Người đàn bà không có tên

14:55 26/07/2022

NGUYỄN QUANG HÀ
                   

Viết về bà mẹ anh hùng Nguyễn Thị Lớn, xã Thủy Dương (xã anh hùng) huyện Hương Thủy, Thừa Thiên Huế.

Tri ân các Mẹ Việt Nam Anh hùng ở Hương Thủy - Ảnh minh họa (Báo TTH)

Chị Lớn bị bắt bị tra khảo, được tha lại bị bắt... Chuyện như cơm bữa, như lẽ thường tình ấy bà con xã Mỹ Thủy (nay là xã Thủy Phương) chẳng ai lạ lùng gì, cũng chẳng ai cần để ý gì.

Mọi người chỉ nhớ lần chị bị bắt sau cùng vào năm 1963. Như thường lệ, trước mỗi lần có trận đánh lớn, cơ sở ta ở trong xã Mỹ Thủy đi vận động bà con người góp tiền, người góp gạo, nhiều ít tùy tâm để mua thuốc men, bông băng, thực phẩm giúp đỡ cho bộ đội về quê mình đánh giặc.

Không ngờ lần ấy có kẻ phản bội, góp tiền mua gạo xong, hắn đi báo cáo cho cảnh sát. Mười người bị bắt liền một lúc. Kẻ chỉ điểm khai ngay chị Lớn là người cầm đầu.

Khỏi phải nói, chị bị tra tấn đủ mùi: tra điện, tàu lượn, tàu bay... Nhục hình không làm chị hé răng, chúng tưởng tra tấn sẽ làm chị khiếp sợ, nên chúng chia mái tóc dài, đen óng ả của chị ra làm từng lọn nhỏ, rồi cột vào cánh quạt máy. Chúng bấm nút cho quạt chạy. Từng mảng da đầu chị bật tung, máu loang chảy xuống ướt đẫm áo quần.

Chị Lớn càng im lặng hơn.

Tức giận vì bị thất bại trước lòng kiên trung của người đàn bà, tên mắt lồi, từng vỗ ngực được đi huấn luyện tận Đài Loan, hắn trực tiếp ra tay.

Hai ngón độc địa của hắn được trổ tài. Hắn đẩy chị vào phòng gỗ hẹp. Bốn bức tường tua tủa đầu đinh nhọn hoắt.

Đứng trong bức tường ấy đã là một sự đe dọa.

- Có khai không ? Tên mắt lồi hỏi.

Im lặng.

- Có khai không ? Một... hai... ba...

Sự bất lực dồn hết vào cây gậy nham nhở nện tơi bời vào thân thể chị. Chị ngã vào tường bên này, quật mình vào tường bên kia. Đòn đau cộng với đinh đâm, xé toác da thịt. Máu trên người chị lại chảy.

Vẫn không moi ở chị Lớn được một lời, tên mắt lồi trổ tiếp món tàn bạo nhà nghề. Những ngón tay cứng như thép của hắn chộp móc vào xương cụt chị. Đau quá, lưỡi chị thè ra, máu ở miệng, máu ở mắt, ở tai đều ộc ra. Chị Lớn ngã vật xuống đất, bất tỉnh.

Vào một trận đòn tiếp sau nhiều trận đòn, tên mắt lồi ngừng tay xả hơi lấy sức. Trong lúc nó chủ quan, lơ là, chị Lớn vồ lấy cây gậy bên chân tên mắt lồi, nhanh như cắt, quật cây gậy ấy lên đầu hắn. Tên mắt lồi bị ngã gục, máu chảy lênh láng. Bọn đàn em của mắt lồi ập vào, trói gô chị lại, bỏ chị vào cũi sắt chở thẳng lên nhà lao trên Huế.

Hai năm sau, vào một buổi sớm, chiếc xe bịt bùng từ Huế chạy về, đến ngã ba Mỹ Thủy, dừng lại, vất từ trên xe xuống một xác người lăn lóc trên vệ đường. Chiếc xe chạy đi. Bà con xúm lại xem. Cái xác kia không ai khác, chính là chị Lớn. Thấy chị còn đang thoi thóp thở, bà con Mỹ Thủy người góp gạo, kẻ góp công, góp tiền chạy chọt lo cho số phận của chị.

Chị sớm sống lại. Nhưng người ngơ ngác như mất hồn. Từ đấy, như một người điên, vô cảm, chị đi lang thang. Nắng, mưa, giông bão, ngày nào cũng như ngày nào, mở mắt là chị Lớn mình trần, quần áo vá trăm mảnh xắn đến tận bẹn, chị đi. Tắt qua đồng, lội dưới ao, đạp lên bùn rác, băng qua núi đồi, lên Huế, về Phú Bài... Chị đi suốt ngày, có khi suốt đêm không nghỉ, đầu trần, đội mưa đội nắng, như không biết có trời đất gì nữa.

Người gọi chị là Mụ Điên, kẻ gọi chị là Mụ giả điên, đứa bảo chị là Cộng sản ngụy trang trá hình, phải cảnh giác, phải trừng trị. Không ít kẻ được giao việc theo gót chị, nhưng chả moi được gì ở "người đàn bà điên ấy".

Một hôm trời nắng chang chang. Bọn lính tráng và công an vào ăn ở quán bên đường xã Mỹ Thủy. Thấy chị, tên chi trưởng công an định làm phách với đàn em. Gọi chị lại hỏi:

- Đi mô ?

- Đi chơi - Chị đáp.

- Chơi với ai ?

- Với Cộng sản.

Câu nói của kẻ điên chọc tức máu kẻ quen thói hà hiếp. Hắn chỉ vào túi vải chị mang trên vai, hỏi:

- Cái chi ?

- Của quý.

- Mở ra xem.

- Xem chi vô duyên vậy.

Nhìn trong mắt chị có vẻ muốn tìm đường trốn, tên chi trưởng cảnh sát rút súng ngắn lên đạn cái "roẹt", chỉ vào chị ra lệnh:

- Mở ra.

Đường cùng, chị rụt rè bước tới bàn hắn, cởi nút, mở túi, vụt một cái, chị đổ cả túi lên mặt bàn: rác rưởi, giấy lộn, đồ hôi thối nhớp nhúa theo gió bay tung, tấp vào đầy bàn ăn. Thức ăn thơm tho bỗng hôi rình. Cả quán ăn được bữa cười chảy nước mắt.

Tên chi trưởng xấu hổ, đánh chữa thẹn:

- Mụ này điên thật, bay ơi.

Hắn la lối quát tháo đuổi chị đi:

- Đi cho khuất mắt, đồ bẩn thỉu.

* * *

"Người đàn bà điên" cứ đi như thế cả chục năm trời. Những người biết chị không điên chút nào, đó là các đồng chí của chị. Chị đi do thám, đưa công văn, chỉ thị, giấy tờ thượng khẩn. Chị là trung úy biệt động thành Huế.

- Xưa đi xem tuồng, nhớ tích "Tam nữ đồ vương", mê cô gái giả điên vượt qua cửa ải, tôi bắt chước - Chị nói.

Chỉ có người đàn bà chồng chết trong kháng chiến chống Pháp, con trai là liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, chị mất tất cả, chỉ còn đất nước này, khát vọng độc lập mới cho chị đủ sức lực để chịu đựng biết bao khổ ải để giữ vững ý chí của một người dân yêu nước.

Chị không còn chồng, mất cả con, đến cả cái tên chị cũng không có cho hàng xóm gọi. Thấy chị cao to, khỏe mạnh, vạm vỡ, sừng sững, to lớn, lấy sự cao lớn, bà con gọi chị: chị Lớn, và thế là thành tên. Chị lấy ngay cái tên ấy để đặt cho mình: Nguyễn Thị Lớn.

Một người mẹ không tên đã trở thành bà mẹ anh hùng.

Năm nay mẹ đã 74 tuổi. Mẹ đi lại nhờ hai cây gậy, cầm hai tay bước từng bước một chậm chạp, điềm tĩnh.

Mẹ đã góp vào cho đất nước Việt Nam anh hùng một vóc dáng của mình.

N.Q.H
(TCSH73/03-1995)

 

 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • NGUYỄN XUÂN SANH                                 Hồi ký Tôi và Huy Cận đều là học sinh Trường Quốc học Huế. Khác lớp nhau, nhưng cùng chung một ký túc xá. Hết sức thương nhau.

  • MAI VĂN HOAN (Trại sáng tác văn học Hương Vân)

  • NHẤT LÂM (Trại sáng tác văn học Hương Vân) “Trái bưởi kia vàng ngọt với ai” (Tố Hữu)

  • NGUYỄN THỊ CẨM THẠNH                                Hồi ký Đoàn nữ sinh trường Đồng Khánh Huế chúng tôi, đồng phục áo dài màu xanh biển, sắp hàng đôi, rời mái trường ngói đỏ, tường hồng, đi dọc theo hè đường, sang trường Việt Anh dự buổi tổng duyệt vở kịch Trưng Trắc Trưng Nhị của nhà thơ Thanh Tịnh.

  • L.T.S: Bửu Tiến, sinh năm 1916 ở Huế. Hội viên Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Ông là một trong những nghệ sĩ đầu tiên ở Huế tham gia kháng chiến sau cách mạng tháng Tám 1945.

  • Nếu ai đó nói, con đò là một trong những biểu tượng thi ca và văn hóa Huế, chắc rằng ít người sẽ dám phủ nhận điều đó. Nhắc đến Huế không thể không nói đến dòng Hương thơ mộng, nhưng chỉ là dòng sông lững lờ chảy qua miền đất thần kinh không thôi, e là đơn điệu lắm khi thiếu vắng sự tô điểm của những con đò.  

  • NGUYỄN CƯƠNGKỷ niệm 36 năm ngày giải phóng Huế 26/3/1975 - 26/3/2011

  • TRƯƠNG THỊ KHUÊ(Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân)                                Hồi ký

  • CHƠN HỮU                Tản vănNhững giọt sương lấp lánh. Một chồi non mới nhú. Ồ! Mùa xuân đã về!

  • LTS: Ông Đặng Văn Đông - một cao niên gần 90 tuổi ở Huế, là người gửi nhiều bài dịch cho Sông Hương song chưa hợp với tiêu chí “nhìn ra văn học thế giới đương đại”. Vừa qua chúng tôi nhận được thư của ông cùng bài viết về một kỷ niệm đầy nhân ái trong gia đình.Sông Hương xin đăng, và kính chúc ông năm mới dồi dào sức khỏe!

  • PHẠM VĂN HỌC1. Chào xuân đẹp, có gì vui thế…!

  • PHẠM NGUYÊN TƯỜNG                         Ghi chép

  • NGUYỄN KHOA BỘI LANChúng tôi đi theo anh Hoan, bí thư huyện ủy Triệu Hải, về kiểm tra vụ đông xuân. Anh có thói quen mỗi lần về đây thế nào cũng tranh thủ ghé Phường Sắn thăm bà mẹ Mít.

  • XUÂN HOÀNGHuy đang nói chuyện với mấy người bạn trẻ viết văn cùng quê thì Trường, anh bạn làm thơ trẻ người dân tộc ở phòng bên nghe tiếng, vui vẻ chạy sang.

  • HỒNG NHU(Kỷ niệm 60 năm thành lập Hội LHVHNT Thừa Thiên Huế)Đại hội VHNT tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ 7 (4-1994) tại thành phố Huế đã nhất trí khẳng định về năm chính thức thành lập của Hội là năm 1950.

  • LÊ QUANG VỊNH           (Trích hồi ký)…Tôi và Niệm thì đi học phổ thông, chị Mai tôi - theo ba tôi, con gái không cần học chữ nhiều - đi học nữ công gia chánh để chuẩn bị làm vợ làm mẹ sau này.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ                       Ghi chép Chỉ còn một thời gian ngắn nữa, Đại hội Nhà văn Việt Nam (ĐHNV) lần thứ 8 sẽ họp tại Hà Nội. So với các Đại hội chuyên ngành văn học nghệ thuật khác, hầu như lần nào ĐHNV cũng “xôm trò” hơn, được dư luận chú ý hơn.

  • PHAN THỊ THU QUỲ(Kỷ niêm ngày thương binh - liệt sỹ 27.7)

  • CHÍ CÔNGNghe xã ấy chuẩn bị gặt chiêm, làm được nghĩa vụ lương thực, thuế nông nghiệp và hè thu 1983 sớm hơn các nơi khác, tôi cùng hai cán bộ cơ quan đi về đấy rút kinh nghiệm để có kế hoạch tuyên truyền sát thực tế.