Ảnh: Internet
Ấn tượng rõ nét nhất đối với tôi về thơ Lâm Thị Mỹ Dạ có từ khi đọc bài Ý nghĩ chị viết cách đây mươi lăm năm. Do một sự tình cờ, lần đầu tiên tôi được thấy bài thơ này trong sổ tay một anh bộ đội, sau đó mới đọc lại trên báo Văn nghệ (số 366 ra ngày 16-10-1970). Bài thơ thật ngắn. Ý NGHĨ Những cơn mưa Quen mà rất lạ Mưa chải dài cây lá Đọng ngấn tròn bâng khuâng Mưa đi đâu về đâu Chẳng ai biết nữa Chỉ biết sau cơn mưa Trời không còn vôi vữa Chỉ biết sau cơn mưa Mặt đất thành mới mẻ Con gà đi nhặt thóc Nắng lại vàng trên đồng Cây đâm chồi nẩy lộc Cát nhìn thêm mênh mông. 12-1969 Một vài cách diễn đạt nào đấy trong bài thơ, bây giờ đã trở nên ít nhiều mòn sáo, nhưng vào hồi ấy có thể coi là mới. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn tôi muốn nói ở đây chưa phải chuyện mới cũ, mà ở chỗ Ý nghĩ sớm cho thấy tác giả của nó có một tâm hồn thơ, có nghệ thuật làm thơ - mặc dù như Mỹ Dạ gần đây có nói, bấy giờ đang là lúc chị “tập tễnh vào nghề”.
Xét về cả một tứ thơ, những năm sau này Mỹ Dạ chưa có bài nào hay như Khoảng trời, hố bom - theo ý riêng tôi. Nhưng rải rác đó đây có những ý độc đáo, đọc rất thích. Nghĩ về đất, chỉ Mỹ Dạ mới viết một cách duyên dáng thế này: Đất như cô gái yêu Giấu bao điều chưa nói Bỗng nhú những mầm non Khi nghe mùa xuân gọi. Đứng trước nghĩa trang liệt sĩ, với lòng biết ơn sâu nặng những người đã hy sinh vì dân, vì nước, chỉ Mỹ Dạ mới thấy: Những nấm mồ xếp đều bên nhau Như những phím chiếc dương cầm của đất Rung lên những âm thanh lặng thầm không tắt Chỉ trái tim người mới nghe được mà thôi Trong không gian thơ mộng của buổi sớm ở Đà Lạt, Mỹ Dạ có một cách “nghe - nhìn” riêng: Tiếng chim trong ngân thành vòng thành chuỗi Như một loài hoa lạ của trời Thả từng chùm xuống thành phố đầy vơi Nhìn những người thầy thuốc mặc áo blu trắng đi lại trong đêm ở bệnh viện, chỉ Mỹ Dạ mới so sánh kiểu: Những chiếc áo blu nhẹ như loài hoa riêng của đêm. Trong các nhà thơ nữ, nếu Anh Thơ đã có một lần táo bạo: Mẹ ru bé ngủ êm êm - Như ru vũ trụ ngủ trên tay mình, thì Mỹ Dạ ít nhất đã có hai lần táo bạo. Năm 1971, chị viết: Bố sẽ bế con quay tròn Như xoay mấy vòng quả đất Năm 1974, chị viết: Ăn với nhau một que kem Mùa đông tan ria đầu lưỡi Có những ý đã có trong thơ người khác, Mỹ Dạ biết nói bằng cách nói của chị. Xuân Diệu: Lá bàng xanh non như ăn được Mỹ Dạ: Nhìn lá/ Cứ ngỡ là lá ngọt/ Bởi lá tơ non mơn mởn quá chừng. Xuân Diệu hỏi đất trời về sự sinh nở khi nhìn “quả sấu non trên cao”: Ôi từ không đến có - Xảy ra như thế nào? Mỹ Dạ thì lại hỏi: Cái phút hoa quỳnh nở Nó thế nào hở trăng? Nó thế nào hở sao? Nó thế nào hở gió? (Cũng may mà Mỹ Dạ biết dừng lại ở đấy. Chỉ quá đi một lần nữa chị khó có thể tránh được cái tiếng: lặp lại người khác, dù vô tình hay hữu ý). Giống như một số không nhiều những người làm thơ, Mỹ Dạ nói được những điều ai cũng biết nhưng không nói ra được, mà nếu có nói thì cũng nói bằng cách khác. Chẳng hạn: Ngày tôi chưa ra đời Nỗi mong chờ đã có Ngày tôi vừa tuổi nhớ Đã nghe “Đợi anh về”. Hay là: Bạn gái đáng yêu đến thế Cho tôi quên hết nhọc nhằn Cho tôi về thời con gái Sáng tròn như một vầng trăng Âm hưởng chính trong thơ Mỹ Dạ xuất phát từ những giai điệu trầm, nhẹ, đằm thắm, không ồn ào. Nhưng có một lần - quý thay - nó thật khỏe mạnh, cái khỏe mạnh ít thấy ở những cây bút thơ phụ nữ: Giấu bao cơn bão trong lòng Cây buồn đứng ngắm mênh mông biển trời Mình đầm gió mặn mồ hôi Ngả trong nóng nực mặt trời trưa nay. Một điều cũng dễ thấy là, khi triển khai ý thơ, Mỹ Dạ thường bám sát nội dung hơn là chạy theo vần điệu. Chị làm chủ được mình, không cho ngôn từ trói buộc những suy nghĩ, không để vần điệu lái ngòi bút sang một nẻo đường khác nẻo đường đã định. Những năm trước kia, ở bài Đi trong đêm màu trắng, chị viết: Ta đi lên đồi cát mịn Biển ở ngoài kia nơi tiếng sóng đang reo Cát trắng quá nên đêm xuống chậm Hay Bảo Ninh mãi vẫn ban ngày? Gần đây, ở bài Như lá, chị viết: Tôi đi giữa mùa non Sững sờ trong bao dáng lá Nhớ ai Tôi gửi nụ hôn lên trời Rõ ràng, ở cả hai lần này (và nhiều lần khác nữa), nếu Mỹ Dạ không chủ động hy sinh một ít vần điệu, chắc gì chị giữ lại được những ý như vậy? Mỹ Dạ còn để ngòi bút mình thử thách trên nhiều thể thơ. Đó là một biện pháp làm cho thơ bớt đơn điệu… Tất nhiên, với cương vị một người đọc thơ, một người yêu thơ, hoặc với danh nghĩa một người phê bình thơ hay với tư cách một người bạn Mỹ Dạ, tôi còn có thể mong mỏi ở thơ chị điều này điều khác. Chẳng hạn, chị nên đưa vào thơ nhiều hơn nữa cái bộn bề, tươi mới của hiện thực (tôi nghĩ đến trường hợp Huy Cận với tập Trời mỗi ngày lại sáng, và Phạm Tiến Duật với nhiều bài thơ trong những năm chống Mỹ); hay là chị nên đa dạng hơn nữa trong cách cấu trúc những bài thơ; hoặc là chị nên thế này thế nọ… Nhưng có lẽ hãy dành cho một dịp khác. Bằng vào những dẫn chứng nêu trên, ở đây tôi chỉ muốn khẳng định một điều: Mỹ Dạ có ý thức lao động nghiêm túc trong việc làm thơ. Ý thức ấy đem lại một kết quả rõ rệt: thơ chị có những nét riêng, có bản sắc riêng. Cũng chẳng ngại là sớm đối với một người đã làm thơ gần hai chục năm như Mỹ Dạ, khi nói rằng bản sắc riêng ấy là phong cách của thơ chị, dù cho phong cách còn gồm những điều khác nữa, và phong cách không phải là cái gì “nhất thành bất biến”. Mà bản sắc riêng là một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với một nhà thơ. Bởi vì, chắc ai cũng biết, trong văn chương - mà có lẽ trong lĩnh vực nào cũng vậy thôi xét về một phương diện nào đấy, nếu một người không có cái gì là của riêng mình thì người ấy không có gì hết. Cái đáng quý nhất của thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, theo tôi, chính là ở đó. Hà Nội 3-1984 H.D. (7/6-84) ---------------------------- (*) Trái tim sinh nở, phần thơ in trong tập Trái tim nỗi nhớ, thơ Lâm Thị Mỹ Dạ - Ý Nhi, NXB Văn học, 1974, Bài thơ không năm tháng, thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, NXB Tác phẩm Mới, 1983. |
PHONG LÊ
Nhân 50 năm ngày mất nhà văn Thạch Lam (1942-1992)
TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG
NGUYỄN KHẮC PHÊ
Chưa có ai thống kê và so sánh, nhưng hẳn là trong công cuộc kháng chiến giữ nước của dân tộc ta, không có đề tài nào được sách báo nói đến nhiều như cuộc chiến đấu trên đường Hồ Chí Minh.
YẾN THANH
Có nhiều thứ
Không thể chùi được bằng nước mắt
Như ánh sáng kia trên bầu trời hoàng hôn và bình minh của biển
Như sự nín lặng bất lực của cát.
Như bàn tay bên cạnh một bàn tay
(Bạch Diệp)
VĂN TOÀN - TUẤN VŨ
Trong cuộc đời đầy sôi nổi của mình, nhất là những tháng năm làm quan, Giá Viên Phạm Phú Thứ từng đến nhiều địa phương trong nước và nhiều nước trên thế giới.
LÊ THỊ HƯỜNG
Nói một cách kinh điển, ở tiểu thuyết, cái kết được xem là “sức mạnh của cú đấm nghệ thuật”(D. Furmanov).
PHONG LÊ
Quang Dũng1 - Dũng mà rất hiền, rất lành; tôi muốn dùng đến cả chữ lành để nói về ông mới thật sự đủ nghĩa và thỏa lòng.
NGUYỄN KHẮC PHÊ
(Đọc “Dám ngoái đầu nhìn lại” - Tập Phê bình văn học của Nguyễn Thị Tịnh Thy, Nxb. Hội Nhà văn, 2021)
NGÔ THỜI ĐÔN
Trước tác của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (1819-1870) lâu nay mới được dịch thuật, giới thiệu ít nhiều ở phần thơ.
PHẠM XUÂN DŨNG
(Nhân đọc tập thơ “Hóa vàng đi Tường” của Phạm Nguyên Tường, Nxb. Thuận Hóa, 2021)
HỒ THẾ HÀ
Nguyễn Vỹ (1912 - 1971) là một tác giả/ hiện tượng văn chương, báo chí và văn hóa ở Việt Nam đầy ấn tượng của thời hiện đại, nhưng trước tiên, ông được biết đến với tư cách một nhà thơ từ thuở Hoài Thanh viết Thi nhân Việt Nam (1942).
TÔN THẤT DUNG
Nghe tin nhà văn, nhà thơ Trần Hữu Lục qua đời, không hiểu sao trong tâm tưởng tôi dường như có ai đọc những câu ca từ trong bài Có một dòng sông đã qua đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn!
LÊ THỊ ĐỨC HẠNH
Mộng Sơn là một trong số hiếm hoi những nhà văn nữ xuất hiện từ trước Cách mạng tháng Tám, sau này vẫn tiếp tục bền bỉ đóng góp cho nền văn học mới bằng những tác phẩm vừa phải, khiêm tốn, biểu lộ một tình cảm chân thành, một tấm lòng nhân ái.
NGUYỄN THANH TRUYỀN
Ấn tượng của tôi về Nguyên Hào bắt đầu từ một đêm thơ gần 20 năm trước. Lần đầu tiên đọc thơ trước đám đông, dáng vẻ vừa bối rối vừa tự tin, anh diễn giải và đọc bài “Rượu thuốc”: “Ngâm ly rượu trong/ Thành ly rượu đục/ Đắng tan vào lòng/ Ngọt trong lời chúc”.
PHẠM XUÂN DŨNG
(Đọc tập sách “Bên sông Ô Lâu” của tác giả Phi Tân, Nxb. Lao Động, 2021)
PHẠM PHÚ PHONG
Nguyên Du là sinh viên khóa 5 (1981 - 1985) khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là Đại học Khoa học).
PHONG LÊ
Thanh Tịnh (12/12/1911 - 17/7/1988), trước hết là một nhà Thơ mới, tác giả tập thơ Hận chiến trường (1936) với hai bài Mòn mỏi và Tơ trời với tơ lòng được Hoài Thanh chọn đưa vào Thi nhân Việt Nam cùng với lời bình.
LÊ HỒ QUANG
Dưới “áp lực” của tiêu đề, khi đọc Thỏa thuận, gần như ngay lập tức, trong óc tôi nảy sinh hàng loạt câu hỏi: Thỏa thuận nói về cái gì?
VÕ QUÊ
Từ trước đến nay chúng tôi chỉ được đọc và trân quý thơ văn của nhà thơ Lê Quốc Hán qua những bài viết đăng trên các tạp chí, trên mạng thông tin, báo điện tử mà chưa được trực tiếp cầm trên tay một cuốn sách nào của ông.