Phức điệu kép trong thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh

15:11 12/03/2009
HOÀNG VŨ THUẬT         (Thơ Chất trụ của Nguyễn Hữu Hồng Minh- Nxb Thuận Hoá 2002)Nguyễn Hữu Hồng Minh không làm cái phép phù thuỷ đưa độc giả tới một không gian rắc rối. Quan niệm về thơ của anh được trình bày rất nghiêm túc qua bài “Chất trụ”, lấy tên cho tập thơ. Tôi rất đồng tình quan niệm này, không mới, nhưng không dễ làm người ta chấp nhận.

Sau “Giọng nói mơ hồ”,Chất trụ” bước phát triển tiếp nối của thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh cao hơn, giàu phát hiện, tìm tòi. Thơ nặng về trí tuệ, triết lý. Đọc   Nguyễn Hữu Hồng Minh không bằng tiếng, mà đọc bằng nghĩa, phải nghĩ ngợi, suy ngẫm. Trong thị trường thơ ca đang bung ra, “Chất trụ” được neo lại với những ai tâm huyết với thơ, đang theo dõi tiến trình thơ hiện nay. Người hài lòng và người chưa hài lòng vẫn có thể tìm đọc để hiểu, ghi nhận đối chiếu về sự khác biệt, có khi đối trọng cả những điều được thừa nhận hoặc đang tranh cãi. Như vậy, tập thơ có chỗ đứng, còn chỗ để nói, chứ không phải cầm lên xem bìa, lướt đôi dòng rồi bỏ quên.

Chỗ đứng của thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh ở đâu? Cái gì làm nên thơ anh?

Bấy lâu nay người đọc và người phê bình đã có quá nhiều định nghĩa về thơ. Cho dù mọi định nghĩa vẫn là tương đối. Thơ có trước định nghĩa. Thơ thay đổi chẳng lẽ định nghĩa đứng yên? Nguyễn Hữu Hồng Minh không làm cái phép phù thuỷ đưa độc giả tới một không gian rắc rối. Quan niệm về thơ của anh được trình bày rất nghiêm túc qua bài “Chất trụ”, lấy tên cho tập thơ. Tôi rất đồng tình quan niệm này, không mới, nhưng không dễ làm người ta chấp nhận. Thơ, theo Nguyễn Hữu Hồng Minh: Bóng tối chưa hẳn bóng tối, ánh sáng chưa hẳn ánh sáng / Những bí mật quyện nhau, những thông điệp luân chuyển.

Thơ không là sản phẩm trực giác, một phiên bản hiện thực, không phải lúc nào cũng cắt nghĩa cụ thể. Thơ lặn vào trong người đọc, để rồi bất ngờ nhô lên ở bến bờ tư tưởng khác, như anh đúc kết “Cái chết tới ngưỡng nó hé lộ ánh sáng" (Về thơ). Vì thế, để bố cục cho tập thơ, tác giả chia làm ba phần: Bùng nổ ghi chú, Giác quan ánh chớp, Nhân chứng tồn tại. Cả ba phần theo một lôgíc chủ định của cảm thức.

1. “Chất trụ” và nhà thơ lang thang nơi địa hạt mới.
Nguyễn Hữu Hồng Minh luôn ý thức khám phá, có phần táo bạo trong việc tìm kiếm địa hạt mới của thơ, một ý thức tự nguyện và thường trực. Nguyễn Hữu Hồng Minh định nghĩa: Cái tôi có là cái tôi là...Cái tôi la” là cái gì? Là cái sau cái tôi đã có. Đấy là địa hạt mới luân chuyển thường xuyên, không chịu đứng yên:
Kẻ khát khao những địa hạt
mà những mẫu tự thường nhật
không thể đạt tới
(Khoảng 3 giờ sáng, ngày 23 tháng 10)

Cuộc tìm kiếm này, từ lâu, đã là sự dấn thân của nhiều thế hệ nhà thơ. Nếu ai đó cho rằng họ đã liều lĩnh thách thức, hoặc chưa phải đến lúc, nhận xét ấy quả là vội vàng. Thử lùi lại 70 năm về trước, nếu các nhà Thơ Mới không dấn thân, không chịu sự báng bổ của dư luận, thì nền thơ Việt hôm nay sẽ ra sao?
Vận động tìm giá trị mới - Những giá trị trong suốt
Như sự hiểm nguy dưới đáy mắt em

Rõ ràng đây là cuộc tìm kiếm gian truân. Nhà thơ lý giải nó bằng sự đảm bảo chân thật, đam mê tự đáy lòng:
Sự trong suốt của anh, tôi và tất cả chúng ta
Như tiếng lá thầm thào với rễ cây
Có liên hệ bí mật nào giữa ngôi sao và bầu trời
Những ý nghĩ, ngón tay
Sự toả hơi lâng lâng
của những điều đang khám phá?
(Gương mặt ẩn chìm)

Bàn về “từ” trong thơ, nhiều người nói rồi. Quan niệm “Chữ bầu lên nghĩa, chữ bầu lên thơ”, là thủ pháp của từng nhà thơ. Điều lưu tâm, nhà thơ - người sáng tạo ngôn ngữ có thể tìm ra những chữ mới, nghĩa mới, mà trong bối cảnh nào đó, cảm xúc nào đó “Những mẫu tự thường nhật không thể đạt tới”. Chính hiện thực cuộc sống làm nảy sinh những mẫu tự mới, người nghệ sĩ nhặt lên, lựa chọn đưa vào tác phẩm chứ không dễ gì vắt óc nghĩ ra. Ngay các dấu thanh trong tiếng Việt, về mặt ký hiệu, có thể đang tạm thời ổn định. Nhưng đối với âm nhạc không thể bó hẹp sáu dấu thanh quen thuộc của tiếng Việt. Âm nhạc mở rộng biên độ âm thanh rất nhiều. Thơ có làm được như vậy không? Trong bài thơ viết tặng thầy Cao Xuân Hạo, Nguyễn Hữu Hồng Minh phát biểu ý tưởng:
Ta cái mỏ neo thời gian ném vào lòng biển
Trơ khẳng, trụi trần, vô vị - Ta là từ
Mang chứa những con sóng loạn
Tìm mãi những bãi bờ cảm giác vô tận vô biên

Và nhà thơ nhanh chóng nhận thấy :
Ngày tháng mài vẹt ta như một từ bị mài mòn
vì sử dụng quá nhiều,
đến lúc vuột mất chỗ đứng
trong cộng đồng Ngôn ngữ

Em tìm thấy ta như một nghĩa đã chết - Một từ loại
(Những từ lang thang)

Nhờ vốn mẫu tự sáng tạo này, người đọc có thể mở rộng trường liên tưởng nghệ thuật ra nhiều hướng khác nhau vươn tới những địa hạt mới, chống lại sự mòn nhàm của thơ.
Dĩ nhiên Nguyễn Hữu Hồng Minh không nhằm đưa ra quan niệm “từ" để chỉ nói về từ. Từ là cái vỏ âm thanh tạo nên phức điệu của thơ.

2. “Chất trụ” chứa đựng sự hoà hợp của các phức điệu sáng tạo. Các kiến giải lý luận nêu ra có chủ định, có mục đích cụ thể, tạm gọi là “phức điệu mở”.
Không phải vô tình mà Nguyễn Hữu Hồng Minh đặt tên cho từng bài thơ của mình: Vũ trụ bao la, thơ một dòng, Số phận đơn, Một dòng năm chấm, Dự cảm cây liễu, Lát cắt, Cái chết nguyên giá, Nhiệt hứng, Hai đoản ca bọt... Tên Bài, tự thân nó đã ẩn chứa, đôi khi là cái chìa khoá để mở bài thơ.

Phức điệu mơ bộc lộ trong tư duy thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh đa chiều. Câu thơ có lúc là câu văn xuôi, mang yếu tố chính luận đến cô đặc. Thí dụ: Tạo nên một chủ đề tự phản đề / Phá đổ mọi trường phái để cuối cùng tôi dựng lên một trường phái (Tôi viết những dòng cuối cùng, trên những trang vô cùng) - Gãy đổ cứ nối đuôi di chuyển biện chứng / Vô nghĩa phía bên này, ảo vọng phía bên kia (Về gãy đổ) - Một thời đại đôi khi chỉ đọng lại gương mặt mình trong một câu thơ (Tiếng nói bội trương) - Những thân thể kỳ dị bứt khỏi chiến tranh / Thời gian bứt sợi tóc / Bằng cử chỉ cánh tay bứt khỏi thân thê (Giác quan ánh chớp).

Phức điệu sáng tạo ấy mở ra giọng điệu mới và lạ trong thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh.

Ở tập thơ đầu tay “Giọng nói mơ hồ”, Nguyễn Hữu Hồng Minh đã hướng cảm xúc về phía tư duy triết luận ;
Giữa chúng ta là những tiếng nói
trong khoảng cách
Đã có những khoảng cách
trong tiếng nói
của chúng ta
Giữa chúng ta không nghệ thuật
Không đồng hiện
không cấu trúc
không khúc xạ
(Giữa chúng ta)

Thể nghiệm này của Nguyễn Hữu Hồng Minh và lớp nhà thơ trẻ cùng thời đã đặt lên bàn cân sáng tạo những trọng lực mới, buộc người đọc hướng về phía họ. Từ đây nảy sinh nhiều ý kiến nhận định, đánh giá khác nhau. Tôi cho đó là cái được của Nguyễn Hữu Hồng Minh và các nhà thơ như: Văn Cầm Hải, Vi Thuỳ Linh, Ly Hoàng Ly, Phan Huyền Thư...

Đa chiều trong phức điệu sáng tạo của thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh còn ở hướng khác - yếu tố trữ tình nhân thế. Chẳng hạn: Trong suốt như mắt em nhìn tôi / Bí mật ngàn lời, mênh mông trùng khơi / Tóc em rũ xuống một đám cháy lớn / Trong suốt như câu thơ, khó nhọc tìm trở lại (Gương mặt ẩn chìm). Hoặc là: Trong bão táp tháng Mười, tôi lắng nghe dự cảm của cây liễu / Bầu trời là vòm cung, thân cây là mũi cung / Sự hoang bạo của gió làm những mũi tên run lên / Như chuẩn bị bắn vào nỗi khát vọng chưa rõ mặt. (Dự cảm cây liễu)

Yếu tố trữ tình trong bài thơ không nhằm tả, mà để ngẫm. Cây họ liễu này không như thứ liễu rũ bên hồ, đây là loại liễu hình tháp bút hệt mũi tên. Tôi cứ nghĩ tới từng số phận con người - như thân phận cây liễu trong cuộc thể với bao nhiêu lao nhọc, khốc liệt nhưng giàu ước mơ cao cả. Dễ tìm thấy phức điệu trữ tình ở những bài thơ khác: Kịch tính, Vô hình, Cúi xuống, hỡi em!, Cỏ hiện thực và lãng mạn, Niệm khúc Lorca... Đặc biệt bài “Những người đi lễ sáng" xúc cảm dồn nén đến đỉnh điểm, sức khái quát rộng. Cuộc thế - Con người - Tín ngưỡng như một bức tranh bí ẩn. Trong bức tranh ấy thấm đẫm niềm đau và nỗi khát khao vô tận của con người:
Họ đã bước trong niềm tin sợ hãi
Thở niềm vui bằng một chiếc lưỡi buồn
Họ chổng chân lên trời mà cắm đầu xuống đất
Trong cái nhìn tăm tối của con dơi

3. Một phức điệu sáng tạo khác trong “Chất trụ”, tạm gọi
"phức điệu kín”.
Cuộc sống đầy ám tượng, bên cái hợp lý có cái phi lý, bên cái mực thước còn cái chênh vênh, bên chỉnh chu có phóng túng, tất cả thúc đẩy nhà thơ tìm lối thoát kín đáo, có phần dị biệt. Những bài thơ biểu hiện “phức điệu kín” dễ dàng chia độc giả làm hai phía: đồng tình và phản ứng. Người phản ứng có thể gọi thứ thơ này là loại thơ tắc tị, dẫn người đọc đến ngõ cụt, hoặc thơ nhục cảm, bô lô ba la... Người đồng tình họ coi đây là loại thơ ẩn ý, thơ hàm chứa. Thiết nghĩ, riêng vấn đề này nếu được bàn thấu đáo ở một cuộc hội thảo trao đổi khác sẽ rất hữu ích. Loạt bài thơ kiểu như: Ngọn giáo bí nhiệm, Những cái chuông cổ, Chữ vần âm cát, Treo dọc... thuộc dạng trên.
“Ăn hải cảng” là một trong những bài thơ dạng “
phức điệu kín":
Tôi đã ăn một Hải cảng
trong vòng ba tiếng đồng hồ
Hải cảng đó 20 năm xa, bỗng quay về
Không nghĩ mình có thể ăn nhiều thế!
Ăn những âm thanh nhỏ xíu như tiếng gió
Tiếng những con hà biển hát trên rêu và trên sóng
Đến con hải âu quen 20 năm
bay không mỏi trong ký ức
Cánh chim hay cánh thời gian?
Những chấm phá đời tôi cao vời

Ngay mấy chữ "tôi đã ăn một hải cảng” mới nghe đã thấy khó chịu, rờn rợn. Rờn rợn khi ta cố hiểu nghĩa thường dùng của động từ “ăn”. Và, như vậy quả khó chấp nhận khi đọc tới: Ăn hai trái vú em săn chắc thõng vào mặt như hai quả chuông... Thơ cũng như các loại hình nghệ thuật khác cần được hiểu và cảm qua nhiều tầng. Nếu coi “ăn” là nhận vào, là sự thấm đẫm tận trái tim khối óc con người, thì câu thơ trên thật da diết, là nỗi lòng của người đi xa sau hai mươi năm trở về, sẵn sàng nhận vào mình tất cả: một ngọn gió, một con hà, chiếc mỏ neo, nón áo, cả người thuỷ du quay về sau hai mươi năm "
đang bay lên những linh hồn bánh lái...”.

Và, khi đồng tình, tức là chúng ta chấp nhận sự bung mở của thơ, chấp nhận lối thoát ra, trào ra của bài thơ, phô bày bút lực của cái tôi ngoài chủ định.

“Chất trụ”, một thế giới riêng của thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Không còn là giọng nói mơ hô, anh đã tìm thấy địa hạt mới để khai khẩn, gieo vãi, tiếp cận tư tưởng lý luận của thơ hiện đại. Thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh như một thỏi vật chất góc cạnh. Ở phía này, góc này ta sẽ thấy nó không giống ở phía khác góc khác. Phức điệu sáng tạo đa chiều, dẫn đến đa nghĩa. Đấy là chỗ đáng được trân trọng và khách quan khi đánh giá một tác phẩm nghệ thuật.   
 

         Đồng Hới, ngày 5 tháng 11 năm 2002
                              H.V.T
(168/02-03)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN THỊ THANH LƯU

    Đã từ rất lâu rồi, tôi hài lòng với việc đọc thơ trong màu xám của một nỗi tuyệt vọng - nỗi tuyệt vọng không bao giờ phân tách nổi trắng đen giữa đám sương mù xám đặc dường như chỉ có dấu hiệu đậm dần lên trong những lớp lang chữ nghĩa, trong cách ngắt nhịp, buông vần.

  • MAI VĂN HOAN

    Lẽ ra tôi không viết bài này. Thiết nghĩ văn chương thiên biến, vạn hóa, mỗi người hiểu một cách là chuyện bình thường. Tốt nhất là nên tôn trọng cách nghĩ, cách cảm thụ của người khác.

  • TRIỀU NGUYÊN

    1. Đặt vấn đề
    Nói lái được sử dụng rộng rãi trong giao tiếp thông thường, và trong văn chương (một lối giao tiếp đặc biệt). Để tiện nắm bắt vấn đề, cũng cần trình bày ở đây hai nội dung, là các hình thức nói lái ở tiếng Việt, và việc sử dụng chúng trong văn chương.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ  

    (Đọc tiểu thuyết “Huế ngày ấy” của Lê Khánh Căn, Nxb. Quân đội nhân dân, 2006).

  • HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

    (Đọc “Song Tử” của Như Quỳnh de Prelle)

  • VŨ TRỌNG QUANG

    Trần Thiên Thị viết tắt TTT hay đọc là 3 Tê, tôi liên tưởng đến những T thơ ca:

  • GIÁNG VÂN

    Tôi gọi chị là “ Người truyền lửa”.

  • LGT: Trong khi giở lại tài liệu cũ, tình cờ chuỗi thơ xuân năm Ất Dậu 2005 của Thầy Trần Văn Khê xướng họa với chị Tôn Nữ Hỷ Khương và anh Đỗ Hồng Ngọc rơi vào mắt.

  • Là một nhà văn có sự nghiệp cầm bút truân chuyên và rực rỡ, sau cuốn tiểu thuyết “Chuyện ngõ nghèo”, có thể coi như cuốn tự truyện của nhà văn, Nguyễn Xuân Khánh chủ trương gác bút. Bởi ông biết mỗi người đều có giới hạn của mình, đến lúc thấy “mòn”, thấy “cùn” thì cũng là lúc nên nghỉ ngơi.

  • Nhà văn Ngô Minh nhớ ông và bạn văn cứ gặp nhau là đọc thơ và nói chuyện đói khổ, còn nhà thơ Anh Ngọc kể việc bị bao cấp về tư tưởng khiến nhiều người khát khao bày tỏ nỗi lòng riêng.

  • Tháng 4.1938, Toàn quyền Đông Dương đã “đặt hàng” học giả Nguyễn Văn Huyên thực hiện công trình Văn minh Việt Nam để dùng làm sách giáo khoa cho bộ môn văn hóa VN trong các trường trung học. Một năm sau, công trình hoàn thành nhưng lại không được người Pháp cho phép xuất bản.

  • NGUYỄN VĂN MẠNH
     
    Kỷ niệm 140 năm ngày sinh Cụ Huỳnh Thúc Kháng

  • MAI VĂN HOAN

    Vào một ngày cuối tháng 5/2016 nhà thơ Vĩnh Nguyên mang tặng tôi tác phẩm Truyện kể của người đánh cắp tượng Phật Thích Ca Mâu Ni vừa mới “xuất xưởng”.

  • Trong đời sống học thuật, nhất là khoa học xã hội, có rất nhiều thân danh dành cho số đông, công chúng (quen xem tivi, nghe đài đọc báo) nhưng cũng có những tiếng nói chỉ được biết đến ở phạm vi rất hẹp, thường là của giới chuyên môn sâu. Học giả Đoàn Văn Chúc là một trường hợp như vậy.

  • Dồn dập trong ba tháng Tám, Chín, Mười vừa qua, tám trong loạt mười cuốn sách của nhà nghiên cứu về Lịch sử Việt Nam thời Tây Sơn Nguyễn Duy Chính liên tiếp ra đời (hai cuốn kia đã ra không lâu trước đó). Cuộc ra sách ồ ạt này cộng thêm việc tác giả về thăm quê hương đã thu hút sự chú ý của bạn đọc và các nhà nghiên cứu ở Việt Nam.

  • NHƯ MÂY

    Chiều 14/8/2016 không gian thơ nhạc bỗng trải rộng vô cùng ở Huế. Hàng trăm độc giả mến mộ thơ Du Tử Lê và bạn bè văn nghệ sĩ từ các tỉnh Kiên Giang, Đắk Lắk, Quảng Nam, Quảng Trị, Đà Nẵng, Hà Nội đã về bên sông Hương cùng hội ngộ với nhà thơ Du Tử Lê.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ
          Trích Tự truyện “Số phận không định trước”

    Từ ngày “chuyển ngành” thành anh “cán bộ văn nghệ” (1974), một công việc tôi thường được tham gia là “đi thực tế”.

  • NGÔ MINH

    Nhà văn Nhất Lâm (tên thật là Đoàn Việt Lâm) hơn tôi một giáp sống, nhưng anh với tôi là hai người bạn vong niên tri kỷ.

  • NGUYÊN HƯƠNG

    Ở Huế, cho đến hôm nay, vẫn có thể tìm thấy những con người rất lạ. Cái lạ ở đây không phải là sự dị biệt, trái khoáy oái oăm mà là sự lạ về tư duy, tâm hồn, tư tưởng. Thiên nhiên và lịch sử đã vô cùng khoản đãi để Huế trở thành một vùng đất sản sinh ra nhiều cá nhân có tầm ảnh hưởng lan tỏa. Và trong số những tên tuổi của Huế ấy, không thể không nhắc đến cái tên Thái Kim Lan.