi ròng rã một tháng tròn mới đến Lâm Tri, nơi Tú Bà đang chờ đợi. Trên đường, Mã đâm thèm muốn chuyện “nước trước bẻ hoa”. Hắn nghĩ ra đủ mưu mẹo, lí lẽ và hắn đâm liều, Nguyễn Du viết:              Đào tiên đã bén tay phàm              Thì vin cành quít, cho cam sự đờiĐào tiên ở đây là quả cây đào. Sao câu dưới lại vin cành quít? Nguyễn Du có lẩm cẩm không?

  • CHU ĐÌNH KIÊN1. Có những tác phẩm người đọc phải thực sự “vật lộn” trên từng trang giấy, mới có thể hiểu được nhà văn muốn nói điều gì. Đó là hiện tượng “Những kẻ thiện tâm” (Les Bienveillantes) của Jonathan Littell. Một “cas” được xem là quá khó đọc. Tác phẩm đã đạt hai giải thưởng danh giá của nước Pháp là: giải Goncourt và giải thưởng của Viện hàn lâm Pháp.

  • PHONG LÊSinh năm 1893, Ngô Tất Tố rõ ràng là bậc tiền bối của số rất lớn, nếu không nói là tất cả những người làm nên diện mạo hiện đại của văn học Việt Nam thời 1932-1945. Tất cả - gồm những gương mặt tiêu biểu trong phong trào Thơ mới, Tự Lực văn đoàn và trào lưu hiện thực đều ra đời sau ông từ 10 đến 20 năm, thậm chí ngót 30 năm.

  • HẢI TRUNGHiện tượng ngôn ngữ lai tạp hay gọi nôm na là tiếng bồi, tiếng lơ lớ (Pidgins và Creoles) được ngành ngôn ngữ học đề cập đến với những đặc trưng gắn liền với xã hội. Nguồn gốc ra đời của loại hình ngôn ngữ này có nhiều nét khác biệt so với ngôn ngữ nói chung. Đây không chỉ là một hiện tượng cá thể của một cộng đồng ngôn ngữ nào, mà nó có thể phát sinh gắn liền với những diễn biến, những thay đổi, sự phát triển của lịch sử, xã hội của nhiều dân tộc, nhiều quốc gia khác nhau.

  • BÙI NGỌC TẤN... Đã bao nhiêu cuộc hội thảo, bao nhiêu cuộc tổng kết, bao nhiêu cuộc thi cùng với bao nhiêu giải thưởng, văn chương của chúng ta, đặc biệt là tiểu thuyết vẫn chẳng tiến lên. Rất nhiều tiền của bỏ ra, rất nhiều trí tuệ công sức đã được đầu tư để rồi không đạt được điều mong muốn. Không có được những sáng tác hay, những tác phẩm chịu được thử thách của thời gian. Sự thất thu này đều đã được tiêu liệu.

  • NGUYỄN HUỆ CHICao Bá Quát là một tài thơ trác việt ở nửa đầu thế kỷ XIX. Thơ ông có những cách tân nghệ thuật táo bạo, không còn là loại thơ “kỷ sự” của thế kỷ XVIII mà đã chuyển sang một giọng điệu mới, kết hợp tự sự với độc thoại, cho nên lời thơ hàm súc, đa nghĩa, và mạch thơ hướng tới những đề tài có ý nghĩa xã hội sâu rộng.

  • NGUYỄN TRƯƠNG ĐÀNĐã nhiều sử liệu viết về cuộc xử án vua Duy Tân và các lãnh tụ khởi xướng cuộc khởi nghĩa bất thành tháng 5-1916, mà trong đó hai chí sĩ Thái Phiên - Trần Cao Vân là hai vị đứng đầu. Tất cả các sử liệu đều cho rằng, việc hành hình đối với Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu diễn ra vào sáng ngày 17-5-1916. Ngay cả trong họ tộc hai nhà chí sĩ, việc ghi nhớ để cúng kỵ, hoặc tổ chức kỷ niệm cũng được tính theo ngày như thế.

  • PHONG LÊBây giờ, sau 60 năm - với bao là biến động, phát triển theo gia tốc lớn của lịch sử trong thế kỷ XX - từ một nước còn bị nô lệ, rên xiết dưới hai tầng xiềng xích Pháp-Nhật đã vùng dậy làm một cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại, rồi tiến hành hai cuộc kháng chiến trong suốt 30 năm, đi tới thống nhất và phát triển đất nước theo định hướng mới của chủ nghĩa xã hội, và đang triển khai một cuộc hội nhập lớn với nhân loại; - bây giờ, sau bao biến thiên ấy mà nhìn lại Đề cương về văn hoá Việt Nam năm 1943(1), quả không khó khăn, thậm chí là dễ thấy những mặt bất cập của Đề cương... trong nhìn nhận và đánh giá lịch sử dân tộc và văn hoá dân tộc, từ quá khứ đến hiện tại (ở thời điểm 1943); và nhìn rộng ra thế giới, trong cục diện sự phát triển của chủ nghĩa tư bản hiện đại; và gắn với nó, văn hoá, văn chương - học thuật cũng đang chuyển sang giai đoạn Hiện đại và Hậu hiện đại...

  • TƯƠNG LAITrung thực là phẩm chất hàng đầu của một người dám tự nhận mình là nhà khoa học. Mà thật ra, đâu chỉ nhà khoa học mới cần đến phẩm chất ấy, nhà chính trị, nhà kinh tế, nhà văn hoá... và bất cứ là "nhà" gì đi chăng nữa, trước hết phải là một con người biết tự trọng để không làm những việc khuất tất, không nói dối để cho mình phải hổ thẹn với chính mình. Đấy là trường hợp được vận dụng cho những người chưa bị đứt "dây thần kinh xấu hổ", chứ khi đã đứt mất cái đó rồi, thì sự cắn rứt lương tâm cũng không còn, lấy đâu ra sự tự phản tỉnh để mà còn biết xấu hổ. Mà trò đời, "đã trót thì phải trét", đã nói dối thì rồi cứ phải nói dối quanh, vì "dại rồi còn biết khôn làm sao đây".

  • MÃ GIANG LÂNVăn học tồn tại được nhiều khi phụ thuộc vào độc giả. Độc giả tiếp nhận tác phẩm như thế nào? Tiếp nhận và truyền đạt cho người khác. Có khi tiếp nhận rồi nhưng lại rất khó truyền đạt. Trường hợp này thường diễn ra với tác phẩm thơ. Thực ra tiếp nhận là một quá trình. Mỗi lần đọc là một lần tiếp nhận, phát hiện.

  • HÀ VĂN LƯỠNGTrong dòng chảy của văn học Nga thế kỷ XX, bộ phận văn học Nga ở hải ngoại chiếm một vị trí nhất định, tạo nên sự thống nhất, đa dạng của thế kỷ văn học này (bao gồm các mảng: văn học đầu thế kỷ, văn học thời kỳ Xô Viết, văn học Nga ở hải ngoại và văn học Nga hậu Xô Viết). Nhưng việc nhận chân những giá trị của mảng văn học này với tư cách là một bộ phận của văn học Nga thế kỷ XX thì dường như diễn ra quá chậm (mãi đến những thập niên 70, 80 trở đi của thế kỷ XX) và phức tạp, thậm chí có ý kiến đối lập nhau.

  • TRẦN THANH MẠILTS: Nhà văn Trần Thanh Mại (1908-1965) là người con xứ Huế. Tên ông đã được đặt cho một con đường ở đây và một con đường ở thành phố Hồ Chí Minh. Trần Thanh Mại toàn tập (ba tập) cũng đã được Nhà xuất bản Văn học phát hành năm 2004.Vừa rồi, nhà văn Hồng Diệu, trong dịp vào thành phố Hồ Chí Minh dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Trần Thanh Mại, đã tìm thấy trang di cảo lưu tại gia đình. Bài nghiên cứu dưới đây, do chính nhà văn Trần Thanh Mại viết tay, có nhiều chỗ cắt dán, thêm bớt, hoặc mờ. Nhà văn Hồng Diệu đã khôi phục lại bài viết, và gửi cho Sông Hương. Chúng tôi xin cám ơn nhà văn Hồng Diệu và trân trọng giới thiệu bài này cùng bạn đọc.S.H

  • TRẦN HUYỀN SÂMLý luận văn học và phê bình văn học là những khái niệm đã được xác định. Đó là hai thuật ngữ chỉ hai phân môn trong Khoa nghiên cứu văn học. Mỗi khi khái niệm đã được xác định, tức là chúng đã có đặc trưng riêng, phạm trù riêng. Và vì thế, mục đích và ý nghĩa của nó cũng rất riêng.

  • TRẦN THÁI HỌCCó lẽ chưa bao giờ các vấn đề cơ bản của lý luận văn nghệ lại được đưa lên diễn đàn một cách công khai và dân chủ như khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Vấn đề tuyên truyền trong nghệ thuật tuy chưa nêu thành một mục riêng để thảo luận, nhưng ở nhiều bài viết và hội nghị, chúng ta thấy vẫn thường được nhắc tới.

  • NGUYỄN TRỌNG TẠO...Một câu ngạn ngữ Pháp nói rằng: “Khen đúng là bạn, chê đúng là thầy”. Câu ngạn ngữ này đúng trong mọi trường hợp, và riêng với văn học, Hoài Thanh còn vận thêm rằng: “Khen đúng là bạn của nhà văn, chê đúng là thầy của nhà văn”...

  • BẢO CHI                 (lược thuật)Từ chiều 13 đến chiều 15-8-2003, Hội nghị Lý luận – Phê bình văn học (LL-PBVH) toàn quốc do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại khu nghỉ mát Tam Đảo có độ cao 1.000 mét và nhiệt độ lý tưởng 23oc. Đây là hội nghị nhìn lại công tác LL-PBVH 28 năm qua kể từ ngày đất nước thống nhất và sau 54 năm Hội nghị tranh luận Văn nghệ tại Việt Bắc (1949). Gần 200 nhà LL-PB, nhà văn, nhà thơ, nhà báo và khách mời họp mặt ở đây đã làm nóng lên chút đỉnh không khí ôn hoà của xứ lạnh triền miên...

  • ĐỖ LAI THÚY                Văn là người                                  (Buffon)Cuốn sách thứ hai của phê bình văn học Việt Nam, sau Phê bình và cảo luận (1933) của Thiếu Sơn, thuộc về Trần Thanh Mại (1911 - 1965): Trông dòng sông Vị (1936). Và, mặc dù đứng thứ hai, nhưng cuốn sách lại mở đầu cho một phương pháp phê bình văn học mới: phê bình tiểu sử học.

  • ĐẶNG TIẾNThuật ngữ Thi Học dùng ở đây để biểu đạt những kiến thức, suy nghĩ về Thơ, qua nhiều dạng thức và trong quá trình của nó. Chữ Pháp là Poétique, hiểu theo nghĩa hẹp và cổ điển, áp dụng chủ yếu vào văn vần. Dùng theo nghĩa rộng và hiện đại, theo quan điểm của Valéry, được Jakobson phát triển về sau, từ Poétique được dịch là Thi Pháp, chỉ chức năng thẩm mỹ của ngôn từ, và nới rộng ra những hệ thống ký hiệu khác, là lý thuyết về tính nghệ thuật nói chung. Thi Học, giới hạn trong phạm vi thi ca, là một bộ phận nhỏ của Thi Pháp.