Ảnh: sachxua.net
Đây là cuốn sách đầu tiên của chế độ ta viết về đề tài này. Trước kia có cuốn “Cố đô Huế” của Thái Văn Kiểm nhưng nặng về nghiên cứu, sưu tầm hơn là giới thiệu một cách khái quát tập trung vào một đề tài là văn hoá Phú Xuân. Mặc dù tác giả và nhà xuất bản trước khi cho ra đời cuốn sách này đã có chủ trương nhằm đến những người đọc bình thường và khách tham quan du lịch. Nhưng qua những vấn đề tác giả trình bày trong tác phẩm đã chứng tỏ đây là một sự tổng kết những công trình của tác giả đã nghiên cứu về Huế cho đến năm 1981. Trước năm 1981 không lâu, Lê Văn Hảo đã được cơ quan UNESCO và Nhà nước ta yêu cầu viết hai công trình về Huế. Cuốn thứ nhất “Huế, un chef d’oeuvre de poésie urbaine” (1) và cuốn thứ hai: “Huế, un centre culturel et touristique du Việt Nam” (2). Hai cuốn này (vì theo yêu cầu của cơ quan đặt hàng) nên tác giả phải viết nặng về kiến trúc (cuốn trước) và giới thiệu du lịch (cuốn sau). Chỉ có “Huế giữa chúng ta” vừa xuất bản mới tập trung vào đề tài văn hoá. Từ lâu tác giả đã đưa ra khái niệm về “nền văn hoá Phú Xuân”, nhưng chỉ thể hiện trong một số bài báo và một số buổi nói chuyện, qua cuốn “Huế giữa chúng ta” này lần đầu tiên Lê Văn Hảo trình bày đầy đủ về vấn đề này “Văn hoá Phú Xuân là một thực thể”. (Nếu tác giả lý giải được một cách khoa học và được công nhận thì đây là một đóng góp quan trọng cho lịch sử phát triển của văn hoá Việt Nam). Qua mười chương sách, tác giả tập trung nói về các đề tài phong cảnh Huế và chung quanh Huế (từ đèo Ngang đến Hải Vân), Huế qua các thời kỳ lịch sử. Truyền thống văn hoá Huế, Văn học Huế, Nghệ thuật sân khấu Huế, Âm nhạc Huế, Nghệ thuật múa. Huế, Mỹ thuật Huế, Nghệ thuật sống và phong cách Huế, Huế mình đẹp nhất lòng dân (chương cuối cùng này nói về truyền thống yêu nước và cách mạng của người Huế). Tài liệu phong phú, chính xác về mặt khoa học, sâu sắc về mặt nghệ thuật từ trước đến nay chưa có một công trình nào giới thiệu ca nhạc Huế (ngắn và gọn) có giá trị như thế. Tôi nghĩ đây là một đóng góp có ý nghĩa của Lê Văn Hảo cho phong trào ca nhạc Huế đang được phục hồi sôi nổi hiện nay. Cuốn sách tuy chỉ có 220 trang, nhưng quả thực muốn viết nó tác giả đã phải có một kho tài liệu lớn, tích lũy trong nhiều năm; một sự đầu tư trí tuệ đáng kể. Do đó cuốn sách đã chứa đựng một lượng thông tin dồi dào, đáng tin cậy. (Tài liệu dùng tham khảo lớn hơn nhiều so với bản sách tham khảo đăng ở cuốn sách). Các sự kiện được trình bày dễ hiểu, vừa phải, nó vừa mang tính phổ thông nhưng cũng vừa mang tính nghiên cứu. Các cơ quan có trách nhiệm giới thiệu Huế với khách du lịch trong lúc chờ đợi một công trình biên khảo giới thiệu được Trung ương và tỉnh Bình Trị Thiên xác nhận chính thức thì hãy tạm sử dụng cuốn sách này như một cái cẩm nang cho những người mới vào nghề. Cuốn sách “Huế giữa chúng ta” cũng là một món quà của những người yêu Huế tặng nhau, của người Huế tặng cho những người yêu Huế. Với giá trị của cuốn sách, với yêu cầu “khát” muốn biết Huế của độc giả trong nước và ngoài nước hiện nay, tôi tin là Nhà xuất bản phải cho tái bản cuốn sách này nhiều lần. Và để cho những lần xuất bản sau tốt hơn, tôi xin tâm sự với Nhà xuất bản và tác giả một số điểm, nếu tác giả cũng muốn sửa. Vì thế tôi tin tác giả sẽ vui lòng tham khảo những ý kiến đóng góp sau này. 1. Tác giả có nhiều tài liệu nên đã thành công trong việc liệt kê và mô tả các sự kiện văn hoá. Nhưng tác giả đã thiếu những đúc kết, những khái quát nói lên đặc điểm, bản sắc độc đáo của cái gọi là “nền văn hoá Phú Xuân” nói chung và từng ngành nghệ thuật như ca nhạc, múa, sân khấu, nghệ thuật… nói riêng, theo tôi chính nhờ cái đặc điểm bản sắc độc đáo đó (khác với văn hoá Thăng Long) mới có thể nói có hay không có “nền văn hoá Phú Xuân”. Những nơi có nhiều sự kiện văn hoá nhưng không có bản sắc riêng thì nó chỉ có thể là một trung tâm văn hoá chứ không thể có một nền văn hoá. Trái lại có những nơi có ít sự kiện thôi, nhưng nó có bản sắc độc đáo, ở đó vẫn có thể có một nền văn hoá riêng. So với văn hoá Đại Việt, văn hoá Chăm-pa xưa có ít sự kiện hơn, thành tựu cũng nhỏ nhưng nó không thể trộn lẫn vào được với văn hoá Đại Việt. Và vì thế mà đã có một nền văn hoá Chăm-pa. Những tinh túy của văn hoá Chăm-pa đã được văn hoá Việt Nam phát triển ở Phú Xuân rút tỉa khá nhiều. Vì thế có nhiều nhà nghiên cứu cho rằng văn hoá Việt Nam ở Huế là một sự tổng hợp nhuần nhuyễn hai nền văn hoá Việt - Chăm. Và chính đó là một đặc điểm của văn hoá Việt Nam ở Huế. Cũng nhờ những khái quát về đặc điểm, bản sắc độc đáo của văn hoá Phú Xuân ta mới có thể nêu được vị trí của văn hoá Việt Nam phát triển ở Phú Xuân như thế nào trong lịch sử phát triển chung của văn hoá dân tộc. (Vấn đề này có dịp sẽ trao đổi thêm với tác giả trong một bài báo khác). 2. Về thứ tự các chương trong cuốn sách chưa hợp lý. Nghệ thuật sân khấu Việt Nam (trong đó có hát bội) là một nghệ thuật sử dụng một lần đến bốn bộ môn khác gồm Mỹ thuật (y phục, vẻ mặt, hình dáng các động tác), âm nhạc (dân ca), múa (vũ điệu cộng với âm nhạc) và văn học (kịch bản). Thế mà tác giả lại trình bày sân khấu trước làm cho người đọc khó theo dõi, thiếu hệ thống đâm ra khó hiểu. Và theo tôi có thể bỏ chương truyền thống văn hoá Huế (chương 3). Chương này chỉ là một bản tóm tắt những chương sau mà thôi. Nếu có những chi tiết các chương sau chưa nói tới thì có thể chèn thêm chứ không nên để riêng ra một chương. 3. Tác giả không phân biệt văn học nghệ thuật lấy đề tài Huế với văn học nghệ thuật Huế. Văn học nghệ thuật lấy đề tài Huế chưa chắc đã là văn học Huế (ví dụ như trước đây người Pháp đã viết nhiều cuốn sách về Huế nhưng những thứ đó đâu có thuộc văn học nghệ thuật Huế). Trái lại có những tác phẩm không hề nói đến Huế nhưng lại rất Huế (ví dụ như thơ Tố Hữu viết về Việt Nam và thế giới). Huế hay không là ở tình tự Huế, ngôn ngữ và cách nói riêng của Huế. Tức là tính cách bản sắc riêng của văn học nghệ thuật Huế. Bản tuồng “Nghêu Sò Ốc Hến” không hề nói một địa danh nào của Huế, nhưng xem qua ai cũng nói nó là Huế. Trong “Huế giữa chúng ta” tác giả đã kê vào nhiều sự kiện văn hoá ít có “tính Huế”. 4. Chương “Huế qua các thời kỳ lịch sử”, tác giả trình bày khái quát một cách chung chung có thể đưa vào bất cứ một cuốn sách nào. Đưa chương đó làm gì nếu không phải là để giúp cho người đọc hiểu được sự phát triển của văn hoá Huế với những nét độc đáo của nó? 5. Tác giả đã bỏ quên nhiều sự kiện điển hình độc đáo trong quá trình phát triển văn hoá Huế: Thơ văn Ông già Bến Ngự, Báo “Tiếng Dân” - tờ báo của dân đầu tiên ở Trung Kỳ (tức là không phải của Nhà nước thực dân), những nhà thơ tiêu biểu của Huế như cụ Ưng Bình, nhà thơ châm biếm Nguyễn Khoa Vy, phong trào thơ mới với những tác giả nổi tiếng Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Phan Văn Dật, Xuân Tâm… Tác phẩm giới thiệu phong trào thơ mới đầu tiên ở Việt Nam của Hoài Thanh “Thi nhân Việt Nam” cũng được viết và in ở Huế. Nhưng tiếc nhất là “Huế giữa chúng ta” mà thiếu đi phong trào đấu tranh yêu nước ở các đô thị miền Nam của tuổi trẻ Huế. Qua phong trào nầy tính chất văn hoá của Huế được bộc lộ rõ nhất. Ngày nay đọc lại những báo “Ngày mai”, “Mặt trận văn hoá Dân tộc miền Trung”, thơ văn của Trần Quang Long chúng ta vẫn còn thấy thích thú. Cái sức nặng của cái gọi là “Văn hoá Huế” đương đại không những nó làm cho nhẹ bớt cái chất “cổ” của văn hoá truyền thống mà nó còn là một thực thể chứng minh cho sự thành công trong việc phát huy truyền thống. 6. Trong việc sử dụng tài liệu tham khảo xin góp với tác giả hai ý kiến. Trong chương viết về âm nhạc tác giả đã tham khảo khá nhiều trong cuốn La Musique Vietnamienne Traditionnelle (P.U.F. Paris 1962) của Trần Văn Khê và cuốn “Những vũ khúc…” của hai cha con ông Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề, nhưng tác giả không nêu trong phần viết cũng như trong phần sách tham khảo. Ý kiến thứ hai: không nên nêu tham khảo tác phẩm của chính mình nếu vấn đề mình đề cập đến có thể lý giải được trực tiếp. 7. Nhân đây tôi cũng xin có vài điều thắc mắc thêm với Nhà xuất bản: Bản thảo cuốn “Huế giữa chúng ta” đã nằm trong kế hoạch xuất bản ngót ba năm nhưng tại sao sách viết về văn hoá Huế như thế lại không có một tấm bản đồ, không có một tranh ảnh nào minh họa? Vì thiếu những phụ bản nầy mà nội dung cuốn sách mất đi một nửa hiệu quả. Việc in ấn có nhiều sai sót nhưng không rõ vì lý do gì không có bản đính chính! Người đọc mong những lần xuất bản sau phải bổ sung phần phụ bản quan trọng ấy và có phần đính chính cẩn thận. *** Tôi cũng nghĩ, đối với một tác giả bình thường nào đó thì người đọc được đọc một cuốn như “Huế giữa chúng ta” họ đã thích thú thỏa mãn lắm rồi và không đòi hỏi gì nữa cả. Nhưng đối với giáo sư Lê Văn Hảo, với khả năng đã sẵn có, với tài liệu dồi dào trong tay, với những bạn bè đồng điệu đông đảo của giáo sư, người ta muốn được giáo sư có những công trình lớn hơn và đầy đủ hơn. (Không có nghĩa là có độ dày nhiều trang hơn). Trong lúc chờ đợi công trình ấy, cuốn “Huế giữa chúng ta” vẫn là một món quà tinh thần chưa từng có đối với mảnh đất có truyền thống văn hoá lâu đời này. Huế, ngày 20-11-1984 N.Đ.X. (15/10-85) ----------- 1. Nxb Sudestasie, Paris 1982. 2. Nxb UNESCO Paris 1982. |
XUÂN CANG(Trích Chân dung nhà văn soi chiếu bằng Kinh Dịch)Nhà văn Nguyễn Sinh Tuân sinh ngày 10 - 7 - 1910 tức năm Canh Tuất (Nhà văn Việt Nam hiện đại. Nxb Hội Nhà văn - Hà Nội - 1997).
HOÀNG CẦM(cảm nhận qua tập thơ “Đồng dao cho người lớn” của Nguyễn Trọng Tạo)Hình như đã lâu lắm, hoặc như chưa bao giờ tôi bắt gặp trên đời này một người mà chỉ qua một buổi sơ ngộ tôi đã thấy quý và yêu... như anh ta.
NGUYỄN HỮU HỒNG MINHI.“Ta rồi chết giữa mùa màng”(*).
TRỊNH MINH HIẾU(Đọc Tiền định của nhà văn Đoàn Lê NXB Hội Nhà văn 2009)Tác phẩm “Tiền định” của nhà văn Đoàn Lê vừa được Công ty cổ phần sách Bách Việt đưa vào chung khảo Giải thưởng Bách Việt lần thứ nhất.
THANH TÙNGLarry Rottmann sinh ngày 20-12-1942 ở tiểu bang Missourri. Ông thường nói: tôi sinh khác năm nhưng cùng ngày với ngày thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Larry Rottmann hay để ý tìm kiến những điều mà cuộc đời ông gắn bó, liên quan đến Việt Nam.
MINH KHÔI…Hải Bằng là nhà thơ cách mạng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ngày mới vào Việt Minh anh được phiên vào Trung đoàn 101 nổi tiếng vùng Trị Thiên, hành quân qua khắp các chiến khu Dương Hòa, Hòa Mỹ, Ba Lòng, Cam Lộ, Do Linh... Rồi anh sang chiến đấu tại mặt trận Lào, về Thanh Hóa… Trong lai cảo thơ của anh để lại còn có những trường ca chưa in như “Đoàn quân 325”, “Bài thơ rừng hoa Chăm pa”, “Lòng em theo tiếng khèn”…
NGÔ THỜI ĐÔNSống một đời không dài lắm và đón nhận quá nhiều nỗi phiền ưu vì đất nước, dân tộc, thời cuộc, gia tộc và bản thân song với lòng yêu đời, thương người sâu sắc, Miên Thẩm đã để lại một sự nghiệp trứ tác đồ sộ, không thua kém các đại gia trong văn chương trung đại của dân tộc.
NGUYỄN NHÃ TIÊNNgồi chung một chuyến xe trong một lần cổ ngoạn Mỹ Sơn, nhà thơ Hồng Nhu trao cho tôi tập thơ "RÊU ĐÁ", tập thơ thứ tư của anh do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản năm 1998.
ĐỖ NGỌC YÊN(Nhân đọc TRONG CĂN NHÀ SÀN BÉ NHỎ)(*)
ĐỖ ĐỨC HIỂU Trong hành trình "Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp", tôi thấy một giọt vàng rơi vào lòng mình, giọt vàng ròng ngời sáng. Đó là truyện ngắn của anh. Anh tái tạo truyện ngắn ở Việt Nam vào những năm cuối thế kỷ XX này và nâng nó lên một tầm cao mới: thơ ca và triết lý, nó truyền thống và hiện đại, phương Đông và toàn nhân loại.
THÁI DOÃN HIỂUĐể nối hai bờ suy tưởng tâm linh và vũ trụ, nhà toán học Lê Quốc Hán (*) đã bắc một chiếc cầu thơ.
HÀ VĂN THÙY(Nhân đọc Văn học - phê bình, nhận diện của Trần Mạnh Hảo)
LÊ VIẾT THỌ(Đọc "Ngọn núi ảo ảnh" - bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường - NXB Thanh niên tháng 1-2000)
ĐỖ NGỌC YÊN Phế đô là một trong những cuốn tiểu thuyết đương đại của Trung Quốc, do Tạp chí Tháng Mười xuất bản từ năm 1993. Ngay sau đó nó đã có số bản in đạt vào loại kỷ lục, trên 1. 000. 000 bản tiếng Trung Quốc.
VƯƠNG HỒNG HOAN
"Trăng Thương Bạc" là tập thơ của 47 hội viên của câu lạc bộ Hương Ngự do Nhà xuất bản Thuận Hóa in kỷ niệm lần thứ 25 ngày giải phóng Huế.
NGUYỄN ĐĂNG MẠNHNguyễn Khải ở trong Nam, ít khi tôi được gặp. Tôi rất thích nói chuyện với anh. Đúng ra là tôi thích nghe anh nói.
PHẠM XUÂN HÙNG(Về cuốn Đọc văn - Tiểu luận - Phê bình của Phạm Phú Phong, NXB Thuận Hóa, 2008)
HÀ VĂN LƯỠNGChingiz Aitmatốp thuộc trong số các nhà văn lớn được độc giả nhiều nước trên thế giới biết đến. Tác phẩm của ông thể hiện những vấn đề đạo đức nhân sinh, nhân loại. Ngoài việc sử dụng các đặc điểm thời gian, không gian nghệ thuật, cấu trúc, giọng điệu tác phẩm... nhà văn còn đưa huyền thoại, truyền thuyết vào tác phẩm như là một thi pháp biểu hiện mang tính đặc trưng của ông.
TÔ NHUẬN VỸ(Nhân đọc một số bài tranh luận về cuốn THƠ ĐẾN TỪ ĐÂU)
NGUYỄN KHẮC PHÊBộ trường thiên tiểu thuyết “Sông Côn mùa lũ”(*) của nhà văn Nguyễn Mộng Giác, được bạn đọc chú ý trước hết vì bề dày 4 tập 2000 trang với nhân vật trung tâm là người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ; sau nữa, đây là tác phẩm văn học dày dặn nhất của một Việt kiều được xuất bản trong nước.