Lữ Mai là một trong những gương mặt thơ nữ thế hệ 8X được nhiều người biết.
Mới đây chị đã thử sức ở thể loại trường ca và ra mắt tập “Ngang qua bình minh”. Tác phẩm đã đạt hạng Ba giải thưởng Sáng tác về biên giới, biển đảo giai đoạn từ 1975 đến nay của Hội Nhà văn Việt Nam.
Người lính trên đảo Trường Sa Đông.
- Chị có thể chia sẻ về trường ca “Ngang qua bình minh” của mình?
Nhà thơ Lữ Mai: Tôi đã khởi viết trường ca “Ngang qua bình minh” trong những ngày ở nhà thực hiện giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19. Tôi có những bài thơ, truyện ngắn về đề tài Covid-19, nhưng tác phẩm dài hơi hơn là trường ca về người lính biển.
Covid-19 vẫn có dấu ấn ở đó. Khi trong đất liền hoang mang, thậm chí là hoảng loạn… thì tôi nhận được những cuộc gọi điện thăm hỏi từ những người lính biển đang làm nhiệm vụ nơi tiền tiêu của Tổ quốc.
Năm nay, do dịch bệnh, không có đoàn công tác nào được ra thăm biển, đảo. Vừa thiếu hơi ấm đất liền, vừa phải đảm đương, nỗ lực trước bao nhiệm vụ quan trọng, nhưng người lính lại dành niềm thương mến nhất để gửi về phía đất liền.
Một người lính làm nhiệm vụ nơi tiền tiêu, cả gia đình phải sống cảnh xa cách, thiếu thốn tình cảm. Vậy nhưng, trái tim, nhiệt huyết của họ chưa khi nào vơi cạn, họ không chỉ dành tình cảm cho gia đình mà cho cả chúng tôi – những người thoáng gặp ở hải trình ngắn ngủi. Đó là cảm hứng, là động lực nhen nhóm trong tôi giữa ngày tháng căng thẳng vì dịch bệnh.
Nhà thơ Lữ Mai.
- Chị còn nhớ hành trình đầu tiên của mình đến với những người lính biển?
Thực tế, trước khi ra Trường Sa, Nhà giàn DK1, khi còn là sinh viên, tôi đã có những cuộc gặp gỡ với các cựu chiến binh, kỹ sư có đóng góp cho biển, đảo. Đó là những nguyên mẫu rất đẹp trong nhiều bài báo của tôi.
Trong số họ, tôi nhớ Đại tá, PGS.TS Phạm Ngọc Nam, người được đồng nghiệp và nhân dân gọi với cái tên thân thuộc là “ông nhà giàn”. Ông thuộc lớp người tiên phong trong thiết kế, thi công Nhà giàn DK1, sống đằng đẵng nhiều chục năm xa nhà để cống hiến cho Tổ quốc.
Ngày ấy, ông đã chia sẻ với tôi rất nhiều kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi thanh xuân dành cho đất nước, trong đó có những tập nhật ký, những tập thơ viết cho gia đình. Tôi nhiều lần rơi nước mắt trước trang viết ông gửi đến người vợ trẻ, con thơ trong ngôi nhà vắng bóng người chồng, người cha. Mỗi lần tôi đến thăm ông, vợ ông cứ mủm mỉm cười nhưng đôi mắt thì đọng nước.
- Chuyến đi Trường Sa có những kỉ niệm nào đáng nhớ?
Năm 2019, tôi mới có chuyến công tác ra quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Kể ra thì nhiều kỷ niệm lắm, tới bây giờ, mọi cảm xúc và hình ảnh vẫn chất ngất trong tôi đến mức hễ ai đó gợi nhắc về biển, đảo lại như có một cơn “say sóng” đầy lên, chiếm hữu lấy tôi.
Tôi nhớ nhất khi đặt chân tới quân cảng Cam Ranh, những người lính đi đón đoàn gọi chúng tôi là “đồng chí”. Khi ấy, tôi có cảm giác tất cả hòa vào một, mình cũng như một người lính, đứng chung hàng ngũ với các anh.
Bố tôi là người lính trở về từ chiến trường Campuchia. Ông là thương binh, sau chiến tranh cứ mải mê trồng cây, xây nhà và viết nhật ký - những công việc tưởng như bình thường nhưng trong chiến tranh thì khó ai làm nổi.
Ký ức đẹp đẽ nhất của bố tôi đó là những ngày bình yên hiếm hoi bên một ngôi làng biển ở nước bạn, được thấy người dân đan lưới và ra khơi, được bà con mở lòng chiêu đãi bữa tiệc toàn tôm, cá.
Bố tôi luôn nói, biển đảo đẹp vô cùng và các con nhất định phải cảm nhận được vẻ đẹp bất tận đó. Tôi đến với biển nhiều lần, trong các cuộc dã ngoại, nghỉ mát… nhưng vẻ đẹp thẳm sâu mà bố tôi nói đến, tôi chỉ thực sự chạm được khi đến với Trường Sa.
- Tôi cũng đã đọc nhiều tác phẩm của chị sau chuyến đi Trường Sa. Chủ yếu là ghi chép và tản văn, một vài bài thơ ngắn. Nhưng “Ngang qua bình minh” là trường ca. Lần đầu chị thử sức với thể loại này, cảm xúc của chị ra sao?
Tôi luôn khao khát viết một tác phẩm dài hơi về người lính biển và thú thực, kể cả với trường ca này, tôi cũng chưa thật hài lòng. Tôi nghĩ mình cần viết dài, viết sâu hơn nữa. Vấn đề về thể loại, tôi không nghĩ nhiều, mà chỉ đau đáu làm sao viết ra những điều thật nhất, gần nhất với suy nghĩ của mình, với thực tế đang diễn ra. Một hải trình đi biển chỉ mười mấy ngày thôi, nhưng “hải trình” sau đó hiện hữu trong cuộc sống của tôi thì tới giờ vẫn thổn thức.
Khi tôi tham gia tổ chức Tết Trung thu cho những em nhỏ có bố công tác ở đảo xa hoặc gặp cha mẹ, vợ con người lính nơi đất liền, tôi cảm nhận được sâu hơn những điều mình từng quan sát, tôi thấy như mình còn nông cạn, còn mắc nợ rất nhiều.
- Tôi thích cách chị kể câu chuyện về những người lính qua trường ca này, một người lính sinh ra ở miền đông rừng, rồi gắn mình với biển đảo Tổ quốc?
Người đầu tiên khiến tôi nghĩ tới chất liệu để xây dựng hình tượng người lính biển đó là bố tôi. Bố tôi sinh ra ở miền núi đồi, trước làng là sông Mã, chưa bao giờ ông nghĩ về biển khơi, nghĩ rằng mình sẽ được ra tới biển. Rồi ông không chỉ biết đến biển, mà còn trải nghiệm muôn mặt của cuộc chiến tranh, bao mất mát, đau thương và vĩ đại. Khi đó, bố tôi mới 18 tuổi.
Trong chuyến công tác Trường Sa, tôi cũng gặp rất nhiều thủy thủ trên tàu hoặc bộ đội trên đảo nổi, đảo chìm, Nhà giàn… là người con của núi rừng Tây Bắc, Tây Nguyên - những vùng miền không có biển. Tôi từng hỏi các anh về cảm giác khi từng được sống, được bao bọc bởi cây rừng, đá núi, nhà cửa chung quanh mà phút chốc bốn bề chỉ là trời và nước thì sẽ thế nào.
Có người lính trẻ măng chớp mắt thú thực, sau vài ngày lênh đênh, vật vã say sóng lúc xuống đảo, anh đã bất thình lình… co cẳng chạy, một phản xạ mà lý trí không can thiệp được. Nhưng chạy đi đâu cũng gặp sóng thôi. Thoạt đầu, sóng khiến anh cảm thấy cô đơn, chao đảo, nhưng rồi cũng vẫn là sóng lại vỗ về, hiền hòa, an ủi.
Trường ca “Ngang qua bình minh” do NXB Văn học ấn hành.
- Chị vẫn còn những câu chuyện khác để có thể phát triển trường ca này trở nên dày dặn hơn?
Đó là niềm thôi thúc trong tôi. Là một người viết, khó ai cảm thấy hài lòng với những điều mình đã viết ra. Bởi làm sao mà viết cho hết, cho đủ được. Vậy nên lòng dạ vẫn cứ nóng hổi, thôi thúc lắm! Kể từ khi cuốn sách ra đời, mỗi ngày tôi lại nảy ra những suy tưởng mới, hình ảnh mới, cũng lại muốn điều chỉnh, sửa sang một số điều.
- Những hải trình trên biển, vào thời điểm nào trong năm, khi nhắc lại điều gì khiến chị nhớ nhất và có câu chuyện nào về những người lính biển khiến chị day dứt?
Tôi thường hay nhớ mỗi độ cuối năm, khi đó ở đất liền, trời sắp vào xuân, lạnh giá sẽ bớt đi và cây cối sẽ đâm chồi, nảy lộc. Còn biển đảo thì lại đang mùa sóng gió. Tôi chưa được trải nghiệm sóng gió biển khơi vào mùa này, nhưng đồng nghiệp kể lại thì gian nan lắm.
Để chuyển quà Tết lên Nhà giàn, bộ đội phải buộc dây, hoặc dùng sức người kéo lên Nhà giàn, nếu sóng gió quá thì phải cho tất cả vào bao chống nước, buộc dây thả nổi, chờ bớt sóng bộ đội trên Nhà giàn sẽ kéo lên.
Trong đó là mứt Hà Nội, trà Thái Nguyên, măng miến Tây Bắc, mì gạo Hưng Yên… Mấy năm nay, năm nào tôi cũng tham gia vào một vài công đoạn trong đất liền chuẩn bị chương trình đưa “mùa xuân” ra biển, đảo.
Tôi nhận thấy, mọi nỗ lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta là để Tổ quốc hòa chung một mối nghĩa tình và điều tôi ước ao là trong bất cứ hoàn cảnh nào, những người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc cũng có điều kiện để cảm nhận được hơi ấm của đất liền.
Đó là niềm tin, là động lực cho họ. Có nhiều điều, ở đất liền chúng ta cảm thấy bình thường, đương nhiên, nhưng nơi tiền tiêu lại quý giá và thiêng liêng lắm!
- Nhiều bài viết của chị khiến nhiều người xúc động. Chị kể về những món quà từ đất liền gửi ra đảo, trong đó có cành mai, cây quất và cả những hoa trái được các chiến sĩ trồng trên đảo để bày biện mâm ngũ quả ngày Tết.
Còn một câu chuyện nữa, cũng rất ý nghĩa, đó là món quà mà nhiều người mong muốn nhận được từ các điểm đảo trong hải trình đi Trường Sa, đó là những lá cờ Tổ quốc. Chị hãy chia sẻ thêm những cảm xúc của mình về những món quà ý nghĩa đó?
Có một điều rất đặc biệt mà tôi chỉ được biết khi ra Trường Sa, đó là, tất cả những lá cờ Tổ quốc khi đã làm xong nhiệm vụ, đã sờn cũ và bạc màu, sẽ được bộ đội hạ xuống trong nghi lễ trang nghiêm, đóng dấu của đảo, gấp lại và tiếp tục bảo quản.
Lâu dần, những lá cờ xếp thành từng lớp, độ đậm nhạt khác nhau. Chúng ta nhìn vào có thể hình dung lá cờ nào đã tung bay trong mùa sóng gió, lá cờ nào bay trong mùa khô hạn cả nửa thăm ròng chưa đón một hạt mưa…
Các đoàn công tác ra thăm biển đảo, khi ngỏ ý muốn tiếp nhận cờ Tổ quốc làm kỷ niệm, đều được chấp thuận. Hầu hết, các lá cờ về đất liền sẽ hiện diện trong phòng truyền thống, bảo tàng, những không gian trang trọng nhất.
Tôi cũng được biết, có nhiều bà con Việt kiều sau chuyến đi thăm Trường Sa, Nhà giàn đã mang theo lá cờ đầy ý nghĩa về nơi xứ xa và trong tất cả các ngày lễ trọng đại của đất nước, bà con kiều bào đều làm lễ dưới lá cờ Tổ quốc.
Trong trường ca “Ngang qua bình minh”, tôi có những đoạn viết về hình ảnh cờ Tổ quốc: “Lá cờ như vòng tay/ lá cờ như tuổi trẻ/ đôi mươi trào dâng cơn dâu bể/ biến ảo phiêu linh trước đạn quân thù/ sau mỗi gương mặt kiên trung lặng im/ là trong ngực một lá cờ reo vẫy”.
Không phải ngẫu nhiên, tất cả cả đoàn công tác đến với biển, đảo đều thực hiện nghi thức chào cờ Tổ quốc, hát Quốc ca… trước khi diễn ra các hoạt động khác. Đó là niềm tự hào, tự tôn dân tộc và biết bao mạch nguồn trắc ẩn trong ý niệm sẽ có dịp trào dâng mãnh liệt, thiết tha.
- Xin cảm ơn nhà thơ Lữ Mai!
Theo Quỳnh Chi - GD&TĐ
Hội Nhà văn Việt Nam được chính thức thành lập từ năm 1957, sau Hội nghị thành lập Hội diễn ra tại trụ sở Câu lạc bộ Đoàn Kết, từ 1/4 đến 4/4/1957. Trong lịch sử văn học Việt Nam thời hiện đại đây là lần đầu tiên có một tổ chức của những người lao động văn học trên toàn quốc.
Tái hiện bức tranh Hà Nội thời bao cấp, rồi từ đó đi tìm cái chất nhân văn thuần nhất trong đời sống con người, “Chuyện ngõ nghèo” là cuốn tiểu thuyết đánh dấu sự trở lại của Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh năm 2017 sau một loạt các tiểu thuyết đình đám như: Mẫu Thượng Ngàn, Hồ Quý Ly, Đội gạo lên chùa…
1. “Thiện, Ác và Smartphone” là tập tiểu luận thứ hai của Đặng Hoàng Giang, sau “Bức xúc không làm ta vô can” - cuốn sách ra mắt năm 2015 và gây được tiếng vang rộng rãi.
Nhân chuyến trở lại Việt Nam truyền giảng phật pháp, ngày 4-4, Tiến sĩ Phật học Khangser Rinpoche đến từ Ấn Độ đã dành nhiều thời gian giao lưu cùng bạn đọc tại TPHCM.
Nguyễn Trí được biết đến vào năm 2013 khi tác phẩm Bãi vàng, đá quý trầm hương (NXB Trẻ) đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. “Sự nghiệp” cầm bút của Nguyễn Trí đến nay mới chỉ 5 năm nhưng ông đã có 9 cuốn sách truyện dài, truyện ngắn ra đời.
Phan Việt vừa có buổi giao lưu về tác phẩm mới nhất, cũng là tác phẩm chị cho là quan trọng nhất trong bộ ba "Bất hạnh là một tài sản" của mình.
Sáng 21-3, tại trụ sở Hội Nhà văn TPHCM, đã diễn ra buổi ra mắt tập tiểu luận, phê bình Nhà văn Lê Văn Thảo trong lòng đồng nghiệp do Hội Nhà văn TP thực hiện (NXB Hội Nhà văn xuất bản).
Nhà sách Trí Việt cho biết sau gần 3 năm thực hiện với 6 lần chỉnh sửa, Hội đồng thẩm định cuốn sách “Gạc Ma - Vòng tròn bất tử” do Ban Tuyên giáo TƯ thành lập đã đồng ý cho phép xuất bản cuốn sách này.
Lịch sử phát triển của hệ thống thể loại báo chí cho thấy Bút ký chính luận giữ một vai trò quan trọng trong việc định hướng xã hội. Nó là thể loại không thể thiếu trong việc giáo dục tư tưởng, chính trị cho quần chúng. Trong một thế giới đương đại, trong một xã hội bùng nổ thông tin với nhiều biến động, Bút ký chính luận càng trở nên quan trọng và cần thiết cho đời sống.
Ngày 4 và 5/1, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam tiến hành họp để bình chọn bảy tác phẩm xuất sắc của làng viết năm qua. Kết quả được công bố hôm 10/1.
Nghiên cứu công phu, tư liệu chính xác, văn phong mạch lạc và giàu cảm xúc, tác phẩm Văn chương phương Nam - một vài bổ khuyết của hai tác giả Võ Văn Nhơn và Nguyễn Thị Phương Thúy không chỉ khiêm tốn “bổ khuyết” mà là công trình giàu tâm huyết với những khám phá ngạc nhiên mới lạ rất hữu ích.
Nói về cuốn sách phê bình văn học Giăng lưới bắt chim của mình, Nguyễn Huy Thiệp hay nhắc lại điều thoạt tiên tưởng rằng ông "lấp lửng": tôi viết có đúng có sai, có chính xác có nhầm lẫn, viết khi mình "đang còn nửa mê nửa tỉnh".
Có một thực tế là rất nhiều người song hành giữa việc viết văn và viết báo. Xét về góc độ thể loại thì văn học và báo chí là hai thể loại khác nhau nhưng giữa chúng lại có sự tương đồng với nhau về nhiều khía cạnh. Vì thế việc song hành giữa văn chương và báo chí là điểu dễ hiểu.
hông biết đã đến đáy chưa thảm trạng tác giả (khoa học và nghệ thuật) bị xâm hại trắng trợn về bản quyền như hai công trình về dân tộc học của GS.Từ Chi, và về sử học của GS.Trần Quốc Vượng. Hai tác giả có tên tuổi đã quá cố, và những nhà xuất bản gây nên sự cố, làm méo mó, biến dạng đứa con tinh thần của họ lại là những nhà xuất bản có những cái tên rất sang, là cơ quan ngôn luận của những cái hội nghề nghiệp lẽ ra phải rất nghiêm chỉnh, đứng đắn trước công luận. Các cơ quan truyền thông đã lên tiếng. Không biết gia đình, thân nhân của hai tác giả có ý kiến gì không? Ta đã có lệ luật gì về những vụ việc như vậy, để đưa ra tòa án dư luận?
Chiều 7.10, Hội đồng giám khảo giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội gồm các nhà văn, nhà thơ: Bằng Việt, Nguyễn Việt Chiến, Phạm Xuân Nguyên, Bùi Việt Mỹ, Nguyễn Sĩ Đại, Lê Minh Khuê, Đoàn Tử Huyến, Nguyễn Đăng Điệp, Nguyễn Thành Phong đã họp phiên chung khảo.
Ngày 4/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến dự và phát biểu tại Hội thảo khoa học toàn quốc “Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam” do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tác phẩm văn xuôi, trong đó có truyện ngắn xuất hiện trên báo chí đã trở thành món ăn tinh thần nhiều năm nay cho độc giả. Tuy nhiên, dường như món ăn tinh thần này đang ngày càng có xu hướng bị co lại, bị thay thế.
Sáng tạo văn học nghệ thuật về đề tài chiến tranh, cách mạng thời gian qua đã có nhiều đổi mới và được giới chuyên môn ghi nhận.
Viết về cuộc Cách mạng mùa Thu 70 năm về trước, nhà văn Nguyễn Đình Thi - người can dự, đồng thời là chứng nhân của cuộc cách mạng vĩ đại đó (Năm1945 ông dự Hội nghị Quốc dân Tân Trào và được cử vào Ủy ban Giải phóng dân tộc; sau đó được bầu làm Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I là Ủy viên thường trực) đã ví nó giống như “một cuộc lột vỏ”, “rũ bùn” đứng lên của con người, của dân tộc Việt Nam: Súng nổ rung trời giận dữ/ Người lên như nước vỡ bờ/ Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa (Đất nước).
Sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới về văn hóa văn nghệ được đề ra trong Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 12/1986), văn học Việt Nam đã có nhiều bước chuyển sâu sắc, đạt nhiều thành tựu đáng kể trên tất cả các thể loại, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền tảng văn hóa, tinh thần của con người và xã hội.