Ngôi làng lưu giữ nhiều “báu vật” về Hoàng Sa

07:56 24/01/2014

Trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, nhưng người dân ở thôn Hòa Vang, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) vẫn còn cất giữ nhiều tư liệu quý về Hoàng Sa. Từ những bản sắc phong về “Cai đội Hoàng Sa” của vua Gia Long; đến chiếc đại hồng chung khắc tạc công ơn người trấn quản Hoàng Sa năm xưa… Tất cả đều được người dân xem như “báu vật lịch sử” và bảo vệ cẩn thận.

Di tích Tiên Linh Tự gắn liền với Cai đội Hoàng Sa.

Chúng tôi về thăm chùa Tiên Linh, ở thôn Hòa Vang, xã Lộc Bổn, khi Tết cổ truyền Giáp Ngọ đã cận kề. Từ đầu làng đến cuối xóm, nhà nhà đều nhộn nhịp gói bánh chưng, bánh tét; không khí của làng, xóm đâu đâu cũng thoang thoảng mùi nếp mới, lá chuối xanh, thứ hương vị không thể thiếu mỗi khi Tết đến, xuân về.

Vừa ngơi tay trang trí mấy chiếc lồng đèn trước sân chùa, ông Trần Ngọc Anh (60 tuổi), người trông giữ chùa Tiên Linh suốt mấy chục năm qua cho biết, chùa Tiên Linh được xây dựng từ cuối đời vua Gia Long, gắn liền với giai thoại một thời của Cai đội Hoàng Sa khi tuân lệnh vua ra trấn giữ vùng biển đảo Hoàng Sa của Tổ quốc. Nhờ sử tích ấy mà sau này chùa vinh dự được vua Minh Mạng phong 3 chữ vàng là “Tiên Linh Tự”.

Nhắc đến Cai đội Hoàng Sa ở Huế lẫy lừng một thời không thua gì Cai đội Hoàng Sa ở Lý Sơn (Quảng Ngãi), ông Anh dẫn chúng tôi đến bên phải điện chùa, nơi đặt đại hồng chung được đúc từ thời vua Gia Long rồi cho biết: “Chiếc chuông này đã có hàng trăm năm tuổi, trên thân chuông có khắc bản minh văn ghi tên, tuổi, chức tước và đơn vị của Cai đội Hoàng Sa tên Nguyễn Hữu Niên. Ngài là vị quan ưu tú và là anh hùng của thôn Hòa Vang chúng tôi”.

Qua tìm hiểu, Nguyễn Hữu Niên vốn là một viên quan thuộc triều Tây Sơn, đến đầu triều Nguyễn được vua Gia Long phong tước Niên hầu thuộc Cai đội Hoàng Sa và cùng gần 100 quân lính dong thuyền ra Hoàng Sa để lập chốt trấn giữ bảo vệ biển đảo. Thắp một nén nhang lên trước bài vị của người lãnh đầu Cai đội Hoàng Sa được đặt trang trọng trên bàn thờ nằm phía sau hậu điện, thầy Thích Pháp Niệm, trụ trì chùa Tiên Linh cho hay, sau khi ngài Nguyễn Hữu Niên hoàn thành sứ mệnh tại đảo Hoàng Sa, vua Gia Long đã cho quân lính đưa voi ra Bắc để vận chuyển đồng vào Huế và cho thợ đúc nên chiếc đại hồng chung này nhằm ghi nhớ công ơn của Cai đội Hoàng Sa. Đọc cho chúng tôi nghe những dòng chữ Hán khắc ghi trên chiếc đại hồng chung đã có phần phai mờ vì thời gian, thầy Thích Pháp Niệm tự hào nói tiếp: “Chuông được trang trí hoa văn tinh xảo, 4 mặt trên thân chuông đều được khắc chữ Hán, ý nói về một người con của Hòa Vang là Hội chủ Nguyễn Hữu Niên giữ chức Cai đội (tước Niên hầu-NV) ngày ấy đã lãnh đầu quân ra Hoàng Sa trấn giữ”…

Và từ bao đời nay, chiếc đại hồng chung ở chùa Tiên Linh được dân làng Hòa Vang xem như một “báu vật” vì nó không chỉ khắc tạc công lao của Cai đội Hoàng Sa mà nó còn gắn liền giai thoại với vua Tự Đức một thời. Tương truyền rằng, trong một lần đi săn bắn ở cánh rừng cách chùa Tiên Linh khoảng 10 cây số, vua nghe thấy tiếng chuông vang như tiếng ai đó gọi tên đức vua nên ngay trong ngày hôm ấy, vua Tự Đức liền ra lệnh cho cánh thợ cắt bớt một phần tai chuông để chuông giảm bớt tiếng ngân. Từ đó, vua Tự Đức thường chọn một ngày tốt trong đầu năm mới để cùng các quan thần đến chùa Tiên Linh lễ phật, cầu cho dân chúng no ấm, đất nước thái bình.

Để tiếp cận thêm các tư liệu quý về Cai đội Hoàng Sa, chúng tôi đã tìm gặp cụ Nguyễn Hữu Hùng (82 tuổi) vị Tộc trưởng họ Nguyễn Hữu, thôn Hòa Vang. Trong căn nhà cấp 4 vừa được sửa sang để chuẩn bị đón xuân mới, cụ Hùng lật giở từng trang trong cuốn phổ hệ mục nát, giấy đã chuyển sang màu vàng ố, rồi giải thích: “Cao tổ Nguyễn Hữu Niên, thuộc Cai đội Hoàng Sa là đời thứ 9 của dòng họ Nguyễn Hữu. Vốn là vị quan thanh liêm, lại giỏi tài thao lược nên năm Gia Long thứ nhất (1802), nhà vua đã ban một chiếu chỉ đóng dấu Triện ghi rõ… Cai đội Hoàng Sa Nguyễn Hữu Niên. Như vậy, có thể khẳng định từ trước đời vua Gia Long, Hoàng Sa cũng đã là của nước ta. Đến đời vua Gia Long, việc gìn giữ và bảo vệ Hoàng Sa đã được chú trọng, mà Cao tổ Nguyễn Hữu Niên là người vinh dự được vua ban chiếu chỉ đứng đầu Cai đội để bảo vệ Hoàng Sa”.

Khi nghe thông tin có nhiều “báu vật” liên quan đến Hoàng Sa xuất hiện tại thôn Hòa Vang, cuối tháng 11/2011, Phái đoàn Ủy ban Biên giới Quốc gia (Bộ Ngoại giao) và cán bộ Sở VHTT&DL tỉnh Thừa Thiên-Huế đã về chùa Tiên Linh và gia đình cụ Nguyễn Hữu Hùng để thu thập, xác minh các bằng chứng liên quan đến chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Ông Trần Văn Hoa, Chủ tịch UBND xã Lộc Bổn cho biết: “Đoàn đã tiến hành sao chụp các chữ Hán được khắc trên chuông đồng ở chùa Tiên Linh, trên các tờ sai của vua Gia Long và phổ hệ của dòng họ Nguyễn Hữu để có thêm cơ sở pháp lý bổ sung, khẳng định chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa của dân tộc... Hiện xã cũng đang tiến hành lập hồ sơ để đề xuất UBND tỉnh công nhận chùa Tiên Linh là di tích lịch sử cấp tỉnh”.

Cứ vào dịp cuối năm, cụ Hùng lại triệu tập con cháu ra nhà thờ họ để thắp hương tưởng nhớ công ơn của ngài Cao tổ Nguyễn Hữu Niên. Cụ cũng không quên dặn dò con cháu rằng: Phải bảo vệ và gìn giữ bằng được cuốn phổ hệ cùng các tờ sai mà vua Gia Long ban chiếu cho Cai đội Hoàng Sa. Bởi đó là những bằng chứng lịch sử, thể hiện quân đội triều Nguyễn ngày ấy đã lập chốt, đóng quân trên quần đảo Hoàng Sa

Nguồn CAND

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
Tin nổi bật
  • Trong không khí sôi nổi của các hoạt động chào mừng lễ kỷ niệm ngày giải phóng Thừa Thiên Huế (26/3/1975-26/3/2009), Trung tâm BTDT CĐ Huế sẽ tổ chức đêm thơ Nguyễn Khoa Điềm tại bến Nghinh Lương Đình.

  • Sáng ngày 22-3, nhận lời mời của tạp chí Văn hóa Quân sự (cơ quan thường trú Miền Trung-Tây Nguyên) và  Hội Nhà văn Đà Nẵng, nhóm anh em văn nghệ sỹ Huế trên 20 người gồm các nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà thơ, nhạc sỹ và nghệ sỹ trình diễn...  đã đến tham dự chương trình thơ, nhạc, triển lãm ảnh với chủ đề: “Hội ngộ Hải Vân Quan” tại đỉnh đèo Hải Vân.

  • Nhân kỷ niệm 140 năm ngày danh nhân Đặng Huy Trứ đưa nhiếp ảnh vào Việt Nam và khai sinh hiệu ảnh Cảm Hiếu đường, hiệu ảnh đầu tiên ở Việt Nam, kỷ niệm 56 năm ngày ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam; Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật- Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế và Phòng Văn hoá Thông tin thành phố Huế tổ chức khai mạc 2 phòng triển lãm ảnh "Gia đình Việt Nam xưa" và triển lãm các  "Tác phẩm được giải thưởng qua thời kỳ trong suốt 30 năm qua".

  • Tập tranh Sông Hương của họa sĩ Gérald Gorridge, giảng viên Đại học Hình ảnh Angouleme, được ra mắt ngày 9/3 tại trụ sở Hội người Việt Nam tại Pháp ở Paris.

  • NGUYỄN KHÁC PHÊ (Đọc “Nửa vòng đất lạ buồn vui xứ người” của Bảo Cường)  Tôi tin là Bảo Cường không tự ái khi bị (hay “được”) gọi là “nghệ sĩ hát rong”.  Vì không dễ có được danh hiệu này. Người nghệ sĩ không hề bị trói buộc, chẳng hề ra giá “cát-sê”, gần gũi với nhiều tầng lớp công chúng ở mọi phương trời mới  được tặng danh hiệu dân dã mà đáng yêu  đó.

  • Sáng ngày 17 - 2 - 2009, Tạp chí Sông Hương phối hợp cùng Hội Nhà văn TT. Huế tổ chức buổi ra mắt tập truyện ngắn đầu tay của tác giả Nguyễn Đặng Mừng: Bóng chiều hôm (Nxb Hội Nhà văn, 2009). Đến dự có đông đảo các nhà văn, dịch giả, những người có uy tín trong hoạt động văn học nghệ thuật như: Trần Thùy Mai, Nguyễn Khắc Thạch, Tô Nhuận Vỹ, Bửu Ý, Thái Kim Lan, Đặng Tiến…

  • “…Mới ngày nào của buổi sáng hội ngộ mùa thu 2008, các bạn trẻ cùng nhau thảo luận về sân chơi cho văn chương trẻ, nhận ra sự bơ vơ mà như một lời tự tình rất thực đã so sánh: “Con nai vàng ngơ ngác của nhà thơ Lưu Trọng Lư còn có thảm lá vàng để dẫm lên, còn những bước chân tập tễnh vào chốn văn chương của những cây bút trẻ đã không biết dẫm lên đâu trong mênh mông cuộc sống xô bồ hiện tại”.

  • Có thể nói như vậy về cuộc “ra quân” cùng lúc của 14 họa sĩ trẻ tại cơ sở “Nghệ thuật không gian mới” ở thôn Lại Thế (xã Phú Thượng, Phú Vang) chiều ngày 21/12/2008.

  • Sáng sớm ngày 7-12-2008, giữa rừng thông bên núi Ngũ Phong, phường An Tây TP Huế đã diễn ra Đại lễ khánh thành đền thờ vua Trần Nhân Tông (TNT) - nhân kỷ niệm 750 năm ngày sinh vua TNT 7/12/1258-7/12/2008 và 700 năm ngày mất 1308-2008 do Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế long trọng tổ chức trong khu Trung tâm văn hóa Huyền Trân.

  • Ngày 22/11 vừa qua, tại xóm 3 thôn Lại Thế huyện Phú Vang đã long trọng tổ chức Lễ khai mạc triển lãm tranh “Nơi mới” của các nghệ sĩ: Phan Hải Bằng, Nguyễn Thiện Đức, cặp song sinh Lê Đức Hải - Lê Ngọc Thanh, Võ Xuân Huy, Hoàng Đăng Nhuận, Trương Thiện.

  • Tạp chí Sông Hương phối hợp với Học bỗng Vang Vang đã trao 65 suất quà cho con em bà con lao động nghèo, cụ thể là các cháu từ 5-10 tuổi con em các nghiệp đoàn xích lô xe thồ ở thành phố Huế.

  • Các cháu đều rất đáng thương tâm, chịu nhiều thiệt thòi vì tật nguyền, nhiều cháu gặp phải bệnh chân voi, bại não nằm liệt người một chỗ, thiểu năng trí tuệ không tự ăn uống sinh hoạt được, câm điếc bẩm sinh. Các cháu đều ở trong những ngôi nhà nghèo, bố mẹ là công nhân lao động lương không đủ trang trải và không có điều kiện chăm sóc các cháu ... 

  • Đề án nhằm xây dựng thành phố Festival Huế mang tầm quốc gia và quốc tế với đặc trưng của Việt Nam; xây dựng Huế trở thành thành phố du lịch trong mối gắn kết hài hòa với thành phố Festival.

  • Rồi thì năm 2000, năm chuyển giao giữa hai thế kỷ và hai thiên niên kỷ cũng đã qua, để cho thế kỷ XXI chính thức khai mạc vào xuân Tân Tỵ này.

  • Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tuyên dương gia đình chị Lê Thị Thêu, người dân tộc Katu, trong phong trào hiến máu nhân đạo. Có tới 9 thành viên trong gia đình chị cùng tham gia hiến máu.

  • Do ảnh hưởng của hai đợt rét đậm, rét hại kéo dài gần hai tháng qua, hàng chục ha cây thanh trà ở xã Thủy Biều, TP Huế không thể ra hoa.