Những tâm hồn trẻ thơ trong văn Thạch Lam

09:44 02/11/2020

Thạch Lam (1910 - 1942) là đại biểu xuất sắc của văn xuôi lãng mạn Việt Nam thời kì 1930 - 1945. Văn Thạch Lam đọng nhiều suy nghiệm, nó là cái kết tinh của một tâm hồn nhạy cảm và từng trải về sự đời (Nguyễn Tuân).

Vẻ đẹp tâm hồn của những đứa trẻ trong trang văn Thạch Lam mãi như là những cơn gió nhẹ thổi qua triền sông, để lại cái mát lành trong tâm hồn người đọc. Ảnh minh họa (nguồn IT)

Trong thế giới nghệ thuật của mình, nhà văn đặc biệt dành tình cảm ấm áp cho những đứa trẻ với vẻ đẹp tâm hồn trong trẻo, ngây thơ. Gió lạnh đầu mùa và Hai đứa trẻ là hai trong số những tác phẩm tiêu biểu.

1.

Gió lạnh đầu mùa in trong tập truyện cùng tên của Thạch Lam, được xuất bản năm 1937. Câu chuyện xoay quanh chiếc áo ấm của những đứa trẻ nơi phố huyện nghèo vào những ngày đầu đông “gió bấc” thổi lạnh. Len lỏi sâu vào từng dòng chữ là nỗi niềm buồn vui của nhà văn dành cho những đứa trẻ thơ với thế giới tâm hồn vừa hồn nhiên, trong trẻo vừa ấm áp, yêu thương.

Truyện được mở đầu bằng không khí của một buổi sáng, khi “mùa đông đột nhiên đến, không báo trước”. Chỉ sau một đêm mưa rào “trời bỗng đổi ra gió bấc, rồi cái lạnh ở đâu đến làm cho người ta tưởng đang ở giữa mùa đông rét mướt”. Sơn từ trong chăn bọc bước xuống lại ngồi bên hỏa lò cùng mẹ và chị đang ngồi pha nước chè uống. “Người vú già xù xì cái áo bông cánh rách, xách siêu nước từ dưới nhà lên”. Chị Lan từ trong buồng “khệ nệ ôm cái thúng quần áo, có áo vệ sinh màu nâu sẫm, áo dạ khâu chỉ đỏ và cả chiếc áo bông cánh đã cũ nhưng còn lành lặn…”. Chỉ bằng vài chi tiết miêu tả, nhà văn Thạch Lam đã tạo ra được một sự đối lập giữa cái gió lạnh bên ngoài và không khí đầm ấm bên trong một gia đình. Hơi ấm ấy như sợi tơ man mác khắp cả thiên truyện.

Sau khi đã mặc xong áo ấm, quay đi quay lại ba, bốn lần để mẹ ngắm, Sơn “xúng xính rủ chị ra chợ chơi”. Trước sự xuất hiện của chị em Sơn, những đứa trẻ con nhà nghèo khổ ở cuối chợ “đều lộ vẻ vui mừng nhưng vẫn đứng xa, không dám vồ vập”. Có lẽ “chúng như biết cái phận nghèo hèn của chúng vậy”. Nhưng rồi, mọi cặp mắt đều đang hướng vào bộ quần áo trên người Sơn. “Thằng Cúc, con Xuân, con Tý, con Túc sán gần, giương đôi mắt ngắm bộ quần áo mới của Sơn”. Thằng Xuân đến mó vào chiếc áo, “nó chưa thấy cái áo như thế bao giờ”. Một đứa khác “tặc lưỡi”: “- Cái áo này mặc thì nóng lắm. Chắc phải mua đến một đồng bạc chứ không ít, chúng mày nhỉ?”. Đứa khác chêm vào, giọng tiếc tẩm: “- Ngày trước, thầy tao cũng có một cái áo như thế, về sau bán cho ông lý mất”. Con Túc ngây ngô giương đôi mắt lên hỏi Sơn: “- Cái này cậu mua tận Hà Nội phải không?”...

Trong cái nhìn của bọn trẻ nghèo xóm chợ, bộ quần áo Sơn mặc là cả thế giới xa vời. Nó đối lập với “những bộ quần áo nâu bạc đã rách vá nhiều chỗ”. Chúng tưởng tượng Sơn mặc chiếc áo đó chắc là “nóng lắm”, trong lúc “môi chúng nó tím lại, và qua những chỗ áo rách, da thịt thâm đi. Mỗi cơn gió đến, chúng lại run lên, hàm răng đập vào nhau”. Thế nhưng chị em Sơn “vẫn rất thân mật chơi đùa” cùng đám trẻ. “Sơn lật vạt áo thâm, chìa áo vệ sinh và áo dạ cho cả bọn xem”. Cũng có lúc nó còn “ưỡn ngực” tự hào: “- Ở Hà Nội, chứ ở đây làm gì có. Mẹ tôi còn hẹn mua cho tôi một cái áo len nhiều tiền hơn nữa kia…”. Chính sự hồn nhiên, vô tư và rất thân thiện này đã làm nên vẻ đẹp tâm hồn của những đứa trẻ trong trang văn Thạch Lam.

Với giọng kể chậm rãi, man mác buồn, lắng trong cuộc chuyện trò của những đứa trẻ hồn nhiên như có cả nỗi niềm cảm thương sâu sắc của nhà văn Thạch Lam với những kiếp người nghèo khổ.

Rời mắt khỏi chiếc áo của Sơn, câu chuyện của đám trẻ trong những ngày gió lạnh hướng về con bé “co ro đứng bên cột quán, chỉ mặc có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay”. Đó là Hiên, đứa con gái bên hàng xóm của chị em Lan. Lan đến bên con bé hỏi: “- Sao áo của mày rách thế Hiên? Áo lành đâu không mặc?”. Con bé “bịu xịu”: “- Hết áo rồi, chỉ còn cái này”. Phản ứng tự nhiên trước câu trả lời của Hiên, Sơn thắc mắc: “- Sao không bảo u mày mua cho?”. Nhưng ngay lập tức, Sơn “chợt nhớ ra là mẹ cái Hiên rất nghèo, chỉ có nghề mò cua bắt ốc thì còn lấy đâu ra tiền mà sắm áo cho con nữa”. Cũng thật tự nhiên, cảm xúc trong Sơn dâng trào: “Sơn thấy động lòng thương, cũng như ban sáng Sơn đã nhớ thương đến em Duyên ngày trước”… Chỉ bằng một dòng tâm trạng, nhưng Thạch Lam đã làm hiện lên thế giới tâm hồn nhạy cảm, giàu cảm xúc, giàu tình yêu thương trong tâm hồn một đứa trẻ.

Từ cảm xúc ban đầu ấy, “một ý nghĩ tốt bỗng thoáng qua trong trí”, Sơn bàn với chị Lan: “Hay là chúng ta đem cho nó cái áo bông cũ”. Hai chị em đang nói đến cái áo hồi sáng Sơn nhìn thấy mẹ cầm giơ lên trong thúng quần áo chị Lan bê ra. Đó là cái áo bông của Duyên - đứa em gái bé của Sơn, chết từ năm lên bốn tuổi. Với lòng ngây thơ của tuổi trẻ, Lan “hăm hở” chạy về nhà lấy áo…

Bìa sách. Ảnh minh họa (nguồn IT)

Chiếc áo bông cánh cũ chính là hiện thân của tình yêu thương - thứ tình cảm được nảy sinh một cách tự nhiên của hai đứa trẻ con nhà khá giả, có áo mặc ấm với những đứa trẻ nghèo khó, đáng thương. Trong cái gió lạnh đầu mùa, chiếc áo bông là cầu nối truyền hơi ấm đến những trái tim co ro vì thiếu áo, làm thức dậy niềm ấm áp trong tâm hồn trẻ thơ. Cảm xúc “Sơn đứng lặng yên đợi, trong lòng tự nhiên thấy ấm áp, vui vui” như đang lan đến người đọc. Mỗi câu chữ giản dị nhưng đánh thức được những cảm xúc thật sâu xa. Tài nghệ của Thạch Lam nằm trong chính những con chữ giản đơn ấy!

Sau khi cho Hiên áo, về đến nhà, nghe vú già hỏi: “- Có phải cậu đem cho con Hiên cái áo bông cũ phải không?”, Sơn “lo quá”. Nghe lời vú, chị em Sơn vội vàng ra chợ tìm cái Hiên, nhưng không thấy con bé ở đó. Đến nhà cũng không thấy ai, mẹ nó cũng không có nhà. Hai chị em lo sợ đi ra cánh đồng tìm cũng không gặp. Mang tâm trạng sợ mẹ mắng, hai chị em “gần đến buổi chiều” mới “dắt nhau lẻn về nhà”. Đến cửa, chị em Sơn “ngạc nhiên đứng sựng ra” khi thấy mẹ con Hiên đang ngồi ở cái ghế con trên đất, trước mặt mẹ, tay cầm cái áo bông cũ. Thì ra, mẹ Hiên đến trả áo. Mẹ Sơn sau khi biết hoàn cảnh “khổ lắm” của mẹ Hiên đã với cái âu đồng lấy tiền đưa năm hào cho mẹ Hiên vay về may áo cho con.

Trước mặt mẹ con Hiên, lúc thấy hai con về ở cửa, mẹ Sơn “nghiêm nghị” bảo: “- Kìa, hai cô cậu đã về kia. Thế áo bông của tôi đâu mà tự tiện đem cho đấy?”. Hai đứa trẻ đã biết sai, “sợ hãi, cúi đầu lặng im”. Nhưng khi mẹ con Hiên “bước ra khỏi cửa” mẹ Sơn vẫy hai con lại gần “rồi âu yếm ôm vào lòng” thủ thỉ: “- Hai con tôi quí quá, dám tự do lấy áo đem cho người ta không sợ mẹ mắng ư?”.Trong vẻ “âu yếm” toát lên sự bao dung và cả niềm tự hào của người mẹ với những đứa con.

Cảm thông sâu sắc với những phận đời nghèo khổ, Thạch Lam đã xây dựng trong thiên truyện “Gió lạnh đầu mùa” một thế giới đầm ấm, tràn đầy yêu thương. Ở đó, con người xích lại gần nhau, truyền cho nhau hơi ấm, xua đi cái lạnh đầu đông. Ở đó, những tâm hồn trẻ thơ hiện lên thật đẹp đẽ!

2.

Vẻ đẹp tâm hồn trẻ thơ trong văn Thạch Lam còn được hiện lên một cách sinh động trong truyện “Hai đứa trẻ”. Đây là truyện ngắn có cốt truyện đơn giản, rất ít sự kiện. Cả thiên truyện chỉ xoay quanh một vài mẩu đối thoại của số ít nhân vật trong không gian hẹp của phố huyện nghèo, từ chiều đến đêm. Chiều sâu của truyện là ở những xúc cảm, những tâm tư, những cung bậc cảm xúc của nhân vật Liên - một đứa trẻ mới lớn - trước cuộc sống con người. Bằng việc đi sâu khai thác thế giới nội tâm nhân vật với những xúc cảm mong manh, mơ hồ trong cuộc sống thường ngày, Thạch Lam đã dệt nên những trang văn nhẹ nhàng, thổn thức, thấm đẫm chất thơ. Ở đó, tâm hồn trẻ thơ hiện lên với chiều sâu tâm hồn nhiều trắc ẩn.

Những đứa trẻ xuất hiện trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” ở những bộ dạng khác nhau, nhưng đều chung một gương mặt nghèo đói. Đó là “Mấy đứa trẻ con nhà nghèo ở ven chợ cúi lom khom trên mặt đất đi lại tìm tòi. Chúng nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre hay bất cứ cái gì đó có thể dùng được của các người bán hàng để lại. Đó là “thằng cu bé xách điếu đóm và khiêng hai cái ghế trên lưng ở trong ngõ đi ra” - con của chị Tí, cùng mẹ dọn hàng vào mỗi buổi chiều tàn. Đó còn là thằng bé của gia đình bác xẩm “bò ra đất, ngoài manh chiếu, nghịch nhặt những rác bẩn vùi trong cát bên đường”… Toàn bộ thời khắc ngày tàn, phiên chợ tàn và những kiếp người tàn ở phố huyện đều được khúc xạ qua cái nhìn của Liên - một đứa trẻ mới lớn, từng sống ở Hà Nội, từ ngày thầy mất việc cả nhà dọn về sống ở phố huyện này. Những cảm nhận của Liên hé mở thế giới tâm hồn sâu lắng nhiều cảm xúc, vang dội những thanh âm của cuộc sống và gieo mầm những ước mơ đẹp đẽ của con người.

Như một quy luật tất yếu của cuộc sống, khi con người bị vây bủa trong bóng tối, họ sẽ luôn tìm cách hướng về ánh sáng. Vẻ đẹp của những tâm hồn trẻ thơ trong “Hai đứa trẻ” được tập trung trong cảnh đợi tàu của chị em Liên.

Hằng đêm, sẽ có chuyến tàu đi qua phố huyện, nhưng cũng như mọi đêm, Liên không trông mong còn ai đến mua nữa. Với lại, đêm họ chỉ mua bao diêm hay gói thuốc là cùng. Liên và em cố thức là vì cớ khác, vì muốn được nhìn chuyến tàu, đó là sự hoạt động cuối cùng của đêm khuya. Cùng niềm mong ngóng đó, bác Siêu nghển cổ ra phía ga phát hiện tín hiệu đoàn tàu sắp đến: - Đèn ghi đã ra kia rồi. Liên cũng trông thấy ngọn lửa xanh biếc, sát mặt đất như ma trơi. Rồi tiếng còi xe lửa từ đâu vang lại, trong đêm khuya kéo dài ra theo ngọn gió xa xôi. Hai chị em còn nghe thấy tiếng dồn dập, tiếng xe rít mạnh vào ghi. Một làn khói bừng sáng trắng lên đằng xa, tiếp đến tiếng hành khách ồn ào khe khẽ. Không lâu sau tiếng còi đã rít lên, và tàu rầm rộ đi tới. Liên dắt em đứng dậy để nhìn đoàn xe vụt qua, các toa đèn sáng trưng, chiếu ánh cả xuống đường. Liên chỉ thoáng trông thấy những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng. Rồi chiếc tàu đi vào đêm tối, để lại những đốm than đỏ bay tung trên đường sắt. Hai chị em còn nhìn theo cái chấm nhỏ của chiếc đèn xanh treo trên toa sau cùng, xa xa mãi rồi khuất sau rặng tre.

Dù chỉ trong chốc lát, nhưng đoàn tàu qua phố huyện đã mang theo tiếng dồn dập, tiếng xe rít mạnh vào ghi, rồi tiếng còi đã rít lên, tiếng rầm rộ khi tàu đi tới… khuấy động cái tĩnh lặng của đêm. Đoàn tàu cũng mang theo nguồn ánh sáng khác lạ, khác xa với thứ ánh sáng leo lét, yếu ớt ở phố huyện thường ngày. Cái sáng trưng của các toa đèn, vẻ lấp lánh của đồng và kền và các cửa kính đủ sức mạnh xé tan màn đêm dày kín, phát sáng cả xuống đường, phát sáng cả trong những ánh mắt dõi theo của những con người đang ngắm nhìn đoàn tàu, cả khi nó đang xa xa mãi rồi khuất sau rặng tre.

Ánh sáng của đoàn tàu còn rọi sâu vào miền kí ức êm đềm của Liên, Liên lặng theo mơ tưởng. Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực, vui vẻ và huyên náo. Con tàu như đã đem một chút thế giới khác qua đi. Một thế giới khác hẳn, đối với Liên, khác hẳn cái vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu. Đoàn tàu đưa Liên thoát ra khỏi không gian tăm tối, buồn tẻ, nghèo khổ của phố huyện, đoàn tàu đem đến những hiện hữu của thời gian trong tâm tư của những đứa trẻ - đó là niềm vui, sự háo hức trong chốc lát của hiện tại, khi Liên dắt em đứng dậy để nhìn đoàn xe vụt qua, và thức dậy kí ức tuổi thơ êm đẹp trong quá khứ và là mong manh một thoáng ước mơ như mơ hồ chờ đợi một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn.

Nhưng đoàn tàu cũng chỉ ngang qua phố huyện trong chốc lát, để rồi, ngay sau đó đêm tối vẫn bao bọc chung quanh, đêm của đất quê và ngoài kia đồng ruộng mênh mang và yên lặng. Trở về hiện tại, Liên thấy mình sống giữa bao nhiêu sự xa xôi, lòng yên tĩnh như đêm ở phố huyện, tịch mịch và đầy bóng tối.

Cảnh đợi tàu là đoạn văn đầy ắp những rung cảm, của nhân vật, cũng là đoạn văn đầy ắp chất thơ. Thạch Lam đã dành những tình cảm thương xót cho những kiếp người nghèo khổ, đặt niềm tin vào khát vọng đổi đời của con người. Tất cả những tư tưởng, tình cảm của nhà văn đều được chuyển vào trong từng câu văn giàu cảm xúc. Vẻ đẹp của những tâm hồn trẻ thơ như những nốt nhạc làm rung lên những cung bậc tình cảm của người đọc.

Là thành viên của “Tự Lực văn đoàn”, song trước sau văn phong Thạch Lam vẫn chảy riêng biệt một dòng. Nhà văn luôn hướng ngòi bút của mình về phía lớp người lao động bần cùng trong xã hội. Tác phẩm của Thạch Lam vì thế vừa giàu chất trữ tình nhưng lại nhiều yếu tố hiện thực. “Cái riêng, cái độc đáo, cái mạnh của Thạch Lam chính là ở lòng nhân ái và vẻ đẹp tâm hồn quán xuyến trong mọi tác phẩm. Nhân vật Thạch Lam, bất luận ở hoàn cảnh nào, vẫn ánh lên trong tâm hồn cái chất nhân ái Việt Nam” (Lời Nhà xuất bản Văn học). Vẻ đẹp tâm hồn của những đứa trẻ trong trang văn Thạch Lam mãi như là những cơn gió nhẹ thổi qua triền sông, để lại cái mát lành trong tâm hồn người đọc.  Đến với “Gió lạnh đầu mùa”, “Hai đứa trẻ” hay với bất cứ truyện ngắn nào của Thạch Lam, người đọc cũng sẽ thấy yêu, thấy quý trọng và biết nâng niu, chắt gạn từng chút tốt đẹp trong mỗi con người.

Theo Trần Đức Tài - GD&TĐ

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • 2 đầu sách Thú lang thang người Hà Nội và Thú ăn chơi người Hà Nội (2 tập) của nhà văn Băng Sơn vừa được Huy Hoàng Bookstore tái bản và ra mắt độc giả. Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, đọc lại những cuốn sách này có thể nhận thấy tình yêu rất lớn Băng Sơn dành cho Hà Nội.

  • Trong giới nghiên cứu, cái tên Nguyễn Thị Hậu rất quen thuộc, mọi người còn đặt cho chị cái tên thân thiết là “Hậu khảo cổ”.

  • Tiểu thuyết “L’Étranger” nổi tiếng của nhà văn, triết gia người Pháp Albert Camus đã được độc giả Việt Nam biết tới qua bản dịch “Người xa lạ” từ những năm 60 của thế kỷ trước.

  • Cuốn sách “Cô gái đến từ hôm qua” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh vừa được NXB Trẻ ra mắt phiên bản đặc biệt nhân dịp chuẩn bị công chiếu bộ phim cùng tên do đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chuyển thể kịch bản và dàn dựng.

  • Sau 12 năm từ lần xuất bản đầu tiên, tiểu thuyết lịch sử “Trần Quốc Toản” của nhà văn Lưu Sơn Minh “tái xuất” với diện mạo mới cả về nội dung lẫn hình thức. Ngày 15/6/2017, nhân dịp “Trần Quốc Toản” phiên bản mới (họa sĩ Thành Phong minh họa, Công ti Cổ phần Văn hóa Đông A và Nxb Văn học liên kết ấn hành) ra mắt bạn đọc, buổi giao lưu với nhà văn Lưu Sơn Minh đã diễn ra tại Nhà sách Cá Chép - 115 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.

  • Đó là tác phẩm mới ra mắt của nhà thơ Nguyễn Duy. Tác phẩm là tập hợp các bài viết vốn đã đăng rải rác trên các báo nhiều năm nay.

  • Nguyễn Quang Thiều tâm sự rằng, suốt cả tuổi thơ của những đứa trẻ thôn quê như ông, có một ngọn gió không bao giờ ngưng thổi, đó là ngọn gió của… đói rét.

  • Nhiều trang viết của tác giả mô tả chuyện quan hệ trai gái với từ ngữ bị nhận xét phản cảm.

  • Tiếp sau tập truyện “Đỉnh khói” quy tụ các truyện ngắn về chiến tranh và đời thường, Nguyễn Thị Kim Hòa tiếp tục diện kiến bạn đọc bằng tập truyện “Con chim phụng cuối cùng”. Tập sách gồm 9 truyện ngắn đều tập trung vào đề tài lịch sử với những nhân vật nữ ám ảnh.

  • Các nhà văn Sài Gòn trước đây đều viết feuilleton (tiểu thuyết đăng báo nhiều kỳ). Đầu tiên là có thu nhập hằng tháng để lo cho nồi cơm. Thứ nữa là để độc giả biết tên tuổi, biết tiểu thuyết của mình. Thứ ba là việc viết feuilleton thúc đẩy nhà văn sáng tác liên tục, đồng thời nắm được thị hiếu, yêu cầu của người đọc đương thời.

  • Tác phẩm "Ta có bi quan không?" của Khải Đơn kể những trải nghiệm khó khăn trên hành trình trưởng thành của người trẻ.

  • Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Chu Văn Hòa cho biết Cục đang lập hồ sơ để ra quyết định thu hồi cuốn sách “Miếng ngon Hà Nội” do Nhà xuất bản Dân trí liên kết với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Văn hóa Minh Tân – Nhà sách Minh Thắng phát hành do cuốn sách có sai phạm nghiêm trọng về nội dung.

  • Giọt sầu đa mang là cuốn tiểu thuyết thứ 9 của nhà văn Nguyễn Đình Tú. Điểm đặc biệt ở nhà văn này khiến cho anh bật lên so với các nhà văn cùng thế hệ là sức viết khỏe, viết đa dạng nhiều chủ đề...

  • Ở tuổi 85, nhà văn “lão làng” Nguyễn Xuân Khánh tuyên bố dừng viết, bằng một “dấu chấm” được cho là tác phẩm xuất sắc nhất trong đời văn nghiệp của ông: “Chuyện ngõ nghèo”. Nhưng một mặt, ông lại tiếc, kể chi quỹ thời gian của mình còn nhiều, để có thể... học thêm hai ngoại ngữ nữa.

  • Những cuốn tự truyện viết về tuổi thơ thời chiến tranh, thời bao cấp xuất hiện trên văn đàn không chỉ là những câu chuyện của ký ức tác giả mà còn như những cánh cửa mở ra để độc giả khám phá, tiếp cận với lịch sử ở nhiều góc cạnh khác nhau.

  • “Kim Thiếp vũ môn” là một quyển sách mà cấu trúc, văn phong và bút pháp không theo tiền lệ, nhưng mỗi câu chữ, mỗi chương, mỗi hồi không chỉ là lịch sử, là khoa học, là tiểu thuyết mà còn là tình yêu, là thân phận, là văn chương, thế sự, cuộc đời...

  • Trường ca “Ngụ ngôn của người đãng trí” đã đưa Ngô Kha - một nhà thơ tranh đấu trong phong trào hòa bình và dân tộc ở Huế - trở thành nhà thơ Việt đầu tiên kết hợp được thơ siêu thực và thơ yêu nước.

  • Nhân kỷ niệm 42 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2017), NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật vừa cho ra mắt ấn bản tiếng Anh cuốn tiểu thuyết “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của nhà báo - nhà văn Trần Mai Hạnh. Theo nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, sự thật trong cuốn sách là thứ kim cương của văn học tư liệu.

  • Sẽ thật vô duyên nếu viết dài dòng về một cuốn sách kiệm chữ từ tiêu đề trở đi, như trường hợp "Thấy" của Lê Thiết Cương. Nhưng một khi đã “thấy” ở sách nhiều điều cần thấy mà không cất lời thì e rằng kìm nín là một lựa chọn hời hợt.

  • Tính đến năm 2016, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hà đã sở hữu sáu tập thơ (Gửi con lời ru, Đi ngang chiều gió, Cỏ mặt trời, Người gánh vô hình, Đứt dải yếm, Ngả vào nguyên khôi), một tập tản văn (Lạc trong đêm liêu trai), ba tập truyện ngắn (Đầm ma, Ám ảnh, Con sóng màu hổ phách), một tiểu thuyết (Mưa trong nắng). Đó là những con số biết nói. Đôi lúc tôi cứ vân vi mà nghĩ rằng, người phụ nữ mảnh mai, dịu dàng này lấy đâu ra sức lực để viết được cả ngàn trang sách như thế, nếu không là đam mê chữ nghĩa, văn chương. Hẳn là cái nghiệp!