PHAN TRỌNG HOÀNG LINH
Bước chân vào con đường nghiên cứu văn học và hòa mình vào trào lưu lý thuyết đang trở nên thời thượng, chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism), nhưng Phan Tuấn Anh không biến nó thành cái “mác” để thời thượng hóa bản thân.
Trải qua những bước tiến bài bản, vững chãi từ lí thuyết, với tư duy hệ thống và khả năng áp dụng lí thuyết vào thực tiễn đời sống văn học đương đại vô cùng sôi động, anh đã chứng tỏ mình là nhà nghiên cứu hậu hiện đại nhiều triển vọng. Nghiên cứu văn học từ lí thuyết hậu hiện đại, hiển nhiên không phải là áp một bộ khung lí thuyết thô cứng, vô sinh vào các hiện tượng văn học phong phú, hữu sinh, để vô hình trung tái kiến tạo các đại tự sự. Với Phan Tuấn Anh, đó thực chất là sự thể nghiệm bản thân vào những làn sóng của một hệ hình văn hóa mới. Trong quá trình thể nghiệm ấy, anh chọn cho mình một người bạn đồng hành khổng lồ, đại văn hào Mĩ Latin G.G.Márquez, Nobel Văn chương 1982. Cuốn sách đầu tay vừa mới ra mắt, Gabriel García Márquez và nỗi cô đơn huyền thoại(*), không chỉ là kết tinh của một phương pháp lí thuyết (hậu hiện đại), mà còn là dấu ấn của một chặng đường đối thoại và diễn giải Márquez với hơn 20 tiểu luận chuyên sâu từng công bố, được giới chuyên môn đánh giá cao. Ở bài viết này, chúng tôi thử hệ thống hóa những góc độ diễn giải Márquez trong chuyên luận trên.
1. Từ đặc thù văn hóa
Theo Đỗ Lai Thúy, văn hóa là một thực thể có tính hệ thống, trong đó, văn học là yếu tố cấu thành. Do đó, dẫu văn học là yếu tố mạnh, có khả năng tác động, góp phần thay đổi hệ thống văn hóa, nhưng xét cho cùng, vì nằm trong hệ thống, văn học luôn chịu sự chi phối hoặc sự quy định của văn hóa. Để phê bình một hiện tượng văn học, cần xét xem hiện tượng ấy thuộc về hệ thống văn hóa nào. Như vậy, việc Phan Tuấn Anh dành nhiều công sức để làm rõ suối nguồn văn hóa Mĩ Latin thời hậu thực dân trong tiểu thuyết Márquez là thao tác hợp lí, đồng thời thỏa mãn mong muốn của chính Márquez, được dùng mô hình văn hóa thuộc về ông để thấu hiểu các sáng tác của ông. Chủ nghĩa hậu hiện đại là trào lưu văn hóa có tính nhân loại, nhưng trên những khu vực khác nhau, nó vẫn thể hiện những đường nét dị biệt, bản địa.
Theo lát cắt dọc, văn hóa Mĩ Latin là một nền văn hóa lai. Các thành phần của nó gồm người Indian bản xứ (da đỏ), người da trắng (chủ yếu là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha), người da đen (châu Phi), người da vàng (châu Á) và người lai. Sự đa dạng, phong phú đi đôi với sự phức tạp khi tình trạng phân biệt đẳng cấp chủng tộc thể hiện rất rõ qua đặc quyền của người da trắng trong tương quan với phần còn lại, rồi bản thân mỗi chủng tộc văn hóa cũng có những khối xung đột nội tại. Chưa kể những chấn thương tinh thần sâu sắc do người da trắng gây ra từ những ngày đầu. Trong suốt quá trình chinh phục, truy diệt và chia để trị Mĩ Latin, những kẻ thực dân đã không ngần ngại kết hợp đồng thời vũ lực (súng ống), tư tưởng (Kito giáo Tây Ban Nha là thiết chế nhà thờ khắc nghiệt và đẫm máu bậc nhất châu Âu lúc bấy giờ) và bệnh tật (vi trùng). Tất cả đã in hằn trong tiềm thức văn hóa Mĩ Latin và kéo dài tàn dư của nó đến tận thời hiện tại. Ở lát cắt ngang, hậu quả đương thời của lịch sử hình thành ấy là sự bất ổn thường nhật của tư tưởng hệ, chính trị, lãnh thổ, xã hội, tôn giáo…
Chỉ ra những đặc điểm trên, Phan Tuấn Anh hướng đến các vấn đề sau: Thứ nhất, cơ cấu chủng tộc văn hóa đa dạng là điều kiện ra đời của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mĩ Latin (mà các sáng tác của Márquez là bộ phận quan trọng), với “sự hòa quyện giữa tính khoa học duy lí của người phương Tây (đề cao hiện thực), với tính tâm linh của người da đen, tín ngưỡng đa thần, đam mê huyền thoại (đề cao huyền ảo) của người da đỏ”. Thứ hai, tiểu thuyết Márquez có sự phóng chiếu trạng thái giằng co, giữa khát khao vượt thoát khỏi sự chi phối của văn hóa “mẫu quốc” xưa với vị trí quan trọng không thể phủ nhận của nền văn hóa ấy trong đời sống Mĩ Latin đương đại. Trạng thái đó thể hiện rõ qua tính giễu nhại và nước đôi trong cảm quan về tôn giáo, qua cảm thức cô đơn ám ảnh từ hình tượng địa danh Macondo, qua bản chất thẩm mĩ của hình tượng căn bệnh thổ tả,… Theo chúng tôi, sự giằng co ấy là quy luật chung của các nền văn hóa (nhỏ) bị đồng hóa (trên các mức độ khác nhau) bởi các nền văn hóa thực dân, vừa đề kháng nhưng cũng vừa tiếp biến. Cốt yếu là Phan Tuấn Anh đã sử dụng chúng như những mã văn hóa để khai mở thành công nhiều biểu tượng đặc sắc của Márquez. Thứ ba, sự hỗn loạn của trật tự chính trị, xã hội và đặc biệt là sự mịt mù thông tin ở Mĩ Latin là môi trường tương thích của cảm quan đa trị thời hậu hiện đại. Đa trị về nhận thức và thông tin sẽ dẫn đến kết cấu mê lộ của truyện kể. Thứ tư, bước chân những đội quân xâm lược, bên cạnh văn hóa phương Tây chính thống, đã dẫn nguồn cả văn hóa trào tiếu dân gian vào châu Mĩ Latin, và chi phối đậm nét các sáng tác của (không chỉ) Márquez, tạo nên một thế giới phong phú của hệ thống hình tượng nghịch dị.
Đặc thù văn hóa Mĩ Latin hậu hiện đại chính là xuất phát điểm để Phan Tuấn Anh triển khai các góc độ diễn giải còn lại. Có thể, không phải tất cả các tiểu luận của cuốn sách đều thực sự tiếp cận Márquez từ góc độ văn hóa, nhưng trong những nghiên cứu còn lại, tác giả không nội quan thuần túy, mà thường nội - ngoại quan. Các vấn đề xem xét được đồng hành bằng phông văn hóa Mĩ Latin sâu rộng.
2. Từ bút pháp huyền ảo
Có thể thấy ảnh hưởng của Lê Huy Bắc tới quan niệm về cái huyền ảo (the magical) của Phan Tuấn Anh. Cái huyền ảo là một giai đoạn phát triển của kiểu sáng tác huyền ảo. Những thuật ngữ đồng cấp với nó là cái huyền thoại (the mythical) và cái kì ảo (the fantastic), để chỉ những giai đoạn khác nhau của kiểu sáng tác huyễn ảo. Giai đoạn đầu từ cổ đại đến trung cổ thuộc về cái huyền thoại, tương ứng với đặc tính thẩm mĩ: không sợ hãi. Giai đoạn hai từ cận đại đến hiện đại (khoảng từ thế kỉ XIV đến thế kỉ XIX) thuộc về cái kì ảo, đặc tính thẩm mĩ: sợ hãi. Giai đoạn ba từ hiện đại đến hậu hiện đại (khoảng từ thế kỉ XX đến nay) thuộc về cái huyền ảo, đặc tính thẩm mĩ: vừa sợ vừa không sợ, mang tính giễu nhại. G.G.Márquez - nhà văn hiện thực huyền ảo - là cách định danh quen thuộc. Nhưng trong dòng chảy của kiểu sáng tác huyền ảo ở giai đoạn huyền ảo, Márquez đã khẳng định chỗ đứng của mình như thế nào? Đó là vấn đề được Phan Tuấn Anh quan tâm.
Trước hết, đặc trưng huyền ảo Márquez là “thi tính” trong xây dựng hình tượng huyền ảo. Chất thơ trữ tình đậm nét hiện lên không chỉ ở những hình ảnh và hình tượng có tính lãng mạn, mà còn ở một phong cách trần thuật đậm chất thơ được tạo ra bởi “những câu dài, đa cấu trúc, sử dụng nhiều tính từ, tạo ra âm hưởng trùng điệp, tạo nhạc tính như tứ thơ văn xuôi”. Song, thủ pháp đắc lực nhất của Márquez là kéo dài đến mức quá khổ thời gian sự kiện, đặt nó vào trong không gian huyền thoại, khiến nó được huyền thoại hóa. Cái kì ảo được thi tính hóa, thiên về tính huyền thoại hóa khiến “con người không cảm giác có khoảng cách, cảm giác sợ hãi, tâm lí bị xâm phạm bạo tàn, bị đứt gãy hiện thực, mà cảm thấy sự gần gũi, thán phục trước những điều kì vĩ, mênh mông, diệu vợi”. Ngôi kể, do vậy, thường là ngôi thứ ba, chứ không phải ngôi thứ nhất như người kể về cái kì ảo.
Liên quan đến kĩ năng thuyết phục người đọc về sự hiện diện của cái kì ảo, Phan Tuấn Anh chỉ ra đặc trưng giọng điệu trần thuật của Márquez, một thứ giọng tự nhiên, trung tính trái ngược giọng lo lắng, bất an, hoảng hốt của các nhà văn kì ảo. Cái huyền ảo không gây sợ hãi, mà có khi còn chung sống hòa thuận với con người (như bóng ma trong Trăm năm cô đơn), nên sự khác biệt trên là tất yếu. Nhà nghiên cứu đã gọi đặc tính của giọng điệu trần thuật trong tiểu thuyết Márquez là “độ không của trần thuật về cái huyền ảo”. Và chính đặc tính này đã tạo nên thành công đặc biệt của nhà văn.
Một thủ pháp thường được Márquez vận dụng, gây ấn tượng với người đọc về cái huyền ảo là định chỉ cái kì ảo bằng những con số chi tiết. Để người đối diện tin (dù là trong khoảnh khắc) có một đàn voi đang bay trên trời thì hãy cụ thể hóa đàn voi bằng số lượng 425 con. Thực ra, kiểu phóng đại về số lượng như vậy không phải đến Márquez mới có, mà đã xuất hiện từ Rabelais cùng chủ nghĩa hiện thực nghịch dị. Khác biệt ở chỗ, bút pháp phóng đại của Rabelais gắn với cảm hứng sinh sôi, thừa mứa của các yếu tố vật chất - thân xác. Còn trường hợp đàn voi của Márquez thì gây ấn tượng về cái huyền ảo. Tuy vậy, không ít trường hợp khác trong tiểu thuyết Márquez, với tư cách là hình tượng nghịch dị (do nền tảng văn hóa trào tiếu dân gian nhập cư như đã đề cập), các con số phóng đại cụ thể cũng thuộc về cảm hứng vật chất - thân xác. Chẳng hạn, con số 514 cô gái điếm trong Hồi kí về những cô gái điếm buồn của tôi. Hơn ai hết, Phan Tuấn Anh ý thức sâu sắc điều đó. Vậy thì ở những trường hợp này, thủ pháp miêu tả chi tiết bằng con số cụ thể (có thể đạt đến mức phóng đại) thuộc về mục đích thuyết phục cho cái huyền ảo hay thuộc về cảm hứng ngợi ca đời sống vật chất - thân xác dân gian?
Chúng tôi nghĩ rằng, thủ pháp trên thỏa mãn cả hai. Từ sự phóng đại nghịch dị của Rabelais đến sự phóng đại (có khi) nghịch dị của Márquez là hai giai đoạn phát triển không liền kề nhau của chủ nghĩa hiện thực nghịch dị. Sự phóng đại vui tươi, phóng khoáng của bút pháp nghịch dị thời Phục Hưng châu Âu, vốn thuộc về giai đoạn của cái huyền thoại, hầu như dị ứng hoàn toàn với bản chất gây sợ hãi của cái kì ảo. Nhưng nó lại phần nào gần gũi hơn với cái huyền ảo (cụ thể là chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mĩ Latin, một thế hệ di truyền xa xôi về thời gian lẫn khoảng cách địa lí). Đó là nguyên nhân khiến nó phục sinh mạnh mẽ ở chủ nghĩa hiện thực huyền ảo của Márquez, như nhiều nghiên cứu của Phan Tuấn Anh đã chứng minh. Thế thì có nên tách riêng chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mĩ Latin và cái nghịch dị trong tiểu thuyết Márquez? Cái huyền ảo dù sao vẫn khác cái huyền thoại. Vậy, cũng cần giới thuyết về cái nghịch dị của Márquez trong tương quan với cái nghịch dị huyền thoại. Đến đây đã là giới hạn của chúng tôi. Việc giải quyết những vấn đề ấy đành mong chờ ở sự đồng cảm và gửi gắm ở năng lực của nhà nghiên cứu.
Cái huyền ảo trong Márquez còn được Phan Tuấn Anh gắn với kết cấu mê lộ, gọi chung là “những mê lộ huyền ảo”.
3. Từ cảm quan đa trị đến kết cấu mê lộ
Cảm quan đa trị (multivalent sensibility) là sự tri giác và thức nhận thẩm mĩ về thế giới gắn với tình trạng bất tín nhận thức (espistemological uncertainty), mất niềm tin vào các đại tự sự (grand narrative), để hướng đến các tiểu tự sự (petit narrative) trong thời hậu hiện đại.
Qua nhiều tác phẩm của Márquez như Tướng quân giữa mê hồn trận, Tin tức về một vụ bắt cóc, Giờ xấu,… Phan Tuấn Anh chứng minh sự bao trùm của của cảm quan đa trị. Nó thể hiện trước tiên ở sự song tồn của các học thuyết về dân tộc tính khác nhau trong thực tiễn đời sống chính trị Mĩ Latin, được khúc xạ vào văn học, giữa tư tưởng thống nhất với tư tưởng độc lập, giữa độc tài với li khai. Biểu hiện của cảm quan đa trị Mĩ Latin trong tiểu thuyết Márquez, như phân tích của Phan Tuấn Anh, là hết sức phong phú. Nhưng lọc ra trong số đó, phát hiện độc đáo và nổi bật nhất là hình tượng các lãnh tụ và hình tượng tờ rơi. Hình tượng lãnh tụ là sự đa trị giữa hai bản chất: kẻ độc tài và nhà giải phóng, giữa tội nhân và anh hùng. Hình tượng tờ rơi là sự đa trị về mặt thông tin. Theo Phan Tuấn Anh, tờ rơi là đặc sản chính trị đường phố Mĩ Latin. Nó phục vụ cho mục đích triệt tiêu lẫn nhau của các lực lượng chính trị đối lập, trên cơ sở trạng thái bị o bế thông tin của đời sống xã hội. Tất nhiên, tất cả các cực đối lập trên chỉ trở nên đa trị khi chúng có được sự tiếp tay của người trần thuật ở thái độ khách quan, không đề cao hay hạ thấp bất cứ một đối cực nào. Hay nói đúng hơn, mỗi người trần thuật thông tin cũng là một cực trong tình thế đa trị thông tin. Người đọc, trong nỗ lực diễn giải của anh ta, trở thành một cực trị giữa thế giới đa trị ấy.
Trong văn học hậu hiện đại, cảm quan đa trị đã tạo ra hình thức tự sự mê lộ. Người đề xuất và luận giải về thuật ngữ “mê lộ” với tư cách một phạm trù triết mỹ phổ biến thời hậu hiện đại là nhà văn người Argentina J.L.Borges. Mê lộ dần trở thành một thủ pháp tự sự, nơi tác giả dùng những kĩ thuật trần thuật hậu hiện đại nhằm phá vỡ tính mạch lạc, logic của ngôn ngữ, giọng điệu, không - thời gian và ngôi trần thuật. Những kĩ thuật ấy ở Márquez, theo Phan Tuấn Anh, gồm có: 1/ Trần thuật đa chủ thể, đa điểm nhìn; 2/ Sự đồng hiện nhiều thế hệ, nhiều số phận, nhiều ký ức làm thành vòng tròn thời gian nghệ thuật; 3/ Sự xuất hiện của các yếu tố huyền ảo, không ngừng xen cắt và tham gia vào thực tiễn; 4/ Đặt sự kiện nằm trong thì quá khứ nhằm hồi tưởng lại theo các hướng khác nhau; và 5/ Nhiễu hóa sự định vị minh bạch về không thời gian nghệ thuật bằng các phép ẩn dụ. Các thủ pháp này luôn tương tác, đan cài vào nhau, mở ra một mê lộ trước mắt độc giả, cản trở mọi sự tiếp nhận thông tin một chiều, tuyến tính. Không tồn tại một trung tâm tuyến tính nào làm điểm tựa cho người đọc tiền hiện đại và người đọc hiện đại.
Lối tự sự mê lộ, mục đích tự thân của nó không phải gây khó cho người đọc, mà nhằm thể hiện cảm quan đa trị, phi trung tâm hóa như là bản chất thế giới thời hậu hiện đại. Con người và nhận thức của nó chỉ là những mảnh vỡ khác nhau của thế giới. Chính khát vọng tìm ra sự thật duy nhất của con người hiện đại đã đẩy nó vào những mê cung. Để thoát ra khỏi mê cung ấy, phương thức duy nhất là liên kết các mảnh vỡ, liên kết các văn bản về thế giới. Đó là ý nghĩa thẩm mĩ của tự sự mê lộ trong tiểu thuyết hậu hiện đại nói chung và tiểu thuyết hậu hiện đại Márquez nói riêng.
Từ cuốn sách của Phan Tuấn Anh về nỗi cô đơn huyền thoại của Márquez, có thể nhận thấy một trường tiếp xúc rất rộng, còn nhiều vấn đề vượt khỏi ba góc độ diễn giải được hệ thống ở đây, nhưng thiển nghĩ, đó là ba góc độ cơ bản nhất. Khẳng định nền tảng văn hóa hậu hiện đại Mĩ Latin là xuất phát điểm của Phan Tuấn Anh, không có nghĩa chúng tôi đặt nhà nghiên cứu lọt thỏm trong phê bình văn hóa. Bởi các tiểu luận trên góc độ văn hóa không chiếm ưu thế so với các tiểu luận trên góc độ văn bản. Phông văn hóa sâu rộng, lại vận dụng hợp lí đã giúp Phan Tuấn Anh loại bỏ được sự thô ráp, khuôn khổ của phương pháp. Hơn nữa, Márquez cũng chỉ là văn bản được kiến tạo từ rất nhiều văn bản xung quanh. Sử dụng tri thức văn hóa liên ngành để soi tỏ liên văn bản trong tiểu thuyết Márquez, với Phan Tuấn Anh, thế giới luôn là một văn bản vẫy gọi, gọi mời khám phá.
P.T.H.L
(TCSH326/04-2016)
...........................................
Gabriel García Márquez và nỗi cô đơn huyền thoại, Nxb. Văn học, H., 2015. (Giải thưởng Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế 2015 và Giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam 2015).
NGUYỄN THỊ MAI(Nhân đọc tập thơ “Ra ngoài ngàn năm” của nhà thơ Trương Hương - NXB Văn học – 2008)
LÊ HUỲNH LÂMDạo này, thỉnh thoảng tôi nhận được tin nhắn “nhìn đời hiu quạnh”, mà theo lời thầy Chạy đó là câu của anh Định Giang ở Vỹ Dạ mỗi khi ngồi nhâm nhi. Khi mắc việc thì thôi, còn rảnh rang thì tôi đến ngồi lai rai vài ly bia với thầy Chạy và nhìn cổ thành hắt hiu, hoặc nhìn cội bồ đề đơn độc, nhìn một góc phố chiều nguội nắng hay nhìn người qua kẻ lại,… tất cả là để ngắm nhìn cõi lòng đang tan tác.
THU NGUYỆTLTS: Tập truyện Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được giới chuyên môn đánh giá cao như một hiện tượng văn học trong thời gian gần đây. Giữa lúc đông đảo bạn đọc đang hứng vị với hiện tượng này thì có một hiện tượng khác “ngược chiều” đã gây sốc dư luận.Để bạn đọc Sông Hương có thêm thông tin, chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến sau đây.
HIỀN LƯƠNGVậy là Nguyễn Ngọc Tư sẽ bị kiểm điểm thật. Cầm tờ biên bản của Ban Tuyên giáo tỉnh Cà Mau trên tay, trong tôi trào dâng nhiều cảm xúc: giận, thương, và sau rốt là buồn...
BÙI VIỆT THẮNGTôi có theo dõi “vụ việc Nguyễn Ngọc Tư” đăng tải trên báo Tuổi trẻ (các số 79, 80, và 81 tháng 4 năm 2006) thấy các ý kiến khen chê thật ngược chiều, rôm rả và quyết liệt. Kể ra không có gì lạ trong thời đại thông tin mọi người đều có quyền cập nhật thời sự, nhất là trong lĩnh vực văn chương vốn rất nhạy cảm.
NGUYỄN KHẮC PHÊ“Người kinh đô cũ” (NKĐC - NXB Hội Nhà văn, 2004) là tác phẩm thứ 14 của nhà văn Hà Khánh Linh, cũng là tác phẩm văn học dày dặn nhất trong số tác phẩm văn học của các nhà văn ở Thừa Thiên - Huế sáng tác trong khoảng 20 năm gần đây.
HỒ THẾ HÀ Trong cuộc đời mỗi con người, điều sung sướng nhất là được hiểu biết, khám phá và sáng tạo để ý nghĩa tồn sinh không ngừng được khẳng định và nâng lên những tầm cao mới. Theo đó, những thang bậc của nhận thức, nhân văn, của thành quả lao động lại biến thành những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể lấp lánh lời giải đáp.
TÔ VĨNH HÀNếu có thể có một miền thơ để mà nhớ mong, khắc khoải; tôi tin mình đã tìm được rồi, khi đọc Mưa Kim Cương của nhà thơ Đông Hà (Nxb Thuận Hoá, Huế, tháng 11.2005). Sợi dây mảnh mục như các khớp xương đan chằng, xéo buốt, chơi vơi; được giăng giữa hai bờ lở xói của cuộc đời. Trên cao là “hạt” kim cương thô ráp và gan lỳ hơn cả là đá nữa, nhưng lại giống với thân hình thần Vệ Nữ đang rơi, đang rơi, nhọn sắc, dữ dằn... Minh hoạ ở trang bìa xanh và sâu thẳm như những trang thơ.
TRẦN THANH HÀLGT: Có thể nói rằng, “Tiểu thuyết và tiểu luận về tiểu thuyết của Milan Kundera được xem như là một trong những hiện tượng độc đáo đáng được chú ý trong văn học Châu Âu hiện đại”. Mỗi cuốn tiểu thuyết cô đọng của nhà văn, mang lại cho độc giả một cái nhìn độc đáo về thế giới hiện đại và vị trí con người trong đó, một thứ triết học riêng về cuộc sống và mối quan hệ liên cá nhân, “các chủ đề sắc sảo và các tính cách con người sinh động được kết hợp với những suy tư về các đề tài triết học và hiện sinh mang tính toàn cầu”.
HOÀNG VĂN Đọc Hoang thai ta có thể hình dung ra xã hội Ba Lan đương đại và những vấn đề nẩy sinh trong xã hội này.
NGUYỄN KHẮC PHÊGặp nhà văn - dịch giả Đoàn Tử Huyến - một người “chơi” sách có hạng ở đất Hà Thành - tại nhà sách lớn của Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây mới khai trương trên khu Cầu Giấy, trước ngày hội thảo về tiểu thuyết “Mẫu Thượng ngàn” của Nguyễn Xuân Khánh, tôi hỏi: “Có đúng là ông đã nói trên một tờ báo rằng “Một tác phẩm kiệt xuất như “Nghệ nhân và Margarita” (NNVM) mà chưa có một nhà phê bình Việt Nam nào sờ đến cả! “Đúng vậy không?” Đoàn Tử Huyến cười nhăn cả mũi: “Thì đúng vậy chứ sao!”
HOÀNG VŨ THUẬT(Đọc Hoạ mi năm ngoái - Thơ Trần Kim Hoa, NXB Văn học, 2006)
LTS: Sông Hương vừa nhận được lá thư của ông Tế Lợi Nguyễn Văn Cừ gửi cho nhà nghiên cứu Phan Thuận An nhằm cung cấp lại bản gốc của bài thơ “Cầu ngói”. Xin nói thêm, ông Nguyễn Văn Cừ là con của ông Nguyễn Văn Lệ, tác giả bài thơ.Sông Hương xin đăng lá thư này để hầu mong rộng đường trao đổi.
HOÀNG VŨ THUẬT(Đọc Ngày không ngờ - thơ Nguyễn Bình An, NXB Thuận Hóa 2007)
VĨNH NGUYÊN(Nhân xem tập thơ Nhật thực của Nhất Lâm, Nxb Thanh Niên, 2008)
NGÔ MINHLTS: Ngày 13-2-2007, Bộ Văn hoá Thông tin đã công bố quyết định của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam về việc tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật. Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ được là 1 trong 47 nhà văn được giải thưởng nhà nước với chùm tác phẩm: Đề tặng một giấc mơ (tập thơ 1988), Trái tim sinh nở ( tập thơ - 1974), Bài thơ không năm tháng (tập thơ - 1983). Nhân dịp ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, TCSH xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Ngô Minh về nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.
BÙI VIỆT THẮNGVịt trời lông tía bay về (*) là sự lựa chọn có thể nói rất khắt khe của chính nhà văn Hồng Nhu, rút từ cả chục tập và chưng cất ba mươi truyện ngắn tiêu biểu của gần trọn một đời văn. Con số 33 là ít những không là ít vì nhà văn ý thức được sâu sắc quy luật nghiệt ngã của nghệ thuật ngôn từ “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. 33 truyện được chọn lọc trong tập sách này có thể gọi là “tinh tuyển truyện ngắn Hồng Nhu”.
PHẠM PHÚ PHONGPhạm Đương có thơ đăng báo từ khi còn là sinh viên khoá bốn, khoa Ngữ văn đại học Tổng hợp Huế. Đó là thời kỳ anh sinh hoạt trong câu lạc bộ văn học của thành đoàn Huế, dưới sự đỡ đầu của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (lúc này vừa rời ghế Bí thư thành đoàn, sang làm Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương vừa mới thành lập.)
HÀ KHÁNH LINHNgười lính chiến trở về bỏ lại một phần thân thể của mình trên trận mạc, tựa vào gốc nhãn hoang bên vỉa hè lầm lụi kiếm sống, thẳng ngay, chân thật, khiêm nhường.
PHẠM XUÂN NGUYÊNTrong Ngày Thơ Việt vừa qua, một tuyển tập thơ “nặng hàng trăm năm” đã được đặt trang trọng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội. Rất nhiều những bài thơ xứng đáng với danh xưng hay nhất thế kỷ XX đã “biện lý do” vắng mặt, và ngược lại. Đấy là một trong nhiều sự thật được đa phần dư luận kiểm chứng. Cũng là một góc nhìn khá rõ nét, Sông Hương xin giới thiệu ba bài viết của Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Hữu Qúy và Phước Giang về tuyển tập thơ “nặng ký” trên.