Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh- Người kể sự tích dân tộc mình bằng điện ảnh

16:13 12/03/2009
HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNGBút kýAnh đã xứng đáng với danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân" của nhà nước ta phong tặng. Riêng Hội Nghệ sĩ điện ảnh Nhật Bản đã tặng cho anh giải thưởng vẻ vang dành cho người nghệ sĩ thuật lại sự tích dân tộc mình bằng điện ảnh...

Tôi đánh bạn với anh Đặng Nhật Minh từ sau Hiệp định Paris, đến nay kể đã gần 30 năm. Trong cuộc đời tan hợp vô thường này, được gìn giữ một tình bạn trong bằng ấy thời gian, âu cũng là một điều vạn hạnh của đời người. Hồi năm 1980, tôi đang trú tại nhà sáng tác của Hội Nhà văn ở Quảng Bá, thì anh Đặng Nhật Minh mang cho tôi một tấm danh thiếp của nhà thơ Cù Huy Cận, kêu gọi sự cộng tác với xưởng phim truyện trong việc viết lời bình cho phim Nguyễn Trãi do anh Đặng Nhật Minh làm đạo diễn. Những ngày ấy, suốt ngày tôi cặm cụi một mình. Anh Đặng Nhật Minh là người Hà Nội gốc Huế duy nhất ghé vào chơi với tôi ở Quảng Bá, với những thước phim tài liệu vừa quay được về Nguyễn Trãi. Tôi thực sự làm quen với điện ảnh Việt từ ngày ấy; tất cả qua anh Đặng Nhật Minh. Thành thật thú nhận rằng đấy là một người bạn luôn luôn mang đến cho tâm hồn tôi sự dễ chịu, cùng với niềm kính trọng trong công việc. Tiếp theo đó, theo lời mời của anh Đặng Nhật Minh, tôi theo đoàn làm phim "Thị xã trong tầm tay" lên Lạng Sơn, phim do anh Đặng Nhật Minh viết kịch bản và đạo diễn. Thị xã Lạng Sơn vắng hoe sau chiến tranh biên giới, và tôi với anh Minh có những giờ ngồi trò chuyện bên nhau trong những quán cóc còn sót lại bên đường. Tôi ăn ở với đoàn làm phim trong một nhà trường đang đóng cửa ở Lạng Sơn, ở đó, vào mỗi sáng tinh sương đầy tiếng chim rừng, người cán bộ phụ trách âm thanh của xưởng phim lại dùng một con sào có buộc chiếc máy ghi âm ở đầu ngọn tìm đến, gióng cây sào lên trên những ngọn cây lớn trong vườn để thu tiếng chim hót làm của dự trữ cho xưởng phim. Đây là cuốn phim truyện đầu tay của anh Đặng Nhật Minh và suốt đời, anh chỉ làm những cuốn phim do chính anh viết kịch bản và làm đạo diễn.

Ngay từ đầu, Đặng Nhật Minh đã tỏ ra là một nhà đạo diễn quyết liệt trong ý đồ nghệ thuật của mình. Tôi cho rằng đó là sự biểu hiện của bản lĩnh, và của lòng tự tin nghề nghiệp, tuy hơi có vẻ cứng rắn nhưng lại rất cần thiết ở nghề điện ảnh của Đặng Nhật Minh, ở đó những ý kiến sáng tạo luôn dễ bị thay đổi bởi những yếu tố khó khăn bên ngoài. Ví dụ, trong kịch bản Nguyễn Trãi ban đầu của Đặng Nhật Minh, có hình ảnh của một con ngựa ở ải Chi Lăng. Thấy anh cứ đi ra đi vào, băn khoăn mãi không dứt, tôi bèn hỏi và được anh cho biết, một cuộc họp đoàn làm phim đề nghị phải sửa chữa kịch bản đem một con bò thay cho con ngựa, vì ở ải Chi Lăng bấy giờ, bên "đạo cụ" đi lùng sục mãi mới tìm thấy một con ngựa, và chủ nhà nhất định không cho thuê nếu để đoàn làm phim giết chết con ngựa vốn dùng để chuyên chở. Nhưng Đặng Nhật Minh không chịu để cho thay thế ngựa bằng bò, làm như thế thì kịch bản "chống Minh" chẳng còn ý nghĩa gì. Thay vì một con ngựa chết, tác giả chịu sửa đổi thành một con ngựa bị thương. Xem lại phim, tôi thấy Đặng Nhật Minh đã có lý, vì nếu chỗ ấy lại là một con bò thì không biết cuốn phim "Nguyễn Trãi" sẽ ra thế nào... Sau cuốn phim tài liệu nghệ thuật Nguyễn Trãi, Đặng Nhật Minh chuyển hẳn qua nghề đạo diễn, và bắt tay vào làm cuốn phim truyện đầu tiên "Thị xã trong tầm tay". Hình ảnh quán xuyến của bộ phim nhựa này là một thành phố biên giới đổ nát làm bối cảnh cho một chuyện tình chung thuỷ và nỗi đợi chờ lặng lẽ. Tôi đọc thấy ở đây ý đồ xuyên suốt của đạo diễn là, một hạnh phúc tạo nên bởi sự hàn gắn thay vì là lòng hận thù, chính là hạnh phúc tìm thấy một tâm hồn Việt Nam, băng qua những đổ vỡ. Đúng như hình tượng mở đầu trong bộ phim "Nguyễn Trãi": Bằng thủ pháp điện ảnh, Đặng Nhật Minh đã tạo nên một chiếc lọ cổ lớn bằng những mảnh gốm vỡ tan mà lịch sử khắc nghiệt đã gây nên.

Tiếp đến là phim "Bao giờ cho đến tháng mười" nói về số phận của một cô giáo có chồng ra mặt trận trong chiến tranh chống Mỹ. Tôi nghĩ rằng "chinh phụ" chính là một hình tượng điển hình số một của dân tộc Việt Nam, trên một đất nước chìm đắm triền miên trong chiến tranh, từ lập quốc đến nay. Sẽ không ngoa nếu bảo rằng "Bao giờ cho đến tháng mười" là một tác phẩm "Chinh phụ ngâm" của thế kỷ 20, không phải chỉ riêng của dân tộc Việt Nam, mà của cả nhân loại. Nó đem về cho tác giả nhiều lời khen tặng của điện ảnh năm châu, và được mời chiếu khai mạc trung tâm văn hoá Pompidou ở Paris , với sự có mặt của tổng thống Pháp Frăngxoa Mítxtơrăng. Tiếp theo là phim "Cô gái trên sông", lời tuyên án của tác giả bảo vệ những số phận "bị đời vui hất hủi" và có lẽ cũng là một mảnh tâm huyết của Đặng Nhật Minh dành cho thành phố chôn rau cắt rốn. Phim "Thương nhớ đồng quê" là vấn đề đạo lý đặt ra trước lương tâm người Việt Nam, trước một vùng nông thôn đã chịu quá nhiều hy sinh trong chiến tranh, Ở đây, phẩm chất của người nông dân Việt Nam được tác giả khắc hoạ rất chân thực và rất trân trọng, phẩm chất mà họ đã đánh đổi bằng giá của máu. Tiếp đến là cuốn phim lịch sử "Hà Nội mùa đông năm 1946" trong đó tác giả cố gắng phản ánh vai trò lãnh đạo của Hồ Chủ tịch đối diện với những nhiệm vụ lịch sử trọng đại. Mặc dù lúc bộ phim mới ra đời, những kẻ có ý đồ xấu cố tình tung ra một dư luận không mấy thiện chí về phía tác giả, song tôi vẫn tin rằng một lần nữa, "Hà Nội mùa đông năm 1946" thể hiện cách xử lý vấn đề rất thông minh của tác giả Đặng Nhật Minh, bởi không ai có thể thuật lại bấy nhiêu sự kiện lịch sử trọng đại tóm gọn trong bấy nhiêu thời gian (một suất chiếu phim).

Cuối cùng, là phim "Mùa ổi" nhắc nhở cho biết rằng có những vật ngỡ là bình thường nhưng người ta vẫn phải bảo vệ như một di sản. Thông qua chuỗi phim truyện liệt kê trên đây, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã bền bỉ đi hết con đường gian lao của nghệ thuật, để khắc hoạ những vấn đề đặc trưng trong từng thời điểm của lịch sử hiện đại. Nói rõ hơn, phải đợi hết trận mạc, nhà điện ảnh mới có điều kiện quay lại một vấn đề vẫn canh cánh bên lòng; ấy là số phận của người phụ nữ Việt trên một đất nước đánh giặc. "Thị xã trong tầm tay" không ngờ lại là một lời cảnh cáo đánh thức sự cảnh giác cho mọi người "Hỡi nhân loại, hãy cảnh giác!". "Cô gái trên sông" lại nhắc nhở những người của một thời đừng quên lời thề. "Thương nhớ đồng quê" giải thích nỗi lòng khôn nguôi đối với một mảnh đất đã từng lặn lội. "Hà Nội mùa đông năm 1946" nhắc người ta nhớ lại những tháng ngày đầu mối của các sự kiện lịch sử. Và mới đây "Mùa ổi", như một lời căn dặn đặt trước lương tâm của mỗi con người.

Cuốn phim sau bao giờ cũng mang ý nghĩa tiếp nối của cuốn phim trước, trong chuỗi xích của các sự kiện lịch sử. Có thể nói rằng suốt một đời đánh bạn với máy quay phim, Đặng Nhật Minh đã chăm chú tổng kết lịch sử. Anh đã xứng đáng với danh hiệu "Nghệ sĩ Nhân dân" của nhà nước ta phong tặng. Riêng Hội Nghệ sĩ điện ảnh Nhật Bản đã tặng cho anh giải thưởng vẻ vang dành cho người nghệ sĩ thuật lại sự tích dân tộc mình bằng điện ảnh.

Mỗi cuốn phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh thực hiện không chỉ là một món hàng giải trí thuần tuý, mà là một lời tuyên ngôn của người nghệ sĩ trước cuộc đời. Tôi tâm lĩnh ý hướng nghệ thuật của Nghệ sĩ Nhân dân Đặng Nhật Minh: sự trung thành không mỏi đối với sứ mệnh "lập ngôn" của người nghệ sĩ trước thời đại của mình.

                Huế, 10/10/2002
                     H.P.N.T
(168/02-03)

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • TRẦN THỊ HƯỜNG (*)                    Hồi Ký Mùa thu năm 1922 tôi rời thị xã Quảng Ngãi hòa trong dòng học sinh của nhiều miền trong đất nước về học tại trường nữ sinh Đồng Khánh (Huế).

  • NGUYỄN XUÂN SANH                                 Hồi ký Tôi và Huy Cận đều là học sinh Trường Quốc học Huế. Khác lớp nhau, nhưng cùng chung một ký túc xá. Hết sức thương nhau.

  • MAI VĂN HOAN (Trại sáng tác văn học Hương Vân)

  • NHẤT LÂM (Trại sáng tác văn học Hương Vân) “Trái bưởi kia vàng ngọt với ai” (Tố Hữu)

  • NGUYỄN THỊ CẨM THẠNH                                Hồi ký Đoàn nữ sinh trường Đồng Khánh Huế chúng tôi, đồng phục áo dài màu xanh biển, sắp hàng đôi, rời mái trường ngói đỏ, tường hồng, đi dọc theo hè đường, sang trường Việt Anh dự buổi tổng duyệt vở kịch Trưng Trắc Trưng Nhị của nhà thơ Thanh Tịnh.

  • L.T.S: Bửu Tiến, sinh năm 1916 ở Huế. Hội viên Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Ông là một trong những nghệ sĩ đầu tiên ở Huế tham gia kháng chiến sau cách mạng tháng Tám 1945.

  • Nếu ai đó nói, con đò là một trong những biểu tượng thi ca và văn hóa Huế, chắc rằng ít người sẽ dám phủ nhận điều đó. Nhắc đến Huế không thể không nói đến dòng Hương thơ mộng, nhưng chỉ là dòng sông lững lờ chảy qua miền đất thần kinh không thôi, e là đơn điệu lắm khi thiếu vắng sự tô điểm của những con đò.  

  • NGUYỄN CƯƠNGKỷ niệm 36 năm ngày giải phóng Huế 26/3/1975 - 26/3/2011

  • TRƯƠNG THỊ KHUÊ(Anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân)                                Hồi ký

  • CHƠN HỮU                Tản vănNhững giọt sương lấp lánh. Một chồi non mới nhú. Ồ! Mùa xuân đã về!

  • LTS: Ông Đặng Văn Đông - một cao niên gần 90 tuổi ở Huế, là người gửi nhiều bài dịch cho Sông Hương song chưa hợp với tiêu chí “nhìn ra văn học thế giới đương đại”. Vừa qua chúng tôi nhận được thư của ông cùng bài viết về một kỷ niệm đầy nhân ái trong gia đình.Sông Hương xin đăng, và kính chúc ông năm mới dồi dào sức khỏe!

  • PHẠM VĂN HỌC1. Chào xuân đẹp, có gì vui thế…!

  • PHẠM NGUYÊN TƯỜNG                         Ghi chép

  • NGUYỄN KHOA BỘI LANChúng tôi đi theo anh Hoan, bí thư huyện ủy Triệu Hải, về kiểm tra vụ đông xuân. Anh có thói quen mỗi lần về đây thế nào cũng tranh thủ ghé Phường Sắn thăm bà mẹ Mít.

  • XUÂN HOÀNGHuy đang nói chuyện với mấy người bạn trẻ viết văn cùng quê thì Trường, anh bạn làm thơ trẻ người dân tộc ở phòng bên nghe tiếng, vui vẻ chạy sang.

  • HỒNG NHU(Kỷ niệm 60 năm thành lập Hội LHVHNT Thừa Thiên Huế)Đại hội VHNT tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ 7 (4-1994) tại thành phố Huế đã nhất trí khẳng định về năm chính thức thành lập của Hội là năm 1950.

  • LÊ QUANG VỊNH           (Trích hồi ký)…Tôi và Niệm thì đi học phổ thông, chị Mai tôi - theo ba tôi, con gái không cần học chữ nhiều - đi học nữ công gia chánh để chuẩn bị làm vợ làm mẹ sau này.

  • NGUYỄN KHẮC PHÊ                       Ghi chép Chỉ còn một thời gian ngắn nữa, Đại hội Nhà văn Việt Nam (ĐHNV) lần thứ 8 sẽ họp tại Hà Nội. So với các Đại hội chuyên ngành văn học nghệ thuật khác, hầu như lần nào ĐHNV cũng “xôm trò” hơn, được dư luận chú ý hơn.

  • PHAN THỊ THU QUỲ(Kỷ niêm ngày thương binh - liệt sỹ 27.7)