NGUYỄN NHẬT ÁNH
Tạp văn
Minh họa: K.T
1. Có một giai thoại về Victor Hugo, văn hào người Pháp, tác giả bộ truyện Những người khốn khổ lừng danh: “Một lần Victor Hugo đi thăm nước Phổ. Khi đến biên giới Pháp - Phổ, một nhân viên hải quan Phổ hỏi: “Xin ông cho biết ông làm nghề gì?”. “Tôi viết”. “Tôi muốn hỏi ông sinh sống bằng gì?”. Lần này Victor Hugo đáp gọn: “Bằng ngòi bút”. Nhân viên hải quan nọ gật đầu ra vẻ hiểu biết. Sau đó anh ta ghi vào tờ thị thực nhập cảnh: “Victor Hugo, nhà kinh doanh ngòi bút”.
Chuyện không rõ thực hư nhưng nó cho ta thấy ở thế kỷ 19 có thể dân châu Âu chưa coi viết văn là một nghề, hay ít ra là một nghề nghiêm chỉnh.
Đọc mẩu chuyện này, tôi mỉm cười tưởng tượng lúc đó đã có computer và Victor Hugo viết văn trên máy tính, hẳn ông đã trả lời “Tôi sống bằng bàn phím” và tay nhân viên hải quan gà mờ nọ thế nào cũng ung dung tương câu: “Victor Hugo, nhà kinh doanh bàn phím” vào tờ thị thực nhập cảnh của nhà văn.
2. Các nhà văn trẻ ở ta bây giờ có lẽ hầu hết đều viết trên computer. Càng trẻ càng dễ tiếp cận và tiếp nhận công nghệ hiện đại và không có lý gì giữa thời đại kỹ thuật số, các nhà văn trẻ lại ép mình viết bằng tay, cặm cụi ì ạch như trâu kéo cày. Thậm chí người viết trẻ bây giờ vừa viết xong chương nào có thể giới thiệu ngay chương đó trên internet để người đọc bình luận, góp ý. Có người chỉ viết cảm nhận hàng ngày của mình dưới dạng nhật ký mạng, cũng không có ý định làm văn chương, nhưng khi nhận được nhiều đồng cảm và khuyến khích của bạn đọc, đã tập hợp lại và in thành sách, thậm chí có trường hợp là sách bán chạy. Và thuật ngữ “văn chương mạng” ra đời!
Bây giờ giả như các nhà văn tiền bối Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Công Hoan đội mồ sống lại, nhìn các nhà văn thời @ hành nghề, các vị mắt chữ O mồm chữ A là cái chắc!
3. Viết tay, viết trên máy đánh chữ hay viết trên computer, thực ra chỉ là thay đổi công cụ lao động. Thoạt đầu có thể chưa quen nhưng khi đã thích nghi được rồi, tôi tin tư duy và cảm xúc của nhà văn không bị tác động đáng kể bởi phương tiện hành nghề. Có khi không cần một công cụ nào, nhà văn vẫn sáng tác được, chỉ bằng vào... trí nhớ. Có những nhà văn, nhà thơ trong tù lẩm nhẩm sáng tác từng câu trong óc rồi cố học thuộc lòng, về sau vẫn có thể ghi lại đầy đủ.
Dẫu sao, trong thời buổi hiện nay sáng tác trên computer vẫn đang và sẽ là xu thế toàn cầu. Vì máy vi tính cung cấp cho người viết những tiện ích mà các công cụ khác không có được. Nó cho phép tẩy xóa dễ dàng, lưu trữ thuận lợi, nhân bản chớp nhoáng. Bản thảo luôn luôn sạch sẽ và chỉ cần click chuột một cái, các tòa soạn báo hay các nhà xuất bản sẽ lập tức nhận được trong vài giây.
Chưa kể, khi máy vi tính kết nối với internet, nhà văn gặp lúc cần tư liệu cho bài viết, đã có một kho tàng kiến thức của nhân loại đang ngủ yên trên các websites sẵn sàng thức dậy chờ đáp ứng. “Mr. Google” hiện nay đang đóng vai người quản thủ thư viện dễ tính không chỉ cho học sinh, các nhà nghiên cứu, các doanh nhân mà cho cả các nhà văn.
Việc truy tìm tri thức trên internet thuận tiện và phổ cập đến mức hàng loạt tờ báo giấy phải đóng cửa, nhiều tờ báo nổi tiếng thế giới như Lloyd’s List, Christian Science Monitor, Newsweek, US News & World Report phải chuyển sang phiên bản điện tử để tồn tại, trong đó tờ Lloyd’s List của nước Anh thuộc loại lâu đời nhất thế giới (ra số đầu tiên năm 1734). Tờ này rất có uy tín với các bài phân tích chuyên sâu, đặc biệt về vận tải biển, sau 280 năm “đại thọ” cuối cùng cũng buộc phải nói lời “cáo phó” với phiên bản báo giấy để mong kéo dài cuộc sống dưới hình thức online. Thậm chí bộ Đại bách khoa toàn thư Britannica lừng danh sau 244 năm đồng hành với bạn đọc toàn cầu mới đây cũng tuyên bố ngưng ấn hành bản in giấy để chuyển sang hình thức kỹ thuật số.
4. Vậy thì hà cớ gì các nhà văn của chúng ta phải cố bơi ngược dòng chảy của văn minh?
À, nếu có một cái cớ thì cái cớ đó ắt nằm ở chỗ này: Từ “người cầm bút” xưa nay vẫn dùng để chỉ nhà văn từ nay sẽ không còn đúng nữa. Hàng loạt cụm từ quen thuộc như “sống bằng ngòi bút”, “sức mạnh của ngòi bút”, “những cây bút trẻ”... không khéo phải sửa lại thành “sống bằng bàn phím”, “sức mạnh của bàn phím”, “những bàn phím trẻ”... cho hợp với xu thế mới cũng nên.
Nói vui thế thôi, có lẽ chẳng ai nghĩ đến việc sửa đổi. Trong tiếng Anh, từ “pen” (cây bút) có thể được diễn giải như dạng viết tắt của 3 từ dính líu trực tiếp đến văn chương: poets, essayists và novelists (các nhà thơ, nhà viết tiểu luận và tiểu thuyết gia) như cách đặt tên của Hội văn bút quốc tế (PEN Club). Dù không biết rõ xuất xứ của từ “PEN Club”, nhìn vào chữ “pen” ai cũng có thể đoán ra đây là nơi sinh hoạt của mấy tay viết lách. Chứ nhìn chữ “Keyboard Club” (giả như có ai điên điên thay “cây bút” bằng “bàn phím”), mười người hết chín chắc chắn sẽ cho rằng đây là hiệp hội của mấy ông kinh doanh computer.
5. Suy cho cùng, cây bút từ lâu đã là biểu tượng cho giới viết văn. Đã là biểu tượng thì không nhất thiết phải trùng khít với thực tiễn vốn đổi thay từng ngày. Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến World Cup 2002 tổ chức ở Nhật Bản – Hàn Quốc. Trong giải đấu đó, cho đến trước trận chung kết diễn ra giữa Đức - Brazil, tiền đạo Klose của tuyển Đức đã ghi được 5 bàn thắng, kém tiền đạo Ronaldo của tuyển Brazil 1 bàn. Đặc biệt, 5 bàn thắng của Klose đều được ghi bằng đầu.
Giả như trong trận chung kết, Ronaldo không ghi bàn, còn Klose đánh đầu vô lưới Brazil 2 quả nữa để nâng thành tích lên thành 7 bàn, đương nhiên Klose sẽ được FIFA trao giải “Chiếc giày vàng” dành cho chân sút ghi nhiều bàn thắng nhất cho dù những bàn thắng đó anh hoàn toàn không sút bằng chân, tất nhiên cũng chẳng liên quan gì đến “giày”.
Rất may rốt cuộc Ronaldo lập cú đúp vào lưới tuyển Đức để ngăn không cho điều trái khoáy đó xảy ra. Nhưng tôi tin nếu chẳng may giả định éo le của tôi lỡ thành sự thật, FIFA cũng không bao giờ đổi tên giải thưởng “Chiếc giày vàng” thành... “Cái đầu vàng” để thích ứng với sở trường chơi đầu của Klose.
Bởi “Chiếc giày vàng” từ lâu đã được hiểu là một danh hiệu nhằm tôn vinh cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất, bất chấp cầu thủ đó có chạm bóng bằng giày hay không. Cũng như vậy, “cây bút” là biểu tượng cho giới viết văn, mặc dù những nhà văn hiện đại có người cả đời không hề dùng tới bút. Ờ nhỉ, có sao đâu!
Theo SGGP
Sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới về văn hóa văn nghệ được đề ra trong Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 12/1986), văn học Việt Nam đã có nhiều bước chuyển sâu sắc, đạt nhiều thành tựu đáng kể trên tất cả các thể loại, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền tảng văn hóa, tinh thần của con người và xã hội.
. Hai năm sau kể từ khi Julia Kristeva đưa ra khái niệm liên văn bản (intertextuality), Roland Barthes đã đi xa hơn nhiều qua một tuyên bố gây sốc: Cái chết của tác giả (The Death of the Author, 1968). Những quan niệm mới mẻ của các nhà khoa học một thời từng là trụ cột của chủ nghĩa cấu trúc đã chính thức khép lại vai trò của isme này và mở ra giai đoạn hậu cấu trúc. Trong quan niệm mang tính gây hấn của họ, người đọc, từ chỗ là kẻ bên lề, đã chính thức bước vào vị thế trung tâm với tư cách là kẻ có quyền năng tối thượng trong việc thiết lập mối quan hệ và ý nghĩa giữa văn bản và liên văn bản, giữa văn bản và các thiết chế văn hóa đã tạo ra nó(1).
Tiểu thuyết về giải phóng miền Nam Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.1975 của nhà báo kỳ cựu Trần Mai Hạnh đã vượt qua tiểu thuyết về chiến tranh biên giới phía Bắc Mình và họ của Nguyễn Bình Phương, tác giả xuất sắc của văn học đương đại.
“Tay chơi” Nguyễn Quang Sáng rời xa cõi tạm, “trưởng lão” Tô Hoài về với “Cát bụi chân ai,” nhà văn của đất và người phương Nam - Anh Đức về với đất Mẹ, tác giả của “Biển và chim bói cá” - nhà văn Bùi Ngọc Tấn kết thúc hành trình sống và viết…
"Những đỉnh núi du ca" là công trình nghiên cứu mới nhất về tộc người H'mông của nhà nghiên cứu trẻ Nguyễn Mạnh Tiến (ảnh bên), người đã cố công lang thang suốt ba năm trên khắp miền núi phía Bắc mà trọng tâm là cao nguyên đá Đồng Văn để tìm kiếm cho mình một lối tiếp cận khả dĩ nhất để giải mã những phản ứng phức tạp của tộc người vừa đặc biệt, vừa hấp dẫn nhưng cũng không ít bí ẩn.
"Có một phố vừa đi qua phố" - tập di cảo của cố tác giả Đinh Vũ Hoàng Nguyên - là một trong bốn tác phẩm văn học đoạt giải "Văn học Nghệ thuật Thủ đô 2014".
Nhà văn quân đội có tiếng Đình Kính (Hải Phòng) viết ở nhiều lĩnh vực: Tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, kịch bản phim. Mảng chủ đề lớn mà ông đeo đuổi là biển và những người lính biển, với các tác phẩm “Sóng cửa sông” (1976), “Đảo mùa gió” (1978), “Lính thủy” (1978), “Người của biển” (1985) - Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng, “Sóng chìm” (2002), “Huyền thoại tàu không số” (2012) - 2 tác phẩm này đều đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn VN. Phóng viên Báo Lao Động đã phỏng vấn ông…
Trong tiểu thuyết Xác phàm, nhà văn Nguyễn Đình Tú dùng hình ảnh “mùi buồn” để gợi lại ẩn ức về một cuộc chiến tranh.
Bất kỳ người cầm bút nào cũng đều mơ ước rằng tác phẩm của mình sẽ trở thành sách gối đầu giường của hàng triệu người. Sao chúng tôi - những nhà văn, nhà thơ Việt Nam lại không mong muốn một ngày tác phẩm của mình hiện diện trên các ngôn ngữ của dân tộc khác chứ?
Nhà văn Tô Hoài - tác giả của cuốn sách "Dế mèn phiêu lưu ký" khiến bao thế hệ bạn đọc Việt Nam say mê - đã từ trần vào trưa 6.7.2014 tại nhà riêng ở Hà Nội, hưởng thọ 95 tuổi.
Nobel Văn học là đỉnh cao nhưng không phải đỉnh cao nào cũng làm hoan hỉ tất cả mọi người. Việc lựa chọn của viện Hàn lâm Thuỵ Điển những năm gần đây chắc chắn sẽ làm chạnh lòng những ai đã trót yêu thích thế giới văn chương của Kafka, Jorge Louis Borges, Umberto Eco, Robbe – Grillet, Italo Calvino…
Ngày nay, nhìn lại chủ trương cách mạng của Phan Châu Trinh cách đây hơn một thế kỷ, một lần nữa chúng ta lại thấy tầm nhìn của một người mang khát vọng Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh.
Lần nào ra Hà Nội, dù dài ngày hay chỉ là thoáng chốc, nhà văn Trần Thùy Mai cũng tới ngồi uống cà phê ở nhà hàng Thủy Tạ nhìn ngắm hồ Gươm và hẹn bạn bè tới gặp gỡ chuyện trò. Hỏi vì sao chị chỉ chọn mỗi chỗ này, Trần Thùy Mai bảo: “Là vì ở đây là “Hà Nội nhất”, lại có thiên nhiên bao quanh, giống như bờ sông Hương ở Huế vậy…”.