HỒ THẾ HÀ
Năm con rồng Nhâm Thìn (2012), Mai Xuân Hòa tròn 82 tuổi đời và nếu tính từ ngày anh tham gia học lớp âm nhạc ngắn hạn đầu tiên năm 1956, trước khi chính thức học ở trường Âm nhạc Việt Nam (1958 - 1962) thì anh đã có 56 tuổi nghề âm nhạc.
Nhạc sĩ Mai Xuân Hòa tại nhà riêng - Ảnh: voque.org
Một con số có ý nghĩa thông báo đặc biệt, không chỉ đối với anh, mà còn đối với nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. Những giá trị mỹ học âm nhạc mà anh đóng góp trọn cả cuộc đời mình vào thành tựu chung của nền âm nhạc nước nhà là đáng được ca ngợi và tôn vinh.
Nói đến thành tựu tổng thể về âm nhạc của Mai Xuân Hòa, cần có nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu từ thể loại, giai điệu, âm thanh đến ca từ, chủ đề, tư tưởng... Mỗi chỉnh thể ca khúc của Mai Xuân Hòa, theo tôi, anh đã tạo được ý hướng tính thống nhất mà đa dạng, làm thành phong cách riêng ổn định nhưng có phá và thay trong từng tuyển tập, từng yếu tố âm nhạc để không đơn điệu và trùng lặp. Đó chính là ý thức và đạo đức nghề nghiệp mà anh đã tự giác và tâm nguyện thể hiện trên suốt hành trình sáng tạo của mình. Điều này, tưởng đơn giản nhưng với số lượng lên đến trên dưới 300 ca khúc thì vấn đề trên lại không dễ dàng chút nào. Nếu không có nội lực, vốn sống, vốn văn hóa và đặc biệt là tay nghề chuyên môn cao thì khó mà tạo ra được hiệu quả nghệ thuật như thế.
Trong bài viết ngắn mang tính đồng cảm này, tôi muốn đề cập đến mảng ca khúc viết cho thiếu nhi của Mai Xuân Hòa ở mặt ngôn từ và tư tưởng. Ngoài những tuyển tập ca khúc trữ tình đời tư, tình yêu và thế sự dành cho người lớn, Mai Xuân Hòa gần như dành hết tâm huyết của mình để sáng tác ca khúc cho tuổi thơ đủ mọi lứa tuổi. Những phần thưởng cao quý các cấp trung ương dành cho anh phần lớn đều là những ca khúc viết cho thiếu nhi. Có thể điểm lại thành tựu âm nhạc của anh dành cho đối tượng này được xuất bản, dàn dựng, thu âm và phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng trung ương và địa phương, đó là Những điều em thích (tập ca khúc - 1996), Ngôi sao đẹp (tập ca khúc - 1998), Nụ và hoa (tập ca khúc - 2000), Mặt trời tí hon (tập ca khúc và 2 ca cảnh - 2003), Đố bạn biết (tập bài hát phục vụ 9 chủ điểm giáo dục trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi - 2004). Tiếp sau, có Huyền thoại Ngự Bình, Hương Giang (tập ca cảnh - 2007), Bay lên với mùa thu (tập ca khúc và ca cảnh - 2009). Đó là chưa kể, ở những tuyển tập nhiều tác giả cấp quốc gia, bao giờ Mai Xuân Hòa cũng được đặt ở vị trí xứng đáng với những ca khúc nổi tiếng được chọn đưa vào chương trình giáo dục thẩm mỹ cho các em ở các bậc học.
Với những thành tựu như thế, phải nói là nghĩa tình, cao quý và sâu nặng - những phần thưởng tinh thần vô giá mà anh luôn ấp ủ, hiến dâng cho các em dù anh đã từng chân tình và khiêm tốn tâm sự: “Tôi chưa bao giờ có tham vọng trở thành nhạc sĩ nổi tiếng viết về thiếu nhi, chỉ mong những ca khúc viết ra là món quà tinh thần luôn được các cháu đón nhận”. Vâng! Những mong ước ấy của anh đã thành sự thật. Ca khúc của anh được các em đón nhận và thuộc, được nhận thức và giáo dục một cách trực tiếp. Và đó cũng chính là phần thưởng mà các em biết ơn và dành tặng cho nhạc sĩ lão thành yêu kính của mình. Còn gì vinh dự hơn đối với cuộc đời một nghệ sĩ - nhạc sĩ như thế!
Tôi gọi toàn bộ sáng tác mà anh dành cho trẻ thơ là thế giới thần tiên của tuổi thơ bao la, rộng mở, sáng trong. Hình như đó là vương quốc của chính tuổi thơ anh hoặc do anh nhập vai vào thế giới chung quanh, giờ được đồng hiện trong nhiều mối quan hệ của thực tại và tưởng tượng nên nó có khả năng hóa giải bao niềm vui nhân ái của cõi người - thông qua thế giới thẩm mỹ âm thanh.
Không yêu tuổi thơ, không mở lòng mình để đón nhận và ao ước vào những non tơ, vào những điều tốt đẹp mà các em mơ ước, thì không thể nào nhập vai và nhập hồn mình vào thiên nhiên, tạo vật, rồi sau đó làm hiện lên những tương hợp âm thanh, màu sắc và hương thơm bằng thế giới âm nhạc để mời gọi các em cùng đồng hành với chính mình đi qua mọi xứ sở mộng mơ và hiện thực, để được quay ngược dòng sông ký ức cội nguồn tìm lại kỷ niệm những ngày xưa thân ái cùng các em trong hiện tại: “Nay xin hiến trọn một đời - Chỉ làm quả bóng cho mặt trời tí hon”. Phải nói là Mai Xuân Hòa đã thực sự làm chủ tâm hồn, làm chủ ngôn ngữ và hình tượng âm nhạc một cách tự nhiên và hồn nhiên như anh đã tâm sự khi được hỏi về những cảm hứng nghề nghiệp: “Tôi nghĩ, trước hết phải yêu và hiểu trẻ. Có hiểu và yêu trẻ mới tạo ra được hình tượng và ngôn ngữ của chúng. Trẻ con tư duy rất đơn giản, hình tượng rất cụ thể, có nghĩa là chúng phải bắt gặp, trông thấy và có thể sờ mó được. Vì thế mà không thể áp đặt suy nghĩ của người lớn vào bài hát mà hãy đặt mình vào trẻ để tư duy bằng suy nghĩ của chính các em.” (Trả lời phỏng vấn của nhà báo Hạnh Nhi).
Vì vậy, những sáng tác cho thiếu nhi của Mai Xuân Hòa bao giờ cũng phù hợp với từng nội dung và lứa tuổi cùng những giai điệu linh hoạt và giàu tính tạo hình, cốt làm sao giúp các em nội cảm hóa trực tiếp từng nội dung, từng chủ đề, để sau đó hiểu, cảm xúc, suy nghĩ và hành vi theo sự mách bảo và kích thích từ thế giới âm thanh - hình tượng của chúng. Ví như các ca khúc Những ngôi sao đẹp, Đội đồng ca chúng ta, Cháu yêu Bác lắm, Em là lính mới... đều tuân thủ tính chỉnh thể nghệ thuật theo đặc trưng thể loại âm nhạc một cách cao độ. Điều ấy cho thấy, tác giả là người vững về nhạc lý đồng thời vững về ca từ và nghệ thuật tương hợp (l’ art correspondant) - điều rất cần với ca khúc viết cho thiếu nhi.
Như vậy, viết cho thiếu nhi trước hết phải hiểu và đón được tâm lý lứa tuổi, phải nhập vào những rung động phong phú, vui tươi và ngộ nghĩnh theo tầm đón nhận của các em, chưa kể là còn phải chú ý đến chất truyện trong từng diễn biến, từng cảnh ngộ - đặc biệt là các sáng tác ca cảnh, hoạt cảnh và trò chơi như: Cái bẫy, Ngày hội xuân, Hươu và cáo, Thỏ vàng lém lỉnh, Huyền thoại Ngự Bình và Hương Giang (ca cảnh), Vườn trường em, Bạn ơi đừng quên (hoạt cảnh), Em hái quả (trò chơi). Ở từng thể loại này, hiện thực và tâm trạng được dẫn dắt, đối đáp như một màn kịch nhỏ, các em có thể ứng dụng trong sinh hoạt và dã ngoại tập thể rất sinh động. Những ca khúc tuyển trong Bay lên với mùa thu, không phải tất cả đều hay, nhưng toàn cục phải nói là hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu thức nhận trực quan và suy tư trừu tượng cho các em thiếu nhi, đáp ứng yêu cầu vừa vui chơi, vừa học tập, vừa phát triển năng lực thẩm mỹ của các em.
Trước hết là cách quan sát và kể chuyện, miêu tả từng vấn đề, từng câu chuyện, từng sự vật, hiện tượng theo giai điệu và cấu thức âm nhạc. Ở đấy, sự liên kết hình ảnh, ca từ, vần và giai điệu được Mai Xuân Hòa dụng công thể hiện có nghệ thuật cả người lớn cũng thích, chứ không riêng gì thiếu nhi, ví như các ca khúc Hát mừng ngàn năm Thăng Long, Đội đồng ca, Em gọi mùa xuân, Ước mơ của em, Ánh lửa hồng... Sự tổng hợp, có khi là nguyên hợp trong ca khúc của Mai Xuân Hòa rất phù hợp và có ưu thế với nghệ thuật biểu diễn sân khấu là thế. Tôi chỉ minh chứng Hát mừng ngàn năm Thăng Long để xác tín điều này: “Trống đồng ngân vang rộn rã đất trời - Rồng thiên vút cao bay lượn tuyệt vời, ngàn năm Thăng Long thắm đẹp lòng người - Rực trời phao hoa chào đón ngày vui - Mẹ là Âu Cơ đẻ ra trăm trứng - Đứa đi lên rừng người về đất biển xây núi đào sông dựng nên Âu Lạc - Bắc Nam một dải rồng bay rồng bay, ngàn bông hoa xinh tỏa ngát dâng đời chim lạc chim hồng tung cánh muôn nơi - Tổ quốc yêu thương lớn như Phù Đổng, đường rộng thênh thang Việt Nam Việt Nam”.
Mai Xuân Hòa thường dùng ca từ với số chữ nhất định trong câu như, 3 chữ, 4 chữ, 5 chữ, 6 chữ, 7 chữ, 8 chữ, có khi là lục bát hoặc tự do có cải biên, láy và điệp từ để tạo thành những giai điệu linh hoạt, lạc quan, phù hợp với từng trạng thái cảm xúc của tuổi thơ. Cảnh vật và con người tương hợp trong không - thời gian êm đềm, thơ mộng.
Anh chú ý ưu tiên cho nhịp đồng dao vui tươi, có điệu thức, nhí nhảnh, phù hợp với không khí vừa chơi vừa hát của các em. Những ca khúc theo thể này của anh có sức vang ngân. Ở đó, anh thường thể hiện những hình tượng và rung cảm có phần trực quan vừa có phần cảm nghĩ duy lý với những cung bậc nhẹ nhàng và tinh tế từ những cảnh vật gần gũi chung quanh.
Trở lại với thế giới hiện thực trong nhạc Mai Xuân Hòa. Anh thường lấy con người, cảnh thiên nhiên, làng quê và những con vật, những đồ vật gần gũi chung quanh rồi thổi vào đó những nội dung, những quan niệm, những biểu trưng, ẩn dụ, nhân hóa vừa gần gũi vừa bất ngờ đã tạo được sự cộng cảm và thú vị mới lạ: “Con thương ba to bằng ông trời - Con thương mẹ lớn hơn mặt trăng - Mặt trời, mặt trăng ở đâu cũng sáng - Con đến đâu là cùng đi theo con” (Thương ba thương mẹ). Có thể dẫn ra hàng trăm ví dụ như thế trong thế giới âm thanh của Mai Xuân Hòa.
Chất truyện và cách tả trong nhạc thiếu nhi của Mai Xuân Hòa phù hợp với cách quan sát và cảm nhận của từng lứa tuổi, bởi vì anh luôn lấy tiêu chí chân và thực, hồn nhiên và tươi trẻ, ngộ nghĩnh và tin yêu, lạc quan và yêu đời để nói hộ các em. Và vì vậy, trong nhạc, những câu hỏi thường xuất hiện. Những câu hỏi ấy thường có câu trả lời sát, đúng với thực tiễn, có khi là những câu hỏi tu từ. Tôi nghĩ, những hiểu biết và nhận thức về đức - trí - thể - mỹ của trẻ thơ thường bắt đầu từ những nghi vấn nên thơ và hồn nhiên như thế, nhất là thông qua loại hình âm nhạc: “Ai trồng hoa cho chúng em hái, ai chăm quả cho chúng em ăn - Ai chăm lo chúng em học hành dạy bảo chúng em nên người - Ai ra công xây bao nhà máy, ai gây dựng khắp nơi nông trường - Ai ra khơi đi tìm luồng cá, đồng mặn chua thành biển lúa vàng? (Chúng em hát mừng Đảng).
Thế giới tuổi thơ là thế giới thần tiên mà ở đó ngôi nhà tâm hồn các em mỗi ngày thêm biếc xanh, bỡ ngỡ. Người làm nhạc cho thiếu nhi là người nhiều lần đóng vai - nhưng là đóng vai chân thật, chứ không phải đóng vai kịch trên sân khấu với những lời thoại và động tác giả tạo, thiếu tài năng. Trong lao động nghệ thuật, đặc biệt là lao động âm nhạc, tác giả phải là người có vốn sống phong phú, có tâm hồn luôn nhạy cảm trước cả những gì bé nhỏ nhất, gần gũi và quen thuộc nhất, nhưng phải là những nhạy cảm có tính nghệ thuật bất ngờ đồng nghĩa với những giá trị và khám phá mới mẻ, độc đáo. Muốn vậy, nhạc sĩ phải có năng lực tưởng tượng dồi dào; trong đó khả năng hư cấu - có cả hư cấu hình tượng âm nhạc theo kiểu cảm nhận và tư duy trẻ thơ cần được ưu tiên thể hiện, càng mới lạ và bất ngờ càng tốt. Về tiêu chuẩn này, như tác giả tâm sự: “Trong quá trình sáng tác, đôi khi tôi cũng có những điều gán ép và thực sự thì với những ca khúc ấy, các em không còn nhớ. Nhưng cái gì ngộ nghĩnh sẽ còn lại”.
Từ mong mỏi ấy, nhạc thiếu nhi của Mai Xuân Hòa ngày càng có khuynh hướng muốn vươn lên những vấn đề lớn lao, có liên quan đến việc giáo dục sự hiểu biết và trách nhiệm cho các em. Các nhạc phẩm Đóa sen hồng, Chúng em hát mừng Đảng, Người bước vào lớp học, Em yêu Hà Nội, Cháu yêu Bác lắm, Đường chúng em đi... là mơ ước và trách nhiệm và khát khao nhận thức của các em về dân tộc, về quê hương, về Bác Hồ và những gì cao cả, thiêng liêng khác. Từ tình yêu quê hương sẽ mở ra tình yêu đất nước rộng dài mà ca khúc Bay lên với mùa thu, Đóa sen hồng là liên hệ có cơ sở để nghĩ về truyền thống dân tộc, nghĩ về bác Hồ kính yêu. Logic âm nhạc qua âm thanh và giai điệu càng làm cho hình tượng và cảm xúc trở nên tha thiết và mỹ cảm âm thanh hiện lên ngân vang, da diết.
Cũng cần ghi nhận thành công và ý thức ghề nghiệp của Mai Xuân Hòa ở các tác phẩm giai đoạn sau, đó là anh luôn suy nghĩ, thể nghiệm để kết hợp các yếu tố tích cực của văn hóa và văn học dân gian vào âm nhạc, làm giàu khả năng thẩm mỹ cho âm nhạc thiếu nhi và cả âm nhạc dành cho người lớn. Đây là việc làm không dễ vì phải có vốn tri thức chung về các lĩnh vực liên ngành. Nhưng Mai Xuân Hòa đã thành công: “Đưa các chất liệu, sắc thái dân ca vào trong nhạc thiếu nhi phải nhuần nhuyễn, tinh tế và dễ tiếp thu. Và muốn có sáng tác hay về thiếu nhi, người nhạc sĩ phải luôn gần gũi và giàu tình yêu thương trẻ thơ”. Trong các ca khúc của Mai Xuân Hòa, chất dân ca và dân gian hòa tan, bàn bạc trong từng ca từ và giai điệu, làm giàu tính liên văn bản và tính chỉnh thể thẩm mỹ cho từng tác phẩm.
*
Mỗi nghệ sĩ chân chính đều có định phận và nghiệp phận của riêng mình. Nhạc sĩ Mai Xuân Hòa là một định phận và nghiệp phận đầy duyên nợ, tuy có gian nan và hệ lụy nhưng tựu chung là vinh dự và hạnh phúc. Hạnh phúc và vinh dự khi vừa bước vào con đường âm nhạc - khi tuổi đời còn rất trẻ, anh đã gặp Bác Hồ và được biểu diễn nghệ thuật sáo trúc cho Bác nghe, được Bác khuyến khích “Được lắm, hãy cố gắng hơn nữa để trở thành nghệ sĩ giỏi”. Lời động viên ấy chính là động lực, là bệ đỡ để anh tiếp tục theo đuổi con đường nghệ thuật không có điểm kết thúc mà anh gọi là nghiệp dĩ. Và anh đã thành công. Và với ca khúc dành cho thiếu nhi, là thành công nổi bật hơn cả. Đó là hành trình trò chuyện với tuổi thơ không tính năm, tính tuổi để âm nhạc mãi tươi xanh ước mơ và hy vọng cho thế giới thần tiên của tuổi trẻ mà cũng là của chính mình. Còn gì vinh dự và hạnh phúc hơn đối với một nhạc sĩ như thế! Xin chúc mừng và hy vọng vào những tác phẩm lớn cuối đời sắp hoàn thành mà anh luôn ôm ấp: “Khát vọng từ lúc tóc còn xanh, nay đã ngả màu sương trắng, nhưng tôi vẫn ôm ấp nỗi đợi chờ, khát vọng”. Đó là khát vọng một đời người, một đời nghệ sĩ đam mê hiến dâng và sáng tạo.
H.T.H
(SH285/11-12)
DƯƠNG BÍCH HÀ
Âm nhạc dân gian (ÂNDG) xứ Huế (chúng tôi muốn mở rộng không gian địa lý của nó bao gồm một số huyện từ phía Nam Quảng Trị trở vào) là một thành phần của văn hóa dân gian Huế, nhưng cũng là một bộ phận của âm nhạc truyền thống dân tộc.
TRƯƠNG TRỌNG BÌNH
Nằm trong hệ thống Tiểu nhạc, mỗi bài trong “Mười bản ngự” đều có thể diễn tấu một cách độc lập nhưng khi liên kết và trình tấu liên tục “Mười bản ngự” trở thành một hệ thống bài bản liên hoàn thống nhất tựa như một bài bản lớn.
PHAN THUẬN THẢO
Ca Huế là thể loại âm nhạc thính phòng dành cho giới danh gia vọng tộc, tao nhân mặc khách của Huế xưa. Thời điểm ra đời của Ca Huế không được ghi trong sử sách, song nhiều học giả đã dựa trên một số chứng cứ văn hóa - xã hội để đoán định rằng nó bắt đầu hình thành dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725).
PHAN THUẬN THẢO
Trong nhạc mục của Ca Huế hiện nay có một bài bản chính thống nhưng không mấy phổ biến, đó là bài Lộng điệp.
TÔN THẤT BÌNH
Nước Trung Quốc, về thời cổ "Vua Hán Vũ Đế (140 - 86 tr. Tây lịch) định lễ Giao tự để tế tiên địa tôn miếu và bách thần, mới đặt ra nhạc phủ.
DƯƠNG BÍCH HÀ
Xứ Huế là mảnh đất của thơ ca, là không gian của nhạc. Đặc điểm của Huế là sự dung hợp tự nhiên giữa dân dã với đô thị, cung đình; là ranh giới khó phân định giữa bác học với dân gian, giữa ngoại ô và nội thị...
PHAN THUẬN THẢO
“Di tình nhã điệu” là một văn bản Hán Nôm quý hiếm của âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Tác giả và niên đại không được ghi chép trên tài liệu này nên chưa được xác định chính xác.
TRẦN HỮU PHÁP
Những nhạc sĩ sáng tác chúng tôi mỗi khi gặp nhau thường nói vui có lẽ chúng ta phải chuyển ngành, bởi vì những tác phẩm chúng ta tạo ra từ trái tim của mình cứ phải nằm trong ngăn kéo qua năm tháng.
PHAN THUẬN THẢO
Các khái niệm trống và mái là một biểu tượng của cặp phạm trù âm - dương đã được sử dụng trong âm nhạc truyền thống Huế. Cũng như cặp phạm trù âm - dương, trống và mái thể hiện hai mặt đực và cái, sáng và tối, cương và nhu… đối lập.
NGUYỄN CÔNG TÍCH
Được sự đồng ý về mặt chủ trương của Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Văn học nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức Trại sáng tác Âm nhạc “Huế xưa và nay”, diễn ra từ ngày 08 đến 29/9/2018 với sự tham gia của 16 nhạc sĩ tên tuổi trong cả nước.
PHAN THUẬN THẢO
Quạnh quẽ màn loan, tay ôm đàn tình tang tích tịch
Cung réo rắt đau lòng riêng càng thêm chạnh, vì ai thêm bận
Ngồi trông bạn, kìa đâu bạn, mờ mịt trời mây én nhạn lìa đôi
Tình đau thương tình ôi…
VĨNH PHÚC
Dưới thời Khải Định (1916 - 1925), năm 1919 nhà vua cho lập một dàn nhạc kèn hơi theo kiểu Pháp để làm công tác đối ngoại, phục vụ cho các nghi lễ do triều đình tổ chức như các buổi đón khách, tiếp sứ…
Có tiếng trong giới mộ điệu âm nhạc từ thập niên 1990, song đến bây giờ nhạc sĩ (NS) Nguyễn Việt Hoàng mới đóng góp cho quê hương nhạc phẩm “Ai về cầu ngói Thanh Toàn” nhân Festival Huế 2018.
Trong chuyến thăm Việt Nam, ngày 4/3 sau khi đến Huế, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đã đến thăm Đại Nội và xem biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế tại Nhà hát Duyệt Thị Đường.
PHAN THUẬN THẢO
Bước sang thế kỷ XX, tình hình văn hóa xã hội của nước ta có nhiều biến chuyển theo những ảnh hưởng của văn hóa phương Tây sau nhiều thập kỷ chịu sự đô hộ của Pháp.
TRỌNG BÌNH
Những vũ khúc cung đình Huế luôn mang đậm tính triết lý và thẩm mỹ phương Đông. Ở đó, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các động tác múa, sự di chuyển đội hình theo các tuyến, ngang, dọc, xéo cộng với việc tạo hình tượng theo hình khối làm nên nét đặc trưng riêng biệt.
Nhạc: NGUYỄN TRUNG DŨNG
Thơ: LÊ BÁ NGỮ
TÔN THẤT BÌNH
Ba Vũ là đoàn múa cung đình độc nhất còn lại ở Huế đến ngày nay. Đây là một đoàn có nguồn gốc lịch sử lâu đời; có nghệ thuật trình diễn độc đáo.
Nhạc: THANH SỬ
Thơ: TRẦN THỊ TỐ NGA