Phức điệu kép trong thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh

15:11 12/03/2009
HOÀNG VŨ THUẬT         (Thơ Chất trụ của Nguyễn Hữu Hồng Minh- Nxb Thuận Hoá 2002)Nguyễn Hữu Hồng Minh không làm cái phép phù thuỷ đưa độc giả tới một không gian rắc rối. Quan niệm về thơ của anh được trình bày rất nghiêm túc qua bài “Chất trụ”, lấy tên cho tập thơ. Tôi rất đồng tình quan niệm này, không mới, nhưng không dễ làm người ta chấp nhận.

Sau “Giọng nói mơ hồ”,Chất trụ” bước phát triển tiếp nối của thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh cao hơn, giàu phát hiện, tìm tòi. Thơ nặng về trí tuệ, triết lý. Đọc   Nguyễn Hữu Hồng Minh không bằng tiếng, mà đọc bằng nghĩa, phải nghĩ ngợi, suy ngẫm. Trong thị trường thơ ca đang bung ra, “Chất trụ” được neo lại với những ai tâm huyết với thơ, đang theo dõi tiến trình thơ hiện nay. Người hài lòng và người chưa hài lòng vẫn có thể tìm đọc để hiểu, ghi nhận đối chiếu về sự khác biệt, có khi đối trọng cả những điều được thừa nhận hoặc đang tranh cãi. Như vậy, tập thơ có chỗ đứng, còn chỗ để nói, chứ không phải cầm lên xem bìa, lướt đôi dòng rồi bỏ quên.

Chỗ đứng của thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh ở đâu? Cái gì làm nên thơ anh?

Bấy lâu nay người đọc và người phê bình đã có quá nhiều định nghĩa về thơ. Cho dù mọi định nghĩa vẫn là tương đối. Thơ có trước định nghĩa. Thơ thay đổi chẳng lẽ định nghĩa đứng yên? Nguyễn Hữu Hồng Minh không làm cái phép phù thuỷ đưa độc giả tới một không gian rắc rối. Quan niệm về thơ của anh được trình bày rất nghiêm túc qua bài “Chất trụ”, lấy tên cho tập thơ. Tôi rất đồng tình quan niệm này, không mới, nhưng không dễ làm người ta chấp nhận. Thơ, theo Nguyễn Hữu Hồng Minh: Bóng tối chưa hẳn bóng tối, ánh sáng chưa hẳn ánh sáng / Những bí mật quyện nhau, những thông điệp luân chuyển.

Thơ không là sản phẩm trực giác, một phiên bản hiện thực, không phải lúc nào cũng cắt nghĩa cụ thể. Thơ lặn vào trong người đọc, để rồi bất ngờ nhô lên ở bến bờ tư tưởng khác, như anh đúc kết “Cái chết tới ngưỡng nó hé lộ ánh sáng" (Về thơ). Vì thế, để bố cục cho tập thơ, tác giả chia làm ba phần: Bùng nổ ghi chú, Giác quan ánh chớp, Nhân chứng tồn tại. Cả ba phần theo một lôgíc chủ định của cảm thức.

1. “Chất trụ” và nhà thơ lang thang nơi địa hạt mới.
Nguyễn Hữu Hồng Minh luôn ý thức khám phá, có phần táo bạo trong việc tìm kiếm địa hạt mới của thơ, một ý thức tự nguyện và thường trực. Nguyễn Hữu Hồng Minh định nghĩa: Cái tôi có là cái tôi là...Cái tôi la” là cái gì? Là cái sau cái tôi đã có. Đấy là địa hạt mới luân chuyển thường xuyên, không chịu đứng yên:
Kẻ khát khao những địa hạt
mà những mẫu tự thường nhật
không thể đạt tới
(Khoảng 3 giờ sáng, ngày 23 tháng 10)

Cuộc tìm kiếm này, từ lâu, đã là sự dấn thân của nhiều thế hệ nhà thơ. Nếu ai đó cho rằng họ đã liều lĩnh thách thức, hoặc chưa phải đến lúc, nhận xét ấy quả là vội vàng. Thử lùi lại 70 năm về trước, nếu các nhà Thơ Mới không dấn thân, không chịu sự báng bổ của dư luận, thì nền thơ Việt hôm nay sẽ ra sao?
Vận động tìm giá trị mới - Những giá trị trong suốt
Như sự hiểm nguy dưới đáy mắt em

Rõ ràng đây là cuộc tìm kiếm gian truân. Nhà thơ lý giải nó bằng sự đảm bảo chân thật, đam mê tự đáy lòng:
Sự trong suốt của anh, tôi và tất cả chúng ta
Như tiếng lá thầm thào với rễ cây
Có liên hệ bí mật nào giữa ngôi sao và bầu trời
Những ý nghĩ, ngón tay
Sự toả hơi lâng lâng
của những điều đang khám phá?
(Gương mặt ẩn chìm)

Bàn về “từ” trong thơ, nhiều người nói rồi. Quan niệm “Chữ bầu lên nghĩa, chữ bầu lên thơ”, là thủ pháp của từng nhà thơ. Điều lưu tâm, nhà thơ - người sáng tạo ngôn ngữ có thể tìm ra những chữ mới, nghĩa mới, mà trong bối cảnh nào đó, cảm xúc nào đó “Những mẫu tự thường nhật không thể đạt tới”. Chính hiện thực cuộc sống làm nảy sinh những mẫu tự mới, người nghệ sĩ nhặt lên, lựa chọn đưa vào tác phẩm chứ không dễ gì vắt óc nghĩ ra. Ngay các dấu thanh trong tiếng Việt, về mặt ký hiệu, có thể đang tạm thời ổn định. Nhưng đối với âm nhạc không thể bó hẹp sáu dấu thanh quen thuộc của tiếng Việt. Âm nhạc mở rộng biên độ âm thanh rất nhiều. Thơ có làm được như vậy không? Trong bài thơ viết tặng thầy Cao Xuân Hạo, Nguyễn Hữu Hồng Minh phát biểu ý tưởng:
Ta cái mỏ neo thời gian ném vào lòng biển
Trơ khẳng, trụi trần, vô vị - Ta là từ
Mang chứa những con sóng loạn
Tìm mãi những bãi bờ cảm giác vô tận vô biên

Và nhà thơ nhanh chóng nhận thấy :
Ngày tháng mài vẹt ta như một từ bị mài mòn
vì sử dụng quá nhiều,
đến lúc vuột mất chỗ đứng
trong cộng đồng Ngôn ngữ

Em tìm thấy ta như một nghĩa đã chết - Một từ loại
(Những từ lang thang)

Nhờ vốn mẫu tự sáng tạo này, người đọc có thể mở rộng trường liên tưởng nghệ thuật ra nhiều hướng khác nhau vươn tới những địa hạt mới, chống lại sự mòn nhàm của thơ.
Dĩ nhiên Nguyễn Hữu Hồng Minh không nhằm đưa ra quan niệm “từ" để chỉ nói về từ. Từ là cái vỏ âm thanh tạo nên phức điệu của thơ.

2. “Chất trụ” chứa đựng sự hoà hợp của các phức điệu sáng tạo. Các kiến giải lý luận nêu ra có chủ định, có mục đích cụ thể, tạm gọi là “phức điệu mở”.
Không phải vô tình mà Nguyễn Hữu Hồng Minh đặt tên cho từng bài thơ của mình: Vũ trụ bao la, thơ một dòng, Số phận đơn, Một dòng năm chấm, Dự cảm cây liễu, Lát cắt, Cái chết nguyên giá, Nhiệt hứng, Hai đoản ca bọt... Tên Bài, tự thân nó đã ẩn chứa, đôi khi là cái chìa khoá để mở bài thơ.

Phức điệu mơ bộc lộ trong tư duy thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh đa chiều. Câu thơ có lúc là câu văn xuôi, mang yếu tố chính luận đến cô đặc. Thí dụ: Tạo nên một chủ đề tự phản đề / Phá đổ mọi trường phái để cuối cùng tôi dựng lên một trường phái (Tôi viết những dòng cuối cùng, trên những trang vô cùng) - Gãy đổ cứ nối đuôi di chuyển biện chứng / Vô nghĩa phía bên này, ảo vọng phía bên kia (Về gãy đổ) - Một thời đại đôi khi chỉ đọng lại gương mặt mình trong một câu thơ (Tiếng nói bội trương) - Những thân thể kỳ dị bứt khỏi chiến tranh / Thời gian bứt sợi tóc / Bằng cử chỉ cánh tay bứt khỏi thân thê (Giác quan ánh chớp).

Phức điệu sáng tạo ấy mở ra giọng điệu mới và lạ trong thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh.

Ở tập thơ đầu tay “Giọng nói mơ hồ”, Nguyễn Hữu Hồng Minh đã hướng cảm xúc về phía tư duy triết luận ;
Giữa chúng ta là những tiếng nói
trong khoảng cách
Đã có những khoảng cách
trong tiếng nói
của chúng ta
Giữa chúng ta không nghệ thuật
Không đồng hiện
không cấu trúc
không khúc xạ
(Giữa chúng ta)

Thể nghiệm này của Nguyễn Hữu Hồng Minh và lớp nhà thơ trẻ cùng thời đã đặt lên bàn cân sáng tạo những trọng lực mới, buộc người đọc hướng về phía họ. Từ đây nảy sinh nhiều ý kiến nhận định, đánh giá khác nhau. Tôi cho đó là cái được của Nguyễn Hữu Hồng Minh và các nhà thơ như: Văn Cầm Hải, Vi Thuỳ Linh, Ly Hoàng Ly, Phan Huyền Thư...

Đa chiều trong phức điệu sáng tạo của thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh còn ở hướng khác - yếu tố trữ tình nhân thế. Chẳng hạn: Trong suốt như mắt em nhìn tôi / Bí mật ngàn lời, mênh mông trùng khơi / Tóc em rũ xuống một đám cháy lớn / Trong suốt như câu thơ, khó nhọc tìm trở lại (Gương mặt ẩn chìm). Hoặc là: Trong bão táp tháng Mười, tôi lắng nghe dự cảm của cây liễu / Bầu trời là vòm cung, thân cây là mũi cung / Sự hoang bạo của gió làm những mũi tên run lên / Như chuẩn bị bắn vào nỗi khát vọng chưa rõ mặt. (Dự cảm cây liễu)

Yếu tố trữ tình trong bài thơ không nhằm tả, mà để ngẫm. Cây họ liễu này không như thứ liễu rũ bên hồ, đây là loại liễu hình tháp bút hệt mũi tên. Tôi cứ nghĩ tới từng số phận con người - như thân phận cây liễu trong cuộc thể với bao nhiêu lao nhọc, khốc liệt nhưng giàu ước mơ cao cả. Dễ tìm thấy phức điệu trữ tình ở những bài thơ khác: Kịch tính, Vô hình, Cúi xuống, hỡi em!, Cỏ hiện thực và lãng mạn, Niệm khúc Lorca... Đặc biệt bài “Những người đi lễ sáng" xúc cảm dồn nén đến đỉnh điểm, sức khái quát rộng. Cuộc thế - Con người - Tín ngưỡng như một bức tranh bí ẩn. Trong bức tranh ấy thấm đẫm niềm đau và nỗi khát khao vô tận của con người:
Họ đã bước trong niềm tin sợ hãi
Thở niềm vui bằng một chiếc lưỡi buồn
Họ chổng chân lên trời mà cắm đầu xuống đất
Trong cái nhìn tăm tối của con dơi

3. Một phức điệu sáng tạo khác trong “Chất trụ”, tạm gọi
"phức điệu kín”.
Cuộc sống đầy ám tượng, bên cái hợp lý có cái phi lý, bên cái mực thước còn cái chênh vênh, bên chỉnh chu có phóng túng, tất cả thúc đẩy nhà thơ tìm lối thoát kín đáo, có phần dị biệt. Những bài thơ biểu hiện “phức điệu kín” dễ dàng chia độc giả làm hai phía: đồng tình và phản ứng. Người phản ứng có thể gọi thứ thơ này là loại thơ tắc tị, dẫn người đọc đến ngõ cụt, hoặc thơ nhục cảm, bô lô ba la... Người đồng tình họ coi đây là loại thơ ẩn ý, thơ hàm chứa. Thiết nghĩ, riêng vấn đề này nếu được bàn thấu đáo ở một cuộc hội thảo trao đổi khác sẽ rất hữu ích. Loạt bài thơ kiểu như: Ngọn giáo bí nhiệm, Những cái chuông cổ, Chữ vần âm cát, Treo dọc... thuộc dạng trên.
“Ăn hải cảng” là một trong những bài thơ dạng “
phức điệu kín":
Tôi đã ăn một Hải cảng
trong vòng ba tiếng đồng hồ
Hải cảng đó 20 năm xa, bỗng quay về
Không nghĩ mình có thể ăn nhiều thế!
Ăn những âm thanh nhỏ xíu như tiếng gió
Tiếng những con hà biển hát trên rêu và trên sóng
Đến con hải âu quen 20 năm
bay không mỏi trong ký ức
Cánh chim hay cánh thời gian?
Những chấm phá đời tôi cao vời

Ngay mấy chữ "tôi đã ăn một hải cảng” mới nghe đã thấy khó chịu, rờn rợn. Rờn rợn khi ta cố hiểu nghĩa thường dùng của động từ “ăn”. Và, như vậy quả khó chấp nhận khi đọc tới: Ăn hai trái vú em săn chắc thõng vào mặt như hai quả chuông... Thơ cũng như các loại hình nghệ thuật khác cần được hiểu và cảm qua nhiều tầng. Nếu coi “ăn” là nhận vào, là sự thấm đẫm tận trái tim khối óc con người, thì câu thơ trên thật da diết, là nỗi lòng của người đi xa sau hai mươi năm trở về, sẵn sàng nhận vào mình tất cả: một ngọn gió, một con hà, chiếc mỏ neo, nón áo, cả người thuỷ du quay về sau hai mươi năm "
đang bay lên những linh hồn bánh lái...”.

Và, khi đồng tình, tức là chúng ta chấp nhận sự bung mở của thơ, chấp nhận lối thoát ra, trào ra của bài thơ, phô bày bút lực của cái tôi ngoài chủ định.

“Chất trụ”, một thế giới riêng của thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Không còn là giọng nói mơ hô, anh đã tìm thấy địa hạt mới để khai khẩn, gieo vãi, tiếp cận tư tưởng lý luận của thơ hiện đại. Thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh như một thỏi vật chất góc cạnh. Ở phía này, góc này ta sẽ thấy nó không giống ở phía khác góc khác. Phức điệu sáng tạo đa chiều, dẫn đến đa nghĩa. Đấy là chỗ đáng được trân trọng và khách quan khi đánh giá một tác phẩm nghệ thuật.   
 

         Đồng Hới, ngày 5 tháng 11 năm 2002
                              H.V.T
(168/02-03)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • PHẠM PHÚ PHONG

    Trước khi đưa in, tôi có được đọc bản thảo tiểu thuyết Phía ấy là chân trời (1), và trong bài viết Đóng góp của văn xuôi Tô Nhuận Vỹ (tạp chí Văn Học số 2.1988) tôi có nói khá kỹ về tiểu thuyết nầy - coi đây là một thành công mới, một bước tiến trên chặng đường sáng tác của nhà văn, cần được khẳng định.

  • NGUYỄN THỊ NGỌC ÁNH

    Đọc truyện ngắn Hồng Nhu, tôi có cảm tưởng như mình đang lạc vào trong một thế giới huyền thoại, thế giới của những lễ hội, phong tục, tập quán xưa huyền bí mà có thật của người dân đầm phá Tam Giang.

  • Bằng sự tinh tế và thâm trầm của người từng trải, Nguyễn Đình Tú đưa tới góc nhìn đa dạng về người trẻ trong tập truyện ngắn "Thế gian màu gì".

  • Qua đi, với những hoa tàn tạ
    Hoa trong hồn ta, ai hái được bao giờ
                                         Victor Hugo*

  • Nhà báo Phan Quang nghiên cứu, phân tích truyện dân gian để mang tới bức tranh văn hóa xứ Trung Đông trong cuốn "Nghìn lẻ một đêm và văn minh A Rập".

  • Những độc giả từng yêu thích Nắng và hoa, Thấy Phật, Khi tựa gối khi cúi đầu, Chuyện trò... - những tập sách đã có một góc riêng sang trọng trên kệ sách tản văn Việt bởi góc nhìn uyên thâm, giọng văn ảo diệu của GS Cao Huy Thuần - nay vừa có thêm một tặng phẩm mới: Sợi tơ nhện.

  • Y PHƯƠNG

    Trong một lần đoàn nhà văn Việt Nam đi thực tế sáng tác ở Bình Liêu, Móng Cái (Quảng Ninh), tôi nghe mấy nữ nhà văn lao xao hỏi tiến sĩ - nhà văn Lê Thị Bích Hồng: “Đêm qua em viết à?” Bích Hồng ngạc nhiên: “Không đâu. Hôm qua đi đường mệt, em ngủ sớm đấy chứ”.

  • HOÀNG THỤY ANH

    Mùa hè treo rũ
    Trong cái hộp hai mươi mét vuông
    Ngổn ngang màu
    Ký tự chen chúc như bầy ngỗng mùa đông
    Ngày lên dây hết cỡ
                                Chật
    Dâng đầy lên ngực
    Chuông nhà thờ chặt khúc thời gian

     

  • NGUYỄN TRỌNG TẠO

    Lâu nay, đọc thơ của trẻ em, tôi thường có cảm giác, hình như các em làm thơ dưới ngọn roi giáo huấn mà người lớn thường giơ lên đe nẹt trẻ con. Cho nên khi cầm trong tay tập thơ Cái chuông vú của bé Hoàng Dạ Thi “làm” từ 3 đến 5 tuổi, tôi không khỏi ngạc nhiên.

  • NGHIÊM LƯƠNG THÀNH

    Đọc xong Những đứa con rải rác trên đường, cuốn tiểu thuyết mới của nhà văn Hồ Anh Thái (Nxb. Trẻ 2014), thoạt đầu tôi có cảm giác trống vắng.

  • NGUYỄN ĐỨC TÙNG

    Anh Cao Việt Dũng hỏi: anh có biết Lưu Quang Vũ không? Anh nghĩ gì về thơ Lưu Quang Vũ?

  • CHÂU THU HÀ

    Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng văn hóa của dân tộc Việt Nam. Tinh hoa và cốt cách của Người là nguồn cảm hứng vô tận cho văn nghệ sĩ, nhà báo.

  • DÃ LAN - NGUYỄN ĐỨC DỤ

    Cách đây mấy năm, Nhà xuất bản Khoa học xã hội Hà Nội có cho phát hành cuốn TỪ ĐIỂN VĂN HỌC (1983 - 1984). Sách gồm hai tập: tập I và tập II đầy cả ngàn trang, với sự cộng tác của nhiều tác giả.

  • MAI VĂN HOAN

    "Dư âm của biển" - theo tôi là cách gọi hợp nhất cho tập thơ mới này của Hải Bằng. Đặt "Trăng đợi trước thềm" chắc tác giả gửi gắm một điều gì đó mà tôi chưa hiểu được. Song với tôi "Trăng đợi trước thềm" có vẻ mơ mộng quá, tên gọi ấy chưa thể hiện được giai điệu cuộc đời của thơ anh.

  • PHẠM PHÚ PHONG

    Nguyễn Hiến Lê (1912 - 1984), hiệu là Lộc Đình, người làng Phương Khê, phủ Quảng Oai, thị xã Sơn Tây, tỉnh Sơn Tây, nay thuộc thủ đô Hà Nội, là nhà văn, nhà nghiên cứu, biên soạn, khảo cứu, về nhiều lĩnh vực như văn học, triết học, sử học, ngôn ngữ học, đạo đức học, chính trị học, kinh tế học, giáo dục học, gương danh nhân…

  • Chuyện gì xảy ra trong ngày 30/4/1975 tại Sài Gòn? Nhiều người đã viết về sự kiện này. Một lần nữa, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái - nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn đã lên tiếng, cùng với sự trợ giúp của vợ và hai con - Nguyễn Hữu Thiên Nga và Nguyễn Hữu Thái Hòa.

  • Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự thật cho ra mắt bạn đọc một số đầu sách về sự kiện lịch sử này, về lịch sử kháng chiến Nam Bộ và về cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của toàn dân Việt Nam.

  • LÊ HUỲNH LÂM

    Không khỏi bất ngờ khi cầm trên tay tập “Hôm qua hôm nay & hôm sau” của Vũ Trọng Quang do Nxb Đà Nẵng ấn hành vào tháng 1 năm 2006. Vậy là đã 9 năm.

  • PHẠM XUÂN DŨNG

    Tôi và nhiều bạn bè sinh viên còn nhớ nguyên vẹn cảm giác lần đầu nghe bài thơ “Đêm qua” của nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường trong đêm cư xá Huế lạnh và buồn đến nao lòng tê tái.