Nhà thơ Xuân Hoàng - Ảnh: nld.com.vn
Vốn duyên nợ với thơ, tôi đã đọc Xuân Hoàng từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường. Hồi đó, tôi mến thơ anh vì một lẽ hết sức giản dị: Thơ anh nói đến những gì gần gũi thân thiết đối với tôi. Tôi bồi hồi với những vần thơ anh viết về sông Gianh - con sông chảy ngang qua làng nhỏ quê tôi. Anh nói đến Lèn Bảng - Hòn Lèn chiều chiều tôi thường nhìn ngắm. Tôi chưa nhận thức được một cách rõ ràng như bây giờ, nhưng những câu thơ ấy cứ đi vào tâm hồn tôi một cách tự nhiên như lời ru lắng vào tâm hồn thơ trẻ. Từ đó tôi chăm chú theo dõi thơ anh. Tôi đã đọc “Biển và bờ”, “Dải đất vùng trời”, “Về một mùa gió thổi”… và bây giờ là: “Quãng cách lặng im”! Biết nói thế nào về tập thơ đã gây cho tôi nhiều xúc cảm này? Mỗi người có một cách cảm nhận. Riêng tôi, điều làm cho tôi trân trọng “Quãng cách lặng im” chính là sự lắng lại của một tâm hồn thơ vốn rất say sưa, sôi nổi. So với các tập thơ trước của anh tập thơ này có phần phong phú và đa dạng hơn. Mới đọc lướt qua tưởng như không có gì mới mẻ. Tất cả thơ anh đều thể hiện tình yêu của anh đối với cuộc sống đối với con người, đối với nhân dân, đất nước… Những đề tài quen thuộc ấy, qua mỗi bước đi của lịch sử, qua từng chặng đường đời của từng tác giả lại luôn luôn mới với những sắc thái riêng. Tình yêu ấy ở “Quãng cách lặng im” là tình yêu của một con người đã dâng hiến cả đời mình cho cách mạng, cho thơ ca; là tình yêu của con người đã đi qua những tháng năm bom đạn, đã nếm đủ vị chua ngọt, đã chứng kiến bao nhiêu biến cố lớn lao: Tôi đã đi. Đã gặp. Đã vui cười Đã giận dữ. Đã đau buồn. Đã khóc Giờ gặp biển. Bỗng nhiên bao mệt nhọc Tự cuộc đời, yên lắng lại trong tôi. (Về với biển) Về với biển là cách nói tượng trưng. Biển là niềm khát vọng. Biển là niềm ước mơ. Biển là cuộc đời rộng lớn… Gặp biển là gặp khát vọng, ước mơ, lý tưởng, cuộc đời… Và anh đã không hổ thẹn khi soi mình trước biển mặc dù anh biết mình chỉ là “con sóng nhỏ”. “Con sóng nhỏ” nhưng không phải là con sóng thờ ơ, vô tình chỉ ghi hờ một đường lăn trên cát: Chút phát hiện trong phút giờ gặp lại Phải đi qua bao năm tháng bão bùng. Bởi thế anh vẫn cảm thấy mình vẫn còn rất trẻ, vẫn còn sung sức dẫu mái tóc xanh của anh, anh đã dâng cho biển lâu rồi: Giờ còn lại những sợi mềm tỏa sáng Cũng như sóng, dưới chân tôi, bạc trắng Bên nền xanh của biển tiếp chân trời. Bài thơ mang tính chất đúc kết cuộc đời. Lời thơ điềm đạm, sâu lắng. Chính sự lắng lại này đã tạo nên âm hưởng chung của “Quãng cách lặng im”. Đó là âm hưởng trầm tĩnh, thầm thì, tha thiết, có pha một chút day dứt mà vẫn không kém phần sôi động, rạo rực. Ở “Biển và bờ” âm hưởng chủ đạo là âm hưởng anh hùng ca với những bài thơ hừng hực khí thế chiến đấu như “Pu-la-nhích”, “Những tổ đại bàng”, “Ngã ba Lùm-Bùm”… Ở “Về một mùa gió thổi”, cảm xúc của anh đằm lại. Anh say sưa chiêm ngưỡng cảnh sắc thêm nhiều với những cảm nhận tinh tế trong “Sông Cầu”, “Một chiều Đồng Hới”, “Mưa Huế”… “Quãng cách lặng im” anh vẫn mang chất lãng mạn sôi nổi của anh, nhưng tất cả như lắng vào bên trong. Có lẽ bởi vì giờ đây anh có thời gian để suy nghĩ nhiều hơn, để nhìn lại mình kỹ hơn. Chúng ta gặp trong “Quãng cách lặng im” những “phút giây riêng”. Khuynh hướng chung trong “Quãng cách lặng im” là khuynh hướng đi vào nội tâm, bày giải những nỗi niềm sâu kín. Đọc “Biển và bờ”, “Về một mùa gió thổi” ta hiểu đất nước nhiều hơn là hiểu nhà thơ. Ở “Quãng cách lặng im” không những ta hiểu thêm về đất nước mà còn hiểu khá kỹ về Xuân Hoàng với những niềm vui và nỗi buồn thành thực. Anh không giấu “những vết thương vô ý tự gây nên” anh không giấu: (Con người thực cần tôi bên cánh cửa Cái ở Cái ăn Cái mặc hàng ngày…) Anh nói ra những điều đó mà không sợ người đọc hiểu lầm về anh. Không những thế chính sự bộc bạch thật thà ấy càng làm cho người đọc cảm mến anh hơn, gần gũi với anh hơn. Những câu thơ như những lời ghi chú bình thường ấy lại có vị trí hết sức đặc biệt. Nó góp phần xóa đi cái khoảng cách giữa anh và người đọc. Anh không kênh kiệu, cao đạo khác đời, khác người. Anh muốn hòa trong mọi người nhưng vẫn là anh - một Xuân Hoàng nhạy bén và đa cảm: Khi tóc anh bạc rồi Em là hoa me đất Nở trong chiều xa lắc Tím hồng màu thời gian Đội cánh dù xanh biếc Đến cùng anh tha thiết. Chung quanh “Hoa chua me đất” đã nảy sinh nhiều ý kiến khác nhau. Với tôi, đây là một trong những bài thơ hay trong tập. Tôi đã có dịp chứng kiến một đồng nghiệp của tôi đọc bài thơ này trước sinh viên và rơm rớm nước mắt. Cả giảng đường lặng đi với giọng đọc giàu sức truyền cảm của anh. Phải rất nhạy bén và đa cảm, phải yêu tha thiết cuộc đời mới viết được những câu thơ có sức lay động lòng người như thế. Bên cạnh niềm vui về một thị xã đang dựng xây anh có nỗi bâng khuâng với “vầng trăng kỷ niệm” vừa nhô lên trên biển Vũng Tàu. Bên cạnh không khí lãng mạn của một chiều hải đảo: chim én bay quanh quán rượu xập xè. Anh có nét trầm tư của Cồn Cỏ giữa trưa đứng gió. Phút im lặng là giây phút anh suy ngẫm bao ba động cuộc đời: Nhiều kỷ niệm xa rồi, nên nhắc hay quên Một tình bạn rẽ đôi, một mối tình đã chết Một mầm nhớ tưởng chừng không dễ biết Một âm ba rất lặng của ưu phiền Người đọc bắt gặp trong “Quãng cách lặng im” những tình cảm hết sức trong sáng, lành mạnh. Thơ anh đôn hậu như chính con người của anh. Anh thương một tiếng ve bị người đời quên lãng, thương một làn hương cũ khi trở về phố biển quê hương, thương cây đèn biển đứng chơ vơ bên cửa sông một thị xã bị tàn phá trong chiến tranh chưa kịp xây dựng lại, thương nhành mai nở lặng lẽ một mình: Chỉ thơm trong sắc lặng thinh Và sẽ thơm như thế, không ai biết Trong núi, như trời, đất, với hoa (Mai vàng và mùa xuân) Bài thơ “Khi nào thấy” đã chiếm được cảm tình của rất nhiều bạn đọc. Cả bài thơ toát lên tấm lòng nhân hậu độ lượng, bao dung của anh đối với mọi người, nó biểu hiện một cách rõ nét, sự lắng lại của một tâm hồn đã trải qua bao nhiêu thử thách: Nếu cần nữa, tôi là hồ trên núi Trong hoang vu im lặng ngắm mây trời Em hãy đến, chim thiên nga, cánh mỏi Đậu yên lành trên gương mặt hồ tôi Không gian và thời gian trong rất nhiều bài thơ dường như cùng lắng lại cùng với tâm hồn tác giả. Đây là cảnh hoàng hôn trên hải đảo: Mặt trời xuống, làng chài lên khói bếp Núi nghiêm trang soi bóng xuống chân bờ Tiếng trẻ gọi vang dài thung lũng hẹp Con cún nào trong xóm sủa vu vơ Và đây là cảnh Bàu Tró một chiều bình yên: Cát vàng lắng tiếng dương reo Cánh chim cun cút cắt vèo thinh không Xuân Hoàng không cầu kỳ lập dị, không chạy theo “mốt” để hợp thời trang. Anh không gò thơ mình vào một thể cố định. Dù viết thơ 5 chữ, 7 chữ, lục bát hay câu thơ dài ngắn không đều ta vẫn có thể nhận ra giọng điệu của anh. Anh không ưa lòe kiến thức để tỏ ra uyên bác. Anh đưa những hiểu biết của mình vào thơ rất tự nhiên. Trong bài “Sen trắng” anh gợi thơ Lý Bạch một cách kín đáo: Không thấy người hái sen Chèo thuyền trong nắng sớm Anh cũng không “hiện đại” theo kiểu học đòi. Anh có nhiều cách nói sáng tạo nhưng vẫn in đậm phong cách của anh: Ngập ngừng hơi gió se se Sáng ra thu đã đứng kề bên hiên (Vùng biển sang thu) Có một thời em lạc vào quĩ đạo Thành vệ tinh màu trắng không về (Con tàu trắng) Xoài xanh nay đã chín rồi Chẳng hay giọt lệ có muồi theo hương (Mùa xoài) … Tất cả đó đều chứng tỏ sự lắng lại của một tâm hồn! “Quãng cách lặng im” là tính chất được lọc ra trong hơn hai mươi năm lăn lộn với thơ. Anh đã mạnh dạn gạt bỏ những chi tiết rườm rà, những kể lể dài dòng, những ngôn từ mòn sáo. Sau một chặng đường dài trăn trở, tìm kiếm phải chăng Xuân Hoàng đang càng ngày càng đến gần với cái đẹp của thơ ca chân chính. Hiện nay thơ đang là vấn đề thời sự. Bao nhiêu câu hỏi đặt ra cho thơ trong chặng đường mới này, “Quãng cách lặng im” phải chăng là một cách phát biểu của Xuân Hoàng? Có nhiều con nhộng biển Đang chờ ngày xé tơ Có nhiều con bướm biển Đang rụng cánh từng giờ Tôi trở lại là tằm Nhả ra nhiều sợi ánh Dệt nghìn vuông lụa sáng Cho cuộc đời và em! (Trước biển) Còn nhiều điều tôi muốn nói về “Quãng cách lặng im” và cũng còn đôi bài thơ, đôi câu thơ trong tập tôi chưa thích lắm. Biết làm sao được! Đòi hỏi của người đọc thì vô cùng mà tài năng của bất cứ thi sĩ nào cũng có giới hạn. Thành công của anh trong tập thơ này là kết quả của một quá trình phấn đấu thầm lặng, gay go và gian khổ: Quãng cách nói gì ở đây Có bao việc làm không nói Giữa chiều bom rơi đồi sỏi Và chiều Đà Lạt hôm nay… Huế, tháng 1-1985 M.V.H. (14/8-85) |
VƯƠNG HỒNG
Ưng Bình Thúc Giạ Thị quê phường Vỹ Dạ, thành phố Huế, sinh ngày 9 tháng 3 năm 1877, mất ngày 4 tháng 4 năm 1961. Ông là cháu nội Tuy Lý vương Miên Trinh, một nhà thơ nổi tiếng với "Vỹ Dạ Hợp tập".
NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG
Trên Tạp chí Sông Hương số 379 (9/2020) và Báo Thừa Thiên Huế, tôi đã có giới thiệu lại cuốn “Truyện Kiều, bản Nôm của Hoàng gia triều Nguyễn, lưu trữ tại thư viện Anh quốc” do Nguyễn Khắc Bảo công bố (Nxb. Lao động ấn hành, 2017).
NGUYỄN THANH TÂM
Trương Đăng Dung làm thơ từ cuối thập niên 70 của thế kỷ trước. Thầm lặng, con người thi ca ấy ẩn khuất sau dáng vẻ của một nhà lý luận, để hơn 30 năm sau, cựa mình trỗi dậy.
HOÀNG THỊ THU THỦY
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu (04/10/1920 - 04/10/2020)
LÊ TUẤN LỘC
MAI VĂN HOAN
Trải qua hàng nghìn năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ, họ tìm mọi cách đồng hóa dân tộc ta nhưng bất thành. Chúng ta có chịu ảnh hưởng về tư tưởng, về giáo dục, về văn hóa, nghệ thuật… của họ nhưng dứt khoát không bị đồng hóa.
LƯỜNG TÚ TUẤN
“Thì đem vàng đá mà liều với thân” - Nguyễn Du
Kỷ niệm 255 năm ngày sinh (1765 - 2020), 200 năm ngày mất Danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du (16/9/1820 - 16/9/2020)
NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG
ĐỖ LAI THÚY
Trong mọi địa hạt, sự đắc thắng của cuộc sống là sáng tạo
H. Bergson
BỬU Ý
Nguyễn Đức Sơn sinh 18/11/1937 tại làng Dư Khánh (Thanh Hải) gần bên bờ biển Ninh Chữ tỉnh Ninh Thuận.
LÊ THÀNH NGHỊ
Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ xuất hiện từ đầu những năm bảy mươi của thế kỷ XX, khi chiến tranh diễn ra vô cùng ác liệt trên cả hai miền đất nước. Quảng Bình, quê hương của Lâm Thị Mỹ Dạ là một trong những vùng đất bom đạn tàn khốc nhất.
NGUYỄN HỮU QUÝ
Biển. Những con sóng. Những con sóng làm nên biển cả mênh mang. Hay diễn đạt cách khác, biển bắt đầu từ sóng.
LÝ HOÀI THU
Lưu Quang Vũ mở đầu sự nghiệp cầm bút bằng thơ. Đó là phần Hương cây trong tập Hương cây - Bếp lửa in chung với Bằng Việt.
THÁI HẠO
Tặng Mẹ và Em!
Bờ bến lạ chút tự tình với bóng - Tuệ Sỹ
NGUYỄN KHẮC PHÊ
Nguyễn Thị Lê Na không thuộc lớp “cây bút trẻ” (chị sinh đúng vào năm đất nước thống nhất - 1975), lại phải gánh nhiệm vụ quản lý một tạp chí văn nghệ, nên sau “Bến Mê”, đến nay chị mới xuất bản “Đắng ngọt đàn bà”(*) (ĐNĐB).
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Một ngày giáp Tết Canh Tý, Từ Hoài Tấn* mời bạn bè đến quán cà phê nhìn sang Vương Cung Thánh Đường dự ra mắt tập thơ tuyển của ông (Thơ Từ Hoài Tấn, Nxb. Tổng Hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2020).
NGỌC BÍCH
(Đọc "Thơ Ngô Kha"*)
Bây giờ là năm 1992. Anh hy sinh đã gần 20 năm. Tập thơ của anh đã xuất bản được một năm nhờ những bạn bè thân quen và những người yêu mến thơ anh. Tôi là người đến muộn. Nhưng như người ta vẫn nói "dẫu muộn còn hơn không". Nhất là ở đây lại đến với MỘT CON NGƯỜI.
PHẠM XUÂN DŨNG
(Nhân đọc tập tản văn Ngoại ô thương nhớ của Phi Tân, Nxb. Trẻ, 2020)
HỒ THẾ HÀ
Lê Văn Ngăn, sinh ngày 15 tháng 01 năm 1944, tại Quảng Thọ, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Học, trưởng thành và tham gia phong trào học sinh, sinh viên yêu nước ở Huế (1965 - 1975). Là phóng viên Đài Phát thanh Huế (1975 - 1978).