Những Cuốn sách tôi đã đọc hồi còn bé [1]

09:02 04/10/2011
HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNGNhững cuốn sách đã giữ một vị trí đặc biệt trong thế giới tuổi thơ của tôi; trước hết là những sách giáo khoa tôi đã học trong những ngôi trường đầu tiên của đời mình, dưới thời Pháp thuộc.

Hoàng Phủ Ngọc Tường (trái) và Nguyễn Trọng Tạo năm 1986 - Ảnh: TL

Dù trong hoàn cảnh đất nước bị nô lệ, và dù những hạn chế hiển nhiên của chúng, tôi cho rằng những nhà sư phạm thời đó đã soạn ra những sách "giáo khoa thư" không đến nỗi tồi. Những bài vở trong đó thí dụ như "Ai bảo chăn trâu là khổ", như "Chốn quê hương đẹp hơn cả", từ bao giờ đã ràng buộc tâm hồn tôi với cái mảnh đất nguồn cội ấy của mỗi người Việt Nam, gọi là "làng", dù cho đến lúc đó, tôi chưa bao giờ nhìn thấy làng tôi cả. Cũng như thế, những bài khác đã dạy cho tôi, bằng một giọng mộc mạc nhưng gây ấn tượng mạnh về lòng biết ơn cha mẹ và thầy giáo, về tình bạn, v.v... Riêng bài ca dao "Con cò mà đi ăn đêm" thì ở mỗi độ tuổi của đời người tôi lại cảm nhận một cái hay riêng của nó, và cho đến bây giờ, tôi cảm thấy rằng tôi vẫn chưa đi thấu tận cùng vẻ đẹp của bài học thuộc lòng thuở nhỏ ấy. Đọc bài thơ "Quê Hương" của Giang Nam, tôi nhận ra rằng những trang sách thời thơ ấu xa xôi kia vẫn tiếp lục giữ sức nuôi dưỡng lâu dài của nó, để cuối cùng phát triển thành tình cảm lớn của nhà thơ. Nói điều này, tôi chỉ muốn lưu ý thêm một chút, về tầm quan trọng của việc chọn và soạn các sách giáo khoa dùng ở các trường phổ thông cơ sở, đặc biệt là cho học sinh cấp I. Bởi vì những cuốn sách "Tiếng Việt" đó, không phải chỉ là tập đọc, chính tả và ngữ pháp, mà còn đưa các em ngay từ phút đầu, tiếp cận với cái mà sau này chúng sẽ hiểu là "văn học". Cách đây ba năm, cháu bé của tôi vào lớp Một, và tôi thường giúp cháu trên cuốn sách học vần của cháu. Tôi nhớ có một bài học đại để như thế này: "Bé có ba vỏ hến, chú Tư cho Bé sáu vỏ hến, vậy Bé có chín vỏ hến". Bài học có tranh minh họa hẳn hoi, ôi, những chiếc vỏ hến! Tôi không hiểu chú Tư và những vỏ hến kia sẽ giúp ích gì cho tâm hồn của các cháu, trong khi một năm trước đó, ở mẫu giáo, các cháu đã biết dùng màu để vẽ những bông hoa. May mà những bài học vô lý kiểu ấy đã bị loại bỏ khỏi những sách giáo khoa mới. "Tôi đã học văn như thế nào?" Theo tôi, câu trả lời đúng cho mọi người sẽ là: "Tôi đã học văn trước tiên từ chính bài học chữ cái vỡ lòng của tôi".

Tuổi đọc sách của tôi bắt đầu vào những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Gia đình tôi rời Huế về sống ở vùng kháng chiến, giữa một thung lũng yên tĩnh ở miền rừng núi tỉnh Quảng Trị cũ. Có người anh ở làng lên chơi, mang cho tôi mượn một chồng sách, thuộc tủ "Sách Hồng" và "Truyền Bá". Tôi vừa rời một ngôi trường Pháp, lần đầu tiên tôi thực sự tiếp xúc với văn học qua hai tủ sách thiếu nhi ấy; và tôi đã bị cuốn hút hoàn toàn vào thế giới tuổi thơ, mà tôi cảm thấy thực sự là thế giới của tôi. Tôi mê sách đến độ mỗi tháng một lần, tôi lại theo ba hoặc mẹ tôi về làng, đến nhà bác tôi để đổi lấy sách mới. Làng tôi ở vùng sâu gần thị xã: từ vùng tự do về, chúng tôi phải vượt đường quốc lộ vào ban đêm, phải mặc màu trắng để nằm lẫn vào những đụn cát mỗi khi gặp xe tuần tiểu của địch. Nhà bác tôi ở nông thôn, không hiểu sao lại nhiều sách đến thế, cơ man nào là sách thiếu nhi thành một kho dự trữ vô tận cung cấp món ăn tinh thần cho tôi suốt hơn ba năm tôi sống ở miền rừng hẻo lánh. Thường ngày khi nắng lên, tôi ôm một bó sách băng qua đồi, đến nơi đọc sách riêng của tôi: ấy là một khu mộ cổ im mát suốt ngày dưới bóng những cây cổ thụ, nằm giữa một cánh rừng sim muồng và trăm thứ quả dại đầy mật ngọt, tôi tha hồ ăn cho đến cuối mùa thu. Chính nơi cái "thư viện" hoang dã đó, tôi đã ngốn hầu hết các sách thiếu nhi xuất bản hồi tiền chiến, với những tác giả mà trong lặng lẽ, đã trở thành những bậc thầy của tâm hồn tôi: Xuân Diệu, Thâm Tâm, Thạch Lam, Tô Hoài, v. v... Ai đã đọc đều biết, toàn bộ hai tủ sách ấy đều gồm những phóng tác các truyện cổ dân gian, sự tích các anh hùng dân tộc kể theo dạng truyền thuyết, truyện loài vật và những câu chuyện đời có ngụ ý giáo dục. Tôi nhớ đặc điểm riêng của hai tủ sách đó: Sách Hồng thường tươi vui nhẹ nhàng, và sách Truyền Bá, in trên giấy gió, chứa đựng những tình đời, tình người hơi bùi ngùi nhưng bao giờ cũng đầy ưu ái, nhân hậu, làm tôi nhớ lâu. Trong số này, có hai tác phẩm đều là của Tô Hoài, có lẽ đã phát động ở nơi tôi những nét của tính cách lâu dài về sau: "Con chim gi sừng", đã đánh thức một lần và mãi mãi trong tôi nỗi ước mơ được đi khắp đất nước, và "Dế Mèn phiêu lưu ký" giúp tôi phát hiện tình bạn như một sức mạnh kỳ diệu của tâm hồn.

Do đọc nhiều, trí phán đoán từ lúc nào cũng đã hình thành trong tôi, đầu tiên là dưới dạng trực giác nhậy cảm. Truyện "Chú Bé Tý hon" của Pe-rôn [2] làm tôi thích thú về trí thông minh tuyệt vời của chú, nhưng tôi lại thấy ghê rợn khi nghĩ rằng ở đâu đó lại có những bố mẹ vì nghèo đói đã tìm mọi cách phĩnh con, đem thả chúng vào rừng để giành lấy phần ăn về mình. Còn cái ông Quách Cự người Tàu trong truyện Nhị Thập Tứ Hiếu - do mẹ tôi kể lại - thì cũng vì đói, đã đem chôn sống con để giành phần bánh nuôi mẹ; chuyện này cũng làm tôi vừa cảm động vừa ớn xương sống. Tôi liên hệ hai cảnh đói đó với hoàn cảnh trong truyện Dế Mèn: khi đói quá sắp chết thì Dế Dũi đã đưa càng cho Dế Mèn đề nghị bạn ăn lấy thịt mình để mà sống. Tôi nhận ra rằng chính Mèn và Dũi mới là nhân vật của tâm hồn tôi, đã làm tôi chảy nước mắt.

Trước khi tạm biệt khu rừng này, tôi muốn giới thiệu một nét riêng về nó, có liên quan đến câu chuyện tôi đang trình bày: đó là một vùng đồi và thung lũng đẹp nhất mà tôi đã từng sống, dù rằng sau này tôi đã có dịp trải qua gần mười năm sống với rừng núi thời chống Mỹ. Hồi chiến tranh đó, giặc Pháp ít khi càn lên vùng này, pháo và bom cũng hầu như không có, tuổi thơ của tôi cứ việc sa đà với thiên nhiên quanh tôi. Tôi gia nhập vào một cộng đồng xã hội mới là những bạn nhỏ chăn bò, mùa xuân đi bẫy chim, mùa hạ lang thang ăn trái chín trên đồi, mùa thu đặt lờ bắt cá dọc những con suối và mùa đông mang tơi lá đi hái nấm dưới những bụi cây muồng. Tôi không bao giờ quên được cái mặt hồ xanh biếc ấy trong thung lũng xóm Mộ, nơi tôi và lũ bạn ngồi lại nhóm lửa nướng ăn những vật nhỏ săn bẫy được, vừa ngắm bóng những đàn chim trời lặng lẽ bay qua mặt nước. Cũng không bao giờ tôi tìm thấy lại được ở bất cứ một nơi nào khác, những đêm trăng vằng vặc ấy, mấy chị em tôi nép mình sau những gốc sim mải mê ngồi xem đàn thỏ rừng nhảy múa dỡn trăng trên thảm cỏ bát ngát của cái vườn hoang nọ... Thiên nhiên trong cuộc vận động mùa màng kỳ ảo của nó đã in vào tâm hồn thơ bé của tôi một dấu ấn không bao giờ phai mờ; và sau này trở thành một tình cảm bầu bạn không thể thiếu được khi tôi suy nghĩ về một mảnh đất. Dù có một vài người nghĩ khác, tôi vẫn quả quyết rằng thói quen chăm chú theo dõi các cảnh tượng của tạo vật là một thái độ có ích đối với nhà văn, bởi vì thiên nhiên sẵn sàng mang đến vô vàn những thông tinh về cái đẹp của vũ trụ, và thẩm mỹ là một trong những chức năng của văn học. Nhưng không phải chỉ có cái đẹp ngoại vật, thiên nhiên là yếu tố thống nhất biện chứng với ý niệm về Tổ quốc, với tình yêu Tổ quốc, thiên nhiên chính là diện mạo sâu thẳm của Tổ quốc.

Cho phép tôi quay lại với câu chuyện về những cuốn sách của tôi.

Năm thứ ba của cuộc kháng chiến chống Pháp, tôi theo gia đình về sống ở làng quê, làng tôi bấy giờ đã trở thành khu hoạt động của du kích. Tôi trở lại tiếp tục việc học ở một ngôi trường đặt trong một cái đình làng cổ tại thị trấn Chợ Sãi; mỗi lần đi về, chúng tôi luôn luôn được các chú tự vệ hướng dẫn đúng vị trí an toàn để vượt qua cái hàng rào chiến đấu ngăn cách giữa làng tôi và khu vực địch kiểm soát. Tôi giữ mãi suốt đời hình ảnh người thầy giáo dạy tôi năm ấy, khuôn mặt vuông và gầy, da trắng xanh, giọng nói hết sức dịu dàng và cái nhìn thật buồn. Thường thầy tôi vẫn mang theo một em bé gái, để cho nó nói bi bô và chạy vòng quanh trong lớp. Đó là đứa con duy nhất còn lại của thầy tôi, vợ và các con khác của thầy đã bị giặc Pháp bắn chết trong một làng quê ở Vĩnh Linh. Tôi ngồi ở bàn đầu, ngay trước mặt của thầy; có hôm cả lớp đang cắm cúi làm toán, tôi chợt nghe mấy tiếng "tôc, tôc" rất khẽ. Tôi ngẩng lên nhìn: từ đôi mắt buồn bã của thầy tôi, những giọt nước mắt lăn tròn, rơi xuống quyển sổ gọi tên. Tôi hiểu, đó là vết thương chiến tranh đang chảy máu trong trái tim thầy. Từ đó, những ngày chủ nhật tôi thường lên nhà thầy để chơi đùa với em bé con thầy. Hôm ấy, thầy dúi vào tay tôi một cuốn sách nhỏ, và dặn: "Ở dưới ấy (ở làng tôi) hãy đọc cẩn thận, Tây nó nghi". Đó là cuốn "Thù nhà nợ nước" của nhà văn Lý Văn Sâm. Tôi mang về đọc luôn một hơi, hôm sau mang trả thầy tôi và xin mượn cuốn khác. Chẳng bao lâu, thầy tôi đã hết sách đề cho mượn. Thấy tôi quá ham đọc sách, thầy cho tôi tiền để tôi lên thị xã tự tìm mua lấy. Tôi dò theo bảng danh mục ghi các cuốn sách đã xuất bản và sách "đón đọc", tôi mua và đọc không sót cuốn nào của Nhà xuất bản Tân Việt Nam: Thù nhà nợ nước, Mười năm nuốt hận, Mây trôi về Bắc, Bên kia phòng tuyến Pháp, Mẹ cũng chết vì tổ quốc, Xin đắp mặt tôi mảnh lụa hồng... hầu hết đều là của Lý Văn Sâm. Tất cả tủ sách đó đều chỉ có một đề tài, về cuộc kháng chiến chống Nhật và chống Pháp ở Nam Bộ, không hiểu bằng cách nào vẫn xuất bản công khai đều đều ở Sài Gòn hồi đó. Lại giống như cảnh băng qua đường quốc lộ ban đêm mấy năm trước, bây giờ tôi lòn qua hàng rào chiến đấu, hoặc là chạy băng đồng qua những cuộc càn của Pháp, luôn luôn với những cuốn sách Lý Văn Sâm trong tay. Nhưng bây giờ tôi đã là độc giả của những cuốn sách thiếu nhi khác, trong đó tất cả nhân vật đều lao mình trong lửa khói của cuộc kháng chiến đang diễn ra quanh tôi hàng ngày. Rồi một buổi tối, một chú cán bộ vào nhà, gọi tôi giao nhiệm vụ: dùng bước chân để đo chiều dài, rộng của trụ sở quận lỵ Triệu Phong của địch. Tôi làm việc đó một cách dễ dàng, vẽ cả bản sơ đồ bố trí của địch quanh căn cứ và nộp cho chú chỉ nội trong tối hôm sau. Vâng, tôi là một độc giả đã trưởng thành.

Nhớ năm ấy ở trên rừng, nghe đài phát thanh giới thiệu Hội Văn nghệ Giải Phóng có tên nhà văn Lý Văn Sâm làm Tổng thư ký tôi đã kêu lên một tiếng vui mừng tưởng như gặp lại người cũ vừa thoát ly kháng chiến. Anh em quây lại yêu cầu tôi giới thiệu về nhà văn, và đều chưng hửng khi nghe tôi trả lời: "Tôi chưa hề biết nhà văn Lý Văn Sâm là ai cả, ngoài những cuốn sách thiếu nhi của ông tôi đã đọc cách đây hai mươi năm". (Nhân đây, tôi xin phép nói thêm một điều: với tư cách độc giả trung thành, tôi vẫn mong đợi một tuyển tập Lý Văn Sâm; lý do là văn học dành cho thiếu nhi về cuộc kháng chiến chống Pháp quả thật là hiếm hoi).

- "Tôi đã học văn như thế nào?". Thực tình là hồi ấy tôi chưa bao giờ có ý học để làm văn cả. Tôi chỉ đọc sách theo nỗi ham mê hồn nhiên, và may mắn thay tôi đã gặp được những cuốn sách tốt (dù chỉ là tốt ở một vài mặt nào đó đi nữa), theo tôi nghĩ. Những cuốn sách đó, phù hợp với trình độ tiếp thu của tôi ở từng lứa tuổi, đã nói với tôi một cách dịu dàng, về lòng nhân hậu biết yêu thương con người tình yêu lẽ phải, dần dần đi đến tình cảm yêu quý và kính trọng đối với Tổ quốc và nhân dân của của mình. Để trở thành nhà văn, tất nhiên là còn phải làm nhiều việc khác, phải được đào tạo ở nơi mà Mắcxim Goócki từng gọi là "trường đại học" của ông chính là thực tiễn CUỘC SỐNG, và còn phải lao động nghệ thuật, vân vân... Nhưng ở bất cứ nhà văn chân chính nào, tôi cũng đều nhìn thấy những nét lớn đó của nhân cách, là lý tưởng Tổ quốc và chủ nghĩa nhân đạo.

Và như vậy thì những cuốn sách tốt luôn luôn là ngọn gió góp lại từ bốn phương, để đem gieo vào tâm hồn người đọc trẻ tuổi của chúng những hạt giống quý không chờ đợi, những "mầm mống văn học". Hóa ra tôi chỉ nói chuyện về tuổi thiếu nhi thôi sao? Vâng, nhưng mà Lép Tôn-xtôi đã từng nói với sự cường điệu cố ý, rằng tất cả những tri thức thu thập được trong quãng đời về sau của ông thì chẳng có gì quan trọng hơn so với những gì ông đã hiểu biết được trong thời thơ ấu.

Huế tháng 11-1985
H.P.N.T
(17/2-86)


--------------------
(1) Trong loạt bài cộng tác của các nhà văn với Sở Giáo dục Nghĩa Bình dưới đề tài "Tôi đã học văn như thế nào?"
(2) Nhà văn viết truyện thiếu nhi Pháp (1628 - 1703)












Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • NGUYỄN GIA NÙNGCả cuộc đời và sự nghiệp văn thơ của Cao Bá Quát là một chuỗi dài những bi kịch của cuộc tìm kiếm không ngừng, không nghỉ về lẽ sống ở đời, về vai trò của văn thơ nói riêng, về kẻ sĩ nói chung. "Mình là ai?" "Mình có thể làm được gì? Làm thế nào để có thể tự khẳng định mình và có thể giúp ích được cho đời?" Có thể nói những câu hỏi ấy luôn trăn trở, dằn vặt trong con người Cao Bá Quát từ khi tự ý thức được tài năng của mình cho đến lúc từ giã cõi đời mà vẫn chưa tìm được lời giải đáp trong một chế độ đầy rẫy bất công, phi lý mà mọi con đường để thoát ra, với ông, đều mờ mịt và chính ông, dù đã cố công tìm, bế tắc vẫn hoàn toàn bế tắc.

  • THẠCH QUỲBài thơ Đây thôn Vĩ Dạ được tuyển chọn để giảng dạy ở trường phổ thông vài chục năm nay. Đó cũng là bài thơ xuất sắc được bạn đọc cả nước yêu mến. Tuy vậy, cho đến hôm nay, cái hình ảnh “Mặt chữ điền” đầy sức quyến rũ và ám ảnh ấy vẫn chưa được nhận chân, nhận diện một cách chính xác.

  • HỒ THẾ HÀNhư một quy luật hiển nhiên, có sáng tác văn học thì sớm muộn gì cũng có phê bình văn học và lý luận văn học, càng về sau, có thêm các phương pháp nghiên cứu, phê bình văn học - với tư cách là trường phái, trào lưu nối tiếp nhau nhằm tiếp cận và giải mã tác phẩm ngày một đa dạng, tối ưu, hiện đại để không ngừng làm đầy những giá trị và ý nghĩa chỉnh thể của tác phẩm văn học.

  • PHONG LÊTrong văn học Việt Nam, trước trào lưu hiện thực, hình ảnh người trí thức đã có mặt trong khuynh hướng lãng mạn của Tự lực văn đoàn. Đó là các nhân vật trong vai điền chủ, luật sư, quan lại - có vốn tri thức và có chút băn khoăn, muốn nhìn xuống nỗi khổ của những người dân quê, và mong thực hiện một ít cải cách cho đời sống họ đỡ tối tăm và đỡ khổ.

  • MÃ GIANG LÂNCách nhân bản thơ, xuất bản thơ bằng "công nghệ sạch" của loài người có từ ngày xửa ngày xưa dưới hình thức ngâm thơ và đọc thơ. Người Việt chúng ta ngâm thơ là truyền thống. Tiếng Việt nhiều thanh, giàu tính nhạc, giọng ngâm có sức vang, sức truyền cảm.

  • TRIỀU NGUYÊN1. Chương trình Văn học lớp 11, chỉnh lí năm 2000, phần tác giả Cao Bá Quát, bài Đề sau khúc Yên Đài anh ngữ của ông đô sát họ Bùi, giảng một tiết, được thay bằng bài Dương phụ hành (Bài hành về người thiếu phụ phương Tây). Cả sách học sinh và sách giáo viên đều không có chú thích gì về "hành", ngoài cách chuyển y khi dịch sang tiếng Việt như vừa ghi.

  • ĐIỀN THANHAndy Warhol nổi tiếng là người đùa rỡn với chuyện danh tiếng, nhưng niềm say mê của ông với sinh hoạt hiện đại có hàm chứa một không gian tối xám hơn nhiều. Đó là việc ông bị ám ảnh bởi cái chết, điểm này cho mỗi chúng ta biết nhiều nhất về tinh thần của thời đại ngày nay…

  • ĐINH VŨ THUỲ TRANGThời Đường là thời đại cực thịnh của dân tộc Trung Hoa về mọi mặt, trong đó có thơ ca. Câu nói này có vẻ sáo mòn nhưng không thể không nhắc đến khi nhìn vào những trang sử vàng son ấy. Chúng ta biết đến ba nhà thơ lớn đời Đường là Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị... Nhưng phải nói rằng, chỉ đọc thơ của họ thì chưa thấy hết được cái hay của thơ Đường. Bởi lẽ, các nhà thơ tuy cùng khuôn luật, cùng chủ đề... nhưng mỗi người đều riêng khác nhau.

  • LÝ HOÀI THUSự vận động và phát triển của một giai đoạn văn học luôn diễn ra song hành cùng sự vận động và phát triển của các loại thể văn học. Nói một cách khác: sức sống của một giai đoạn văn học được biểu hiện rõ rệt nhất qua diện mạo thể loại. Chính vì vậy, thể loại vừa là sự "phản ánh những khuynh hướng lâu dài và hết sức bền vững của văn học" (1) vừa là sự hồi sinh và đổi mới liên tục qua mỗi chặng đường phát triển.

  • INRASARA (Tiếp theo Sông Hương số 245 tháng 7-2009)

  • HÀ VĂN THỊNH Những cái tên - có lẽ không giản đơn như cách nói của người Nga - " Người ta gọi tôi là...”  Ở đây, lớp vỏ của ngôn từ chỉ diễn tả một khái niệm mù mờ nhất của một lượng thông tin ít nhất.Trong khi đó, có bao giờ ta nghĩ rằng một cái tên, không ít khi hàm chứa thật nhiều điều - thậm chí nó cho phép người khác biết khá rõ về tính cách, khả năng và ngay cả một phần của số phận của kiếp người?

  • HÀ VĂN LƯỠNG1. Ivan Bunhin (1870-1953) là một nhà văn xuôi Nga nổi tiếng của thế kỷ XX. Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông trải qua những bước thăng trầm gắn với nhiều biến động dữ dội mang tính chất thời đại của nước Nga vào những năm cuối thế kỷ XIX và mấy chục năm đầu thế kỷ XX.

  • LÊ THÀNH NGHỊCâu hỏi “ta là ai?”, “ta vì ai” nổi tiếng của Chế Lan Viên tưởng đã tìm ra câu trả lời có chứa hạt nhân hợp lý của thời đại trong thơ chống Mỹ đã không còn đủ sức ôm chứa trong thời kì mới, khi nhu cầu xã hội và cá nhân đã làm thức tỉnh cái tôi trữ tình của người làm thơ. Nhu cầu xã hội thường là những gì bức thiết nhất của thực tại, do thực tại yêu cầu. Chẳng hạn, thời chống Mỹ đó là độc lập tự do của dân tộc. Tất cả những hoạt động tinh thần, trong đó có sáng tác thơ văn, nếu nằm ngoài “sự bức thiết thường nhật” này không phù hợp, không được đón nhận... và vì thế không thể phát triển. Kể từ sau năm 1975, đặc biệt là sau 1986, với chủ trương đổi mới, trong xã hội ta, nhu cầu bức thiết nhất, theo chúng tôi là khát vọng dân chủ.

  • LÝ TOÀN THẮNG“Văn xuôi về một vùng thơ” là một thể nghiệm thành công của Chế Lan Viên trong “Ánh sáng và phù sa”, về lối thơ tự do, mở rộng từ thấp lên cao - từ đơn vị cấu thành nhỏ nhất là Bước thơ, đến Câu thơ, rồi Đoạn thơ, và cuối cùng là cả Bài thơ.

  • INRASARA1. Đó là thế hệ thơ có một định phận kì lạ. Người ta vội đặt cho nó cái tên: thế hệ gạch nối, thế hệ đệm. Và bao nhiêu hạn từ phái sinh nhợt nhạt khác.Đất nước mở cửa, đổi mới, khi văn nghệ được cởi trói, nhà thơ thế hệ mới làm gì để khởi sự cuộc viết? Cụ thể hơn, họ viết thế nào?

  • VÕ VĨNH KHUYẾN Tiểu luận nhằm tìm hiểu thành tựu thơ ca trong khoảng 16 tháng giữa 2 cột mốc lịch sử (19.8.1945 - 19.12.1946). Bởi khi phân chia giai đoạn văn học nói chung (thơ ca nói riêng) trong tiến trình lịch sử văn học, các công trình nghiên cứu, các giáo trình ở bậc Đại học - Cao đẳng và sách giáo khoa trung học phổ thông hiện hành, không đặt vấn đề nghiên cứu thơ ca (cũng như văn học) nói riêng trong thời gian này. Với một tiêu đề chung "Văn học kháng chiến chống Pháp 1946 - 1954". Đây là nguyên do nhiều sinh viên không biết đến một bộ phận văn học, trong những năm đầu sau cách mạng.

  • HỒ THẾ HÀ1. Diễn đàn thơ được tổ chức trên đất Huế lần này gắn với chương trình hoạt động của lễ hội Festival lần thứ 3, tự nó đã thông tin với chúng ta một nội dung, tính chất và ý nghĩa riêng. Đây thực sự là ngày hội của thơ ca. Đã là ngày hội thì có nhiều người tham gia và tham dự; có diễn giả và thính giả; có nhiều tiếng nói, nhiều tấm lòng, nhiều quan niệm trên tinh thần dân chủ, lấy việc coi trọng cái hay, cái đẹp, cái giá trị của nghệ thuật làm tiêu chí thưởng thức, trao đổi và tranh luận. Chính điều đó sẽ làm cho không khí ngày hội thơ - Festival thơ sẽ đông vui, phong phú, dân chủ và có nhiều hoà âm đồng vọng mang tính học thuật và mỹ học mới mẻ như P.Valéry đã từng nói: Thơ là ngày hội của lý trí (La poésie est une fête de l'intellect).

  • THẠCH QUỲThơ đi với loài người từ thủa hồng hoang đến nay, bỗng dưng ở thời chúng ta nứt nẩy ra một cây hỏi kỳ dị là thơ tồn tại hay không tồn tại? Không phải là sự sống đánh mất thơ mà là sự cùn mòn của 5 giác quan nhận thức, 6 giác quan cảm nhận sự sống đang dần dà đánh mất nó. Như rừng hết cây, như suối cạn nước, hồn người đối diện với sự cạn kiệt của chính nó do đó nó phải đối diện với thơ.

  • NGUYỄN VĨNH NGUYÊNNhững năm gần đây, người ta tranh luận, ồn ào, khua chiêng gõ mõ về việc làm mới văn chương. Nhất là trong thơ. Nhưng cái mới đâu chẳng thấy, chỉ thấy sau những cuộc tranh luận toé lửa rốt cục vẫn là: hãy đợi đấy, lúc nào đó, sẽ... cãi tiếp...

  • TRẦN VĂN LÝAi sản xuất lốp cứ sản xuất lốp. Ai làm vỏ cứ làm vỏ. Ai làm gầm cứ làm gầm. Nơi nào sản xuất máy cứ sản xuất máy. Xong tất cả được chở đến một nơi để lắp ráp thành chiếc ô tô. Sự chuyên môn hoá đó trong dây chuyền sản xuất ở châu Âu thế kỷ trước (thế kỷ 20) đã khiến cho nhiều người mơ tưởng rằng: Có thể "sản xuất" được thơ và sự "mơ tưởng" ấy vẫn mãi mãi chỉ là mơ tưởng mà thôi!