Thời xa vắng và Sóng ở đáy sông đều là những tác phẩm nổi bật trên văn đàn, được cho là đã mạnh dạn đi trước thời đại, mạnh dạn nhìn vào những ấu trĩ, bê bối, giáo điều của thời xã hội chuyển giao với những tàn dư dai dẳng trong tư tưởng và tâm hồn con người trong xã hội Việt Nam ở cả nông thôn và thành thị. Hai tiểu thuyết gắn với tên tuổi của nhà văn Lê Lựu vừa được "gặp mặt" bạn đọc thế hệ hôm nay với một diện mạo mới.
"Sóng ở đáy sông" bản vừa tái bản của Công ty Sbooks.
Đã khá lâu, những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Lê Lựu chỉ được nhắc đến trong các bản tham luận, các bình luận văn chương, mà không còn trên giá sách của các nhà sách. Những độc giả trẻ tuổi, những độc giả ngày nay muốn tìm đọc các tác phẩm của Lê Lựu chỉ có thể kiếm tìm trên mạng nhưng không thể đầy đủ. Một trong những lí do đó là nhà văn Lê Lựu nhiều năm nay sức khỏe rất yếu, không thể chăm lo đến những tác phẩm của mình.
Với tinh thần quyết tâm nối lại các văn bản chữ nghĩa mang đậm ý nghĩa một giai đoạn, qua lăng kính tài ba của nhà văn Lê Lựu, Công ty Cổ phần Sbooks đã mạnh dạn liên kết với Nhà xuất bản Văn học xuất bản và phát hành bộ tác phẩm của nhà văn Lê Lựu trong đó có hai tiểu thuyết nổi bật Sóng ở đáy sông và Thời xa vắng.
Sóng ở đáy sông kể về cuộc đời của Núi, nhân vật chính, với số phận trượt dài trong tăm tối và những bất hạnh đeo đẳng. Một chuỗi những sai lầm liên tiếp của một cuộc đời Núi - người được sinh ra bởi sai lầm của người cha, sau những lần "không thể kìm hãm trước con ở" "đang thời bừng dậy rừng rực". Một số phận không mong muốn, một khoảng cách không thể kết nối lại gần với những gì được gọi là chính thống, được sự thừa nhận hợp pháp. Nhưng trong mảng màu tối đó vẫn có thể nhìn thấy cuối đường hầm bừng lên vệt sáng. Và người đọc được quyền bước ra vùng sáng rỡ, nơi con người trở về với nguyên bản thiện lương của mình.
“Với lối viết mộc, hiện thực; với những triết lí, ẩn dụ, phúng dụ được nhà văn Lê Lựu sử dụng khá tinh tế và thuần Việt, chắc chắn lớp bạn đọc hôm nay sẽ được bước vào một thời khắc riêng khác, và hình dung về một giai đoạn đầy biến động đã lùi xa...”, đó là tiên liệu của nhà văn Võ Thị Xuân Hà về tiểu thuyết này của Lê Lựu với bạn đọc thế hệ hôm nay.
Sau hàng chục năm, nhìn lại Sóng ở đáy sông, có thể thấy, chiến tranh và một thời kì bao cấp có thể khiến con người ta trở nên vĩ đại hoặc thấp hèn… Với Sóng ở đáy sông, độc giả sẽ được cùng nhà văn trở lại những tháng ngày xưa, khi mà con người còn nhiều định kiến ấu trĩ, lạc hậu; nhưng cũng đầy ấm áp, thuần Việt mà ngày nay chúng ta dường như đánh rơi đâu mất trong không gian sống gắn chặt với mạng xã hội cũng như những bận rộn của đời sống hiện đại.
“Có thể với góc nhìn mới, với những tầng tri thức hiện đại, độc giả ngày nay sẽ nhìn ra những vấn đề khác biệt với lớp độc giả những thập niên trước, sẽ có được tâm thức mới để khai mở lại văn bản câu chữ”, nhà văn Võ Thị Xuân Hà, người cố vấn nội dung của Công ty Sbooks, cũng là người có nhiều nỗ lực đưa tác phẩm của Lê Lựu tái ngộ công chúng cho biết.
Sóng ở đáy sông đã từng được chuyển thể phim truyện truyền hình (đạo diễn Lê Đức Tiến, Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam). Là bộ phim truyền hình ăn khách vào năm 2000, Sóng ở đáy sông đã lấy đi rất nhiều nước mắt của khán giả; đã tạo dựng tên tuổi cho một dàn diễn viên mới nổi tiếng như Xuân Bắc, Kim Oanh… Đến nay, dù đã giữ cương vị Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam nhưng nhiều khán giả vẫn nhớ và định danh Xuân Bắc với vai Núi của Sóng ở đáy sông trong bộ phim chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Lê Lựu.
Tương tự Sóng ở đáy sông, Thời xa vắng cũng là tác phẩm đã được chuyển thể thành phim điện ảnh của Lê Lựu. Nhưng khác với Sóng ở đáy sông với bối cảnh phố thị, Thời xa vắng mang dáng dấp của nông thôn Việt Nam thời trước đổi mới. Bối cảnh tiểu thuyết cũng diễn ra trong giai đoạn chuyển giao quan trọng của xã hội; song lại khác ở một điểm, ấy là ngay từ lúc vào truyện, tác giả đã đẩy ra một bầu không khí tù túng, u ám, xam xám, ít ánh sáng và dường như chỉ là một bức tranh nhòe màu đã cũ. Bầu không khí nặng nề này bao trùm lấy toàn bộ làng Hạ Vị vào thời điểm đó, dẫn độc giả đi theo bước chân nhân vật bằng hình ảnh cả một dòng họ nháo nhào với biết bao nhiêu giáo điều tới từ người cha thuộc về xã hội cũ - cái xã hội thực dân nửa phong kiến. Cha của nhân vật chính Giang Minh Sài là một ông đồ nên càng để ý tới nề nếp gia đình, làm bất cứ điều gì cũng phải để ý tới thể diện. Ở điểm này, ông khá giống với cha của Núi, cùng là những người gặp cơn chấn động bất ngờ khi chế độ cũ sụp đổ, ngơ ngác trước thời đại mới, cơ chế mới, chưa kịp phản ứng lại bất cứ điều gì, và cũng đã quá già để tiếp nhận những gì mới hơn.
Cuộc đời của Giang Minh Sài bị đóng đinh trong những định kiến, trong những sắp đặt vô tình hay hữu ý của cá nhân và xã hội, nhưng quan trọng là trước những tác động ấy dường như không có một phản kháng nào từ anh, bởi lựa chọn của Sài là “hãy im lặng chịu đựng". Bóng ma số phận bắt đầu từ cuộc hôn nhân ép buộc từ khi còn là một cậu bé "ăn chưa no, lo chưa tới" khiến những ám ảnh theo Sài tới mãi về sau này. Khi vào bộ đội, Sài được thuyên chuyển khắp nơi, rồi tới tận lúc hòa bình, Sài vẫn không thực sự có được hạnh phúc của riêng mình. Bản chất của Sài mang tâm hồn nghệ sĩ, có tư tưởng thoát li thực tế, khi không thể thỏa mình vùng vẫy trong hiện thực, Sài lại dầm mình vào những cơn tưởng tượng bằng cách ghi nhật kí, rồi chính cuốn nhật kí ấy khi bị đơn vị phát hiện đã làm hại anh, bị đọc trộm, bị lôi ra để lấy làm bằng chứng kỉ luật Sài.
Giá như Sài có thể quyết liệt hơn, giá như Sài biết được rằng một bước đi sai thời tuổi trẻ đã khiến cả cuộc đời mình trở nên trống rỗng, tay trắng lại hoàn tay trắng. Bi kịch khi con người rơi vào hoàn cảnh sống do người khác quyết định, cho dù “những người khác” đó là cha mẹ anh em bà con chòm xóm của mình là những vấn đề còn nguyên tính thời đại, có thể soi chiếu vào những mảnh đời, những thân phận của hôm nay, trong những bi kịch của thời đại mới đổ trùm lên mỗi cá nhân. Như cảm nhận của tác giả trẻ Phạm Giai Quỳnh khi đọc tác phẩm bản tái này của Lê Lựu: “Thời đại ấy tuy đã trôi qua, tưởng như tiêu biến, nhưng trong chính xã hội hiện đại này, nó lại hiện ra theo một kiểu khác và vẫn với những ánh mắt nhìn chòng chọc vào ta, để phán xét, để đánh giá. Trong vòng xoáy ấy, chẳng biết có bao nhiêu nạn nhân như vậy, có bao mảnh đời tương tự vĩnh viễn sống trong nỗi sợ hãi và bế tắc, cuối cùng chìm khuất với thời gian”.
Thời xa vắng khi xuất hiện đã được cho rằng, nhân vật chính có nhiều nét tiểu sử tương đồng với chính tác giả. Tiểu thuyết này cũng đã được nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhìn nhận: “Công cuộc đổi mới đất nước vừa được mở ra thì ngay lập tức văn học đã ghi được dấu ấn bất ngờ bằng tác phẩm Thời xa vắng của Lê Lựu. Ông viết từ mình, rút ruột mình ra mà kể chuyện mình, chuyện một người nhưng là chuyện của nhiều người, chuyện của một thế hệ, chuyện của một thời. Cái thời đó tác giả gọi là “thời xa vắng” nhưng thật ra vẫn chưa qua. Đó là cái thời nhân vật Giang Minh Sài sống không phải là mình, nửa đời trước sống cho cái mình không có, nửa đời sau sống chạy theo cái không phải của mình”.
Được Lê Lựu hoàn thành bản thảo từ năm 1984, Thời xa vắng như một tiếng chuông được đánh lên ở thời điểm đất nước đang bước vào công cuộc đổi mới, mọi thứ còn bỡ ngỡ và cái sự nhìn lại dường như chưa đủ độ lùi thời gian để những người viết làm điều đó, thì nó đã hiện diện sừng sững trong tác phẩm của Lê Lựu. Tiếng chuông mà Thời xa vắng cất lên đó vẫn còn ngân mãi, vọng mãi đến những năm tháng sau này ở những cung bậc khác nhau.
Thời xa vắng đã được đón đọc nồng nhiệt những năm qua, có lẽ bởi nhiều người đọc đã thấy mình trong đó. Còn ở phía những người làm nghiên cứu, phê bình, nó đã được giới phê bình coi là tác phẩm mở đầu cho một xu hướng của văn học đổi mới - xu hướng nhận thức lại thực tại.
“Có lẽ Thời xa vắng có sức sống bền lâu bởi một hình ảnh của nhân vật nông thôn mới bắt đầu thành hình, bởi hồi chuông cảnh tỉnh được gióng lên vào thời kì chớm đổi mới, và vẫn còn vọng ngân đến hôm nay, và cả mai sau…”, về tác phẩm này, nhà văn Võ Thị Xuân Hà nói. Chị cho biết thêm, việc quyết định tái bản tiểu thuyết Thời xa vắng với một diện mạo mới, trong bối cảnh toàn xã hội đang căng mình chống dịch Covid-19, Công ty cổ phần Sbooks mong muốn đóng góp phần nhỏ bé của mình vào đời sống tinh thần xã hội, mong sao đem lại nguồn năng lượng tích cực thiện lương và bản lĩnh sống trong mỗi tâm hồn người đọc hôm nay.
Cả hai tiểu thuyết tái bản lần này đều do họa sĩ Kim Duẩn vẽ bìa.
Theo Thiện Nguyễn - Cầm Kỳ - VNQĐ
(Đọc Áp tai vào đất, Lê Quang Trạng, Nxb Hội Nhà văn, 2017)
Nhà văn Nguyễn Thành Nhân (ảnh) được biết đến với tiểu thuyết Mùa xa nhà viết về những tháng năm anh làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia. Đây là tác phẩm đầu tay tạo được tiếng vang giúp anh tiến sâu hơn với nghề viết.
Chiều ngày 12/4, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam diễn ra tọa đàm giới thiệu hai cuốn tiểu thuyết “Phố Academy” ( tác giả Mary Costello, Hà Nguyễn dịch) và “Tuần lễ náu mình” (tác giả Maeve Binchy, Nguyễn Nhật Tuấn dịch) do Nhà xuất bản Phụ nữ cùng sự tài trợ của Đại sứ quán Ireland.
Tập sách 'Mỗi người một chỗ ngồi' mang phong vị văn chương "lạnh, sắc và tinh tế" của cây bút truyện ngắn tiêu biểu một thời.
Theo nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy, đó là thời kỳ đầu của văn chương Sài Gòn gắn liền với thuở bình minh của báo chí chữ Quốc ngữ. Trần Nhật Vy đã tìm thấy nhiều tác phẩm có giá trị văn học sử trong quá trình nghiên cứu báo chí chữ Quốc ngữ cuối thế kỷ 19.
Nhà văn Vũ Hùng là tác giả của 40 đầu sách, trong đó có 2 tác phẩm được giải thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam: truyện đồng thoại Sao Sao (1982) truyện ký Sống giữa bầy voi (1986).
Sau một gian nghiên cứu tìm tòi thể nghiệm, nhà văn Nguyên Hương vừa “trình làng” bộ ba “Tớ muốn đi cùng trời cuối đất” dành cho lứa tuổi học trò với cách viết mới mẻ, sử dụng yếu tố kì ảo khiến tác phẩm thêm phần cuốn hút.
“Bãi vàng và những chuyện tình nho nhỏ” bao gồm 15 truyện ngắn của nhà văn Ma Văn Kháng viết về tình yêu và thân phận người phụ nữ trong những cuộc tình trái ngang. Dưới ngòi bút của ông, tình yêu được miêu tả là “thuộc tính của những kẻ mang danh tính là con người,” (trích truyện ngắn “Bãi vàng”).
Truyện Linda Lê phản ánh thời biến động khó quên của một xứ sở, song hành hồi ức của một người đàn bà tâm thần, sống cô độc ở Paris.
Sáng nay (27/2), chuỗi sự kiện Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVI chính thức khởi động với hội thảo về thơ với chủ đề “Những vấn đề của thơ Việt Nam hiện nay” tại Hà Nội.
Ba cuốn sách của cố nhà văn Tô Hoài (“Giữ gìn 36 phố phường,” “Những ký ức không chịu ngủ yên” và “Người con gái xóm Cung”) chính thức ra mắt độc giả vào trong dịp đầu năm 2018.
“Giải thưởng sự nghiệp văn học” - một giải thưởng mới của Hội Nhà văn Việt Nam đã được trao cho nhà văn Vũ Hùng – cây viết đã bền bỉ dành cả cuộc đời mình để viết về trẻ em, muông thú, thiên nhiên.
Liên tiếp hai năm qua, Ma Văn Kháng trình làng 2 cuốn tiểu thuyết mới và mới đây một NXB cùng lúc phát hành 8 cuốn cả tiểu thuyết và truyện ngắn của cây bút có sức viết bền bỉ hàng hiếm ở Việt Nam. Nhưng Ma Văn Kháng liệu có còn phù hợp với đọc giả trẻ hôm nay, theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên vẫn là “câu hỏi khó”. Còn nhà văn Nguyễn Khánh Tình nói “đọc Ma Văn Kháng, tâm hồn tôi dịu đi”.
Đầu năm 2018, nhiều tựa sách văn học nước ngoài thú vị được các nhà xuất bản trong nước giới thiệu tới độc giả Việt Nam.
Sáng 25/1, Hội Nhà văn Việt Nam đã chính thức công bố danh sách Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2017.
Với 66 bài viết được chia làm 3 phần, cuốn sách “Như mây thong dong” của tác giả Lưu Đình Long do NXB Văn hóa - Văn nghệ và công ty Saigonbooks ấn hành là một trong những thông điệp đẹp và tình yêu và người trẻ hiện nay.
Tối 5/1, tọa đàm “Văn chương nói với ta điều gì về kẻ khác” được Bảo tàng thấu cảm và Khóa học mùa thu và phát triển (ASOD) đồng tổ chức nhằm hướng tới cái nhìn đa chiều và khoa học xung quanh vấn đề thấu cảm nói chung và vấn đề thấu cảm trong văn chương nói riêng.
Không hẹn mà gặp, gần như cùng một lúc NXB Kim Đồng cho ra mắt hai tập chân dung văn học “Đi tìm giấc mơ” của tác giả Trần Hoàng Thiên Kim và “Như cánh chim trong mắt của chân trời” của Văn Thành Lê.
Được viết từ trước năm 1975, bộ 3 tác phẩm truyện dài gồm “Áo tím qua đường”, “Mối tình như sương khói” và “Còn những bóng mưa tan” của nhà văn Từ Kế Tường về tình yêu tuổi mới lớn từng được đông đảo các thế hệ độc giả đón nhận.
Cảm nhận đầu tiên khi đọc “Văn nghệ Hà Nội những năm 1947 – 1954”, hồi ức - biên khảo của Lê Văn Ba (NXB Hội Nhà văn, 2017) là cuốn sách ngồn ngộn tư liệu và hấp dẫn. Lê Văn Ba có đủ điều kiện, hoàn cảnh và tư cách để làm việc này. Ông sống, sáng tác và hoạt động bí mật trong Hà Nội tạm chiếm, từng bị địch bắt và giam ở Nhà tù Hỏa Lò (hòa bình lập lại năm 1954 ông tròn 20 tuổi).