Ngát trời tháng ba

10:23 10/09/2008
LÝ HẠNH                Đất trời đã bước vào độ cuối xuân, vẫn còn những cơn mưa bụi lất phất và cái rét dìu dịu thả xuống nhân gian như những sợi tơ trời.

Chiều, tôi vẫn đội mưa lang thang trên những ngõ phố nồng nàn hương xoan. Hoa rơi trên tóc, hoa rơi trên lòng bàn tay, từng cánh bé bỏng và mong manh. Những đợt mưa hoa khiến nỗi nhớ quê day dứt ùa về trong tim tôi, một miền quê với 2 hàng vông chạy dọc bờ đê, hoa đỏ rưng rức mỗi độ tháng 3 về. Và, lẫn trong hình ảnh nhạt nhoà ấy của ký ức là dáng người khòm khòm, nhỏ bé của bà nội tôi. Cái dáng người toát lên vẻ lận đận ấy không biết từ bao giờ đã hằn sâu trong tâm hồn tôi, dịu dàng như đôi bàn tay nhẹ nhàng nắm lấy tay tôi, dắt tôi đi qua những buồn vui của cuộc sống.
Quê tôi cũng như bao vùng quê nghèo khác của đất miền Trung đầy nắng và gió này. Có cánh đồng mênh mông một màu xanh ngát, có bờ đê để chiều chiều lũ trẻ chúng tôi chắp cánh ước mơ trên những cánh diều. Ở quê tôi, nhà ai cũng trồng vông. Vông làm hàng rào ngăn cách những ngôi nhà, vông phủ bóng râm trên con đường dài và hẹp, vông chạy dài tít tắp trên bờ đê lộng gió… Những ngày ấu thơ thiếu thốn của tôi trôi qua êm đềm trên vùng quê thân thương này.
Ngày ấy, gia đình tôi rất nghèo. Ngày ngày, bố mẹ tôi đi làm, hai chị em tôi ở nhà cùng bà. Bà dạy chúng tôi hát, bà tập cho chúng tôi vẽ, bà kể chuyện cổ tích cho chúng tôi nghe. Chúng tôi lúc nào quanh quẩn bên bà không rời nửa bước. Chiều chiều, khi mặt trời ngả bóng, chiếu xuống khu vườn nhỏ trước sân những tia nắng màu tím nhạt và ngọn gió đùa lao xao trên những tán vông, chúng tôi lại theo bà ra đồng hái rau cho lợn. Lúc trở về, bao giờ bà cũng hái những chiếc lá vông thật non để nấu canh với cá giếc đồng. Bà bảo, mùa hè, ăn món này sẽ giúp giải nhiệt và ngủ sâu. Giữa cánh đồng bao la một màu xanh và văng vẳng tiếng quạ từ xa vọng lại, dáng bà dường như trông nhỏ bé hơn, lưng khòm xuống, từng bước liêu xiêu, lạc lõng. Sương buổi chiều sa xuống, điểm lên mái tóc bà màu trắng xóa.
Sau này, cứ mỗi buổi hoàng hôn tràn xuống mặt nước xanh lơ của dòng Hương và nỗi nhớ quê ùa về đong đầy, nghẹn căng trong lồng ngực, trước mắt tôi lại hiện lên hình ảnh ấy. Ngày đó, tôi còn rất bé nhưng không hiểu sao, hình ảnh của bà trong những buổi chiều tím lại cứ ùa vào lòng tôi mênh mang một nỗi buồn.
Hồi còn bé, trong giấc mơ, bao giờ tôi cũng mơ ước mình sẽ trở thành nàng công chúa trong những câu chuyện cổ tích mà bà đã kể. Thế là, ngày nào, tôi cũng đòi bà hái những bông hoa dại trong vườn cài lên áo, lên tóc. Tháng 3, hoa vông đỏ rực cả triền đê. Những buổi chiều đi hái rau về, trong rổ của bà còn có những bông hoa như ngọn lửa. Bà bỏ hoa vào trong một chén nước nhỏ rồi đặt giữa bàn. Thế là căn nhà của chúng tôi được sưởi ấm. Và nàng công chúa bé nhỏ của bà, tháng 3 cũng rực rỡ hơn với hoa vông cài trên tóc.
Tháng 3 năm tôi 8 tuổi, bà qua đời.  Năm  ấy,  hoa vông đỏ rực trời, nhưng không ai hái hoa sưởi ấm căn nhà phên xiêu vẹo của chúng tôi, không ai cài hoa lên tóc tôi. Mặc gió, mưa và giá rét, chiều chiều, hai chị em tôi lại thơ thẩn dắt tay nhau ra bờ đê, khóc giữa hai hàng vông đang rì rào trong gió. Từ đó, trong mỗi giấc mơ của tôi đều đầy ắp nụ cười hiền hậu của bà lúc cài những đóa hoa vông lên tóc tôi…
Thành phố tháng 3, hoa xoan ngập trời. Nhưng tôi không tìm được cho mình một đóa vông như ngọn lửa để sưởi ấm hồn. Thế là, tôi nhận biết bước đi của thời gian qua những ngõ phố ngan ngát hương xoan. Cứ mỗi chiều tháng 3 lang thang cùng gió, hít thật sâu hương xoan nồng nàn, tôi lại nghĩ: bờ đê quê mình đang đỏ thắm hàng vông. Và hình ảnh bà lại hiện về, ấm áp, bâng khuâng…
L.H

(nguồn: TCSH số 229 - 03 - 2008)

 


Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • NGUYỄN VĂN DŨNGTôi không tin rằng một cô gái đẹp thì lúc nào cũng đẹp. Sông Hương cũng thế. Sông Hương là quà tặng ưu ái của Thượng đế dành cho kẻ phàm trần.

  • NGUYỄN HỮU THÔNGĐêm thêm như một dòng sữa.Lũ chúng em, âm thầm rủ nhau ra trước nhà.Đêm thơm, không phải từ hoa,Mà bởi lòng ta thiết tha tình yêu thái hòa.Đời vui như men sayNgọt lên cây trái..

  • NGUYỄN XUÂN TÙNGSống lạc quan yêu đời, luôn luôn làm chủ được những suy nghĩ, tình cảm và hành động để tự thắng mình trong mọi hoàn cảnh là một phẩm chất cao đẹp của Bác Hồ.

  • HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNGỞ Huế hình như không có mùa thu, mùa thu chỉ ghé lại thành phố giữa một mùa nào đó, mùa hè chói chang hay mùa đông rét mướt. Vì thế, bao giờ người ta cũng đón chào mùa thu bằng nỗi vui mừng đến với một người thân đi xa mới về để lại vội vã ra đi, bằng một cái mà nhạc sĩ tiền chiến Đặng Thế Phong gọi là “Con thuyền không bến”. Trên sông Hương, hình như thường có nỗi bơ vơ chờ sẵn những tâm hồn lãng tử quen xa nhà từ vạn cổ.

  • TRẦN THÙY MAI“Khuôn mặt em đâu phải chữ điền, Trúc không che ngang mà che nghiêng”

  • PHẠM NGUYÊN TƯỜNGCái tin anh Phương mất đột ngột đến với tôi lúc 11 giờ đêm, qua giọng rã rời nghẹn ngào của nhà thơ Lương Ngọc An báo Văn nghệ, lúc tôi đang “dùi mài kinh sử” ở khu ký túc xá trường Đại học Y Hà Nội để lấy cho xong cái bằng Thạc sỹ.

  • Hành trìnhĐã từ lâu tôi cứ muốn đi núi Tuý Vân để tìm hiểu xem sao nó được vua Thiệu Trị liệt vào hàng thứ 9 trong “Thần kinh nhị thập cảnh”.

  • Trước năm 1945, mỗi lần đi qua Ái Tử, tôi không khỏi lo sợ… Một sự lo sợ mơ hồ. Còn vì sao mà sợ thì cũng chẳng biết.

  • Ngay lần đầu tiên gặp ông đã đầy kỷ niệm. Đại đội tôi giao quân bên bờ một con suối đẹp cách sông Hương không bao xa. Anh Nguyễn Châu trưởng ban quân lực Thành đội nhận quân xong, ông đến bắt tay từng người.

  • Tôi vừa đến vùng Bắc Tây Nguyên được mấy hôm thì gặp địch càn quét. Hôm đó tôi định vào cơ quan xã Đaktô để làm việc không ngờ gặp địch dọc đường, tôi tạt vào rừng và nhắm hướng trở lại đơn vị, nhưng càng đi càng lạc sâu vào rừng thẳm.

  • Rời Bắc Hải chúng tôi bảo nhau từ giờ trở đi sẽ chỉ ở khách sạn chứ ở nhà người quen có cái vui nhưng cũng gây phiền toái cho bạn bởi chúng tôi đi chơi bất tử chẳng có giờ giấc nhất định nào.

  • Có một lão ngư kiêm lão nông suốt mấy chục năm trời vắt mồ hôi thành muối, tưới mồ hôi thành sông hồ mà mảnh vườn nhà vẫn cằn khô, chiếc thuyền nhà vẫn không tanh mùi cá biển. Quang cảnh vườn nhà cứ một mùa xanh lại ba mùa rụng lá, khô cành. Vợ chồng con cái chỉ thấy mắt chẳng thấy mồm. Xung quanh hàng xóm cũng chung hoàn cảnh.

  • Đấy là vào khoảng cuối chiến dịch Điện Biên Phủ – 1954. Đơn vị chúng tôi (đại đội 410 – đội 40 – TNXP Trung ương) được điều đi nhận nhiệm vụ mới.

  • 1. Cô bạn cùng cơ quan nghe nói tôi “có tay nuôi người”, lại quen biết giao du rộng rãi nên có ý nhờ tìm một người giúp việc nhà cho vợ chồng cô em gái.