Những lời nói thẳng

14:48 07/09/2020

Chúng ta đang trong giai đoạn “dầu sôi lửa bỏng” khi dịch bệnh hoành hành, gây nên vô số hệ lụy trong đời sống. Trên khắp thế giới và cả trong nước, các mặt kinh tế - xã hội đều ngổn ngang những vấn đề.

Tại sao chúng ta cần những lời nói thẳng?
 
Những ngày này, trên khắp các báo đài, thậm chí ngay trong những câu chuyện trong quán cafe mỗi sáng, chúng ta vẫn thường nghe những câu động viên: “Việt Nam đang trong quá trình phục hồi kinh tế rất tốt, nhờ vào việc chống dịch vô cùng hiệu quả...”. Nhưng hỏi “tốt như thế nào” thì khó có thể trả lời thỏa đáng, vì kinh tế phải thể hiện bằng các con số, còn chống dịch thì có thể thấy qua việc ngăn chặn hiệu quả số bệnh nhân không để lây lan rộng.
 
Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động vừa qua cho thấy, hiện nay có đến hơn 30 triệu người thất nghiệp do tác động của đại dịch. Riêng về hiệu quả kinh tế, theo Báo cáo cập nhật đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đối với các ngành kinh tế Việt Nam do TS.Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV công bố: “Đối với Việt Nam, sau 6 tháng đầu năm 2020, có thể thấy ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế - xã hội Việt Nam đã rất rõ nét, nghiêm trọng hơn rất nhiều so với các dự báo trước đây”. Có nhìn rõ vấn đề thì mới có những chiến lược, biện pháp, đối sách vĩ mô và vi mô để khắc phục. Kinh tế không thể là câu chuyện an ủi hay ru ngủ nhau được!
 
Một ví dụ khác, có quan chức Liên đoàn Bóng đá phát biểu rằng: “Liên đoàn kiên quyết xử lý những phát ngôn mang tính nhắm vào liên đoàn và làm xấu hình ảnh của giải, kể cả đối với Huấn luyện viên (HLV) trưởng đội tuyển Việt Nam, HLV có quyền bình luận về chuyên môn nhưng không được bình luận về chính sách của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam”. Ngay sau phát ngôn này, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai - ông Đoàn Nguyên Đức đã có ý kiến phản ứng: “Liên đoàn nói vậy là sai hoàn toàn. Nói như vậy là họ không muốn nghe góp ý từ những người có tâm với bóng đá Việt Nam đấy. Đòi kỷ luật như vậy, họ còn muốn nghe không? Nếu Liên đoàn sai, chúng ta phải ý kiến lại chứ? Bóng đá là thuộc về công chúng, thuộc về xã hội”.
 
Trong một bài viết trước đây trên báo chí, chúng tôi từng nêu lên vấn đề và luận bàn về mục đích của chính trị. Trong đó căn bản học thuyết lãnh đạo ngay trong thời phong kiến là người lãnh đạo hay “quân tử” khi cầm quyền phải có kỷ luật, nên cai trị dân chúng của mình bằng chính tấm gương của mình, đối xử với họ bằng tình thương và sự quan tâm. Niềm tin chính trị gắn chặt với luân thường đạo lý và đạo đức cá nhân. Họ phải chấp nhận sự phán xét của nhân dân, phải lắng nghe những lời nói thẳng, nói thật. Trong cuốn sách Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Lại nói: nếu phê bình khuyết điểm của mình, của đồng chí mình, của Đảng và Chính phủ, thì địch sẽ lợi dụng mà công kích ta.
 
Nói vậy là lầm to. Khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Phê bình cũng như uống thuốc. Sợ phê bình, cũng như có bệnh mà giấu bệnh, không dám uống thuốc. Để đến nỗi bệnh ngày càng nặng, không chết ‘cũng la lết quả dưa’”.
 
Nghĩ về Chiếu cầu lời nói thẳng của triều Tây Sơn
 
Lần giở lại lịch sử dân tộc, tổ tiên ta đặc biệt là các bậc kiệt hiệt chưa bao giờ sợ lời nói thẳng, chưa bao giờ ngại “phê bình và tự phê bình”, đó là một truyền thống tốt đẹp vậy.
 
Chiếu cầu lời nói thẳng do Ngô Thì Nhậm thừa mệnh vua chấp bút, sau khi Thái sư Bùi Đắc Tuyên bị xử tử bởi tội chuyên quyền, lộng hành, gây quá nhiều tổn thất về thanh danh, uy tín cho triều đại Tây Sơn. Đọc Chiếu cầu lời nói thẳng, chúng ta cảm động khi từ đầu đến cuối, nhà vua bằng một thái độ rất mực khiêm nhường, trình bày cặn kẽ mọi thực trạng xã hội cho dân chúng biết, không hề che đậy, giấu giếm: “…Vận nước gặp lúc gian nan, họ ngoại thích trộm quyền cương, điềm trời luôn hiện, việc binh hỏa không lúc nào ngơi, người hành dịch có khi bị chìm đắm dưới sóng gió, có khi mắc vào chốn gươm đao, nào là phải vận tải đưa lương, nào là bị tham quan đục khoét…Than ôi, chơi bời là cái điều nguy ngập, khoe khoang là cái cớ diệt vong”.
 
Đáng tôn trọng hơn nữa khi nhà vua bày tỏ sự lo sợ của bản thân trước tình cảnh: “Nay quốc gia đất rộng người nhiều, thực là nhờ công ơn của tiên hoàng đế (chỉ vua Quang Trung) mở mang khi trước. Nhưng đất rộng mà lắm chỗ bỏ hoang, dân nhiều mà nhiều nơi ta thán, trẫm run rẩy sợ hãi như sắp sa vào vực thẳm. Từ xưa công sáng nghiệp đã khó mà sự thủ thành lại càng khó hơn. Trẫm cùng các đại thần thân cận toan tính lo lường nhưng chưa biết thế nào là phải”. Trước thực trạng xã hội, nhà vua kết luận: “Tóm lại, cái tệ trễ biếng là do cái lòng tự mãn tự túc sinh ra, tích tụ chất chứa đã lâu, không sao kể xiết”. Xin hiểu rằng chữ “trễ biếng” mà nhà vua dùng ở đây với hàm nghĩa chỉ trích rất nặng nề: chỉ lo hưởng lạc, không lo việc dân việc nước, là thứ tư tưởng kiêu căng ngạo mạn đến mức đáng sợ.
 
Nhà vua “mong rằng thần dân trong ngoài khuyên bảo để cho trẫm được đức hạnh tốt” và nhằm “cùng các đại thần tính toán tìm ra con đường đúng mà vẫn chưa thấy con đường nào là thích hợp”. Nói cách khác, tinh thần cơ bản của Chiếu cầu lời nói thẳng là lấy dân làm gốc: “Hỡi những kẻ bầy tôi và dân chúng, các ngươi hãy dâng thư dán kín, nói hết, đừng giấu giếm. Trong kinh thì nộp cho triều đình, ở ngoài thì nộp cho các quan trấn để chuyển đệ. Trẫm sẵn lòng nghe theo lời nói phải để thi hành ra chính sự, mong đổi được tệ tục, làm được việc hay”.
 
Ngược dòng lịch sử về trước đó, khi vua Trần Dụ Tông lên ngôi, triều chính đất nước rối ren. Trong nội, vua ham mê tửu sắc, nóng nảy, nông cạn để mặc cho quyền thần liên kết hoành hành; bên ngoài, giặc giã dấy lên cướp bóc, sinh linh đồ thán. Thấy chính sự bê bối, nhà giáo Chu Văn An bất bình dâng Thất trảm sớ, xin chém 7 kẻ nịnh thần, đều là người quyền thế được vua dung túng. Dù bị vua Dụ Tông phớt lờ, tấu sớ của vị Tư nghiệp Trường Quốc Tử Giám đã gây chấn động triều đình cũng như còn lưu lại mãi với sử xanh.
 
Vẫn biết “trung ngôn” thường “nghịch nhĩ”, nhưng nếu không có những lời nói thẳng nói thật, không dám nhìn nhận cái thẳng cái thật, thì chắc chắn, dù là một cá nhân, một tổ chức hay một quốc gia đều không thể phát triển, tiến bộ một cách đích thực.
 
Chánh ngữ trong đạo Phật
 
Đức Phật xếp Chánh ngữ vào vị trí thứ ba trong Bát Chánh đạo, sau Chánh kiến và Chánh tư duy. Chánh ngữ thuộc khẩu nghiệp. Trong ba nghiệp của con người, khẩu nghiệp khó kiểm soát hơn thân nghiệp và ý nghiệp, bởi lời nói xuất phát từ những trạng thái tâm lý thường xuyên biến động theo thất tình.
 
Cũng như ý nghiệp và thân nghiệp, khẩu nghiệp có thiện, ác và không thiện, không ác (trung tính). Ái ngữ là những lời nhẹ nhàng, êm ái, hòa nhã… Vọng ngữ là những lời khiêu khích, đâm thọc, tráo trở, thêu dệt, chưa kể ác ngữ là ngôn từ thù hận… Ở đây chúng ta đang bàn về trung ngôn, thiện ngữ, những lời nói thẳng, nói thật với thiện ý.
 
Trong bài pháp cho năm anh em Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển, Đức Phật đã nói về Chánh ngữ như sau: “Chỉ được nói thật, không nên bịa đặt, không nên nói xấu người khác, phải kiềm chế sự vu khống, không nên buông những lời giận dữ và thóa mạ đến người khác, nên nói tốt và nhã nhặn với mọi người, không nên chìm đắm vào những chuyện gẫu vu vơ, ngu ngốc, mà chỉ nên nói những gì hợp lý và đúng vào vấn đề”. Tóm lại, Chánh ngữ là một trong tám tia sáng nhiệm mầu chiếu kiến đến tận cùng thể tánh, khai phóng năng lực nội tại, cho chúng ta thấu hiểu giá trị đích thực của chân lý và mục đích tối hậu của cuộc sống ngay thời hiện tại là thoát ly khổ não, sanh tử, luân hồi. Trong mười hạnh của Bồ-tát, Chánh ngữ chiếm đến bốn hạnh: 1.Nói lời chân thật. Không nói dối; 2.Không nói lời thêu dệt, vẽ vời; 3.Không nói lời điên đảo, hai chiều; 4.Không nói lời ác độc.
 
Lời nói có vai trò quan trọng trong cuộc sống, là phương tiện giao tiếp, truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm; bày tỏ tư tưởng và tâm lý, tình cảm, xúc cảm của con người. Chúng ta đang cần những lời nói thẳng để nhìn ra những vấn đề cần khắc phục, hoạch định kế sách ứng phó. Những lời xu nịnh, mỹ từ không làm thay đổi cục diện mà còn làm chúng ta chủ quan, dễ phạm sai lầm, tự mãn… Có thể khẳng định, những lời nói thẳng trong thời đại nào cũng là những liều thuốc đắng nhưng cần thiết cho sự phát triển xã hội.


Theo Nguyên Cẩn - GNO

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Chúng ta tưởng rằng, chúng ta tạo ra mạng xã hội là để chúng ta tự do hơn: tự do phát ngôn, tự do thể hiện quan điểm và suy nghĩ của mình, nhưng nhìn những điều đang diễn ra, chúng ta liệu có đạt được tự do thực sự và quan trọng hơn, là tìm kiếm được hạnh phúc?

  • Mấy chục năm qua, phê bình luôn được coi là khâu yếu nhất của nền văn nghệ. Nhẹ thì cũng là chưa theo kịp sự phát triển của phong trào sáng tác, không cắt nghĩa được sự phức tạp của các hiện tượng văn nghệ…

  • Có thể đội tuyển Nhật Bản không vô địch World Cup 2018 nhưng các cổ động viên của họ đã vô địch trên khán đài khi để lại ấn tượng đẹp về ứng xử cũng như hành động dọn sạch rác khu vực ghế ngồi.

  • Là một nghề gắn với viết lách, chữ nghĩa nên không có gì lạ khi nhiều nhà báo viết sách. Nhưng bản chất nghề báo là công việc liên quan đến thông tin nên sách của nhà báo ngoài sự đa dạng còn có một đặc thù riêng là luôn gắn với dòng chảy của thời sự, nhất là dòng thời sự liên quan đến chuyên môn của từng người.

  • Tạo tác và sử dụng mặt nạ là nét văn hóa vẫn sống động ở vùng Eo biển Torres của Australia. Những kiến thức lịch sử chứa đựng bên trong khiến chúng được mang đi trưng bày khắp thế giới. Nhưng điều đáng nói còn là câu chuyện ứng xử với truyền thống nơi đây.

  • Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong việc chung tay xây dựng lễ hội; tăng cường công tác phối hợp với các tỉnh tham gia tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng hằng năm. 

  • Trước giá trị di sản và thách thức do biến tướng, thương mại hóa trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ, tứ phủ, series phim Mẹ Việt - Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đã chính thức ra mắt cuối tuần qua. Theo bà Đàm Lan, Chủ nhiệm dự án phim, mỗi thước phim là hành trình lắng đọng tâm thức, tìm về văn hóa truyền thống, tín ngưỡng nội sinh của dân tộc Việt.

  • Với những thay đổi về ưu đãi tuyển sinh, mùa tuyển sinh 2017-2018 số lượng học sinh, sinh viên thi vào ngành Âm nhạc dân tộc (ANDT) cũng tăng hơn những năm trước. Đây là tín hiệu mừng của sự thay đổi hợp lý ở khâu tuyển sinh cho các ngành “hiếm muộn”.

  • Nói đến nạn sách lậu, ai cũng biết vì đây là câu chuyện “xưa như Trái Đất.” Xong dường như câu chuyện xưa cũ này càng ngày càng dài, nội dung, tình tiết càng phức tạp và làm “phiền lòng” không chỉ cộng đồng yêu sách mà cả các cơ quan chức năng.

  • Tại hội thảo khoa học chuyên đề “Những tinh hoa sân khấu cải lương thể hiện qua các vai diễn về đề tài lịch sử” vừa tổ chức tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM, những nghệ sĩ, nhà giáo, nhà lý luận phê bình sân khấu kỳ cựu, đều có chung nhận định: “Cải lương không thể chết!”.

  • “Ký ức Hội An” - chương trình biểu diễn thực cảnh hoành tráng trên một sân khấu mới được xây dựng rất quy mô tại cồn bắp Cẩm Nam (cồn Ga Mi), sông Hoài, TP Hội An đang vấp phải phản ứng của người dân, nhà nghiên cứu và những người yêu mến phố cổ này. Một lần nữa, câu chuyện về xung đột giữa bảo tồn và phát triển lại được đặt ra, mà nguyên nhân chính là không tôn trọng văn hóa bản địa.

  • Khi nhắc tới sân khấu kịch, người ta thường nghĩ tới ánh hào quang, trang phục lộng lẫy và hóa trang cầu kỳ. Thực tế, nghệ thuật kịch có thể được ứng dụng hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục, qua đó kích thích các khả năng tiềm ẩn của học sinh.

  • “Thời gian gần đây, việc xây dựng, trưng bày tượng, biểu tượng có nội dung và hình thức không phù hợp với văn hóa Việt Nam tại một số cơ quan, đơn vị, khu du lịch và địa điểm công cộng, tác động không tốt đến môi trường văn hóa, thị hiếu thẩm mỹ của cộng đồng và xã hội.”

  • Xả rác bừa bãi nơi công cộng; đua xe, lạng lách; văng tục, chửi thề; chen lấn, xô đẩy khi tham gia các dịch vụ công cộng; phá hoại, bôi bẩn các công trình công cộng;…là những hình ảnh xấu xí của không ít người trẻ hiện nay, và trở thành nỗi trăn trở của nhiều lãnh đạo TP HCM trong quá trình xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

  • Các công trình nghệ thuật công cộng là thành phần không thể thiếu trong quy hoạch và kiến trúc của một đô thị hiện đại. Thế nhưng “ranh giới” trong quan điểm, nhận thức tạo hình mỹ thuật cùng với tâm lý sính ngoại đã ít nhiều làm không gian công cộng biến dạng.

  • Ai đó nói, thời buổi giờ chỉ có ngành du lịch tâm linh, hay kinh doanh tâm linh là ăn nên làm ra, bỏ ra một đồng tức khắc có bốn đồng chảy ngược vào túi. Mà là tiền tươi, thóc thật, là tiền sạch nói như ngôn ngữ thời thượng - đồng “tiền hữu cơ”.

  • Ngày nay bất kì sự sáng tạo nghệ thuật ở phân mảnh nào cũng bắt đầu bằng tiền và kết thúc bằng tiền theo quy luật thị trường.

  • Năm hết. Tết đến. Người ta đôi khi chạnh lòng nghĩ “nên làm gì?”.

  • Do đời người có hạn, không ai có thể “trường sinh bất tử” nên có thể nói “quỹ thời gian” mỗi con người có giá trị cao nhất. Thời gian quy định sự sống của con người, buộc mỗi người phải biết sống. Người biết sống chính là người biết “sống nhanh, sống chậm”.

  • Có những thứ sẽ dần trôi tuột theo năm tháng, guồng quay của cuộc sống hiện đại có thể đã làm biến đổi phần nào giá trị của Tết. Nhưng nếu biết lắng lại, nghĩ khác đi thì Tết dường như vẫn luôn vẹn nguyên trong tâm thức mỗi người.