Một trung tâm văn hóa không thể vắng bóng các nhà văn hóa nổi tiếng

10:45 15/09/2009
1. Trung tâm văn hóa tôi muốn đề cập ở đây là thành phố Huế của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đã là một Trung tâm văn hóa thì bao giờ cũng quy tụ nhiều nhân tài lớn, trên nhiều lĩnh vực, từ mọi miền đất nước, thậm chí từ cả ngoài nước, trải qua nhiều thế hệ, nhiều thử thách khó khăn mới vun đắp lên nổi một truyền thống, mà có được truyền thống văn hóa lại càng khó khăn hơn. Trong bài viết này tôi chưa đề cập tới những nhà khoa học, những nhà văn hóa và văn nghệ sĩ xuất sắc đang sống và hoạt động tại Thừa Thiên Huế, mà tôi chỉ muốn nói tới chủ yếu các vị đã qua đời nhưng đã để lại dấu ấn sâu đậm, lâu dài cho mảnh đất này, góp phần quan trọng hình thành nên truyền thống văn hóa Huế.

2. Khái niệm "CÓ MẶT" mà tôi đề cập ở đây là sự nghiệp của họ được giới thiệu cho lớp hậu sinh vẫn biết quý trọng Tổ tiên Ông Bà và học điều hay lẽ phải từ Tổ tiên Ông Bà trong các:

a/ Nhà Bảo tàng
b/ Nhà trưng bày
c/ Nhà lưu niệm

Trong các Bảo tàng Tổng hợp có thể có người đã được nhắc đến (hoặc lâu nay quên, mà sắp tới cũng có thể sẽ được nhắc đến). Nhưng Bảo tàng Tổng hợp thì ở đâu cũng đã có (đã hấp dẫn, sinh động hay chưa lại là một chuyện khác), là chuyện "làm phong trào" mà các Sở Văn hóa Thông tin rất có kinh nghiệm. Cái mà chúng ta thiếu là sự đi sâu, chuyên đề. Là sức nặng chứ không phải chỉ là chuyện "cắt dán kẻ vẽ". Bởi cuộc đời các vị đó không phải chỉ là của họ và người thân của họ mà đã thuộc về bá tánh. Bởi họ tiêu biểu cho cả một xu hướng, cho một phong trào, thậm chí qua họ chúng ta thấy được cả một giai đoạn lịch sử của quê hương đất nước.

3. Trong bài viết này, tôi chỉ giới hạn kiến nghị trong vòng 10 năm. Cũng có thể tạm gọi là kiến nghị xây dựng "Dự án 10 năm xây dựng các Nhà Bảo tàng, Nhà Trưng bày, Nhà Lưu niệm".

Với khả năng của địa phương, với điều kiện tham gia của gia đình, thân tộc và các đồng nghiệp... tôi cho rằng 2 hình thức b và c (Nhà Trưng bày và Nhà Lưu niệm) sẽ là hình thức hợp lý, rồi theo điều kiện vật chất, con người lẫn kinh nghiệm, các Nhà Trưng bày, Nhà Lưu niệm sẽ không ít cái trở thành Nhà Bảo tàng.

4. Trong dự án này, tôi đề nghị tập trung xây dựng Nhà Trưng bày hoặc Nhà Lưu niệm của các vị có "quê hương khai sinh" tại Thừa Thiên Huế hoặc đã có sự gắn bó đặc biệt với Thừa Thiên Huế sau đây:

+ Tố Hữu
+ Đặng Huy Trứ
+ Ưng Bình Thúc Dạ Thị
+ Phan Bội Châu
+ Thanh Tịnh
+ Tôn Thất Tùng
+ Đặng Văn Ngữ
+ Điềm Phùng Thị (mở rộng)
+ Trịnh Công Sơn
+ Lê Bá Đảng

5. Chắc có người sẽ nói ngay "Gần 30 năm rồi, ngoài các lăng tẩm, thành quách mà Cha ông để lại mới được trùng tu một phần và bước 1 Nhà Trung bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị, cả tỉnh này đã xây dựng được cái quái nào về danh nhân đâu mà nay ông đề ra CẢ VẠT trong chỉ mấy năm, ông có nằm mơ không đấy?".

Tôi xin trả lời ngay: Tôi không nằm mơ! Bởi ĐÃ 30 NĂM TRÔI QUA RỒI! 30 năm làm được không đáng gì theo hướng này, hoặc nói một cách "êm dịu" là làm quá ít, chỉ "nằm rung đùi tự hào trên quá khứ cha ông" như chính nhiều người tâm huyết và mến yêu Huế vẫn đau buồn nói với nhau trong tiếng thở dài. Chính vì thế mà tôi không thể đề xuất một kiến nghị ít hơn, cho dù với bản danh sách này, tôi sẽ bị nhiều anh em tâm huyết với văn hóa Huế "vặc" là thiếu, phải thêm ít ra từ 5 đến 7 vị nữa.

Tuy nhiên, tôi cũng đủ tỉnh táo mà biết rằng, NẾU LÀM THEO CÁCH CŨ (Lên phương án, hội thảo về phương án đó, chờ tập thể, chờ Nhà nước duyệt phương án, rồi làm phương án khả thi, rồi chờ kinh phí của Nhà nước, rồi chờ duyệt tiền mặt, rồi chờ bù giá vật liệu biến động... trăm thứ chờ và chờ) thì đến 10 năm cũng đã chắc gì xong một Nhà trưng bày!

Nhưng nếu theo cách làm mới và quyết tâm thì làm được.

6. Cách làm mới mà tôi đề cập ở đây thực ra cũng chẳng có gì là mới vì chính Đảng và Nhà nước cũng đã đề ra rồi. Đó là việc cần xã hội hóa hoạt động văn hóa. Nghĩa là, việc xây dựng các "Nhà" này lại càng cần huy động xã hội vào cùng làm.

Cụ thể, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế CẦN BAN HÀNH MỘT CƠ CHẾ MỚI mà theo đó, tùy tình hình cụ thể của từng nhân vật mà cho phép tiến hành xây dựng theo một trong những cách sau đây:

A/ Nhà nước đầu tư là chủ yếu, có phối hợp với Hội Nghề nghiệp.
B/ Gia đình với Nhà nước hoặc Nhà nước với gia đình (vị trí để trước hoặc sau tương ứng với mức đóng góp nhiều hoặc ít).
C/ Nhà nước cùng tổ chức nước ngoài và Hội Nghề nghiệp.
D/ Tác giả (nếu còn sống hoặc có để lại di chúc đóng góp kinh phí) với Nhà nước và Hội nghề nghiệp.

Để cụ thể hơn, tôi xin được nói rõ hơn suy tính của mình.

Với Tố Hữu: Là một nhà cách mạng, là nhà thơ số một của thơ ca cách mạng Việt Nam, cũng đã có nhiều ý kiến đề nghị xây dựng Bảo tàng của ông tại quê hương Quảng Điền. Tôi lại thấy cần xây Nhà lưu niệm của ông tại Huế, với sự đóng góp:

+ Chủ yếu từ ngân sách Nhà nước.
+ Vận động các văn nghệ sĩ đóng góp các kỷ vật, lưu niệm đã có với ông (thông qua Hội VHNT).

Nhân đây tôi xin nhắc đến việc Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam và Thừa Thiên Huế quyết định xây dựng Công viên, Nhà Lưu niệm và tượng đài Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, người bạn thân của nhà thơ Tố Hữu, tại quê nhà Đại tướng là một quyết định có rất ý nghĩa về chính trị và văn hóa. Tiếc rằng các phác thảo tượng đài mà tôi được xem chưa có tượng đài nào đẹp và đúng "chất" của ông mà tôi biết và ngưỡng mộ.

Về Đặng Huy Trứ: Nhà thơ yêu nước nổi tiếng này lại là người Việt Nam đầu tiên đưa nghề nhiếp ảnh từ phương Tây vào Việt Nam. Nhờ sự quyết tâm của thân tộc, của địa phương Hương Trà và của chính các nghệ sĩ nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế cũng như của chính Trung ương Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam mà Nhà Lưu niệm của ông đã được xây dựng cách đây mấy năm và hàng năm họ tộc cùng với địa phương và anh chị em nghệ sĩ nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế cũng như của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vẫn hội tụ về đây vào dịp giỗ ông. Với Nhà Lưu niệm Đặng Huy Trứ, tôi đề nghị cần NÂNG CẤP.

A/ Nâng cấp ( cả về cơ sở và tư liệu) cho tương xứng với sự nghiệp chính trị, văn học, nhiếp ảnh của ông, thông qua các cuộc vận động quyên góp tiền bạc và tư liệu, trong và ngoài nước.

B/ Tổ chức hành hương hàng năm của giới Nhiếp ảnh cả nước về viếng "cụ khai canh" của nghề mình. Trên cơ sở này dần hình thành một lễ hội của làng quê Đặng Huy Trứ đối với du khách.

Chủ trì dự án này là:

+ Thân tộc, gia đình Đặng Huy Trứ
+ Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh TTH
+ Địa phương xã và huyện

Với Ưng Bình Thúc Dạ Thị: Với nhà thơ, nhà viết kịch lớn, là "Thi Bá" một thời của thi đàn Việt Nam mà không một tâm hồn Huế nào không cảm phục, kính trọng tấm lòng và sự nghiệp sáng tác của ông, như không ai không biết câu hò "Chiều chiều bên bến Văn Lâu...", thì việc hình thành một bảo tàng thu nhỏ, một nhà lưu niệm, tôi thiết nghĩ không quá khó khăn. Không quá khó khăn  cũng vì chúng ta có "người bạn tri âm" lớn và cũng là người con gái yêu quí của ông, là nữ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương đã hơn 50 năm trời vẫn gìn giữ, sưu tập... tất cả di cảo, kỷ vật, tác phẩm... của ông; bởi chúng ta có không ít bậc thức giả, tâm thành con cháu Tuy-Lý chắc chắn sẽ nhiệt tâm, năng nổ góp tay vào, nếu có sự "kích thích", động viên bằng cơ chế hợp lý của Nhà nước. Cho dù tạo lại khuôn viên ngày xưa đã bị"chia 5 xẻ 7" cũng không phải là dễ. Nhưng tôi tin, với lòng thành, quyết tâm và cơ chế mới thì sẽ có cách. Việc góp sức góp công lần lượt sẽ là:

+ Gia  đình Nữ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương
+ Bà con, thân nhân trong phủ Tuy-Lý
+ Nhà nước (việc giải quyết mặt bằng cũ)

Với Phan Bội Châu: Cần có phương án xây dựng Nhà Lưu niệm với nhiều tư liệu được trưng bày và giải quyết vị trí tương xứng để đặt tượng Phan Bội Châu. Dự án này hình như đã được Bảo tàng Tổng hợp đệ trình lên Sở Văn hoá thông tin. Tôi đề nghị làm sao dự án đó nghiêm túc, không cầu toàn. Không chỉ chờ đợi vào Nhà nước. Cần hợp sức giải quyết dự án này là:
+ Bảo tàng tổng hợp Tỉnh
+ Hội Hữu Nghị Việt-Nhật TTH và Nhà văn hoá Việt-Nhật thành phố Huế vận động các tổ chức văn hoá Nhật Bản tài trợ
+ Thân hữu, thân tộc của cụ Phan

Với Thanh Tịnh: Đã không ít lần con trai nhà thơ đề nghị được xây dựng Nhà Lưu niệm Thanh Tịnh... Và có lần anh Ngô Vĩnh Bình nói với tôi rằng, thật tiếc là TTH chưa có nhà lưu niệm anh Thanh Tịnh, chứ nếu có thì ra xin đem "cái phòng độc đáo" của anh ấy ở số 4 Lý Nam Đế về thì qúa hay. Tiếc rằng nay nó đã "biến" tới mấy địa chỉ rồi ! Tuy nhiên, anh cũng cho biết là cũng có cách để "thu hồi", nếu tỉnh có chủ trương. Lực lượng tham gia dự án này là:

+ Gia đình Thanh Tịnh
+ Nhà nước (cho địa điểm và cơ chế)
+ Hội VHNT và vận động tạp chí Văn nghệ Quân đội tham gia

Với Đặng Văn Ngữ: Có một điều rất quý là anh Đặng Nhật Minh và gia dình còn lưu giữ nhiều kỷ vật của giáo sư Đặng Văn Ngữ, cơ sở thờ phụng còn giữ nhiều lễ vật, tư liệu của dòng họ và của giáo sư, lãnh đạo tỉnh cũng đã có những động tác bước đầu giải quyết vấn đề đất đai. Chỉ cần thúc đẩy mạnh hơn, có những bước đi thích hợp và khẩn trương thì việc hình thành Nhà Trưng bày này là trong tầm tay. Như vậy, các chủ dự án này là:

+ Gia đình giáo sư Đặng Văn Ngữ.
+ Nhà nước.
+ Vận động trường Đại học Y khoa Huế và Bệnh viện TW Huế tham gia.

Với Tôn Thất Tùng: Tiếc rằng, với một nhân vật trí thức rất tiêu biểu (về nhiều mặt) như Tôn Thất Tùng (và con trai ông là Tôn Thất Bách), đều đã có những đóng góp to lớn cho nền y học Việt Nam, dự tính làm sao có một Nhà Lưu niệm của ông và gia đình lâu nay vẫn bị "bỏ hoang" như chính khuôn viên khu nhà xưa của gia đình ông đã bị chiếm dụng làm cơ sở sửa chữa ôtô nhiều năm nay!

Trước mắt, tôi đề nghị:

A/ Tỉnh Thừa Thiên Huế cần bàn bạc với Trường Đại học Y khoa Huế và Bệnh viện TW Huế để tổ chức các cuộc gặp gỡ, trao đổi nhằm tìm định hướng cho việc xây dựng Nhà Lưu niệm (có sự tham gia của đại diện gia đình và thân tộc). Nên để Trường ĐHYK làm chủ dự án.

B/ Tỉnh Thừa Thiên Huế có kế hoạch thu hồi khuôn viên nguyên là nhà của gia đình GS Tôn Thất Tùng, để sẽ tiến hành các bước tiếp theo.

Về Điềm Phùng Thị: Thật đáng mừng là việc giải tỏa các hộ cư trú trong khuôn viên Nhà Trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị đã xong, hứa hẹn việc triển khai mở rộng diện tích trưng bày ở đây. Nhưng tôi muốn nhắc lại ở đây là dự án lập VƯỜN TƯỢNG ĐIỀM PHÙNG THỊ ở vùng đồi thông cạnh lăng Khải Định mà chính tác giả trước lúc qua đời đã cùng ông Nguyễn Văn Mễ, nguyên Chủ tịch UBND và chúng tôi, sau một buổi chiều đi thực địa các ngọn đồi phía tây Huế đã quyết định chọn lựa. Dự án này đã không chỉ một lần các vị đại sứ Pháp (cũ và mới) đã hứa, nếu được triển khai thì Đại sứ quán Pháp sẽ góp sức, bởi Điềm Phùng Thị là một biểu tượng độc đáo của sự đan xen, hài hòa của hai nền văn hóa Pháp - Việt. Cũng không chỉ một lần, chúng tôi dã phát biểu với lãnh đạo tỉnh rằng các trại điêu khắc quốc tế được tổ chức tại Huế là rất tốt, nhưng các tác giả nước ngoài đến các trại đó khó có ai sánh được với Điềm Phùng Thị và Lê Bá Đảng. Thành thực, tôi không thể hiểu nổi vì sao lại rất vồn vã với những đàn em, đàn học trò mà lại lơi lỏng, mà lơ đãng với những bậc thầy như Điềm Phùng Thị và Lê Bá Đảng?

Dự án này với trách nhiệm của:

+ Thành phố Huế (với sự giao trách nhiệm chính thức của tỉnh Thừa Thiên Huế. Thành phố Huế đã rất có kinh nghiệm và trách nhiệm trong việc xây dựng NTBNTĐPT trước đây).
+ Đại sứ quán Pháp.
+ Khoa Điêu khắc Trường đại học Nghệ thuật Huế.

Với Trịnh Công Sơn: Gia đình và bằng hữu vốn đã có ý định này từ ngày Trịnh Công Sơn qua đời. Dự án này hoàn toàn khả thi với sự tham gia của:

+ Gia đình Trịnh Công Sơn.
+ Sự cho phép của Tỉnh và Tỉnh cần góp phần để có địa điểm đặt Nhà Trưng bày.

Với Lê Bá Đảng: Đây là nhân vật duy nhất còn sống (nhưng cũng đã 84 tuổi rồi). Sự nổi tiếng và độc đáo của ông thì chúng ta đều đã nghe, đã đọc và đã biết. Nhiều người chắc cũng đã thăm triển lãm MÙA XANH MUÔN MỘT của ông bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh trong dịp Festival vừa qua. Cùng thời gian đó, một triển lãm nữa của ông đang diễn ra tại Tokio (Nhật Bản).

Tại Festival 2002, trong một cuộc gặp gỡ sau cùng giữa Lê Bá Đảng và ông Nguyễn Văn Mễ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, tại một địa điểm mà Thừa Thiên Huế dự tính giao để xây dựng Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, với sự có mặt của anh Nguyễn Xuân Hoa, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin và tôi, lúc đó là Giám đốc Sở Ngoại vụ. Tại cuộc gặp đó, Thừa Thiên Huế và Lê Bá Đảng đã thống nhất:

1/ Xây dựng cụm văn hoá - du lịch theo thiết kế của Lê Bá Đảng tại đồi Vọng Cảnh.
2/ Xây dựng Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng tại trung tâm thành phố (hoặc không xa trung tâm lắm).

Đây cũng là nơi trưng bày các tác phẩm của Lê Bá Đảng đưa từ Pháp về, vừa là nơi "đào tạo nghề" cho nhiều học viên, để họ có thể sống bằng nghệ thuật và từ đó nhân rộng ra, phát triển lên... góp phần giải quyết công ăn việc làm cho không ít người dân chính từ nghệ thuật Lê Bá Đảng và cũng chính các sản phẩm nghệ thuật đó bảo đảm cho Trung tâm có đủ kinh phí để hoạt động.

Cả hai bên đều hứa quyết tâm HOÀN THÀNH DỰ ÁN TRƯỚC FESTIVAL 2004. Tiếc thay, không hiểu vì sao, toàn bộ dự án ấy đến nay vẫn chỉ là trong ... mơ! Cũng may là trong dịp Festival 2004 chúng ta còn được gặp Lê Bá Đảng qua MÙA XANH MUÔN MỘT. Tôi không đề cập đến lý do không thực hiện được dự án (mà báo chí lúc đó đã đưa tin rất rầm rộ) là do ai. Tôi chỉ nói lên hy vọng của mình, là vào dịp này, tỉnh Thừa Thiên Huế nên cùng tác giả bàn thảo một lần nữa, những việc cần làm và có thể làm, trên cơ sở lòng tin và kính trọng vốn có đối với nhau, để các dự án quan trọng trên đây có thể bắt đầu.

Dự án này với lực lượng chủ lực là:

+ Tỉnh TT. Huế (địa điểm và công sức).
+ Tác giả (tác phẩm và công sức).
+ Hội VHNT tỉnh (tinh thần và công sức).

7. Nếu theo cơ chế mới và theo sự hợp sức mà tôi đã trình bày trên đây, không phải cứ làm xong dự án này rồi mới tới dự án khác như cách làm cũ (làm theo cách này thì 10 năm giỏi lắm cũng chỉ làm được vài cái!) mà có thể ĐỒNG THỜI TIẾN HÀNH nhiều dự án một lúc. Về mặt tổ chức theo dõi, đốc thúc.. có thể có một bộ phận giúp việc nhỏ hoặc một chuyên viên giỏi giúp giám đốc Sở Văn hóa thông tin chỉ đạo, điều hành.

Phải xã hội hóa được như thế, và đó là con đường ngắn nhất, thì các dự án văn hóa như trên mới có cơ may thành hiện thực (ngay Hội VHNT cũng có thể tự tổ chức xây dựng trong khuôn viên của mình Phòng trưng bày các kỷ vật của các văn nghệ sĩ trong 2 cuộc kháng chiến với sự hưởng ứng chắc chắn sẽ nhiệt tình của gần 500 hội viên).

Hãy bắt tay vào làm một việc mà lẽ ra chúng ta đã phải làm 30 năm nay rồi. Vì thực ra, ai mà chẳng biết rằng: Một trung tâm văn hóa lớn như Huế mà "vắng bóng" các nhà văn hóa như chúng ta vừa nhắc đến trên đây thì làm sao gọi là Trung tâm văn hóa cho được!

Huế, mùa thu 2004
TÔ NHUẬN VỸ
(188/10-04)




 

Đánh giá của bạn về bài viết:
0 đã tặng
0
0
0
Bình luận (0)
  • Dự án bauxite Tây Nguyên của TKV ngay từ đầu đã được phản biện bởi nhiều cán bộ lão thành, nhà nghiên cứu khoa học và hàng ngàn người dân kiến nghị nêu những bất cập rất rạch ròi, sâu sắc về các mặt: An ninh, kinh tế, môi trường, văn hóa-xã hội.

  • “Cảnh báo của các nhà khoa học về dự án Bôxít ở Tây Nguyên đang dần đúng. Dự án vẫn được thải bằng công nghệ rẻ tiền, nhiều rủi ro... Nếu làm đến cùng thì bôxít sẽ trở thành gánh nặng kinh tế!”.

  • AN ĐÔNG  

    Khi những hạt mưa cuối cùng của mùa đông đã ngớt trên mặt sông sóng sánh và những vạt nắng đã bắt đầu tràn đến trên đám lá cỏ tơ non, người ta biết từ đâu đó, mùa xuân đã nhẹ nhàng gõ cửa.

  • Đô thị Việt Nam vốn yếu kém về quy hoạch, kiến trúc, chắp vá, lộn xộn, những tưởng những tượng đài sẽ góp phần cải thiện môi trường văn hoá, môi trường đô thị thì ngược lại những tượng đài to, xấu và lệch chuẩn càng góp phần làm cho bộ mặt đô thị trở nên tồi tệ hơn và chắc chắn nó để lại lâu dài nhiều hậu quả xấu về thẩm mỹ, xã hội cho con em, thế hệ trẻ.

  • Vừa qua, ngày 7/1/2013, tại TP. Huế đã diễn ra Hội thảo Quốc gia về “Dạy học Ngữ văn ở Trường phổ thông Việt Nam”. Sau đấy 3 ngày, 10/1/2013, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Hội Nhà văn Việt Nam đã ký kết văn bản hợp tác giữa hai cơ quan này về “Phát triển văn học trong nhà trường và nhà trường với văn học giai đoạn 2013-2020”.

  • Sự ra đời của Gangnam style đánh dấu thời điểm mà thị giác nghe nhìn của công chúng nói chung đã có những sự sa sút, mệt mỏi về mặt thẩm mỹ nghệ thuật.

  • Trong 10 năm gần đây, giáo dục Việt Nam có gì đổi mới? Đây là câu hỏi nhức nhối dành cho những nhà làm giáo dục, bao gồm cả những nhà giáo dục uyên thâm, đã từng đăng đàn đề nghị chấn hưng giáo dục.

  • Trong kháng chiến chống Mỹ, cùng với những thắng lợi trên chiến trường miền Nam, miền Bắc không chỉ làm tốt nhịêm vụ hậu phương lớn của cả nước, mà còn đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của quân đội Mỹ.

  • PHẠM HỮU THU  

    Ngày 22/12/2010, nhân kỷ niệm 66 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông Lê Trường Lưu, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trân trọng trao tấm bằng công nhận Di tích lịch sử cách mạng cho địa điểm Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế - 1945 tại 118 đường Lê Duẩn, Huế. Người nhận là ông Đặng Văn Việt, cựu sinh viên của ngôi trường độc đáo này.

  • Hội Nhà báo Thừa Thiên Huế sắp tiến hành Đại hội Hội Nhà báo lần thứ V, nhiệm kỳ 2012 - 2017. Đây là lúc toàn thể các hội viên nhà báo đang tác nghiệp ở Thừa Thiên Huế nhìn lại một chặng đường đã qua, để cùng xác định những việc cần làm trong thời gian đến.

  • Báo chí Thừa Thiên Huế: Nâng cao bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới

    Th.S. PHAN CÔNG TUYÊN
    UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế

  • MINH KHUÊ - BẢO HÂN

    Sáng ngày 5/9, đại diện các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn đã có dịp chia vui với Bệnh viện Trung ương Huế (BVTƯ Huế) và gia đình bệnh nhân Hứa Cẩm Tú, người mà sau 10 lần mổ đến nỗi “người chị Tú không còn máu của chị Tú nữa” xuất viện. Thêm một thành tựu y học đã được xác lập và trở thành một y văn của Việt Nam và thế giới về ghép thận.

  • HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG

    "Nói đùa thì nói, nhưng có lẽ sẽ phải mở những loại trường đặc biệt, không hạn chế tuổi cho những người đến nay chưa học được gì ngoài việc "lãnh đạo", để cho bây giờ dù đã tứ tuần, họ vẫn có thể học được một nghề có ích. Phải tổ chức việc đó trên qui mô lớn trong phạm vi cả nước".

  • MINH KHUÊ

    Thời gian gần đây đã xuất hiện tin đồn: Carlsberg đã bán Công ty Bia Huế cho đối tác Trung Quốc, hình tượng 5 ngôi sao trên vỏ lon bia Huda mới giống biểu tượng cờ Trung Quốc và do Trung Quốc sở hữu Bia Huế nên họ đã dùng chất chống say; có chất tiêu diệt tinh trùng, gây hại cho sức khỏe... Thông tin sai lệch này đã gây tâm lý bất an trong xã hội, ảnh hưởng đến sản xuất đến sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH Bia Huế.

  • Tham luận phát biểu của một số tác giả quen biết trong tỉnh tiến tới "Hội nghị thơ miền Trung" do Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên tổ chức năm 1986.

  • NHÂN TÀI, TẢN MẠN NHÌN TỪ HUẾ

    HỒ TRƯỜNG AN

  • ĐỖ KIM CUÔNG 

    1.
    44 năm trước khi mới chỉ là chàng trai 17 tuổi, sốt rét quặt quẹo, nằm trong căn hầm dã chiến thuộc trạm xá tiền phương sư đoàn 324, đặt dưới chân điểm cao 360, bên sông Bồ chịu trận với hàng trăm quả pháo và từng đợt máy bay B57 của không quân Mỹ phá nát rừng Hương Trà, chưa bao giờ trong tôi nẩy ra ý nghĩ một ngày kia mình sẽ viết văn.

  • HỮU THỈNH  

    Đã có lần tôi nói, mỗi lần về Huế, luôn có cảm giác đi dưới bóng mát của các tên tuổi. Đó không phải là câu nói lấy lòng, mà thực sự là một cảm nhận văn hóa.

  • PHAN CÔNG TUYÊN

    Văn học, nghệ thuật là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam, có vai trò quan trọng trong việc “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

  • LTS: Như tin đã đưa, đầu tháng 4/2012 vừa qua, Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế đã tổ chức hội thảo “Văn học nghệ thuật Huế trong dòng chảy văn hóa Huế” ngay tại xứ sở thi ca. Để bạn đọc tiếp cận được tinh thần hội thảo, Sông Hương giới thiệu bài tổng thuật của PV và tham luận trình bày tại hội thảo của nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịnh UBTQ LHCH VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và của đồng chí Phan Công Tuyên, UVTV - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy TT Huế.