Nói về cuốn sách phê bình văn học Giăng lưới bắt chim của mình, Nguyễn Huy Thiệp hay nhắc lại điều thoạt tiên tưởng rằng ông "lấp lửng": tôi viết có đúng có sai, có chính xác có nhầm lẫn, viết khi mình "đang còn nửa mê nửa tỉnh".
Nguyễn Huy Thiệp vẫn đủ sức hấp dẫn ngay cả khi ông kiệm lời nhất. Ảnh: KMS
Tọa đàm "Nhà văn có nên viết phê bình văn học" diễn ra ngày 8/9 mới đây nhân dịp cuốn Giăng lưới bắt chim của Nguyễn Huy Thiệp được tái bản đã thu hút sự có mặt của khá nhiều tên tuổi nổi bật trong giới văn chương Việt Nam. Đa số ý kiến phát biểu đều cho rằng, viết phê bình là việc thường thấy của nhà văn. Vấn đề cần phải viết thế nào, viết cái gì để phê bình của nhà văn trở nên hấp dẫn, độc đáo và có giá trị.
"Luận anh hùng"
Việc Nguyễn Huy Thiệp, một nhà văn thành danh trong sáng tác, cũng đồng thời viết phê bình văn học không phải là hiếm. "Một nhà văn thực sự phải là một nhà tư tưởng - TS. Chu Văn Sơn đưa ra lí giải của mình. Có thể tư tưởng được ẩn giấu trong sáng tác. Nhưng cũng có thể trực tiếp bộc lộ khi viết phê bình". Theo ông, phê bình của nhà văn, nhìn chung, thường có ba loại: viết để thù tạc, hữu hảo; viết để trao đổi chuyện nghề và từ đó, để truyền nghề; viết để trao đổi với nhau về đạo của người viết. Ở dạng thứ ba, ông nhấn mạnh, là khó khăn nhưng cũng đáng chú ý hơn cả. Với Nguyễn Huy Thiệp, TS. Chu Văn Sơn nhận thấy nhà văn viết phê bình là cách để chia sẻ những suy nghĩ, trăn trở về "đạo viết", bên cạnh và song song với sáng tác là để băn khoăn về "đạo sống".
Mở rộng hơn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho hay: ở Mỹ vẫn luôn có phê bình kinh viện của giới nghiên cứu, giảng dạy và phê bình của giới nhà văn. Và chỉ khi nào hai tiếng nói này cùng được thấu đáo thì khi đó mới có thể nắm bắt được giá trị của văn học. Cùng Chu Văn Sơn, ông liệt kê một số tên tuổi nhà văn viết phê bình như L.Tolstoy, M. Kundera, O. Paz, R. Tagore, J. Brodsky…Thực ra, danh sách các nhà văn viết phê bình (hoặc nghiên cứu) văn học trên thế giới kéo dài đến mức khó mà liệt kê chốc lát. Chỉ cần nhìn vào các nhà văn đạt giải Nobel văn học thập niên qua, chúng ta cũng đã thấy rõ tính cách "nhị trùng", "hai trong một" vừa sáng tác vừa nghiên cứu phê bình của những J. M. Coetzee, O. Pamuk, M.Vargas Llosa, J.M.G le Clézio... Có thể nói, với họ, không có sự phân định rạch ròi nào giữa nhà văn chuyên chú sáng tác và nhà nghiên cứu phê bình sành sỏi ngón nghề hàn lâm. Môi trường giảng dạy (thường là đại học) hoặc báo chí văn hóa văn chương càng thúc đẩy họ trở nên năng sản và bài bản hơn trong việc công bố các tiểu luận phi hư cấu. Hình ảnh tạm chấp nhận để gọi họ hẳn là trí thức, những người có kiến văn sâu rộng, có đủ khả năng và nhiệt huyết lên tiếng trong nhiều lĩnh vực, vấn đề khác nhau.
Nhà văn viết phê bình là một cách "luận anh hùng". Muốn viết về ai, sắp đặt họ theo thang bậc vị trí nào, thì bản thân người viết cũng phải là một bậc "anh hùng" có thể nhận ra chân tướng và khả năng của người khác. Nhà văn Nguyễn Việt Hà |
Ở Việt Nam, truyền thống các nhà văn viết phê bình cũng liên tục tiếp nối. Thậm chí, nhiều nhà văn còn tìm thấy ở phê bình một cơ hội trổ tài, một bù đắp có hậu khi ngòi bút sáng tác lâm vào thế "sa sút phong độ". Trường hợp Xuân Diệu, phần nào Chế Lan Viên hay Nguyễn Tuân sau 1945 là ví dụ tiêu biểu của việc xây dựng "thương hiệu" lao động phê bình. Nếu không có những Ba thi hào dân tộc, Hồ Xuân Hương bà chúa thơ Nôm, Thơ Tế Xương, Tìm hiểu Tản Đà, người đọc khó lòng lí giải sự tài hoa, uyên bác của Xuân Diệu nằm ở đâu. Sau nhiều câu thơ vần vè, Xuân Diệu đã có một vài phát hiện, bình luận văn chương chói sáng. Dĩ nhiên, phải là nhà văn "cỡ nào" thì mới có thể "thoát thân" hoặc tạo được thân danh trong lĩnh vực phê bình vốn nhọc nhằn, lắm khi cả đời hì hục viết chỉ để thiên hạ lấy làm giấy pháo. Lưu lại vài chữ trong phê bình không cứ cần cù, chăm chỉ mà thành.
Nhà văn Nguyễn Việt Hà, chiểu theo truyện Tam quốc, hình dung việc nhà văn viết phê bình là một cách "luận anh hùng". Muốn viết về ai, sắp đặt họ theo thang bậc vị trí nào, thì bản thân người viết cũng phải là một bậc "anh hùng" có thể nhận ra chân tướng và khả năng của người khác. So sánh thú vị này khiến chúng ta phải chú ý đến con mắt tinh đời, sự đọc tinh tế của nhà văn. Bởi ở họ, ngoài vốn kiến thức sách vở, thì sâu sắc và độc đáo hơn cả vẫn là những trải nghiệm, kinh nghiệm viết văn, thứ vũ khí nếu biết cân chỉnh đúng góc, sẽ luôn trúng tâm nhiều vấn đề hóc hiểm. Những nhà phê bình được coi là chuyên nghiệp, được đào tạo kinh viện thường mạnh ở sự bài bản, khái niệm, phương pháp… Trong khi nhà văn lại sắc sảo, ghê gớm ở những đồng điệu, tán thưởng và gọi tên tính cách văn chương của đồng nghiệp. Vì thế, khi tiến cử ai, đọc tác phẩm nào, họ cũng đều lẩy ra vài nét thần tình. Nhìn cung cách Nguyễn Huy Thiệp giới thiệu Đồng Đức Bốn, Trần Đăng Khoa, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Việt Hà và đặc biệt là Nguyễn Bảo Sinh, chúng ta phải thừa nhận không ít chính xác, thấu lí đạt tình trong đó.
Một nhà văn viết phê bình có thể không sử dụng các khái niệm công cụ, các thuật ngữ. Nhưng họ có hệ thống câu chuyện, tích truyện, các lớp lang hình ảnh, cách liên tưởng so sánh hiếm khi khô cứng. Do đó quá trình tiếp nhận của độc giả diễn ra nhanh chóng hơn và đây mới là điều các nhà văn quan tâm. Lối đi chung giữa nhà văn viết phê bình và độc giả còn có những ngõ ngách trực cảm, cảm xúc, những khúc ngoặt ưu thời mẫn thế, những chỗ dừng lại lâu hơn về thế thái nhân tình. Đọc phê bình của nhà văn mà Giăng lưới bắt chim là điển hình, người đọc có thể nhớ lâu về sự "lằng nhằng" của mỗi người, về những đau đớn và bất hạnh, bạc bẽo, hiểm hóc, trắng trợn, tởm lợm, cay cú, hèn hạ, nhăng nhố, bợm bãi, vớ vẩn,...bày chật trong văn chương và đời sống. "Luận anh hùng", vì vậy, cũng là luận thời thế, luận cuộc đời.
"Có đúng có sai"
Nói về cuốn sách của mình, Nguyễn Huy Thiệp hay nhắc lại điều thoạt tiên tưởng rằng ông " lấp lửng": tôi viết có đúng có sai, có chính xác có nhầm lẫn, viết khi mình "đang còn nửa mê nửa tỉnh". Trong lời bộc bạch này, ông giấu một nụ cười nhẹ nhõm, thông thái vì đã vượt qua được những vướng víu khen/chê. Ông biết nhầm lẫn, sai khuyết cũng là một phần tất yếu của người đời. Nhà văn, hẳn nhiên, không ngoại lệ. Nhưng với những ai nhất nhất theo lối nhị nguyên biện biệt đúng/sai, tốt/xấu, thiện/ác,…, sẽ không những khó chịu với văn chương Nguyễn Huy Thiệp mà còn bị ức chế khi đọc phê bình của ông. Bởi trước khi nhận định được ông đúng hay sai, phần lớn đều vấp phải giọng điệu, cách diễn đạt thẳng thắn đến mức "trắng phớ", đôi khi gây hấn với những đôi tai quen nghe thuận chiều.
Thời điểm Nguyễn Huy Thiệp bắt đầu viết phê bình, cuối thập niên 1980, cũng là cao trào giới nhà văn nảy sinh quan điểm, ý kiến văn chương mới mẻ. Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Phạm Thị Hoài,… đều từng gây tranh luận vì những phát biểu mang tính chất phản biện, tái nhận thức, tái thẩm định của mình. Muộn hơn, các bài viết của Trần Mạnh Hảo (Thơ phản thơ), Đỗ Minh Tuấn (Ngày văn học lên ngôi), Trần Đăng Khoa (Chân dung và đối thoại) cũng tạo không ít dư luận. So với nhiều công trình nghiên cứu phê bình chuyên sâu, các cuốn sách trên có lượng độc giả khá lớn, có kiểu chinh phục người đọc rất lạ thường. Giăng lưới bắt chim, sau lần xuất bản đầu tiên (2005), cũng đã được giới chuyên môn đánh giá cao. Nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến bắt gặp ở cuốn sách "những vấn đề đáng quan tâm, những ý kiến đáng suy nghĩ". Nhà phê bình Vương Trí Nhàn coi đó là "một sự phá cách", "đặt mình vào dòng chảy thời đại" . Trong buổi tọa đàm, nhà thơ Trần Đăng Khoa đề cao giọng văn khó lẫn, thậm chí bịt tên Nguyễn Huy Thiệp, người đọc cũng nhận ra sau khi đọc vài ba dòng. GS Trần Đình Sử thì khẳng định "sự chuẩn bị về nội lực", PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp lại chú ý đến "cách nhìn, cách kiến giải riêng". Lý thú và cô đọng, nhà phê bình Chu Văn Sơn đặt lối viết phê bình của Nguyễn Huy Thiệp trong chữ "phũ" với nghĩa là nó từ chối các lớp ngôn ngữ hàn lâm, ngôn từ chính trị, ngôn ngữ đèm đẹp của văn hóa. Nó cũng từ chối cách nói nương nhẹ. "Phũ", vì thế, là phản ứng về sự "vô đạo" trong văn chương.
Đọc Giăng lưới bắt chim có thể nhận diện được những nguồn ảnh hưởng quan trọng đến sự hình thành quan niệm, đường hướng thực hành văn chương của Nguyễn Huy Thiệp. Ông chọn xuất phát điểm ca dao tục ngữ dân ca "bởi đây thực sự là một kho tàng kinh nghiệm đời sống và kinh nghiệm tu từ". Ông hưởng ứng Nguyễn Văn Siêu, Lê Quý Đôn. Ông trích dẫn A. Rimbaud, G. Le Bon, F. Dostoievski, M. Gorki và cả B. Spinoza lẫn F. Nietzsche. Họ đóng vai gợi ý, gợi mở cho những điều ông bàn luận thêm quyết liệt và vững chắc. Nhưng đáng chú hơn cả vẫn là suy tư của ông về tư tưởng nhà văn, vai trò của thơ, thời của tiểu thuyết, chính trị và văn chương… Ở đó, nhiều kết luận, chiêm nghiệm của ông có thể đóng khung như một châm ngôn, một kim chỉ nam cho người viết đến sau. Ông coi trọng công việc "nghiên cứu tâm lí dân tộc" khi bắt đầu cầm bút. Ông chủ trương "trở lại tự nhiên". Ông khuyến khích "cười lên đi"… Đó thực sự là những điều căn cốt, vừa có tính thời sự nhưng cũng vươn đến tầm phổ quát. Có đúng có sai nhưng ít nhất, nó đã chuyển hóa nhuần nhuyễn trong nhiều sáng tác vang danh của ông.
Giăng lưới bắt chim, thú vị thay, mang lại cho Nguyễn Huy Thiệp giải phê bình của Hội nhà văn Hà Nội (2006). Điều này cũng làm nhiều bạn đọc văn chương bớt băn khoăn rằng tại sao một nhà văn được dịch ra nhiều ngôn ngữ quốc tế, từng nhận Huân chương Văn học nghệ thuật của Chính phủ Pháp (2007) và giải thưởng Nonino Risit d'Âur của Ý (2008) như Nguyễn Huy Thiệp lại khó vừa khuôn giải thưởng nội địa Việt Nam đến thế.
Nguồn: Nam Phú - Tia Sáng
---
1 Xem thêm bài viết Bới trong những mớ "nhố nhăng" và "nhầm lẫn"… của Hoàng Ngọc Hiến và bài Giăng lưới bắt…lý luận của Vương Trí Nhàn xuất hiện trong phần "Dư luận" của Giăng lưới bắt chim bản tái bản năm 2006 (NXB Hội Nhà văn và Đông A)
Tính đến năm 2016, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hà đã sở hữu sáu tập thơ (Gửi con lời ru, Đi ngang chiều gió, Cỏ mặt trời, Người gánh vô hình, Đứt dải yếm, Ngả vào nguyên khôi), một tập tản văn (Lạc trong đêm liêu trai), ba tập truyện ngắn (Đầm ma, Ám ảnh, Con sóng màu hổ phách), một tiểu thuyết (Mưa trong nắng). Đó là những con số biết nói. Đôi lúc tôi cứ vân vi mà nghĩ rằng, người phụ nữ mảnh mai, dịu dàng này lấy đâu ra sức lực để viết được cả ngàn trang sách như thế, nếu không là đam mê chữ nghĩa, văn chương. Hẳn là cái nghiệp!
Hội Nhà văn Việt Nam được chính thức thành lập từ năm 1957, sau Hội nghị thành lập Hội diễn ra tại trụ sở Câu lạc bộ Đoàn Kết, từ 1/4 đến 4/4/1957. Trong lịch sử văn học Việt Nam thời hiện đại đây là lần đầu tiên có một tổ chức của những người lao động văn học trên toàn quốc.
Tái hiện bức tranh Hà Nội thời bao cấp, rồi từ đó đi tìm cái chất nhân văn thuần nhất trong đời sống con người, “Chuyện ngõ nghèo” là cuốn tiểu thuyết đánh dấu sự trở lại của Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh năm 2017 sau một loạt các tiểu thuyết đình đám như: Mẫu Thượng Ngàn, Hồ Quý Ly, Đội gạo lên chùa…
1. “Thiện, Ác và Smartphone” là tập tiểu luận thứ hai của Đặng Hoàng Giang, sau “Bức xúc không làm ta vô can” - cuốn sách ra mắt năm 2015 và gây được tiếng vang rộng rãi.
Nhân chuyến trở lại Việt Nam truyền giảng phật pháp, ngày 4-4, Tiến sĩ Phật học Khangser Rinpoche đến từ Ấn Độ đã dành nhiều thời gian giao lưu cùng bạn đọc tại TPHCM.
Nguyễn Trí được biết đến vào năm 2013 khi tác phẩm Bãi vàng, đá quý trầm hương (NXB Trẻ) đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. “Sự nghiệp” cầm bút của Nguyễn Trí đến nay mới chỉ 5 năm nhưng ông đã có 9 cuốn sách truyện dài, truyện ngắn ra đời.
Phan Việt vừa có buổi giao lưu về tác phẩm mới nhất, cũng là tác phẩm chị cho là quan trọng nhất trong bộ ba "Bất hạnh là một tài sản" của mình.
Sáng 21-3, tại trụ sở Hội Nhà văn TPHCM, đã diễn ra buổi ra mắt tập tiểu luận, phê bình Nhà văn Lê Văn Thảo trong lòng đồng nghiệp do Hội Nhà văn TP thực hiện (NXB Hội Nhà văn xuất bản).
Nhà sách Trí Việt cho biết sau gần 3 năm thực hiện với 6 lần chỉnh sửa, Hội đồng thẩm định cuốn sách “Gạc Ma - Vòng tròn bất tử” do Ban Tuyên giáo TƯ thành lập đã đồng ý cho phép xuất bản cuốn sách này.
Lịch sử phát triển của hệ thống thể loại báo chí cho thấy Bút ký chính luận giữ một vai trò quan trọng trong việc định hướng xã hội. Nó là thể loại không thể thiếu trong việc giáo dục tư tưởng, chính trị cho quần chúng. Trong một thế giới đương đại, trong một xã hội bùng nổ thông tin với nhiều biến động, Bút ký chính luận càng trở nên quan trọng và cần thiết cho đời sống.
Ngày 4 và 5/1, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam tiến hành họp để bình chọn bảy tác phẩm xuất sắc của làng viết năm qua. Kết quả được công bố hôm 10/1.
Nghiên cứu công phu, tư liệu chính xác, văn phong mạch lạc và giàu cảm xúc, tác phẩm Văn chương phương Nam - một vài bổ khuyết của hai tác giả Võ Văn Nhơn và Nguyễn Thị Phương Thúy không chỉ khiêm tốn “bổ khuyết” mà là công trình giàu tâm huyết với những khám phá ngạc nhiên mới lạ rất hữu ích.
Có một thực tế là rất nhiều người song hành giữa việc viết văn và viết báo. Xét về góc độ thể loại thì văn học và báo chí là hai thể loại khác nhau nhưng giữa chúng lại có sự tương đồng với nhau về nhiều khía cạnh. Vì thế việc song hành giữa văn chương và báo chí là điểu dễ hiểu.
hông biết đã đến đáy chưa thảm trạng tác giả (khoa học và nghệ thuật) bị xâm hại trắng trợn về bản quyền như hai công trình về dân tộc học của GS.Từ Chi, và về sử học của GS.Trần Quốc Vượng. Hai tác giả có tên tuổi đã quá cố, và những nhà xuất bản gây nên sự cố, làm méo mó, biến dạng đứa con tinh thần của họ lại là những nhà xuất bản có những cái tên rất sang, là cơ quan ngôn luận của những cái hội nghề nghiệp lẽ ra phải rất nghiêm chỉnh, đứng đắn trước công luận. Các cơ quan truyền thông đã lên tiếng. Không biết gia đình, thân nhân của hai tác giả có ý kiến gì không? Ta đã có lệ luật gì về những vụ việc như vậy, để đưa ra tòa án dư luận?
Chiều 7.10, Hội đồng giám khảo giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội gồm các nhà văn, nhà thơ: Bằng Việt, Nguyễn Việt Chiến, Phạm Xuân Nguyên, Bùi Việt Mỹ, Nguyễn Sĩ Đại, Lê Minh Khuê, Đoàn Tử Huyến, Nguyễn Đăng Điệp, Nguyễn Thành Phong đã họp phiên chung khảo.
Ngày 4/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến dự và phát biểu tại Hội thảo khoa học toàn quốc “Văn học, nghệ thuật với việc xây dựng nhân cách con người Việt Nam” do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Tác phẩm văn xuôi, trong đó có truyện ngắn xuất hiện trên báo chí đã trở thành món ăn tinh thần nhiều năm nay cho độc giả. Tuy nhiên, dường như món ăn tinh thần này đang ngày càng có xu hướng bị co lại, bị thay thế.
Sáng tạo văn học nghệ thuật về đề tài chiến tranh, cách mạng thời gian qua đã có nhiều đổi mới và được giới chuyên môn ghi nhận.
Viết về cuộc Cách mạng mùa Thu 70 năm về trước, nhà văn Nguyễn Đình Thi - người can dự, đồng thời là chứng nhân của cuộc cách mạng vĩ đại đó (Năm1945 ông dự Hội nghị Quốc dân Tân Trào và được cử vào Ủy ban Giải phóng dân tộc; sau đó được bầu làm Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I là Ủy viên thường trực) đã ví nó giống như “một cuộc lột vỏ”, “rũ bùn” đứng lên của con người, của dân tộc Việt Nam: Súng nổ rung trời giận dữ/ Người lên như nước vỡ bờ/ Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa (Đất nước).
Sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới về văn hóa văn nghệ được đề ra trong Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 12/1986), văn học Việt Nam đã có nhiều bước chuyển sâu sắc, đạt nhiều thành tựu đáng kể trên tất cả các thể loại, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền tảng văn hóa, tinh thần của con người và xã hội.